Trước khi bắt đầu, có lẽ tốt hơn nên có một khái quát về kế hoạch chúng ta dự định đi theo. Các thuật ngữ được sử dụng ở đây sẽ không có đầy đủ ý nghĩa cho quý vị ngay bây giờ, nhưng sẽ có theo thời gian, và vì thế, có lẽ tốt để nhìn đến toàn thể kế hoạch trước khi chúng ta bắt đầu.
Sơ Lược
Mục tiêu của chúng ta sẽ là học hỏi về bản văn mà chúng ta có thể tóm lược ý nghĩa của nó, ý nghĩa này có thể có đối với các độc giả và người nghe đầu tiên. Như thế, mục tiêu đầu tiên là tìm hiểu ý nghĩa bản văn. Sau đó chúng ta sẽ tìm hiểu đoạn văn ấy muốn nói gì với chúng ta – thông điệp cho chúng ta là Kitô Hữu ngày nay.
Nếu chúng ta dùng sơ đồ các bước trong phương cách tiếp cận nói chung mà chúng ta sẽ sử dụng trong việc học hỏi Kinh Thánh, có thể nó giống như sơ đồ dưới đây.
Tiêu điểm là chúng ta sẽ bắt đầu làm việc với một nhãn quan rộng, từ từ thu hẹp lại để chú trọng đến nội dung thực sự của những chữ và câu của một bản văn. Sau khi lần lượt đi qua từng bước một, sau đó chúng ta sẽ áp dụng những gì học được vào một bản văn duy nhất.
Trong sự học hỏi, chúng ta sẽ được hướng dẫn bởi một số thừa nhận đáng được lưu ý.
Khi thấy tên của các tác giả Kinh Thánh, ngày nay người ta thường cho rằng các tác giả nào đó đã ngồi xuống và viết ra một bộ sách. Nếu đúng như thế, công việc của chúng ta sẽ đơn giản hơn nhiều. Nhưng trong những nghiên cứu sau này, nhờ sự sáng suốt của ngành nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại, chúng ta thấy rằng các biến cố lớn trong dòng sinh mệnh của dân Ít-ra-en, hoặc trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Giáo Hội thời tiên khởi, thì được thuật lại, kể lại, dò xét, ngẫm nghĩ, và đặt xen kẽ nhau trong các phương cách mới và sáng tạo.
Như chúng ta có ngày nay, hầu hết các sách trong Kinh Thánh là kết quả của một quá trình sử dụng và tái sử dụng lâu dài. Các câu chuyện, lời cầu, nghi thức phụng vụ, bài giảng, bài nói, thư, tín biểu và các hình thức khác của thông tin truyền khẩu hay văn chương được thu thập, chỉnh sửa, làm lại và sử dụng lại trong các hoàn cảnh mới trong đời sống của cộng đồng. Vì thế, nhiều sách trong Kinh Thánh bao gồm một vài lớp truyền thống vẫn còn sống động trong đời sống người Ít-ra-en và Giáo Hội bởi vì họ tiếp tục nói lời của Thiên Chúa trong các hoàn cảnh mới và đầy thử thách.
Hình thức các bản văn chúng ta có hiện nay thường là kết quả sau cùng của một thế hệ chế biến như thế, bị ngưng đọng như một giòng nước ở giữa dòng. Vì thế, một phần của công việc chúng ta sẽ là xét xem điều này xảy ra như thế nào và cộng đồng đức tin thay đổi các truyền thống nhận được ấy để đáp ứng với các nhu cầu của chính họ như thế nào.
GHI CHÚ
Sự kiện là nhiều sách trong Kinh Thánh không có “tác giả” theo nghĩa truyền thống, nghĩa là một người độc nhất ngồi xuống và sáng tác cả cuốn, điều đó tạo nên sự khó khăn khi chúng ta muốn đề cập đến (những) người trách nhiệm về cuốn sách này. Do đó, chỉ vì sự tiện lợi mà chúng ta nói về “tác giả” hay “văn gia” Kinh Thánh trong khi cuốn sách này là sản phẩm sau cùng của cả một thế hệ tầng lớp truyền thống.
