Về thái độ của các vua nhà Nguyễn đối với đạo công giáo, chúng ta thường có ý kiến chung chung rằng vua Minh Mạng, vì nhiều lí do khác nhau, đã khởi đầu những lệnh cấm đạo. Tuy nhiên, nếu dựa vào các tài liệu về đạo công giáo ngay từ thời Gia Long, chúng ta có thể nhận ra rằng những việc Minh Mạng làm sau này đã được chuẩn bị trước từ thời Gia Long.
Một số văn bản thời vua Gia Long và Minh Mạng
Năm Gia Long thứ 3, 1804, khi định điều lệ hương đảng các xã dân ở Bắc Hà, nhà vua ban hành năm điều, trong đó, điều thứ năm về việc thờ thần thờ Phật có đoạn như sau:
Lại như đạo Gia Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến kẻ ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Gia Tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm 1.
Bản văn này cho thầy việc hạn chế đối với đạo công giáo đã có từ thời Gia Long, tuy còn nhẹ nhàng và kín đáo.
Năm 1825, vua Minh Mạng đẩy việc hạn chế đi xa hơn một bước. Sự kiện này không được chính sử ghi lại, nhưng được A. Launay cung cấp thông tin như sau:
Vào năm 1825, nhà vua Annam đã ban ra một sắc lệnh cấm các đạo trưởng vào vương quốc. Đó là phần đầu tiên trong chương trình của nhà vua. Sau đó, nhà vua triệu những vị cao niên về triều đình, đó là phần thứ hai. Một số thừa sai ở Đàng Trong, vì quá nổi tiếng nên không thể ẩn trốn, nên đã thuận theo mệnh lệnh này; những vị ở Đàng Ngoài, hầu như không được biết tới, đã vẫn ở lại tại chỗ 2.
A. Launay cho biết kế hoạch của vua Minh Mạng đã bị tổng trấn Gia Định, tức Lê Văn Duyệt, phản đối 3. Dù sao, sách Đại Nam thực lục (từ đây ghi thành ĐNTL) ghi chép vào tháng 7 năm Minh Mạng thứ 8, 1827, vẫn kể về việc thực thi kế hoạch trên đây:
Bổ người Tây dương là Phú Hoài Nhân làm Chánh thất phẩm thông dịch ty Hành nhân, Tây Hoài Hoa và Tây Hoài Hoá làm Tòng thất phẩm thông dịch ty Hành nhân, mỗi tháng cấp cho mỗi người 20 quan tiền, 4 phương gạo lương, 1 phương gạo trắng, sai phủ Thừa Thiên trông coi, cấm không được ra ngoài dạy học trò để truyền giáo (Bọn Hoài Nhân đều là tên họ vua cho) 4.
Vào tháng 11 năm Minh Mạng thứ 13, 1832 5, một bản văn khác cho thấy thái độ thù ghét của vua Minh Mạng đối với đạo công giáo đã gia tăng rõ ràng:
Biền binh ở các ty, Cảnh tất, Loan nghi thuộc vệ Loan giá có người theo đạo Gia tô.
Vua nghe thấy, nói rằng : “Đạo Gia tô, ta cho là chỉ có lũ ngu mới bị mê hoặc, không ngờ ngay ở bên tả hữu ta cũng có kẻ tin theo, thật rất đáng lạ”. Vua bèn sai bộ Hình bắt để trị tội.
Dân ở phường Nam Dương Tây, tỉnh Quảng Trị, trước đây cũng theo đạo, đến bấy giờ biết hối, đem huỷ hết các ảnh, tượng và kinh thánh, còn nhà thờ, nhà giảng thì triệt hạ, sung công. Quan tỉnh đem việc tâu lên.
Vua đặc cách tha tội cho họ, nhân dụ bộ Hình rằng : “Đạo Gia tô nguyên từ người Tây dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ : cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hoá, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy lại quy là tà thuật hơn đạo nào hết. Trong luật đã có điều cấm rõ ràng rồi 6.
