Thí dụ thứ hai của chúng ta về việc sử dụng truyền thống trong đời sống của cộng đồng đức tin thì theo thứ tự khác nhau một chút. Nó liên quan đến việc đưa ra sự bào chữa để sử dụng một trong Mười Điều Răn trong đời sống của dân Ít-ra-en. Như chúng ta sẽ thấy, các bối cảnh khác nhau trong đời sống của cộng đồng tạo ra những lý do khác biệt để tuân giữ các điều răn.
Xuất Hành 20:8-11 | Thứ Luật 5:12-15 |
---|---|
Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh. | Ngươi hãy giữ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát. |
Trước hết chúng ta hãy nhìn đến điều răn thứ tư trong sách Xuất Hành. Điều ích lợi cho chúng ta ở đây đó là lý do tuân giữ giới răn này. Như chúng ta thấy từ các chữ nghiêng và đậm ở trên, chính vì Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy nên người Ít-ra-en cũng phải làm như thế. Nhìn sơ vào câu chuyện tạo dựng trong sách Sáng Thế (St 1:1 - 2:4a) giúp chúng ta thấy rõ. Trong đó được tuyên bố rằng sau khi Thiên Chúa đã chấm dứt việc tạo dựng, Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, và rồi… “Thiên Chúa chúc phúc cho ngày thứ bảy và thánh hóa nó” (2:3). Dĩ nhiên, trong nhiều thế kỷ lịch sử Do Thái, ngày Sabát trở nên một sự thiết lập quan trọng. Ngay cả việc “nghỉ ngơi” ngày Sabát cũng được dùng như một ẩn dụ về đời sống vĩnh cửu trong Tân Ước, ở đây vấn đề lại được đưa về câu chuyện tạo dựng trong Sáng Thế (Dt 4:4).
Điểm quan trọng ở đây là Mười Điều Răn trong sách Xuất Hành có lẽ mang hình thức hiện thời là vì kết quả của việc sử dụng trong các lễ canh tân giao ước hàng năm của người Ít-ra-en xưa. Khi lễ canh tân giao ước được cử hành năm này sang năm khác, các tư tế của Ít-ra-en nhìn thấy sự biện minh cho ngày Sabát trong chính thứ tự tạo dựng. (Như chúng ta sẽ thấy trong chương tới, tường thuật tạo dựng ngày thứ nhất trong sách Sáng Thế trong hình thức hiện thời thì thường được coi là công việc của các tư tế Ít-ra-en). Chúng ta có thể để các học giả suy nghĩ chi tiết về tường thuật nào, Mười Điều Răn hay câu chuyện tạo dựng, thì có ảnh hưởng nhiều đến cái kia. Nhưng điều chúng ta có thể thấy rõ là các biên tập viên sách Xuất Hành về điều răn thứ tư này đã nhìn thấy sự quan trọng cả thể trong việc tuân giữ ngày Sabát.
Nhìn sơ đến điều răn thứ tư trong Thứ Luật cho thấy hai thay đổi quan trọng. Thứ nhất là lý do được đưa ra vì giá trị các điều răn trong đời sống Ít-ra-en (coi phần chữ nghiêng, đậm ở trên). Chính vì người Ít-ra-en đã từng là nô lệ trong đất Ai Cập và vì thế họ biết rõ làm việc bảy ngày một tuần không nghỉ thì như thế nào mà điều răn này được ban cho. Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi tình trạng nô lệ khủng khiếp đó: vì thế họ phải tuân giữ ngày thứ bảy và giữ nó thánh thiện.
Sự thay đổi quan trọng thứ hai có thể thấy từ lý do nói chung về việc tuân giữ giới răn này (để ý những chữ gạch dưới). Vì từng là nô lệ, từng biết thế nào là bị bóc lột, người Ít-ra-en được nhắc nhở lần thứ hai rằng đừng bóc lột các tôi nam tớ nữ của họ. Ngày Sabát là ngày nghỉ ngơi cho mọi người, ngay cả thú vật!
Bản văn về điều răn này trong Thứ Luật thì không được lấy từ các nghi lễ canh tân giao ước. Không giống như bản văn sách Xuất Hành, nó được các tư tế và Lêvi dùng trong việc dạy giáo lý ở các thành phố và làng mạc trong nước. Nó được sử dụng như một dụng cụ dạy bảo, có lẽ liên quan đến việc dạy các thế hệ mới về câu chuyện giải thoát dân Ít-ra-en từ Ai Cập, đem cho giới răn này sự liên đới độc đáo và lý do hiện hữu.
Điều mới mẻ trong sự học hỏi thứ hai này là ngụ ý rằng những hoàn cảnh khác nhau thường dẫn đến sự hiểu biết khác nhau về lý do và kiểu cách Kinh Thánh liên quan đến đời sống của dân Chúa.