Một ứng dụng hiển nhiên của thừa nhận này là nếu Kinh Thánh là sản phẩm của một cộng đồng đức tin, tốt nhất nó được nghiên cứu trong cùng một khung cảnh. Sự học hỏi cá nhân về Kinh Thánh có chỗ của nó, nhưng Kinh Thánh thực sự là lời chứng của Giáo Hội đối với những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong đời sống Giáo Hội. Do đó, chính trong đời sống của một cộng đồng mà các sách ấy phải trở nên sống động.
Với các tín hữu Kitô có mức độ ưa thích cao về thần học, họ có thể dễ dàng rút ra các “ý tưởng” từ Kinh Thánh để ghi nhớ và suy gẫm. Trong khi điều đó đôi khi được minh chứng là nỗ lực có giá trị và sâu sắc trong Giáo Hội, nó còn thực sự nguy hiểm vì khiến người ta nhầm lẫn sự thật “về” Thiên Chúa với sự thật về những gì Thiên Chúa đã thi hành trong đời sống của những người thực tế như chúng ta. Những câu chuyện thường đầy dẫy các ý nghĩa thần học, nhưng nếu không có câu chuyện, ý nghĩa thần học thường mất sức mạnh và mất sự quan trọng đối với hoàn cảnh con người. “Những ý tưởng” có thể hấp dẫn trí óc, nhưng các câu chuyện về Thiên Chúa hoạt động trong hoàn cảnh con người thì mang theo các ý nghĩa mà không thể giảm thiểu chúng thành các ý tưởng. Những lời cảnh cáo, lời hứa, lời mời gọi vâng phục hay sám hối, ban cho sự sống và niềm hy vọng thì ít “ý tưởng” hơn các thực tại được ăn sâu trong sự tương giao giữa Thiên Chúa và loài người.
“Vũ trụ quan” là một thuật ngữ thường được các học giả sử dụng để diễn tả những hiểu biết tiềm ẩn về thế giới, cách hoạt động của nó, nó từ đâu đến, có ý nghĩa gì, và loài người chúng ta có chỗ đứng nào ở trong đó. Với hầu hết chúng ta, quan niệm này về vũ trụ thì đơn giản được thấm nhập từ gia đình hay xã hội, và một cách vô thức được thừa nhận trong hầu hết hoàn cảnh đời sống. Thỉnh thoảng chúng ta có thắc mắc đến quan điểm của các sự vật được trao truyền lại cho chúng ta, và có lẽ một số người trong chúng ta đã dám cắt đứt với những gì được truyền lại. Nhưng hầu hết chúng ta, để vượt ra ngoài cái “rốn vũ trụ” mà trong đó chúng ta được sinh ra thì khó quá sức.
Chúng ta cũng giả sử nói được như thế đối với các văn gia Kinh Thánh. Không có ích gì khi làm ra vẻ các văn gia (hay độc giả) Kinh Thánh phỏng đoán sự phát sinh ra khoa học hiện đại, hoặc bằng cách nào đó họ bị gián đoạn, tách rời khỏi đời sống trong một thế giới họ thực sự cư ngụ. Việc cập nhật hóa hay “hiện đại hóa” vũ trụ quan của Kinh Thánh thì nhiều khi có ý tốt, nhưng điều trớ trêu là nó lại đưa Kinh Thánh ra khỏi chính thế giới mà nó muốn thông tin.
Để Kinh Thánh lên tiếng theo thuật ngữ riêng của nó, thay vì nói những gì chúng ta muốn nghe, điều đó có nghĩa hãy để Kinh Thánh nói trong ngôn ngữ và hình thức-tư tưởng mà thế giới riêng của nó hiểu được. Có thể chúng ta ao ước được suy nghĩ thần học theo thuật ngữ của vũ trụ quan ngày nay, nhưng ý định đối thoại của Kinh Thánh phải được trân quý vì nó lên tiếng với loại thế giới riêng của nó.
