“Hai năm trước, vợ tôi, tên Jane và tôi khởi sự một tổ chức gọi là TRACKS (Training Resources and Care for Kids, [trung tâm huấn luyện và săn sóc trẻ em]) sau khi thấy nhu cầu của các em sinh sống ở trạm xe lửa Howrah, Calcutta. Các thầy Dòng Bác Ái Truyền Giáo đến đây vào buổi sáng, làm công việc thường xuyên của họ, và cung cấp một vài săn sóc ấy tế, nhưng chúng tôi thấy họ không thể phục vụ cho tất cả mọi vấn đề. Thí dụ, có khi chúng tôi tìm thấy một trẻ sơ sinh trên xe lửa, hay những đứa lớn lạm dụng tình dục những đứa nhỏ hay con gái--và những em nhỏ tuổi không được sự bảo vệ nào.
“Khi khởi sự chúng tôi không có gì cả, và khi chúng tôi xin Mẹ Têrêsa đồ tiếp tế thì mẹ đã cho chúng tôi thuốc men để bắt đầu hoạt động. Bây giờ, nếu một trong những đứa trẻ bệnh nặng hay cần chăm sóc liên tục, thì các chị ở Shishu Bhavan sẽ nhận các em. Chúng tôi bị bắt một vài lần bởi nhà chức trách; nhưng có lần Mẹ Têrêsa đã viết thư cho người quản lý trạm xe lửa về vấn đề của chúng tôi, sau đó chúng tôi ít bị trở ngại hơn.
“Công việc của chúng tôi là trông coi, trung bình từ 35 đến 40 trẻ từ một đến mười sáu tuổi. Chúng tôi cung cấp một bác sĩ, một y tá và hai thầy giáo, và chúng tôi có viên chức y tế và ba người tình nguyện từ các quốc gia khác đến. Chúng tôi dậy các em những căn bản như toán, địa lý và cách sống bình thường. Chúng tôi dậy các em bằng ba thứ tiếng: Ấn, Bengal và Anh ngữ.“
“Cũng giống như nhiều người thiện nguyện tôi biết, tôi đến Calcutta là do sự 'tình cờ.' Trên lý thuyết tôi chỉ dừng chân trên đường đến Úc. Lúc đó tôi là một chuyên viên thẩm mỹ; tôi vừa mới ly dị và người bạn cũ mời tôi đến thăm họ. Bỗng dưng tôi lạc đến trung tâm YWCA (Hội Thanh Nữ Kitô Giáo) và lập tức được chào đón bởi người điều hành nhóm tình nguyện cho Dòng Bác Ái Truyền Giáo. Cô ấy nói, 'Tôi vừa mới cầu xin Chúa cho có người giúp đỡ chúng tôi và bà đã đến đây.' Cô ấy hỏi tôi có thể đi với cô ấy vào xóm nhà nghèo và kêu gọi các em tiếp tay trong hoạt cảnh Giáng Sinh được tổ chức ở Nhà Mẹ hay không. Bạn có thể tưởng tượng được là tôi đến đó với váy ngắn bó sát người và giầy cao gót!
“Vài ngày sau tôi đến Kalighat lần đầu tiên. Thật là một khó chịu khủng khiếp đối với tôi--là một chuyên viên thẩm mỹ, tôi quen với mọi thứ xinh đẹp, thơm tho, do đó quả thật là một chấn động. Khi một trong những nữ tu yêu cầu tôi tắm cho một bà, tôi nghĩ, Không đời nào. Tôi không thể nào làm được. Tôi đứng đó một cách bất động. Chị ấy gọi tôi và nói, 'Penny, làm ơn mà. Bế họ lên.' Tôi chỉ khóc và trả lời tôi không thể làm được. Rồi chị ấy nói, 'Thôi được, đi với tôi,' và chị bế cái đống xương nhỏ bé, là cái bà đó, và đem vào phòng tắm. Ngay bây giờ tôi vẫn còn xúc động--ở đó thật âm u vì không có nhiều ánh sáng và tôi tuyệt đối sững sờ. Và tự nhiên cả căn phòng như rực sáng! Trước đó tôi còn nói 'Không thể được' nhưng ngay sau đó tôi nhận ra rằng, dĩ nhiên, tôi có thể.
