Căn bệnh hiểm nghèo nhất của Tây phương hiện nay không phải là bệnh cùi hay ho lao: nó là bệnh bị khước từ, bị ghét bỏ, và không được chăm sóc. Chúng ta có thể chữa bệnh tật thể xác bằng y dược, nhưng chỉ có thể chữa bệnh cô đơn, chán chường, và tuyệt vọng bằng tình yêu. Nhiều người trên thế giới đang chết vì miếng bánh nhưng cũng có nhiều người đang chết vì thiếu chút tình yêu. Sự nghèo nàn của Tây phương là một loại nghèo nàn khác lạ--nó không chỉ nghèo nàn vì cô đơn nhưng còn nghèo về tinh thần. Họ đói khát tình yêu, cũng như đói khát Thiên Chúa.
Bạn không thể đáp ứng được nhu cầu này trừ khi bạn có ân sủng của Thiên Chúa giúp đỡ. Trước hết, Chị Dolores và kế đó Chị Kateri sẽ giải thích thêm về điều này:
“Chúng ta phải được Thiên Chúa yêu thương trước đã, và chỉ như thế chúng ta mới trao ban cho người khác được. Nếu chúng ta muốn trao tình yêu cho người khác chúng ta phải tràn đầy tình yêu đó. Thiên Chúa hành động trong phương cách này. Chính Người là người khuyến khích tất cả chúng ta thi hành những gì chúng ta đang làm, và nếu chúng ta cảm nhận được tình yêu của Người ban cho chúng ta thì tình yêu ấy sẽ tỏa ra từ chúng ta. Tình yêu của Người không có biên giới.“
“Chỉ có một tình yêu và đó là tình yêu của Thiên Chúa. Một khi chúng ta yêu Chúa sâu đậm đủ chúng ta sẽ yêu thương người khác cũng như vậy, bởi vì, khi chúng ta lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng biết tôn trọng hơn những gì Người đã tạo dựng, cũng như nhận biết và cảm tạ tất cả những quà tặng mà Người đã ban cho chúng ta. Và rồi một cách tự nhiên chúng ta muốn chăm sóc tất cả.
“Thiên Chúa tạo dựng thế giới cho sự vui sướng của con người--nếu chỉ khi nào chúng ta thấy được sự tốt lành của Người ở mọi nơi, Người lưu tâm đến chúng ta. Người nhận biết những nhu cầu của chúng ta: một tiếng điện thoại chúng ta đang chờ đợi, một chuyến xe chúng ta được cung cấp, một lá thư trong hộp thư, mọi sự nhỏ bé Người làm cho chúng ta hàng ngày. Khi chúng ta nhớ đến và nhận biết tình yêu của Người ban cho chúng ta, chúng ta bắt đầu đi vào cuộc tình với Người bởi vì Người quá bận rộn với chúng ta--bạn không thể từ chối Người. Tôi tin là không có gì trên đời may mắn hơn, đó là tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người.“
Khi bạn biết Thiên Chúa yêu thương bạn là dường nào lúc ấy bạn sẽ sống cuộc đời chiếu tỏa tình yêu ấy. Tôi luôn luôn nói rằng tình yêu khởi sự từ nhà: gia đình trước đã, và sau đó đến thành phố hay đô thị. Dễ để yêu thương những người xa chúng ta nhưng không luôn luôn dễ để yêu thương những người sống với chúng ta hay ngay bên cạnh chúng ta. Ðể yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, trở nên thân thiện. Ai ai cũng cần tình yêu. Ai ai cũng muốn biết rằng họ được đón nhận và như thế họ thật quan trọng đối với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói, “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.“ Người cũng nói, “Bất cứ điều gì con làm cho người bé mọn nhất của anh chị em ta, con đã làm cho chính ta,“ bởi thế chúng tôi yêu Người trong những người nghèo. Chúa nói, “Ta đói và con đã cho ta ăn... ta trần truồng và con đã cho ta mặc.“
Tôi luôn nhắc nhở những tu sĩ nam nữ là ngày của chúng ta gồm hai mươi bốn giờ với Chúa Giêsu. Chị Theresina giải thích thêm, và Cha Bert White cũng cho biết quan điểm của ngài:
“Chúng tôi là những người tận hiến cho sự chiêm niệm nên đời sống chúng tôi đặt trọng tâm ở cầu nguyện và hành động. Việc làm của chúng tôi là thể hiện những gì chúng tôi suy niệm, kết hợp với Thiên Chúa trong bất cứ công việc nào chúng tôi làm, và qua công việc (chúng tôi gọi là việc Tông Ðồ) chúng tôi nuôi dưỡng sự kết hợp với Thiên Chúa, bởi thế cầu nguyện và hành động, hành động và cầu nguyện tiếp tục tràn lan.“
“Gandhi nói, 'Hãy hành động, nhưng đừng tìm kiếm hoa quả của hành động.' Hành động của bạn phát sinh từ bản chất con người bạn, đó là hoa quả. Nó gần giống như được yêu--khi tình yêu tràn lan đến người mà bạn yêu.“
Sau đây là lời cầu nguyện mà mỗi một tu sĩ Bác Ái Truyền Giáo đọc trước khi làm việc Tông Ðồ. Lời ấy cũng được dùng như lời Cầu Nguyện của Y Sĩ trong trung tâm Shishu Bhavan, trung tâm trẻ em ở Calcutta:
Lạy Chúa, Vua Chữa Lành, con quỳ gối trước Ngài,
Vì mọi quà tặng tuyệt hảo đều xuất phát từ Chúa,
Xin ban cho con đôi tay khéo léo, một tâm trí minh mẫn, một tâm hồn tử tế và hiền lành.
