Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đi vào một thế giới rất khác biệt với thế giới của chính chúng ta. Từ kiểu nói, ngôn ngữ, nội dung, ngay cả sự hiểu biết về các thực tại trong đời sống hàng ngày của thế giới ấy thì rất khác với những gì chúng ta cảm nghiệm ngày nay.
Nhưng đồng thời, Kinh Thánh là lời sống động của Thiên Chúa trong các cộng đồng đức tin ngày nay. Người ta đọc Kinh Thánh trong các thứ tiếng và ở những nơi mà tác giả nguyên thủy không hề biết đến. Kinh Thánh được ghi nhớ và trân quý bởi những người mà họ chưa bao giờ được nghe tiếng Hy Lạp hay Hebrew (cổ Do Thái), họ chưa bao giờ được nhìn thấy một người Ít-ra-en, người Ai Cập, người La Mã hoặc bất cứ nhân vật nào trong vô số nhân vật thời Kinh Thánh. Tuy vậy, bất kể khoảng cách biệt với thế giới Kinh Thánh, bằng cách nào đó Kinh Thánh đã vượt qua ngôn ngữ, văn hóa và thời gian để nói với chúng ta.
Với một số người, thường là những người đọc Kinh Thánh suốt cả đời, câu chuyện này thì quen thuộc, những chữ và ngữ điệu có trong thực tế, họ tìm thấy ý nghĩa của nó đơn giản để hiểu và áp dụng vào đời sống. Tuy nhiên trong khao khát để nghe thông điệp của Kinh Thánh và hiểu lời mời gọi của nó, đôi khi họ đã quên đi khoảng cách hiện thực giữa thế giới của Kinh Thánh và thế giới ngày nay. Hậu quả là xu hướng hiểu lầm và cho rằng Kinh Thánh thường nói lên những gì mà độc giả của thế kỷ hai mươi mốt chỉ nhìn thấy ở bề mặt.
Một thí dụ đơn giản có thể tìm thấy trong sự hiểu biết phổ thông ngày nay về Thánh Vịnh 121. Hai câu đầu của Thánh Vịnh này được dịch như sau: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA là Đấng dựng nên cả đất trời”.
Trong khu trượt tuyết phổ thông thuộc vùng đồi núi ở Oregon, câu này được viết trên một tấm bảng và đặt ngay ở chỗ đưa người trượt tuyết lên đỉnh núi. Hàm ý hiển nhiên là khuyến khích người trượt tuyết hãy nhìn đến sự hùng tráng vĩ đại của các rặng núi chung quanh và nhớ đến Thiên Chúa, đấng đã dựng nên vũ trụ mỹ miều. Đó là cách các độc giả ngày nay thường hiểu về câu này.
Tuy nhiên, người Ít-ra-en xưa sẽ “nghe” một vài điều rất khác. Câu này thuộc về một tổng hợp nhỏ của các thánh vịnh 120 – 134 được sử dụng bởi người hành hương đến Giêrusalem để dự các đại lễ hàng năm của người Do Thái. Mỗi thánh vịnh là một sưu tập có tựa đề “A Song of Ascents” (bài ca của người lên đền) và được dùng để bày tỏ niềm vui của người Ít-ra-en khi trên đường đến tham dự các nghi lễ ở đền thờ. Thay vì cảnh núi đồi vĩ đại, người Ít-ra-en sẽ nhớ đến các hình ảnh của thành Giêrusalem và đền thờ, là nơi đối chiếu để Thiên Chúa ngự ở dưới đất. Trong những lời của một bài ca người lên đền thờ:
“Như đồi núi bao quanh Giêrusalem, cũng vậy ĐỨC CHÚA bao quanh dân Người, từ bây giờ và đến muôn đời” (Tv 125:2).
