Đó là một ngày chúa nhật, Đức Hồng Y Bernard Alfrink, thuộc giáo phận Hòa Lan, đặt tay lên đầu tôi, mặc cho tôi chiếc áo choàng trắng, đưa cho tôi chén thánh với khăn bằng vải lanh. Tôi chịu chức cùng với hai mươi bảy tân linh mục khác ở thánh đường Sainte Catherine, thành phố Utrecht. Tôi chẳng bao giờ quên được cảm xúc trào dâng ngày hôm ấy, ngày 21 tháng 7 năm 1957.
Từ lúc lên sáu, tôi đã có ước muốn làm linh mục mãnh liệt. Trừ những giấc mơ thoáng qua muốn làm sĩ quan hàng hải, chỉ vì bộ đồng phục màu xanh trắng có dây ren vàng mà các sĩ quan mặc đi diễn hành trên sân ga làng, còn ngoài ra tôi luôn luôn mơ có một ngày dâng thánh lễ như cậu Antôn của tôi.
Bà ngoại là người khuyến khích tôi nhiều nhất. Bà là người đàn bà buôn bán giỏi, có một tiệm buôn lớn, mẹ tôi là người giữ sổ sách, tôi và em tôi tha hồ chơi cút bắt, chạy lên chạy xuống thang máy trong tiệm. Khi biết được ơn gọi chớm nở của tôi, bà nhờ bác thợ mộc đóng cho tôi một cái bàn thờ nhỏ, nhờ cô thợ may may cho tôi các bộ áo quần để tôi giả làm linh mục. Tôi biến cái gác xép trong nhà thành nhà nguyện cho các em bé, ở đó tôi giả bộ làm lễ và giảng cho bố mẹ tôi nghe. Tôi cũng hô hào được đám bạn để tổ chức một hệ thống phẩm trật có đầy đủ giám mục, linh mục, thầy phó tế, trẻ giúp lễ. Trong thời gian này, không những bà ngoại tiếp tục cho tôi các vật dụng mới để tôi có thể đóng vai linh mục như chén thánh, dĩa thánh, mà bà còn nhẹ nhàng hướng dẫn tôi có một đời sống cầu nguyện và củng cố lòng mộ đạo để tôi có quan hệ mật thiết với Đức Giêsu.
Lên mười hai tuổi, tôi muốn vào chủng viện, cha mẹ tôi chống đối cho rằng tôi còn quá nhỏ để rời khỏi gia đình. Cha tôi nói: “Con chưa sẵn sàng để có một quyết định như vậy, con phải chờ đến mười tám tuổi”. Đó là năm 1944, người muốn tôi vào trường trung học ở thành phố tôi ở, gần Amsterdam. Thế Chiến II đang hoành hành, nhưng cha mẹ tôi đã gìn giữ cho hai anh em tôi tránh được các chuyện khủng khiếp của chiến tranh, chúng tôi có một đời sống bình thường. Sau chiến tranh, chúng tôi dọn về La Haye, tôi học xong trung học ở đó. Cuối cùng đến năm 1950, tôi được vào chủng viện để học triết lý và thần học, chuẩn bị làm linh mục sau này.
Khi giấc mơ làm linh mục được thực hiện vào ngày 21 tháng 7 năm 1957, tôi mới hai mươi lăm tuổi và còn quá ngây thơ. Cuộc đời tôi được bảo bọc, lớn lên trong một ngôi vườn đẹp, với hàng rào che kín rậm rạp. Đó là ngôi vườn được gìn giữ bởi cha mẹ yêu thương, bởi kinh nghiệm ngây thơ của sói con, của thánh lễ, của chịu lễ mỗi ngày, của những giờ học với các vị thầy tận tụy, những năm tháng dài hạnh phúc nhưng khép kín của đời sống chủng viện. Tôi ra trường lòng đầy tình thương cho Đức Giêsu và có ước muốn nóng bỏng rao giảng lời Chúa cho thế gian, mà không hề biết là thế gian chẳng chờ để nghe tôi giảng! Tôi chỉ quen rất ít người Tin lành và luôn luôn cẩn thận đề phòng, tôi chẳng bao giờ gặp người ngoại đạo, tôi hoàn toàn không biết gì hết về các tôn giáo khác. Các người ly dị là một bí hiểm đối với tôi và nếu có các linh mục từ bỏ áo dòng, thì người ta tránh không cho tôi gặp. Chuyện “tiếng tăm “ lớn nhất mà tôi chứng kiến là có một anh bạn chủng sinh không đi tu nữa!