Xin cho con chỉ nhắm đến một mục đích, đó là sức mạnh để xoa dịu phần nào sự đau khổ của anh chị em con, và thực sự nhận biết đó là điều tiên quyết của con.
Xin lấy khỏi tâm hồn con những xảo trá và trần tục,
Với đức tin của một đứa trẻ, con trông cậy vào Chúa.
Yêu thương thì không hạch sách và bác ái không phải là bố thí, nó liên hệ đến tình yêu. Bác ái và tình yêu thì giống nhau--với lòng bác ái bạn cho đi sự yêu thương, như thế đừng bố thí nhưng hãy mở lòng đến với người khác. Khi ở Luân Ðôn, tôi đến thăm những người vô gia cư trong nhà phát thức ăn của các chị. Một ông, thường sống trong những cái thùng giấy, nắm bàn tay tôi và nói, “Ðã từ lâu tôi không được cảm thấy sự ấm áp của bàn tay con người.”
Mary, một trong những người làm việc tình nguyện, có thêm những ý kiến để đến với người khác:
“Tôi thấy sự giúp đỡ thực tế có thể nhục mạ người ta trừ khi nó được thi hành với tình yêu. Không ai muốn xin xỏ người khác. Tôi cũng thấy khi cố tiếp xúc với người ta ở vào tình cảnh như thế này thì không gì tốt hơn là trong một phương cách có tổ chức, như tiếp tay với các nữ tu phân phối thức ăn. Cách tốt nhất là đừng quá bận rộn phân phát hay dọn dẹp nhưng cố nói chuyện với họ, hay ngồi với người nào đó--cố để tiếp xúc một cách thân tình. Nhiều người trong bọn họ có mang theo những hình ảnh và bạn có thể hỏi họ cho xem những hình ảnh đó--hay nói vui đùa về kiểu tóc của họ--bất cứ gì!
“Ðiều quan trọng là cố tìm ra một điểm để tiếp xúc ngay cả một câu nói, “Bạn ăn có ngon không?” Nếu thấy có ai đứng hay ngồi một mình thì hãy lợi dụng cơ hội ấy để đến với họ.“
Tình yêu không có ý nghĩa nếu không được chia sẻ. Tình yêu phải có hành động. Bạn phải yêu mà không mong đợi, làm điều gì đó vì yêu, chứ không vì những gì bạn sẽ nhận được. Nếu bạn trông đợi đền đáp, thì đó không phải là tình yêu, bởi vì tình yêu thật là yêu không điều kiện và không mong đợi.
Nếu cần thì Thiên Chúa sẽ hướng dẫn bạn, như Người đã hướng dẫn chúng tôi phục vụ những người bị bệnh AIDS. Chúng tôi không xét đoán họ, chúng tôi không hỏi xem chuyện gì đã xảy ra cho họ và làm sao họ bị bệnh, chúng tôi chỉ thấy nhu cầu và chăm sóc họ. Tôi nghĩ Thiên Chúa muốn nói với chúng tôi điều gì đó qua bệnh AIDS, cho chúng tôi một cơ hội để chứng tỏ tình thương của chúng tôi. Những người bị bệnh AIDS đã khơi dậy lòng yêu thương dịu dàng trong những người mà có lẽ họ đã khép kín và quên đi tình yêu ấy.
Chị Dolores cho thấy chỉ cần ở đó với lòng yêu thương cũng đã đủ:
“Lúc đầu những người bị bệnh AIDS thật sợ hãi khi đến với chúng tôi. Thật khó cho họ phải đương đầu với sự kiện là họ sắp chết. Nhưng khi ở với chúng tôi và nhìn thấy thái độ của chúng tôi đối với những người khác trong giây phút hấp hối, họ đã thay đổi. Tôi nhớ ở Nữu Ước, bà mẹ của một thanh niên người Puerto Rico hứa sẽ săn sóc anh nếu anh đồng ý về nhà. Anh cảm ơn bà và anh muốn ở với chúng tôi. Một ngày kia anh nói với tôi, 'Tôi biết khi tôi chết, chị sẽ ở đó nắm tay tôi,' vì anh đã từng thấy chúng tôi làm như thế với người khác và anh biết rằng anh sẽ chết cách cô đơn.
