Sơ Lược
Phương cách tác giả kết cấu một bản văn có thể nói với chúng ta rất nhiều điều về mục đích và ý định của họ. Câu chuyện có các tình tiết phải được theo dõi để thấy điểm chính. Các bài thơ thường có khuôn khổ và nhịp điệu để truyền đạt cảm xúc đến người đọc.
Nhiều tác giả Kinh Thánh dùng cấu trúc để chuyển đạt hay củng cố những thông điệp mà họ muốn diễn tả. Không ai khéo léo hơn Mátthêu. Các cấu trúc rập khuôn và những lập lại thì đầy dẫy trong Phúc Âm của ông. Ngay cả ông xếp đặt Phúc Âm của ông theo một đường lối như thể đó là một bộ luật Tôra mới, được ban ra bởi Đức Giêsu, một Môsê mới và vĩ đại hơn.
Một trong những điều đầu tiên một họa sĩ phải thi hành khi bắt đầu vẽ một bức tranh là hình dung ra cấu trúc hay kiểu cách cho công trình mong đợi. Đó là vì sự mỹ miều của một tấm tranh được tỏ lộ không chỉ qua đường nét và mầu sắc nhưng còn ở vị trí của các yếu tố sáng tạo mà nó định hình cho bức tranh.
Bức họa nổi tiếng của Michelangelo về sự dựng nên ông A Dong trên trần của Nguyện Đường Sistine là một minh họa tuyệt hảo. Trong tranh này, nghệ nhân diễn tả giây phút Thiên Chúa đem sự sống cho một tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Cánh tay vươn dài của Thiên Chúa chạm đến đầu ngón tay của A Dong, hành động ban sự sống trong một giây phút sáng tạo vừa phi thường vừa bí ẩn.
Điểm quan trọng để hiểu bức tranh này là cách nghệ nhân kết cấu sự tương quan giữa hai nhân vật chính: A Dong và Thiên Chúa. Đôi mắt của A Dong nhìn thẳng đến nhân vật uy nghi là Thiên Chúa – đây cũng chính là điều Michelangelo muốn khán giả chú ý đến. Đôi mắt của Thiên Chúa, ngược lại, tập trung đến sự va chạm của các ngón tay vào giây phút tạo dựng, trong đó quyền ban sự sống của Thiên Chúa được truyền đến nhân loại. Thật tự nhiên, trước hết, mắt của chúng ta nhìn đến A Dong, nhưng cấu trúc của bức tranh dẫn chúng ta đến Thiên Chúa, và sau cùng, đến điểm chính của toàn thể bức tranh là giây phút tạo dựng thật bàng hoàng kính sợ.
Dĩ nhiên cấu trúc không chỉ là dụng cụ của họa sĩ nhưng còn có nghệ thuật văn hóa nữa. Các câu chuyện có tình tiết, nhân vật, và đối thoại. Chúng có kết luận, thường được bất ngờ xếp đặt một cách nghệ thuật qua các tình tiết. Các bài thơ thường có khuôn khổ và dùng nhịp điệu để chuyển tải một cảm xúc độc đáo. Cách cấu trúc có thể dẫn chúng ta đến một cực điểm hay giúp chúng ta nhận ra những ý nghĩa chính. Một yếu tố trong bản văn thì cũng quan trọng như một công trình nghệ thuật.
Trong khi hầu hết văn sĩ phần nào ý thức đến cấu trúc của sáng tác, không ai để ý đến điều này nhiều hơn tác giả Phúc Âm Mátthêu. Trong các tác giả Kinh Thánh, ông dùng cấu trúc với một nghệ thuật độc đáo và vì thế đem cho chúng ta một cái nhìn về cách cấu trúc được sử dụng để có thể làm gia tăng hay chuyển tải ý nghĩa. Phúc Âm của ông là một lựa chọn lý tưởng cho chúng ta nghiên cứu.