Bài ca của người Ít-ra-en được cất lên trong tâm tình mong đợi được thờ phượng trong nhà của Đức Chúa, và bày tỏ sự tin tưởng của họ rằng, khi đối diện với sự bất an và những khốn khó trong đời, họ có thể tin tưởng vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa. Nhìn đến sự cách biệt giữa thế giới của người trượt tuyết và thế giới xưa của người Ít-ra-en chúng ta phải tự hỏi về khả năng “lắng nghe” của chúng ta về những gì mà Kinh Thánh đã từng nói.
Một minh họa thứ hai có thể lấy từ Tân Ước. Nhiều Kitô Hữu ngày nay thì quen thuộc với lời của Đức Giêsu:
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Luca 18:16).
Trong một nền văn hóa mà nó lý tưởng hóa thời thơ ấu, ngày nay đoạn văn này dễ gợi lên các tâm tình về những tưởng tượng thú vị hay sự tín thác đơn sơ của trẻ em và cho rằng Đức Giêsu đang khuyến khích người lớn có cùng những thái độ như thế, họ là những người đã đánh mất sự ngây thơ của con trẻ từ lâu.
Tuy nhiên, ngày xưa, thời thơ ấu khó được lý tưởng hóa theo cách này. Trẻ em chết nhiều hơn sống. Trong số những trẻ em sống qua được một năm đầu, một phần ba bị chết khi lên sáu tuổi. Trẻ em thường là nạn nhân đầu tiên của bệnh tật hay chiến tranh hay nghèo khổ, vì thế, đối với hầu hết người xưa, thời thơ ấu là một khởi đầu đầy lo sợ và bấp bênh. Trong hầm mộ của dòng họ ông Caipha, vị thượng tế thời Đức Giêsu, người ta đào xới được từ 40 đến 60 trẻ em dưới 12 tuổi.
Hy vọng của người xưa là sống đến thời trưởng thành, nhất là đến tuổi già, vì tuổi già là lý tưởng được tôn trọng của cộng đồng. Vì thế, lời của Đức Giêsu sẽ gợi lên một phản ứng rất khác biệt cho người xưa hơn chúng ta ngày nay. Có lẽ họ sẽ sửng sốt, ngay cả bàng hoàng, vì Đức Giêsu nói về một vương quốc của những người dễ bị tổn thương, yếu đuối, và bấp bênh. Có lẽ họ sẽ so sánh nhãn quan của Đức Giêsu với các vương quốc hùng mạnh mà hàng ngày họ va chạm, và họ tự hỏi làm thế nào một vương quốc của các nạn nhân lại có thể vươn đến bất cứ gì. Một lần nữa, khoảng cách biệt giữa thế giới chúng ta và Kinh Thánh có thể khiến chúng ta hiểu lầm về những gì Kinh Thánh nói cho thời ấy và ở nơi chốn ấy.
Trong nhiều phương diện, điều trớ trêu là Kinh Thánh thì khó hiểu đối với những người trong các xã hội học thức của thế giới kỹ nghệ hơn là những nông dân ít học trong các quốc gia thứ ba. Các nhà truyền giáo và những người phục vụ ở nước ngoài thường nhận xét rằng trong các xã hội nông nghiệp, nghèo nàn mà đời sống ngày nay thì cơ bản giống như thời Kinh Thánh, dường như người ta hiểu các ẩn dụ và lối nói tượng hình không quá khó khăn. Chỉ cần giải thích chút đỉnh, cũng không phải nỗ lực nhiều để “tái tạo” thế giới Kinh Thánh, bởi vì người dân các quốc gia này đang sống như thế hàng ngày.
Với tất cả tiến bộ và giáo dục hiện đại, chính chúng ta, những người sống trong thế giới kỹ nghệ lại gặp khó khăn lớn để hiểu Kinh Thánh. Với chúng ta, phải tìm ra nhiều cách để mở rộng kho dự trữ kinh nghiệm chung mà chúng ta chia sẻ với người thời Kinh Thánh bởi vì kinh nghiệm chung là nền tảng mà từ đó có được mọi sự hiểu biết.
