Chén có đủ loại: bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng phalê, có những chén chạm trổ cầu kỳ, có những chén rất đơn giản, hình dáng thanh tao, có những chén bình thường bằng thủy tinh. Dù hình thức hay giá trị nào, chén cũng dùng để uống. Uống và ăn là những việc làm phổ thông nhất của con người. Chúng ta uống để sống, nhưng thỉnh thoảng thức uống cũng giết hại chúng ta. Nói ai “uống quá nhiều” có nghĩa là người đó nghiện rượu và từ đó kéo theo các vấn đề gia đình, xã hội. Nhưng khi nói “Mời đến uống với tôi một ly” là dấu hiệu của tình bạn và hiếu khách, dấu hiệu của thân mật và dâng mừng.
Không quá ngạc nhiên khi chén tượng trưng cho một cái gì phổ thông. Hơn nữa, chén được dùng trong nhiều trường hợp, thể hiện và diễn tả các kinh nghiệm và tình cảm khác nhau của con người.
Chén tượng trưng cho chiến thắng. Trong các cuộc tranh giải thể thao, người thắng cuộc chiếm được cúp, và thường các nhà vô định mang tên “cúp” cho bộ môn thắng giải của mình: cúp đá bóng, cúp ten-nít. Ai cũng thèm muốn các cúp này, vì nó tượng trưng cho thành công, dũng cảm, khéo léo, sức mạnh và danh tiếng.
Thỉnh thoảng chén tượng trưng cho cái chết. Chén bạc của Giuse tìm thấy trong túi Benjamin, có nghĩa là chén bị lấy. Các chén của Isaia và Giêrêmia là những chén giận dữ của Thiên Chúa và của hủy hoại. Chén của Socrate là chén tẩm thuốc độc, chén hành quyết của ông.
Chén mà Đức Giêsu nói không tượng trưng cho chiến thắng hay cái chết. Đó là chén sự sống, rót đầy niềm vui cũng như nỗi buồn mà chúng ta có thể cầm, nâng lên và uống như lời chúc phúc và con đường cứu rỗi. Đức Giêsu hỏi chúng ta: “Con có thể uống chén Ta sắp uống không? “ Câu hỏi này mỗi ngày có một ý nghĩa khác nhau. Ngày này qua ngày khác, chúng ta có thể đón nhận những gì cuộc đời dành cho chúng ta không? Có những lúc hứng khởi, chúng ta trả lời vâng ngay lập tức, lúc khác thì chúng ta chỉ muốn từ chối. Chúng ta cần phải quan tâm đến lúc thuận cũng như lúc từ, nếu chúng ta muốn hiểu câu hỏi và lượng đúng tầm quan trọng của nó.
Giacôbê và Gioan đã không có một ý nghĩ nào về những gì các ông thuận. Họ không hiểu Đức Giêsu là ai và sứ mệnh của người là gì. Họ cũng không tưởng tượng được Đức Giêsu, là Thiên Chúa, sẽ bị phản bội, tra tấn, sẽ chết trên thập giá. Họ cũng không nghi ngờ gì về chính đời sống của họ sẽ đánh dấu bởi những cuộc lên đường mệt nhọc, bức hại và tử dạo, và qua lời tuân thuận của họ, họ kết hợp với đau khổ của Đức Giêsu.
Và phần thưởng nào dành cho các việc như vậy? Mẹ của Giacôbê và Gioan muốn có một đặc ân cụ thể: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy”. Như thế, cả ba đã có một ý định cụ thể về điều họ muốn: quyền lực, ảnh hưởng, thành công và giàu có. Họ chuẩn bị để đóng một vai trò quan trọng khi nhà cầm quyền La-mã bị tống đi, khi Đức Giêsu thiết lập nước của Người và thành lập hội đồng bộ trưởng.
