Thông qua những lệnh cấm đạo được ban hành vào những thời điểm khác nhau, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng vua chúa Việt Nam đã khởi đi từ thái độ thiện cảm, đến nghi kị hạn chế, sau đó cấm cách và bách hại ngày càng quyết liệt đối với đạo công giáo. Ở phần này, chúng ta thử tìm hiểu một số những lí do dẫn đến những thay đổi này.
Những hiểu lầm có thể do một số những chi tiết thực hành đạo
Bị tiếng gian dâm phụ nữ
Hầu như các lệnh cấm đạo luôn nhắc đến việc các thừa sai quyến dụ ngu dân, gian dâm phụ nữ. Điều này có thể xuất phát từ thói quen xưng tội khá thường xuyên của các tín hữu, nhất là giới phụ nữ. Xét từ những quan sát bên ngoài, từng phụ nữ đi tới những tủ khá kín đáo thì thầm với các thừa sai ngoại quốc hẳn phải là những chuyện liên quan đến những chuyện dâm dật kín đáo. Cha Đắc Lộ từng trải qua kinh nghiệm này:
Chúng tôi làm hết các việc thông thường như dạy giáo lý, rửa tội và giải tội cho giáo dân. Lương dân cũng gây một chút xôn xao nhất là về việc giải tội cho nữ giới. Họ không chịu để chúng tôi thừa hành trong thầm kín, mặc dầu là ở nơi công và trước mặt mọi người, và giữa họ với chúng tôi (theo tục lệ) vẫn có tấm phên ngăn cách. Có lần chúng tôi không thể ngăn cấm lính mà không làm xôn xao, chúng vào nhà thờ và tới gần tòa giải tội để nghe trong thầm kín của phép giải tội. Để tránh khó khăn, chúng tôi bàn nhau dùng hai nhà liền kề của giáo dân, trong một nhà để cho phái nữ tới xưng tội, còn chúng tôi thì ở trong một nhà thứ hai để nghe xưng tội 1.
Bị tiếng móc mắt người chết
Chúng ta cũng đọc thấy lời kết án việc các thừa sai móc mắt người chết. Thậm chí khi thuật lại vụ án cha Marchand Du, năm 1835, chúng ta đã thấy bản ĐNTL ghi lại một cách chi tiết “công thức” pha chế thuốc rất đặc biệt:
Sau đó, năm Minh Mệnh thứ 14 [1833] thành Phiên An cũ nổi biến, có đạo trưởng người Tây tên là Mã Song, đồng loã với nghịch Khôi, ngầm thông với giặc Xiêm, tập hợp đồ đảng theo đạo Gia Tô, cố giữ cô thành, chống cự quan quân, lâu đến 3 năm ! Đến ngày hạ thành, bị đóng cũi giải về Kinh, Mã Song khai rằng thầy thuốc nước hắn, nhân người sắp chết, khoét lấy con mắt, phơi khô, hợp với hai vị a – nguỵ và nhũ hương, tán nhỏ chế thuốc, trị bệnh ho đờm. Lại, tục truyền rằng tà giáo Tây dương thường khoét mắt người, và cho 1 trai, 1 gái, ở chung một nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động tình dục, nhân đấy rập cho chết bẹp, lấy nước [xác chết đó] hoà làm bánh [thánh], mỗi khi giảng đạo, cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được 2.
Những chi tiết này rõ ràng là lối tuyên truyền của triều đình về những điều xấu xa tệ hại của tà đạo mà họ đang ra sức tẩy trừ.
Bị tiếng ăn thịt trẻ con
Năm 1843, Hội Thánh Nhi (La Sainte Enfance) được thành lập ở Pháp. Hội này qui tụ những thành viên ở khắp nơi, tài trợ tài chính cho nỗ lực rửa tội cho các trẻ em ngoại giáo trong cơn nguy tử. Hằng năm, tài trợ của Hội này cho các địa phận ở Việt Nam là đáng kể. Từ đó, một trong những nhiệm vụ chính yếu của các nữ tu, thầy giảng, và các linh mục là tìm cách rửa tội cho các trẻ em lương dân sắp qua đời. Trong nhiều trường hợp, các vị này sẵn sàng bỏ tiền mua các em nhỏ sắp chết để có thể rửa tội cho các em. Điều này dẫn đến những thắc mắc nơi lương dân, dẫn đến tin đồn các thừa sai và người có đạo ăn thịt trẻ em.