Khi chúng ta nhìn đến cách Mátthêu thận trọng xếp đặt tài liệu của ông, tốt nhất là bắt đầu với hình ảnh rộng lớn hơn và từ từ đi đến những đơn vị nhỏ hơn đã bao gồm nó. Vì thế, trước hết chúng ta sẽ nhìn đến cấu trúc tổng quát của Phúc Âm Mátthêu, sau đó tiết đoạn của Mátthêu mà trong đó có bản văn chúng ta muốn nghiên cứu và các đoạn văn được sáng tác, và sau cùng, nhìn đến khuôn mẫu của từng câu trong đoạn này.
Ngay cả một độc giả bình thường của Phúc Âm Mátthêu cũng phải ngạc nhiên bởi xu hướng cấu trúc của tác giả. Phả hệ của Đức Giêsu trong chương 1 được chia gọn thành ba phần 14 tên, cho thấy sự khác biệt đáng kể so với phả hệ trong Luca 3:23 và sau đó. Ông thu thập các dụ ngôn trong một chương (13) và đặt toàn thể những chuỗi lời nói về các luật sĩ và Biệt Phái trong một chương khác (23). Đầy những lập đi lập lại các câu và khuôn mẫu các đoạn văn.
Một trong những khuôn mẫu cấu trúc kinh ngạc trong Mátthêu là việc ông xếp đặt thân bài chính thành năm “cuốn sách”, mỗi cuốn kết thúc với một công thức tuyên bố cho thấy Đức Giêsu đã “chấm dứt” một sưu tập các lời nói. Hãy để ý rằng trước cơ cấu năm phần này, Mátthêu đưa vào tường thuật về sự sinh hạ của Đức Giêsu, sau đó tiếp theo là những câu chuyện về sự chết và sự phục sinh. Do đó, nói chung, sách này có bảy phần (dấu hiệu trọn vẹn hay tuyệt hảo của người Do Thái).
Trong thân bài chính của sách, mỗi một đoạn trong năm đoạn giảng dạy thì được đi trước bởi một phần tường thuật, diễn tả những gì Đức Giêsu đã làm. Như thế hành động xen kẽ với giảng dạy trong một khuôn mẫu cơ cấu được thận trọng xếp đặt. Nói cách khác, cấu trúc được dùng ở đây để nhấn mạnh đến một trong những chủ đề được Mátthêu ưa thích: những lời cần phải thể hiện bằng hành động cũng như được lắng nghe.
Cấu Trúc của Mátthêu | Công Thức Kết Thúc | ||
Mở Đầu | 1:1 - 2:23 | Tường thuật sinh hạ | |
CUỐN I | 3:1 – 4:25 5:1 – 7:28 |
Mở đầu sứ vụ Bài giảng trên núi |
7:28 |
CUỐN II | 8:1 – 9:34 9:35 – 11:1 |
Những việc lạ lùng của Đức Giêsu Các bài thuyết giáo |
11:1 |
CUỐN III | 11:2 – 12:50 13:1-58 |
Sự tẩy chay Đức Giêsu Các dụ ngôn về vương quốc |
13:53 |
CUỐN IV | 14:1 – 17:27 18:1 – 19:2 |
Thành lập cộng đồng mới Các quy luật của cộng đồng này |
19:1 |
CUỐN V | 19:3 – 23:39 24:1 – 25:46 |
Hành trình lên Giêrusalem Những giảng dạy về ngày tận thế |
26:1 |
Kết Thúc | 26:1 – 28:20 | Tường thuật về sự thống khổ và phục sinh |
Hãy nghĩ về một Phúc Âm được chia thành năm cuốn. Chúng ta thấy điều đó ở đâu trong Kinh Thánh? Có năm cuốn của Môsê trong Tôra – các sách Lề Luật. Đây là điều quan trọng vì Mátthêu là Phúc Âm duy nhất mà trong đó Đức Giêsu lập lại những mệnh lệnh trong Tôra: “Môsê nói với các người ngày xưa… nhưng tôi nói với các ông…” Phúc Âm Mátthêu là cuốn duy nhất mà Đức Giêsu, cũng như Môsê, được cứu thoát khỏi tay người cai trị độc ác đe dọa giết mọi con trai sơ sinh. Cũng như Môsê, Đức Giêsu “ra khỏi Ai Cập” (2:15) khi gia đình của Người trở về. Chỉ trong Mátthêu, Đức Giêsu mới nói, “Đừng nghĩ tôi đến để xóa bỏ lề luật hay lời ngôn sứ; tôi đến không để xóa bỏ nhưng để chu toàn” (5:17). Và Môsê lấy các điều răn ở đâu? Trên một ngọn núi. Mátthêu cũng mở đầu năm cuốn của ông với Đức Giêsu ở trên một ngọn núi (5:1). Nói cách khác, hiển nhiên là Mátthêu coi Đức Giêsu như một Môsê mới và vĩ đại hơn, là người đem đến một giảng dạy mới, một Tôra mới, cho các môn đệ. Chúng ta biết được điều đó bởi thận trọng quan sát cách Mátthêu kết cấu Phúc Âm của ông.
