Việc thiết lập hai Vùng Đại Diện Tông Toà đánh dấu sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu tại Đại Việt, nhưng đồng thời cũng gây ra những chia rẽ và xung đột trầm trọng trong lòng cộng đoàn non trẻ này. Chúng tôi xin được đề cập về một vài điểm xung đột giữa một bên là các thừa sai Dòng Tên và bên kia là những thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris, cùng những hệ quả trầm trọng của tình trạng này.
Xung đột thẩm quyền
Chúng ta cần trở lại với bối cảnh sớm hơn. Vào đầu thế kỉ 15 ngành hàng hải Bồ Đào Nha đã rất phát triển, nhờ vậy, họ được hưởng khá nhiều đặc quyền. Ngày 4-4-1418, Đức Máctinô V ban hành sắc lệnh Sane Charissimus cho hoàng đế Bồ Đào Nha quyền làm chủ các vùng đất đã chiếm cứ. Ngày 28-5-1455, Đức Nicôla V lại ban thêm sắc lệnh Romanus Pontifex, khẳng định rằng bất kìai đến vùng đất chiếm đóng của hoàng đế Bồ Đào Nha để buôn bán hay truyền giáo đều phải được sự cho phép của vị hoàng đế này. Từ năm 1492, độc quyền trên đây của Bồ Đào Nha bị đặt lại vấn đề khi ngành hàng hải của người Tây Ban Nha cũng đang trên đà phát triển. Cuộc tranh chấp giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã khiến Đức Alêxanđê VI đã phải ấn định ranh giới đặc quyền của hai đế quốc, lấy đảo cuối cùng trong quần đảo Acores làm mốc, từ đó về phía tây thuộc ảnh hưởng Tây Ban Nha, từ đó về phía đông thuộc ảnh hưởng Bồ Đào Nha 1.
Ngày 23-1-1576, giáo phận Macao, còn gọi là Áo Môn, được thành lập, với lãnh thổ bao trùm toàn bộ vùng Viễn Đông, trong đó có Đại Việt. Khi bắt đầu việc truyền giáo tại Đàng Ngoài, trong số các vị thừa sai Dòng Tên đến giảng đạo, luôn có một vị được đặt làm Bề Trên. Sau này, khi công việc đã đạt những kết quả đáng khích lệ, trong số các thừa sai Dòng Tên, Đức Giám mục Macao đặt một vị Đại Diện chịu trách nhiệm về vùng này.
Sau thời gian vắng bóng tại Đàng Ngoài, từ 1663-1669, ngày 19-4-1669, ba linh mục Dòng Tên là Domenico Fuciti, Filippo Fieschi, Baltasar da Rocha, và tu huynh Ignatio Martins, rời Áo Môn đến Đàng Ngoài. Cha Fuciti được đặt làm bề trên. Cũng lúc này, cha François Deydier đã ở Đàng Ngoài được 3 năm và đang ở Kiên Lao. Những trao đổi thư từ giữa hai bên lúc ban đầu xem ra khá bình thường và thân ái. Với tư cách là Cha Chính Đàng Ngoài, cha Deydier cho phép các cha Dòng Tên được thi hành các việc mục vụ 2. Khi đến Kẻ Chợ, cha Fuciti tỏ ra không nhận quyền Đức Giám mục Lambert de la Motte, vì thế, cha Deydier đã buộc phải công bố đoản sắc của Đức Thánh Cha và văn kiện của Thánh Bộ, nhưng cha Fuciti vẫn tỏ thái độ tức giận và không nhận quyền các vị Đại Diện Tông Toà 3. Thấy thế, cha Deydier tỏ ý sẵn lòng nhường lại cho cha Fuciti việc điều hành một hai trấn cho đến khi có quyết định từ Rôma. Tuy nhiên, cha Fuciti cho biết rằng ngài là Đại Diện tại vương quốc này và không nhìn nhận quyền bính như cha Deydier. Hai bên lâm vào tình trạng tranh chấp thẩm quyền, với những thầy giảng, những nhóm tín hữu hậu thuẫn cho mỗi bên 4. Hội Thánh Đàng Ngoài bị chia rẽ hết sức trầm trọng. Ngày 13-9-1701, tại làng Ke-van, phủ Chương Đức, trước sự hiện diện của đông đảo linh mục, thầy giảng và giáo dân, cha Bélot đọc sắc chỉ “Speculatores domus Israël” được Đức Clêmento IX ban hành ngày 13-9-1669 và yêu cầu cha Fuciti nhận quyền để chấm dứt những chia rẽ. Thế nhưng cha Fuciti không nhìn nhận sắc chỉ, với lí do trên sắc chỉ này không có con dấu của vua Bồ Đào Nha, nên là sắc chỉ giả 5.
