Sơ Lược
Trong các xã hội đều có những quy ước bằng lời nói và chữ viết mà mọi người đều biết. Chúng ta dễ phân biệt được các lá thư, thơ văn, chuyện tiếu lâm, giao kèo và vân vân. Điều này cũng đúng với thời xưa, và các tác giả Kinh Thánh tận dụng các loại quy ước văn hóa này.
Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có các bài giảng, Thánh Vịnh, dụ ngôn, tường thuật, thi ca, bài hát, gia phả và nhiều loại khác. Chúng ta không thể đọc mọi thứ giống như nhau.
Trong một thời đại mà đa số dân chúng có thể biết đọc, biết viết, chúng ta dễ trở nên quen thuộc với các đặc tính “tiêu chuẩn” của một loại ngôn ngữ. Hầu hết chúng ta miệt mài dưới mái trường để học văn phạm, ngữ vựng để thầy cô hài lòng, và tất cả đều đọc không ngừng trong các sách báo. Từ từ chúng ta trở nên quen thuộc với các quy ước và kỳ quặc của văn chương.
Bạn có còn nhớ một số quy tắc không? Mỗi đoạn phải có một câu mở đầu. Đừng dùng quá nhiều đại từ ngôi thứ nhất trong các bài luận văn chính thức. Một mở đầu tốt sẽ giúp độc giả biết những gì được mong đợi, và một kết luận tốt thì tóm lược các điểm chính. Với một số trong chúng ta, các quy ước này thì chật hẹp thay vì giúp cho sự hiểu biết.
Khi thời gian trôi qua, bất cứ độc giả nào cũng nhận thấy các loại văn có quy ước riêng của nó, thay đổi nhiều so với tiêu chuẩn. Loại thi ca cho phép cách dùng câu ngoại lệ. Loại giả tưởng thường dùng các tiếng lóng, và ít khi các tác giả này bận tâm về văn phạm. Một số quy ước còn có thời gian và nơi chốn đặc biệt mà chúng được coi là thích hợp. Thí dụ, bạn có thể kết thúc một lá thư:
Thân mến,
Giang
Nhưng nếu người mà bạn gửi thư cho họ là một người xa lạ, phần kết thúc này sẽ làm cho họ tự hỏi không biết bạn có hiểu được cảm xúc trong sự tương giao như thế nào không.
Các quy ước chữ viết phổ thông thế nào trong xã hội thì quy ước lời nói cũng vậy. Thật vậy, sự nhạy cảm với quy ước lời nói thì rộng rãi hơn trong hầu hết xã hội so với sự nhạy cảm chữ viết. Thí dụ, nếu bạn nghe ai đó bắt đầu, “Ngày xửa ngày xưa…”, bạn hiểu ngay đó là một truyện cổ tích được kể lại. Hơn nữa, bạn sẽ biết trước câu truyện ấy chấm dứt thế nào: “… và họ sống hạnh phúc với nhau đến trọn đời.” Đó chỉ là cách kể lại truyện cổ tích trong xã hội chúng ta, và ai ai cũng biết các quy ước của nó.
Như hầu hết các xã hội, chúng ta có một danh sách dài các quy ước lời nói và chữ viết. Tất cả chúng ta đều biết một lá thư mở đầu với “Giang thân mến” là gì. Hầu hết chúng ta đều biết các hình thức của các loại ghi nhớ, hay lá thư buôn bán, hoặc chuyện khôi hài. Chúng ta hiểu rằng có những trường hợp làm cho các quy ước này không thích hợp, trong khi trường hợp khác lại thích hợp không khó khăn. Ngay cả một đứa bé cũng biết rằng bạn không thể khôi hài trong đám tang, hay lo lắng về văn phạm khi la ó trong một trận đấu banh.
Các độc giả Kinh Thánh đương thời thường quên rằng Kinh Thánh không được viết theo các tiêu chuẩn văn phạm ngày nay. Các bản dịch tân thời thường làm cho nó có vẻ như thế, nhưng sự thật là nó bao gồm nhiều quy ước phổ thông của thế kỷ thứ nhất, mà tất cả dễ được nhận biết bởi các độc giả mà họ được nhắm đến.