Những trở ngại do giáo lí
Giáo lí hôn nhân một vợ một chồng
Giáo lí này luôn là một trở ngại lớn khiến giới quan lại và vua chúa dè dặt và e ngại đối với tôn giáo mới. Cha Đắc Lộ kể lại:
Nhưng cũng là điều làm cho ma quỉ điên rồ chống lại chúng tôi . Từ đó, chúng dùng hết thế lực của chúng để gây trong tâm trí nhà chúa sự ghen ghét chúng tôi và các công việc chúng tôi làm. Trước hết chúng lợi dụng chính các bà vợ bé mà các giáo hữu tân tòng lại li dị. Các bà này khinh dể không chịu lấy những người chồng ở giai cấp thấp hơn người trước, nên gây xôn xao trong kinh thành, đến nỗi các tiếng đồn và tiếng than vãn tới tai chúa, ngài cũng có nhiều cung phi và không muốn bỏ, nên phật ý vì thấy có thần dân tốt hơn và có lương tâm hơn mình 3.
Bị tiếng không tôn thờ thần linh và tổ tiên
Bên cạnh những tiếng xấu được kể ra trên đây, vua chúa và quan lại thời xưa thường kể ra một trong những điều họ cho là không chấp nhận được: người theo đạo bỏ không thờ bất cứ thần linh nào, cũng không thờ kính tổ tiên. Điều này bị coi là trái ngược với “chính đạo”, tức Nho giáo:
Đạo Gia tô nguyên từ người Tây dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ : cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hoá, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật 4.
Hay trong đoạn văn khác, vào năm Minh Mạng 20, 1840:
Kể ra, lương tri lương năng, người ta ai cũng vẫn có, thế mà không coi cha mình là cha, lại coi người Tây dương là cha, không thờ tổ mình làm tổ, lại đi thờ đạo giáo Tây dương làm tổ, không biết kính thờ thần minh khi cúng tế tổ tiên nữa; như thế đáng gọi là hiếu được ư? 5
Còn dưới đây là ghi chép vào năm Thiệu Trị thứ 7, 1847:
Gia tô là tả đạo, từ Tây dương đến. Cái đạo của chúng không thờ cha mẹ, không kính quỷ thần, thác ra cái thuyết Giê-su với thập tự giá để mê hoặc lòng người, đặt ra thuyết thiên đường và nước phép, để người ta nghe đến thì mê. Tả đạo ấy rất hại cho phong hoá! 6
Từ góc độ của người trị dân theo quan điểm Nho giáo, những điều kể ra trên đây cho thấy tà giáo này cần phải bị diệt trừ tận gốc, tránh hiểm hoạ cho dân chúng nhằm tái lập thuần phong mĩ tục cho quốc gia.
Những thành kiến do nền tảng Nho giáo
Những chi tiết trên đây nhắc cho chúng ta nhớ rằng nền tảng qui chiếu của giới quan lại và vua chúa là Nho giáo. Điều này dẫn đến những thành kiến và những phê bình dựa trên thành kiến đó.
ĐNTL ghi lại lời phê bình của nhà vua vào năm Minh Mạng thứ 20, 1839, đối với sách Kinh Thánh từ quan điểm Nho giáo:
Vua thường xem quyển “Tây dương ký sự”, bảo các quan rằng : Sách Tây có nói : “Đời vua Nghiêu bị nạn nước lên to, vua nước ấy lấy một chiếc thuyền lớn đem hết thảy nhân dân chim muông trong nước lánh lên ở trên đỉnh ngọn núi cao”. Lại nói : “Trong khi nước to, trong nước chỉ còn bảy người, sau sinh sản ngày một nhiều, đều là con cháu bảy ông tổ ấy”. Cái thuyết ấy thực không có bằng chứng. Lại nói : “Trong nước có một vị vua, sai người trong nước xây một cái tháp lên trời cao không biết mấy nghìn muôn trượng, toan lên chơi cung phủ của trời để xem xét cảnh giới trên trời. Trời sợ sai Thiên quan xuống làm thay đổi tiếng nói đi, để không thể sai gọi được nhau, cho nên cái tháp ấy không thành. Nay các xứ trong nước ấy, tiếng nói phong tục khác nhau, là bởi cớ đó”. Thuyết này lại càng vô lý. Lại nói: “Người ta sinh ra trong khoảng trời đất, vốn xưa có một phái, vì ở riêng ra từng nước, cho nên phong tục khác nhau. Vì vậy người các nước đến buôn bán, người nước đó đều gọi là anh em”. Lại còn : "vua nước đó ra đứng ở đường phố cho người nước cầm tay và hôn trong bảy ngày mới thôi”. Đó cũng là cái tục hủ lậu quá lắm. Và quyển sách đó đều viết bằng chữ Hán, tất là người nước Thanh theo đạo Tây dương làm ra. Trong dó viện dẫn Kinh truyện, lời, nghĩa, lung tung lại không thành câu cú gì. Đọc quyển sách ấy cố nhiên không có gì đáng kể, chỉ sợ sau này có nhà văn Trung Quốc nào lưu lạc bất đắc chí đến ở nước đó rồi làm sách cho nước đó, thì đạo ấy sẽ thịnh hành, làm mê hoặc cho đời rất lớn vậy. Cũng như đạo Phật, kỳ thuỷ cũng chưa lan mạnh, đến sau các nhà văn sĩ phiên dịch rộng kinh Phật ra, lòng người bèn dần dần xu hướng, cũng giống như thế đó. Nay nên đặt điều cấm cho nghiêm để ngăn chặn đi 7.
