Sơ Lược
Điều rất quan trọng là đặt bản văn Kinh Thánh vào khung cảnh lịch sử mà từ đó chúng xuất phát. Như thế chúng ta có thể hiểu được những gì chúng muốn nói với người dân thời bấy giờ và tránh đưa vào các bản văn những thông điệp không có thật.
Bài thánh ca vĩ đại về sự sáng tạo trong sách Sáng Thế 1, một trong những bản văn quan trọng nhất trong tất cả Kinh Thánh, nói về sự siêu việt của Thiên Chúa khi đối diện với những toan tính của người Babylon khi họ cho rằng các thần thánh của dân tộc họ thì cao cả nhất. Khi bài thánh ca này được người Ít-ra-en hát lên, trong sự lưu đầy cay đắng ở Babylon, nó nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa là Chúa và Tạo Hóa của tất cả.
Khi Phúc Âm Luca (2:7) tường thuật về cha mẹ của Đức Giêsu không thể tìm thấy phòng trống trong “quán trọ” ở Bêlem, hầu hết người ở Hoa Kỳ không khó để mường tượng ra khung cảnh này. Chúng ta hình dung ra những khách sạn không còn chỗ trong những địa điểm thu hút du khách. Như thế, chúng ta cho rằng bà Maria và ông Giuse có lẽ đến Bêlem trễ nên phải chấp nhận những gì có thể tìm được.
Tuy nhiên, hình ảnh đó thì hoàn toàn không thích hợp và người Hoa Kỳ không thể hiểu. Họ không biết rằng Bêlem thời xưa không có khách sạn, việc giữ chỗ trước là một hiện tượng chưa từng có, quan trọng hơn, phòng trống trong bất cứ làng nào thì được dựa trên tình bà con hay giai cấp xã hội hơn là ai đến trước thì được. Không tìm thấy “chỗ” có nghĩa rằng ai đó đến Bêlem ngày hôm ấy thì có giai cấp cao hơn cha mẹ của Đức Giêsu và như thế họ được quyền lấy chỗ trống ấy.1
1. Chữ “quán trọ” được dịch từ tiếng Hy Lạp thực sự có nghĩa “gác lửng” (upper room), đó là, một phòng phụ trong căn nhà của ngôi làng mà khách có thể nghỉ ngơi ở đây.
Suy nghĩ một chút, bạn có thể thấy là một bản văn được viết trong thế giới Hy-La ở thế kỷ thứ nhất thì không thể hiểu theo cùng một cách như tài liệu ngày nay. Cũng vậy, một bản văn ở Giêrusalem thế kỷ thứ sáu trước Tây Lịch (TTL) thì không thể hiểu một cách chính xác như bản văn sáng tác ở Rôma năm 60. Với khoảng cách thời gian, lời lẽ thay đổi ý nghĩa, các ý niệm được hiểu khác đi, ngay cả những chữ đầy cảm xúc cũng có thể bị thay đổi tận gốc. Chúng ta đã thấy chữ “đồi” có một ý nghĩa đối với người Ít-ra-en xưa và nó lại thật khác với người trượt tuyết ở Oregon. Qua thời gian, ý nghĩa của chữ có thể thay đổi.
Các biến cố lịch sử cũng làm thay đổi thái độ. Thái độ của người Do Thái đối với người La Mã đã thay đổi đáng kể vào năm 63 TTL khi Pompey Đại Đế chinh phục Ít-ra-en và biến nó thành một tỉnh của La Mã. Cũng vậy, thái độ của người Hoa Kỳ đối với người Đức và Nhật ngày nay thật khác so với thập niên 1940. Nếu ai đó cách xa bây giờ một ngàn năm và đọc văn chương của Hoa Kỳ thế kỷ hai mươi, điều quan trọng là phải biết bản văn ấy được viết trước hay sau Thế Chiến II. Như thế, thời điểm và nơi chốn lịch sử là nền tảng quan trọng cho bất cứ ai muốn hiểu được một bản văn.