Một số quy ước trong Kinh Thánh thì nguyên thủy là lời nói, và các bản văn trong hình thức này thường được nhớ lại trước khi chúng được viết xuống. Như thế các hình thức lời nói được duy trì bởi các tác giả Kinh Thánh nguyên thủy. Các bản văn khác được sửa đổi khi chúng được đưa vào các trang giấy. Và lại có những cách khác, tỉ như các thư của T. Phaolô, chỉ cho thấy các quy ước chữ viết thời đó bởi vì ngay từ đầu, chúng không bao giờ có trong hình thức lời nói.
Trong Kinh Thánh chúng ta thấy các bài giảng, Thánh Vịnh, dụ ngôn, tường thuật, thơ, bài hát, phả hệ và nhiều loại khác. Và vì không phải tất cả đều được đọc giống như nhau (các học giả gọi là thể loại), sự hiểu biết các hình thức xưa và khung cảnh trong đó được áp dụng là một bước quan trọng để tìm cách mở rộng kho dự trữ cảm nghiệm chung với các tác giả Kinh Thánh.
Khi chúng ta bắt đầu học hỏi về các quy ước lời nói và chữ viết trong Kinh Thánh, thật hữu ích để nhìn đến một vài quy ước để thấy chúng được sử dụng như thế nào và sự hiểu biết về các quy ước này giúp cho độc giả hiểu biết như thế nào. Vì một số hình thức trong Kinh Thánh thì thật quen thuộc với các độc giả ngày nay (tỉ như, dụ ngôn, phả hệ, thư của T. Phaolô, v.v.), chúng ta sẽ dùng những minh họa ít được biết đến.
Sự giảng dạy của Đức Giêsu là một bắt đầu tốt. Các độc giả Kinh Thánh thường không để ý rằng phần lớn những gì Đức Giêsu nói thì được “gói trọn” trong các hình thức nổi tiếng để giúp người nghe chú ý thích hợp đến những gì đang nói.
Một thí dụ của hình thức này là điều mà một số học giả gọi là một “công bố câu chuyện”, được tìm thấy trong Máccô 2:15-17.
Khung Cảnh → | 15. Và khi Người ngồi ăn tại nhà ông Lêvi, nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ngồi ăn với Đức Giêsu và các môn đệ - vì có nhiều người đi theo Người. |
Hành Động → | 16. Khi các kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, họ nói với các môn đệ của Người, “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” |
Lời Sắc Bén → | 17. Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần; Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng người tội lỗi.” |
Như bạn thấy, có ba phần trong hình thức này: (1) một khung cảnh, (2) hành động (đôi khi là đối thoại), và (3) một lời sắc bén vào lúc kết. Trong tiếng Hy Lạp, hình thức này được gọi là Chreia, và những người học cách viết kiểu này trong các trường Hy-La thì dùng các cẩm nang được gọi là Progymnasmata. Sự kiện rằng các truyền thuyết về Đức Giêsu dùng hình thức Hy-La này là một chứng cớ tốt cho thấy những câu chuyện này đã đi vào thế giới Dân Ngoại rất sớm.
Các câu chuyện về Đức Giêsu được khuôn đúc trong “hình thức” này bởi các tác giả tiên khởi là để thu hút sự lưu ý đến những lời sống động và sắc bén của Người. Chúng có thể dễ nhớ lại khi được đặt trong phương cách này trong những hoàn cảnh sống động. Sự công bố các câu chuyện thường ít chi tiết để như thế không làm lạc hướng nhắm đến dòng chữ sắc bén ở kết luận.