ĐIỂM CHỦ YẾU
Những giải thích khác nhau trong Xuất Hành và Thứ Luật giúp độc giả nhìn điều răn này trong sự quan hệ đến cảm nghiệm đời sống riêng và vì thế họ hiểu rằng nó không được gửi cho ai khác, nhưng cho chính họ.
Một trong những khó khăn các Kitô Hữu tiên khởi phải đối diện là thái độ thù nghịch của người Do Thái và cả người La Mã. Hơn nữa, ngay từ ban đầu, thái độ thù nghịch đó đe dọa sự lan tràn của Phúc Âm. Trong bản văn chúng ta chọn cho sự học hỏi thứ ba, ông Phêrô và Gioan vừa được thả khỏi tù. Sự bắt giữ hai ông là vì họ chữa lành một người què từ bẩm sinh và bởi một bài giảng sau đó của ông Phêrô mà vì đó giới thẩm quyền Do Thái tấn công. Hãy ngưng ở đây để đọc Công Vụ 3:1 – 4:22 để hiểu bối cảnh của câu chuyện này. Sau đó đọc tiếp đến 4:23-31. Khi hai người môn đệ này được thả ra, họ bị cảnh cáo là đừng tiếp tục nói đến hay giảng dạy về danh Giêsu. Sự căng thẳng trong câu chuyện này thì hiển nhiên khi trở lại với các bạn, họ hăng hái chia sẻ các thông tin của họ.
Trước hết hãy nhận xét rằng họ tường thuật cho các bạn Kitô Hữu tất cả những gì đã xảy ra (c. 23). Họ kể câu chuyện của chính họ. Điều chúng ta thấy sau đó không lâu, khi nghe biết về câu chuyện này thì cộng đồng đã dùng Kinh Thánh để diễn tả câu chuyện theo một phương cách có thể được coi là một phần trong hoạt động liên tục của Thiên Chúa – không như một tai họa bất ngờ và không thể vượt qua có ảnh hưởng đến niềm tin rằng vương quốc Thiên Chúa đã đến. Thiên Chúa hoạt động ngay cả giữa sự bách hại này. Điều chúng ta sẽ thấy trong đoạn Công Vụ này, thì, không phải cộng đồng giải thích Kinh Thánh, nhưng cộng đồng dùng Kinh Thánh để giải thích chính nó.
Sau khi nghe các môn đệ báo cáo thái độ thù nghịch ấy, điều đầu tiên nhóm này thi hành là cầu nguyện. Lời cầu nguyện của họ là một cắt dán những câu trích từ Cựu Ước một cách thật ngạc nhiên. Nó bắt đầu với những lời, “Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó…” (c. 24). Những lời này được trực tiếp trích từ Tv 146:6, một Thánh Vịnh mà truyền thống Do Thái đặt nó ở đầu một sưu tập năm Thánh Vịnh alleluia (146 – 150) được dùng trong sự hân hoan thờ phượng trong đền Giêrusalem. Tuy nhiên, trong các Thánh Vịnh chúc tụng này, TV 146 là một lựa chọn kinh ngạc. Lời chúc tụng Thiên Chúa của nó thì độc đáo trong sưu tập alleluia, vì nó vinh danh Thiên Chúa đã trung thành với người bị áp bức, đói khát, tù đầy, đui mù, lữ khách, quả phụ và cô nhi – là loại người đã làm thành cộng đồng Kitô Giáo bị bao vây trong Công Vụ 4. Các Kitô Hữu tiên khởi này hiển nhiên không chỉ biết rõ các thánh vịnh, nhưng họ còn hiểu rằng chính Thiên Chúa đã chăm sóc nhu cầu sâu xa của người Ít-ra-en thời xưa thì cũng trung thành chăm sóc họ. Hơn nữa, điều quan trọng nhất cho mục đích của chúng ta là thấy được làm thế nào một biến cố trong đời sống lại gợi ra ký ức về Kinh Thánh.
Việc sử dụng Kinh Thánh kế tiếp trong lời cầu nguyện của cộng đồng thì lại càng ngạc nhiên hơn nữa. Trong các câu 25-26 nhóm này đã trích Thánh Vịnh 2:1-2. Thánh Vịnh này nguyên thủy đề cập đến một vua nhà Đavít của người Ít-ra-en xưa chống với các người cai trị. Không có lời biện giải trong Công Vụ vì đã lấy Thánh Vịnh ra khỏi bối cảnh nguyên thủy và áp dụng vào một hoàn cảnh mới. Thật vậy, nhóm này đã không thực sự “diễn tả” Thánh Vịnh một chút nào. Điều họ làm, một lần nữa, là sử dụng nó để diễn tả chính họ và những gì đang xảy ra trong cộng đồng của họ vào lúc ấy.
Họ đã làm như vậy bởi trước hết họ dùng Thánh Vịnh 2 để diễn tả cảm nghiệm của Đức Giêsu: Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa và chống lại Đấng Mêsia (Cv 4:26).
