Ông Francois Soubirous thức dậy rất sớm khoảng 6 giờ. Từ lâu ông đành để mất chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạc. Món quà người chị họ Bernarde Casterot tặng, nhân dịp đám cưới. Tấm thẻ cầm đồ của nó và của vài thứ kỷ niệm quí báu khác đã hết hạn vào mùa thu năm ngoái. Ông Soubirous biết lúc ấy là 6 giờ mặc dù chuông nhà thờ thánh Phêrô chưa đổ để báo tin thánh lễ ban sáng. Những người nghèo khổ như ông không cần đồng hồ hay chuông báo nhà thờ, để biết giờ giấc, nó đã ăn sâu vào xương cốt họ, bởi luôn luôn sợ hãi chậm trễ giờ vào sở.
Ông sờ soạng trong bóng tối tìm đôi giày gỗ. Nhưng không dám xỏ vào chân, mà lại cầm lên tay, kẻo làm ồn cả nhà. Ông đứng chân trần trên sàn nhà bằng đá lạnh buốt và lắng nghe hơi thở của mọi người đang ngủ. Sáu mạng chung nhau một căn phòng nhỏ. Ông và vợ, bà Louise, xoay sở giữ được chiếc giường cưới. Nó là nhân chứng trung thành của thuở ban đầu đầy hy vọng. Hai cô con gái ở tuổi dậy thì, Bernadette và Maria, ngủ trên tấm phản gỗ cứng lót rơm. Hai đứa con trai còn nhỏ Jean Maria và Justin nằm ổ rơm dưới sàn. Ông Francois Soubirous chậm rãi đưa đôi mắt nhìn vào lò sưởi thô sơ do ông chủ nhà Andé Sajou chế tạo tạm bợ cho các người thuê mướn. Dưới đám tro tàn, vài thanh củi cành khô đang cháy dở dang, nhưng ông không đủ sức lực để khơi chúng thành ngọn lửa to hơn. Ông quay ra cửa sổ, cay đắng nhìn bóng đêm đang thay đổi dần sang màu xám nhạt ở phía chân trời đàng đông. Những khung cửa sổ làm ông Francois Soubirous khó chịu, nó nhắc rằng gia đình ông đang chui rúc trong một căn phòng trước kia là nhà tù Cachôt. Ở đây, về mùa hè nóng như thiêu đốt, về mùa đông lạnh như đóng băng. Bởi điều kiện khắc nghiệt như vậy, cho nên mấy năm về trước, thị trưởng Lộ Đức, Lacadé, đã ra lệnh di chuyển các phạm nhân đi nơi khác, nhiều tiện nghi và vệ sinh hơn, để đảm bảo sức khỏe cho họ.
Vậy mà giờ đây gia đình Soubirous lại phải sống ở đó. Mặc dầu ông đâu phải là một gã lang thang hay một kẻ lượm rác bán! ông là một tay thợ xay lúa lương thiện và đã có lúc làm chủ một nhà máy chà, cơ sở đàng hoàng. Con suối cấp nước cạn kiệt đi đâu phải lỗi của ông? Thế mà nay gia đình ông đang trú ngụ tại đây, cái nhà tù cũ tên là Cachôt, ở phố Petites Fossées và ông đang đứng nghe hai lá phổi của Bernadette rít lên trong đêm.
Lúc này bà Louise Soubirous cũng đã tỉnh giấc, mới 35 tuổi, nhưng coi như đã ngoài năm mươi. Ông Francois ngắm vợ cố thổi cho những thanh củi hồng to lên, bỏ thêm vỏ trấu, mạt cưa, rồi đặt trên bếp cái ấm đồng nhỏ.
Những tiếng chuông nhà thờ đổ hồi xa xa. Ngày mới bắt đầu, với những gánh nặng, lo âu và thất vọng không thể tránh khỏi.
Ông Francois Soubirous ước ao được vài hớp rượu mạnh cho ấm cái dạ dày trống rỗng từ chiều hôm qua nhưng chẳng làm sao kiếm ra được. Ông xỏ chân vào đôi giày gỗ, nói: Mẹ nó ạ, tôi đi đây. Bà Louise nhìn chồng chán nản hỏi: “Thế ông đã có địa chỉ nào rõ rệt trong đầu óc chưa?” Ông Francois ấp úng: “Cũng như mọi ngày. có vài nơi đang cần người làm. Tôi đến hỏi thử ông Maison hay ông cục trưởng bưu điện Cazenave xem sao”. Bà Louise lẩm bẩm: “lại Maison -Grosse, Cazenave”
Ông Francois Soubirous đội mũ lên đầu tính bước ra cửa. Đột nhiên bà Louise nói: “Này ông, chúng ta nên gởi Bernadette về miền quê lần nữa. Tôi nghĩ gia đình Lagues sẽ nhận lại con bé. Ở Bartres không khí trong lành, có lợi cho sức khỏe của nó, hơn nữa nó sẽ được ăn bánh mì trắng, uống sữa dê, mật ong vân vân những thứ ấy ở đây chúng ta chẳng có. Phải làm lụng một chút cũng không sao!”
