Không phải bao nhiêu công việc bạn làm nhưng bao nhiêu tình yêu bạn đặt vào công việc và chia sẻ với người khác đó mới là quan trọng. Cố đừng xét đoán người khác. Nếu bạn xét đoán người khác thì bạn không thể yêu họ. Thay vào đó, cố giúp họ bằng cách nhìn thấy nhu cầu của họ và hành động để gặp gỡ họ. Tỉ như, người ta thường hỏi tôi nghĩ gì về những người đồng tính luyến ái, và tôi luôn trả lời rằng tôi không xét đoán người khác. Không phải là những gì đã làm hay không làm, nhưng những gì bạn đã hoàn tất mới là vấn đề trong mắt Thiên Chúa.
Chúng tôi đặt những dòng chữ sau đây ở cửa nguyện đường trong Nhà Mẹ. Lời này được Cha Edward Le Joly viết sau khi chúng tôi nói chuyện vào năm 1977, và giải thích cách chính xác những công việc của chúng tôi:
Chúng tôi không ở đây để lao động, chúng tôi ở đây vì Chúa Giêsu. Tất cả những gì chúng tôi làm là vì Người. Trước hết chúng tôi là tu sĩ, không phải là những cán sự xã hội, không phải là thày cô, không phải là y tá hay bác sĩ, chúng tôi là những nữ tu. Chúng tôi phục vụ Chúa Giêsu trong người nghèo. Chúng tôi săn sóc Người, cho Người ăn, cho Người mặc, thăm viếng Người, an ủi Người trong những người nghèo, người bị hắt hủi, người bệnh tật, người mồ côi, người hấp hối. Nhưng tất cả những gì chúng tôi làm, lời cầu nguyện của chúng tôi, công việc của chúng tôi, sự cực khổ của chúng tôi là vì Chúa Giêsu. Ðời sống chúng tôi không có lý do hay động lực nào khác. Ðây là điều mà nhiều người không thể hiểu.
Sau đây là một số điều và những thí dụ của Chị Dolores, Thày Geoff, và một tình nguyện viên, Linda, về loại việc làm của tình yêu:
“Ở Tây phương có quá nhiều người cô đơn. Hầu hết những người cô đơn chỉ cần có ai đó ngồi với họ, ở với họ, cười với họ, vì nhiều người không có gia đình và sống một mình, họ bị giam hãm. Bởi thế trong những dịp lễ lạc, khi tôi làm việc ở Nữu Ước, chúng tôi đem những người này lại với nhau trong buổi họp mặt, để họ có thể gặp nhau và họ thực sự trông chờ những dịp như thế. Chúng tôi tổ chức một ngày đặc biệt cho họ--chúng tôi cho họ một bữa ăn và vài cái bánh--và chỉ cần đưa họ ra khỏi nhà và hoà đồng với người khác là chúng tôi đã đem hạnh phúc đến cho đời họ.
“Chúng tôi cung cấp thức ăn cho những người lang thang. Họ đến bữa ăn, nhưng một số người không ăn gì cả. Họ chỉ muốn ở trong một khung cảnh an lành và êm đềm và thường thường sau khi chúng tôi cầu nguyện, họ ra về. Ða số họ không muốn đến đó chỉ để ăn, họ muốn tiếp xúc với nơi họ được đón nhận, được yêu thương, được cảm thấy mong muốn, và tìm chút bình an trong tâm hồn. Sự phấn khởi cá nhân thì quan trọng.