Thánh Vịnh này được cộng đồng sử dụng là vì chữ “Mêsia” (có nghĩa “Christ” [Kitô = người được xức dầu] trong tiếng Hy Lạp). Chữ Mêsia có thể dễ dàng áp dụng cho Đức Giêsu (chữ này được dùng năm lần khác trong Tân Ước). Nguyên thủy Thánh Vịnh này được dùng vào lúc một vị vua mới lên ngôi Ít-ra-en, và như thế ngay từ đầu nó không có ý định nói về đấng mêsia, điều đó không có nghĩa là không thể được dùng để giải thích một hoàn cảnh mới. Sự giải thích hiện thời về Thánh Vịnh này sẽ đòi hỏi phải chú ý đến ý định và ý nghĩa nguyên thủy của nó. Nhưng chính là Đức Giêsu, không phải Kinh Thánh, cần sự giải thích vào lúc đó.
Điều ngạc nhiên nhất là sự kiện rằng nhóm này tiếp tục dùng bản văn của Thánh Vịnh 2 để giải thích những gì đang xảy ra cho họ. Không phải Đức Giêsu, nhưng chính họ! Sự thù nghịch đã từng chống với các vua của Ít-ra-en, và sau đó chống với Đức Giêsu, Đấng Xức Dầu của Thiên Chúa, bây giờ trực tiếp chống với Giáo Hội. Cảm nghiệm mới này giúp cộng đồng hiểu về chính mình nhờ cả hai cảm nghiệm, của Đức Giêsu và của các vua Ít-ra-en xưa.
Ở đây chúng ta phải thận trọng đừng giả sử rằng các văn gia Thánh Vịnh 2, bằng cách nào đó, đã đoán trước được thái độ thù nghịch đối với Đức Giêsu hoặc điều được cảm nghiệm bởi ông Phêrô và Gioan. Đúng hơn, các Kitô Hữu tiên khởi đã tìm thấy những lời của vịnh gia giúp họ giải thích được những gì đang xảy ra trong cuộc đời của họ. Các câu chuyện của chính họ được đan quyện với Kinh Thánh, rút ra từ nhiều nơi chốn và được xen kẽ trong các phương cách mới, sáng tạo mà nó giúp họ hiểu được cảm nghiệm đang trải qua.
Nếu họ giải thích Kinh Thánh, chúng ta sẽ phải lo rằng họ dùng những chữ xưa ngoài bối cảnh. Nhưng họ không giải thích Kinh Thánh. Thay vào đó, họ tìm cách hiểu những gì Thiên Chúa đang làm trong thời của họ. Kết luận họ rút ra là Thiên Chúa, đấng đã giúp người bị áp bức, đấng cũng đã làm như thế trong thời lưu đày của Ít-ra-en, đấng đã xức dầu các vua ngày xưa và Đức Chúa mới của Giáo Hội, cũng sẽ trung thành với các môn đệ đang bị đe dọa này, họ can đảm lên tiếng trong danh của Thiên Chúa. Để Kinh Thánh giải thích cảm nghiệm của chính họ thì rõ ràng cho thấy điều đó.
Trong các hoàn cảnh rất khác nhau, các cộng đồng dân Chúa đã thích ứng Kinh Thánh trong ba phương cách khác nhau, nhưng luôn luôn để Kinh Thánh nói lên các nhu cầu đặc biệt trong nhóm. Đôi khi, như với Máccô, điều cần thiết thì đơn giản kể lại câu chuyện. Các độc giả sẽ hiểu. Vào lúc khác, cần phải giải thích truyền thống cho độc giả hoặc rút ra những ứng dụng mà nó trực tiếp nói lên nhu cầu của họ. Chúng ta thấy điều đó trong Mátthêu và Luca. Vào những lúc khác nữa, như trong Xuất Hành và Thứ Luật, cần phải nói rõ tại sao Kinh Thánh thì quan trọng, nó liên hệ thế nào đến cảm nghiệm sống thực của người dân, và quan trọng nhất, nó đòi hỏi phải liên tục được làm như mới. Trái với các phương cách tiếp cận Kinh Thánh này, trong Công Vụ chúng ta thấy toàn thể tiến trình bị đảo ngược. Thay vì giải thích Kinh Thánh, cộng đồng này dùng Kinh Thánh để giải thích chính mình.
Dĩ nhiên, điều quan trọng là nhận biết rằng đây không chỉ là các cách người Ít-ra-en và Kitô Hữu tiên khởi dùng Kinh Thánh. Có nhiều cách khác được sử dụng và đưa vào đời sống. Như thế, những nghiên cứu ngắn ngủi của chúng ta chỉ mới chạm đến bề mặt của vấn đề này.
HAI KẾT LUẬN QUAN TRỌNG