Văn bản kể trên kết thúc như sau:
Nhân nghĩ : các hạt còn có những kẻ cố chấp mê man, trôi giạt quên đường về. Song, tính giữ đạo thường, người người đều có nếu biết tỉnh ngộ liền có thể trở thành lương thiện. Phải nên một phen khuyên bảo khiến họ biết đường đổi mới, để tỏ cái ý trước hãy giáo dục, sau mới dùng đến hình phạt. Vậy truyền dụ Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh bá cáo khắp quan, quân, dân, thứ trong hạt. Có ai trước đã trót theo đạo Gia tô, nay nếu cảm phát lương tâm, biết sợ, biết hối, thì cho phép được đến bày tỏ với quan sở tại, tình nguyện bỏ đạo. Quan địa phương xét quả thành thực thì sai làm ngay tại chỗ : bước qua cây thập tự. Rồi làm tập tâu lên vua, sẽ được chuẩn cho miễn tội. Còn những nhà thờ, nhà giảng, thì ra lệnh cho huỷ triệt đi. Bao nhiêu việc mê tín sai lầm trước đó đều không xét nữa. Sau phen răn bảo thiết tha này, nếu kẻ nào không chừa thói cũ còn dám lẻn lút tụ tập nhau, cam tâm vi phạm lệnh cấm, một khi bị phát giác ra thì liền trị tội nặng. Lại nghiêm cấm lũ võ biền, lại dịch và các tổng lý không được tạ sự mà nộ nạt, hống hách, bắt càn nhiễu dân. Kẻ nào vi phạm sẽ phải tội” 7.
Những năm 1835 và 1837, hai vụ án nổi tiếng của cha Marchand Du và Cornay Tân đã phần nào cho thấy quyết tâm trừ khử đạo công giáo và sự nghi kị vua Minh Mạng dành cho các thừa sai châu Âu. Đối với cả hai vụ án này, triều đình nhà Nguyễn đã cố gắng gán cho các thừa sai tội cấu kết với quân phiến loạn 8. Đặc biệt, nhân vụ án cha Marchand Du, vào tháng 12 năm Minh Mạng thứ 16, 1835, triều đình đưa ra văn bản rất nặng nề kết tội đạo công giáo:
Định rõ điều lệ cấm chỉ tà giáo Tây dương. Tả phó đô ngự sử viện Đô sát Phan Bá Đạt tâu nói : “Tà giáo Tây dương làm say đắm lòng người, thực là một đạo kiệt hiệt hơn hết trong các đạo dị đoan. Bấy nay nhiều lần được răn dạy cặn kẽ huỷ bỏ nhà thờ, cấm họp giảng đạo. Có kẻ trót theo đạo ấy, nay đã thực lòng hối cải đều được cho đổi mới rồi. Đó là muốn cho mọi người lặng lẽ cảm hoá, thay đổi dần dần. Sau đó, năm Minh Mệnh thứ 14 [1833] thành Phiên An cũ nổi biến, có đạo trưởng người Tây tên là Mã Song, đồng loã với nghịch Khôi, ngầm thông với giặc Xiêm, tập hợp đồ đảng theo đạo Gia Tô, cố giữ cô thành, chống cự quan quân, lâu đến 3 năm ! Đến ngày hạ thành, bị đóng cũi giải về Kinh, Mã Song khai rằng thầy thuốc nước hắn, nhân người sắp chết, khoét lấy con mắt, phơi khô, hợp với hai vị a – nguỵ và nhũ hương, tán nhỏ chế thuốc, trị bệnh ho đờm. Lại, tục truyền rằng tà giáo Tây dương thường khoét mắt người, và cho 1 trai, 1 gái, ở chung một nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động tình dục, nhân đấy rập cho chết bẹp, lấy nước [xác chết đó] hoà làm bánh [thánh], mỗi khi giảng đạo, cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được. Cả đến người theo đạo, khi trai, gái lấy vợ lấy chồng, thì đạo trưởng đem người con gái vào nhà kín, với danh nghĩa là giảng đạo, thực là là để dâm ô. Như vậy thật không thể không mạnh bạo trừ tuyệt và nghiêm khắc trừng trị. Trước đây, đạo trưởng Tây dương đáp thuyền người nhà Thanh đến nước ta, ngầm trốn ở các địa phương như tên nghịch Song, tưởng còn có nhiều. Những địa phương mà bọn chúng ở đều bị truyền bá tả đạo để mê hoặc lòng người, có quan hệ đến phong hoá không nhỏ. Kính xét trong thiên “Vương chế”, Kinh Lễ có nói : “Theo tả đạo làm loạn chính sự thì phải giết”. Điều luật nước ta có nói : “Những thuật tả đạo, xúi giục mê hoặc nhân dân, kẻ đứng đầu thì bị giảo giam hậu” Thế thì tà giáo thực là theo đạo mà “Vương chế” không bao dung, mà xưa nay phải trừ bỏ hẳn. Nay xin tham bác châm chước theo Lễ và Luật, định rõ điều cấm, khiến cho người ta biết sự răn chừa, ngõ hầu mới dập tắt được dị đoan, giúp cho chính đạo lưu hành, mà thiên hạ cùng theo thói tốt”.