“Tôi bị giao động thật bất ngờ khi nhìn thấy một trong những hình tôn giáo ở trên tường--là hình ảnh thân thể Ðức Kitô--và bất cứ ai cũng có thể là Ðức Kitô. Không chỉ là người đàn bà nhỏ bé đó trong bộ da lở loét vì chấy rận, nhưng cả thế giới là thân thể của Ðức Kitô. Tôi nhận ra rằng những gì tôi có thể làm cho người này thì cũng có thể làm cho bất cứ ai.
“Tôi ở đó sáu tháng, và khi tôi rời Calcutta, tôi nói với Mẹ Têrêsa, 'Con sẽ trở lại.' Người trả lời, 'Con sẽ không trở lại--nơi con ở có nhiều việc phải làm. Có nhiều điều sẽ xảy ra. Thiên Chúa sẽ cho con biết điều phải làm.' Khi sửa sắc đẹp cho các thân chủ, tôi thường cảm thấy thất vọng vì không thể giúp họ đương đầu với những vấn đề tâm lý. Tôi thấy rằng khi người phụ nữ cởi bỏ y phục của họ ra, họ trở nên một đứa trẻ, họ trở nên một người có quá nhiều điều để từ bỏ. Chúng tôi có thể tán gẫu và họ ra về với những vấn đề mà tôi không biết họ phải đương đầu như thế nào. Tôi có thể giúp họ nghỉ ngơi thoải mái nhưng tôi không thể giúp giải quyết những gì sâu kín bên trong tâm hồn khiến họ đau khổ. Và rồi tôi nhận thấy rằng tôi có thể đi học để trở thành một chuyên gia tâm lý--và tôi đã thi hành điều ấy.
“Giờ đây khi nghe những người lớn tuổi nói rằng họ không thể thay đổi vì quá lớn tuổi, tôi nói, 'Xin lỗi tôi không đồng ý, vì tôi đã trải qua điều đó--tôi đã hoàn toàn thay đổi đời tôi khi bốn mươi tám tuổi.'”
“Tôi bắt đầu tình nguyện cho Dòng Bác Ái Truyền Giáo vào đầu năm 1994 sau khi ngồi trước máy truyền hình và xem những hình ảnh ghê sợ ở Rwanda và Somalia. Vợ tôi thường đi buôn bán nên tôi ở nhà một mình và không có gì để làm. Tôi vừa xem vừa suy nghĩ, 'Chúa ơi, có rất nhiều việc phải làm và nhiều chỗ rất cần, phải có người đến đó và làm việc.' Và rồi tôi suy nghĩ mãi. Bạn ngồi đây, hoặc là làm cái gì hoặc là câm miệng lại. Và lúc đó tôi nghĩ xem có tổ chức nào dùng đến sự thiếu thốn khả năng của tôi hay không, vì tôi không có tài cán gì đặc biệt. Ðầu tiên tôi làm việc với các nữ tu Dòng Camêlô ở Hoa Thịnh Ðốn. Tôi làm việc hai tối một tuần tại trung tâm cho phụ nữ nghiện cần sa ma túy, nghiện rượu, đã từng làm điếm, và những người vừa mới ra khỏi tù. Ðó là một chỗ nguy hiểm nhưng tôi học được rất nhiều nơi những người vô gia cư. Bạn thấy, chúng ta thường có coi họ như những người xa lạ từ một hành tinh khác. Không bao giờ chúng ta nghĩ cho họ một chỗ để ở và nói chuyện với họ, vì chúng ta sợ họ có thể bạo động hay tâm tính bất quân bình; nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy đó chỉ là số nhỏ. Ða số họ là những người yên lặng, tử tế mà trong quá khứ họ đã có điều gì sai lầm. Họ là những người nhiều cảm xúc và bị nguy hiểm hơn là nguy hiểm.
