Chúng tôi viết những dòng chữ sau trên tường của căn nhà dành cho các trẻ em ở Calcutta:
Hãy dành thì giờ suy nghĩ
Ðó là nguồn sức mạnh
Hãy dành thì giờ để cầu nguyện
Ðó là sức mạnh toàn năng
Hãy dành thì giờ cất tiếng cười
Ðó là tiếng nhạc của tâm hồn
Hãy dành thì giờ chơi đùa
Ðó là bí mật để trẻ mãi không già
Hãy dành thì giờ để yêu và được yêu
Ðó là ưu tiên Thiên Chúa ban cho
Hãy dành thì giờ để cho đi
Vì một ngày quá ngắn để ích kỷ
Hãy dành thì giờ đọc sách
Ðó là nguồn khôn ngoan
Hãy dành thì giờ để thân thiện
Ðó là đường dẫn tới hạnh phúc
Hãy dành thì giờ để làm việc
Ðó là giá của thành công
Hãy dành thì giờ cho bác ái
Ðó là chìa khóa cửa thiên đàng.
Việc làm của cầu nguyện là tình yêu, và việc làm của tình yêu là phục vụ. Hãy cố cho đi không điều kiện bất cứ gì họ cần ngay lúc đó. Ðiểm chính là làm cái gì đó, dù nhỏ, và cho thấy sự chăm sóc của bạn qua những công việc mất thì giờ. Ðiều này đôi khi có nghĩa làm điều gì đó về phần thể xác (như chúng tôi chăm sóc người bệnh và hấp hối) hay đôi khi có nghĩa hỗ trợ tinh thần cho những người cô đơn. Nếu một bệnh nhân muốn xin thuốc, hãy cho họ thuốc; nếu họ muốn được an ủi, hãy an ủi họ.
Tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa nên thật quan trọng để chia sẻ quà tặng của Người. Ðừng lo lắng tại sao có nhiều vấn đề trên thế giới này--chỉ cố đáp ứng nhu cầu của người khác. Có người nói với tôi rằng nếu chúng ta làm việc bác ái cho người khác thì nó sẽ giảm trách nhiệm của chính phủ đối với người nghèo và người cần giúp đỡ. Chính tôi không lưu tâm đến điều này, vì chính phủ thường không ban phát tình yêu. Tôi chỉ làm những gì tôi có thể: phần còn lại không phải là việc của tôi.
Thiên Chúa quá tốt với chúng ta: những công việc của tình yêu luôn luôn là phương tiện được gần Thiên Chúa hơn. Hãy xem những gì Chúa Giêsu đã làm khi Người sống ở trần gian! Người chỉ làm những việc tốt. Tôi nhắc nhở các chị nữ tu rằng ba năm của cuộc đời Chúa Giêsu dùng để chữa lành những người đau yếu và cùi hủi, trẻ em và người khác; và đó chính là những gì chúng ta đang làm, rao giảng Phúc Âm qua hành động của chúng ta. Ðiều tiên quyết của chúng ta là phục vụ, và đó là sự phục vụ có thật, hết lòng mà chúng ta cố gắng thi hành và cho đi.
Chúng tôi cảm thấy rằng những gì chúng tôi làm chỉ là một giọt nước trong đại dương, nhưng nếu không có giọt nước đó thì đại dương cũng sẽ bớt đi. Tỉ như, chúng tôi mở trường dạy các trẻ em nghèo biết yêu quý việc học và biết giữ gìn sạch sẽ. Nếu chúng tôi không làm vậy, các em sẽ lang thang ngoài đường.
Nếu cần có tổ chức để săn sóc tốt hơn, tùy theo hoàn cảnh, thì chúng tôi khuyên nên làm như vậy, nhưng vì chúng tôi phục vụ những người nghèo nhất nên chúng tôi không bao giờ quay mặt đi nếu họ cần sự giúp đỡ.
