Sau sáu năm ở Daybreak, Ađam, Michael, Bill, Tracy, Suzanne, Loretta, David, Francis, Patrick, Janice, Carol, Gordie, George và nhiều người khác nữa đã trở thành bạn của tôi. Còn hơn là bạn, vì trong đời sống hàng ngày, họ sống quá gần với tôi. Dù cho họ đã bị khuyết tật từ khi tôi biết họ, nhưng rất hiếm khi tôi nghĩ họ là người khuyết tật. Tôi nghĩ đến họ như người anh, người chị mà tôi cùng chia sẻ cuộc đời. Tôi cười, tôi khóc, tôi ăn uống, tôi đi xem phim, tôi cầu nguyện và dâng lễ với họ, tóm lại, tôi sống cuộc đời của tôi với họ. Và đúng ra, họ cho tôi một nguồn vui to lớn.
Sau khi săn sóc Ađam vài tháng, tôi không còn sợ anh. Thức anh dậy, đánh răng, cạo râu, tắm, dọn bửa ăn sáng cho anh đã làm giữa tôi và anh có một mối dây thắt chặt - một dây liên hệ vượt qua ký hiệu của lời và của hành vi dùng để trao đổi - tôi bắt đầu nhớ anh khi chúng tôi không thể gặp nhau. Thời giờ tôi ở với anh là thời giờ cầu nguyện, thời giờ thinh lặng và thân tình trong bình an. Ađam làm dịu tâm hồn tôi, đó là một người thương tôi và tin tưởng tôi, dù cho nước tắm có lúc quá lạnh có lúc quá nóng, dù cho tôi lỡ tay cạo râu làm anh chảy máu hay dù tôi mặc áo trái cho anh!
Các cơn động kinh của anh không còn làm cho tôi sợ. Nó chỉ bắt buộc tôi phải chậm nhịp làm việc, phải quên các việc làm khác để ở lại với anh, lấy mền dày đắp ấm cho anh. Bước đi chậm chạp và khó nhọc của anh làm tôi kiên nhẫn và có dịp ở gần anh, quàng tay qua người anh và nói với anh những lời khuyến khích. Khi anh làm đổ ly nước cam hay đổ đồ ăn xuống sàn, tôi không còn lo hoảng, tôi chỉ lằng lặng đi chùi. Biết được Ađam là một đặc ân đối với tôi. Ai có thể ở gần được một con người như tôi được ở gần Ađam? Ai có thể ở hàng giờ mỗi ngày với một người hoàn toàn tin tưởng ở mình và mình cũng tin ở họ? Đó có phải là niềm vui không?
Và Michael, em của Ađam: tình bạn của anh quá quý đối với tôi! Anh là người duy nhất trong cộng đồng gọi tôi là “cha Henri”. Mỗi lần nói như vậy, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, như thử anh cũng muốn làm cha như tôi! Với giọng nói ngập ngừng và đứt quãng, anh lấy tay chỉ vào giây choàng ở cổ tôi và lặp đi lặp lại không ngừng: “ Con... con cũng... muốn... có... một... sợi... giây như... thế... cha ạ”. Khi anh buồn vì thấy Ađam đau hay một người bạn anh yêu thương đi xa, anh đến gặp tôi, vòng tay ôm tôi và để nước mắt chảy tự do. Một lúc sau, ôm vai tôi, khuôn mặt vui cười qua làn nước mắt, anh nói: “Cha là... một... người... cha... thiệt... vui!” Khi chúng tôi cầu nguyện chung với nhau, anh chỉ vào ngực và nói: “Con... con... cảm... thấy... một cái gì... ở đây... ở trong quả tim... của con”. Và khi chúng tôi cầm tay nhau, một niềm vui bao la ôm lấy nỗi buồn đã cùng được chia sẻ của chúng tôi.
Bill, mà cuộc đời đầy khó khăn và đầy trớ trêu của số phận, đã trở thành người bạn đồng hành đặc biệt của tôi. Anh thường theo tôi trong các buổi đi thuyết trình, từ Washington, New-York đến Los Angeles và các thành phố khác. Dù bất cứ đâu, sự hiện diện vui vẻ và đầy hiệu năng của anh còn có kết quả hơn là các lời nói của tôi. Bill rất thích kể chuyện tếu. Với một thái độ thoải mái tự nhiên, anh làm cho mọi người cười hàng giờ, người giàu hay nghèo, có chức vị hay không, Giám mục hay người đàn bà nội trợ, nghị viên hay anh gác thang máy. Đối với Bill, tất cả mọi người đều quan trọng và tất cả mọi người đều đáng được nghe những câu chuyện hài hước của anh! Nhưng có những lúc anh buồn, đó là khi anh nói về Ađam, người không thể nào nói được, hay Tracy là người không thể nào đi được, anh bật lên khóc nức nở. Lúc đó anh ôm vai tôi, khóc không ngừng và không xấu hổ. Nhưng sau đó anh lấy lại nụ cười và hứng khởi ngay lập tức.
