Sống trọn vẹn, đó là uống cạn chén và tin Thiên Chúa sẽ rót đầy đời sống vĩnh cửu.
Tuy nhiên chúng ta cần các cách thực hành đường lối thiêng liêng cụ thể để giúp chúng ta hướng nội các niềm vui và buồn phiền, để tìm ở đó con đường duy nhất hướng về tự do nội tại. Ba con đường thiêng liêng - thinh lặng, lời nói và hành động - có thể giúp chúng ta uống chén cứu rỗi.
Chắc chắn thinh lặng không có nghĩa là thụ động, bởi vì chính trong thinh lặng mà chúng ta đối diện được với con người thật của mình. Buồn bã, bất hạnh đôi khi quá sức chịu đựng, làm chúng ta làm bất cứ gì để khỏi đối diện với nó. Truyền hình, thu thanh, báo chí, sách đọc, phim ảnh, thậm chí đến việc làm, đời sống xã hội bận rộn cũng là những cách chạy trốn và sống dài dài đời sống rong chơi của mình. Chữ rong chơi rất quan trọng ở đây. Rong có nghĩa là xem nhẹ thì giờ, sự việc. Rong chơi là giải trí, vui đùa cho qua thì giờ. Thường thường giải trí có tác dụng tốt, giúp mình bớt căng thẳng, làm cho mình quên đi chốc lát các lo lắng, các sợ hãi. Nhưng khi chúng ta sống cuộc đời như một chuỗi ngày rong chơi, thì chúng ta đánh mất quan hệ với tâm hồn mình, trở thành khán giả hay người đóng vai làm nền cho một tấn tuồng mà nó chẳng bao giờ được diễn lại. Dù đó là một việc làm hữu ích và có lợi thì đó cũng là một cách làm cho mình quên mình là ai. Như thế không ngạc nhiên đối với một số người, khi viễn ảnh về hưu làm họ lo lắng. Chúng ta sẽ là gì khi chẳng có việc gì để làm?
Thinh lặng là cách thực hành một lối sống thiêng liêng giúp chúng ta vượt qua giai đoạn rong chơi. Chính trong thinh lặng mà vui vẻ buồn phiền đi ra khỏi vỏ ốc của nó; lúc đó chúng ta có thể nhìn nó mà không sợ, vì nó là của mình; và giữa bóng tối và ánh sáng, chúng ta vạch ra một con đường dẫn đến tự do. Chúng ta có thể tìm thinh lặng trong thiên nhiên, trong nhà thờ, nơi trung tâm suy gẫm hay trong nhà chúng ta. Dù dùng phương tiện nào để có thinh lặng, chúng ta phải yêu thích nó. Bởi vì trong thinh lặng, chúng ta mới có thể hiểu được mình và dần dần nhận biết đó là ân huệ của Thiên Chúa.
Mới đầu, thinh lặng có thể làm chúng ta hãi sợ, bởi vì đó là tiếng nói từ bóng tối: ghen tương, giận dữ, cay chua, muốn trả thù, ham muốn, tham lam; đó cũng là nỗi đau do mất mát, lợi dụng, ruồng bỏ. Những tiếng nói này thường ồn ào và phủ phàng. Nó có thể làm chúng ta đinh tai nhức óc. Phản ứng tự nhiên của chúng ta là chạy trốn và rong chơi.
Nhưng nếu chúng ta có can đảm chịu đựng và không ngại cảnh náo động này thì dần dần nó sẽ mất sức lực và yếu dần, khi đó ta sẽ lắng nghe được các tiếng nói dịu dàng và khích lệ đến từ ánh sáng.
Các tiếng nói của bình an, lòng tốt, dịu dàng, hy vọng, tha thứ và nhất là tình yêu. Đầu tiên, các tiếng nói này có thể nhỏ, không đáng kể và chúng ta thấy khó khăn để tin tưởng vào nó. Dù sao, nó rất kiên trì và sẽ trở thành tiếng nói rất mạnh nếu chúng ta tiếp tục lắng nghe. Tiếng nói đến từ rất thâm sâu và rất xa, nói với chúng ta từ khi chúng ta chưa sinh ra, vén mở cho chúng ta thấy không có bóng tối nơi Đấng được gởi đến thế gian này, mà chỉ có ánh sáng nơi Người.
Tiếng nói đó là tiếng vang của Thiên Chúa gọi chúng ta từ muôn thuở: “Con yêu quý của Ta, niềm vui của Ta, Ta yêu thương con... “
Tiếng động ầm ĩ của thế giới này thường xuyên làm nghẻn tiếng nói dịu dàng và trấn an này. Đó là tiếng nói của sựï thật, nó giống như tiếng nói của tiên tri Êlia trên núi Horeb. Ở đó, Chúa đến với ông không qua cơn bão, cơn động đất, không qua lửa nhưng qua “cơn gió thoảng” (1V 19:11-13). Cơn gió nhẹ này đuổi tan lo sợ, cho phép chúng ta ngắm nhìn thực tế, thực tế của chúng ta, cơn gió không tìm cách đánh lừa chúng ta.