Thầy Geoff giải thích điều đó như sau:
“Thật khó tìm được có ai muốn săn sóc những người bị xã hội ruồng bỏ, nhất là ở những quốc gia như Ấn Ðộ là nơi có quá nhiều nhu cầu. Những nhà của Dòng Bác Ái Truyền Giáo thường là trạm cuối cùng cho những bệnh nhân bị mọi người khác khước từ.“
Ðể thấy thêm những kết quả của tình yêu trong hành động, tôi nghĩ trước hết hãy thử chút công việc của Dòng Bác Ái Truyền Giáo, rồi chia sẻ cảm nghiệm với một số người tình nguyện giúp chúng tôi. Trong cách này bạn sẽ thấy hiệu quả của việc làm một điều gì đó, dù nhỏ, có thể có tác dụng--không chỉ trên người được nhận, mà còn trên người thi hành công việc săn sóc.
Ngày nay, công việc của Dòng Bác Ái Truyền Giáo thì nhiều loại và được chia ra như sau:
Việc Tông Ðồ qua những lớp Giáo Lý, học hỏi Kinh Thánh, nhóm hoạt động Công Giáo, và thăm viếng bệnh nhân, người già và tù nhân.
Chăm Sóc Y Tế qua các nhà thương, bệnh viện người cùi, dưỡng đường cho bệnh nhân bị cùi, những nhà dành cho trẻ em mồ côi, những em bị tật nguyền tâm lý và thể lý, những người hấp hối và tuyệt vọng, người bị bệnh AIDS và ho lao, những trung tâm suy dinh dưỡng và những bệnh xá lưu động.
Việc Giáo Dục qua các trường tiểu học trong các khu nhà nghèo, lớp dạy may cắt, lớp thương mại, lớp cho người tàn tật, lớp mẫu giáo ở làng, và những chương trình giữ trẻ.
Dịch Vụ Xã Hội qua chương trình an sinh và giáo dục trẻ em; giữ trẻ; nhà cho người vô gia cư, người nghiện rượu và thuốc sái; nhà cho những người mẹ không chồng; nơi tạm cư ban đêm; và trung tâm dạy điều hoà sinh sản.
Dịch Vụ Cứu Tế qua những trung tâm thực phẩm và quần áo, nơi chúng tôi cung cấp thực phẩm khô, hay thức ăn nấu chín, và cứu trợ khẩn cấp cho gia đình.
Ngày nay, người bị cùi có thể có một đời sống, vì biết rằng họ được giúp đỡ và chữa lành. Không còn phải trốn tránh nếu bị bệnh cùi, và điều này có nghĩa là cả gia đình có thể sống với nhau mà không sợ lây bệnh. Bây giờ con của người cùi không bị bệnh cùi nữa.
Hơn bốn mươi năm trước chúng tôi quyết định khởi sự một bệnh xá lưu động cho người cùi dưới một gốc cây ở Titagarh, khoảng vài kí lô mét bên ngoài Calcutta. Chúng tôi khám bệnh một tuần hai lần và những ngày khác chúng tôi chăm sóc những người đau yếu vì thiếu ăn và đến thăm nhà của những người bệnh tật. Và vào ngày Thứ Bảy, chúng tôi tắm rửa cho họ.
Ngày nay, chúng tôi có một trung tâm thật đẹp gọi là Gandhiji Prem Nivas, gần như là một ngôi làng. Chạy dọc theo đường xe lửa, những toà nhà được sơn phết rực rỡ, tươi tắn: mầu đỏ, mầu xanh và mầu lục. Có những nhà làm việc, nhà ngủ, dưỡng đường, khu bệnh xá, một trường học, và cũng có những nhà lá cho các gia đình--cũng như những hồ cung cấp nước cho cả cộng đồng. Ngay trong trung tâm là tượng Gandhi.
Prem Nivas được chính những người cùi xây dựng nên và là nơi họ có thể sống cũng như làm việc. Lúc đầu tiên khi chúng tôi được cho miếng đất để phát triển thành trung tâm vào năm 1974, nó là khu phế thải hỏa xa. Chúng tôi bắt đầu bằng việc xây dựng những chòi lá và từ từ nó trở thành một cái gì thật đẹp.
