Cha Đắc Lộ đã cập bến Cửa Bạng vào ngày 19-3-1627, đúng vào dịp Trịnh Tráng dẫn đoàn thuỷ quân vào đánh Đàng Trong. Trong khi cha Đắc Lộ và bằng hữu ở Cửa Bạng, cây thánh giá mà các ngài dựng lên trên núi đã thu hút sự chú ý, một sứ giả của chúa Trịnh 6 đến gặp và cho biết chúa Trịnh đã lên đường đi đánh Đàng Trong và chờ gặp các ngài trên đường đi. Họ theo thuyền vị sứ giả đi hai ngày và vào một con sông rộng khoảng hơn mười dặm 7. Về đoạn văn này, cha C. A. Poncet xác định rằng dòng sông mà cha Đắc Lộ nhắc đến ở đây hẳn phải là sông Đáy, đồng thời tác giả này cũng cho rằng nơi gặp mặt của nhóm cha Đắc Lộ với chúa Trịnh phải nằm về phía Hưng Yên, ở một địa điểm thuộc trấn Sơn Nam, vì bản văn của cha Đắc Lộ nói tới tỉnh Thin hoa gần bên 8. Nhóm cha Đắc Lộ tiếp tục theo đoàn thủy binh của chúa Trịnh khoảng tám ngày 9. Chúng tôi nhận thấy thông tin này phần nào giúp chúng ta tạm xác định được vị trí mà chúa Trịnh chỉ định cho nhóm dừng lại chờ đợi, trong khi nhà chúa tiếp tục đi đánh Đàng Trong. Trong phần có nhan đề Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (天南四至路圖書) 10 thuộc bộ Hồng Đức bản đồ (洪德版圖), chúng ta có thể đọc thấy hai lộ trình đường thủy từ Thăng Long đi Chiêm Thành:
Thứ tự kể theo ngày đi bằng đường thủy.
Đường thủy thì chọn ngày lành mà đi thuyền. Từ bến Vọng-lâu, khởi-hành sớm, đi 1 ngày đậu ở Phủ Linh; đi 2 ngày, đậu ở Vân-sàng; đi 3 ngày đậu ở Thần-phù; đi 4 ngày đậu ở Gái-lo(?); đi 5 ngày, đậu ở cầu Khương; đi 6 ngày, đậu ở vũng Hinh; đi 7 ngày, đậu ở chợ Bạng; đi 8 ngày đậu ở Cửa Kiền […]
Đường thủy của binh thuyền.
Từ Kinh-đô mà đi 1 ngày đến bãi Bông; đi 2 ngày, đến bãi Tức Mặc; đi 3 ngày đến Thiên-phái; đi 4 ngày đến Thần-phù; đi 5 ngày; đến vạn Xích-thẩm; đi 6 ngày đến vạn Tốt; đi 7 ngày, đến Bố vệ; đi 8 ngày, đến vũng Hinh; đi 9 ngày, đến chợ Bạng; đi 10 ngày, đến cửa Kiền […] 11.
Thực ra, hai lộ trình chỉ khác nhau ở tốc độ. Chúng tôi cho rằng đoàn binh thuyền của chúa Trịnh, với hơn 200 chiến thuyền, và khoảng 500 thuyền chở lương thực 12, hẳn phải đi theo tốc độ của lộ trình thứ hai. Nơi nhóm cha Đắc Lộ gặp chúa Trịnh có thể là Bãi Bông hoặc Bãi Tức Mặc, vì Thiên Phái đã là ranh giới giữa trấn Sơn Nam và trấn Thanh Hoa ngoại 13. Như vậy, sau khoảng 8 ngày, đoàn chiến thuyền này có thể tới Chợ Bạng hoặc Cửa Cờn 14. Tuy nhiên, Cửa Cờn đã thuộc trấn Nghệ An, nên nơi nhóm linh mục A. de Rhodes dừng lại không thể ở xa hơn Chợ Bạng, tức là thực ra, sau khi gặp và đi theo đoàn chiến thuyền của chúa Trịnh, nhóm cha Đắc Lộ dừng lại chờ đợi ở gần hoặc chính điểm trước đó họ đã xuất phát đi gặp chúa Trịnh. Có lẽ vì thế, trong cuốn Hành trình và truyền giáo tất cả những sự kiện chúng tôi vừa điểm lại đã được tóm lược vắn tắt và tạo ấn tượng rằng nhóm cha Đắc Lộ đã không di chuyển nhiều:
Chúng tôi ở bên này không lâu và mỗi ngày đều có người đến nghe giảng và tin theo sự thật Chúa cho hiểu biết. Người ta dẫn chúng tôi tới với chúa 15, lúc đó chỉ nghĩ tới chiến tranh. Chúa cầm đầu một đạo quân lớn gồm có một trăm hai mươi ngàn người và bốn trăm thuyền chiến. Người Bồ đến lạy chúa và dâng phẩm vật. Tôi cũng đi với họ. Ngoài những phẩm vật khác, tôi dâng chúa một đồng hồ có bánh xe và một đồng hồ cát, nhưng chúa không ngó tới vì còn mải sửa soạn cuộc hành quân chống chúa Đàng Trong. Chúa truyền cho chúng tôi đợi chúa trong tỉnh Thanh Hoa 16, nơi chúa để lại hết các hành trang và cung phi. Chúa cũng cho một toán binh hộ vệ chúng tôi 17.
Những so sánh và tính toán trên đây xem ra cũng phù hợp với vị trí của Anvuc và Vanno trong tấm bản đồ được in trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Trong tấm bản đồ này, Anvuc nằm ở phía bắc của con sông đổ ra Cuabang, còn Vanno nằm ở phía nam của con sông này. Hai địa danh này cùng nằm ở phía nam của Diempho, và phía bắc ranh giới giữa Thinhoa và Nghean. Những chi tiết này xem ra cũng phù hợp với khoảng cách giữa kinh thành với địa danh Che no 18ở chương 28 của cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài 19. Chúng tôi xin được trích ra dưới đây một phần của bản đồ vừa nêu ở trên.
Chúng tôi cũng tìm thấy một bản đồ khác được cho là của linh mục A. de Rhodes với những thông tin tương tự, nhưng được trình bày hơi khác. Chúng tôi cho rằng bản đồ thứ hai này chính xác hơn, vì cho thấy ranh giới giữa Kénam - tức là Kẻ Nam, cũng là trấn Sơn Nam - và trấn Thanh Hoa nằm ở phía bắc của dòng sông đổ ra Cua bic 20, rất có thể là Chebich trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài 21. Chúng tôi cũng xin được trích ra dưới đây một phần của tấm bản đồ này.