Trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi đến nay, chúng tôi vẫn dành hết thì giờ tìm hiểu cuộc đời ngắn ngủi của Giáo Sĩ (G.S.) Francisco de Pina (1585-1625)1, một Linh Mục dòng Tên2 mà chúng tôi rất kính ngưỡng. Hiện nay, ai ai cũng công nhận rằng ngài là người tiên phong trong việc phát triển chữ Quốc Ngữ. Đây là một công trình rất vĩ đại mà ngài đã dành cho chúng tôi, những con dân người Việt. Vì thế, bài viết này ngoài việc tìm hiểu về cuộc sống của ngài ở ngoại thành Dinh Chiêm (Dinciam) bắt đầu từ năm 1620, chúng tôi muốn chứng tỏ sự cảm ơn từ đáy lòng của chúng tôi đối với ngài.
Trong 8 năm tận tụy ở Đàng Trong – từ 1617 đến 1625, đi theo lời kêu gọi của Thượng Đế, vị giáo sĩ quí mến này đã hy sinh cả cuộc đời để phục vụ người dân tộc Việt Nam trong nhiều địa phương khác nhau như Hội An ở Dinh Quảng Nam3, lúc ngài bắt đầu trên con đường giảng đạo ở Đàng Trong, cho đến tận chân trời xa tại Nước Mặn ở Dinh Qui Nhơn. Trước khi mất, ngài dành rất nhiều thì giờ phục vụ giáo dân tại thành phố Dinh Chiêm, cách Hội An khoảng 9 km về phía tây.
Tuy hiện tại, chúng tôi có thể tìm hiểu rất nhiều về Huế và Hội An từ sách vở và tài liệu trong mạng và thư viện, nhưng lại không biết gì về hai nơi như Nước Mặn và Dinh Chiêm mà ngài thường lui tới. Vì thế, bài nghiên cứu này chúng tôi sẽ dành riêng để thỏa mãn sự tò mò ham học hỏi của chúng tôi về thành phố Dinh Chiêm, một nơi mà G.S. Pina dành rất nhiều thì giờ quí báu của ngài trong việc phát triển chữ Quốc Ngữ bằng cách dùng ký âm Việt chuyển qua những mẫu tự chữ Bồ Đào Nha. Dựa theo lịch sử, tại đây, ngài cũng đã thành lập một nhà thờ và mở trường dạy học tiếng Việt đầu tiên ở Đàng Trong cho hai vị giáo sĩ trẻ Alexandre de Rhodes (1593 - 1661) và Antonio Fontes (1592 - sau 1655) khi họ mới đặt chân lên Đàng Trong cuối năm 1624.