Dù sao đó vẫn là khu vườn tuyệt vời của tuổi thanh xuân, đầy những việc tốt lành kéo dài suốt cả cuộc đời tôi: một tinh thần vui vẻ, một lòng sùng kính Đức Giêsu và Mẹ Maria sâu xa, một tâm hồn chân thực bám vào cầu nguyện, một đam mê tìm hiểu thần học và đời sống thiêng liêng, một ham thích mạnh mẽ Sách Thánh và các bài viết của những người kitô đầu tiên, một tâm hồn say sưa rao giảng và một ý thức rất mạnh về ơn gọi của mình. Bà ngoại, ông bà nội, cha mẹ, bạn bè, các giáo sư, tất cả đều khuyến khích tôi trung thành với ước muốn sống một đời sống với Đức Giêsu và cho người khác.
Khi ĐHY Alfrink đưa chén thánh cho tôi, tôi cảm thấy sẵn sàng để đảm nhiệm chức vụ linh mục. Niềm vui ngày hôm đó vẫn còn ở trong lòng tôi như một kỷ niệm không thể nào phai được. Chén thánh tượng trưng cho niềm vui này.
Trong dịp chịu chức, phần đông các bạn của tôi đều đặt làm chén thánh, riêng tôi là trường hợp ngoại lệ. Cậu Antôn chịu chức năm 1922, cậu rất hạnh phúc có một tân linh mục trong gia đình, và cậu tặng tôi chén thánh của cậu để tỏ lòng biết ơn Chúa. Chén rất đẹp do một nhà kim hoàn danh tiếng ở Hòa Lan làm, có dát các hạt kim cương nho nhỏ của bà ngoại tôi. Thân chén là hình thập giá như một thân cây, trên đó có chùm nho vàng óng ánh và lá nho bao bọc thành chén. Chân chén có khắc các chữ bằng tiếng latinh: Ego sum vites, vos palmites, “Ta là cây nho, các con là cành nho”. Đó là món quà quý giá, tôi rất xúc động khi nhận được. Tôi nhớ tôi đã nói với cậu Antôn: “Con thấy cậu hay dâng lễ với chén thánh này, cậu có chắc là cậu muốn nhường cho con không?” Cậu cười và trả lời: “Cậu muốn con giữ chén này. Chén này của bà ngoại, bà chết sớm không thấy được cháu làm linh mục, nhưng tình thương của bà ở với cháu bây giờ đây”. Vì thấy tôi cứ ngần ngại không chịu nhận chén thánh, cậu nói thêm: “Con cầm lấy, nhưng con phải truyền lại cho người khác trong gia đình, nếu có ai chịu chức.”
Chén thánh này vẫn còn ở trong tay tôi, vì cho đến giờ phút này, vẫn chưa có ai trong gia đình chịu chức. Tôi để trong nhà tạm ở nhà nguyện Dayspring, Toronto, nơi tôi ở hiện nay. Tôi hay cho bạn bè và các người đến thăm xem chén thánh này. Nhưng quá nhiều chuyện đã xảy ra trong hơn ba mươi năm qua, đến mức chén thánh sang trọng của cậu tôi giờ đây không còn tượng trưng cho những gì tôi đang sống. Bây giờ khi làm lễ, tôi thường hay dùng các loại chén do nghệ nhân Simon Pearce làm đồ thủy tinh ở Vermont chế tạo. Cái chén chế tạo bằng quý kim được thay thế bằng các chén thủy tinh trong suốt, có thể thấy rượu trong đó và nhiều người có thể cùng uống. Các chén này thể hiện một phong cách mới làm linh mục và một phong cách mới làm người. Tôi thích các chén mới này, nhưng nếu không có chén mà cậu Antôn cho tôi gần bốn mươi năm trước đây, thì các chén mới này sẽ không có nhiều giá trị dưới mắt tôi như bây giờ.
Tôi muốn kể câu chuyện chén lễ, không phải là câu chuyện của đời tôi, nhưng là câu chuyện của sự sống.