Ông Francois Soubirous lại cảm thấy cay đắng trào lên cổ, tự nhủ: “Mình là gã ăn mày thực rồi, con cái đang chết đói nên phải trao nó cho thiên hạ nuôi nấng giùm”. Bà Louise đưa mắt liếc nhìn chồng. Ông đứng bất động như trời trồng, đầu cúi gằm xuống đất, dáng điệu nghiêm nghị nhưng thiếu tự tin. Thương hại chồng, bà Louse chạy tới cái chạn gỗ, lấy ra một chai rượu chát, rót cho chồng một ly đầy. Ông dốc cạn ly rượu vào miệng, nuốt cái ực, rồi nói: “Ý kiến của mẹ nó hay đấy”. Ông thèm thêm một ly rượu nữa, nhưng kiềm chế được và bước ra ngoài. Trên chiếc phản gỗ cứng đơ Bernadette nằm lắng nghe, nín thở, đôi mắt mở thao láo.
Ngoài trời mưa và tuyết trắng tạt thẳng vào mặt ông Francois Soubirous. Gió lạnh từ dãy núi Pyrénées thổi lùa xuống đường phố buốt cóng, ông đứng yên lặng một hồi khá lâu, lưỡng lự trước cửa tiệm bánh mì của ông Maisongrosse. Khi đã đủ can đảm ông đẩy nhẹ cửa bước vào. Cánh cửa nặng nề hé mở, mùi bánh mì nóng xông lên mũi ông thơm ngon, ấm áp. Ông thèm gần như muốn khóc. Chủ tiệm to béo đang đứng giữa gian phòng rộng, ngang lưng thắt một cái khăn trắng lớn. Ông Soubirous giả vờ nói như lơ đễnh: “Hôm nay có việc chi làm không ông chủ?” Người chủ tiệm không thèm ngoái cổ nhìn xem người mới đến là ai, thản nhiên nói như cằn nhằn: “Thời buổi chết tiệt này. Mấy ngày nay chẳng có thêm đơn đặt hàng nào. Thiên hạ đi đâu hết trơn. Họ ưa tiệm bánh ngọt bên kia đường hơn tiệm tôi. Công việc cứ như thế này thì đến mùa chay, biết xoay sở ra sao đây?” Ông Soubirous đói bụng muốn xin một ổ bánh ăn tạm, nhưng lại chẳng dám mở miệng. Ông quay lưng bước ra khỏi tiệm bánh.
Francois Soubirous đi nhanh ngang qua quảng trường thành phố tới cục bưu điện. Trời rét như dao sắc cắt da. Viên cựu hạ sĩ quan cảnh sát Cazenave đi đôi ủng cao cổ, lưng đeo lủng lẳng chiếc túi dết, đứng oai vệ giữa một chiếc sân rộng. Vây quanh là đàn ngựa trạm và những cỗ xe. Từ khi nhà nước mở tuyến đường xe hỏa tới quận Tarbès bên cạnh, thì công việc làm ăn của ông trở nên phồn thịnh. Các du khách đi nghỉ dưỡng bệnh tại chân dãy núi Pyrènées buộc phải dừng chân ở quán ông, để mua thêm nhu yếu phẩm. Ông cung cấp cho họ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng, cho từng du khách. Trông thấy Soubirous tiến lại gần mình ông cất tiếng hỏi trước: “Bác Francois đấy à? Gia đình chẳng bao giờ đủ ăn sao?” Nghe tiếng hỏi lạnh lùng, Soubirous buồn rầu quay gót tính bỏ đi ngay. Nhưng Cazenave gọi giật lại: “Này ông bạn, mẹ bề trên tu viện cần thuê người đổ rác bẩn của nhà thương, như băng vải, chăn mền nhiễm trùng. Có thể kiếm được hai mươi xu đấy, đem ra ngoài thành phố mà đốt”. Mắc con ngựa hoang đàng kia vào cỗ xe mui trần đó: “Thưa đại uý, xin thêm 10 xu nữa được không? gia đình đang đói quá”. Cazenave không thèm trả lời, quay mặt bước về phía mấy con ngựa.