Luận đề của chúng ta trong chương này là khi đưa bản văn ra khỏi khung cảnh lịch sử thích hợp, nó có thể thay đổi ý nghĩa. Những gì đúng với Kinh Thánh thì cũng đúng với những gì chúng ta viết ngày nay.
Nếu ai đó cầm lấy sách Sáng Thế và đọc câu chuyện tạo dựng chương 1 và đó là lần đầu tiên họ đọc, nhất là nếu đọc lớn tiếng. Kiểu cách và ngôn ngữ trịnh trọng của nó tạo được một ấn tượng sâu đậm. Trong bản văn, chúng ta đọc đi đọc lại câu, “Và Thiên Chúa phán…” – mỗi lần được lập lại với câu, “và đã xảy ra như thế.” Sáu lần chúng ta được bảo rằng Thiên Chúa đã nhìn đến công trình của Người và thấy nó tốt đẹp. Sau khi chấm dứt toàn thể sự tạo dựng, chúng ta thấy “Thiên Chúa nhìn ngắm mọi sự Người thực hiện, và kìa, nó rất tốt đẹp.” Hơn nữa, sự sáng tạo mỗi ngày được tổng kết với những chữ nhịp nhàng, “Và đó là một buổi chiều và một buổi sáng, một … ngày.” (Ngày của người Do Thái bắt đầu khi mặt trời lặn và kéo dài cho đến khi mặt trời lặn ngày hôm sau).
Ngôn ngữ như thế là ngôn ngữ của kinh cầu, của bài thánh ca trong giáo đoàn. Đặc tính phụng vụ của nó trong tiếng Hebrew thì nổi bật hơn tiếng Việt. Đó là ngôn ngữ của hàng tư tế, của ca viên, của thơ văn. Nó vượt trên mọi ngôn ngữ thuộc về thờ phượng, được vươn cao như một bài chúc tụng Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy tạm gọi bản văn này là một “thánh ca sáng tạo.”
Chúng ta chọn thánh ca sáng tạo này làm thí dụ cho nhận thức quan trọng về bối cảnh lịch sử của bản văn Kinh Thánh chính là vì đoạn này chịu đau khổ nhiều hơn hết khi nó bị vặn vẹo ra khỏi thời gian và nơi chốn đã phát sinh ra nó. Với nhiều người ngày nay, nó trở nên khởi điểm cho những tranh luận về sự tiến hóa và “thuyết tạo dựng của khoa học.” Nó thường được nêu lên hay bị bác bỏ bởi những người mà đối với họ vấn đề nóng bỏng là làm thế nào thế giới có như ngày nay và cần phải bao lâu mới xuất hiện – một vấn đề đã tốn rất nhiều giấy bút hơn là nó đáng được. Vấn đề tạo dựng là một đề tài chúng ta để cho người khác. Khi đặt trong khung cảnh lịch sử thích hợp, điều đó cũng đủ để thấy rằng bài thánh ca này đề cập đến vấn đề tôn giáo rất khác với bất cứ vấn đề nào được khoa học hiện đại nêu lên.
Nếu các học giả Kinh Thánh đúng, và hiện chỉ có một sự đồng lòng rất rộng rãi, bài thánh ca sáng tạo trong Sáng Thế 1 là kết quả của hàng tư tế Ít-ra-en vào thời lưu đầy ở Babylon trong thế kỷ thứ sáu TTL. Để thấy sự quan trọng của điều này, chúng ta cần biết chút đỉnh về lịch sử Ít-ra-en.
Việc người Ít-ra-en lưu đầy sang Babylon là một tai họa thật đảo lộn. Thực sự việc trục xuất xảy ra trong ba giai đoạn, thứ nhất vào năm 597 TTL và kéo dài 15 năm. Hậu quả là một phần rất lớn dân Ít-ra-en bị bắt, xa quê cha đất tổ đến hàng trăm dặm. Trong cuốn 2 Các Vua 24:14 chúng ta được bảo rằng, “Vua bắt toàn thể Giê-ru-sa-lem, mọi tướng lãnh và mọi dũng sĩ đi đày, tất cả là mười ngàn người phải đi đày, cùng với mọi thợ rèn và thợ làm khoá; không sót lại một ai, trừ dân cùng đinh trong xứ.”