Tracy, mà nụ cười rạng rỡ khi có người đến thăm cô. Loretta, với các săn sóc dịu dàng đối với những người bệnh hơn cô. Lòng quan tâm của David, Janice, Carol, Gordie, George cho nhau và cho những người trợ tá. Họ đúng là những dấu hiệu đích thực của niềm vui.
Thật không ngạc nhiên khi thấy các thanh niên nam nữ trẻ khắp nơi trên thế giới muốn đến Daybreak để ở gần những người đặc biệt này. Đúng, họ đến để lo cho chính họ và để đáp ứng cho các nhu cầu riêng của họ. Nhưng họ ở lại vì những người họ săn sóc mang đến cho họ niềm vui và bình an mà họ không tìm ở đâu khác được. Không còn nghi ngờ gì, những người khuyết tật ở Daybreak làm cho họ đối diện với các khuyết tật riêng, các vết thương bên trong, các buồn phiền riêng của họ, nhưng niềm vui sống chung và chia sẻ các yếu kém của nhau làm cho các buồn phiền của họ không những dễ chịu đựng hơn, mà còn là nguồn của lòng biết ơn.
Riêng tôi, sống trong cộng đồng này là một nguồn vui vô biên, dù tôi chưa bao giờ đau khổ, chưa bao giờ khóc và chưa bao giờ lo lắng như thời gian ở Daybreak. Chưa có chỗ nào tôi ở mà tôi được nhấc lên như ở cộng đồng nhỏ bé này. Không thể nào che giấu tính sốt ruột, cơn giận dữ, các hụt hẫng, và tình trạng suy thoái tinh thần của tôi với những người có ý thức về các yếu kém riêng của họ. Ai cũng thấy rõ nhu cầu cần tình bạn, cần yêu thương, ước muốn được khẳng định và làm xong công việc của tôi. Tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm sâu xa là bản chất đích thực của đời sống mục vụ là một người-với người khác, một chia sẻ nỗi thống khổ-với người khác. Chức tư tế của Đức Giêsu mô tả trong thư gởi cho tín hữu Do thái là tình đoàn kết với nỗi đau khổ của nhân loại. Chức linh mục ngày nay đặt tôi trước thách đố là không được tránh né các việc khó khăn, phải từ bỏ tháp ngà, ra sức nối liền tính mỏng giòn của tôi với tính mỏng giòn của những người chung sống với tôi. Và thật là một niềm vui toát ra từ đời sống đó! Niềm vui thuộc về, là một thành viên của cộng đồng, là không còn xa lạ.
Một cách nào đó, cuộc đời của tôi ở Daybreak cho tôi cặp mắt để nhìn niềm vui ở nơi mà người khác cho là buồn. Tôi không còn sợ hãi khi nói chuyện với một người lang thang gặp trên đường phố Toronto. Chủ đích cuộc gặp gỡ chắc chắn là vì tiền, nhưng sau đó chúng tôi mau chóng nói qua chuyện khác, nói đến các sự kiện trong đời sống, nói đến đời của nhau. Ánh mắt nhìn nhau, tay nắm tay, rồi, chẳng chờ đợi, chúng tôi cười với nhau: Một nụ cười! đó là giây phút vui thú đích thực. Bất hạnh không vì thế mà biến mất, nhưng có một cái gì đó thay đổi trong sự kiện tôi không còn đứng trước mặt họ, nhưng là ở gần họ, ở giữa họ và chúng tôi trao đổi những giây phút thoải mái, đơn giản được ở gần bên nhau.
Còn đau khổ không đo lường được của nhân loại trên thế giới thì sao? Niềm vui nào có thể có khi người ta còn chết đói, còn bị khai thác, sỉ nhục, đánh đập, bị giam tù? Làm sao người ta dám nói đến vui vẻ khi đứng trước vực thẳm vô đáy của bất hạnh?