[…]
Phàm đạo trưởng Tây dương đã ở lẩn lút trong dân gian, xin cho tổng lý nã giải quan, chiếu theo luật tả đạo dị đoan cám dỗ mê hoặc nhân dân, khép vào tội chết, còn người chứa chấp giấu giếm cũng bị tội như tội của phạm nhân. Lý dịch ở xã thôn sở tại, vì sơ sót trong việc tra xét, đến nỗi nó ẩn náu trú ngụ được, khi phát giác ra, không kể là có hay không cố ý dung túng giấu giếm, cũng bị đồng tội như phạm nhân ; cai, phó tổng giảm 1 bậc. Nếu có trú ngụ trong làng cai, phó tổng, thì cai, phó tổng cũng bị đồng tội như phạm nhân, chứ không được giảm bậc nào 9.
Những lời tâu trên đây là của một vị quan đứng hàng thứ ba trong cơ quan tối cao giám sát việc thi hành luật pháp trong nước, lại được nhà vua chuẩn tấu, cho thấy phần nào thành kiến sâu xa của triều đình nhà Nguyễn đối với đạo công giáo.
Vụ việc quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh, năm 1838
Trung tâm lưu trữ quốc gia I còn giữ lại kho tư liệu hết sức đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn. Trong số các bản tấu hiện còn được lưu giữ, ba bản tấu liên quan đến Trịnh Quang Khanh vào năm 1838 giúp chúng ta hiểu được phần nào mức độ khốc liệt của các cuộc bách hại đạo ở nhiều tỉnh miền Bắc trong giai đoạn này.
Trịnh Quang Khanh là một trong 16 người đỗ hương cống tại trường thi Gia Định, trong dịp ân khoa vào tháng 9 năm Minh Mạng thứ 2, 1821. Năm Minh Mạng thứ 11, 1830, ông giữ chức thự lang trung Lại bộ, được đổi làm thự Tham hiệp Quảng Trị, năm sau thăng án sát sứ. Con đường hoạn lộ của ông cứ thế thăng tiến không ngừng. Năm Minh Mạng thứ 14, 1833, ông được phong làm quyền thự ấn quan phòng Tuần phủ Hưng Yên, rồi thự Tuần phủ Hưng Yên, năm sau lại gia phong Binh bộ Thị lang. Tháng 9 năm Minh Mạng thứ 15, 1834, trong khoa thi hương ở Hà Nội và Nam Định, ông được cử làm chủ khảo. Những bài lỗi trường qui được chấm đỗ đã khiến ông bị giáng ba cấp, sau được xét lại, vẫn làm thự Tuần phủ Hưng Yên, rồi tiếp tục được gia phong làm Tuần phủ Hưng Yên. Năm Minh Mạng thứ 16, 1835, ông được đổi làm Tuần phủ Hà Nội. Tháng 6 năm Minh Mạng thứ 16, 1835, ông được gia phong làm thự Tổng đốc Định – Yên. Tháng 4 năm Minh Mạng thứ 18, 1837, ông được bổ nhiệm làm Tổng đốc Định – Yên, nhưng chỉ một năm sau, cũng vào tháng 4, ông bị giáng chức 10.