Dụng ý là, khi lấy đi các công dân tài giỏi nhất, dân Ít-ra-en không còn là một đe dọa trầm trọng đối với vua Babylon là Nebuchadnezzar. Bị tách khỏi quê nhà và sống nơi đất khách quê người, những người Ít-ra-en lưu đầy này sống trong sự giam cầm cho đến khi người Ba Tư chinh phục Babylon và cho phép họ trở về quê nhà khoảng năm 537 TTL.
Chúng ta hé nhìn vào sự cay đắng của những người Ít-ra-en này trong những năm dài lưu đầy bởi đọc Thánh Vịnh 137:1-6:
Bên bờ sông Ba-by-lon, chúng ta ngồi đó và nức nở khi tưởng nhớ Xi-on.
Trên những cành dương liễu, chúng ta treo cây thụ cầm.
Vì ở đó bọn lính canh đòi chúng ta hát xướng,
và lũ cướp này yêu cầu chúng ta hãy vui lên:
“Hãy hát cho bọn tao nghe một bài của Xion!”
Làm sao chúng ta hát nổi bài ca của Đức Chúa nơi đất khách quê người?
Đó chính là vấn đề khó khăn. Làm thế nào họ có thể hát bài ca của Đức Chúa ở ngoài Giêrusalem? Làm thế nào họ có thể hát mà không có đền thờ? Hơn thế nữa, làm thế nào họ ngăn cản được sự mất mát di sản và đức tin của người Do Thái khi ở giữa những người Babylon bao quanh?
Không phải là đời sống lưu đầy vô cùng khốn khổ. Kinh Thánh và cả chứng tích khảo cổ học cho thấy người Ít-ra-en sống ở Babylon thì thịnh vượng. Nhưng chính sự thịnh vượng ấy là một phần của vấn đề. Khi đối diện với sự thoải mái và hài lòng với đời sống ở Babylon, giao ước của Thiên Chúa với Abraham sẽ ra sao? Và giao ước ở Xinai? Và đất hứa? Hoặc những hy vọng về sự chu toàn lời hứa của Thiên Chúa trong tương lai? Trong giai đoạn đó sự tin tưởng vào các thần thánh trong vùng thì bao trùm tất cả, người Ít-ra-en lưu đầy phải kết luận thế nào? Có phải Giavê không hơn gì một vị thần địa phương? Có phải lãnh thổ của Người chỉ giới hạn ở Palestine? Có phải bây giờ người Ít-ra-en chịu ảnh hưởng bởi thần Marduk của người Babylon?
So với thành Giêrusalem, các đền thờ lộng lẫy và văn hóa phong phú của Babylon ở thế kỷ thứ sáu quả thật tráng lệ. Vì thế, sự cám dỗ đối với người Ít-ra-en lúc bấy giờ là đi đến kết luận rằng Marduk của Babylon, chứ không phải Giavê của Ít-ra-en, là thần đáng thờ lậy. Sự nguy hiểm lớn nhất là sau một thời gian, đức tin tôn giáo của Ít-ra-en, sau khi bị cắt lìa khỏi nền tảng lịch sử ở Giêrusalem và đền thờ Thiên Chúa, nó sẽ bị tràn ngập bởi sự đồng hóa của người dân vào văn hóa Babylon.