Dù vậy, đau khổ vẫn còn đó! Cho những ai có can đảm thấm nhập sâu xa trong nỗi đau khổ của nhân loại, thì ở đó họ có niềm vui che giấu như một vật quý để trong tường của một hầm kín. Đó là một thực tế mà tôi đã chứng kiến khi sống trong một gia đình rất nghèo ở Pamplona Alta, thành phố ổ chuột ngoại ô Lima, Pérou. Cái nghèo nàn khốn khổ này còn tệ hơn tất cả những gì tôi thấy trước đây, nhưng khi nhớ lại ba tháng ở chung với Pablo, Maria và các con của họ, tôi nhớ các kỷ niệm đầy ắp tiếng cười, vòng tay ôm, các trò chơi đơn sơ và các buổi tối ngồi kể cho nhau nghe đủ chuyện. Niềm vui đích thực là ở đó, một niềm vui không dính với thành công xã hội, của cải vật chất, cũng không xây dựng trên hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh nghèo. Niềm vui này đến từ nguồn suối thiêng liêng không bao giờ cạn, dù cho nó cùng cực đau khổ. Cô con gái của một người bạn ở New-York, cô làm việc ở Rwanda một năm, cũng nói không những cô thấy tuyệt vọng mà còn thấy hy vọng, can đảm, ân cần, tương trợ. Cô bị xao động sâu xa vì những gì cô thấy, nhưng không vì vậy mà cô bị thương tổn. Ngược lại, kinh nghiệm này làm tăng thêm lòng quyết tâm làm việc liên tục cho công lý và hòa bình.
Niềm vui và buồn phiền không bao giờ lìa nhau. Trong chén cuộc đời, hạnh phúc và bất hạnh, lạc thú và ưu phiền, vui sướng và tang tóc tròng tréo nhau. Nói cách khác, chén này thật khó uống. Chính vì thế mà chúng ta phải cầm chén một cách cẩn thận, tìm niềm vui che giấu trong buồn phiền.
Chúng ta có thể thấy Đức Giêsu là Người của niềm vui không? Thân hình bị tra tấn, trần truồng, bị treo, hai tay đóng đinh vào thập giá không phải là một chuyện vui. Tuy nhiên, thập giá của Đức Giêsu thường là dấu hiệu tượng trưng cho ngai vinh quang. Trên ảnh thánh giá, thân hình Đức Giêsu không phải là thân hình của người bị đánh đập, bị cực hình nhưng là thân hình đẹp sáng rọi mà các vết thương là những vết thương thiêng liêng.
Ảnh tượng ở San Damiano là một ví dụ, ảnh tượng mà thánh Phan Sinh hay gọi bằng tên và nói chuyện với người. Ảnh tượng cho thấy một Đức Giêsu bị đóng đinh nhưng chiến thắng. Bờ thập giá được bao bằng vàng lộng lẫy, thân hình của Đức Giêsu đẹp tuyệt hảo, không mang dấu vết của tra tấn, thanh ngang thập giá là hình tấm mộ được mở ra nơi Đức Giêsu sống lại, Mẹ Maria, thánh Gioan và những người ở chung quanh người bên cây thập giá đều hân hoan. Trên đỉnh cột thập giá là hình ảnh các thiên thần bao quanh Thiên Chúa, Đấng đang đưa tay vẫy gọi Đức Giêsu về trời...
Thập giá này cũng là thập giá của Sống Lại, tượng trưng cho Đức Giêsu trong vinh quang. Các lời của Đức Giêsu: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi “ (Ga 12:32) không những dựa vào việc đóng đinh mà còn dựa vào sự sống lại. Được giương cao, không phải chỉ muốn nói được giương cao lên trên thập giá, nhưng là còn giương cao lên bằng sự sống lại. Đó vừa là dấu hiệu của khổ tâm vừa là dấu hiệu của toại tâm.
Đức Giêsu nói điều này rất rõ: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời “ (Ga 3:13-14). Những gì Môsê giương cao như cờ hiệu trong sa mạc, là con rắn bằng đồng có khả năng chữa các vết thương do rắn cắn nếu người bị thương nhìn vào đó ( Đnl 21:8-9). Thập giá của Đức Giêsu là cờ hiệu có khả năng chữa lành cho chúng ta khỏi sự chết. Thiên Chúa “giương cao “ kéo tất cả nhân loại về với Người trong đời sống vĩnh cửu. Đức Giêsu, Đấng đã kêu: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? “ (Mt 27:47) cũng là Đấng từ bỏ mình trong tin tưởng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha “ (Lc 23:46). Đức Giêsu muốn chúng ta thông dự hoàn toàn vào nỗi khổ của người, người cũng muốn chúng ta tham dự trọn vẹn vào niềm vui của người. Đức Giêsu, Người của niềm vui, muốn chúng ta là dân của niềm vui.