“Khi Mẹ Têrêsa đến thăm Hoa Thịnh Ðốn vài năm trước. Tôi nhớ khi người ở trụ sở Quốc Hội trong một buổi tiếp tân, một nghị sĩ đã nói với người, 'Mẹ làm công việc thật phi thường.' Người trả lời, 'Ðó là công việc của Thiên Chúa.' Ông nói tiếp, 'Nhưng ở Ấn độ, là nơi có quá nhiều vấn nạn, có bao giờ mẹ thành công trong công việc đang làm--đó có phải là sự cố gắng tuyệt vọng hay không?' Người trả lời, 'Thưa Nghị Sĩ, chúng tôi không luôn luôn được mời gọi để thành công nhưng chúng tôi luôn luôn được mời gọi để sống đức tin.' Câu trả lời của người đã thật sự rúng động tâm hồn tôi.
“Và rồi, gia đình tôi di chuyển sang Âu Châu, tôi đến gặp các chị Dòng Bác Ái Truyền Giáo, họ đã cho tôi công việc tình nguyện ở Luân Ðôn, và tôi ở đó cho đến nay. Mỗi sáng tôi sung sướng được ở đây--tôi thật ngạc nhiên nhưng đó là sự thật. Tôi nghĩ, 'Tạ ơn Chúa, và bắt đầu làm việc.' Tôi luôn luôn vui sướng khởi sự, không như những công việc tôi đã từng làm--ở ngoài đời, có trả lương--là nơi tôi luôn luôn bất mãn. Ở đây những gì tôi thi hành thì thích hợp với những gì tôi suy nghĩ ở bên trong. Không có sự tương phản giữa tâm tình, ý nghĩ và hành động.“
“Tôi thường nghĩ rằng thay đổi thế giới là điều bất khả và có lẽ là ý tưởng điên rồ. Nếu bạn không thích phương cách đó thì hãy thay đổi chính bạn. Ðó là những gì tôi đã từng làm trong gia đình, trong công việc và trong cuộc đời tôi. Qua sự thay đổi chính mình tôi có thể tiếp xúc và đến với người khác một cách thân thiện hơn. Lúc trước tôi hút thuốc liên tục và nặng 210 cân Anh, tôi quyết định ngừng tiêu hủy đời mình, tôi bắt đầu chạy bộ và sụt cân và trở nên mạnh khỏe hơn.
“Vài năm trước, khi tôi chạy bộ, có tiếng thì thầm rằng, 'Bạn phải làm một cái gì cho Thiên Chúa.' Tôi không biết phải làm gì. Rồi tôi thấy mẩu tin trong tờ mục vụ của xứ đạo: 'Cần một thanh niên để giúp các nữ tu ở South Bronx trong trung tâm tạm cư cho giới trẻ.' Bởi thế tôi tiếp xúc với họ và đi xuống đó. Tôi nói, 'Thưa dì, tôi đang tìm trung tâm tạm cư,' và chị trả lời, 'Hãy đứng vào góc kia.' Hiển nhiên là chị nghĩ rằng tôi đang cần sự giúp đỡ. Các chị có quy tắc là nhận những người đến từ tối hôm qua trước và những người mới đến phải chờ cho đến cuối cùng. Bởi thế tôi đứng đó, nhìn những người thiếu sự giúp đỡ, người nghiện thuốc, nghiện rượu, người vô gia cư và tôi đứng ngay đàng trước cửa để chờ đợi. Mỗi khi các chị mở cửa và nói, 'Vui lòng đợi,' tôi lại tự nhủ, 'Ðược, mình sẽ đợi'--và tôi trở vào trong xe, vì trời hơi lạnh. Dân chúng vẫn đứng ở bên ngoài và sau khoảng ba lần mở cửa các chị vẫn nói tôi phải đợi, tôi cảm thấy khó chịu--có lẽ tôi bỏ cuộc. Trời lạnh và tối dần. Tôi nghĩ, 'Mình đứng đây làm gì?' Tôi là người sau chót.
“Sau cùng, tôi bấm chuông. Họ mở cửa và tôi lên tiếng ngay, 'Tôi là Gerry, tôi đến để làm việc tình nguyện.' Họ vui mừng nói, 'Ô, chúng tôi đang đợi anh!' và đó cũng là lúc tôi biết họ sẽ nhận tôi, vì có một nữ tu cất tiếng nói, 'Anh là người đã từng bị lạnh với những người nghèo.' Và tôi đã đến cánh cửa đó hai lần một tuần trong mười ba năm. Với những ai phải chờ đợi tôi nói, 'Hãy kiên nhẫn,' vì tôi rất hiểu tâm tình của họ.
