Công cuộc kế tiếp của chúng tôi là đi tìm kiếm vị trí của Trạm Thương Khách bên bờ Sông Chợ Củi mà vào năm 1640, các thương nhân Nhật Bản ghé thăm Trấn Quan Quảng Nam. Nhìn vào Tranh Chaya, chúng ta sẽ thấy căn nhà ngang rộng lớn này nằm sát bên bờ sông tiếp giáp với Đường Thiên Lý. Trong nhiều thế kỷ trước, ở phía tây nam Sông Chợ Củi, con đường đất Thiên Lý chạy dọc sát theo bờ sông phía tây nam. Nằm trên bờ sông, con thuyền Châu Ấn Nhật Bản thả neo gần Trạm Thương Khách. Tuy nhiên, qua nhiều năm tháng dài, Tranh Chaya không được hoàn toàn vì bị mất hai nơi. Nói chung, bức tranh bị rách giữa Khúc Lũy và cửa sông Điện Bình nên chúng tôi phải tìm cách bổ khuyết vào chỗ trống cho hợp lý (Hãy xem Hình 36).
Vào khoảng năm 2015, chúng tôi đã đọc một bài báo nói rằng các nhà khoa học dùng vệ tinh nhân tạo chụp hình, vừa khám phá ra một hệ thống sông ngòi cổ nằm dưới lớp cát vàng trong sa mạc Sahara ở Phi Châu. Hệ thống sông ngòi này đã hiện hữu khoảng 2.000 đến 5.000 năm về trước. Nếu chụp hình bình thường, các nhà bác học không thể tìm ra điều nhiều kinh ngạc và thú vị như thế này. Cũng vì thế, chúng tôi nảy ra một ý nghĩ, đó là dùng hình satellite từ Google hay Google Earth, chụp trong vùng nam Điện Bàn với hy vọng rằng chúng tôi có thể nhận dạng ra bờ sông nơi con tàu buôn Nhật Bản thả neo bên cạnh tòa nhà Trại Thương Khách trước năm 1640. Tuy không chắc chắn, chúng tôi tin tưởng rằng mình có thể khám phá ra nhiều điều mới mẻ và bổ ích vì hình chụp từ vệ tinh có thể xuyên thấu qua nước và bùn lầy; các địa phận cao sẽ có màu nâu hay xam xám, còn các địa phận thấp như đồng ruộng, đất trũng sẽ có màu xanh lá cây. Riêng các vùng thật thấp sẽ có màu nâu hay đen đậm. Từ đó, chúng tôi có thể nhận dạng ra các sông ngòi cổ, đầm, hồ, cồn, gò, bãi bồi do đất phù sa tạo ra. Sau khi loại bỏ các địa điểm thấp bồi bổ từ phù sa trong quá khứ, chúng tôi hy vọng sẽ có một khái niệm tổng quát về địa hình của nam Điện Bàn trong nhiều thế kỷ trước. Thường thường sau nhiều thế kỷ, phù sa bồi đắp bờ sông theo thứ tự thời gian và qua nhiều lớp trầm tích chồng chất lên khác nhau. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy rõ những đường lớp phù sa rõ rệt nằm bên bờ sông Chợ Củi, nơi Trạm Thương Khách được xây lên. Sau đó, chúng tôi sẽ dùng những chi tiết trong Tranh Chaya và so sánh với hình ảnh vệ tinh của Google để mong nhận diện ra bờ sông Chợ Củi.