Ở nhà thương, người gác cổng xem ra có vài hiểu biết về vệ sinh y tế, cảnh cáo Francois Soubirous: “Này bác, coi chừng đấy, những thứ đó đầy vi trùng truyền nhiễm. Vậy mang đi rất xa ngoài thành phố mà đốt. Tốt nhất là ở hang Massabielle, rồi hốt tro đổ xuống sông Gave”.
Chiếc xe ngựa gỗ nhịp lóc cóc trên bề mặt đường đá gồ ghề, lởm chởm. Ông Soubirous tính toán thầm trong bụng: Chắc chắn ông Cazenave sẽ đồng ý trả cho mình đủ 30 xu. Ta sẽ mua bốn ổ bánh mì, tám xu. Một nửa kílô pho mai mỡ cừu, sáu xu. Vị chi mười bốn xu. Hai lít rượu chát, mười xu, tất cả là hai mươi bốn xu. Còn sáu xu mua vài cục đường cho lũ trẻ, ăn thay kẹo khi uống vang. Như vậy là vừa hết. Lạy Chúa cứu giúp gia đình con!
Con đường mất hút vào bụi cây thanh thảo ngay bên vệ đường. Xe cộ qua lại tung bụi bám đầy. Francois Soubirous cho xe chạy theo sát bờ sông Gave, ở chỗ có cái ngoặt gấp. Dưới sông, những tảng đá lớn nằm chặn ngang dòng chảy. Nước từ phía trên đổ xuống tẽ thành hai ngả, chảy ào ào, gần đó con suối nông Savy đổ vào lòng sông lớn. Bên kia là dãy núi Massabielle phía trái là dãy núi các hang. Ông Soubirous ngước mắt nhìn lên cái hang to nhất. Người ta gọi nó là động Massabielle. Nó là một cái lỗ khổng lồ, ăn sâu vào sườn núi đá vôi. Chiều rộng của nó chừng hai mươi bước. Chiều sâu chừng mười hai bước. Xa xa, trông nó giống cái miệng lò nướng bánh mì to lớn. Mấy đám dương xỉ mọc chồi lên khỏi mặt đất đá vôi. Nửa đường lên miệng hang, một bụi dây gai xơ xác bám vào vách đá. Mấy cây hồng dại quấn quanh miệng hang bầu dục nhọn hoắt. Hang Massabielle hoang dại, âm u chẳng được dân làng ưa thích. Nhiều truyện ma quái hoang đường được truyền từ miệng này sang miệng khác khắp vùng.
Tuy nhiên những câu truyện kinh dị không dọa nạt nổi ông Francois Soubisous đói khổ. Ông dừng ngựa, trèo xuống khỏi xe, đưa đôi mắt sáng quan sát khắp nơi tìm chỗ tốt nhất để đổ rác phế thải của bệnh viện. Trong khi còn lưỡng lự ông nghe thấy tiếng heo kêu ủn ỉn đâu đây, rồi giọng khàn khàn của người chăn heo. Mỗi lần nói hắn phải rít lên. Ông đoán bụng chỉ có thể là gã chăn heo thuê tên Leyrisse mà ông thường gặp khi đi làm ngoài đồng. Leyrisse dở người hâm hâm, nhưng không biết khổ là gì. Hắn luôn luôn vui vẻ, yêu đời, mỗi khi muốn nói thì lại phải rống lên. Một linh hồn khác bị số phận đày đọa. Thân hình Leyrisse to béo nhưng lùn tè, cái đầu quá cỡ, tóc hung đỏ, cổ có bướu. Ông Soubirous làm dấu hiệu gọi Leyrisse qua. Hắn lội nhanh qua suối tới chỗ Soubirous đứng. Ông này nói: “Ông bạn giúp tôi một tay được không?” Leyrisse tỏ ra sốt sắng. Hắn vốn là người tốt bụng. Tham vọng duy nhất của hắn là giúp đỡ thiên hạ để chứng tỏ mình hữu dụng. Theo lệnh của Francois Soubirous hắn rỡ các thùng giấy khỏi xe, nhấc bổng từng chiếc lên vai vác xuống một giải đất hẹp giữa con suối và con sông. Hắn đổ đồ dơ trong hộp ra mặt đất, chất thành đống to, Ông Soubirous ném cho Leyrisse bao diêm. Leyrisse bắt lấy đánh diêm châm lửa. Lập tức đống rác phế thải bắt lửa cháy. Ngọn lửa bốc lên cao, tỏa khói mịt mù. Chẳng mấy chốc khói đen lan rộng khắp cả vùng, tỏa mùi khét lẹt trong bầu không khí giá lạnh buổi sớm mai.
