Sơ Lược
Từ những thời tiên khởi, Kitô Hữu hiểu Kinh Thánh là lời sống động của Thiên Chúa. Trong những hoàn cảnh mới, họ thấy rằng những câu chuyện và những giảng dạy của Kinh Thánh thì không chỉ được nhắm đến độc giả nguyên thủy, người nghe Kinh Thánh đầu tiên, nhưng còn cho họ. Đôi khi họ giải thích Kinh Thánh, đôi khi họ áp dụng Kinh Thánh vào đời sống, và đôi khi họ dùng Kinh Thánh như một phương tiện để hiểu được những gì đang xảy ra cho họ.
Chúng ta dùng Kinh Thánh trong cộng đồng đức tin ngày nay theo một truyền thống mà nó đi ngược về thuở ban đầu. Chúng ta làm như thế không để học hỏi các bài lịch sử trong quá khứ, nhưng để hiểu được ý định của Thiên Chúa ngay bây giờ, trong đời sống của chính chúng ta.
Nếu chúng ta vội vàng đi ngay vào một chuỗi nghiên cứu qua việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh hiện nay, chúng ta sẽ gặp nguy cơ là đưa việc nghiên cứu Kinh Thánh vào bối cảnh sai lầm. Các dụng cụ để nghiên cứu Kinh Thánh thì đầy dẫy, và chúng ta sẽ tìm hiểu giá trị của chúng vào đúng lúc. Nhưng có một sự khác biệt giữa việc nghiên cứu Kinh Thánh như để theo đuổi học thuật và sử dụng nó trong cộng đồng đức tin.
Vì thế, trước khi giới thiệu thêm các dụng cụ học thuật và kinh viện, chúng ta hãy thử cảm nhận về các cộng đồng đức tin mà họ đã viết ra các sách Cựu và Tân Ước, đã sử dụng truyền thống và Kinh Thánh như thế nào trong thời đó để Thiên Chúa nói với họ trong đời sống. Mục đích của chúng ta là có một thế đứng trực tiếp liên tục với các bậc tiền bối khi chúng ta tìm cách dẫn giải Kinh Thánh.
Trong ba thí dụ sau, chúng ta sẽ thấy các văn gia Kinh Thánh dùng công trình của người đi trước và áp dụng chúng vào hoàn cảnh mới như thế nào trong đời sống của chính họ. Nhờ xem xét việc họ làm, chúng ta sẽ có được một cảm nhận về các đường lối mà trong đó họ tìm cách hiểu biết những gì Thiên Chúa đang thi hành ở giữa họ. Khi kết thúc sự học hỏi này, chúng ta sẽ rút ra một vài hiểu biết sâu sắc để có thể hướng dẫn phần còn lại của việc học hỏi.
Thí dụ thứ nhất về cách sử dụng truyền thống của Giáo Hội tiên khởi được lấy từ các Phúc Âm nhất lãm (Mátthêu, Máccô và Luca). Chúng ta sẽ so sánh việc sử dụng cùng một bản văn trong các Phúc Âm này, cố để tìm hiểu xem mỗi cuốn sử dụng câu chuyện của Đức Giêsu theo một đường lối như thế nào để đề cập đến các nhu cầu đặc biệt của một cộng đồng mà sách được viết cho cộng đồng ấy. Hãy đọc kỹ sự so sánh sau:
Máccô 2:22 | Mátthêu 9:17 | Luca 5:37-39 |
---|---|---|
Và không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu không, rượu sẽ làm nứt bầu, và rượu thì mất mà bầu cũng hư; nhưng người ta đổ rượu mới vào bầu da mới. | Rượu mới cũng không được đổ vào bầu da cũ; nếu không, bầu bị nứt, và rượu thì trào ra, và bầu bị phá hủy; nhưng rượu mới thì được đổ vào bầu da mới, và như thế cả hai được duy trì. | 37 Và không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu không, rượu mới sẽ làm nứt bầu và sẽ bị trào ra, và bầu sẽ bị phá hủy. 38 Nhưng rượu mới phải được đổ vào bầu da mới. 39 Và không ai sau khi uống rượu cũ lại muốn rượu mới, nhưng nói, “Rượu cũ thì ngon.” |
Để làm nền cho sự thảo luận, hãy nhận xét rằng Máccô là phúc âm ngắn nhất trong ba Phúc Âm. Đây là một trong vài lý do nhiều học giả nghĩ rằng phúc âm Máccô được viết đầu tiên. Người ta không chắc là Mátthêu và Luca có được một bản sao của Máccô, nhưng trong sự học hỏi chúng ta sẽ chấp nhận sự thừa nhận này. Khi chúng ta quan sát những thay đổi trong các bản văn song song ở trên, chúng ta sẽ có được sự hiểu biết sâu sắc về việc mỗi một “cộng đồng Phúc Âm” trong ba cộng đồng hiểu thế nào về các truyền thống nhận được.