Nhìn vào Hình 17 chúng tôi nhận thấy rằng địa hình Nam Điện Bàn và sông ngòi hiện nay (2023) đang trong Chu Kỳ 3 – Hãy xem Bảng 3. Trong chu kỳ này, Sông Cầu Mống gần như khô cạn. Số lượng nước chảy từ Sông Câu Lâu và Dưỡng Chân chảy vào nó rất it ỏi. Hình 17 cũng cho thấy hai con đường Quốc Lộ (QL) xưa và nay. Đường đất Thiên Lý (còn gọi là đường Cái Quan) là tuyến đường cũ kĩ nhất nằm cuối cùng gần bờ sông Chợ Củi nhất; tuyến đường thứ hai là đường Nguyễn Hoàng trước đây là QL-1 được xây cất từ thời Pháp thuộc vào khoảng 1925; còn con đường QL-1A được xây cất trong khoảng thời gian gần đây (sau 2000). Trong công cuộc tìm kiếm Trạm Thương Khách, chúng tôi chỉ muốn để ý đến con đường cổ Thiên Lý mà thôi vì hai tuyến đường Quốc Lộ được xây dựng và chỉ tồn tại về sau này. Chúng tôi cũng tiên đoán rằng vị trí của Trạm Thương Khách rất gần nội thành Dinh Chiêm. Vì tránh lụt lội, nó có thể cũng được xây trên một nền đất cao hơn chung quanh. May thay, chúng tôi đã tìm thấy một website lấy tên là www.floodmap.net cho biết độ cao của đất đai cả thế giới bao gồm cả Việt Nam. Khi chúng tôi vào website và đặt chiều cao của mặt nước sông là 11 m, hầu hết cả vùng nam Điện Bàn đầu nằm dưới mặt nước, ngoại trừ một vài nơi như Thành Điện Bàn, dọc tuyến đường Thiên Lý và xã Đông An. Điều này cho thấy rất có thể Trạm Thương Khách nằm dọc theo tuyến đường Thiên Lý vì, theo chúng tôi nghĩ, trong đầu thế kỷ 17, con đường đất này nằm sát theo bờ sông Chợ Củi. Hơn nữa, trạm khách này nằm kế bên cạnh các con đường đường bộ nếu đi bằng xe ngựa. Sau đây là các vùng đất cao ở miền nam Điện Bàn mà website này cho biết (Hình 32):
Kế tiếp, vẫn dùng website này, chúng tôi tăng mực nước lên đến 12 m với mục đích là để xem đâu là điểm cao nhất trên tuyến đường Thiên Lý. Kết quả là hầu hết nam Điện Bàn đều nằm dưới mặt nước, ngoại trừ một vài nơi. Riêng trên tuyến đường Thiên Lý, có hai địa điểm cao đáng kể mà có thể là nơi lập Trạm Thương Khách được. Hãy xem địa điểm 1 và 2 trên Hình 33 sau đây:
Bắt tay vào công việc chính, chúng tôi tìm kiếm một bản đồ chụp từ vệ tinh trong Google Map cho miền nam Điện Bàn (Hãy xem Hình 34) và bắt đầu công việc tìm ra những đầm, hồ và sông. Điều ngạc nhiên là hình dáng các sông ngòi xưa và nay hiện ra rất rõ, kể cả các đầm lầy và hồ ao. Từ hình vệ tinh, chúng tôi có thể thấy phường Điện Phương bị chia ra hai phần đông và tây bởi con sông Cầu Mống. Cũng giống như những gì vẽ trong Tranh Chaya (1640), sông ngòi ngày xưa rất rộng kể cả sông Cầu Mống, sông Câu Lâu và sông Chợ Củi. Chúng tôi cũng nhận thấy hình chụp vệ tinh rất ăn khớp với hình ảnh lấy ra từ floodmap.net. Nói chung là miền nam Điện Bàn ngày xưa loang lổ đầm lầy với gò bồi khắp nơi. Muốn tìm kiếm một nơi cao ráo để dựng một dinh thự lại gần bờ sông và đường bộ cho thuận tiện lưu thông thật khó khăn. Nghĩ về Chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) khi đi ngang qua Cần Húc có lẽ rất hài lòng về địa thế vùng này vì nó nằm trên một vùng đất cao, lại gần sông Cầu Mống, cách Hội An không xa (khoảng 5, 6 cây số) nên cuối cùng quyết định đặt lỵ sở dinh trấn Quảng Nam tại đây. Nơi đây chính là xã Cần Húc. Có lẽ điều ngài không thể ngờ là nạn lụt lội ở miền nam Điện Bàn xảy ra rất thường xuyên. Có khi nước lủ kéo đến phá bờ sông, chọc thủng đất đai, thay đổi đường hướng trước kia của sông Cầu Mống. Và chính vì lý do này, theo chúng tôi nghĩ, ngài mới di dần Dinh Chiêm về phía tây nam đi theo con đường đất chạy đến bờ sông Chợ Củi.
