Lần đầu khi đến nhà Arche Daybreak, tôi thấy có đau khổ và nỗi buồn sâu xa ở đó.
Người ta nhờ tôi săn sóc Ađam, một thanh niên hai mươi hai tuổi, không nói và không đi một mình được, anh hoàn toàn sống thu mình trong thế giới của anh. Lưng còng, anh lên cơn động phong mỗi ngày và thường xuyên có những cơn đau ruột. Khi người ta giới thiệu anh cho tôi, tôi sợ anh ta. Bao nhiêu là khuyết tật của anh làm cho tôi thấy anh xa lạ và đáng lo ngại.
Sau khi gặp Ađam, tôi cũng có gặp em của anh là Michael. Michael có thể nói một chút, nhưng anh có thể đi đứng một mình và làm được một vài việc đơn giản, anh cũng bị khuyết tật nặng, và cần phải săn sóc thường xuyên. Ađam và Michael là hai người con duy nhất của Jeanne và Rex.
Michael sống với gia đình đến hai mươi lăm tuổi, còn Ađam thì đến mười tám tuổi. Jeanne và Rex muốn giữ các con ở nhà để tiếp tục săn sóc, nhưng thời gian và thử thách đã làm cho họ hao mòn sức lực. Lúc đó họ mới nhờ đến cộng đồng Arche giúp đỡ, hy vọng các con họ sẽ được săn sóc chu đáo.
Tôi xúc động sâu xa trước nỗi khổ của gia đình bé nhỏ này. Bốn người kiệt sức vì lo âu buồn phiền, vì sợ các biến chứng bất ngờ xảy ra, vì bất lực không thể nào đối thoại với nhau được, vì gánh nặng của trách nhiệm, vì tương lai bất định, và với thời gian, tình trạng chỉ càng ngày càng tệ hơn.
Nhưng đau khổ không chỉ dành riêng cho gia đình Ađam. Còn có Bill, bị chứng teo bắp thịt, cần máy trợ tim và máy giúp để thở, lúc nào anh cũng sợ bị té. Không một ai đến thăm anh và cha mẹ anh thì đã chết sớm.
Còn có Tracy, hoàn toàn bị tê liệt nhưng có một tinh thần linh hoạt, và đối với Tracy, diễn tả các tình cảm và các suy nghĩ của cô là một cuộc đấu tranh liên tục. Còn có Suzanne, khuyết tật tinh thần, bị quay cuồng vì các tiếng nói trong đầu mà cô không thể nào kiểm soát được. Còn có Loretta, có mặc cảm gia đình, bạn bè ruồng bỏ vì mình khuyết tật; cô đi tìm tình thương một cách tuyệt vọng, lại không có khả năng để tự khẳng định mình nên cô bị suy thoái tinh thần một cách trầm trọng. Còn có David, Francis, Patrick, Janice, Carol, Gordie, George, Patsy... mỗi người một chén đắng.
Để săn sóc, có các anh chị đủ mọi lứa tuổi, mọi quốc tịch, mọi tôn giáo, họ tìm cách xoa dịu nỗi đau khổ của những người bệnh. Tuy thế, họ mau chóng thấy ra những vết thương bên ngoài lại che giấu các vết thương khác bên trong, ít thấy rõ hơn, nhưng cũng là những thực tại: các buồn phiền liên hệ đến gia đình tan rã, đến những nhu cầu giới tính không được thỏa mãn, đến cơn tuyệt vọng thiêng liêng, đến lo lắng trước cái chết sắp tới và nhất là, các quan hệ nhân bản ti tiện và hỗn loạn. Dù cho họ nhìn về quá khứ hay tương lai, chân trời vẫn u tối và hiện tại thì buồn xám.
Về phần tôi, các sự việc cũng không khác chi. Sau mười năm sống với họ, tôi trở thành quan tâm hơn đối với nỗi đau riêng của tôi. Có một thời kỳ, tôi tự nhủ: “Sang năm mình sẽ thấy việc này rõ hơn “, hay “Có tuổi, nhu cầu cần được yêu thương của mình sẽ giảm đi “.