Với cấu trúc tổng quát của Mátthêu trong đầu, bây giờ chúng ta sẵn sàng tiếp tục và tìm hiểu khuôn mẫu của một bản văn. Từ biểu đồ ở trên, bạn sẽ nhìn thấy bản văn chúng ta chọn là từ phần giảng dạy trong Cuốn I. Phần này thường được gọi là Bài Giảng Trên Núi. Nhờ sự phân tích cấu trúc, ngay từ đầu chúng ta biết bản văn này là từ một sưu tập những giảng dạy của Đức Giêsu mà Mátthêu xếp hạng quan trọng nhất. Phần mở đầu của nó (Các Phúc Thật, 5:1-12) là một tuyên bố được kết cấu về các giá trị mới của vương quốc mà Đức Giêsu đang công bố, trong khi kết luận của dụ ngôn (7:24-27) là một cảnh giác về việc “thi hành” lời cũng như “nghe” lời.
Tìm kiếm những manh mối từ cách kết cấu một đoạn văn thì phần lớn là vấn đề vạch ra các yếu tố chính. Trong hình thức phác họa, các khuôn mẫu kết cấu thì được thấy dễ hơn. Vì chúng ta sẽ nhìn đến Mátthêu 6:1-18 cách chi tiết, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách phác họa sơ khởi cấu trúc của nó. Chính bạn hãy thử thi hành trong những hàng dưới đây. Trong phác họa đầu tiên này chúng ta sẽ chỉ làm việc ở mức độ là toàn thể các đoạn văn.
Phác Họa Mátthêu 6:1-18
Bạn tìm thấy gì? Hãy thử so sánh:
Mátthêu 6:1-18
Sự đạo đức mới | 6:1 |
---|---|
a. Cách bố thí | 6:2-4 |
b. Cách cầu nguyện | 6:5-6 |
c. Kinh Lạy Cha | 6:7-15 |
d. Cách ăn chay | 6:16-18 |
Thoáng nhìn vào sự phác họa ở trên, được xây dựng theo những khuôn mẫu lập lại trong các phần a, b, và d, hiển nhiên là phần c về kinh Lậy Cha thì không hợp với khuôn mẫu này. Điều này dường như làm cho kinh Lậy Cha là một đoạn độc lập nguyên thủy (hãy xem cách thiết lập rất khác trong Luca 11:1-4) mà Mátthêu chọn đưa vào đây vì dường như nó thích hợp khi thảo luận về cách cầu nguyện. Nguyên thủy, có ba phần của đoạn này có lẽ được luân lưu mà không bao gồm kinh Lậy Cha. Như bạn có thể thấy, nếu chúng ta lấy kinh này đi, kết quả là một chuỗi hướng dẫn về sự đạo đức, mỗi phần của nó cho thấy khuôn mẫu cấu trúc giống nhau.