Xung đột lúc đó diễn ra cả ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Năm 1674, cha Giuseppe Candone, Đại diện phân nhiệm của giáo phận Malacca ở Đàng Trong và Chiêm Thành đã gửi một thư luân lưu rất căng thẳng, trong đó có đoạn như sau:
Đức Thánh Cha đã không ban quyền cho các Giám mục và các cha Pháp ở nước ngoài [thuộc Hội thừa sai Paris] được đi phương Đông hoạt động tại những nơi đã có các cha thuộc nước Bồ Đào Nha đến rao giảng đạo Đức Chúa Trời tại đó (in locis ubi sunt Patres ex regno Portugalliae annuntiantes legem Dei), như các cha chúng tôi [Dòng Tên] ở Xiêm đã tuyên bố cho bổn đạo cư ngụ tại đó 6.
Những tranh chấp tiếp tục kéo dài, nên ngày 22-10-1696, Đức Innôxentê đã công bố Hiến chế Ex commissae nobis, tuyên bố tách Đàng Ngoài ra khỏi giáo phận Macao, đồng thời, Đức Thánh Cha cũng công bố Hiến chế Cum sicut khẳng định rằng Tổng Giám mục Goa, các Giám mục Macao và Malacca không còn thẩm quyền gì tại Xiêm, Bam Bốt và các xứ lân cận 7.
Xung đột về quan điểm
Bên cạnh xung đột về thẩm quyền, hai nhóm thừa sai còn có xung đột về quan điểm liên quan đến việc truyền chức linh mục cho các thầy giảng người địa phương.
Khi lên đường sang Đại Việt, Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu đã nhận được một văn bản quan trọng có tiêu đề Instructio vicariorum apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659, quen gọi là Huấn dụ năm 1659, trong đó có đoạn như sau:
Đây, lý do chính thúc đẩy Thánh bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ Giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ Linh mục. Chư huynh sẽ [truyền chức] cho họ và cử họ đi khắp các miền bao la ấy, mỗi người công tác trong quốc gia mình; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh ân cần săn sóc 8.
Tuân theo Huấn dụ này, từ năm 1668 đến 1670, Đức cha Lambert de la Motte đã truyền chức linh mục cho 9 thầy giảng Đàng Ngoài. Điều này làm cho xung đột giữa hai bên thêm trầm trọng, vì các thừa sai Dòng Tên theo đuổi một phương thức làm việc khác. Trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên với các thầy giảng tại Đàng Ngoài, cha François Deydier được họ cho biết rằng các cha Dòng Tên cấm họ học tiếng Bồ Đào Nha cũng cấm họ học các chữ cái Latinh 9. Các cha Dòng Tên hẳn vì muốn giữ gìn “ơn gọi” của các thầy nên đã ra lệnh cấm này 10, vì các vị từng biết tới trường hợp thầy giảng Raphaen de Rhodes, dường như vì thông thạo tiếng Bồ Đào Nha mà đã hồi tục 11. Ngoài những định kiến người châu Âu thời đó thường có đối với các sắc dân bản địa, các thừa sai Dòng Tên còn phê phán các tân linh mục người bản địa về những vấn đề sau:
Vì thế, cha Fuciti làm phép rửa tội lại cho những ai được các cha người bản xứ rửa tội 12.
Một số hệ quả
Những xung đột trên đây đã gây ra những hệ quả hết sức tai hại cho cộng đoàn tín hữu non trẻ tại Đàng Ngoài. Chúng tôi xin kể ra vài trường hợp cụ thể về những kẻ mà các thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris gọi là “những kẻ phiến loạn” (factieux).
Vụ việc vào năm 1670 xảy đến với cha Gioan Huệ:
Một ngày kia khi Thầy đang dâng lễ tại nhà thờ Kiên Lao, một số kẻ phiến loạn đi vào nhà thờ. Họ vốn cố gắng chống lại việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương, tức giận vì đã không được Thầy Deydier giới thiệu cho chịu các chức thánh như các anh em đồng sự. Khi thánh lễ hầu như vừa kết thúc, họ bắt đầu đọc to tiếng một bài nhục mạ vu khống những linh mục người Đàng Ngoài. Thầy Gioan Huệ trước tiên đã muốn ngăn cản việc này, nhưng khi thấy họ rất ồn ào náo động trút những lời nguyền rủa lên mình, Thầy quyết định chỉ chống lại họ bằng lòng kiên nhẫn lớn lao.