Shishu Bhavan, nhà của con cái chúng tôi ở Calcutta, được hình thành bởi một số dinh thự cao đàng sau một bức tường trên con đường chính thật tấp nập. Ngay ở cổng vào là những bệnh xá mở cửa ban ngày, là nơi người nghèo có thể đem con cái của họ đến chữa bệnh, và những văn phòng liên hệ đến việc nhận con nuôi. Trong những phòng bên trong là các em bé và trẻ sơ sinh, nằm thành hàng chuỗi. Cũng có một sân chơi nhỏ cho các em chạy nhảy cũng như phòng cho các em chơi “game” và phòng ăn.
Shishu Bhavan được điều hành bởi Chị Charmaine Jose. Chị và các nữ tu khác chăm sóc khoảng 300 em bệnh tật và thiếu ăn, cũng như các người mẹ nghèo không chồng, là những người được cung cấp việc làm.
Cũng có một khu khám bệnh với ba bác sĩ chẩn bệnh và phát thuốc cho khoảng 1,000 tới 2,000 bệnh nhân hàng tuần. Cũng có phòng nhận con nuôi cho những ai muốn nhận trẻ làm con nuôi. Khi các em lên 10 tuổi và không được nhận làm con nuôi, có khi chúng tôi gửi các em đến trường nội trú để đi học và lên đại học, hay lớp thư ký, và chúng tôi tìm việc cho các em. Một khi các em đã ổn định đời sống, chúng tôi giúp các em lập gia đình và cho các em một ít tiền hồi môn để bắt đầu sự nghiệp. Các em rất sung sướng và thường đem con cái lại thăm chúng tôi. Tôi thường nói với các em rằng chúng rất may mắn vì không những chúng chỉ có một bà mẹ vợ mà có đến hai mươi bà!
Ở tầng trệt của Shishu Bhavan có nơi nấu nướng để nuôi ăn trên 1,000 người mỗi ngày. Họ thường là những người ăn xin từ các đường phố và đây là nơi mà họ có thể trông nhờ có một bữa ăn mỗi ngày, là tất cả những gì họ có được. Tuy nhiên, cũng có những tai họa xảy ra bất thình lình, và chúng tôi phải tham gia và cung cấp dịch vụ cứu tế. Thí dụ, khi một khu lớn gần Calcutta bị lụt và cuốn trôi, 1,200 gia đình bơ vơ không còn gì cả. Những chị ở Shishu Bhavan, và cả những thầy phải làm việc suốt đêm để phân phát và cho họ chỗ ở.
Chị Charmaine Jose diễn tả:
“Chúng tôi là những người bụi đời và công việc của chúng tôi là trên hè phố. Chúng tôi cầu nguyện khi rảo bước, khi đến thăm các gia đình, khi ở với đứa trẻ hấp hối, hay đem thuốc cho những người cần. Một chị mỗi ngày đi một con đường để xem những gì chúng tôi có thể giúp người nghèo. Chúng tôi cũng đến những ngôi làng là nơi rất ít phương tiện và mở những trung tâm y tế ở đó. Có khi chúng tôi phải săn sóc khoảng 2,500 bệnh nhân hàng tuần ở những nơi đó.
“Nhiều chị được huấn luyện là y tá hay bác sĩ, nên họ thường làm việc ở nơi phát thuốc, và những người được huấn luyện chăm sóc trẻ em làm việc ở trung tâm. Chúng tôi cũng có trường cho các em bụi đời là những em bị ngược đãi và làm điếm. Chúng thường không có ăn, không được hỗ trợ, hay thuốc men. Bởi thế chúng tôi gom góp các em lại, dạy dỗ chúng, cho chúng ăn, cho chúng mặc, và ít lâu sau chúng tôi tìm người bảo trợ các em, để các em có thể đi học và hoàn tất việc học.
“Những em tàn tật thể xác hay tâm bệnh ở lại trong trung tâm đây. Nhiều em không sống lâu nhưng khi các em đến tuổi mười ba chúng tôi chuyển em sang nhà khác.“