Công cuộc loan báo Tin Mừng ở Đàng Ngoài được dọn đường với cuộc thăm viếng Đàng Ngoài của linh mục Dòng Tên Giuliano Baldinotti và tu huynh Giulio Piani. Hai vị khởi hành từ Áo Môn ngày 2-2-1626, nhưng mãi ngày 7-3-1626 mới vào một cửa sông lớn ở Đàng Ngoài, tới Thăng Long. Những trao đổi dẫn đến việc hai vị thừa sai rời Đàng Ngoài ngày 23-8-1626, tới Áo Môn ngày 17-9 để chuẩn bị cho những thừa sai Dòng Tên trở lại Đàng Ngoài vào năm sau. Những sự chuẩn bị này đã mở ra một chân trời mới cho hạt giống đức tin bám rễ sâu vào mảnh đất Đàng Ngoài. Trong phần trình bày này, chúng tôi xin trình bày một số điểm sau đây:
Về mặt địa lí và hành chính, theo bộ Hồng Đức bản đồ, vào đầu thời nhà Lê, nước An Nam được chia thành Trung đô và 13 thừa tuyên.
Nước An-nam kể Trung đô và 13 thừa tuyên, có tất cả 53 phủ, 181 huyện, 49 châu.
Trung-đô: 1 phủ, 2 huyện.
Thừa-tuyên Thanh-hoá: 6 phủ, 22 huyện, 4 châu.
Thừa-tuyên Nghệ-an: 9 phủ, 25 huyện, 2 châu.
Thừa-tuyên Sơn-nam: 9 phủ, 36 huyện.
Thừa-tuyên Sơn-tây: 6 phủ, 24 huyện.
Thừa-tuyên Kinh-bắc: 4 phủ, 20 huyện.
Thừa-tuyên Hải-dương: 4 phủ, 18 huyện.
Thừa-tuyên Thái-nguyên: 3 phủ, 9 huyện, 6 châu.
Thừa-tuyên Tuyên-quang: 1 phủ, 1 huyện, 5 châu.
Thừa-tuyên Hưng-hoá: 3 phủ, 4 huyện, 17 châu.
Thừa-tuyên Lạng-sơn: 1 phủ, 7 châu.
Thừa-tuyên An-quảng: 1 phủ, 3 huyện, 4 châu.
Thừa-tuyên Thuận-hoá: 2 phủ, 8 huyện, 4 châu.
Thừa-tuyên Quảng-nam: 3 phủ, 9 huyện.” 1
Thừa tuyên Kinh Bắc được phân chia như sau:
Về mặt chính trị, sau khi nhà Mạc cưới ngôi, năm 1529, Nguyễn Kim chạy sang Lào để khôi phục nhà Lê. Năm 1533, ông đưa Lê Duy Ninh lên ngôi, lấy niên hiệu Nguyên Hoà. Năm 1543, quân nhà Lê chiếm Tây đô, tức Tây Giai, Thanh Hoá. Năm 1545, Nguyễn Kim bị đầu độc, con rể là Trịnh Kiểm nắm binh quyền. Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ vùng Thuận Hoá. Năm 1570, Trịnh Kiểm giao cho Nguyễn Hoàng cả vùng Quảng Nam. Cần nhớ rằng trước đó, vùng này vẫn do tướng nhà Mạc trấn giữ. Cũng vào năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh quyền. Trịnh Cối thua, chạy sang đầu hàng nhà Mạc, ranh giới tranh chấp Trịnh-Mạc lúc đó là vùng Sơn Nam, Thanh Hoa ngoại, Sơn Tây. Năm 1591, Trịnh Tùng đem quan tiến sát Thăng Long. Đầu năm 1592, Mạc Mậu Hợp chạy sang Gia Lâm, trao quyền giữ Thăng Long cho các tướng dưới quyền. Đến tháng 11 và tháng 12 năm 1592, Mạc Mậu Hợp và con là Mạc Toàn bị bắt, hậu duệ nhà Mạc chạy lên phía bắc, nắm giữ quyền kiểm soát Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng. Trong khoảng những năm 1662 đến 1677, họ Trịnh mới hoàn toàn dẹp tan nhà Mạc ở Cao Bằng. Những người còn lại trong gia tộc nhà Mạc chạy vào Đàng Trong.