Một lần khác, được mời đi ban các bí tích cho một bệnh nhân trong trấn Kinh Bắc, trong khi Thầy chuẩn bị ra đi, nhân vật chính yếu trong những kẻ phiến loạn đã lập tức gửi những bức thư đến những tín hữu xấu xa của phe mình, để báo cho họ cướp lấy sách vở và những đồ phụng vụ, nhất là chén lễ bằng bạc, và bảo họ làm gẫy hai tay hai chân Thầy Gioan Huệ. Vì vị linh mục không biết gì về kẻ ngấm ngầm chống lại mình, Thầy dừng lại dọc đường và đi đến nhà một tín hữu mà Thầy quen biết để qua đêm; nhận ra Thầy, những kẻ khác kích động một cuộc náo loạn trong làng, và thúc giục những người ngoại bắt lấy Thầy. Thiên Chúa đã không cho phép Thầy rơi vào tay họ, bởi vì đã được cảnh báo về ý định của họ, Thầy có đủ thời giờ bỏ trốn nhờ vào bóng tối ban đêm 13.
Cách cư xử với nhau giống như đối với kẻ thù không chỉ dừng lại ở đó. Câu chuyện sau đây minh chứng cho điều này:
Thầy Philípphê Nhân, vốn được chỉ định ở hạt trong phần đất Thanh Hoa ngoại, là người đã bị những kẻ phiến loạn bách hại nhiều nhất. Những kẻ bất hạnh kia trước hết đã lấy lòng Ông Vite Thuy, quan phủ của hai hay ba huyện ở nơi có nhà thờ Kẻ Vó mà Thầy Philípphê làm cha xứ. Viên quan này đã dứt khoát cấm các tín hữu bước vào nhà thờ của vị linh mục này, và vì họ không nghe theo lệnh cấm đầu tiên này, ông đe doạ lột bỏ quần áo họ để cho quân lính của ông. Thậm chí ông còn đi đến mức doạ chém đầu họ. Thấy rằng điều ấy không làm họ khiếp sợ, ông đe doạ Thầy Nhân là sẽ phá đổ nhà thờ, và ông đến làm việc này vào ngày 1-10-1671. Thầy Nhân rút lui vào nhà bếp, viên quan cho phá đổ cả nhà bếp. Lúc ấy, vị cha xứ tốt lành, theo lệnh truyền của Chúa chúng ta, dũ bụi chân để chỉ ra rằng viên quan này không xứng đáng được có một linh mục ở gần nhà ông, rồi Thầy rút lui 14.
Coi nhau như kẻ thù và hoàn toàn không nhìn nhận quyền điều hành cũng như quyền thánh chức của cả Vị Đại Diện Tông Toà lẫn các linh mục dưới quyền ngài. Vụ việc ít nhiều mang dấu vết của một cuộc li giáo. Tình trạng sau đây được ghi nhận vào 23-10-1672:
Một cuộc bách hại khác không kém phần tai hại đối với Hội Thánh ở đây. Một số tín hữu tự coi là có bằng cớ chắc chắn để không nhìn nhận Đức cha Bérythe như là mục tử hợp pháp ở Đàng Ngoài. Họ thậm chí tranh cãi về phẩm vị Giám mục vì Ngài không nhận lệnh của vua Bồ Đào Nha để đến vương quốc này. Tôi không xem xét nguồn gốc của loại li giáo này, nhưng ta có thể tin rằng đời sống quá phóng đãng của các tín hữu này đã có thể là một phần nguyên nhân. Vì một số người đã không được chấp nhận cho được thêm sức, bởi vì họ không chịu sửa chữa những thói tục xấu xa; những kẻ khác được Đức cha Bérythe thúc giục rời bỏ những người vợ bất hợp pháp, những linh mục được Đức cha Bérythe truyền chức đã muốn cứu chữa nhiều chuyện lộn xộn, nhất là chu toàn việc ban hành bí tích thống hối như phải làm. Một phe nổi loạn được hình thành, lấy cớ là không phục quyền Đức cha Bérythe, cũng không nhìn nhận các linh mục người Đàng Ngoài. Điều này đi xa tới mức một số người đã thà chết không xưng tội, còn hơn là xưng tội với những linh mục này; một số người khác không tham dự thánh lễ trọng cũng như lễ Chúa Nhật, lấy cớ rằng những linh mục này không thể dâng lễ; một số khác nữa không bao giờ xưng tội, dù chúng tôi khích lệ họ và họ có điều kiện dễ dàng để xưng tội, vì 9 vị linh mục người Đàng Ngoài được phân bổ ở những trấn khác nhau, những nơi có đông đảo các tín hữu hơn 15.