Có ý thức về thực tại của chúng ta trong thinh lặng thôi cũng chưa đủ, chúng ta cần nói cho bạn bè, những người chúng ta tin tưởng, biết thực tại này là của chúng ta. Để làm được việc này, chúng ta phải nói lên những gì có trong chén của mình. Bao lâu chúng ta sống cuộc đời của mình trong bí mật, cô lập với cộng đồng tình yêu, thì bấy lâu cuộc đời của mình là một gánh nặng. Sợ người khác biết về mình làm chúng ta xa cách với đời sống nội tâm - đời sống thật -, với đời sống bên ngoài - đời sống giả. Vì không có khả năng sống với các cảm nhận chân thật của mình, chúng ta đi đến chỗ hạ thấp giá trị mình và khinh mình, dù cho người khác có mến chuộng hay thán phục mình.
Để biết mình thật sự và để nhận biết trọn vẹn đời sống của mình là đời sống duy nhất, chúng ta cần được biết và nhận biết bởi những người mà đối với họ, chúng ta có giá trị. Chúng ta không thể sống một đời sống thiêng liêng trong bí mật. Khi cô lập mình, chúng ta không thể tìm được con đường dẫn đến tự do thật. Thinh lặng không có lời nói cũng nguy hiểm như cô đơn không có cộng đồng. Đó là những chuyện không tách rời nhau được.
Nói về chén của mình và những gì có trong chén không phải là việc làm không đau đớn. Điều này đòi hỏi quyết tâm và bền bỉ, vì cũng như chúng ta tránh thinh lặng để khỏi đối diện với mình, thì chúng ta cũng nên giữ các lời thổ lộ để tránh đối chất với người khác.
Tôi không muốn nói tất cả những người chúng ta gặp hay những người chúng ta quen biết đều phải biết những gì có trong chén chúng ta. Ngược lại, sẽ thiếu tinh tế, sáng suốt và ngay cả cẩn thận khi phô bày nội tâm của mình cho những người không tạo cho mình được bình an và an ủi. Điều này không tạo nên tình tương ái mà chỉ gây bối rối chung, làm cho mình xấu hổ và có mặc cảm thêm. Nhưng tôi nói, chúng ta cần bạn yêu thương, một mình ta và với họ, chúng ta có thể mở lòng ra với nhau. Với những người bạn như vậy, chúng ta có thể cất gánh nặng của tê liệt và bất lực mà bí mật làm hại chúng ta. Họ có thể cho chúng ta một tình bạn bền vững và thiêng liêng, để chúng ta có thể bày tỏ các nỗi buồn sâu xa cũng như các niềm vui to lớn; họ có thể thúc đẩy chúng ta đặt lại vấn đề cách yêu thương của chúng ta, để chúng ta đứng trước thách đố phải có được một đời sống thiêng liêng trưởng thành. Người ta có thể nói bác lại: “Tôi không có bạn, tôi không tin ai được và tôi cũng không biết cách nào để tìm ra bạn”. Những lời bác bỏ này đến từ việc chúng ta sợ uống chén mà Đức Giêsu mời chúng ta uống.
Khi chúng ta hoàn toàn dấn thân vào con đường thiêng liêng, kêu gọi chúng ta uống cạn chén của mình, thì mau chóng chúng ta sẽ gặp được những người cùng đi một con đường, họ sẽ an ủi chúng ta, cho chúng ta tình bạn, tình thương của họ. Tôi đã chứng kiến việc Thiên Chúa gởi đến những người bạn tuyệt vời cho những ai tận hiến mình cho Chúa. Đó là bí ẩn nghịch lý mà Đức Giêsu nói khi chúng ta rời những người thân yêu vì danh Người, vì Tin Mừng, thì chúng ta sẽ nhận gấp bội các lời nâng đỡ tinh thần (xem Mc 10:29-30)
Khi chúng ta dám mở đáy quả tim mình cho những người bạn mà Thiên Chúa gởi đến, thì dần dần chúng ta sẽ tìm được tự do nội tâm và lòng can đảm sống gấp mười lần. Khi chúng ta tin thật sự chúng ta không có gì để che giấu với Chúa, thì chúng ta sẽ biết mình được các người bạn là các người đại diện của Chúa đang ở bên cạnh mình, và với họ, mình có thể hoàn toàn tin tưởng để thổ lộ tâm hồn của mình.
