Tranh Chaya diễn tả khung cảnh tấp nập của một thương thuyền Nhật Bản sắp cặp bến vào thương cảng Hội An vào năm 1640149 – Hình 19 và 20. Sau khi tiến vào Cửa Đại, ba chiếc ghe nhỏ kéo thẳng nó vào bờ. Trong hình cũng cho thấy một căn nhà dài, mái nhà tươm tất lợp rơm. Lối kiến trúc của mái nhà và sàn nhà cho biết nó là một ngôi nhà Nhật Bản, được các thương nhân Nhật Bản dựng lên và hiến tặng cho Chúa Nguyễn150. Đây là lối trang bị của một căn nhà nông thôn nōka với một mái nhà rơm theo kiểu irimoya ở đầu thế kỷ 17 dưới chế độ Mạc Phủ Tokugawa. Đàng sau nhà có một cột gác cao, hướng về phía bờ sông. Toàn bộ khu nhà nằm sát bên bờ sông; cây cối xén gọn; trông rất tươm tất. Về hướng đông, không xa căn nhà khách cho lắm là một con đường đất, hai bên trồng cây thẳng lối, chạy về hướng tây. Đó là Hội An, nơi hội chợ để trao đổi thương vật giữa các thương nhân Đàng Trong, Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha hay Hà Lan. Căn nhà đồ sộ mà chúng tôi đặt tên một cách nôm na là Trạm Thương Khách nằm về hướng tây nam Điện Bàn là nơi Công Tử Nguyên (1602-1613), con trai trưởng của ngài Công Tử Kỳ (1613-1631), hay con trai út Công Tử Anh (1631-1635) tiếp cận các thương nhân ngoại quốc vào đầu thế kỷ 17.
Tranh Chaya (Hình 19) miêu tả cuộc hải hành của một chiếc thuyền buôn thuộc gia đình Chaya Shirojiro đến Hội An. Gia đình này rất nổi tiếng ở Nhật Bản và là một trong số vài thương gia được Mạc Phủ Tokugawa ưu đãi và cấp giấy thông hành mỗi năm gọi là Châu Ấn Trạng151 đến Hội An mua lụa và các sản phẩm khác.
Sự thật thì cái tên họ Chaya (có nghĩa là “quán nước trà” trong tiếng Nhật Bản) không phải là tên họ thật của dòng họ quí phái này – “Shirojiro” mới là thật. Câu chuyện kể lại trong thời vua Tenbun (1532-1554), một hiệp sĩ mang tên họ Nakajima, thuộc địa phận Lãnh Chúa Shirojiro trong tỉnh Yamashiro mở một quán trà ở Tokyo. Hàng ngày, vì quá yêu thích mùi vị trà của quán này, Mạc Phủ Ashikaga Yoshiteru thường không quên ngừng chân thưởng thức vị thơm của trà Nakajima. Bắt đầu từ đó, dòng họ này lấy tên là Chaya và cái họ Nakajima bị quên lãng đi. Sau này Lãnh Chúa Shirojiro của tỉnh Yamashiro phục tòng Mạc Phủ tướng quân Tokugawa Iyeyasu và trong cuộc nội chiến sau đó lập rất nhiều chiến công. Sau khi chiến thắng trong cuộc nội chiến, dòng họ Shirojiro được Iyeyasu ban ơn huệ buôn bán lụa nhập cảng tử Đàng Trong. Khi đến Đàng Trong trong nhiều năm, nhà buôn lụa này được gọi là Chaya Shirojiro152.
