Phong cách đẹp và phép lịch sự là những điều rất quan trọng trong gia đình chúng tôi, đặc biệt là khi ngồi vào bàn ăn.
Trong phòng đợi của gia đình tôi có treo một cái chuông to. Mười phút trước khi ăn, cha tôi lắc mạnh chuông và loan báo: “Đến giờ ăn, mọi người đi rửa tay”.
Có nhiều “tội nho nhỏ trên bàn ăn”: để cùi chỏ trên bàn, để thức ăn đầy trên muổng nĩa, ăn quá nhanh, nhai ồn ào, nhai không khép miệng, không dùng nĩa và dao để ăn thịt, cắt bún spaghettis bằng dao. Các bữa ăn của chúng tôi thường gián đoạn vì những lời răn của cha tôi: “Không để cùi chỏ lên bàn”, “Chờ tất cả mọi người vào bàn rồi mới được ăn”, “Không được nói khi miệng đầy thức ăn”.
Khi cha cho chúng tôi được phép uống rượu, đó là dấu hiệu chúng tôi đã là người lớn. Năm 1950, khi tôi mười tám tuổi, uống rượu còn là một chuyện sang trọng. Ở Pháp và Ý, uống rượu trong bửa ăn là chuyện bình thường, nhưng ở Hòa-Lan, rượu dành cho những dịp lễ lớn. Như thế khỏi cần phải nói, uống rượu cần có một số thủ tục: nếm để biết chắc đó là rượu ngon, ngửi rượu, nói về rượu, và dùng ly thích ứng cho từng loại rượu - rót một nửa để còn “hít” rượu - và, điều quan trọng nhất là nâng cốc chúc mừng.
Không một ai được uống trước khi mọi người đều có đủ rượu trong ly, cha tôi nâng ly lên, nhìn từng người trong bàn ăn, nói một lời chào mừng và nhấn mạnh đến buổi lễ đặc biệt này. Lúc đó, cầm ly trên tay, ông chạm vào ly của mẹ tôi và của các khách, sau đó ông uống một chút. Lúc đó cũng là giây phút quan trọng, gần như linh thiêng. Sau này, khi người ta không còn quan tâm đặc biệt nhiều đến rượu, khi các ly được rót đến tràn, khi người ta uống mà không nâng ly lên và không chúc mừng, tôi luôn luôn cảm thấy thiếu một cái gì, dù cho một cái gì đó đã mất.
Nâng chén lên là lời mời nhấn mạnh và chúc mừng sự kiện được cùng ở chung với nhau. Khi chúng ta nâng chén lên, nhìn vào mắt nhau, chúng ta muốn nói: “Đừng lo âu, mình đón tiếp nhau. Đừng sợ chạm trán với cuộc đời và hãy khuyến khích nhau mến chuộng những gì cuộc đời dành cho chúng ta”.
Tất cả các ngôn ngữ đều có một công thức để cụng ly, để chúc sức khỏe, tiếng la tinh là “Prosit”; tiếng Đức là “Zum Wohl”; tiếng Hòa-lan là “Op je gezondheid”, tiếng Anh là “Cheers”, tiếng Pháp là “À votre santé”, tiếng Ý là “Alla tua salute”, tiếng Do thái là: “L'chaim”: Mừng cuộc đời! Có thể đó là lời chúc hay nhất. Chúng ta cùng nâng chén cuộc đời, để khẳng định cùng sống với nhau, cùng dâng mừng cuộc đời như quà tặng của Thiên Chúa. Khi chúng ta có thể cầm chắc chén của mình, chén đầy buồn phiền và niềm vui lẫn lộn, nhận biết đó là cuộc đời chúng ta và là cuộc đời duy nhất chúng ta có, lúc đó chúng ta có thể nâng chén lên cho những người khác cùng thấy, để họ có can đảm nâng chén của họ lên. Như thế, khi chúng ta cùng nâng chén lên, không e ngại, chúng ta nói sẽ nâng đỡ nhau trên con đường đi chung, thế là chúng ta đã tạo một cộng đồng.