Ông Soubirous chọn một phiến đá phẳng ngồi xuống ngắm ngọn lửa cháy bừng bừng. Gã chăn heo thuê cũng làm theo. Hắn thò tay vào túi dết mang bên mình rút ra một ổ bánh mì to màu đen, một khoanh thịt muối, rồi chia làm hai phần bằng nhau. Giọng khàn khàn nhưng thân thiện và chân thành hắn mời Francois Soubirous ăn một nửa. Soubirous cầm lấy phần Leyrisse trao. Đó là bữa ăn đầu tiên trong ngày của ông. Bụng đói như cào, ông muốn ngốn ngấu ăn ngay. Nhưng vì sĩ diện nên ông kiềm chế được và từ tốn như người ta ăn bình thường. Ông Soubirous vừa ăn bánh mì vừa nhìn đống lửa tàn lụi. Ông lẩm bẩm một mình, nhưng người khác cũng có thể nghe được: “Ước chi chúng ta có cái xẻng”. Nghe vậy, Leyrisse nhanh nhẹn đứng bật dậy, lội băng qua con suối như đi trên đất cạn, lẩn nhanh vào bụi rậm lôi ra hai cái xẻng to. Các ông thợ làm đường lộ thường giấu vào trong hang chân núi để tránh việc vác đi vác về. Soubirous và Leyrisse hì hục xúc đống tro hất xuống sông. Chẳng mấy chốc họ đã làm xong công việc. Leyrisse trả lại hai cái xẻng vào chỗ cũ, tiếp tục chăm sóc đàn heo.
Chưa tới mười một giờ, Francois Soubirous đã về đến trước cửa bưu cục: “Thưa ngài đại úy, mệnh lệnh của ngài đã được thi hành”.
Sau một lúc giằng co giá cả, Soubirous cầm 25 xu về nhà. Tới trước cửa trại giam cũ, ông ngửi thấy mùi cháo hành thơm ngào ngạt. Bụng bảo dạ ông thầm tạ ơn Chúa vì hôm nay chắc chắn được một bữa cháo ngon, không phải nuốt bo bo với bánh ngô bắp nữa. Bà Louise đã có nồi cháo hành thơm phức, bà bê một tô to đặt trước mặt chồng. Vừa đói vừa rét ông múc ăn nghiến ngấu trước mặt vợ, ngẫm nghĩ: Bà này có tài, luôn xoay sở được cái chi đó cầm hơi cho cả gia đình. Ông móc túi, lặng lẽ đưa cho vợ 25 xu, số tiền vừa kiếm được ban sáng. Bà Louise cầm lấy nói: “Anh Francois, hôm nay Chúa ban cho khá đấy nhỉ.”
Ông Francois cảm thấy tự tin, có thể đối chọi được khó khăn, ít nhất của một ngày. Sau khi húp hết tô cháo. Bụng hết đói, ông vươn vai ngáp dài nói như rên rỉ: “Lạnh thấu xương, đi nằm là tốt nhất”. Ông leo lên chiếc giường cưới, kéo chăn chùm kín cả người.
Dì phước Maria Teresa Vauzous nghiêm nghị ngồi xuống chiếc ghế gỗ thô kệch, trước mặt là cái bàn cũng làm bằng gỗ mộc, phía dưới là một đám học trò con gái lớp giáo lý vỡ lòng. Dì thuộc dòng chị em thánh Gildard Nevers. Dòng chuyên dạy giáo lý trẻ em và coi sóc bệnh viện. Dì Maria Teresa còn trẻ và có thể là đẹp nếu hốc mắt không quá sâu vì chay tịnh và thiếu ngủ, cái miệng không quá bé. Dì hãm mình và làm việc nhiều. Dì đang sửa soạn cho các em xưng tội, rước lễ lần đầu.
Đứng nghiêm trang trước mặt dì là một bé gái phỏng 12 tuổi, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt tròn mũm mĩm như khuôn mặt đứa trẻ còn măng sữa. Em vận chiếc váy nhà quê, đi dép gỗ như đa phần các em đồng trang lứa khác, không kể mấy em con nhà giàu có, sang trọng. Đôi mắt em màu nâu, bình thản, mặc dầu đang bị dì Vauzous khủng bố. Em có phong độ mơ màng pha chút lãnh đạm. Điều này khiến dì bực tức và bối rối:
- Vậy thì con không hiểu chút gì về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cả à? Con không nghe cha phó giảng điều đó ở nhà thờ sao?
- Thưa dì, có lẽ con đã nghe qua, nhưng bây giờ thì con không nhớ.