Nhìn Hình 20 – Tranh Chaya Điện Bàn (1640) một cách tổng quát, chúng ta có cảm tưởng một cảnh vui nhộn, nhưng không kém êm đềm giữa người và nước non bao la. Một điều nên lưu ý là sông Thu Bồn khi đổ về hướng thành phố Hội An lúc ấy rộng bao la. Trong khi đó, cũng như trong Tranh Chaya, Huyện Duy Xuyên trông giống như một thoi nhọn chọc thẳng hướng về góc quẹo quanh của Sông Cầu Mống. Nằm trên cùng mũi thoi là xã Câu Lâu (Hiện nay là Điện Phương Đông). Tranh Chaya cho thấy xã Câu Lâu có một cái chợ rất lớn bao gồm ba dãy sập dài tiếp nối với nhau và xếp gọn thành chữ U. Để tránh mưa, che nắng ở phía trên là mái nhà lợp bằng rơm. Vùng bãi bồi Câu Lâu nằm giữa xã Câu Lâu và xã Mỹ Xuyên đông và tây.
Sau đây là sự suy nghĩ của chúng tôi hiện giờ chỉ dựa vào Tranh Chaya.
Càng quan sát tỉ mỉ cảnh vật trong Tranh Chaya khiến chúng tôi hình dùng cảnh thơ mộng của ngày nào, chúng tôi càng cảm thấy cảm khoái hơn. Non nước Việt Nam ngày xưa rất đẹp một cách thiên nhiên, hùng vĩ. Chỉ cần tưởng tượng chính mình đang đứng bên bờ nam Sông Chợ Củi nhìn về hướng bắc chỉ có thể cảm thấy con người quá nhỏ bé vì chúng tôi không nhìn rõ cảnh vật bên bờ kia. Có thể chúng tôi chỉ cảm nhận bằng trực giác mấy lá cờ bay trắng lẫn đỏ bay lất phất, xa xa trên chiếc thuyền buồm Nhật mới cập bến. Nằm bên cạnh nó là Trạm Thương Khách, đồ sộ, cất lên bằng thanh gỗ tròn, vĩ đại, dài thườn thượt dựng cao ngất trời. Chúng tôi cũng tưởng ra được nụ cười niềm nở trên mặt của Công Tử Kỳ, vị trai trưởng của Chúa Sãi độ tuổi 40 đang ngồi ghế trên bục cao, nhìn xuống và niềm nở đón tiếp đón một vài vị khách Nhật Bản quì dưới sàn đất vào đầu thế kỷ 17. Chúng tôi ước gì mình được trở về quá khứ để được hưởng thụ giây phút thần tiên này.
Để dễ dàng hình dung ra hình thù sông ngòi chung quanh Điện Bàn và địa mạo đất đai vào năm 1640, cũng như sự thay đổi từ 1602 đến 1640, sau đây là hình ảnh của Tranh Chaya vẽ chồng lên địa phận và thủy phận của vùng Điện Bàn vào đầu thế kỷ 17 – Hãy xem Hình bên dưới.
Chúng tôi nghĩ, Hình 20 phản ảnh địa lý xác thực của miền nam Điện Bàn và đầm Hội An khi G.S. Pina dọn nhà về Dinh Chiêm từ Nước Mặn, Qui Nhơn vào khoảng hè năm 1620.