“Bây giờ tôi là người tình nguyện làm việc toàn thời gian và giúp các chị mở trung tâm ở những nơi khác, kể cả New Mexico với người da đỏ Navajo. Khi mới đương đầu với người say rượu tôi thấy thật khó để nhận ra Chúa Giêsu đau khổ ẩn giấu trong người nghèo. Nhưng biết rằng tôi phải cố gắng tìm kiếm, vì những người nghèo ở đây không giống như những người ở Calcutta và Mễ Tây Cơ. Những người ở đây đau khổ nhiều vì nghèo đói tinh thần, mà nó có thể phát sinh bởi suy đồi luân lý và sự thật là, nếu bạn chỉ là người nghèo, bạn không thích hợp với họ. Ðó là lý do của những gì chúng tôi làm ở South Bronx; nhưng ở đây không có nhiều người muốn tình nguyện vì chúng tôi cần họ sống thường xuyên ở đây và đa số không muốn sống trong vùng này.“
“Ông bà nội của Ken ở Ấn Ðộ và chúng tôi muốn đến thăm ông bà. Chúng tôi quyết định không đi theo tổ chức du lịch mà dùng thời giờ để giúp đỡ các nữ tu ở Calcutta. Kể từ lúc đó, chúng tôi là những người tình nguyện làm việc trong trung tâm của các chị ở Luân Ðôn.
“Năm vừa qua, khi chúng tôi đi nghỉ hè ở nước Do Thái, chúng tôi muốn đến thăm vùng Nablus, trong phần đất người Do Thái chiếm đóng, là nơi các chị làm việc trong tình trạng thật khó khăn, chăm sóc những trẻ em và người già từ các trại tị nạn Palestine. Họ khuyên chúng tôi đừng nên đi vì đó là nơi nguy hiểm, nhưng chúng tôi đang ở trên đất nước này và thành phố ấy chỉ cách Giêrusalem 50 dặm về phía bắc, bởi thế không cách nào ở Giêrusalem mà không đến thăm chỗ đó được.
“Chúng tôi không mang theo gì nhiều ngoại trừ một ít vật dụng cho các chị, nhưng tôi nghĩ là các chị rất vui khi thấy chúng tôi đến mà không xá gì nguy hiểm. Họ có một căn nhà xinh xắn trên mảnh đất của họ với năm chị và một linh mục già người Ý. Họ rất tự lập và bị đe dọa thường xuyên, ngay cả bởi những người Palestin--là những người lúc đầu nghĩ rằng họ là dân Do Thái vì chiếc áo saris của các chị có mầu xanh và mầu trắng trông giống cờ Do Thái! Người Palestine thường ném đá các chị nhưng bây giờ họ đem đến cho các chị những trẻ em tàn tật và người già.
“Chắc chắn là chúng tôi đã học hỏi được nhiều khi giúp đỡ các chị. Một trong những bài học này là bạn sẽ trở nên cứng cáp hơn khi bạn lưu tâm đến sự yếu đuối của người khác hơn là của chính bạn. Chúng tôi thấy rằng khi bù đầu trong việc giúp đỡ người khác, chúng tôi không còn thì giờ lo cho mình--bởi thế mọi sợ hãi tan biến.“
“Tôi gặp Mẹ đầu tiên vào năm 1969 khi một linh mục nhà trường mời người đến thăm. Lúc đó tôi mười ba tuổi và đối với tôi Mẹ Têrêsa giống như bất cứ bà già nào khác, nhưng tôi nhớ những gì mẹ nói trong nhà nguyện sau Thánh Lễ hôm đó thật khác thường.
“Các linh mục thường tổ chức các nhóm đến Ý để giúp các chị ở đó. Lúc đó, khoảng thập niên bảy mươi, vẫn có những khu ổ chuột ở Ý. Các trẻ em không có gì để làm nên bị bỏ mặc trong những tình trạng đáng thương. Chúng tôi tổ chức những sinh hoạt thể thao và đủ loại trò chơi cho các em--và các em rất thích.
