Người đàn ông to lớn, vai đeo balô hành lý, bước những bước nặng nề qua các phố xá của thị xã Nevers, trong lòng bồn chồn lo lắng. Cuộc gặp gỡ với cô gái nhỏ bé mà một lần ông đã dọa quét ra khỏi phòng, làm lòng ông nặng trĩu. Bernadette đã từng là kinh nghiệm sâu thẳm nhất trong đời ông về ơn thánh. Mọi lý thuyết về đời sống thiêng liêng xem ra vô nghĩa và vô lý trước bằng chứng cụ thể này. Nó là chứng từ sống động người ta phải suy nghĩ và cư xử thế nào cho đẹp lòng thiên giới vì được ơn Thiên Chúa xót thương. Nghĩ lại ông thấy mình quá kiêu căng trong nếp sống và tư duy. Bất giác ông nghĩ tới lời bổn đạo bé xíu của mình: “Thưa cha xứ, Bernadette đang nghĩ tới ngài”. Ông xúc động mạnh đến nỗi buộc phải cất công làm cuộc hành trình khó nhọc và xa xôi này.
Mẹ bề trên nhà dòng thánh Gildard dẫn cha xứ Lộ Đức đến phòng bệnh nhân. Đó là một gian phòng rộng lớn, hai cửa sổ cao và ba giường nằm. Mỗi giường kê sát vào một góc phòng, có màn kiểu tàn lọng che phủ. Bernadette nằm ở giường thứ ba bên góc phải. Linh mục chánh xứ khó chịu vì nghe tiếng giầy da của mình dội mạnh trên sàn nhà khi ngài tiến gần giường bệnh nhân. Điều mắt ngài nhìn thấy không phải là dì phước Marie Bernarde 35 tuổi mà là Bernadette còn rất trẻ, 14 tuổi gương mặt trắng ngà như thạch cao. Miệng còn trẻ con màu hồng nhẹ. Đôi mắt đen, to, vốn là đặc tính của các con nhà Soubirous. Linh mục chánh xứ hắng giọng nói với Bernadette “con à, cha đã đến”.
Rồi ngài hạ thân xác to béo của mình xuống cái ghế gần giường bệnh nhân. Trên tấm nệm đắp trắng là hai bàn tay màu trắng ngà muốn giơ về phía linh mục, nhưng không còn đủ sức. Cha Dominique Peyramale nhẹ nhõm cầm lấy một bàn tay mảnh mai đưa lên miệng hôn. Phỏng hai phút sau Bernadette thều thào:
- Thưa cha xứ, con không nói dối cha, con thực sự trông thấy bà lạ.
- Ừ con ạ, cha tin con đã xem thấy bà và con sắp được thấy bà nữa. Linh mục chánh xứ cố nén tiếng khóc, từ tốn trả lời.
Một thoáng tư lự chạy qua đôi mắt to của Bernadette. Cô gái nhớ lại các kỷ niệm cũ. Linh mục chánh xứ ngồi trong văn phòng gần lò sưởi, Bernadette trả lời ngài muốn làm đầy tớ bà Millet. Ngài hỏi bà lạ không có việc làm nào tốt hơn cho con sao? Bernadette trả lời: “Thưa cha xứ, con không chắc bà lạ cho con làm đầy tớ của bà”. Lần này linh mục không cầm nước mắt được nữa. Ngài nói: “Con ạ, lần này thì bà nhận con. Con đã chịu đựng đau đớn quá nhiều để đáng được hưởng thiên đàng”.
Gương mặt Bernadette sáng lên khi nghe hai chữ “thiên đàng”. Cô gái nở một nụ cười nhẹ nhàng: “Ôi thưa cha, những bệnh nhân như con thường thêm thắt ít nhiều. Những đau đớn của loài người không đáng sợ hãi lắm... Con tin rằng, những ngày tháng như vậy nhiều vui mừng hơn buồn phiền”. Nói đến đấy thì Bernadette đuối sức. Gương mặt như thạch cao trắng ngà ngà quặn đau. Bác sỹ Saint Cyr ngồi ở đằng sau nghe hai cha con nói truyện, đứng lên ra hiệu và linh mục Peyramale rút lui khó khăn.