“Ở Tây Phương chúng ta có khuynh hướng tìm lợi lộc, là nơi mọi sự được đo lường theo kết quả và rốt cuộc chúng ta càng làm việc nhiều để có kết quả. Ở Ðông phương--nhất là ở Ấn Ðộ--tôi thấy người ta vui lòng với hiện tại, họ chỉ ngồi dưới cây chuối cả nửa ngày để nói chuyện với nhau. Người Tây phương chúng ta có thể coi đó là phí thì giờ. Nhưng nó có giá trị của nó. Ở với ai đó, nghe họ nói chuyện mà không cần biết thì giờ và không cần lo lắng kết quả, thì điều đó như dạy chúng ta về tình yêu. Thành quả của tình yêu thì ở trong tình yêu--không ở trong kết quả của tình yêu. Dĩ nhiên, khi ở trong tình yêu ai cũng muốn điều tốt nhất cho người khác, nhưng dù kết quả có ra sao nó cũng không xác định được giá trị của những gì chúng ta đã làm. Càng bớt đi được yếu tố ưu tiên của kết quả chúng ta càng có thể học biết về yếu tố chiêm niệm của tình yêu. Có tình yêu tỏ lộ trong sự phục vụ và tình yêu trong sự chiêm niệm. Ðó là sự quân bình của cả hai mà chúng ta phải cố đạt được. Tình yêu là chìa khóa để tìm được sự quân bình này.
“Giúp đỡ những trẻ em ở Shishu Bhavan ở Calcutta thật đặc biệt cho tôi. Tôi thấy thật phấn khởi vì các em. Một buổi sáng chúng tôi ngồi thành vòng tròn ca hát thật lâu và tôi cầm tay một em trai tàn tật, em nhìn tôi với nụ cười thật trọn vẹn niềm vui và ánh mắt yêu thương. Em có sự bình thản sâu đậm trong em. Tôi nhớ đến điều này như một cảm nghiệm tinh thần sâu xa.“
Chúng ta phải lớn lên trong tình yêu, và để thi hành điều này chúng ta phải tiếp tục yêu thương và yêu thương, rồi cho đi và cho đi cho đến khi đau khổ--đó là phương cách mà Chúa Giêsu đã làm. Thi hành những gì tầm thường với tình yêu khác thường: những gì tầm thường như chăm sóc người đau yếu, người không nhà, người cô đơn và người bị ghét bỏ, tắm rửa và giặt giũ cho họ.
Bạn phải cho đi những gì bạn bị thiệt thòi. Như thế, cho đi không chỉ những gì dư thừa, nhưng những gì bạn không thể sống nếu không có hay không muốn sống mà không có, đó là những gì bạn thật sự yêu thích. Như thế món quà của bạn trở thành một hy sinh, có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Bất cứ hy sinh nào cũng có ích nếu được thi hành vì tình yêu.
Cho đi cho đến khi đau khổ--sự hy sinh--cũng là điều tôi gọi là việc làm của tình yêu. Mỗi ngày tôi thấy tình yêu này--trong trẻ em, đàn ông, đàn bà. Có lần tôi đang đi trên đường và một người ăn xin đến với tôi và nói, “Mẹ Têrêsa, mọi người đều cho mẹ, tôi cũng muốn cho mẹ. Hôm nay, cả một ngày, tôi kiếm được hai mươi chín xu (tiền Ấn) và tôi muốn cho mẹ.“ Tôi suy nghĩ đôi chút: Nếu tôi nhận ông ấy sẽ không có gì ăn tối nay và nếu tôi không nhận sẽ làm ông đau khổ. Bởi thế tôi đưa tay ra đón lấy số tiền, tôi chưa bao giờ thấy niềm vui trên khuôn mặt ai như của ông đó--người ăn xin đó, cũng có thể cho Mẹ Têrêsa một cái gì. Ðó là sự hy sinh lớn cho người nghèo này, họ phải ngồi dưới nắng cả ngày để xin được hai mươi chín xu. Thật tuyệt diệu: hai mươi chín xu thì quá ít và tôi không thể mua được gì, nhưng khi ông ấy cho đi và tôi nhận, nó như cả ngàn đồng vì nó được cho đi với vô lượng tình yêu.
