Trước khi uống chén, trước hết ta phải cầm và giữ nó trong tay!
Tôi còn nhớ một buổi lễ gia đình ở Hòa Lan. Đó là dịp lễ đám cưới hay sinh nhật gì đó. Tôi là chú bé nhỏ nên không được phép uống rượu, nhưng tôi thích thú nhìn cách người lớn uống rượu. Sau khi đổ rượu vào ly, cậu tôi cầm ly lên, hai bàn tay ôm lấy ly, lắc nhè nhẹ để hương thơm của rượu bốc lên mũi, rồi, nhìn mọi người chung quanh, cậu nâng ly lên, nhấp một ngụm và kêu lên: “Ồ... thật ngon như rượu ngàn năm... cho tôi xem chai rượu... chắc chắn là rượu từ năm 1945!”
Đó là cậu Antôn, anh cả của mẹ tôi, linh mục, đức ông, có quyền trong nhiều địa phận, và rượu ngon được làm ở một trong các địa phận này. Mỗi lần cậu đến ăn tối với gia đình, thế nào cậu cũng không quên nói về một hay hai câu chuyện về rượu: “Rượu nồng, thật hết chỗ nói”, hay “Thật không ngờ”, hay “Rượu này chưa được chín lắm”, hay “Rượu này mà có thịt nướng thì thật tuyệt”, “Rượu này mà ăn với cá nướng thì hết chỗ chê”. Cha tôi không thích các lời bình phẩm này, nhưng không ai dám nói ngược lại với cậu. Còn nhỏ, tôi cứ thắc mắc hoài về thủ tục uống rượu này. Anh em tôi thường hay chế nhạo cậu: “Cậu Antôn, cậu đừng đọc nhãn hiệu, cậu đoán xem rượu này ở đâu, sản xuất năm nào... Cậu là chuyên gia mà, phải không?”
Trong tất cả các chuyện này, một chuyện mà tôi còn giữ lại là: uống rượu không đơn giản chỉ là uống. Phải biết thưởng thức phẩm chất rượu và phải biết nói lên phẩm chất này. Cũng một cách như vậy, chỉ sống thôi chưa đủ. Một đời sống mà mình không suy nghĩ về nó là một đời không đáng sống. Bản chất tự nhiên của con người là chiêm nghiệm về đời sống, suy nghĩ về nó và định giá nó. Một nửa cuộc đời chúng ta là phải dùng để suy nghĩ về những gì chúng ta sống. Điều đó có đáng làm không? Có đúng không? Có sai không? Luôn luôn như vậy hay đời sống có gì tiến triển? Đời sống chúng ta hòa nhịp vào cái gì? Những niềm vui cũng như nỗi buồn lớn nhất không những có nguồn gốc trong các sự kiện mà cũng là, và có thể là trong cách chúng ta cảm nhận và diễn tả nó. Nghèo giàu, thành công thất bại, xấu đẹp không chỉ là những sự kiện của cuộc sống. Đó là những thực tế được sống một cách khác nhau bởi những người khác nhau, theo những hoàn cảnh khác nhau. Một người nghèo buồn bã khi so sánh với người hàng xóm giàu sẽ không thấy cái nghèo của mình cùng một cách như một người nghèo khác không có anh hàng xóm giàu nên không thường xuyên sống trong cảnh so sánh. Suy nghĩ là điều thiết yếu để lớn lên, phát triển và thay đổi. Đó là một đặc quyền mà chỉ có con người mới có thể dựa vào.
Cầm chén cuộc đời là nhìn cuộc đời bằng con mắt phê bình những gì chúng ta sống. Điều này đòi hỏi chúng ta can đảm, bởi vì có thể chúng ta sẽ hãi sợ khủng khiếp khi thấy những gì chúng ta thấy. Những câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời có thể nảy sinh. Các nghi ngờ có thể tấn công chúng ta, các mối lo sợ mới có thể đe dọa chúng ta. Lúc đó chúng ta tự an ủi: “Đơn giản vui hưởng cuộc đời là đủ rồi. Tất cả suy nghĩ chỉ làm mọi sự thêm rắc rối”. Dù vậy với trực giác, chúng ta biết rằng sống mà không suy nghĩ thì tầm nhìn sẽ bị thu lại và làm chúng ta mất hướng đi. Cũng một cách ấy, nếu chúng ta uống ực một hơi, không dành thì giờ để nhìn lại ly rượu, không nâng ly lên để ngửi trước khi uống thì chúng ta có thể say mà chưa nếm mùi rượu.
Cầm chén cuộc đời là một công việc đòi hỏi. Chúng ta là những con người khát lâu ngày, chỉ thích cầm chén lên uống cái ực. Nhưng chúng ta cần phải kềm giữ lại xung kích của mình, hai tay cầm vành chén và tự hỏi: “Ai cho tôi chén này? Có gì trong chén của tôi? Có tốt cho tôi không? Sau khi uống xong tôi có khá hơn không?”
Có vô số loại rượu cũng như có vô số loại cuộc đời. Không có hai cuộc đời giống nhau. Chúng ta thường so sánh đời mình với đời người khác, muốn biết xem đời mình khá hay tệ hơn, nhưng so sánh như thế chẳng giúp được gì. Chúng ta phải sống cuộc đời của mình chứ không sống cuộc đời của người khác. Chúng ta phải cầm chén riêng của mình. Chúng ta phải dám nói: “Đây là đời tôi, cuộc đời được trao ban cho tôi, tôi phải sống tốt nhất có thể. Đời tôi là duy nhất. Tôi có đời riêng, gia đình riêng, thể xác riêng, cá tính riêng, bạn bè riêng, cách suy nghĩ, hành động, phản ứng riêng. Đúng, tôi có cuộc đời của riêng tôi để sống. Không một ai có cùng chung số phận. Rất nhiều người có thể giúp tôi, nhưng dứt khoát, chính tôi là người quyết định phải sống như thế nào”.
Đó là một bước khó khăn cần vượt qua, bởi vì chúng ta chạm trán với nỗi cô đơn không hàn gắn được. Nhưng đó chính là thách đố phi thường mời gọi chúng ta trở thành con người cá biệt của mình.
Điều này nhắc tôi nhớ lại bức tượng tạc “Pumunangwet” của Philip Sears, ở viện bảo tàng Fruitlands, Harvard. Một thổ dân Mỹ, thân hình tráng kiện, cao thon, nửa mình trên để trần, mặc khố ngắn, tay trái cầm cung hướng về trời, tay mặt như theo chuyển động của mủi tên vừa bung ra hướng về các ngôi sao. Anh ta đầy tự tin vào mình, người vươn lên cao hướng về trời, chân bám chắc nịch vào lòng đất, ngắm xa hơn cả chính anh. Anh biết anh là ai và đó là những gì anh có thể làm. Anh tự hào là người chiến sĩ cô độc được gọi để thi hành một sứ vụ thiêng liêng.
Cũng như anh chiến sĩ này, chúng ta phải nhận lấy trọn vẹn con người của mình và từ đó chúng ta được gọi để sống, và để chúng ta cũng có thể nhắm đến các ngôi sao.