Không có gì cho chúng ta nhiều sức mạnh bằng việc mình được nhận biết và yêu thương trọn vẹn bởi những người sống cho tình yêu của Chúa. Điều đó cho chúng ta can đảm uống cạn chén của mình, biết đó là chén cứu rỗi, và cũng giúp cho chúng ta biết sống trọn vẹn cũng như chết trọn vẹn. Khi chúng ta được các bạn yêu thương ở chung quanh, thì cái chết là con đường tiến đến hiệp thông trọn vẹn với các thánh.
Cũng như thinh lặng và lời nói, hành động giúp chúng ta biết con người thật của mình và để thực hiện trọn vẹn chức năng của mình. Công việc này đòi hỏi tu tập mỗi ngày, đời sống hàng ngày đầy những việc làm bó buộc và yêu cầu: “Làm này, làm kia, đi đây, đi đó, gặp người này, gặp người kia”. Bận rộn là dấu hiệu của người quan trọng. Có nhiều việc để làm, nhiều nơi để đi, nhiều người để gặp: cho mình có một địa vị và có tiếng. Ngược lại, bận rộn có thể làm chúng ta xa ơn gọi thật sự của mình và ngăn chúng ta uống chén của mình.
Mặt khác, làm sao phân biệt được giữa những gì chúng ta được gọi để làm và những gì chúng ta muốn làm. Các ước muốn dễ dãi làm cho chúng ta xao nhãng công việc thật của mình, công việc dẫn chúng ta thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình. Dù chúng ta làm việc trong văn phòng, xưởng máy, bệnh viện; dù chúng ta du lịch khắp nơi trên thế giới, viết sách vở, thực hiện phim hay săn sóc người nghèo; là người lãnh đạo hay là người làm việc bình thường, câu hỏi không phải là “Tôi muốn cái gì hơn nữa?” mà là “Ơn gọi của tôi là gì?” Chúng ta có thể nhận lời hay từ chối một chức vụ danh tiếng nhất, một chức vụ khiêm tốn nhất trong xã hội theo ơn gọi của mình.
Với khả năng minh định, chúng ta phải chọn lựa các việc làm nào mà nhờ đó chúng ta có thể uống cạn chén, để đến cuối đời, chúng ta có thể nói với Đức Giêsu: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19:30). Đây là nghịch lý: Rót đầy đời sống bằng cách uống cạn. Đức Giêsu đã nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được nó” (Mt 10:39).
Khi chúng ta dấn thân để làm theo ý Chúa chứ không theo ý mình, thì nhanh chóng, chúng ta sẽ thấy rất nhiều việc mình đã làm, không cần thiết phải chính mình làm. Những gì mình được gọi để làm, đó là những việc mang đến niềm vui và bình an thật sự. Nếu rời bỏ những người thân yêu vì tình yêu Thiên Chúa mang đến cho chúng ta nhiều bạn mới, thì tác động của nó cũng vậy, khi chúng ta từ bỏ những công việc không thích hợp với ơn gọi của mình.
Các công việc dẫn đến quá sức, kiệt lực, suy thoái không dự phần vào vinh quang của Thiên Chúa, vào toàn hảo của công trình tạo dựng. Những gì Thiên Chúa gọi chúng ta làm, chúng ta có thể làm và làm tốt. Khi chúng ta thinh lặng nghe tiếng Chúa, và chúng ta nói về Người với những người chúng ta tin tưởng, thì chúng ta ý thức về những gì chúng ta được gọi, và chúng ta hoàn tất nó với lòng biết ơn.
Thinh lặng, lời nói, hành động chỉ dẫn cho chúng ta con đường để đi, và từng bước, chúng ta tiến đến đích. Trên đường đi, chúng ta sẽ gặp trở ngại, gặp những con đường không thể nào đi được, nhưng chúng ta cũng sẽ gặp được cảnh trí đẹp tuyệt vời; chúng ta sẽ đi qua các bãi sa mạc dài hay đi dọc bờ sông đầy bóng mát; chúng ta sẽ đụng phải những người bất lương hay quân cướp, nhưng chúng ta cũng sẽ có những người bạn tốt nhất. Chúng ta thường tự hỏi liệu mình có đi đến đích được hay không, nhưng rồi sẽ có một ngày, chúng ta sẽ tiến về Đấng đã chờ chúng ta từ muôn thuở để đón chúng ta về nhà.
Đúng, chúng ta có thể uống chén cuộc đời của mình và khi uống cạn, chúng ta sẽ hiểu Đấng gọi chúng ta là “con yêu quý” trước khi chúng ta sinh ra đời đang rót cho chúng ta chén đời sống vĩnh cửu.