Sau khi Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613, tương quan giữa Trịnh Tùng và Nguyễn Phúc Nguyên ngày càng căng thẳng. Năm 1623, Trịnh Tùng qua đời, con là Trịnh Tráng lên nối nghiệp, mối căng thẳng giữa hai nhà Trịnh-Nguyễn càng ngày càng trầm trọng. Để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với lực lượng Đàng Ngoài, được coi là gấp mười lần Đàng Trong, năm 1626, Nguyễn Phúc Nguyên di chuyển thủ phủ Đàng Trong về phía nam, đến làng Phước Yên, cách vị trí kinh thành Huế hiện nay khoảng 7 km về phía bắc. Bộ Đại Nam thực lục tiền biên chép về việc khởi đầu phân tranh Trịnh-Nguyễn vào tháng 10 năm Bính Dần, 1626, như sau:
Mùa đông, tháng 10, Trịnh Tráng sai Binh khoa cấp sự trung Nguyễn Hữu Bản vâng sắc dụ vua Lê đến đòi số thuế từ năm Giáp Tý về sau và mời chúa đến Đông Đô. Chúa cười bảo sứ giả rằng: ‘Việc này là do ý riêng của họ Trịnh, chứ hoàng đế nhà Lê nhân từ, há lại quên dòng dõi công thần sao? Vả lại quân dân của cải hai xứ này so sánh với bốn trấn có là bao nhiêu, mà tham cầu như thế! Nếu nghĩ đến công tổ tiên ta, nên cắt cả Nghệ An cho ta nữa, huống chi là đất Thuận Quảng?’. Các tướng phần nhiều xin đánh. Nhưng chúa nói rằng: ‘Họ Trịnh đã quên ơn gây oán, mà ta lại lấy thân thích làm thù, e chẳng bõ để cười cho thiên hạ’. Chúa quay bảo sứ giả rằng: ‘Các ông vì tôi nói với Trịnh Vương đừng để ý những điều hiềm nhỏ’. Rồi hậu đãi sứ giả mà bảo về. Đinh Mão, năm thứ 15 [1627], mùa xuân, tháng giêng, Trịnh Tráng muốn cử quân xâm lấn miền Nam, nhưng sợ không có cớ, bèn sai Lê Đại Nhậm phụng sắc vua Lê sang dụ cho con vào chầu và đòi nộp 30 thớt voi đực, 30 chiếc thuyền đi biển để dùng vào lệ cống triều Minh. Chúa cười nói rằng: ‘Lệ ta sang cống triều Minh chỉ có vàng và kỳ nam thôi. Nay họ Trịnh đòi thêm ngoại ngạch, ta không dám theo mệnh. Còn con ta thì đương sắm quân khí để sửa việc biên phòng, xin vài năm nữa ra chầu cũng chưa muộn’. Sứ giả tỏ ý của vợ chúa Trịnh muốn xin các con của Hiệp và Trạch. Chúa không cho. Họ Trịnh bèn phát quân. Tháng 3, Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi, mượn tiếng xem xét địa phương, cho quân thủy bộ đều tiến. Tướng Trịnh là Nguyễn Khải bày dinh ở bắc sông Nhật Lệ. 3
Như vậy, có lẽ sau khi Trịnh Tùng qua đời vào năm 1623, từ năm Giáp Tí sau đó, 1624, Nguyễn Phúc Nguyên không còn nộp thuế như thông lệ. Đó chính là khởi đầu cho những cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn kéo dài hàng trăm năm. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư viết về cuộc xung đột đầu tiên này, sau một bài dụ dài của vua Lê, như sau:
Tháng 2, Thanh Đô Vương hộ vệ thánh giá thân chinh. Quân đến cửa biển Nhật Lệ, giặc dựa vào thế hiểm chống lại, đại quân mấy lần giao chiến không lợi, liền chỉnh đốn lại quân ngũ trở về. 4
Sách Đại Nam thực lục chép tiếp về biến cố này như sau:
Chúa sai Tôn Thất Vệ làm tiết chế, văn chức Nguyễn Hữu Dật làm giám chiến, lĩnh quân bộ ra chống cự. Lại sai hoàng tử thứ tư là Trung chỉ huy quân thủy để tiếp ứng. Quân hai bên đối lũy nhau. Tiên phong của Trịnh là Lê Khuê đem kỵ quân ra cướp trận. Quân ta bắn đại bác, quân Trịnh sợ lui. Đêm ấy quân thủy ta lại thừa cơ nước triều lên bắn vào dinh Nguyễn Khải, quân Trịnh sợ, rối loạn. Trịnh Tráng tiến đến, thế binh rất mạnh. Quân ta đánh không lợi. Quân Trịnh thừa thắng tranh cướp của cải. Quân ta đem tượng binh thúc đánh chặn ngang, làm cho quân Trịnh tan vỡ, chết rất nhiều. Hữu Dật lại bàn mưu với Trương Phước Da (bấy giờ gọi là Lương quận công) sai gián điệp phao đồn rằng anh em Trịnh Gia, Trịnh Nhạc mưu nổi loạn. Tráng nghe tin lấy làm ngờ, bèn rút quân về. 5
Những chi tiết về địa lí và hành chính và chính trị cho thấy rằng vào thời điểm Tin Mừng bắt đầu được rao giảng ở Đàng Ngoài, tình hình Đại Việt hết sức phức tạp. Về mặt chính trị, năm 1627, tại Đại Việt có tới ba thế lực cát cứ: nhà Mạc ở phía bắc với hai thừa tuyên rừng núi, nhà Nguyễn ở phía nam với hai thừa tuyêu xa xôi, phần trung tâm đông dân và trù phú nhất thuộc về họ Trịnh. Tin Mừng đã đến với Đàng Ngoài trong bối cảnh phức tạp và tế nhị ấy.