Tuy nhiên, mặc dù cho các nhận thức sai lầm, họ cũng bị xúc động sâu xa bởi Đức Giêsu. Qua sự hiện diện của Người, họ biết có một cái gì mới tận căn, một cái gì vượt quá những gì họ tưởng tượng. Điều này có liên hệ đến tự do bên trong, tình yêu, lòng ưu ái, hy vọng và hơn tất cả, đến Con Người vô tận của Thiên Chúa. Đúng, họ muốn quyền lực và ảnh hưởng, nhưng trên tất cả, họ muốn ở gần Đức Giêsu. Dòng chảy sau này của đời họ sẽ làm cho họ thấy dần dần họ đã trả lời vâng cho cái gì. Họ học làm người phục vụ thay vì làm chủ, học giữ chỗ cuối cùng thay vì chỗ trên cùng, học trao ban đời sống của mình thay vì điều khiển đời sống của người khác. Mỗi lần trả lời là mỗi lần làm lại chọn lựa. Họ muốn ở lại với Đức Giêsu hay muốn ra đi? Họ muốn theo chân Đức Giêsu hay muốn tìm quyền lực ở nơi khác?
Sau này, Đức Giêsu đặt họ trước một thách đố cụ thể: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao? “ Simon-Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:67-69). Các bạn của ông và ông đã nhận biết Nước Trời mà Đức Giêsu nói. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: “Con có thể uống chén Ta sắp uống không? “ Và mỗi lần hỏi là mỗi lần họ trả lời vâng. Vậy chỗ nào là chỗ của họ trong Nước Trời? Có thể họ không có một chỗ như họ mong chờ, nhưng có thể họ có một chỗ ở gần Đức Giêsu hơn các môn đệ khác không?
Câu trả lời của Đức Giêsu cũng trực tiếp như câu hỏi: “Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai thì người đó mới được” (Mt 20:23). Uống chén không phải là một hành vi anh hùng đòi có phần thưởng. Đó không phải là cho qua cho về. Đó là một hành vi yêu thương không vụ lợi, một hành vi tuân thuận Thiên Chúa, Đấng sẽ cho chúng ta những gì khi chúng ta cần.
Đức Giêsu mời chúng ta uống chén này nhưng không hứa cho chúng ta phần thưởng: đó là thách đố lớn nhất của đời sống thiêng liêng. Điều này vượt quá tất cả hy vọng và tính toán của con người. Điều này thách thức tất cả mọi ước muốn dự trù, muốn biết trước mọi chuyện. Điều này lật ngược mọi hy vọng của tương lai dự định trước và phá hủy mọi đặt để an toàn mà chúng ta bày đặt ra. Điều này đòi hỏi lòng tin tưởng tận căn vào Thiên Chúa, giống như lòng tin tưởng của Đức Giêsu khi người uống cạn chén.
Uống chén mà Đức Giêsu đã uống, đó là sống đời sống trong và với tinh thần của Đức Giêsu, tinh thần yêu thương không điều kiện. Tình mật thiết giữa Đức Giêsu và Abba, Cha Người, là tình mật thiết xây dựng trên lòng tin tưởng tuyệt đối, nơi không có trò chơi của quyền lực, không có hứa hẹn qua về, không có thỏa thuận trước. Đó là tình yêu tinh tuyền, không hạn chế và không giới hạn. Hoàn toàn cởi mở, tuyệt đối tự do. Tình mật thiết này đã cho Đức Giêsu sức mạnh để uống chén của Người. Đức Giêsu muốn chia sẻ tình mật thiết này với chúng ta để chúng ta có thể uống chén của mình. Tình mật thiết này mang một cái tên: Thần Khí. Sống đời sống thiêng liêng là sống đời sống trong đó Thần Khí lan tỏa tình yêu trong quả tim, hướng dẫn và cho chúng ta sức mạnh để trả lời vâng cho câu hỏi lớn lao này.
Gần bốn mươi năm qua ngày Hồng y Bernard Alfrink phong chức cho tôi và ngày cậu Antôn cho tôi chén thánh vàng.
Sáng hôm sau, tôi dâng lễ mở tay ở nhà nguyện các nữ tu trong chủng viện. Đứng trước bàn thờ, lưng quay lại các nữ tu, những người rất tốt với tôi trong sáu năm học triết học và thần học, tôi chậm rãi đọc tất cả lời cầu nguyện và bài đọc bằng tiếng La-tinh. Trong phần dâng lễ, tôi cẩn thận cầm chén thánh. Sau khi đọc lời truyền phép, tôi nâng chén thánh lên quá đầu để các nữ tu có thể thấy. Và, trong lúc chịu lễ, sau khi đã rước và phát bánh thánh, tôi uống chén bởi vì tôi là người duy nhất được uống chén vào thời buổi đó.