Trước đó, năm Minh Mạng thứ 19, 1838, ĐNTL cũng ghi lại lời nhận xét của vua:
Lại từng bảo các quan hầu rằng : "Ngày nay các nước phương Tây, lớn nhỏ ở xen nhau, mà đều giữ được bờ cõi, không cắn nuốt lẫn nhau, các nước ấy phần nhiều theo đạo Gia Tô, nghe nói truyền lại, ngày xưa đạo chủ là Chi-thu (Giê-xu) có thề ước rằng : phàm các nước anh em ở phương Tây, nếu có người mưu tính, thì các nước cùng đánh, từ Chi-thu đến nay đã 1840 năm, các nước đều giữ lời ước ấy, cho nên không lấn đánh nhau. Nhưng trẫm thường nghe ngày xưa, vua nước Hồng Mao ở phương Tây không có con trai, chỉ sinh được người con gái, gả cho vua nước Pha-nha, nguyên tục ở phương ây, dù tôn quý làm vua một nước cũng chỉ lấy một vợ, không có vợ lẽ, người con gái ấy đã về nước Pha-nha, về sau vua nước Hồng Mao chết, người trong nước nói : “Vua ta chỉ có một con gái, tức là con trai, nên làm vua trong nước, bèn yêu cầu với nước Pha-nha đón về lập làm vua”. Lâu rồi vua nước Pha-nha ở một mình không thích, bèn bỏ nước ấy đi sang nước Hồng Mao, người vợ nhân trao cho làm chức quan to cùng ở với nhau. Vợ lại nói dỗi dỗ chồng đem hết đồ bản, quan lại, tài vật nước Pha-nha phụ thuộc về nước Hồng Mao, người chồng cũng nghe, người trong nước cũng đều thuận theo, đều làm tôi tớ nước Hồng Mao, cung dâng cống phú. Khi vua nước Pha-nha đã chết, người vợ vẫn còn, người nước Pha-nha cũng cam làm thần dân, không ai làm phản. Đến khi vợ vua nước Pha-nha chết, nước Hồng Mao không khống chế được nữa, lại làm nước láng giềng hoà hảo như xưa. Kể thì người ở phương Tây xem đến chế tạo đồ vật, phần nhiều có ý khéo, ngỡ là bậc đại trí, sao xử đoán việc lớn lại mờ mịt không biết phải trái, chẳng những ông vua nước ấy đắm mê về vợ, cả nước cũng không biết nên chăng chút nào, đem nhau làm con tin với nước láng giềng, sao mà ngu thế ? Nói là lời thề ước của đạo chủ cũng là nói dối. Xem ra lẽ phải ở đời, chia lâu tất phải hợp, giả sử trời sinh ra bậc vua anh hùng hào kiệt, mưu thần xét đoán, sáng suốt mở mang bờ cõi, biết đâu chẳng hỗn hợp các nước khác lại làm một, chỉ vì khí vận chưa đến, cho nên còn như thế mà thôi. Thử xem đời Xuân Thu, Chiến Quốc, các nước chư hầu thay nhau hùng trưởng, đều giữ đất đai, rồi sau rút lại vẫn là một há chẳng phải cũng là lẽ đấy ư ?” 8
Những đoạn văn này ít nhiều cho thấy hiểu biết rất sơ sài của nhà vua, đặc biệt, quan niệm Nho giáo chính là hệ qui chiếu của nhà vua. Các thừa sai lúc đó đã ít nhiều nhận xét về điều này.