“Sau khi rời đại học, tôi muốn đóng góp chút gì cho xã hội. Bởi thế tôi quyết định dành thời giờ làm việc với các chị. Ðó thật là một kinh nghiệm phong phú--dù rằng tôi nghĩ phải mất hai năm tôi mới thấu hiểu tất cả ý nghĩa của nó. Tôi thích niềm vui của các chị cách đặc biệt, cũng như cách các chị làm việc với dân chúng.
“Chúng tôi sống trong điều kiện khá chật chội ở Kilburn, Luân Ðôn, nhưng nơi đó đã thu hút nhiều người, không chỉ những người vô gia cư, mà cả những người trẻ, người già, đủ loại người muốn tham dự. Ở cuối dãy nhà là chỗ tạm cư với 14 giường nằm cho những ông vô gia cư. Thường thường, các chị tổ chức sinh hoạt ngoài trời. Chúng tôi ra đi khoảng 5 giờ 30 sáng, trên những xa lộ và đường mòn, phân phát các giấy mời. Bất cứ ai muốn đến thì cứ đến. Tôi thích như vậy.
“Khi bạn để ý tính nết con người, bạn sẽ quên đi những nhãn hiệu thường dùng như 'nghiện rượu,' hay 'chích choác'--bạn chỉ thấy con người họ và trở nên thân thiện. Không ai rao bán cho họ bất cứ gì. Mẹ nói rằng trong tất cả các căn nhà của Mẹ trên thế giới những gì nhận được miễn phí sẽ cho đi miễn phí. Ðiều đó đối với tôi thật mỹ miều. Nhiều người đến ở đây hỏi rằng, 'Chúng tôi có phải trả tiền không?' hay 'Chính phủ có cung cấp gì không?' Họ hỏi, 'Làm sao có thể miễn phí được?' Và chúng tôi trả lời, 'Vì nó được trao tặng miễn phí.'
“Có lúc gia đình tôi gặp nhiều trở ngại. Mẹ tôi đau nặng trong tám năm vì bệnh tâm thần, buồn chán và bệnh mất trí nhớ. Mọi thứ như chụp xuống trên tôi cùng một lúc. Và khi mẹ tôi thật yếu thì tôi lại thật vững mạnh. Tôi có được những hiểu biết để lo lắng cho gia đình là nhờ làm việc ở Kilburn. Sau khi mẹ tôi chết tôi trở lại làm việc ở Kilburn--tất cả những em trai đều có mặt ở đó đón tôi, thật an ủi và ấm lòng.
“Tôi biết nhiều người muốn làm việc tình nguyện nhưng không muốn gặp rắc rối. Các chị có đủ mọi loại trung tâm ở những nơi đầy dẫy tranh chấp chính trị hoặc bạo động, và nhiều người cho biết, 'Tôi không muốn đến đó, vì không được an ninh.' Nhưng tôi khuyên cứ đến đó đi, hãy chạm với thực tế qua tổ chức Bác Ái Truyền Giáo hoặc bất cứ tổ chức nào bạn tìm được. Ða số chúng ta sợ ra ngoài và gõ cửa nhà người hàng xóm--nhiều người không biết hàng xóm mình là ai. Hãy thử liều: vì cũng có người yêu cầu chúng ta đi chỗ khác nhưng cũng có người muốn làm quen. Và qua sự tiếp xúc, nhiều vấn đề có thể được giải quyết dễ dàng. Nếu tìm đến với người khác thì không thể nào cô độc được, nhất là trong cộng đồng của bạn. Ðó là điều hỗ tương--bạn cho đi và được lãnh nhận.“