Đó là một kinh nghiệm huyền bí và thân mật. Đối với tôi, sự hiện diện của Đức Giêsu thì quá gần hơn bất cứ sự hiện diện của một người bạn nào. Sau đó, quỳ gối thật lâu, tôi chìm đắm trong ân sủng được làm linh mục.
Bốn mươi năm sau đó, mỗi ngày tôi đều dâng lễ, trừ những dịp thật hiếm không dâng được, tôi không thể hình dung đời sống của tôi không có kinh nghiệm kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Tuy nhiên, bao nhiêu là chuyện đã thay đổi. Hôm nay, tôi ngồi bên chiếc bàn thấp, chung quanh là các anh chị em khuyết tật. Chúng tôi đọc và cầu nguyện bằng tiếng Anh. Khi dọn bánh và rượu lên bàn thờ, rượu được rót trong những chén lớn, mà tôi và các người phụ lễ sẽ cho những người tham dự thánh lễ uống. Trong lúc đọc lời truyền phép, bánh và rượu được nâng lên cao để mọi người cùng thấy của lễ dâng hiến, để cùng ý thức sự hiện diện của Đức Giêsu ở giữa chúng tôi. Lúc đó mình và máu Chúa được trao ban như lương thực và của uống của cộng đoàn. Và khi chúng tôi đưa chén cho tín hữu, chúng tôi nhìn vào mắt họ và nói: “ Đây là máu thánh Chúa Kitô “.
Qua năm tháng, hành vi mỗi ngày này đã ăn sâu vào đời sống chúng tôi và làm cho chúng tôi ý thức những gì chúng tôi đang sống mỗi ngày. Buồn phiền và niềm vui khắng khít vào huyền nhiệm sự chết và sống lại của Đức Giêsu. Chúng tôi dâng lễ đơn sơ ở dưới tầng hầm của ngôi nhà nguyện nhỏ, mỗi ngày chúng tôi sống không phải là một chuỗi các buổi gặp gỡ, các việc tình cờ, nhưng là ngày Chúa chọn để chúng tôi biết có sự hiện diện của Người.
Bao nhiêu chuyện đã thay đổi! Và dù vậy, chẳng có gì là thay đổi. Cách đây gần bốn mươi năm, tôi không hình dung ra hình ảnh linh mục của tôi ngày hôm nay. Đó là phần đóng góp liên tục của tôi vào chức thánh lân tuất của Đức Giêsu, người đã làm cho những năm tháng này thành một thánh lễ lâu dài và đẹp đẽ, một hành vi cầu nguyện, ngợi khen và tạ ơn liên tục.
Chén bằng vàng trở thành chén thủy tinh, nhưng chất liệu bên trong vẫn không thay đổi. Đó là đời sống Đức Kitô và đời sống chúng ta trộn lẫn với nhau trong một đời sống. Khi chúng ta uống chén, chúng ta uống chén Đức Giêsu đã uống, mà cũng là uống chén của chúng ta. Đó là mầu nhiệm lớn lao của Thánh Thể. Chén của Đức Giêsu, rót đầy đời sống của Người, đổ ra cho chúng ta và cho nhân loại, và chén của chúng ta rót đầy máu của chúng ta, tất cả là một chén. Cùng nhau, khi chúng ta uống chén Đức Giêsu đã uống, chúng ta trở thành nhiệm thể của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại mãi mãi để cứu rỗi nhân loại
Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ chúng con.
Biết bao người đang âu sầu phiền muộn, xin nhớ lại giờ Chúa hấp hối.
Biết bao người còn phải mang thương tích, xin nhớ lại những cực hình Chúa chịu.
Biết bao người bị nhạo báng chê bai, xin nhớ lại vòng gai Chúa đội đầu.
Biết bao người đang chán ngán cuộc đời, xin nhớ lại tiếng kêu than của Chúa.
Biết bao người ngày hôm nay lìa thế, xin nhớ lại cái chết nhục nhằn của Chúa trên thập tự.
Biết bao người gặp thử thách mà vẫn cậy trông, xin cho họ được ánh sáng Phục sinh soi chiếu.
(Lời cầu Kinh Chiều Thứ Sáu tuần III thường niên)