Nâng chén lên là chúc phúc, là hiệp thông với ơn thánh. Chén buồn phiền và chén vui tươi trở thành chén chúc phúc khi được nâng lên vì hạnh phúc của người khác.
Có một giai thoại để lại ấn tượng mạnh trong lòng tôi về đề tài này. Cách đây vài năm, một trong những người thường trú ở Daybreak, anh Trevor, phải nhập viện để khám bệnh tâm thần. Khi thấy tôi đến thăm, với nụ cười rạng rở trên môi, anh chạy đến chào tôi. Sở thích lớn nhất của anh là hái cho tôi những bó hoa dại. Anh hay xin tôi tham dự thánh lễ do tôi cử hành: phải nói là anh có một năng khiếu về lễ lạc và nghi thức.
Trong thời gian anh ở bệnh viện, tôi muốn đến thăm anh thường xuyên nên điện thoại đến vị tuyên úy bệnh viện hỏi xem tôi có được đến thăm bạn tôi không. Cha trả lời được và nhân tiện mời tôi đi với người đến gặp vài vị linh mục và vài nhân viên trong bệnh viện, sau đó cùng ăn tối ở bệnh viện. Tôi vui vẻ nhận lời mà không suy nghĩ gì đến các sự việc liên hệ đến lời mời này.
Khi đến nơi, tôi được một cộng đồng nhỏ tiếp đón nồng hậu. Tôi tìm Trevor nhưng không thấy anh. Tôi lo lắng hỏi: “Trevor không ở đây à? “ Cha tuyên úy trả lời: “Cha sẽ gặp anh sau bửa ăn tối “. Ngạc nhiên, tôi hỏi lại: “Thế cha không mời anh ấy à?” Người trả lời: “Không, không. Nhân viên và bệnh nhân không ăn chung với nhau. Hơn nữa chúng tôi đã dành riêng phòng danh dự cho dịp này và bệnh nhân không được vào đây. Đó là phòng dành cho nhân viên “ Tôi đáp lại: “Trevor và tôi là bạn thân với nhau. Chính vì anh mà tôi tới đây, và tôi tin anh sẽ sung sướng được ăn chung với chúng ta “. Sau vài tiếng thì thầm, vài ánh mắt kín đáo trao đổi và do dự, cuối cùng họ đồng ý để Trevor ngồi bàn với tôi.
Tôi tìm thấy Trevor ở ngoài sân bệnh viện, anh hái hoa như thường lệ. Nhìn thấy tôi, mặt anh rạng rỡ lên, anh chạy đến tôi như chúng tôi chưa từng xa nhau: “Henri! Con có mấy cái hoa cho cha “. Chúng tôi cùng vào phòng. Bàn ăn trình bày thật đẹp, có khoảng hai mươi lăm người ngồi chung quanh bàn, Trevor và tôi là những người cuối cùng ngồi vào bàn. Sau khi đọc kinh trước bửa ăn, Trevor đứng dậy tiến đến bàn đựng thức uống và xin một ly coca-cola. Tôi rót cho anh một ly, còn tôi một ly rượu, xong, tôi trở về bàn.
Mọi người nói chuyện. Nhiều người chưa bao giờ gặp nhau và bắt đầu làm quen với nhau. Không khí yên lặng, có phần long trọng. Say sưa nói chuyện với người ngồi bên tay mặt, tôi không chú ý đến Trevor. Bỗng nhiên, anh đứng dậy, cầm ly coca-cola trên tay, đứng dậy, nở một nụ cười vui tươi, anh lên tiếng lớn: “Thưa quý ông, quý bà... xin mọi người cụng ly! “ Mọi người im bặt, quay lại nhìn anh, nửa ngạc nhiên, nửa lo lắng. Tôi có thể đọc trong ý nghĩ của họ: “Quỷ thần ơi, anh làm gì đó? Coi chừng anh này... “ Còn phần Trevor, anh chẳng có chút lo lắng gì. Nhìn mọi người một vòng, anh nói: “Xin quý vị nâng ly! “ Tất cả mọi người nâng ly. Và rồi, như một việc tự nhiên, anh bắt đầu hát: “Khi bạn sung sướng, và bạn biết bạn sung sướng... bạn hãy nâng ly lên! Khi bạn sung sướng, và bạn biết bạn sung sướng... bạn hãy nâng ly lên! Khi bạn sung sướng, và bạn biết bạn sung sướng... bạn hãy nâng ly lên! Khi bạn sung sướng, và bạn biết bạn sung sướng, bạn hãy nâng ly lên! Khi bạn sung sướng, và bạn biết bạn sung sướng bạn hãy nâng ly lên! “ Nghe anh hát vui vẻ như thế, mọi người bắt đầu thoải mái cười. Một lát sau, có người bắt đầu hát theo anh, và chẳng mấy chốc, mọi người đứng dậy cùng hát dưới sự điều khiển của anh.
Lời mời cụng ly của Trevor đã biến đổi hoàn toàn không khí phòng khách danh dự của bệnh viện. Anh làm cho những người còn xa lạ với nhau xích lại gần nhau, và làm cho họ cảm thấy tự nhiên như ở nhà họ. Nụ cười tươi và niềm vui của người thích nhậu của anh, làm xóa hàng rào ngăn cách và tạo một không khí vui vẻ cho buổi họp mặt giữa những người dễ thương và có lòng tốt. Hành vi đơn sơ dâng mừng hạnh phúc được ở cùng nhau làm cho buổi gặp gỡ vui tươi và phong phú. Chén buồn phiền và chén vui mừng trở thành chén chúc phúc.