“Tôi làm việc tình nguyện ở Kalighat và cảm thấy gần gũi với những người ở đây. Ðó là một ưu tiên để phục vụ những người hấp hối, để gặp gỡ những người nghèo trong tình cảnh đó, để vượt qua những cách biệt lớn lao giữa Ðông và Tây, giữa các nền văn hóa, giữa những giai cấp, và để thực sự tiếp xúc với một ai đó ở mức độ phù hợp với khả năng của bạn. Khi từ Ấn trở về Luân Ðôn tôi thật sự rùng mình--tôi thấy mọi sự như giả tạo, cứng ngắc, lớp lang. Nhưng tôi cố gặp gỡ những người nghèo ở đây mặc dù khó khăn hơn. Thí dụ, mỗi ngày khi đi bộ đến sở làm, tôi đi ngang qua một người vô gia cư sống dưới hầm xe điện. Một ngày kia, vào buổi sáng đến sở tôi thấy có một ông để lại một bình thủy và vài miếng bánh mì thịt cho người vô gia cư đó, và khi tan sở, trên đường về ông lấy lại cái bình thủy này. Tôi nghĩ tôi có thể thêm vào một trái cam--và tôi đã làm như thế mỗi ngày. Khi hành động như vậy tôi cảm thấy có sự gặp gỡ tinh thần với các nữ tu--tôi không còn cảm thấy sự ngăn cách giữa các quốc gia hay văn hóa nữa. Như Mẹ Têrêsa nói, 'Chúng ta là những hòn sỏi ném vào biển và tạo nên những gợn sóng,' và gợn sóng đó có thể tạo bởi một hành động phục vụ nhỏ bé, và đó là khởi đầu của nhiều hành động khác, có phải không?“
Ðây là một trong những người tình nguyện làm việc ở Los Angeles, cô sẽ cho biết phương cách mà cô đã giúp các thầy về sứ vụ của họ--và lúc đầu dường như cô thấy đó là một thế giới khác biệt. Nhưng cũng như cô Mary ở trên, cô Geraldine thấy rằng khi giúp đỡ người khác bạn có thể giúp đỡ chính bạn.
“Ngày kia tôi giúp đỡ các thầy trong công việc của họ, và có được một ngày tôi không bao giờ quên.
“Mỗi Thứ Bẩy và Chúa Nhật, các thầy và những người làm việc của Dòng Bác Ái Truyền Giáo phân phối thực phẩm cho những người vô gia cư ở các đường phố. Ngày kia tôi đi với Thầy Luke, khi chúng tôi lái xe vào một con hẻm, thầy nói, 'Hãy chuẩn bị, vì chỗ này thật dơ dáy--chúng tôi gọi là Khách Sạn Ðịa Ngục.' Khi đến nơi, khách sạn toàn là rác. Lúc đầu, tôi chỉ thấy một bà ngồi trong cái thùng giấy. Thầy Luke và tôi ra khỏi xe và mùi hôi thối của rác và nước tiểu thật không thể tưởng được. Chúng tôi đi vào cái khách sạn bỏ hoang này, và ở đó có cái sân cũng đầy rác rưởi. Chúng tôi bắt đầu lớn tiếng cho biết có thức ăn và đồ uống. Từ từ những người sinh sống ở đó bắt đầu bước ra, tiến đến chúng tôi. Họ rất cần được săn sóc--thân thể của họ gầy mòn, họ ốm yếu, đói khát, và họ sống trong một chỗ như là Ðịa Ngục. Khi thấy họ bước ra khỏi khách sạn, tôi liên tưởng đến những phim kinh dị, như thể họ bước ra từ cõi chết. Tôi bị sững sờ bởi hình ảnh, mùi hôi thối, và sự tuyệt vọng của tất cả những người này.
“Trong khi tôi phân phát trái cây và bánh mì, một bà tên là Margarita tiến đến tôi. Bà bị đau, tay ôm lấy cổ và nói khó khăn. Bà hỏi tôi có biết dưỡng đường nào để bà đến xin thuốc, dĩ nhiên tôi không biết. Tôi hỏi Thầy Luke và thầy nói chúng tôi sẽ gọi một bác sĩ chữa trị cho bà. Bà Margarita cho biết là bà sống trên tấm nệm dưới một cái cây ở phía bên kia của khách sạn. Chúng tôi bảo đảm với bà là sẽ trở lại. Sau khi lên xe, tôi bắt đầu khóc và không thể ngừng được. Tôi khóc vì cảm thấy sự chán chường và tuyệt vọng; nó xấu xa hơn bất cứ những gì tôi đã từng thấy trong bao năm.