Những câu chuyện ba phần như thế thì phổ thông trong các Phúc Âm và là một hình thức dạy bảo phổ thông trong thời của Đức Giêsu. Bạn có thể nhìn đến một thí dụ khác trước khi đi tiếp, hãy nhớ rằng hình thức này được nhằm để tập trung sự chú ý đến lời sắc bén – nhưng trong bối cảnh của một tình huống đời sống có thật. Bạn sẽ tìm thấy chúng trong các Phúc Âm của Mátthêu, Máccô, và Luca, nhưng không trong Phúc Âm Gioan. Thí dụ, hãy nhìn đến Mátthêu 12:8, Máccô 2:28, Luca 6:5, và sau đó là Mátthêu 19:14, Máccô 10:14, Luca 18:16. Bạn có thể tìm thấy một thí dụ khác không? Hãy lưu ý rằng trong khi các chi tiết của các truyền thuyết này có thể thay đổi tùy Phúc Âm, dòng chữ sắc bén thường được giữ cùng một hình thức trong cả ba Phúc Âm.
Một hình thức khác có thể nhìn đến thì đáng được chú ý chỉ vì nó là một hình thức quá khác biệt mà chúng ta quen thuộc trong Giáo Hội ngày nay. Khi các xã hội tây phương viết các tín điều, tìm cách nói lên những gì chúng ta tin vì là Kitô Hữu, ngay lập tức chúng ta có khuynh hướng nghĩ về những ý tưởng mà chúng ta tin là các yếu tố thiết yếu của đức tin Kitô Giáo. Chúng ta đưa ra những tuyên bố như, “Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất, và tin Đức Giêsu Kitô, là Con duy nhất và là Chúa chúng tôi…” Như chúng ta thấy, các tín điều có mục đích đưa ra những tuyên bố đức tin về các ý tưởng chúng ta tin là đích thật. Đó là “hình thức” mà trong đó “các tín điều” của chúng ta được viết.
Thứ Luật 26:5 – 10a
Một cách tương phản, hãy xem kỹ những gì có lẽ là một trong những tín điều sớm nhất được sử dụng trong đời sống người Ít-ra-en xưa:
Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó cùng với một số người ít ỏi; tại đó, người đã trở thành một dân tộc lớn, mạnh và đông. Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. ĐỨC CHÚA đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tuôn chảy sữa và mật. Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.
Như bạn có thể thấy rõ, đây không phải là một danh sách những ý tưởng mà người ta tuyên xưng điều tin tưởng. Đúng hơn, đó là một câu chuyện, trong hình thức tóm lược, về những gì Thiên Chúa đã thi hành để giải thoát tổ tiên dân Ít-ra-en. Như Thứ Luật 26 cho biết, sự xác nhận này được thi hành vào lúc các nông dân Ít-ra-en đem hoa quả đầu mùa cho các tư tế. Sự cống hiến này là một hành vi thờ phượng, và nó được đi theo bởi một sự xưng thú đức tin dưới hình thức một câu chuyện.
1 Côrintô 15:3-7
Kể chuyện như một cách xưng thú đức tin của một người thì không chỉ là một hiện tượng trong Cựu Ước. Chúng ta có thể có một thí dụ trong Tân Ước về hình thức tín điều này:
Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ.
Đoạn này phản ánh câu chuyện được hình thành của Giáo Hội – sự tưởng nhớ về cái chết, sự phục sinh và những xuất hiện sau phục sinh của Đức Giêsu. Nó cũng là một xưng thú đức tin của Giáo Hội.
Hãy để ý trong những câu 8-11 cách ông Phaolô thêm vào câu chuyện này cảm nghiệm của chính ông với Đức Giêsu phục sinh, như thể nó cũng là một phần của câu chuyện được thích hợp trao truyền trong cộng đồng đức tin:
Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.
Như vậy, ở đây là hai thí dụ, một từ Cựu Ước và một từ Tân Ước, của một hình thức mà các tín điều được đưa vào Kinh Thánh. Đó là những tường thuật về những gì Thiên Chúa đã thực hiện, và chúng được trao truyền lại cùng với một hình thức ngày càng cố định như chúng được dùng và tái sử dụng trong cộng đồng đức tin. Bởi nhìn nhận chúng là các công thức tín điều đã truyền lại từ Phaolô và tác giả sách Thứ Luật, chứ không phải được họ sáng tác, chúng ta thấy các tác giả này tự coi mình như một phần của truyền thống đức tin sống động chứ không phải tác giả nguyên thủy. Các độc giả của họ, khi nhận biết các công bố đức tin của cộng đồng mình trong các bài viết này, cũng sẽ hiểu như thế.