Hãy dừng đôi phút để nhận xét về một “kho dự trữ kinh nghiệm chung”. Thật không khó để thấy rằng bất cứ cuộc đối thoại nào giữa hai người đều tùy thuộc vào nền tảng chung. Nó không chỉ là vấn đề nói cùng một thứ tiếng; nó còn phải biết đến các biến cố hiện thời để đem cho thế giới xưa các ý nghĩa mới, hoặc sự hiểu biết lịch sử để trả lời cho những ý tưởng mới. Nó có thể bao gồm ngay cả sự hiểu biết về những căng thẳng hay các quan niệm mà nó có thể gây nên một phản ứng nào đó. Ngay cả cuộc đối thoại đơn giản nhất cũng cần có nhiều sự hiểu biết chung để hai người có thể dựa vào đó mà hiểu nhau.
Như thế, khi một tác giả nhắc đến tên “Katrina” cho thính giả người Hoa Kỳ, họ không cần phải nói nhiều. Độc giả người Hoa Kỳ không khó khăn để hình dung ra cảnh tượng thích hợp, bởi vì trí nhớ của họ về trận bão đã tàn phá thành phố New Orleans vào năm 2005 là một phần của cảm nghiệm đời sống. Nếu không có một kho dự trữ cảm nghiệm chung, ý nghĩa đặc biệt đó bị mất đi.
Trong những chương sau, chúng ta sẽ tập trung đến các cách học hỏi Kinh Thánh mà nó giúp chúng ta vượt qua được sự cách biệt giữa thế giới Kinh Thánh và thế giới chúng ta. Mục đích của chúng ta sẽ là đưa hai thế giới này lại gần nhau trong một phương cách để việc lắng nghe xác thực có thể xảy ra, trong đó chúng ta để Kinh Thánh nói với chúng ta bằng chính ngôn ngữ của Kinh Thánh thay vì ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta sẽ cố gắng đối diện với những khó khăn vốn có trong một cuộc đối thoại giữa hai người mà họ không biết nhau nhiều. Đồng thời chúng ta nhìn nhận rằng vì tất cả sự cách biệt mà đôi khi chúng ta cảm thấy, vì mọi khó khăn khi đọc Kinh Thánh đôi khi xảy ra, ngày nay cũng như ngày xưa, Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa nói với dân của Thiên Chúa.
Như vậy, việc học hỏi sách này được nhằm để giúp mở rộng kho dự trữ cảm nghiệm chung của chúng ta và của các tác giả Cựu Ước và Tân Ước. Chúng ta không thể đi ngược thời gian để sống lại cảm nghiệm của họ, nhưng càng tìm hiểu về thế giới của họ, chúng ta càng hiểu rõ hơn những gì họ muốn nói. Thi hành việc học hỏi này có thể làm cho Kinh Thánh có vẻ ít “đơn giản” hơn trước, nhưng nó cũng sẽ giúp chúng ta nghe Kinh Thánh bằng thuật ngữ riêng của nó nhờ thăng tiến khả năng hiểu được ý định cuộc đối thoại của Kinh Thánh.
Điều quan trọng, dĩ nhiên, phải nhớ rằng khi chúng ta thi hành việc này thì mục đích của nó không phải về lịch sử. Các học giả cổ sử có thể dùng Kinh Thánh như một nguồn tài liệu cho sự nghiên cứu lịch sử của họ, nhưng với cộng đồng đức tin, Kinh Thánh còn hơn một cuốn sách sử. Chúng ta có thể minh họa ý nghĩa của điều này qua sự phân định chung của các học giả Kinh Thánh, họ suy nghĩ để thấy sự khác biệt giữa ý nghĩa của một bản văn trước đây và bây giờ bản văn ấy muốn nói gì.