Trong hoàn cảnh chia rẽ trầm trọng như thế, nhiều tín hữu từ chối xưng tội, hoặc không chịu lãnh các bí tích vào giờ hấp hối 16. Vụ việc của hai vị linh mục được kể ra trên đây còn bị đẩy xa tới mức chúng ta khó lòng tưởng tượng:
Người ta coi như hệ quả cuộc bách hại của những kẻ phiến loạn cái chết của Thầy Nhân và Thầy Huệ mà chúng tôi đã nói đến ở trên, vì cả hai vị đều rất tráng kiện và còn khá trẻ. Các vị lập tức cảm thấy đau yếu ngay sau khi cùng ăn tại nhà một tín hữu thuộc phe này. Thầy Gioan Huệ qua đời sáu ngày sau đó; Thầy Nhân, vì đã uống thuốc giải độc, còn giữ được mạng sống èo uột trong 17 tháng, rồi qua đời vào ngày 25-10-1672 17.
Những vụ việc được kể ra trên đây cho thấy rằng dường như phía các thừa sai Dòng Tên và những người đi theo các ngài, những người bị gọi là “phiến loạn”, cho rằng quyền bính cũng như chính cuộc xâm nhập của một nhóm thừa sai khác là bất hợp pháp, vì mặc dù họ trưng ra cả sắc chỉ của Đức Thánh Cha và những văn bản khác, nhưng tất cả đều thiếu con dấu xác nhận của vua Bồ Đào Nha, như đáng lẽ phải có. Từ góc nhìn đó, các thừa sai Dòng Tên có lẽ nhận thấy rằng quyền bính hợp pháp và xa hơn, đức tin chính thống bị đe doạ. Với cách hiểu như thế, có thể những người dưới quyền đã có những hành động dường như quá khích như được miêu tả ở trên. Vì khi đức tin chân chính bị đe doạ, bận tâm của những người đi theo các thừa sai Dòng Tên hẳn là loại trừ nguyên nhân gây ra hiểm hoạ, kể cả những người liên quan đến nguyên nhân này! Dù sao, những trang trên đây cho chúng ta thoáng thấy một Hội Thánh ở trong tình trạng hết sức tệ hại. Còn đâu hình ảnh thiên đường Đàng Ngoài:
Hội Thánh Đàng Ngoài lúc đó như thiên đường, nơi đó các tín hữu sống trong trắng tới mức thậm chí làm vui thích cả những kẻ thờ ngẫu tượng và khiến họ thú nhận rằng luật được các thừa sai rao giảng thật quá sức thánh thiện nên không thể bị khinh thường. Như thế, cuộc sống của các tín hữu là một căn cớ đủ sức đem những kẻ ngoại tới chỗ từ bỏ những ngẫu tượng và đón nhận Tin Mừng mà không cần phải dùng đến những diễn từ dài hay làm những phép lạ; bởi vì người Đàng Ngoài thật cách xa thói kiêu căng của người Trung Hoa và có bẩm tính sẵn sàng đi theo lí trí và sẵn lòng tin tưởng vào cuộc sống đời sau một cách lạ lùng 18.
Hay một lời nhận xét khác:
Theo con nhận xét, trong cõi phương Đông, chẳng có dân tộc nào có những điều kiện thích hợp với Kitô giáo hơn dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, ngoan hiền, không vướng mắc những thói tật xấu xa, thường làm cho người lương khó thực hành các nhân đức Kitô giáo. Một khi được rửa tội, người Đàng Ngoài kiên trì trong đức Tin, như đã sống đức Tin ấy từ nhiều thế kỷ. Họ gớm ghét cực độ những thói xấu thường xuất hiện ở các dân tộc khác và họ mau mắn giữ luật Chúa 19.
Kết luận
Tin Mừng đã được các thừa sai Dòng Tên đem đến gieo vào mảnh đất Đàng Ngoài vào những năm 1626-1663 và đã trổ sinh hoa trái hết sức dồi dào. Một phần do các thừa sai đã sống triệt để các giá trị Tin Mừng, đàng khác, vì người dân tại mảnh đất này mang sẵn trong lối sống những mầm mống Tin Mừng, sẵn lòng cởi mở đón nhận những giá trị Tin Mừng. Tuy nhiên, những cuộc bách hại khác nhau, từ giới quan quyền và nhất là từ trong lòng Hội Thánh, đã khiến cho công cuộc đang thu được kết quả tốt đẹp bị chững lại trong một thời gian dài. Đó là một sự thật lịch sử rất đáng tiếc, một trang đen tối trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam!