Gordie Henry, bị hội chứng “Down Syndrome”, anh là hạt nhân của cộng đồng. Một ngày nọ, anh nói với tôi: “Điều tốt đẹp trong cuộc đời, là chúng ta có nhiều bạn. Điều khổ sở trong cuộc đời là khi nhìn họ bỏ mình mà đi”. Qua nhận xét đơn sơ này, Gordie đã thấm nhập vào thực tế của quan hệ con người, nơi vui và buồn lẫn lộn với nhau. Vì đã ở Daybreak từ lâu, anh quen nhiều người dạy dỗ, nhiều trợ tá đủ quốc tịch, họ đến làm việc một mùa hè, một năm, nhiều năm. Tất cả đều yêu thương Gordie và anh cũng yêu thương lại họ. Trìu mến và tình bạn sâu xa đã được thắt chặt.
Nhưng, sớm hay muộn, họ ra đi. Một vài người lập gia đình, người thì tiếp tục học, người thì đi tìm một hướng mới cho cuộc đời, người thì thấy cuộc đời cộng đồng không hợp với họ. Tuy nhiên, Gordie luôn luôn ở lại và tất cả chia cắt này làm cho anh buồn thấm thía.
Một hôm, Jean Vanier, người sáng lập Arche, đến thăm chúng tôi. Ông hội lại tất cả cộng đồng chung quanh ông. Ông hỏi: “Có câu hỏi nào mà các bạn muốn hỏi tôi nhất?” Thelus, người cũng sống một thời gian dài ở Daybreak, đưa tay lên nói: “Tại sao khi nào họ cũng rời bỏ chúng tôi?” Jean hiểu câu hỏi này không phải chỉ một mình của Thelus, mà của Gordie và nhiều người khác nữa. Dịu dàng, ông tiến đến gần cô và nói: “Thelus, con biết, đó là câu hỏi quan trọng nhất mà con đặt ra. Con và nhiều người khác muốn Daybreak là căn nhà êm ấm của con, nơi con có cảm nhận được yêu thương và được che chở. Như thế vì sao lại có những người con yêu thương lại bỏ nhà của con mà đi, có khi đi luôn? Con cảm nhận những người này họ đã không thật sự yêu thương con! Nếu họ yêu thương con, vì sao họ lại bỏ đi?”
Mọi người nhìn và chăm chú nghe ông, biết là ông đã hiểu nỗi đau khổ và ông lo lắng cho họ. Ông nói: “Niềm vui và đau khổ của các bạn cho các bạn một sứ mệnh. Những người đến đây sống với các bạn, bạn được nhận rất nhiều từ họ, nhưng bạn cũng cho họ rât nhiều, những người này thật sự họ không rời xa bạn. Bạn gởi họ về trường học, về xứ họ, về gia đình họ, để họ mang một chút tình yêu mà họ đã sống ở đây với các bạn, đem đến cho người khác. Thật là khó khăn, thật là đau buồn khi thấy họ ra đi. Nhưng khi các bạn thấy đó là sứ mệnh, thì các bạn có khả năng gởi họ đi để họ tiếp tục cuộc hành trình, và như thế, các bạn không mất niềm vui mà họ đã mang đến cho các bạn”
Những lời nói đơn sơ và trực tiếp đi thẳng vào quả tim, bởi vì nó làm cho chúng tôi thấy sự việc một cách khác, thấy liên tục những gì là chia cắt. Chén vui và chén buồn trở thành chén cứu rỗi.
Uống chén của mình chỉ có thể được khi nó mang đến cho mình sức khỏe, sức lực, tự do, hy vọng và can đảm - một đời sống mới. Không một ai sẽ uống nếu nó làm cho mình đau và khốn cùng. Chúng ta uống bởi vì nó chữa lành và cứu chúng ta.
Chúa là Đấng nhân từ, chính trực
Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương (... )..
Tôi đã tin, cả khi mình đã nói:
“Ôi nhục nhã ê chề!”
Đã thốt ra trong cơn hốt hoảng:
“Mọi người đều giả dối!”
Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ
Vì mọi ơn lành Người đã ban cho?
Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
Và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Tv (116:5, 10-13)
Ở đây, bí ẩn được làm sáng tỏ. Kết hiệp và chia cắt, tình yêu và hận thù, âu yếm và dửng dưng, quảng đại và ti tiện, tất cả những kinh nghiệm này đều có thể là con đường dẫn đến tự do thật sự của con người. Không phải chỉ có một mình đau khổ, nhưng còn có niềm vui lẫn lộn trong đó. Đúng, những người yêu thương chúng ta cũng làm chúng ta thất vọng, những giây phút toại nguyện nhất cũng gồm những ước muốn không được toại ý, cảm nhận được che chở ở trong căn nhà êm ấm đôi khi cũng có thể trở thành cảm nhận bị cô lập. Nhưng tất cả các căng thẳng này có thể tạo nên trong lòng chúng ta ước muốn sâu xa của giải thoát: cho chúng ta thấy các giới hạn và kêu gọi chúng ta vượt lên nó.