Nhiều người cho mình là nạn nhân bất hạnh của trời vì bệnh tật, tang tóc, khuyết tật, bất hạnh mà họ phải chịu. Họ nghĩ rằng chén của họ không có một chút gì là phúc lành, họ gán cho Chúa số phận của họ. Đó là chén mà tiên tri Giêrêmia nói: “Thật vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa Itx-ra-en, phán với tôi như sau: Người hãy cầm lấy từ tay Ta chén rượu tức là cơn lôi đình, và ngươi hãy bắt mọi dân tộc mà Ta sai ngươi đến phải uống chén ấy. Chúng sẽ uống vào, sẽ lảo đảo và hóa ra điên dại, vì lưỡi gươm mà chính Ta sẽ gởi cho chúng (... ) Ngươi sẽ nói với chúng: Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Ítx-ra-en phán như sau: Hãy uống cho say! Hãy mửa ra và ngã vật xuống, không còn chỗi dậy nổi trước lưỡi gươm mà chính Ta phóng vào giữa các ngươi. Nếu chúng từ chối không nhận lấy chén từ tay ngươi mà uống, thì ngươi sẽ bảo chúng: Đức Chúa các đạo binh phán như sau: Thế nào các ngươi cũng phải uống! Vì này, cả chính thành kêu cầu danh Ta, Ta còn gieo tai giáng họa, thì huống hồ các ngươi? Không! Các ngươi không được yên đâu, vì chính Ta cho phóng gươm để trừng phạt mọi dân cư trên cõi đất “ (Gr 25:15-16, 27-29).
Không ngạc nhiên khi chẳng có ai đến gần vị thần hay trả thù của tiên tri Giêrêmia mô tả. Người ta không thấy ở đó lời chúc phúc nào cả. Nhưng trong bửa ăn cuối cùng, trước hôm chết, Đức Giêsu cầm chén chúc phúc, chứ không phải chén giận dữ. Đó là chén giao ước mới và vĩnh cửu, chén kết hợp chúng ta với Thiên Chúa và với nhau trong cộng đồng tình yêu. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô: “Tôi nói với anh em như với người khôn ngoan hiểu biết, anh em hãy tự mình suy xét điều tôi nói: Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào máu Đức Kitô ư?” (1Cr 10:15-16)
Đau khổ của nhân loại có thể được nhận thấy một cách rõ ràng là dấu hiệu giận dữ của Thiên Chúa, người ta thường hiểu như vậy và người ta còn tiếp tục hiểu như vậy. Giống như người viết thánh vịnh viết: “Chỉ Thiên Chúa mới là thẩm phán, Chúa hạ bệ người này, cân nhắc kẻ kia “ (Tv 75:8). Chính chúng ta cũng vậy, đứng trước những việc kinh hoàng xảy ra trên thế giới, chúng ta đã chẳng nói: “Làm sao một Thiên Chúa yêu thương lại có thể chấp nhận những chuyện như vậy xảy ra? Chỉ có một Chúa hung ác và hận thù mới có thể làm như vậy “
Tuy nhiên, Đức Giêsu, ôm lấy tất cả đau khổ nhân loại làm của mình và dâng trên thập giá, không phải như lời chúc dữ mà là lời chúc lành. Đức Giêsu biến chén giận dữ thành chén chúc phúc. Đó là mầu nhiệm của phép Thánh Thể. Đức Giêsu chết để chúng ta được sống. Người đổ máu ra để chúng ta biết được có một đời sống mới. Người phó mình để chúng ta có thể sống với nhau trong cộng đồng. Người là thức ăn và của uống cho đời sống vĩnh cửu. Đó là những gì Đức Giêsu muốn nói khi người cầm lấy chén và đọc: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu của Thầy, máu đổ ra vì anh em “ (Lc 22: 20). Phép Thánh Thể là mầu nhiệm thiêng liêng, biến thành phúc lành những gì mà chúng ta cho là bất lành. Đau khổ của chúng ta không còn là hình phạt của trời. Đức Giêsu đã làm đau khổ thành con đường tiến đến một đời sống mới. Máu của người, và cũng là của chúng ta, bây giờ có thể trở thành máu tử đạo, chứng nhân của một giao ước mới, một hiệp thông mới, một cộng đồng mới.
Khi chúng ta nâng chén cuộc đời và cùng chia sẻ với những người chung quanh nỗi đau khổ, niềm vui của chúng ta, cùng chấp nhận nhau là những người mỏng giòn, thì giao ước mới thể hiện rõ giữa chúng ta. Điều bất ngờ trong tất cả các việc này: người nhỏ nhất trong chúng ta thường là người cho chúng ta thấy chén chúng ta là chén chúc lành.
Trevor đã làm những gì mà chưa ai khác làm. Anh đã biến một nhóm người xa lạ thành một cộng đồng tình yêu, bằng hành vi thánh thiện tự nhiên của anh. Con người hiền lành và không e dè trở thành Đức Giêsu sống động giữa chúng ta. Chén chúc phúc là chén mà những người khiêm hèn cho chúng ta.