Do đó, không phải là tình cờ các tư tế Ít-ra-en thu thập, đối chiếu, viết lại và xếp đặt các truyền thống của Ít-ra-en trong thời kỳ lưu đầy ở Babylon. Phần lớn bộ sách mà chúng ta gọi là Ngũ Thư (năm cuốn đầu của Kinh Thánh) thì được thu thập và chỉnh sửa trong giai đoạn này, như một cách để giữ cho di sản của Ít-ra-en được tồn tại. Với những tường thuật lịch sử xưa hơn, các tư tế thêm vào các tài liệu văn hóa, luật pháp, và phụng tự mà bây giờ rải rắc khắp các sách Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Thứ Luật. Một trong nhiều điều họ thêm vào là một bài thánh ca mỹ miều về Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Đúng vậy, đã có một câu chuyện tạo dựng trong bộ sưu tập (Sáng Thế 2:4b – 3:24), nhưng bài thánh ca mới này không chỉ được thêm vào, nó còn được xếp vào phần đầu của toàn bộ sưu tập. Lý do tại sao thì có thể được thấy từ bối cảnh lịch sử như chúng ta đã diễn tả.
Câu chuyện tạo dựng của người Babylon gần như chắc chắn có ảnh hưởng nguy hại đến đức tin của dân lưu đày. Nó được gọi là Enuma Elish và được đọc hàng năm trong ngày lễ Tân Niên của thành Babylon. Đó là một trong những huyền thoại phổ thông nhất thời xưa, và nó trực tiếp đối nghịch với sự hiểu biết về tôn giáo của người Ít-ra-en về sự tạo dựng thế giới.
Trong Enuma Elish, thế giới được tạo dựng như kết quả của một cuộc chiến vĩ đại giữa các thần nam nữ của đền thờ ở Babylon. Tiamat, nữ thần đại dương vĩ đại, bị giết bởi thần mặt trời Marduk, chúa tể của thành Babylon. Từ xác của Tiamat tạo ra các tầng trời và trái đất, và từ máu của Kingu, một đầy tớ của nữ thần, loài người được tạo ra để thi hành công việc tầm thường cho các thần.
Tất cả các thần Babylon đều có thần tính. Có các thần mặt trời, mặt trăng và tinh tú, cánh đồng và lúa thóc, gần như mọi thứ trong thế giới thiên nhiên mà người Babylon gặp gỡ. Hàm ý của điều này là vì thiên nhiên được sùng bái như thần, thiên nhiên trở nên một thực tại tối hậu mà trên đó đời sống phải sống như vậy. Trong mắt của người Babylon, điều gì là thiên nhiên, điều đó đã từng đúng. Hơn nữa, vì sự sống được coi là một tiến trình tự nhiên, nó được mong đợi là minh chứng cho những thảm họa xảy ra trong thế giới tự nhiên. Nếu các động lực thiên nhiên xung đột, thật tự nhiên là các lực lượng con người cũng thi hành giống vậy. Hầu hết các xung đột diễn tả trong Enuma Elish là sự chiến đấu giữa các thần nam nữ, đó là, giữa các quyền thần nam nữ ở tâm điểm vũ trụ theo quan niệm của người Babylon. Như vậy, người ta còn mong đợi gì khác ngoài những loại xung đột giống như thế giữa loài người?
Chính trên nền tảng này mà các tư tế của Ít-ra-en đưa ra bài thánh ca tạo dựng của Đấng Tạo Hóa trên muôn loài. Vấn đề đối với họ thì không phải là một tường thuật khoa học về cách tạo dựng thế giới, nhưng là sự đe dọa của việc sùng bái mù quáng các thần của văn hóa Babylon đối với đức tin của Ít-ra-en. Một cái nhìn cặn kẽ về nội dung của bài thánh ca này sẽ cho thấy nó lên tiếng thật mạnh mẽ dường nào với thời gian và nơi chốn lịch sử đó.
Điều đầu tiên chúng ta thấy trong tường thuật Sáng Thế là sự phân biệt rõ ràng giữa Tạo Hóa và tạo vật. Chỉ có Thiên Chúa thì “từ khởi đầu”. Hơn nữa, Thiên Chúa thì không phải là thế giới và thế giới không phải là Thiên Chúa. Ngay lập tức, thiên nhiên bị hạ bệ và bị vạch trần. Có thể nó ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng nó không phải là tình trạng đời sống sau cùng và chúng ta cũng không phải là người trách nhiệm sau cùng đối với nó. Thiên Chúa của Sáng Thế đứng một mình, siêu việt, ngay lúc khởi đầu. Toàn thể tạo vật phải ở dưới một mình Thiên Chúa.