Bản tấu thứ nhất đề ngày 12 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 19 11, 1838, cho biết ngày 26 tháng 3 cùng năm các chức việc xã An Liêm, tổng Vị Sĩ, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương báo cáo rằng ngày 22 tháng 3 họ bắt được ba người theo đạo Giatô là Vũ Văn Lân, Phạm Văn Trung, và Nguyễn Thị Vĩnh. Khi khám xét những người này, họ phát hiện ra sáu phong thư, trong đó có bốn bức toàn chữ Tây dương. Những thư này gồm hai bức gửi tới ông Trùm Kì 12 và ông Trùm Hai 13 ở xã An Liêm, huyện Thư Trì; một bức gửi ông Trùm Vọng 14 ở trang Thân Thượng, huyện Chân Định; hai bức gửi ông Trùm Hiền 15 và ông Thiệu ở xã Đồng Quan, huyện Thanh Quan; một bức gửi ông Giáo Pha, tức gửi Tổng Văn ở xã Sa Cát, huyện Thanh Quan. Bốn bức chữ Tây dương do đạo trưởng Lương ở xã Thọ Lão, huyện Phù Dung, tỉnh Hưng Yên. Tổng đốc Trịnh Quang Khanh sai tra bắt những người liên hệ. Tổng Văn đã bỏ trốn, còn những xã được kể tên trên đây đều cho biết rằng xã họ không có những người nêu tên ở trên 16.
Bản tấu trên đây đã bị vua Minh Mạng trách mắng nặng nề. ĐNTL chép lại lời dụ của vua:
Vua bảo rằng : "Gia Tô tả đạo làm hại rất nhiều, bọn người nước Tây thường thường lẻn đến nước ta, nhân đem thuật ấy cổ động dụ dỗ dân ngu, ngầm mưu gây việc, tức như năm ngoái ở Sơn Tây phát ra việc đạo trưởng nước Tây là Cao-lăng-xê thông với giặc mưu nổi loạn, gương sáng chẳng xa, tai mắt mọi người đều nghe thấy. Không ngờ còn có lũ này trà trộn ở chốn dân gian, đi lại gửi thư cho nhau, trong đó há không tình riêng liên kết bè lũ, thế mà không tra bắt ngay cho sạch gốc rễ, chỉ căn cứ vào lý dịch cung đại khái, hy vọng xong việc. Bọn đạo trưởng kia nguyên là dối trá chẳng lành, mà lý dịch sở tại, hoặc là đồ đệ yêu nhau, ẩn giấu, sao được nhẹ tin như thế, sự thể quan yếu, coi như không để ý đến, không biết bọn ngươi làm quan, thì làm việc gì ? Trịnh Quang Khanh cho giáng xuống hàm chánh tam phẩm, làm Tuần phủ Nam Định, Hà Thúc Lương giáng xuống làm chánh tứ phẩm, làm chức lương chừ đạo, hạn trong một tháng, nếu bắt được bọn chúng trị tội, thì khoan tha tội trước, khai phục nguyên hàm, không thế tất phải trói đem về Kinh trị tội, còn chức Tổng đốc Định Yên và Tuần phủ Hưng Yên, cho Lê Văn Đức và Doãn Uẩn làm thay. Bọn ngươi đều do trẫm đặc cách kén chọn, nên phải tự mình hết lòng tìm cách bắt giặc, đem chém giết ngay cho hết tả đạo, không được riêng đùn cho người, có phụ sự uỷ thác lớn, lại một mặt truyền bảo dân gian đại khái nói : đạo trưởng nước Tây cổ động mê hoặc lòng người, mưu toan làm phản, phép nước không thể dung tha, nay sai nã bắt, cốt chỉ trừ bỏ người nước Tây ấy để khỏi làm hại dân. Người dân các ngươi cùng với chúng khác loài, sẽ không liên can đến, ai hay tố cáo, chỉ bảo hay nã bắt giải lên quan, tất có hậu thưởng, chớ nên giấu giếm chứa chấp để phạm tội nặng, dù trước đã lầm theo đạo, nay biết tình nguyện hối đổi, bước qua giá chữ thập, đó là thực lòng bỏ đạo, đều cho tha về sinh nghiệp, khiến cho hiểu biết rõ ràng, đều biết theo điều hay tránh điều dở, sẽ không phải trị bằng hình pháp mà tự cảm hoá được" 17.