Ý nghĩa trước đây của bản văn, bất kể mức độ nào mà chúng ta khám phá ra, là một đề tài thuần túy lịch sử theo một phương cách. Một tác giả Kinh Thánh viết xuống điều gì đó, nó được cho rằng điều đó sẽ được hiểu bởi một loại độc giả riêng trong một phương cách riêng. Nhưng khi chúng ta đặt câu hỏi, bây giờ bản văn ấy muốn nói gì, chúng ta đang tìm hiểu vai trò của nó trong đời sống hiện tại của chúng ta. Bản văn được tra cứu để thấy được ý nghĩa hiện đại cũng như quá khứ. Chính ở điểm này nó bắt đầu trở nên thần học thay vì chỉ là lịch sử.
Chúng ta phải rõ ràng là việc nghiên cứu ý nghĩa thần học của Kinh Thánh là mục tiêu tối hậu của chúng ta. Nếu chúng ta không bắt đầu với lịch sử, sự rủi ro là chúng ta không để Kinh Thánh nói với chúng ta bằng thuật ngữ riêng của nó. Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở lịch sử và không tiếp tục tra vấn ý nghĩa thần học mà bản văn muốn nói với chúng ta bây giờ, chúng ta đã không hiểu được điều Giáo Hội luôn muốn nói khi gọi Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa.
Nói cách khác, chúng ta có thể đề nghị rằng mục đích của việc nghiên cứu Kinh Thánh thì không chỉ là sự học hỏi Kinh Thánh – như thể Kinh Thánh là một môn chính cần lưu tâm. Đúng hơn, mục đích là để Kinh Thánh diễn giải chúng ta, để thấy rằng khi đào xới và tìm kiếm trong Kinh Thánh, bỗng dưng chúng ta khám phá rằng người dẫn giải trở nên được dẫn giải. Trong ý nghĩa đó, việc phong phú hóa sự hiểu biết Kinh Thánh là phong phú hóa sự hiểu biết về chính chúng ta và những gì Thiên Chúa đang nói trong cuộc đời của chúng ta.
Bây giờ là lúc nói về kế hoạch tiếp theo. Chúng ta sẽ dùng nhiều phương sách được các học giả Kinh Thánh phát triển để giúp chúng ta mở rộng kho dự trữ cảm nghiệm chung về Kinh Thánh và bắt đầu nghe Kinh Thánh nói trong phương cách riêng. Tuy nhiên, thay vì thảo luận những điều này trong sự trừu tượng, chúng ta sẽ vừa học hỏi khi vừa thực sự làm việc trên các đoạn Cựu và Tân Ước. Trong khi chúng ta tìm cách lắng nghe những gì bản văn này đã nói trước đây, tương tự chúng ta cũng sẽ tìm hiểu điều mà các bản văn ấy đang nói cho đời sống chúng ta. Chúng ta sẽ để các khả năng học hỏi được giúp chúng ta trong cả hai nỗ lực này.
Trong thực tế, các khả năng này là một loạt câu hỏi mà các học giả Kinh Thánh đã tìm cách đưa vào từng bản văn hay từng tác giả, độc giả, hay hoàn cảnh mà từ đó nó xuất phát. Quan trọng nhất là những câu hỏi về cách hoạt động thế nào của bản văn trong cộng đồng đức tin sống động. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem tác giả/biên tập viên hy vọng đạt được điều gì, hoặc bản văn này có được sử dụng trong nhiều trường hợp không, mà mỗi trường hợp có những hy vọng hay mong đợi khác nhau. Mỗi khi chúng ta giới thiệu một phương sách mới hay một loạt câu hỏi mới, chúng ta sẽ dựa vào công việc đã thực hiện được. Khi chúng ta đến cuối việc nghiên cứu, các dụng cụ phải có ở trong tay chúng ta để mở rộng kho dự trữ cảm nghiệm chung với các tác giả Kinh Thánh và các độc giả, họ là những người đầu tiên nghe hay đọc những gì được viết xuống. Vì thế, phần lớn mục đích của chúng ta là phát triển khả năng tự mình nghiên cứu Kinh Thánh.