Hội Thánh Việt Nam đang chuẩn bị khai mạc năm thánh trong ít ngày nữa, đây là một dịp thuận tiện để con cái Hội Thánh đào sâu hiểu biết của mình về một thời kì rất đặc biệt, thời kì những kẻ tin đã lấy máu mình làm chứng cho đức tin, thời kì mà Hội Thánh được sống kinh nghiệm gần gũi nhất với Đấng là Đầu và là Hôn Phu của mình. Vì thời gian có hạn, con chỉ xin được bàn tới một sô vấn đề cụ thể dưới đây.
1. Một số văn bản cấm đạo lúc ban đầu
Chúng ta đã thấy ngay từ lúc ban đầu, Tin Mừng được đón nhận tại Đàng Ngoài với những thành quả đầy khích lệ. Trong một thời gian ngắn, số người tin vào Chúa Kitô và được rửa tội gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng từ rất sớm, thái độ niềm nở của vua chúa thay đổi. Những bộ chính sử như Đại Việt sử kí toàn thư (từ đây ghi ĐVKTT) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (từ đây ghi KĐVTGCM) đều không hề đề cập tới các lệnh cấm đạo trước năm 1663. Tuy nhiên, chúng ta có nội dung những văn bản cấm đạo trước đó được cha Đắc Lộ ghi lại.
Hai văn bản cấm đạo năm 1628
Cha Đắc Lộ có ghi lại văn bản lệnh cấm đạo đầu tiên tại Đàng Ngoài, vào dịp trước Lễ Phục Sinh năm 1628, như sau:
Đạo này (hở các ngươi) các ngươi giảng trong nước ta? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta. Từ nay các ngươi hãy gạt đi đừng giảng đạo nữa: nếu các ngươi không tuân lệnh thì ta sẽ chém đầu các ngươi và ngăn cấm các ngươi từ nay chớ tiếp tục làm điều ta cấm 1.
Và bản văn thứ hai cũng vào năm 1628:
Ta, chúa Đàng Ngoài, được biết khá đầy đủ các tây dương đạo trưởng ở trong phủ ta, tới bây giờ không dạy dân đạo lý tà vạy và xấu xa. Thế nhưng không biết trong tương lai sẽ làm những gì hay hiện tại mưu đồ những gì. Vậy từ nay ta cấm hết thần dân ta, chúng sẽ bị xử nếu còn đi lại với họ hoặc theo đạo họ giảng 2.
Cả hai văn bản cấm đạo đầu tiên này cho thấy thái độ nghi kị và phòng ngừa của chúa Trịnh, vì bản văn khẳng định rằng các vị thừa sai hiện không dạy điều gì xấu xa, có chăng là giáo lí một vợ một chồng 3, nhưng chưa biết tương lai các vị đó có mưu đồ gì hay không, nên chúa Trịnh cấm thần dân trong nước theo đạo.
Tác giả Trương Bá Cần ghi nhận rằng những năm sau đó, 1629, 1632, 1643, 1649, 1658, chúa Trịnh đều ra những lệnh cấm đạo với nội dung khá giống với những lệnh cấm kể trên 4. Đặc biệt, những năm 1663-1665, các thừa sai ngoại quốc hoàn toàn vắng bóng tại Đàng Ngoài 5.
Lệnh cấm đạo năm 1663
Lệnh cấm đạo đầu tiên được chính sử ghi lại là lệnh cấm vào năm Quí Mão, Cảnh Trị nguyên niên. Bộ ĐVKTTghi lại sự kiện này như sau:
Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm 6.
Cũng sự kiện này được bộ KĐVTGCM chép lại như sau:
Tháng 10, mùa đông. Nhắc rõ lại lệnh cấm người theo tả đạo Gia tô.
Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm.
Lời chua – Tây Dương: Nhất thống chí nhà Thanh chép: Năm Vạn Lịch thứ 9 (1581) triều nhà Minh, Tây Dương có Lỵ Mã Đậu mới vượt biển đến vụng Hương Sơn thuộc Quảng Châu; đến năm thứ 29 (1601) Lỵ Mã Đậu bèn vào Yên Kinh, đồ đệ của ông ta theo đến rất đông, đều tôn sùng đạo Thiên chúa, họ rất có tài về việc chế tạo và sáng tác.