Dì phước Vauzous đóng mạnh cuốn sách: Con làm dì đau cái đầu. Một là con mất dạy, hai là con quá đần độn.
- Thưa dì con đần độn ạ. Người ta bảo con như vậy ở Bartrès. Con tối dạ lắm, học không vô.
Dì phước thở dài: Phần dì, dì nói con cứng cổ, Bernadette Soubirous ạ.
Có cánh tay bé nhỏ giơ cao dưới lớp, dì phước hỏi: Con cũng là một Soubirous nữa phải không?
- Thưa dì vâng, con là Maria Soubirous,
Dì Vauzous vừa phụ trách lớp được vài tuần nên chưa quen hết mặt học sinh.
- Con thưa với dì, chị con thường đau yếu luôn, bác sĩ Dozous nói chị con mắc bệnh hen suyễn khá nặng. Nhiều lúc chị con không thở được.
- Hen suyễn đâu có ngăn trở người ta học hành hay đọc kinh cầu nguyện?
Dì Maria Têrêsa Vauzous cau mày đưa mắt nhìn khắp lớp học, nói:
- Có em nào trả lời được câu hỏi của dì?
Đúng lúc ấy cả lớp bật đứng dậy, cha Pomian phụ trách giáo lý của giáo xứ bước vào phòng học. Ngài là một trong ba cha phó của cha Maria Dominique Peyramale, chánh xứ lộ đức. Cha Pomian còn trẻ, đôi mắt sáng, nét mặt vui tươi, hai má hồng đỏ. Trông thấy bị cáo đang đứng thẳng trước bàn giáo viên, ngài cất tiếng hỏi:
- Có phải dì đang khảo bài?
- Thưa cha vâng, nhưng con rất bực mình về bé gái này. Em là con ông Soubirous tên là Bernadette, không những em ngu dốt chẳng học được chi mà còn cứng cổ nữa. Bernadette lắc nhẹ cái đầu như muốn cải chính điều chi, nhưng không kịp, cha phó Pomian đã giơ hai bàn tay to lớn ôm lấy thái dương em, quay mặt em ra cửa sổ đầy ánh sáng.
- Bernadette, con bao nhiêu tuổi?
- Thưa cha con mười bốn tuổi.
Bernadette lễ phép trả lời, giọng cao, rõ ràng.
- Nói cha nghe, con sanh ngày nào, năm nào?
- Thưa cha con sinh năm 1844 ngày mồng bảy tháng giêng.
- Ừ tốt, như vậy con đâu quá đần độn!
- Thế con biết trước ngày bảy tháng giêng chúng ta kính lễ gì không?
- Thưa cha con không biết.
Cha Pomian cười, bỏ tay ra.
- Thôi được, không sao con ạ, cha sẽ nói con nghe. Trước mồng bảy là mồng sáu tháng giêng. Chúng ta mừng lễ Ba Vua đến kính viếng Chúa Hài Đồng ở làng Bethlehem, các ngài từ đông phương tới mang những lễ vật quí báu dâng Chúa Hài Nhi. Con trông thấy hang đá bao giờ chưa? Hang đá giáng sinh ở nhà thờ chúng ta ấy?
Đôi mắt đen, to tướng của Bernadette trở nên linh hoạt. Gương mặt đổi sang màu đỏ nhạt, em trả lời một cách thích thú:
- Thưa cha có, con đã xem thấy hang đá, Chúa Hài Đồng, thánh Giuse, mẹ Maria, máng cỏ, các chú mục đồng xinh xinh, con bò, con lừa, và ba vua xanh đỏ đội triều thiên, tay cầm gậy và những lễ vật đựng trong hộp gỗ.
- Đúng rồi, tốt lắm. Như vậy chúng ta đã thông qua một bài giáo lý về Ba Vua đến từ Phương đông.
Nói xong, cha phó Pomian đưa mắt nhìn dì Vauzous ngụ ý cho dì hay một phương pháp sư phạm. Đúng lúc ấy chuông nhà trường reo báo hiệu hết giờ. Đồng hồ quả lắc trên tường điểm 11 giờ trưa. Dì Maria Têrêsa Vauzous vươn vai đứng dậy. Cha Pomian bước vội ra khỏi lớp học. Nắng nhạt tháng hai từ khung cửa sổ chiếu vào gương mặt trái xoan của dì, làm rõ nét nhăn khắc khổ mà người nữ tu này đã trải qua năm tháng. Dì nhìn lớp học nói:
- Hôm nay bài học chẳng tiến bộ được bao nhiêu. Tại con đấy Bernadette ạ.
Rồi dì hạ giọng chỉ đủ để cho cô bé khốn khổ nghe.
- Có đáng không con!