Khác với những năm trước kia, sông Câu Lâu mà trong Chu Kỳ 1 đã từng chảy cuồn cuộn thẳng ngang qua huyện Duy Xuyên tách rời xã Câu Lâu (hãy trở lại xem Hình 9) ra khỏi huyện Duy Xuyên, nay đã biến thành một bãi bồi rất rộng lớn (dựa theo tên của nhánh sông, chúng tôi tạm thời gọi nó là bãi bồi Câu Lâu). Nối liền với bãi bồi Câu Lâu, ở phía nam là hai xã Mỹ Xuyên Tây và Đông.153 Ở phía bắc, nằm trên vòm vẫn là địa phận của xã Câu Lâu (gò nổi hình như chiếc lá). Cũng như trước đây, sông Cầu Mống mở rộng hơn trước nhiều; nó được cung cấp bởi hai sông Chợ Củi (sông Thu Bồn ở miền thượng du) và sông Dưỡng Chân và nay sát nhập thành một. Đây là sự thay đổi rõ rệt trong Chu Kỳ 2 mà vùng nam Điện Bàn đã trải qua. Tuy nhiên, vì tranh Chaya chỉ tượng trưng cho một đốm sáng trong lịch sử vào khoảng 1640, chúng tôi hoàn toàn không biết Chu kỳ 2 đã bắt đầu từ khi nào. Nhưng giống như tranh Chaya, qua các bản đồ cổ khác, hiện tượng này cũng đã xảy ra nhiều lần trong những năm 1859 (Hình 22), 1886 (Hình 23) và khoảng 1907-1916 (Hình 7). Vào những thời điểm này, địa thế của nam Điện Bàn đã thay đổi nhiều, có lẽ những năm trứớc có nhiều hạn hán liên tiếp. Vào năm ấy 1617, lịch sử Đàng Trong cho biết mùa màng và ruộng mương khô héo.154 Có lẽ sau nhiều năm như thế, sông Câu Lâu, một phần bị bồi dưỡng quá nhiều bởi phù sa nay đã bị cạn nước và cuối cùng biến thành một bãi bồi to lớn. Đây là một lối suy nghĩ của chúng tôi để giải thích tại sao sông Câu Lâu lại biến đổi như thế. Còn lý do thật sự là gì, chúng ta phải cần thêm sự giúp đỡ của nhà địa lý học, địa chất học hay khảo cổ học sau này.
Ở phía nam của xã Câu Lâu, nay Sông Câu Lâu đã bị bít kín, vì thế, cả hai dòng nước từ Sông Chợ Củi và Sông Dưỡng Chân chảy đổ dồn về hướng Sông Cầu Mống khiến nó dâng cao và bành trướng rộng hơn; chỉ tưởng tượng chúng ta cũng có thể nhận thức rằng trong những mùa lụt lội, nước sông bỗng nhiên dâng cao rất nhanh chóng và cuốn đi nhà cửa hai bên bờ sông; đất đai hai bên bờ bắt đầu lở sập. Không những thế, các miền thượng lưu bắt đầu từ sông Chở Củi trở lên, vì số lượng nước quá lớn và bị ứ đọng, cũng bị ảnh hưởng trầm trọng trong mùa lụt lội. Chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ thấy thiên tai lụt lội, sạt lở chắc chắn phải kinh hoàng vì rất nhiều nhà cửa, nhân mạng bị nước cuốn ra biển. Có lẽ bị sạt lở thường xuyên nên hai bên bờ con sông Cầu Mống trong Chu Kỳ 2 có vẻ mở rộng hơn trước rất nhiều. Chúng tôi nghĩ có thể lụt lội là một trong những lý do chính mà Chúa Nguyễn quyết định dời lỵ sở Cần Húc về hướng tây nam tiến về xã Thanh Chiêm và cũng vì vậy mà thành trì Dinh Chiêm được xây dựng trong địa phận nam Điện Bàn hướng về Sông Chợ Củi. Nơi đây dòng Sông Chợ Củi rộng lớn; mạch nước chảy hiền hòa, rất tiện lợi cho thủy, thương vận trên sông.
Trong Chu Kỳ 2 này, chúng tôi nghĩ lãnh thổ của huyện Duy Xuyên bành trướng rất rộng bao trùm luôn các xã đã từng lệ thuộc về huyện vào huyện Diên Khánh như Câu Lâu, Đông An, Phú Chiêm, Mỹ Xuyên đông, Mỹ Xuyên tây, v.v… vì các xã này nằm gần huyện Duy Xuyên hơn là Diên Khánh. Nếu đây là lý do xác thực thì địa lý sông ngòi và địa mạo vùng nam Điện Bàn trong chu kỳ này khác hẳn năm 1776, khi Lê Quí Đôn xuất bản sách Phủ Biên Tạp Lục.