Trong một cộng đồng, không phải chỉ có tuyền những chuyện hòa hợp, cũng không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng kết hợp giữa những người trong cộng đồng được, là do chúng ta tin rằng chúng ta không sống đơn độc, chúng ta chấp nhận đời sống là hổn hợp của thành công thất bại, của những lúc thăng lúc trầm. Các vết thương cá nhân, gần như không thể chịu đựng, nếu chúng ta sống một mình, thì sẽ trở thành nguồn chữa lành, nếu chúng ta sống trong cộng đồng huynh đệ, thân tình, và cùng săn sóc lẫn nhau.
Cộng đồng như khảm đá ghép. Trước khi ghép lại các mảnh, mỗi mảnh gần như chẳng có gì đáng kể, đủ màu, đủ hình thức, mảnh này đẹp, mảnh kia nhạt, mảnh này có vẻ quý, mảnh kia thấy chẳng có giá trị, mảnh này có vẻ phô trương, mảnh kia kín đáo. Để riêng từng mảnh đá, thì mình không thể làm gì được với nó, nếu không là chỉ để so sánh cái đẹp và giá trị của nó. Nhưng khi tất cả các viên đá nhỏ này ghép lại với nhau để thành một bức tranh ghép, bức tranh tượng trưng cho hình ảnh của Đức Giêsu, thì ai còn nghĩ đến chuyện quan trọng của viên đá này hay viên đá kia? Chỉ thiếu một mảnh, dù cho chẳng đáng kể, thì khuôn mặt không toàn vẹn. Đối với tấm khảm ghép, mỗi mẫu nhỏ đều cần thiết và đều dự phần vào tính độc đáo riêng của vinh quang Thiên Chúa. Đó cũng là một cách mà cộng đồng nhân loại, kết hợp chứ không chia rẻ, làm cho bộ mặt của Thiên Chúa thấy được trong thế gian.
Chúng ta “nâng” đời sống chúng ta lên mỗi lần chúng ta nói và hành động cho nhau. Một khi “cầm” được đời sống trong tay, chấp nhận trọn vẹn, đời sống của chúng ta trở thành đời sống cho người khác. Lúc đó, chúng ta không còn so sánh, không còn hỏi xem đời mình tốt hơn hay xấu hơn, bởi vì khi sống cho người khác, không những mình khẳng định cá thể của mình, mà chúng ta còn nhận thấy vai trò không thể thay thế được của mình trong bức khảm ghép của gia đình nhân loại.
Chúng ta hay có khuynh hướng giấu đời sống của mình. Xấu hổ, mặc cảm tội lỗi ngăn chúng ta tỏ cho người khác biết chúng ta là ai và chúng ta sống như thế nào. Chúng ta nghĩ, nếu gia đình, bạn bè biết các xáo trộn trong tâm hồn, các tư tưởng u tối lay chuyển mình thì chắc chắn họ sẽ chối bỏ mình! Nhưng có thể điều ngược lại lại là đúng. Nếu chúng ta mở lòng ra với bạn bè, thì họ, họ cũng sẽ nói cho chúng ta những tư tưởng lo âu thầm kín của họ. Các việc chữa lành lớn nhất xảy đến khi chúng ta bẻ gãy được việc khép kín mình vào trong xấu hổ và mặc cảm tội lỗi. Thường thường, chúng ta sẽ thấy người khác cũng cảm nhận những gì như chúng ta cảm nhận, nghĩ những gì như chúng ta nghĩ, họ cũng có những lo sợ, e ngại, bất mãn như chúng ta có.
Nâng chén lên có nghĩa là chia sẻ đời sống, để chúng ta có thể yêu mến các việc làm tốt của nhau. Khi chúng ta tin chắc chúng ta được gọi để sống cho nhau, thì, với tất cả lòng tin, chúng ta sẽ tạo cơ hội để người khác biết chúng ta. Đó là cộng đồng xây dựng trên cởi mở và chia sẻ, để từ đó chúng ta có thể uống, và cạn chén của mình. Trong một cộng đồng như vậy, khi chúng ta nâng chén lên và nói: “Mừng cuộc đời!”, chính là cuộc đời “thật” mà chúng ta muốn nói đến, chứ không phải chỉ những gì đau đớn và buồn phiền, nhưng còn là vui tươi và thích thú.