Không chỉ thiên nhiên bị hạ bệ mà Marduk cũng thế – với hàm ý là dân tộc của nó cũng vậy (Marduk là thần mặt trời của người Babylon). Trong Sáng Thế 1, mặt trời không phải là thần, nhưng chỉ là một tạo vật của Giavê. Sự sùng bái thiên nhiên cách mù quáng của người Babylon đưa đến sự sùng bái đế quốc. Babylon, Ai Cập, Assyria, và các đế quốc vĩ đại khác đã từng nghiền nát Ít-ra-en liên tục trong suốt lịch sử cay đắng của dân tộc này, tất cả đã diễn tiến theo giả thiết rằng điều gì đúng nơi các tầng trời thì cũng đúng ở dưới đất. Nếu Marduk chiến thắng các cuộc chiến với các thần trên trời, thì Babylon cũng sẽ và phải chiến thắng trong những tranh giành ở dưới đất. Sự sùng bái thiên nhiên mau chóng trở thành sùng bái dân tộc.
Trong ý nghĩa này, điều hiển nhiên là thánh ca Sáng Thế về sự tạo dựng, ngay từ dòng thơ đầu tiên, là một khiển trách sâu sắc về chính trị cũng như tôn giáo của người Babylon. Không ai siêu việt ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Ít-ra-en có thể bị bại trận, nó có thể bị đưa đi thật xa với những ngọn đồi thân yêu ở Xion, nhưng Thiên Chúa của Ít-ra-en vẫn là Chúa Tể của toàn thế giới. Không đế quốc chính trị nào, ngay cả như Babylon hùng mạnh, có thể đứng ngoài vòng kiềm tỏa của Tạo Hóa.
Hãy để ý trong Sáng Thế 1, các thần của Babylon lần lượt bị bác bỏ theo thứ tự của việc tạo dựng như thế nào. Vào ngày thứ nhất, những gì được gọi là thần ánh sáng và bóng tối thì bị hạ bệ. Vào ngày thứ hai, đó là các thần của bầu trời và biển cả, các thần chiến tranh của Enuma Elish. Vào ngày thứ ba đó là các “thần” của đất và thực vật bị truất phế. Vào ngày thứ tư, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, những thần nam nữ chính yếu của các thành Babylon, bị mất chỗ. Vào ngày thứ năm và thứ sáu, các phần tử của thế giới động vật (các thần chính của Ai Cập!) được đưa vào đúng chỗ của nó. Và sau cùng, nhân loại, tạo vật kiêu hãnh dễ tự phong thần, được đưa vào thứ tự của sự tạo dựng. Lần lượt các thần tượng của văn hóa Babylon bị hạ thấp, và nhân loại được dành để phục vụ một mình Thiên Chúa.
Có thể đưa ra một điểm chính khi so sánh thánh ca Sáng Thế với Enuma Elish. Trong sử thi của người Babylon, nhân loại được dựng nên bởi vì các thần bại trận trong cuộc chiến trên trời phải mệt mỏi phục vụ các thần chiến thắng. Con người được dựng nên để thế chỗ cho những thần bại trận như những đầy tớ của các thần chiến thắng, một tình trạng ám chỉ phẩm giá thấp kém của loài người. Trái lại, trong Sáng Thế, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Họ không phải là Thiên Chúa, cũng không phải là nô lệ cho thiên nhiên thay đổi bất thường.