Sách các Thánh Vịnh gồm thể thơ, một hình thức hay qui ước theo đúng nghĩa của nó, thì nổi tiếng đối với hầu hết những ai đọc Kinh Thánh. Điều ít được biết là các loại thơ trong Thánh Vịnh thì có các “dạng” riêng của nó, và nhiều dạng thì đặc biệt thích hợp với cách thờ phượng của Ít-ra-en.
Một thí dụ điển hình của các bài thơ được dùng đặc biệt là tập Thánh Vịnh 113-118. Tập này đôi khi được gọi là “Egyptian Hallel,” bởi vì đó là những bài ca ngợi Thiên Chúa vì đã giải thoát Ít-ra-en khỏi tay người Ai Cập. Giống như các Thánh Vịnh “Hallel” khác (chữ Hebrew có nghĩa “ngợi khen”), chúng có một hình thức đặc biệt để dùng trong sự thờ phượng tại các dịp lễ lớn của người Do Thái. Dần dà, trong phụng vụ Do Thái, tập này được coi như một Thánh Vịnh và vì thế được thuộc lòng để sử dụng chung trong việc thờ phượng. Tuy nhiên, lúc đầu nó được dùng trong dịp lễ Vượt Qua, các Thánh Vịnh 113 và 114 được hát trước bữa ăn và Thánh Vịnh 115 và 118 sau bữa ăn.
Thánh Vịnh ngắn nhất trong Kinh Thánh là Thánh Vịnh 117, một bài trong tập Hallel. Nhìn đến dạng thức của bài cho thấy một khuôn mẫu dường như có vẻ tự nhiên đối với người Ít-ra-en xưa cũng là dạng phổ thông của bài thánh ca ngày nay đối với chúng ta (có vài câu, mỗi câu được tiếp theo bằng một điệp khúc).
Thánh Vịnh 117
Kêu gọi đến thờ phượng | Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA! Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! |
Động lực để ca ngợi | Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. |
Tóm lược | Hãy ca ngợi CHÚA! |
Tuy Thánh Vịnh này rất ngắn, khuôn mẫu nó trình bày là một kiểu có thể tìm thấy trong hầu hết các Thánh Vịnh Hallel. Một số Thánh Vịnh kiểu này, giống như Thánh Vịnh “Egyptian Hallel”, đầu tiên được sử dụng trong thời gian phụng tự đặc biệt của Ít-ra-en. Các bài khác là các Thánh Vịnh ca ngợi tổng quát có thể được dùng trong nhiều trường hợp. Điều quan trọng ở đây là sự nhận biết dạng thức này để chúng ta có thể xếp loại Thánh Vịnh vào khung cảnh thờ phượng thích hợp.
Các Thánh Vịnh khác, trình bày các dạng khác nhau, thuộc về các trường hợp khác. Có những Thánh Vịnh vương giả được dùng cho lời cầu của ông vua, Thánh Vịnh cảm tạ cho cá nhân cũng như toàn thể dân tộc, các bài để hát khi leo lên đồi hướng về đền thờ, và nhiều loại khác. Một số Thánh Vịnh có thể truy nguồn về các biến cố lịch sử nào đó. Một số khác có thể truy nguồn về các dịp thờ phượng trong những phần đặc biệt của quốc gia. Biết được các dạng thức này có thể là sự trợ giúp lớn lao cho chúng ta để hiểu ý nghĩa của những lời thơ.
SỰ LẬP LẠI TẠO THÀNH “DẠNG THỨC”
Sự lập lại là điều tạo nên dạng thức. Làm điều gì đó lập đi lập lại thì giống như khắc một “đường rãnh” mà trong đó mọi thứ luôn đi theo cùng một hướng. Thật dễ để đi vào các khuôn mẫu như thế và lập lại đúng một dạng thức. Như thế, nhìn thấy các dạng thức trong Kinh Thánh phải dạy chúng ta một vài điều về việc phổ thông sử dụng truyền thống này trong Giáo Hội. Đó là một chứng cớ thêm nữa về cách Giáo Hội hình thành Kinh Thánh và Kinh Thánh hình thành Giáo Hội.