“Nó thật đơn giản. Người sắp chết bị khích động bởi tình yêu họ nhận được và đó có thể chỉ là một sự chạm tay, hay một ly nước, hay cho họ sự ngọt ngào mà họ ao ước. Chỉ cần đem cho họ những gì họ yêu cầu, và họ thỏa mãn. Khi biết có người chăm sóc họ, có người thương yêu họ, có người còn muốn sự hiện diện của họ, đó là sự giúp đỡ lớn lao đối với họ. Qua những điều đó, họ tin rằng Thiên Chúa phải nhân lành hơn, độ lượng hơn, và linh hồn họ được nâng lên Thiên Chúa. Chúng tôi không giảng dạy, chúng tôi chỉ hành động với lòng bác ái, họ bị khích động bởi ân sủng của Thiên Chúa.“
Thầy Geoff, Giám Ðốc Bác Ái Truyền Giáo Nam Tu Sĩ, cũng nói về cách tốt nhất để dâng hiến tình yêu:
“Khi những người bị hất hủi và khinh bỉ được chấp nhận bởi người khác và được yêu thương, khi họ thấy người khác tốn thì giờ và sức lực cho họ, điều đó đã nói lên rằng, dù gì đi nữa, họ không phải là đồ bỏ.
“Chắc chắn rằng tình yêu phải được thể hiện trước hết qua việc ở với họ trước khi thể hiện điều gì đó cho họ. Chúng tôi phải liên tục nhắc nhở nhau về điều này bởi vì rất có thể chúng tôi chỉ làm như một cái máy. Bạn thấy đó, nếu hành động của chúng ta không phát sinh từ ước muốn ở với họ trước đã thì hành động đó trở thành những công việc xã hội. Khi bạn muốn ở với người nghèo bạn mới có thể nhận thấy nhu cầu của họ, và nếu bạn thật sự yêu thương họ thì tự nhiên bạn muốn làm những gì có thể để diễn đạt tình yêu của bạn. Phục vụ, trong một phương cách, chỉ đơn giản là một phương tiện để diễn tả sự hiện diện của bạn vì người đó--và thường thường với những người thật nghèo bạn không thể giảm bớt tất cả những khó khăn của họ. Nhưng bởi ở với họ, vì họ, bất cứ gì bạn làm cho họ thì thật khác biệt. Ðiều chúng tôi muốn nói những người nghèo là: Chúng tôi không thể giải quyết hết các khó khăn của bạn, nhưng Thiên Chúa yêu thương bạn rất nhiều và chúng tôi ở đây để nói lên tình yêu đó. Và nếu chúng tôi có thể giúp họ bớt đau đớn hay khỏi hẳn bệnh tật, điều đó không quan trọng bằng việc nhắc nhở cho họ biết là ngay cả trong sự đau khổ và khốn cùng, Thiên Chúa vẫn yêu thương họ. Dĩ nhiên đó là điều rất khó để chuyển đạt, nhưng chúng tôi tin rằng điều tiên quyết là ở với họ. Nếu bạn tốn thì giờ cho một người thì điều đó cũng có giá trị diễn đạt tình yêu như những gì bạn có thể làm cho họ.“
Sau đây, một trong những người thiện chí, Nigel, diễn tả cảm nghiệm của anh khi làm việc trong nhà dành cho những người hấp hối và tuyệt vọng ở Calcutta:
“Khi mới đến giúp đỡ ở Nirmal Hriday tôi cảm thấy chán ngán chỗ đó vì đầy những người bệnh tật, và tôi cảm thấy tuyệt đối vô dụng, tôi nghĩ, Mình đang làm gì ở đây?
“Sau này, khi trở về Anh quốc, tôi nói chuyện với một trong những nữ tu về điều này. Tôi kể rằng, tôi học cách nói chuyện bằng điệu bộ rất mau nên tôi phân biệt được ngay họ muốn uống nước hay muốn làm việc vệ sinh và tôi thi hành ngay lập tức. Nhưng, ngoài những việc đó ra, tôi không làm được gì nhiều. Hầu như tôi chỉ ngồi bên cạnh giường bệnh và đánh thức họ hay cho họ ăn uống. Ðôi khi họ cám ơn, nhưng không phải luôn luôn như thế vì họ sắp chết. Bởi thế khi nữ tu hỏi tôi tiến bộ như thế nào, tôi trả lời, 'Tôi chỉ ngồi đó nhìn họ thôi.' Và chị nữ tu nói với tôi, 'Ðức Mẹ và Thánh Gioan đã làm gì dưới chân thánh giá?'“
Chúng ta có nhìn người nghèo khổ với lòng thương xót không? Họ không chỉ đói ăn, họ còn muốn được coi như một con người. Họ đói khát sự công chính và muốn được đối xử như chúng ta. Họ đói khát tình yêu của chúng ta.