Nhận xét về sự thống nhất của Kinh Thánh là một điều quan trọng. Thí dụ, Cựu và Tân Ước thuộc về nhau và thường không thể hiểu được nếu tách rời. Sở dĩ như thế là vì câu chuyện các sách kể ra chỉ là một câu chuyện – một sự tường thuật của cộng đồng đức tin khi nghe đi nghe lại những gì Thiên Chúa đang thi hành trong đời sống của cộng đồng này. Nhưng một câu chuyện đơn lẻ thì không thể bị lầm lẫn với sự đồng nhất của tư tưởng, như thể chỉ có một thần học đơn độc từ đầu cho đến cuối Kinh Thánh.
Một trong những kết quả rõ ràng nhất của việc nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại là sự đa dạng của các quan điểm thần học mà các cộng đồng đức tin bảo tồn thì ngày càng được đánh giá cao. Một số những quan điểm này thì không hoàn toàn giống nhau. Những quan điểm khác là công việc sau này, dựa trên những hiểu biết sâu sắc ban đầu. Một vài quan điểm được đưa ra sau các biến cố nào đó trong đời sống của dân Ít-ra-en hay Giáo Hội.
Kết quả là trong Kinh Thánh, chúng ta nghe nhiều tiếng nói phát ngôn từ các điểm thuận lợi mà đồng thời chúng đem lại những hiểu biết độc đáo. Tìm cách đồng nhất hóa tính đa dạng trong Kinh Thánh thì không chỉ tiêu hủy sự phong phú của nó, nhưng còn che đậy nhiều hoàn cảnh cụ thể đáng kinh ngạc của con người mà trong đó họ đáp ứng với lời mời gọi của đức tin.
Một minh họa nhỏ về điều chúng ta đang đề cập đến thì có thể thấy trong sự hiện hữu của bốn cuốn Phúc Âm riêng biệt trong Tân Ước. Một Kitô Hữu người Syria ở giữa thế kỷ thứ hai (tên là Taitian), vì bị bực mình với nhân tính của Đức Giêsu và cả các chứng từ khác nhau về Người trong bốn Phúc Âm, ông đã tìm cách dung hòa vào thành một cuốn duy nhất, được gọi là Diatessaron. (Thật trớ trêu, nhiều Kitô Hữu ngày nay cũng làm giống vậy với các câu chuyện hồi tưởng mơ hồ về Chúa Giêsu mà không phân biệt các nguồn của chúng trong Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan. Thí dụ, trong hang đá Giáng Sinh, chúng ta có cả các mục đồng và ba vua).
Nhưng Giáo Hội tẩy chay cuốn Diatessaron vì nó lẫn lộn sự thuần nhất (một câu chuyện) với sự đồng nhất (một cách suy nghĩ về câu chuyện hoặc kể lại câu chuyện) và vì thế che đậy những hiểu biết khác nhau về Chúa Giêsu được các tác giả Phúc Âm đưa ra. Sự đa dạng như thế hiện có trong toàn thể Cựu và Tân Ước và lại được đánh giá cao qua kết quả phong phú của sự nghiên cứu Kinh Thánh gần đây.
ĐẾN LÚC QUAY VỀ VỚI CHÍNH KINH THÁNH
Chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu xem Kinh Thánh được sử dụng và tái sử dụng như thế nào bởi các cộng đồng đức tin để nhìn thấy chính chúng ta như những người dẫn giải Kinh Thánh mà đứng vững trong một truyền thống dẫn giải Kinh Thánh. Sau đó chúng ta sẽ thực nghiệm với các phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh hiện nay trong nỗ lực mở rộng kho cảm nghiệm chung của chúng ta với người dân thời Kinh Thánh, và như thế chúng ta có thể nghe Kinh Thánh lên tiếng nói. Vào lúc cuối, có thể chúng ta khám phá rằng những ai tìm cách giải thích thì lại trở nên những người mà đời sống của họ được dẫn giải.