Hoa Lang: Theo “Truyện ngoại quốc” trong Minh sử, thì Hoa lang tức là Hòa lan, cũng ở Tây Dương, tập tục đọc sai là Hoa lang. Sách Kiên biểu bí lục của Chử học Giá nhà Thanh chép: cuối năm Gia Tĩnh (1522 – 1566) triều Minh, Mã Đậu họp tập người đồng bạn đi tàu vượt biển du lịch các nước gồm 6 năm, đến nước An Nam rồi vào địa giới Quảng Đông.
Gia-tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia-tô 7.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy sử quan nhà Nguyễn chép lại sự kiện đã được sử quan nhà Lê biên soạn và bổ sung thêm một số thông tin. Đặc biệt, sử quan nhà Nguyễn ghi thêm chú thích về các tên gọi Tây Dương, Hoa Lang, và Gia-tô. Riêng với tên gọi Gia-tô, sử quan triều Nguyễn đã đưa ra thông tin về việc giáo sĩ người Tây dương tới truyền đạo vào năm Nguyên Hoà nguyên niên, 1533. Những chi tiết này khiến nhiều học giả lấy mốc này như khởi thuỷ việc rao giảng Tin Mừng tại Đàng Ngoài . Chúng tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại các thông tin của sử quan triều Nguyễn liên quan đến tên gọi này.
Trước hết, sử quan triều Nguyễn cho biết nguồn tham chiếu của họ là sách Dã Lục. Thực ra, Dã Lục không phải là tên sách, mà là cách gọi chung những ghi chép trong dân gian, tức không phải sử kí chính thức của triều đình. Xét về mặt thông tin, lời chú của bộ KĐVTGCMgiống với quyển 9 cuốn Tây dương Gia-tô bí lục (từ đây ghi TDGTBL) đến kì lạ 9, dù hai sách này thuộc những thể loại văn chương rất khác nhau. Chúng tôi xin nêu ra ở đây những chi tiết giống nhau và khác nhau của hai bản văn này.
Những điểm giống nhau 10:
Những điểm khác nhau
Một ghi nhận khác cũng cần lưu ý, hành động của I-nê-xu được miêu tả trong KĐVTGCM là “… ngấm ngầm đem Gia-tô tả đạo truyền giáo”, còn trong TDGTBL lại ghi “cho tiền, phát thuốc, khiến cho những kẻ ngu khờ phải mang ơn mà chịu theo đạo”. Dĩ nhiên, còn phải kể đến rất nhiều tình tiết thêm thắt khác nữa để cốt truyện trở nên gay cấn hấp dẫn, vì cuốn TDGTBL được viết theo lối tiểu thuyết chương – hồi.
Những so sánh này cho thấy rằng dường như sử quan triều Nguyễn đã tham khảo, điều chỉnh thông tin từ TDGTBL và viết lại theo lối văn sử kí chuẩn mực 13. Chi tiết địa danh Gia Định vốn không cần thiết và sai niên đại trong TGTBL được lược bỏ. Nếu sự việc đã diễn ra như vậy, nghĩa là sử quan nhà Nguyễn tham khảo TGTBL rồi ghi chú thêm vào lệnh cấm đạo năm 1663 thời Lê-Trịnh, những thông tin ở bộ KĐVTGCM quả thật không đáng tin cậy về mặt sử tính, vì như Nguyễn Ngọc Lan nhận xét, cuốn TDGTBL thuộc dạng “truyện Tầu, truyện chưởng” 14.
Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng bộ KĐVTGCM được biên soạn khoảng những năm 1856-1884, tức hơn 300 năm sau thời điểm 1533. Thông tin chúng ta đang bàn được ghi ở phần lời chú, với nguồn khá mập mờ là Dã Lục, nhằm bổ sung thông tin về lệnh cấm đạo năm 1663, mốc thời gian 130 năm sau thời điểm 1533.Đó là những lí do thêmvào khiến những thông tin càng thêm đáng ngờ về mặt sử tính.
Sau những bản văn liên quan đến những cuộc cấm đạo trên đây, chính sử còn ghi nhận một số lệnh cấm đạo khác nữa. Tuy nhiên, xét về mặt thông tin, những lệnh cấm sau này hầu như chỉ lặp lại những gì mà những bản văn trên đây nói tới, nên chúng tôi xin được chuyển sang những văn bản cấm đạo dưới thời nhà Nguyễn.