Khi Đức Giêsu hỏi các bạn của người là Giacôbê và Gioan, con ông Zêbêđê, “Các con có thể uống chén mà ta sắp uống không?” là người đặt câu hỏi đi thẳng vào tâm điểm chức thánh và cuộc đời của tôi. Trong nhiều năm, khi cầm chén thánh đẹp đẽ óng ánh trong tay, việc trả lời cho câu hỏi này hình như chẳng có gì là khó đối với tôi. Tôi, một linh mục vừa chịu chức, đầy ý tưởng và lý tưởng, cuộc đời hứa hẹn nhiều chuyện phong phú. Tôi háo hức uống chén này!
Ngày hôm nay, ngồi trước cái bàn thấp nhỏ, chung quanh tôi là các anh chị em bị khuyết tật, các trợ tá và người hướng dẫn họ, đưa cho họ rượu đựng trong chén bằng thủy tinh, câu hỏi đó trở thành một thách đố thiêng liêng. Tôi có thể, chúng ta có thể uống chén mà Đức Giêsu đã uống không?
Tôi còn nhớ cách đây vài năm, trong một thánh lễ có bài đọc mà Đức Giêsu đặt câu hỏi này. Lúc đó là 8 giờ rưỡi sáng, có vào khoảng hai mươi người trong cộng đồng Daybreak cùng xem lễ ở nhà nguyện dưới tầng hầm. Bỗng nhiên, các chữ “Con có thể uống chén này?” đâm xuyên qua tim tôi như mũi tên sắc bén của người thợ săn. Lúc đó tôi hiểu, như tia chớp khai sáng, nếu mình suy nghĩ sâu xa câu hỏi này, nó có thể làm thay đổi tận căn cuộc đời mình. Đó là câu hỏi có năng lực làm các tâm hồn chai đá mở ra và lột trần các động lực của đời sống thiêng liêng.
”Con có thể uống chén này?” Uống cạn chén đắng? Con có thể nếm cay đắng cũng như dịu ngọt? Con có thể sống đời của con đến tận cùng, cho dù thế nào? Tôi nhận ra đó là những câu hỏi thiết yếu.
Nhưng tại sao chúng ta phải uống chén này? Tại sao chúng ta phải dự phần vào đau khổ, lo lắng, bạo lực? Nên tìm đau khổ ít nhất và lạc thú nhiều nhất, đó có phải tốt hơn không?
Sau bài đọc, tự nhiên tôi cầm một trong các chén lớn để trên bàn, nhìn mọi người, trong đó có nhiều người bị khuyết tật nặng nề, tôi nói: “Chúng ta có thể cầm chén cuộc đời trong tay không? Chúng ta có thể nâng nó lên để mọi người cùng thấy, và chúng ta có thể uống đến tận cùng không? Uống chén, không phải là nuốt xuống những gì có trong chén, cũng như bẻ bánh, không phải chỉ là bẻ bánh ra bằng tay. Uống chén cuộc đời có nghĩa là cầm lấy chén, nâng chén lên và uống chén. Đó là sống đời sống sung mãn trọn vẹn, là cử mừng mình được làm người.”
Chúng ta có thể cầm cuộc đời chúng ta trong bàn tay, nâng nó lên cao và uống chén như Đức Giêsu đã làm không? Chung quanh tôi, nơi một vài người, tôi thấy lóe lên tia sáng hiểu biết, và trong tôi, tôi có trực giác đó là sự thật. Câu hỏi của Đức Giêsu cho tôi một ngôn ngữ mới, với ngôn ngữ này tôi có thể nói về cuộc đời của tôi, cuộc đời của những người chung quanh tôi. Rất lâu sau buổi dâng lễ thường lệ này, tôi vẫn còn tiếp tục nghe câu hỏi của Đức Giêsu: “Con có thể uống chén mà Ta sắp uống không?” Chỉ cần để câu hỏi này len vào tâm hồn thì tôi cũng đã bối rối. Nhưng tôi biết, từ nay, tôi sống với tâm trạng băn khoăn này.
Quyển sách này là thành quả con đường thiêng liêng của tôi. Tôi hy vọng nó tiếp tay làm câu hỏi của Đức Giêsu thấm nhập vào các tâm hồn, để mỗi người tìm câu trả lời riêng cho mình. Ba chủ đề đột ngột đến với tôi vào buổi sáng trong nhà nguyện Dayspring là: cầm lấy, nâng lên và uống, đó là nền tảng việc khám phá các chân trời thiêng liêng cho câu hỏi mà Đức Giêsu đã đặt cho chúng ta.