Hãy nhìn kỹ đến ba phần giống nhau a, b, và d. Hãy để ý rằng chúng đối phó với ba trụ cột đạo đức vĩ đại của người Ít-ra-en: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Điều đó quan trọng, và một cái nhìn thoáng đến Mátthêu 5:20 có thể giúp chúng ta hiểu tại sao Mátthêu lại chọn sưu tầm các lời nhận xét của Đức Giêsu về các điều này trong một phương cách đặc biệt. Đây là điều Đức Giêsu nói trong 5:20:
Vì tôi nói cho anh em biết, nếu sự công chính của anh em không hơn các luật sĩ và Biệt Phái, anh em sẽ không bao giờ vào được vương quốc trên trời.
Nhiều người chú giải thấy câu này được coi là đầu đề cho các đoạn tiếp theo của Bài Giảng Trên Núi. Được nhắc đến đầu tiên trong câu là các luật sĩ. Họ là các luật gia-thần học gia của đời sống người Ít-ra-en. Đoạn tiếp ngay sau, Mátthêu 5:21-48, đối phó với một loại tranh luận về luật pháp-thần học rằng các luật sĩ Giêrusalem được coi là thành phần đặc biệt. Hơn nữa, trong từng trường hợp thái độ của Đức Giêsu tương phản với quan điểm truyền thống của luật sĩ xuất phát từ Tôra của Môsê đầu tiên.
Tiếp theo câu trên (5:20) thì nhắc đến người Biệt Phái: những người đạo đức mà đối với họ việc thực hành đạo đức của người Ít-ra-en thì tối quan trọng. Như thế chúng ta không ngạc nhiên khi Mátthêu, trước hết thảo luận về các vấn đề luật sĩ, tiếp ngay sau là phần về vấn đề lề luật (5:21-28) với một điều mới (6:1-18) trong đó ông nhận xét về sự đạo đức của người Biệt Phái.
Một lần nữa, tác giả Phúc Âm đưa ra sự tương phản giữa sự chính trực cao hơn của vương quốc mới so với truyền thống cổ (của người Biệt Phái). Biểu đồ dưới đây sẽ giúp bạn hình dung cách Mátthêu xếp đặt phần này của Bài Giảng Trên Núi:
“… nếu sự chính trực của anh em không hơn …”
LUẬT SĨ | và | BIỆT PHÁI |
---|---|---|
Lề luật-thần học | Các hướng dẫn | |
Tranh luận | về Đạo Đức | |
5:21-48 | 6:1-18 |
Cho đến bây giờ, sự nghiên cứu của chúng ta về cấu trúc đã dạy chúng ta một vài điều. Bản văn (6:1-18) là một phần của Phúc Âm Mátthêu, trong đó ông yêu cầu các môn đệ của Đức Giêsu phải coi việc thi hành cũng quan trọng như lắng nghe. Các kiểu cách xưa của luật sĩ và Biệt Phái thì tương phản với những mong đợi mới cho những ai đi theo Đức Giêsu. Đơn độc trong đoạn này là ba nhiệm vụ tôn giáo quan trọng nhất của người Ít-ra-en đạo đức: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Cũng như Đức Giêsu đã vượt trên truyền thống lề luật-thần học trong thời của Người trong 5:21-48, thì ở đây Người đề cao việc vượt trên các thái độ đạo đức thông thường là đặc điểm của tôn giáo cũ.
Trước hết chúng ta chú trọng đến cấu trúc của toàn thể Phúc Âm Mátthêu. Sau đó chúng ta nhìn đến cấu trúc của một đoạn đặc biệt (6:1-18). Vì đã bắt đầu với một hình ảnh to lớn, bây giờ là lúc nhìn đến các chi tiết. Do đó, chúng ta sẽ chú trọng đến kiểu mẫu trong các câu mà Mátthêu đã viết. Để làm điều này, hãy thử thêm một phác họa nữa, lần này chú trọng đến cấu trúc của ba đoạn nhỏ hơn trong bản văn. Hãy viết ra sự phác họa của bạn về 6:2-4 vào bên dưới; sau đó chúng ta sẽ so sánh.