Công việc kế tiếp là tìm kiếm bờ sông Chợ Củi nằm phía tây nam Điện Bàn, gần tuyến đường Thiên Lý chạy song song theo bờ sông. Xem xét kỹ lưỡng các cồn bồi nằm phía bên trái tuyến đường Thiên Lý, chúng tôi nhận thấy một đường ranh giới mờ nhạt do phù sa bù đắp. Theo đó, chúng tôi dùng mực xanh lá cây vẽ theo và tẩy sạch các gò bồi ngoài con đường ranh giới này. Chúng tôi tin tưởng rằng mình đã tìm ra bờ sông Chợ Củi đầu thế kỷ 17. Hãy xem Hình 35.
Bây giờ hãy ghi nhận Chi Tiết B, C, D và E trong Tranh Chaya rồi so so sánh từng vị trí một với hình vệ tinh Google Map:
Để định rõ vị trí của Trạm Thương Khách, chúng tôi sẽ dùng những chi tiết của Hình 34, 35 và kết nối với Hình 36. Sau khi quan sát kỹ lưỡng và tỉ mỉ cả ba hình, chúng tôi cho rằng trạm đón khách có thể nằm trên mảnh đất cao (mảnh đất số 1 trên Hình 33) với chiều dài khoảng 40-50 m, và chiều rộng khoảng 20-25 m, sát bên bờ sông Chợ Củi, bên trái tuyến đường Thiên Lý – nó nằm sát cạnh Khu Thể Thao Đông Phương 1 hiện nay ở phía nam.
Trạm Thương Khách là một tòa nhà ngang làm bằng gỗ tương đối rất đồ sộ. Quan sát kỹ cho thấy rằng có hai sàn nhà cao, thấp được thiết kế theo lối nhà người Nhật Bản. Sàn nhà cao là nơi chủ nhà ngồi tiếp khách. Trước khi vào nhà, quan khách đi qua một sân rộng; trước là cửa chính.
Nằm hai bên bên cửa, dọc theo hàng rào tre là 4 khẩu thần công đúc bằng đồng chổng đầu lên không trung như trông chờ đón khách vậy. Bên bờ sông hiền hòa có con tàu buôn shuinsen Nhật Bản đang thả neo; cờ đỏ bay phất phới theo chiều gió. Căn nhà này đối diện với góc tường thành bắc-tây bắc của nội thành. Chúng tôi nghĩ, để vào thành, phái đoàn thương nhân phải ra tuyến đường Thiên Lý đi về phía đông nam, chạy võng hay ngựa theo con đường trước cửa thành chính nằm ở góc tây nam – Các thành trì ở Trung Quốc hay Đại Việt đều có cửa chính đặt ở phía nam thành. Chúng tôi nghĩ đặt Trạm Thương Khách trước mặt thành, ngay bờ sông Chợ Củi là đúng cách. Mảnh đất số 2 trên Hình 33, nằm ngay ngã ba tuyến đường Thiên Lý và Nguyễn Du nay, không thích hợp vì quá chật hẹp. Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy chòi canh cao nhìn về hướng sông nằm đàng sau trạm khách. Để bảo vệ sự an toàn cho các thương nhân và Công Tử Kỳ, căn nhà đều bao kín bởi ba mặt sông ngòi và thành trì. Đó là không kể lính canh gác cầm kiếm dài đứng khắp nơi. Hãy xem Hình 37.
Nếu để ý thêm một chút chúng ta sẽ nhận thấy cơ sở Đúc Đồng Phước Kiều nằm bên cửa tây bắc của nội thành Dinh Chiêm cách cửa thành khoảng 100 m mà vị trí nó nằm giữa hai con sông chắn ngang mặt thành bắc của Dinh Chiêm. Ngoài ra, nhà thờ Công Giáo Phước Kiều (Andre Phú Yên) mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó chính là ngôi nhà thờ mà G.S. Francisco de Pina đã xây dựng vào năm 1623 nằm cách mặt thành không xa, khoảng 300 m về hướng tây bắc. Còn Chợ Tổng nổi danh ở Thanh Chiêm cũng hiện diện trong hình, nhưng đối với nội thành Dinh Chiêm, nó quá mới mẻ vì được xây dựng vào khoảng 1945. Dựa theo bản đồ thời Pháp Thuộc (1907-1916) – hình 7, khu chợ này có thể nằm dọc theo mặt nam của nội thành Dinh Chiêm hoặc nằm hẳn trong nội thành. Nếu nhìn về góc đông bắc trên mặt thành, nếu đứng từ vị trí này chúng ta có thể nhìn qua đường Nguyễn Du xưa và thấy được trường THCS Nguyễn Du hiện nay.