Bản tấu thứ hai của Trịnh Quang Khanh đề ngày 8 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 18, 1838, lặp lại những thông tin trong bản tấu trước và lời dụ của vua như trên đây, sau đó cho biết thêm rằng Tổng Văn, tức Nguyễn Hữu Văn ra đầu thú tại tỉnh Hưng Yên và khai ra rằng đạo trưởng tên Lương còn có tên khác là Viên 19, quê ở xã Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên, đến ở các xã Đông Bài, Thiết Nham, tỉnh Bắc đem gửi các bức thư có tự dạng Tây dương cho Trùm Kì, Trùm Hai, Trùm Vọng, Trùm Hiền. Cuối bản tấu cho biết ngày 6 tháng 4 nhuận 20, quan quân tới vây làng Kiên Lao, bắt được đạo trưởng Tây dương xưng tên Minh 21, làm Vít-vồ được 20 năm. Đối chất với những người đã bị bắt trước đó là Vũ Văn Lân và Phạm Văn Trung, hai tên này nhận người Tây dương bị bắt vốn tên Minh và hiện đã đổi tên thành Trùm Kì 22.
Bản tấu thứ ba do Doãn Uẩn 23 viết ngày 21 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 24, 1838, rất dài và chi tiết, đặc biệt cho biết thêm rằng đạo trưởng tên Lương cũng có tên là Viên, quê tại xã Tiên Chu huyện Tiên Lữ, lúc đó ở tại nhà người câu đương họ đạo xã Thiết Nham tên Thuỷ, huyện Yên Dũng, và ở nhà người câu đương họ đạo xã Đông Bài tên Thanh, huyện Kim Hoa 25, tỉnh Bắc. Quan quân đến bao vây những xã kể trên, nhưng không bắt được đạo trưởng tên Lương, mà bắt được đạo trưởng Mai Văn Hiền 26, cũng gọi là Cụ Hiền. Theo lời khai của Mai Văn Hiền, các đạo trưởng Tây dương Thầy Minh đã đổi tên thành Trùm Kì, Thầy Tăng đổi thành Trùm Hai, Cụ Hiền đổi thành Trùm Hiền, Cụ Vọng đổi thành Trùm Vọng, ngày thường sống tại các xã Lục Thuỷ, Bùi Chu, Ninh Cường, Kiên Lao, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định 27.
Có lẽ những vụ việc nêu trên đã dẫn đến việc làm dưới đây được A. Launay thuật lại:
Vào đầu năm 1838, vua Minh Mạng gửi đi 40 cây thập giá mà chính nhà vua đã cho làm. Nhà vua gửi những thánh giá này tới cho tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh. Nhà vua gửi kèm mệnh lệnh đặt các cây thập giá ở các cổng thành nhằm buộc các Kitô hữu dẫm lên trên 28.
Khoảng tháng 5 đến tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19, 1838, ĐNTL ghi chép thêm về đạo trưởng Đặng Đình Viên như sau:
Trả lại nguyên hàm Tuần phủ Hưng Yên cho Hà Thúc Lương. Triệu Thị lang Hình bộ quyền hộ tuần phủ quan phòng là Doãn Uẩn về kinh nhận chức. Trước đây tỉnh Nam Định phát ra cái việc đạo trưởng Gia Tô là Đặng Đình Viên người tỉnh Hưng Yên gửi thư riêng cho nhau. Thúc Lương phải giáng làm tứ phẩm đạo viên, cho hạn ngặt bắt phải bắt kẻ phạm tội, đến nay Thúc Lương thân đem biền binh đến huyện hạt Yên Dũng tỉnh Bắc Ninh bắt được Đình Viên đem về. Việc ấy tâu lên. Vua khen ngợi, nên có lệnh ấy, lại thưởng chung cho biền binh đi chuyến ấy và người do thám tiền 400 quan, Đặng Đình Viên phải giết. Lại nghĩ 2 tỉnh Định - Yên không có việc gì, rút biền binh Thanh Nghệ phái đi trấn áp trước trở về hàng ngũ 29.
Vụ án sáu bức thư liên quan đến Tổng đốc Định – Yên Trịnh Quang Khanh đã dẫn đến việc lùng bắt các thừa sai ngoại quốc ở khắp nơi trong nước và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án tử đạo.