***
Hôm đó là ngày thứ tư, mười sáu tháng tư 1879. một ngày vui vẻ vì trời sáng. Vào khoảng giữa trưa, nữ tu Nathalie chạy việc vặt nhà dòng trở về. Vừa vào cổng để về nhà, thì cảm thấy sức mạnh vô hình lôi kéo vào nhà bệnh nhân, chứ không cho về nhà dòng. Nathalie nghĩ có lẽ Bernadette cần điều chi. Dì vội đi đến phòng bệnh nhân. Phòng bệnh đầy những người, bác sĩ, linh mục chung quanh giường bệnh Bernadette nằm. Mẹ Vauzous và các dì khác quì gối. Gần cửa ra vào là cha Peyramale, hai tay khoanh trước ngực, đứng như bất động. Bernadette mở to mắt hỏi: “Hôm nay thứ mấy?” Dì Nathalie trả lời: “Thứ tư tuần thánh”. Bernadette vui vẻ nói: “Thế thì ngày mai là thứ năm”.
Thứ năm luôn là ngày vĩ đại đối với cô gái, ngày hạnh phúc. Vì thứ năm 11.2.1858 Bernadette được trông thấy bà lạ. Cũng ngày thứ năm bà nói với cô: “Hãy đi tới mạch nước uống và tắm”. Ngày thứ năm bà cho biết tên bà. Ngày thứ năm đầy biến cố mặc khải. Ngày mai lại thứ năm. Hạnh phúc vì đạt tới mục tiêu, sáng lên đôi mắt Bernadette. Dì đưa tay làm một dấu thánh giá lớn sáng ngời mà thị kiến đã dạy dì. Người ta khởi sự đọc kinh dẫn đàng.
Đôi mắt Bernadette long lanh nhìn cắm vào khỏang không cầu nguyện. Bỗng tự nhiên một sức mạnh mới đẩy cô gái ngồi lên. Một giọng phụ nữ mạnh khỏe kêu to: “Tôi yêu”. Dư âm của nó vang dội khắp gian phòng, mọi người có mặt sửng sốt nghe như tiếng chuông. Lời kêu của dì Marie Bernarde quá lớn khiến tiếng kinh đều đều phải ngưng lại. Gian phòng im ắng hoàn toàn. Dì Marie Thérèse Vauzous chạy tới giường, hai tay giang rộng. Khuôn mặt Bernadette nhăn nhó vì đau đớn. Ít người được chứng kiến cô gái đang khóc. Cô như xem thấy bà khách lạ đang hiện diện ở trong phòng, Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, dịu dàng, rất đáng mến yêu đã đến để nhận đứa trẻ của Mẹ về thiên cung.
Dì Marie Thérèse Vauzous thổn thức cất to tiếng đọc kinh kính mừng, Bernadette hiểu rằng mình phải lặp lại sau mẹ Vauzous, nhưng bao nhiêu hơi sức dì đã dùng để kêu lên lời yêu mến. Đến phần thứ hai của kinh, dì thều thào không ra lời: “Khi nay và trong giờ lâm tử...”. Tiếng Bernadette im bặt. Sau khi tắt thở hình dáng dì Marie Bernarde trở lại như những lần ngất trí. Trước cảnh tượng đó người trần mắt thịt lại có cái kinh hãi như Antoine Nicolau nói khi xưa: “Không nên đụng vào thân xác thiêng liêng như vậy”.