Phác Họa Mátthêu 6:2-4
Có lẽ đoạn này hơi khó hơn để diễn tả bằng các câu ngắn, nhưng nét đại cương thì rõ ràng. Bây giờ hãy so sánh phác họa của bạn về Mátthêu 6:2-4 với bản dưới đây:
Khi anh em bố thí (cầu nguyện, ăn chay)…
Một vài điều xuất hiện ngay lập tức từ phác họa trên. Thứ nhất, rõ ràng có sự tương phản giữa hai nửa này. Nửa thứ nhất là cảnh cáo, nửa thứ hai là một lời hứa. Nhìn kỹ đến hai đoạn khác của bản văn về cầu nguyện (6:5-6) và ăn chay (6:16-18) cho thấy cùng một cấu trúc. Trong cả hai trường hợp này đều có một cảnh cáo về việc thực hành phô trương, và mỗi một cảnh cáo được kèm theo bởi một lời hứa cho những ai đi theo Đức Giêsu.
Cũng hãy để ý đến tính cách nghệ thuật của các tương phản giữa từng câu trong đoạn a và câu đối chiếu của nó trong đoạn b. Cho đi cách công khai thì tương phản với cho đi cách kín đáo. Được thấy bởi người ta thì tương phản với được thấy bởi Thiên Chúa. Được thưởng (với uy danh và vinh dự) bởi người đời thì tương phản với việc được thưởng bởi Thiên Chúa. Phúc Âm Mátthêu dùng các tài liệu này trong một cấu trúc mà nó nhấn mạnh đến sự tương phản để giúp độc giả và thính giả hiểu được sự tương phản giữa lối sống cũ và mới. Như thế cách kết cấu củng cố thông điệp mà Phúc Âm truyền đạt.
HỌC HỎI TỪ CẤU TRÚC CỦA MÁTTHÊU
Từ sự nghiên cứu Mátthêu 6:1-18, điều hiển nhiên là tác giả của Phúc Âm này là một nghệ nhân thận trọng. Sự ưa thích cấu trúc của ông thì không đơn giản chỉ là yêu thích thứ tự. Đó là một dụng cụ để củng cố sự hiểu biết. Không phải mọi tác giả Kinh Thánh đều dùng cấu trúc với sự khéo léo như Mátthêu. Nhưng không nên ngạc nhiên rằng các khuôn khổ cấu trúc, khi chúng xuất hiện, có thể trợ giúp cách đáng kể cho bất cứ ai tìm cách hiểu được Kinh Thánh.
Một trong những khía cạnh hấp dẫn của việc nghiên cứu cấu trúc xuất hiện khi chúng ta nhớ lại là hầu hết Kinh Thánh được viết để đọc lớn tiếng. Ít người trong thế giới xưa có thể đọc và viết, vì thế nghe Kinh Thánh được đọc lớn trong cộng đồng là cách truy cập duy nhất với các tài liệu này. Thông thường toàn bộ những phần của bản văn được ủy thác cho trí nhớ là cách duy nhất để sở hữu vĩnh viễn. (Ngay cả đối với những người có thể đọc, bản văn viết thì rất đắt và rất hiếm).
Dĩ nhiên, cấu trúc giúp trí nhớ. Nếu bạn có thể chia điều gì đó thành “điểm một, hai và ba,” thì nó dễ nhớ hơn. Khuôn mẫu lập đi lập lại cũng trợ giúp. Có lẽ bạn đã nhận thấy người ta hay hát phần điệp khúc của một bài hát khi họ không thể nhớ hết các câu tiểu khúc.
Như thế, không ngạc nhiên là Giáo Hội thời tiên khởi tìm thấy Phúc Âm Mátthêu thì tuyệt vời để giảng dạy. Cấu trúc của nó, các khuôn mẫu dễ nhớ và việc lập lại của sách khiến nó trở nên hữu ích cho phần lớn những người muốn nhớ những gì họ được nghe, nhưng chính họ thì không biết đọc. Thật vậy, chính vì lý do này – sự hữu ích của nó trong Giáo Hội – mà Phúc Âm Mátthêu được đặt lên hàng đầu trong Tân Ước.