“Bác sĩ Bill, là bác sĩ ngoại thương ở bệnh viện Los Angeles, đến khoảng chín giờ tối. Chúng tôi lập tức đi tìm bà Margarita. Bà nằm trên tấm nệm bên ngoài Khách Sạn Ðịa Ngục. Bây giờ bà như mê sảng với cơn sốt ít nhất 104 độ. Ở trên đường phố vào giờ này, quả thật là một cảm nghiệm mới đối với tôi. Chỉ cách đó 10 thước là buôn bán ma túy và những sinh hoạt lén lút. Trong khi bác sĩ Bill giải thích cách uống thuốc cho một bà vô gia cư khác, chúng tôi đến gặp bà Margarita và thấy bà cuộn tròn trong tư thế của thai nhi, toàn thân bà run lên. Cái chăn dơ dáy quấn chung quanh bà và ruồi bu đầy như bạn thấy nơi những người chết đói ở Phi Châu. Tôi quỳ gối bên cạnh bà và vuốt ve cánh tay bà thật trìu mến. Tôi làm như thế khoảng ba bốn phút. Thật lạ lùng, tôi cảm thấy bà có vẻ dễ chịu. Người bà duỗi thẳng ra và không còn run nữa. Dường như bà đầy bình an và bình tĩnh dù rằng bà đang bệnh nặng và có lẽ đang bị phản ứng vì thiếu ma túy. Vì đau yếu, bà không thể hành nghề mãi dâm để mua ma túy.
“Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới thấu hiểu được những gì xẩy ra. Tôi tin rằng chúng ta là những máng chuyển năng lực xoa dịu của Thiên Chúa và chúng ta có thể chuyển tiếp cho nhau. Tôi không rõ ai là người được xoa dịu trong tình cảnh này. Khi đến Los Angeles tôi cảm thấy tan nát vì những xáo trộn khi từ bỏ công việc mà tôi đã làm trong mười tám năm và đối diện với nhiều loại đau khổ của đủ loại vấn đề. Tôi xúc động khi gặp bà Margarita vì từ lâu tôi chưa bao giờ khóc khi thấy sự đau khổ của người khác. Tưởng rằng sự đau khổ của tôi là chính đáng, dù chỉ trong khoảng khắc, nhưng so với những gì tôi chứng kiến ở Khách Sạn Ðịa Ngục thì sự đau khổ ấy dường như không thấm vào đâu.
“Tôi cảm thấy thật sự có liên hệ với bà Margarita. Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm bà, đem cho bà chén cháo gà và nước uống. Bà dần tỉnh lại và cám ơn chúng tôi. Tôi bâng khuâng tự hỏi, Tại sao lại là bà Margarita mà không phải là tôi? Ðầu óc tôi cho biết, không dễ để trả lời những bí ẩn của cuộc đời.“
“Khi lên mười hai tuổi tôi có xem cuốn phim về Gladys Ailwood, là người đầy tớ gái không có nhiều tiền và cũng không có khả năng nhưng cô đã quyết định trở thành một nhà truyền giáo. Và cô sang Trung Cộng, là nơi đang có chiến tranh, cô đã đem hơn 200 trẻ em vượt núi để thoát khỏi cảnh chém giết. Và tôi nghĩ, Ðó là điều tôi muốn thực hiện vào một ngày nào đó!
“Như mọi thiếu niên khác tôi bắt đầu xa Giáo Hội và làm việc trong kỹ nghệ thời trang may mặc. Tôi là người kiểu mẫu để chụp hình trong thời kỳ 'punk' của thập niên bảy mươi.
“Một ngày kia tôi thấy muốn có một chút bình an và điều gì đó đã thúc giục tôi đến nhà thờ. Thánh lễ cũng như thường lệ nhưng vào cuối lễ, vị linh mục đề cập đến một bà sơ tên là Mẹ Têrêsa và những nữ tu của nhà dòng. Tôi chưa bao giờ nghe về bà và ao ước muốn tìm hiểu thêm nữa. Vì thế tôi đến Dòng Bác Ái Truyền Giáo ở Luân Ðôn và gặp bà bề trên, bà hỏi, 'Khi nào con muốn bắt đầu? Thứ Bẩy tới được không?' Cho đến bây giờ tôi đã làm việc cho các chị trên mười ba năm và họ giống như chị ruột của tôi--tôi làm đủ mọi thứ cho họ.
“Tôi nghĩ là tôi đang tìm kiếm một cái gì, những gì mà tôi có thể làm cho người khác. Tỉ như giúp các chị phân phối thực phẩm, làm việc suốt đêm, và nói chuyện với những người trên hè phố. Tôi biết rằng những gì tôi đang làm thì thật thích hợp với tôi.