Tựa như những chiếc bóng im lặng, các nữ tu lan tỏa đi khắp nhà báo tin Marie Bernarde đã qua đời, đồng thời các dì khác vận cho xác Bernadette áo dòng và khăn lúp. Mỗi dì cầm một cây nến cháy sáng. Cha xứ Peyramale quì gần cửa, liếc nhìn qua khung cửa sổ. Ngài thấy những cây ăn trái đang độ ra hoa. Xa hơn nữa, các đám mây trắng lững lờ trôi. Mọi sự sống xem ra khác thường trước ý nghĩ của ngài. Cảnh vật thiên nhiên hình như biến đổi lạ lùng. Liệu cay đắng còn khả năng cháy lên trong ngài? Những ngọn nến chập chờn ánh sáng trên gương mặt trắng ngà ngà, ngây ngất muôn đời của nữ tu Bernadette. Linh mục chánh xứ Lộ Đức không giây phút rời đôi mắt khỏi cô giáo dân nhỏ bé của ngài. Ngài bỡ ngỡ khi nghe thấy chính mình nói thầm với xác chết: “Ôi Bernadette con bắt đầu sống”. Rồi ngài đứng dậy, nhanh nhẹn như một thanh niên trai tráng. Ngài trịnh trọng làm dấu thánh giá trên mình, nhìn Bernadette lần cuối trước khi rút lui, vĩnh biệt người con chiên yêu dấu và rất ngoại thường trong cuộc đời phục vụ của mình.
Mấy chục năm qua, vào ngày trọng đại nhất các ngày lễ. Năm mươi ngàn người hành hương đổ về Roma như thác chảy. Họ đến để dự nghi thức phong chân phước cho cô gái bé nhỏ của thị trấn Lộ Đức. Chính xác là năm thánh, năm 33 của thế kỷ 20. ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8.12.1933. Ngai tòa uy nghi của ngôi Giáo Hoàng dựng ở giữa lòng nhà thờ thánh Phêrô. Mười sáu hồng y ngồi hai bên Giáo Hoàng. Phía dưới là triều đình các giám mục, linh mục, quan chức giáo triều. Một ông mặc toàn đồ đen tiến lên ngai tòa Giáo Hoàng quì xuống đọc mấy câu La tinh. Ông ta là luật sư cơ mật viện. Ông có trách nhiệm điều tra vụ phong chân phước. Trường hợp của Bernadette phải mất bốn năm. Trong các luật sư của cơ mật viện có một người kêu là luật gia của ma quỉ, đại diện cho mọi nghi nan.
Với cô gái Lộ Đức, ông luật gia này gặp rất nhiều khó khăn để nêu lên các nghi ngờ. Bởi vì ngay từ lúc đầu, thi thể của Bernadette có điều rất lạ lùng. Bốn ngày sau an táng tại thánh đường Thánh Cả Giuse của tu viện thánh Gildard, thân thể không hề có dấu hiệu tan rữa. Những chứng nhân có mặt đều ngạc nhiên thấy màu đỏ dịu dàng vẫn còn nguyên ở các đầu ngón chân, ngón tay. Ba mươi chín năm sau ngày chết tức năm 1925 tòa án phong thánh chỉ định một ủy ban khai quật và khám nghiệm thi thể. Nó gần như nguyên vẹn. Mặt mũi, chân tay, màu trắng, da thịt còn mềm. Miệng hé mở như còn đang thở đến nỗi có thể trông thấy hàm răng trắng long lanh. Bảy năm sau nữa, tức khi phong chân phước, luật sư ma quỉ lại một lần nữa đòi mở mồ thánh nữ. Thi thể vẫn không thay đổi. Các chống đối ngưng hẳn. Tiến trình phong thánh khởi sự.
Tám năm trôi qua. Tiếng Đức thánh cha Pio XI sang sảng vang lên khắp thánh đường Phêrô như sau: “Ta lấy quyền tòa thánh loan báo và công bố long trọng quyết định chân phước Bernadette Soubirous lên bậc hiển thánh của Giáo Hội. Ta ghi tên ngài vào sổ bộ các thánh. Lễ kính hàng năm vào ngày 16 tháng 4. trinh nữ, ngày thánh nữ rời xác phàm về trời”. Dứt lời tuyên bố, hàng ngàn vạn người hiện diện vui mừng vỗ tay và cùng cất cao bài ca tạ ơn “Te Deum” oai nghiêm trong tiếng kèn đồng, tiếng chuông vang của 300 nhà thờ tại thành phố Roma. Các chuông nhà thờ khác khắp thế giới công giáo cũng đồng loạt đổ hồi ngợi ca Thiên Chúa và tôn vinh Bernadette Soubirous diễm phúc muôn muôn thưở. Amen
(Bernadette sinh năm 1844 tại Lộ Đức Pháp quốc, chết năm 1879 tại Nevers).