Trong sự trực tiếp chối bỏ vũ trụ quan của người Babylon, nhân loại được trao cho quyền thống trị trên toàn thể những gì Thiên Chúa đã dựng nên. Họ cũng không đánh nhau. Nam và nữ được bình đẳng dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và không đâu ám chỉ rằng giữa họ có sự thù địch. Sự xung đột có thể xảy ra trong lĩnh vực con người, nhưng điều đó là hậu quả của tội như được kể trong câu chuyện tạo dựng của Sáng Thế 2 (2:4b – 3:24). Đó không phải là cách mọi sự được dựng nên; bởi thế nó không thể được coi là “tự nhiên”. Nhân loại được ban cho một loại phẩm giá mà người Babylon không biết đến. Một lần nữa, Enuma Elish bị thách đố trực tiếp.
THÁNH CA TẠO DỰNG VĨ ĐẠI
Nhìn đến bài thánh ca phi thường này trong bối cảnh lịch sử thích hợp của nó, điều đó tạo ra một sự khác biệt cơ bản về cách chúng ta giải thích Sáng Thế. Nếu chúng ta hỏi bài hát nào sẽ được hát ở Babylon, câu trả lời của các tư tế Ít-ra-en là chúng tôi phải hát bài này. Không phải bất cứ bài nào khác; bài này. Đó không phải là một tường thuật khoa học về bất cứ gì, lại càng không phải cách thế giới được khởi đầu. Đó là một bài thánh ca phụng vụ dành cho sự thờ phượng của Ít-ra-en, dành cho người Ít-ra-en lưu đầy bị cám dỗ bởi sự hiện diện tràn ngập của văn hóa Babylon. Nó có nghĩa là một phương cách để tuyên xưng đức tin đích thực nơi Thiên Chúa, là Chúa của Ít-ra-en, Babylon, và mọi thứ ở giữa.
Khám phá bối cảnh lịch sử của một bản văn Kinh Thánh thì đồng thời là một thực tập trong việc tạo ra khoảng cách và vượt qua khoảng cách ấy. Ngày nay chúng ta không sống trong các khu xóm theo vũ trụ quan của người Babylon; như thế chúng ta không thể sử dụng thánh ca Sáng Thế thật giống như cách những tổ tiên Ít-ra-en đã sử dụng. Chúng ta sống một khoảng cách thật xa với thế giới đa thần đó.
Tuy vậy, cùng lúc với việc tìm hiểu quan điểm của người Babylon và thánh ca tạo dựng của Sáng Thế, sự thách đố là lắng nghe Kinh Thánh nói với thế giới thực tế trong một thời gian và nơi chốn thực tế. Chúng ta đã nghe biết ý định cuộc đối thoại của Kinh Thánh theo thuật ngữ riêng của nó, thấy được kiểu nói riêng của nó đối với các nhu cầu và vấn đề theo thời gian của nó. Chúng ta có thể tránh hiểu bản văn theo những gì mà bề ngoài có vẻ như muốn nói với độc giả của thế kỷ hai mươi mốt, thay vào đó chúng ta có thể đặt câu hỏi: bản văn này nói gì với những người mà đầu tiên nó được viết xuống. Hơn nữa, khi thi hành điều đó, chúng ta có thể tiếp tục hỏi rằng những gì bản văn này đã từng lên tiếng trong quá khứ, có phải đó là điều nó tiếp tục nói với thế giới chúng ta ngày nay hay không.
Bài thánh ca tạo dựng của Sáng Thế minh họa thật hay hai đặc tính này khi lưu tâm đến bối cảnh lịch sử. Càng tìm hiểu những vấn đề của thời kỳ lưu đầy, chúng ta càng xa với thế giới của bản văn. Nhưng khi hiểu được các vấn đề đó là gì, chúng ta ở vào một vị thế để cho Kinh Thánh lại lên tiếng nói về cùng những vấn đề ấy. Chúng ta có thể tránh áp đặt những vấn đề giả dối lên bản văn này (Làm thế nào vũ trụ có ở đây và nó phải mất bao lâu?) và để Kinh Thánh nói với chúng ta trong thuật ngữ riêng của nó.