Trong bài này chúng ta nhìn đến ba loại văn chương Kinh Thánh: công bố các câu chuyện, các tín điều, và Thánh Vịnh Hallel. Mỗi loại phát sinh trong những hoàn cảnh khác nhau và mỗi loại được dùng trong những dịp thích hợp.
Công bố các câu chuyện là kiểu giảng dạy bán chính thức – có lẽ theo kiểu chreia của Hy Lạp khi đến lúc được viết xuống. Những lời nói của Chúa Giêsu mà họ duy trì là những nhận xét đơn giản, dễ nhớ, được hiểu tốt nhất là trong tình cảnh nhận thế nào thì trao lại như vậy. Sự kiện là một lời nói của Chúa Giêsu đôi khi được đi kèm với các giai thoại khác nhau bởi các tác giả khác nhau, điều đó gợi ý về sự linh động của truyền thống tiền-Phúc Âm, từ đó xuất phát các bài viết về các câu chuyện này. Nhưng sự nổi bật của dạng thức này trong các Phúc Âm là một minh chứng tốt cho thấy loại dạng thức này thì hữu ích để giúp những người nghe hay các độc giả đầu tiên dễ hiểu và dễ nhớ.
Các tín điều, như một bài trong Thứ Luật, được dùng để cho biết sự đúng đắn trong hành vi thờ phượng. Các bài khác, như trong 1 Côrintô 15, xuất hiện trong bối cảnh lời chú giải thần học về ý nghĩa Phúc Âm. Chúng là những trợ giúp cho việc phát triển sự hiểu biết thần học của dân Chúa chính bởi vì chúng là những câu chuyện – câu chuyện tiếp diễn – về những gì Thiên Chúa đang thi hành trong dân của Người. Với hầu hết các tác giả Kinh Thánh, tài liệu về tín điều mà chúng ta xem xét đã góp thành các chương nối tiếp trong câu chuyện dài về sự cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúng có thể được truy nguồn ngược trở về thời tiên khởi của Ít-ra-en, hay đi vào ngay trong thời gian và cuộc đời của một người bây giờ.
Các Thánh Vịnh Hallel, trên tất cả, là các bài ca ngợi. Chúng không thể được đọc như những công bố câu chuyện – như thể chúng ta tìm kiếm những câu mạnh mẽ như cú đấm hay những hiểu biết sâu sắc tóm gọn. Các Thánh Vịnh này cũng không có ý định để giảng dạy theo nghĩa hẹp. Hơn thế nữa, thật hiển nhiên là tuy nhiều Thánh Vịnh Hallel nhắc đến các biến cố vĩ đại trong lịch sử Ít-ra-en, chia sẻ các đặc tính đó với những câu chuyện đáng tin, ca ngợi Thiên Chúa trong sự thờ phượng, chúng không thực sự cùng một điểm là sự xác định chúng ta là ai bởi vì những gì Thiên Chúa đã thực hiện.
Tín điều chúng ta nhìn đến trong Thứ Luật 26 làm sáng tỏ điều này. Nó được sử dụng khi một nông gia dâng hoa quả đầu mùa cho Thiên Chúa. Nó xác định lý do ông ta thi hành – vì biết ơn Thiên Chúa đã ban đất đai cho ông và người dân. Đây là một hành vi thờ phượng, mặc dù cá nhân. Các Thánh Vịnh Hallel, ngược lại, được sử dụng khi giáo đoàn đông đảo tụ tập trong đền thờ để cất lời ca ngợi. Chúng là những bài hát cho toàn thể dân chúng. Điểm nhấn mạnh của chúng là sự cử hành đúng hơn là sự xác định.
HAI ĐIỂM SAU CÙNG