Đức Giêsu biết thế nào là ngưỡng mộ, tôn thờ, thán phục và nổi tiếng. Nhưng người cũng biết thế nào là hận thù, ruồng bỏ, sỉ nhục. Hôm nay dân chúng kêu lên: “Chúc tụng”, ngày mai: “Đóng đinh nó đi!”. Đức Giêsu nhận lấy, không phải theo cách anh hùng được ngưỡng mộ rồi thất sủng, nhưng theo cách của một người có sứ mệnh phải hoàn thành, và không bao giờ để mất lập trường, dù thế nào. Trong thâm tâm của người, người biết người phải uống cạn chén để hoàn tất công trình của Cha - người Cha mà người yêu dấu hết lòng - giao phó cho Người. Người biết uống cạn chén sẽ mang đến cho Người tự do và sung mãn. Người biết uống cạn chén sẽ dẫn Người đến giải phóng, vượt qua các cạm bẫy, dẫn đến vinh quang của sống lại, vượt qua lo âu của cái chết. Sự thấu hiểu này không phải là hiểu biết thường hay khả năng lãnh nhận thường. Đây là thấu hiểu của một quả tim làm thành bởi một tình yêu vô tận.
Như vậy chén của Đức Giêsu uống trở thành chén cứu rỗi. Trong vườn Giếtsêmani, vườn của sợ hãi, Đức Giêsu đã kêu lên: “Mọi người đều giả dối (... ) nhân danh Thiên Chúa, Ta nâng chén cứu rỗi”. Uống chén cứu rỗi là uống cạn chén vui buồn để Thiên Chúa rót đầy cho mình đời sống tinh tuyền.
Nhưng tại sao chúng ta cần được cứu rỗi? Theo truyền thống, câu trả lời là - và cũng là câu trả lời tốt -: cứu khỏi tội và khỏi chết. Chúng ta bị vướng bẫy tội lỗi và cái chết như vướng vào bẫy thú.
Chỉ cần suy nghĩ một chút về các lệ thuộc của chúng ta - rượu, thuốc phiện, thức ăn, bài bạc, dục tính - thì chúng ta có một khái niệm về cái bẫy. Thêm vào đó một vài tình trạng lệ thuộc tinh vi hơn: chúng ta thường cảm thấy mình bắt buộc phải nói, suy nghĩ và hành động theo một cách nào đó, như thử chúng ta không thể làm một cách khác hơn. Một vài người làm những việc vô lý, như rửa tay hoài, sắp xếp lui tới các đồ vật, người khác thì lại quá tỉ mỉ hay bị bối rối vì những ý tưởng cố định: họ có cách ứng xử nhất thời. Nhưng rốt cuộc, chúng ta ai cũng có những ám ảnh riêng của mình: Một ý tưởng, một dự án có thể ám ảnh, làm chúng ta trở thành nô lệ cho nó.
Các lệ thuộc, các xung kích, các ám ảnh này cho thấy chúng ta bị vướng vào bẫy như thế nào. Nó cho chúng ta thấy thân phận tội lỗi của mình, vì nó ngược lại với địa vị tự do là con Thiên Chúa của chúng ta, và chúng ta khuất phục vào những giới hạn của thế gian này. Tội lỗi đẩy chúng ta đến việc muốn làm đời sống mình theo các ước muốn của mình, như thế là không biết đến, là từ chối chén được trao ban. Tội lỗi làm chúng ta nô lệ “xác thịt”, nô lệ vào thân phận tạo vật của mình, như thánh Phaolô giải thích: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy” (Gl 5:19-21).
Cái chết cũng là một cái bẫy. Nó bao vây chúng ta tứ phía: chiến tranh nguyên tử, chiến tranh vi trùng, mâu thuẫn quốc tế, đói kém, phá thai, bệnh dịch, các bệnh không chữa lành. Sớm hay muộn, không tránh được, cái chết cũng chụp được mình. Dù chúng ta có chạy đi hướng nào, nó cũng chụp được. Chúng ta không thiếu chuyện lo mỗi ngày, sức khỏe của người thân yêu hay của chính mình. Không một ngày qua đi mà chúng ta không bị cái chết bủa vây.
Tội lỗi và cái chết làm chúng ta mắc bẫy. Uống chén, như Đức Giêsu đã làm, là cách duy nhất để chúng ta được giải phóng. Đó là con đường cứu rỗi. Đó là con đường khó, đau khổ, một con đường mà chúng ta làm mọi cách để tránh. Đôi khi, nó là con đường không thể đi được. Tuy nhiên, nếu chúng ta không sẵn sàng uống chén, thì tự do đích thực sẽ vuột khỏi tay chúng ta, và đó không những chỉ là tự do sau khi chúng ta đã uống cạn chén, có nghĩa là sau khi chúng ta chết. Không, đây là tự do mà chúng ta nhận thấy được sau mỗi lần chúng ta uống - dù ít hay nhiều - cái chén sự sống.
Cứu rỗi không phải là mục đích cho đời sống về sau. Cứu rỗi phải là một thực tế mà chúng ta có thể thưởng thức bây giờ và tại đây. Khi tôi ngồi bên cạnh Ađam để giúp anh ăn, với Bill để nói chuyện với anh, với Suzanne để uống ly càphê, với Đavid để ăn sáng hay khi tôi ôm Michael, khi hôn Patsy và cầu nguyện với Gordie, cứu rỗi là lúc đó. Khi chúng ta cùng ở với nhau chung quanh bàn thờ và khi tôi đưa cho tất cả những người hiện diện chén rót đầy rượu, tôi muốn xác tín tuyên xưng: “Đây là chén cứu rỗi. “