Chủ đề thảo luận trong từng bản văn là rượu mới của Phúc Âm. Giống như rượu mới và vẫn còn lên men, sự bành trướng của Phúc Âm đe dọa các cơ cấu và kiểu cách suy nghĩ cũ. Nó như thể Đức Giêsu nhìn thấy tác vụ của mình như ghi dấu một đứt đoạn quan trọng đối với lối sống hiện thời của người Ít-ra-en. Bản văn Máccô 2:22 phát biểu điều đó cách rõ ràng và thẳng thắn, theo kiểu điển hình của Máccô.
Tuy nhiên, việc xem xét kỹ bản văn của Mátthêu cho thấy có một sự thêm vào bản văn Máccô cách rõ rệt. Mátthêu thêm những chữ: và như thế cả hai được duy trì.
“Cả hai” ở đây ám chỉ rượu cũ là di sản của Ít-ra-en và rượu mới Phúc Âm. Mátthêu xuất phát từ lý lịch của một Kitô Hữu gốc Do Thái và ông lo rằng những hàm ý của Phúc Âm có thể tạo ra một kiểu cách mà nó sẽ làm di sản Do Thái yêu quý của ông rơi vào quên lãng. Thật vậy, bởi vì sự lưu tâm này về việc duy trì tuyền thống Do Thái được thấy hiển nhiên trong Phúc Âm Mátthêu, dường như nó được viết cho một cộng đồng Kitô Hữu gốc Do Thái, trong đó sự hiện diện ngày càng đông của Dân Ngoại tòng giáo thì không an tâm và có thể gây ra sự tranh luận công khai. Thí dụ, điểm đáng chú ý là chỉ có Mátthêu mới tường thuật Đức Giêsu nói rằng: Đừng nghĩ rằng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn (5:17).
Một thắc mắc trở nên vấn đề lớn trong nhiều cộng đồng Kitô Hữu tiên khởi (chúng ta thấy điều đó rất thường trong sách Công Vụ và các thư của Phaolô) là vấn đề tuân giữ luật Do Thái. Điều đó có buộc Kitô Hữu không? Tất cả Kitô Hữu hay sao? Hay chỉ những người gốc Do Thái? Giữa sự căng thẳng như thế, Mátthêu muốn trấn an độc giả Kitô Hữu gốc Do Thái rằng Đức Giêsu không có ý định tiêu hủy truyền thống cũ. Vì thế có câu: “… và như thế cả hai được duy trì.” Điều Mátthêu thực hiện là nói rõ hàm ý của rượu và bầu đựng rượu trong một lối trực tiếp đề cập đến nhu cầu của nhóm mà Phúc Âm được viết cho họ.
Khi quay sang cách sử dụng bản văn này của Luca, chúng ta thấy câu này được viết lại một cách kinh ngạc, gần như bỡn cợt. Luca thêm vào những chữ: Và không ai sau khi uống rượu cũ lại muốn rượu mới, nhưng nói, “Rượu cũ thì ngon.”
Ở đây, lúc đầu điều không rõ là có phải rượu cũ được ca ngợi hay không. Tuy nhiên, vì nhận xét này trực tiếp trái với ý định của lời Chúa Giêsu nói, dường như rất có thể câu “ưa thích rượu cũ” là một giải thích của Luca về sự thiếu sót của Phúc Âm Kitô Giáo trong những người Do Thái. Phúc Âm Luca dường như trực tiếp nhắm đến độc giả Dân Ngoại, và ông giải thích cho Dân Ngoại biết tại sao người Do Thái tẩy chay Đức Kitô, đó là vì họ yêu thích truyền thống cũ (rượu cũ). Như thế câu thêm vào của Luca là một loại nhận xét được xen vào để giải thích câu nói của Đức Giêsu cho cộng đồng đặc biệt này.
GHI CHÚ
Hai bản Tân Ước viết tay xưa nhất bằng tiếng Hy Lạp thì không có câu 39. Có phải nó được thêm vào sau này chứ không có từ nguyên thủy? Hoặc sau này các luật sĩ lấy câu ấy đi vì khó hiểu? Không may, chúng ta không được biết.
Điều dạy chúng ta từ sự nghiên cứu nhỏ bé này là cách sáng tạo mà các văn gia Phúc Âm sửa đổi và giải thích truyền thống về Đức Giêsu để đáp ứng với các nhu cầu của cộng đồng đức tin của họ. Như chúng ta sẽ thấy trong các học hỏi về sau, họ thường làm như thế với sự tự do thật kinh ngạc. Tuy nhiên họ làm như vậy vì tin rằng những lời của Đức Giêsu có thể được dùng để nói với các hoàn cảnh mới trong chính đời sống của họ.
Ngay cả Máccô, theo cách ông kết hợp tài liệu truyền thống, ông là một người dẫn giải về câu chuyện của Đức Giêsu. Mátthêu và Luca, với tài liệu thêm vào, họ đã đi xa hơn, và chúng ta có thể thấy rõ họ giúp cộng đồng của họ hiểu được thông điệp của Đức Giêsu và cách áp dụng thông điệp ấy vào đời sống như thế nào.
ĐIỂM ĐÁNG GHI NHẬN
Điều quan trọng là hiểu rằng ở mỗi giai đoạn trong việc sử dụng truyền thống, các người dẫn giải thừa nhận rằng những lời của Đức Giêsu có thể nói lên lời của Thiên Chúa bằng cách khác.