Và rồi chúng ta có thể khám phá thấy rằng bản văn này đi ngược trở về thế giới của chúng ta một cách rất mau chóng. Nó bắt đầu phát biểu những gì mà các tác giả muốn nói thay vì những gì chúng ta muốn nghe. Nhiều vấn đề mà bài thánh ca tạo dựng phát biểu thì rất sống động trong thời nay. Theo cách đó, nó không được chú ý nhiều bởi những ai bị kẹt trong cuộc tranh luận về sự tiến hóa, hoặc những người đọc bản văn này mà không lưu tâm gì đến bối cảnh lịch sử nguyên thủy.
Hãy nghĩ về vấn đề siêu việt của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không phải là thế giới này, và nếu không có gì trong thế giới là Thiên Chúa, những kỳ vọng gì của chúng ta có thể hạ bệ? Có phải nhân loại ngày nay cũng có cùng khuynh hướng như người Babylon là thần thánh hóa cơ cấu chính trị của mình hay cho rằng họ được phúc lành của Thiên Chúa? Không phải là chúng ta cũng có chiều hướng mù quáng sùng bái các xã hội loài người hay sao?
Và vấn đề nhân phẩm thì sao? Thế giới chúng ta có thể không coi loài người là thần thánh nhưng những đe dọa đối với phẩm giá con người thì đầy dẫy. Chúng ta có thể tự hỏi điều đó có nghĩa gì khi được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và những ứng dụng gì về cách con người đối xử với nhau ngày nay.
Rồi còn vấn đề thiên nhiên. Có lẽ chúng ta ít bị nguy hiểm vì không chống nổi tính cách thất thường của thiên nhiên (một sự sợ hãi thường xuyên trong các điều kiện thời tiết của Babylon xưa) hơn là để sự chi phối thiên nhiên của chúng ta ngoài tầm kiểm soát. Có lẽ chúng ta đã vượt ngoài những giới hạn của sự chi phối đó trong những kiểu cách mà một lần nữa, nó cho thấy hiển nhiên rằng chính Thiên Chúa, không phải chúng ta, có quyền kiểm soát tối hậu.
Sau cùng, nằm trong sự mâu thuẫn giữa Sáng Thế và vũ trụ quan của người Babylon là vấn đề to lớn rằng, có phải những gì là thiên nhiên thì đúng. Phải không? Có phải chúng ta đo lường đời sống chúng ta qua cách tự nhiên thi hành mọi sự? Hay bởi thánh ý của Thiên Chúa? Người Babylon thừa nhận rằng vì thiên nhiên là thần thánh nên cả hai là một và giống nhau. Nhưng các tư tế Ít-ra-en, khi nhìn thấy sự khác biệt triệt để giữa Thiên Chúa và tạo vật, họ hiểu rằng chúng ta có trách nhiệm đối với Thiên Chúa mà thôi. Một luân lý “tự nhiên” thừa nhận rằng những ai được sinh ra với một thân xác mạnh mẽ nhất và tâm trí sắc bén nhất thì phải cai trị theo lẽ tự nhiên. Trong Ít-ra-en, sự cai trị chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHUNG CẢNH LỊCH SỬ
Đưa bài thánh ca tạo dựng Sáng Thế này vào thế giới của thế kỷ thứ sáu TTL thì không làm mất đi tầm quan trọng của nó đối với thời đại tân tiến của chúng ta. Đúng hơn, nó làm sáng tỏ những gì bản văn thực sự muốn nói. Một khi chấp nhận điều đó, chúng ta ở trong một vị thế để bản văn lên tiếng về thông điệp của chính nó thay vì thông điệp mà chúng ta muốn du nhập vào.
Sự nghiên cứu cho thấy việc học hỏi bối cảnh lịch sử của một bản văn Kinh Thánh thì quan trọng nếu chúng ta muốn mở rộng kho hiểu biết chung với các tác giả Kinh Thánh. “Bối cảnh lịch sử” là một trong những dụng cụ quan trọng nhất giúp chúng ta giải thích Kinh Thánh cách hợp lý. Trong công việc kế tiếp, chúng ta sẽ thừa nhận nó như một phần thiết yếu của công việc phải làm.