Một ngày kia tôi nhận được một lá thư từ một em bé ở Hoa Kỳ. Tôi biết em còn bé vì chữ viết em thật to, “Mẹ Têrêsa, con yêu mẹ nhiều lắm nên con gửi cho mẹ tiền để dành của con,“ và trong lá thư có tấm chi phiếu trị giá ba đô la. Cũng thế, một chị ở Luân Ðôn nói với tôi, ngày kia, có một bé gái đến nhà ở Kilburn với một túi tiền cắc một xu và em nói, “Cái này cho người nghèo.“ Em không nói, “Cái này cho Mẹ Têrêsa“ hay “cho Dòng Bác Ái Truyền Giáo.“
Mới đây một đôi vợ chồng trẻ mới làm đám cưới. Họ quyết định đám cưới thật đơn giản--cô dâu mặc chiếc áo sari bằng vải cô-tông thường và chỉ có cha mẹ đôi bên hiện diện--và họ cho chúng tôi tất cả số tiền mà họ dành dụm cho một đám cưới linh đình. Họ chia sẻ tình yêu của họ với người nghèo. Những điều như thế xảy ra hàng ngày. Bởi chính mình trở nên nghèo nàn, bởi yêu thương cho đến khi đau khổ, chúng ta mới có thể yêu thương sâu đậm hơn, tuyệt hảo hơn, trọn vẹn hơn.
Một trong những người tình nguyện, cô Sarah, nói lên cảm nghiệm của cô về loại tình yêu này khi làm việc trong nhà của chúng tôi ở San Francisco:
“Ðiều tôi hiểu được khi yêu đến đau khổ là cứ yêu dù bạn không hiểu tình cảnh, con người hay bất cứ gì. Nói thì dễ hơn hành động, nhưng có một thời gian tôi có thể thi hành được điều này. Sau một thời gian sống thân tình với những người ở đó, và có một người tên Chris từ trần, điều đó khiến tôi thật đau khổ. Tôi không muốn trở lại nơi ấy--thật vậy tôi đã không trở lại đến hai hay ba tuần. Tôi thức dậy và sẵn sàng đến đó--và rồi tôi lại không đi. Các chị hiểu điều này thật nhiều. Ðó là cách họ giúp tôi, vì họ không xét đoán hay lên án. Họ nói, 'Không sao cả--trở lại khi nào bạn muốn.' Khi tôi than khóc vì Chris sau khi anh chết, tôi được họ bảo rằng, 'Nhà này là để cho họ chết. Thật ích kỷ nếu chúng ta than khóc vì như thế chúng ta chỉ nghĩ đến mình và không nghĩ về chỗ của họ--ở với Thiên Chúa. Chúng ta phải vui mừng cho họ.' Ðó là thái độ của các chị.
“Tôi không phải là một thiện nguyện viên làm việc toàn thời gian, nhưng những người thi hành công việc đó ngày này sang ngày khác phải hiểu nhiều về sự yêu thương cho đến khi đau khổ. Nếu bạn ở trong môi trường đó và lúc nào cũng cho đi, bạn sẽ ngày càng trở nên tinh xảo hơn trong nghệ thuật bác ái và trở nên nguồn tinh thần của Thiên Chúa. Những người tình nguyện toàn thời gian thật đặc biệt--Thiên Chúa lấp đầy họ mỗi ngày. Trong thế gian, thật dễ để giả bộ yêu thương vì không ai đòi hỏi bạn phải cho đi cho đến khi đau khổ--cho đến khi bệnh hoạn.“
Tinh thần của Dòng Bác Ái Truyền Giáo là hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, yêu thương tin tưởng nơi người khác, và vui vẻ với mọi người. Chúng tôi phải chấp nhận chịu đau khổ với niềm vui, chúng tôi phải sống khó nghèo với sự tín thác cách vui vẻ và để phục vụ Chúa Giêsu trong những người nghèo nhất với tinh thần vui vẻ. Thiên Chúa thích những người cho đi cách vui vẻ. Cho đi với nụ cười là cách tốt nhất. Nếu bạn luôn sẵn sàng để nói: Xin Vâng đối với Chúa, tự nhiên bạn sẽ có một nụ cười cho mọi người và bạn có thể, với ân sủng của Thiên Chúa, cho đi cho đến khi đau khổ.