“Những ưu tiên của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Sau chút suy nghĩ, tôi quyết định sống bằng nghề săn sóc người khác, mặc dù tôi biết là tiền lương chỉ bằng một phần tư những gì tôi đã được trả trong quá khứ. Bây giờ tôi làm việc trong một bệnh viện ung thư ở Luân Ðôn. Tôi là người sắp xếp công việc, nhận người nhập viện và xuất viện. Tôi thấy có những người không than phiền gì cả khi phải chịu đựng những nghịch cảnh--họ thật can đảm. Ðôi khi có những người mất trí đến với tôi và tâm sự với tôi dù tôi không biết gì về họ.
“Những người trong bệnh viện biết tôi làm việc cho Dòng Bác Ái Truyền Giáo và họ rất tốt, cung cấp cho tôi rất nhiều thuốc men để gởi sang Calcutta. Tôi bảo trợ một vài em, theo số lương của tôi cho phép, và tôi nhận được rất nhiều đồ từ hãng Walt Disney gửi đến--các đồ chơi và phù hiệu cho trẻ em ở Shishu Bhavan.
“Dần dà tôi nhận thức được rằng, càng ít của cải bao nhiêu càng hạnh phúc bấy nhiêu. Khi bạn chứng kiến lối sống đơn giản của các nữ tu, điều đó có thể thay đổi đời sống của bạn. Ðó là sự đơn giản, đó là điều tôi yêu thích. Tôi tin là cách đơn giản là con đường dễ nhất để đến với Thiên Chúa.“
Tôi luôn vui sướng khi nghe biết những câu truyện của những người cung cấp dịch vụ cần thiết cho người khác. Một ngày kia, có nhóm thanh niên Ấn Ðộ đến với tôi và nói rằng họ quyết định thành lập một tổ chức tên HOPE (Hy Vọng) có mục đích giúp đỡ những người tuyệt vọng. Bởi thế họ gom góp tiền bạc và mua 70 tấm nệm cho những tù nhân. Họ hy sinh tiền bạc để mua quà và không bao giờ nói cho ai biết món quà này từ đâu đến.
Những lời cầu nguyện sau đây là những lời tôi rất thích. Tôi gửi cho những người cộng tác với chúng tôi, những người thiện nguyện, những người khách, để hướng dẫn và giúp họ khi họ phục vụ người khác.
Lạy Chúa, xin giúp con lan tỏa hương hoa của Chúa
bất cứ đâu con đến.
Xin đổ ngập hồn con với sự sống và thần linh của Ngài.
Xin hãy thấm nhập và chiếm trọn toàn thể con người con
cách tuyệt đối đến nỗi
cả đời con chỉ là một ánh hào quang của Ngài.
Xin hãy chiếu sáng qua con, và ở trong con
để bất cứ linh hồn nào con gặp gỡ
đều cảm thấy sự hiện diện của Ngài trong linh hồn con.
Xin để họ nhìn thấy không phải là con những chỉ có Ngài.
Ôi Lạy Chúa!
Xin ở với con, và rồi con sẽ tỏa sáng như Chúa chói chang nhất;
tỏa sáng như một ánh sáng cho người khác.
Lạy Chúa, sự sáng tất cả sẽ từ Ngài; không có gì là của con;
Chính Chúa soi sáng người khác qua con.
Con xin chúc tụng Chúa bằng phương cách mà Chúa thích nhất,
là làm gương cho những người chung quanh.
Xin giúp con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm, bằng sức mạnh thu hút bởi ảnh hưởng dễ thương của những gì con làm, bởi chứng cớ trọn vẹn nhất của tình yêu mà tâm hồn con luôn hướng đến Chúa.
Ðức Hồng Y John Henry Newman
Lạy Chúa, xin hãy biến đổi con trở nên có giá trị, để phục vụ anh chị em chúng con trên thế giới, những người sống và chết trong nghèo khổ và đói khát. Xin ban cho họ của ăn hàng ngày qua bàn tay của chúng con; và bởi tình yêu thông cảm của chúng con, xin ban cho họ sự bình an và niềm vui.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI