Sau hai tháng chờ đợi, nhóm cha Đắc Lộ đón gặp chúa Trịnh trên đường trở về. Chúa Trịnh tỏ ra vui vẻ và trong cuộc gặp vào ngày 23-6, chúa Trịnh mời nhóm cha Đắc Lộ ở lại vương quốc. Các cha theo đoàn thuyền của chúa Trịnh đi lên kinh đô. Ngày 2-7-1627, các cha tới kinh đô, trú ngụ tại nhà một lương dân có thế giá tên là Man tai 1. Công việc rao giảng gặp được rất nhiều thuận lợi, số người tin đạo gia tăng nhanh chóng. Cho tới lễ Phục Sinh năm 1628, tại kinh đô, 500 người đã được rửa tội:
Chúng tôi ước mong được những thành quả lớn lao và tốt đẹp trong giáo đoàn mới ở Đàng Ngoài. Vì thực ra từ lễ giáng sinh cho tới lễ phục sinh đã trở lại hơn năm trăm lương dân, trong đó có mấy người khác có nhiều vợ trước khi chịu phép rửa tội, theo phong tục bản xứ, nay đã can đảm bỏ chỉ giữ lại một vợ chính thức mà thôi. Đây là một thắng lợi làm đẹp lòng Thiên Chúa và để thưởng công, Người đã cho một số nhờ lời cầu nguyện được ơn trừ quỉ khỏi người chúng ám 2.
Tuy nhiên, các cha và những người cộng sự cũng gặp không ít khó khăn:
Nhưng cũng là điều làm cho ma quỉ điên rồ chống lại chúng tôi . Từ đó, chúng dùng hết thế lực của chúng để gây trong tâm trí nhà chúa sự ghen ghét chúng tôi và các công việc chúng tôi làm. Trước hết chúng lợi dụng chính các bà vợ bé mà các giáo hữu tân tòng lại li dị. Các bà này khinh dể không chịu lấy những người chồng ở giai cấp thấp hơn người trước, nên gây xôn xao trong kinh thành, đến nỗi các tiếng đồn và tiếng than vãn tới tai chúa, ngài cũng có nhiều cung phi và không muốn bỏ, nên phật ý vì thấy có thần dân tốt hơn và có lương tâm hơn mình. Do đó chúa giận chúng tôi vì chúng tôi bắt dân tân tòng phải li dị các vợ mọn. Chúa gửi một văn thư tai hại và khá chua xót, không phản chiếu mối thịnh tình tới nay chúa vẫn có đối với chúng tôi . Văn thư này được thảo tương tự như sau : “Đạo này (hở các ngươi) các ngươi giảng trong nước ta? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta. Từ nay các ngươi hãy gạt đi đừng giảng đạo nữa: nếu các ngươi không tuân lệnh thì ta sẽ chém đầu các ngươi và ngăn cấm các ngươi từ nay chớ tiếp tục làm điều ta cấm” 3.
Bên cạnh đó, vào năm 1628, các cha còn bị vu khống tội làm gián điệp cho nhà Mạc ở Cao Bằng và nhà Nguyễn ở Đàng Trong:
Thế nhưng ma quỉ không nghỉ yên, nó vẫn có mưu đồ từ đầu ngăn cản tiến triển tốt đẹp của Kitô giáo trong xứ Đàng Ngoài. Nó xúi một người bị án tử hình đã mất lương tâm, một người bản xứ thuộc chúa Canh. Ông này trong một thời gian đã làm thầy sãi không đủ sống vì ít người đi lại đền kể từ ngày rao giảng Phúc âm. Ông đành làm một nghề khác và đứng đầu một bọn thổ phỉ đánh du kích dưới chiêu đề chúa Canh và cướp phá trong khắp xứ Đàng Ngoài. Nhưng quân của chúa giải đi khắp xứ để bắt được hắn và giam ngục. Thấy mình không thể thoát chết, hắn tìm cách trì hoãn hứa (nếu được hưởng ân xá) thì sẽ phát giác một âm mưu bí mật chống chúa và quốc gia. Người ta bằng lòng nghe hắn và hắn tố giác đạo trưởng Tây dương giảng tự do giữa kinh thành và nơi phủ chúa Đàng ngoài làm mật vụ gián điệp cho chúa Canh cũng như cho chúa Đàng Trong; họ đã thông đồng với nhau khi đến thời điểm, mỗi bên đều có một đạo binh tinh nhuệ kết hợp với giáo dân mà châm lửa đốt phủ chúa và trong trận chớp nhoáng này họ dễ dàng bắt chúa và toàn quốc qui phục quyền họ 4.
Sự việc này dẫn đến lệnh cấm theo đạo lần đầu tiên được ban hành ở Đàng Ngoài:
Chúa ra sắc lệnh long trọng tuyên bố như sau. “Ta, chúa Đàng Ngoài, được biết khá đầy đủ các tây dương đạo trưởng ở trong phủ ta, tới bây giờ không dạy dân đạo lý tà vạy và xấu xa. Thế nhưng không biết trong tương lai sẽ làm những gì hay hiện tại mưu đồ những gì. Vậy từ nay ta cấm hết thần dân ta, chúng sẽ bị xử nếu còn đi lại với họ hoặc theo đạo họ giảng”. Lời lẽ sắc lệnh tương tự như vậy, không phải chỉ niêm yết như thường lệ mà khắc trên ván gỗ và dựng ở trước nhà chúng tôi 5.
Trước những khó khăn, các cha vẫn kiên trì, uyển chuyển và khéo léo “rửa tội” cho các truyền thống văn hoá bản địa:
Tới ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái mê tín dị đoan trong ba ngày Tết. Chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức trong ba ngày này: để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay ở cửa nhà, như chúng tôi đã nói ở quyển 1, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây thánh giá: họ làm theo. Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành người ta xem thấy biểu hiện đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao vót quá mái nhà làm cho ma quỉ sợ hãi và các thiên thần vui mừng 6.
Liên quan đến việc “rửa tội” cho các truyền thống bản địa, chúng ta không thể không nhắc tới việc cha Đắc Lộ giới thiệu Thiên Chúa qua việc biến đổi tam cương thành “tam phụ”7 trong bài giảng đầu tiên, cuốn Phép giảng tám ngày:
Bây giờ ta phải hay có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào, cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta; đấng giữa là vua chúa trị nước; đấng trên là Đức Chúa trời đất, làm Chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống, được ở 8.
Gương sáng trong việc sống triệt để các giá trị Tin Mừng của các cha luôn là yếu tố có thể thực sự cảm hoá lòng người. Các cha không chấp nhận bẻ cong sự thật để làm hài lòng người khác, dù đó là người quyền quí:
Người em gái của chúa lúc đó cũng ở trong thôn này. Bà biết sự thể xảy ra và cho mời chúng tôi đến để chúng tôi cho bà biết về niềm tin của chúng tôi . Thế là trong thời gian tôi đàm đạo với bà trước mặt hai trăm quân binh thị vệ của bà. Ít lâu nay bà mất chồng là một vị quan trọng yếu trong phủ chúa, bà quá thương xót và bà mê mải muốn dùng quyền thế của mình để tìm cách giúp ông trong cõi đời sau ông vừa tới. Thế là bà đặt câu hỏi thứ nhất: các ông thấy người quân binh vừa mất có công trạng gì mà được an táng thân thương đến thế? Chúng tôi đáp không phải vì công trạng nhưng vì lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa mà anh nhận được ơn tin theo Đức Kitô trước khi chết và nhờ ơn đó anh có bảo đảm một cuộc sống đời đời hạnh phúc ở đời sau. Bà bỡ ngỡ về câu trả lời và vì bà dồn hết tâm trí và thương yêu vào việc cứu giúp chồng bà hơn vào sự cứu rỗi, nên bà khóc lóc đặt câu hỏi thứ hai, xem chúng tôi có cách nào hiệu lực giúp người chồng quá cố? Chúng tôi theo lời Sách thánh mà đáp lại rằng cây ngả bên nào, Nam hay Bắc, thì cứ nằm đó không chỗi dậy được. Còn chúng tôi , chúng tôi không được Chúa trời đất sai đi giảng Phúc âm cho người chết, nhưng cho người sống, vì thế chúng tôi bất lực không sao cứu được những người đã chết trong vô đạo. Nghe lời này bà hết sức buồn khổ khóc lóc vì tình trạng bất hạnh chúng tôi nói về chồng bà đã chết mà chúng tôi không làm gì được, cũng không sao cứu linh hồn ông được. Nhưng có mấy bà trong phủ nhận ngay lấy cơ hội tốt và quyết định ngay khi còn sống phải sắm cho mình việc tốt lành chúng tôi rao giảng. Một bà thầm nghĩ, vì sau đó bà kể cho tôi biết, nếu những người ngoại quốc này muốn bợ đỡ bà em của chúa trong khi bà âu sầu và cho bà tin rằng họ có cách giúp đỡ hồn chồng bà trong đời sau, thì chắc chắn họ sẽ được lòng bà và sự tin cậy của bà và sẽ được tất cả những gì họ muốn. Nhưng vì họ ít quí trọng sự che chở của bà và những ích lợi họ có thể nhận được từ nơi bà trong cơ hội này, thì phải tin đạo họ giảng là thật và phải tin theo để được sự tốt lành đã hứa 9.
Bên cạnh thái độ gắn bó với chân lí, các cha cũng hết sức trung thành với lối sống siêu thoát:
Mặc dầu lúc từ Macao trẩy đi, chúng tôi đã đem theo tiền của cần dùng cho một năm, thế nhưng chúng tôi đã cư trú ba năm ở Đàng Ngoài, dù chúng tôi rất tiết kiệm, chúng tôi cũng đã tiêu hết với tất cả số chúa đã ban. Chúng tôi không muốn để giáo dân chịu, cũng chẳng muốn xin của bố thí mà họ rất vui lòng cho, họ sẵn sàng khoét mắt đem dâng cho chúng tôi nếu chúng tôi xin, như vậy để cho họ xác tín rằng chúng tôi đến tìm các linh hồn chứ không tìm kiếm của cải. Điều này làm cho họ rất cảm phục và dùng làm minh chứng về tình yêu thương vô vị lợi chúng tôi đem tới để cứu vớt họ, để thuyết phục giáo dân nhận thấy nhân từ và thánh thiện của đạo ta và chân lý đức tin chúng tôi rao giảng 10.
Vài ghi nhận
Việc rao giảng của cha Đắc Lộ ở Đàng Ngoài chỉ kéo dài ba năm, 1627-1630, nhưng ảnh hưởng của giai đoạn này hết sức sâu đậm trong đời sống các tín hữu. Một số những sáng kiến của cha vẫn tiếp tục được lưu giữ đến tận hôm nay, ví dụ như truyền thống ngắm mười lăm sự thương khó 11. Sau khi đã điểm qua một số nét trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của cha ở Đàng Ngoài, chúng tôi xin được đưa ra một số ghi nhận sau đây:
Có thể nói công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Đàng Ngoài trong giai đoạn đầu tiên như được kể lại trong một số tài liệu của cha Đắc Lộ cho thấy rằng những điều các ngài thực hiện vừa rất quyết liệt khi liên quan đến cốt lõi của Tin Mừng, vừa uyển chuyển trong cách thực hiện. Đó cũng chính là những nét chính yếu trong cuộc đời của thánh Phaolô.