Nhưng bây giờ, tôi biết các buồn phiền là của tôi và nó không rời tôi. Sự thật, tôi biết đó là những buồn phiền sâu xa và xưa cũ, và không một suy nghĩ tích cực hay lạc quan nào có thể làm biến mất đi được. Cuộc đi tìm tình yêu của tuổi vị thành niên vẫn luôn luôn còn đó; nhu cầu khẳng định chưa được toại nguyện của tuổi thanh xuân cũng vẫn còn sống động. Cái chết của mẹ tôi, của một số người thân và bạn bè trong những năm gần đây làm cho tôi đau buồn hoài. Còn buồn sâu đậm hơn, là tôi không trở thành con người như tôi mong muốn, không có được Chúa trong lòng, dù tôi đã sốt sắng cầu nguyện và đó là điều tôi ước muốn nhiều nhất.
Nhưng nỗi buồn phiền của cộng đồng nhỏ bé của tôi làm sao sánh với nỗi buồn phiền của cả thành phố, của cả xứ và của cả thế giới? Và nỗi buồn phiền của những người không nhà? Của những người trẻ chết vì bệnh siđa? Rồi hàng triệu người trong nhà tù, trong viện dưỡng lão? Rồi những gia đình tan nát, những người thất nghiệp và vô số người khuyết tật không có nơi nương tựa như ở nhà Daybreak này?
Và khi nhìn ra khỏi biên giới thành phố, xứ sở tôi ở, cảnh tượng còn kinh khiếp hơn. Tôi thấy các trẻ em trên đường phố Sao Paolo, các em bé mãi dâm ở Bangkok, các tù nhân hốc hác ở Yougoslavie, các dân tộc đói khổ lang thang trong các sa mạc ở Éthiopie, ở Somalie. Tôi thấy hàng triệu khuôn mặt bị tàn phá vì đói, vì cô đơn, hàng ngàn xác chết chất đống vì chiến tranh tàn ác, vì nạn diệt chủng. Chén đắng này là của ai? Đó là chén của chúng ta, chén của đau khổ nhân loại. Bởi vì các nỗi buồn phiền thân thiết nhất của chúng ta cũng là nỗi buồn phiền chung của nhân loại.
Bây giờ tôi nhìn Con Người của đau đớn, Người treo trên thập giá, hai tay giang ra. Đó là Đức Giêsu bị Philatô lên án, bị lính La-mã đóng đinh, bị người Do-thái cũng như lương dân sỉ nhục. Nhưng đó cũng là số phận của chúng ta và của toàn nhân loại, ở mọi xứ sở, ở mọi thời kỳ, bị bứng ra khỏi đất ở, bị làm trò cười cho cả thế giới thấy. Đức Giêsu đã nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi “ (Ga 12:32).
Đức Giêsu, Người của đau khổ, và chúng ta, những người đàn ông đàn bà đau khổ, bị treo lên giữa trời và đất, kêu lên: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con? “
Đức Giêsu hỏi các bạn của người: “Các con có thể uống chén Ta sắp uống? “ Họ trả lời có, nhưng họ không có một khái niệm gì về những gì họ đang nói. Chén của Đức Giêsu là chén đau khổ, không phải chén của riêng Người, mà của cả toàn thể nhân loại. Đó là chén đầy đau khổ thể xác, tinh thần và thiêng liêng. Đó là chén của thiếu thốn, của bức hại, của cô đơn, của loại trừ, của bỏ rơi, của lo lắng. Đó là chén đầy cay đắng. Ai muốn uống chén này? Tiên tri Isaia gọi đó là “chén phẫn nộ của Thiên Chúa “. “Từ tay Đức Chúa, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng “ (Is 51:17); đó là chén mà thiên thần thứ nhì trong sách Khải Huyền gọi là: “thứ rượu cuồng loạn “ (Kh 14:8), thành Babylone đã cho mọi nước uống.