Hai tình nguyện viên, Sarah và Dave, khám phá giá trị của đường lối này trong nhà của chúng tôi ở San Francisco và Luân Ðôn:
“Ðiều tôi thích nơi các chị là khi có sự khó khăn họ vẫn có thể vui đùa với các khó khăn đó. Và, khi lỗi lầm xảy ra, họ điều chỉnh và lại tiếp tục. Nhưng một số các chị nói với tôi rằng có những lúc thật khó khăn và họ thấy buồn rầu và họ khóc cho gia đình họ. Bạn biết là họ cũng có cha mẹ, anh chị em gặp khó khăn hay đau yếu và họ không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện. Bởi thế họ cảm thấy buồn, họ cũng khóc nữa. Họ là con người--họ yêu Chúa và yêu người ta.“
“Khi làm việc với các chị tôi thấy họ thật đơn sơ. Tôi giao tiếp với họ hàng ngày, cùng làm việc chung, làm việc ở dưới bếp, lau chùi nhà, phân phát thức ăn, lái xe đi chợ và nói chuyện với các bác sĩ hay chuyên gia tâm lý, và đôi khi phải đối phó với những người thật khó tính. Và họ luôn luôn vui vẻ. Không phải là nghiến răng vui vẻ, mà thật là như vậy.
“Tôi tin là sự hăng hái bên ngoài là kết quả của niềm vui bên trong mà họ cảm nhận được. Tôi biết là bất cứ ai làm việc với họ đều ngạc nhiên khi thấy họ quỳ hàng giờ trong nhà nguyện, và họ rất sung sướng. Giây phút họ sung sướng nhất là lúc cầu nguyện--họ trông mong đến lúc đó, họ hăng hái cầu nguyện để được tái bồi dưỡng và sau đó họ lại hăng hái như trước để cho đi những năng lực mà họ vừa nhận được. Ðây không phải là sự cuồng tín, nhưng là sự khao khát thật sự để chia sẻ những gì họ có. Cũng như họ không giữ của cải vật chất cho họ: bất cứ những gì cho họ, quần áo hay thực phẩm hay tiền bạc hay bất cứ gì--túi giấy, giây cao su--họ cho đi hết. Mọi thứ đến rồi đi.
“Tôi nghĩ là Thiên Chúa cho họ rất nhiều và Người yêu thương họ rất nhiều. Tôi yêu họ, và tôi bị lôi cuốn đến với họ bởi cách họ làm vui lòng Thiên Chúa. Ơn sủng và năng lực của họ là từ Thiên Chúa--đó là tình yêu hỗ tương, mà sau đó họ tỏ cho chúng ta. Tôi nhận thấy điều này trong mỗi một chị, nhưng họ không rập khuôn, họ là một cá nhân riêng biệt, họ có cá tính riêng của họ.“
Khẩu mật của Kitô hữu tiên khởi là niềm vui, bởi thế chúng ta hãy phục vụ Thiên Chúa với niềm vui. Chị Kateri giải thích cảm tưởng của chị về điều này:
“Khi tôi làm việc ở trung tâm chữa trị ung thư não ở Nữu Ước và tôi cầu nguyện hàng ngày. Ngày kia có người hỏi tôi là tôi đang sung sướng về điều gì, họ có ý nói là tôi đang yêu ai. Thật sự thì không hẳn như vậy--nó chỉ là cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa. Tôi thật hạnh phúc và thật tràn đầy khi sự liên hệ giữa tôi với Thiên Chúa gia tăng. Ðiều đó khiến tôi tràn đầy niềm vui.“
Niềm vui là tình yêu, niềm vui là sự cầu nguyện, niềm vui là sức mạnh. Thiên Chúa yêu thích người cho đi cách vui vẻ, và nếu bạn cho đi cách vui vẻ bạn sẽ cho đi thêm nữa. Một con tim đầy niềm vui là kết quả của một con tim bừng cháy tình yêu.
Công việc của tình yêu luôn luôn là công việc của niềm vui. Chúng ta không cần tìm kiếm hạnh phúc: nếu chúng ta yêu thương người khác chúng ta sẽ được hạnh phúc. Ðó là quà tặng của Thiên Chúa.