”Con có thể uống chén mà Ta sắp uống không? “ Sau khi đặt câu hỏi này cho Giacôbê và Gioan và được nghe câu trả lời tự phát: “Thưa được “, Đức Giêsu nói lời tiên đoán khủng khiếp, nhưng cũng đầy tràn hy vọng: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống “. Chén của Đức Giêsu sẽ là chén của họ. Những gì Đức Giêsu sẽ sống, họ sẽ sống. Đức Giêsu không muốn các bạn của người đau khổ, nhưng người biết rằng, đối với họ, đau khổ là con đường duy nhất và cần thiết dẫn đến vinh quang. Sau này, người nói với hai trong các môn đệ của người: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? “ (Lc 24:26) Buồn phiền và vui mừng không thể rời nhau. Đức Giêsu biết điều đó, ngay cả trong cơn lo lắng ở trong vườn Giếtsêmani, khi tâm hồn Người “buồn đến chết được” (Mt 26:38), Người nhờ đến thiên thần từ trời xuống để an ủi. Chén của chúng ta thì đầy buồn phiền mà niềm vui hầu như không với tới được. Khi rượu đang còn ở trong thùng ép, người ta không biết rượu sẽ ra như thế nào. Buồn phiền làm chúng ta kiệt sức, làm chúng ta té xuống đất, đổ mồ hôi máu. Chính lúc đó chúng ta phải nhớ chén buồn phiền của chúng ta cũng là chén vui mừng, và một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ nếm được niềm vui trọn vẹn như chúng ta đang nếm đau khổ bây giờ.
Sau khi thiên thần xuống an ủi, Đức Giêsu đứng dậy, đối diện với Giuđa và quân lính đến bắt Người. Nhìn những gì đang xảy ra, Phêrô tuốt gươm ra và hành hung người đầy tớ vị thượng tế. Đức Giêsu nói với Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18:11)
Đến lúc này, Đức Giêsu không còn bị lo lắng. Người đứng trước kẻ thù với một thái độ cao cả và bình tâm. Người cầm chén đầy buồn phiền nhưng cũng đầy niềm vui. Niềm vui biết những gì người làm là vâng theo ý Cha và hoàn thành sứ mệnh của Người. Thánh Gioan mô tả cho chúng ta thấy sức mạnh tinh thần phi thường của Người trong giây phút này: “Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: “Các anh tìm ai?” Họ đáp:”Tìm ông Giêsu Nadarét”. Người nói: “Chính tôi đây “... thì họ lùi lại và ngã xuống đất “ (Ga 18:4-6).
Tiếng vâng không điều kiện của Đức Giêsu với Chúa Cha đã cho người sức mạnh để uống chén, không phải trong thái độ thụ động cam chịu, nhưng tin chắc giờ chết sẽ là giờ vinh quang. Tiếng vâng tuân thuận là hành vi sáng tạo, một hành vi mang nhiều thành quả. Tiếng vâng cất bỏ được số mệnh phủ phàng: sứ mệnh của Người được tiếp tục. Thay vì một kết thúc không tránh được, thì cái chết của Người trở thành khởi đầu của một đời sống mới. Tiếng vâng là lời loan báo hạt giống gieo vào lòng đất sẽ cho một mùa gặt dồi dào.
Niềm vui giấu trong nỗi buồn! Tôi biết điều này qua các giây phút suy thoái của tôi. Tôi đã học điều này khi sống gần những người khuyết tật. Tôi đã thấy điều này trong ánh nhìn của những người đau khổ: những người bệnh, những người nghèo giữa những người nghèo. Chúng ta quên sự thật này và lúc đó tất cả đau khổ mà chúng ta chịu đựng làm chúng ta kiệt sức. Chúng ta đứng trước một thực tế duy nhất.
Chúng ta phải nhắc nhau là những gì làm chúng ta khổ có thể trở thành miếng đất màu mỡ cho hạnh phúc. Đúng ra, chúng ta phải là thiên thần của nhau để an ủi nhau. Chính khi chúng ta cùng mang đến sức lực hổ tương cho nhau, an ủi nhau là chúng ta hiểu được chén của chúng ta vừa chứa đựng niềm vui và nỗi buồn, và khi đó chúng ta sẽ chấp nhận uống chén.