Từ tranh Chaya vào đầu thế kỷ 17, chúng ta có thể kết luận rằng tình trạng thay đổi của hai sông Câu Lâu và Cầu Mống tiếp diễn theo Chu Kỳ 2, đó là sông Cầu Mống trở thành sông lớn, còn lòng sông Câu Lâu bị khô cạn và trở thành bãi bồi khổng lồ. Chu kỳ này có thể thấy bắt đầu nhiều năm trước 1640 như trong Tranh Chaya đã vẽ, nhưng mãi đến hơn 200 năm sau (1859) – Hãy xem Hình 22, nó mới trở lại trong lịch sử sông ngòi tại nam Điện Bàn. Tiếp tục hiện tượng này, chúng ta sẽ thấy chu kỳ này tiếp tục trong đời vua Đồng Khánh (1886) – Hình 23, và nhất là qua tấm bản đồ thời Pháp thuộc (1907-1916) – Hình 7 cho thấy địa phận nam Điện bàn đã thay đổi rất nhiều và rất giống như trong tranh Chaya. Trong Chu Kỳ 2, huyện Duy Xuyên có lẽ bành trướng lớn rộng ra bao gồm luôn cả xã Câu Lâu, vùng đất mầu mỡ bãi bồi Câu Lâu và một số xã nằm giữa biên giới hai huyện Duy Xuyên và Diên Khánh như Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Bình An Thượng, Thạch Bàn, v.v.. Dĩ nhiên, trong Chu Kỳ này, huyện Diên Khánh bị nhỏ đi vì mất đi các xã này.
Nhưng dưới đời vua Gia Long, địa bạ Quảng Nam (1812) cho thấy xã Câu Lâu lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên.155 Ngoài ra, sông Câu Lâu lúc đó cũng là sông nhỏ,156 nên chúng ta có thể suy luận thêm là sông Chợ Củi lúc này cũng là sông nhỏ (vì hai nhánh sông chính này nối liền với nhau). Nhưng ngược lại sông Dưỡng Chân, dưới đời vua Gia Long, lại là sông lớn.157 Quang cảnh này rất giống như được diễn tả trong tranh Chaya – sông Cầu Mống cũng là sông lớn. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng vào thời vua Gia Long (1762-1820) và chúa Sãi (1563-1635), sông ngòi vùng nam Điện Bàn đang nằm trong Chu Kỳ 2. Và cũng vì thế, những điều kiện trong điều khoản 3, cùng với điều khoản 2 trong Giả Thuyết về Sông Ngòi Nam Điện Bàn đều phản ảnh sự thật. Dựa vào tranh Chaya, xã Câu Lâu có thể lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên vì nằm sát bên cạnh huyện này, cách nhau bởi bãi bồi Câu Lâu.
Riêng về xã Cần Húc, kể từ đầu thế kỷ 17, chúng tôi nghĩ nó lúc nào cũng lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên vì Cần Húc biểu hiện cho thuộc đúc đồng Cần Húc mà thuộc này luôn luôn là sở hữu của huyện Duy Xuyên. Lịch sử nam tiến trong thời chúa Hiền (1620-1687) đã chứng minh rằng không những các thuộc Đúc Đồng đã tồn tại mà dự án đúc súng thần công cũng thành công trọn vẹn dưới đời vị chúa này. Vì thế, xã Cần Húc không thể bị đổi về huyện Diên Khánh được cho đến khi thuộc Cần Húc bị bãi bỏ. Dựa theo lịch sử, chúng tôi phỏng đoán rằng sau năm 1806, khi xã Cần Húc bị đổi tên thành Văn Đông thì thuộc Cần Húc không thể tồn tại được nữa. Chúng tôi tiện đây cũng muốn nhắc nhở rằng Lê Quí Đôn, vào năm 1776, còn cho biết rằng lúc ấy, xã Cần Húc vẫn lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên.158