Khi đến lúc phải uống chén này, Đức Giêsu nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được “ (Mt 26:38). Cơn hấp hối của người quá cực độ đến nỗi mồ hôi người như những giọt máu rơi xuống đất “ (Lc 22: 44). Các bạn Giacôbê và Gioan, hai người mà Người hỏi họ có uống được chén Người sắp uống, đi theo Người nhưng họ đã ngủ, họ không còn sức để thức với Người, chia sẻ nỗi buồn và lo lắng của Người. Trong một lúc cô đơn cùng cực, Người té xuống đất và thốt lên lời cầu xin: “Lạy Cha, nếu được xin Cha cất chén này! “ Đức Giêsu không thể nào đối diện với chén đắng. Thật quá đau khổ và quá lo lắng. Người không nghĩ sẽ có thể uống được chén đau khổ này.
Làm sao Người có thể nói vâng? Phải trả lời gì bây giờ? Dù bị đau khổ vì bị ruồng bỏ và bỏ rơi, Đức Giêsu luôn luôn kết hiệp mật thiết với Đấng mà Người gọi là “Abba “ (tiếng “cha “ trong nghĩa thân tình như tiếng “ba “). Lòng tin tưởng của người vượt quá thái độ bất trung, lòng tuân thuận vào tình phụ tử vượt quá tuyệt vọng, tình yêu vượt quá hãi sợ. Chính tình mật thiết vượt quá tất cả tình mật thiết của nhân loại này mà Đức Giêsu mới có thể xin Đấng đã gọi Người là “Con yêu dấu “ cất chén đắng cho Người. Dù trong cơn lo lắng tột độ, mối dây liên hệ này không bị cắt đứt. Đó là mối dây không sờ và không nói lên bằng lời được, mối dây tuyệt vời và không hủy hoại được. Chính trong hiệp thông mật thiết với Cha mà Người chấp nhận uống chén đắng: “Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha “ (Mt 26:39).
Đức Giêsu không nhường bước trước tuyệt vọng và không đẩy lui chén đắng. Người cầm chén chắc nịch trong tay, muốn uống đến giọt cuối cùng. Đó không phải là một hành vi biểu lộ ý chí trước thử thách hay biểu lộ tính anh hùng, nhưng hành vi xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn, đó là tiếng “vâng “ với Abba, thiết tha vì tình yêu của một quả tim tan vỡ.
Khi nghĩ đến quả tim đầy buồn phiền của tôi, nghĩ đến cộng đồng nhỏ bé với bao đau khổ của tôi, nghĩ đến những người nghèo trong các thành phố lớn mênh mông, nghĩ đến nỗi lo lắng vô biên của nhân loại, tôi tự hỏi: tiếng “vâng “ phải đến từ đâu đây? Trong lòng tôi cũng như trong lòng những người khác, tôi nghe âm vang lời cầu xin: “Lạy Chúa, nếu được xin cất chén này cho con “. Tôi nghe lời cầu xin này trong tiếng nói của người trẻ tuổi bị bệnh siđa đang đi ăn xin trên đường Yonge, trong tiếng khóc của các em bé bị đói, trong tiếng rên của các tù nhân bị tra tấn, trong tiếng kêu giận dữ của những người bị khai thác, trong vô vàn tiếng gọi kêu cứu hòa bình và công lý. Đó là lời cần xin vang lên Thiên Chúa, không phải bằng hương trầm mà bằng lò lửa cháy rừng rực.
Như thế tiếng vâng sẽ đến từ đâu? “Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha “. Ai có thể nói vâng khi tiếng nói của tình yêu chưa được lắng nghe? Ai có thể nói vâng khi họ không có một người để kêu Cha? Ai có thể nói vâng khi họ không có một hy vọng để an ủi?
Giữa lời cầu xin lo lắng của Đức Giêsu, có một giai đoạn làm dịu lòng. Và chỉ trong Phúc âm của thánh Luca là có nhắc đến: “Bấy giờ có thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người “ (Lc 22: 43).
Trong đau khổ có an ủi, trong bóng tối có ánh sáng, trong tuyệt vọng có hy vọng, giữa thành Babylone có ánh sáng đến từ Giê-ru-sa-lem, giữa lực lượng của ma quỷ có thiên thần an ủi. Chén đắng chứa nỗi buồn phiền của chúng ta cũng là chén mang đến vui mừng.