Nhà cho người hấp hối của chúng tôi ở Calcutta hồi trước là chỗ cho những người hành hương nghỉ chân sau khi đến đền Kali. Sâu trong trung tâm bận rộn của vùng Kalighat của thành phố, những cơ sở của chúng tôi thực sự nối tiếp với ngôi đền. Về phía bên trái khi bạn bước vào, chúng tôi có khu cho các ông, và phía bên phải là cho phụ nữ. Những cửa sổ nhỏ và cao đem ánh sáng đến các phòng, gồm những dẫy giường, tất cả được phủ bằng bao ny lông xanh. Ở giữa hai khu là trung tâm y tế và nơi tắm rửa, và đàng sau là nhà bếp và nhà quàn. Trường học cho các em bụi đời ở trên mái, nơi các chị nữ tu ở.
Chúng tôi có 50 giường cho các ông và 55 giường cho phụ nữ, nhưng chúng tôi có thể gia tăng số giường tùy theo nhu cầu. Khi những người hấp hối mới đến trung tâm thường họ không thể nói được, bởi thế khi họ được chở đến bằng xe cứu thương hay bởi các nam hay nữ tu sĩ khiêng vào, họ được nhập viện với tên “vô danh.” Sau đó, với một chút săn sóc và yêu thương và thực phẩm, họ có thể nói được và cho biết tên. Các chị cũng thường cố biết xem họ thuộc tôn giáo nào--để khi chết họ được chôn cất cách thích hợp. Người Công Giáo thì ra nghĩa trang, người Hồi Giáo thì ra chỗ chôn cất của người Hồi Giáo, và người Ấn Giáo được hỏa thiêu bên cạnh sông, là chỗ rất gần chúng tôi. Ða số những người đến với chúng tôi là Ấn Giáo, nên nếu chúng tôi không biết tôn giáo của họ, thường chúng tôi chôn họ theo Ấn Giáo.
Chị Dolores, người điều khiển Nirmal Hriday nói:
“Chúng tôi không bao giờ hỏi tại sao họ phải sống trên vỉa hè: chúng tôi không cần biết câu chuyện đời họ. Chúng tôi không xét đoán vì bất cứ tình cảnh nào của họ, vì tất cả những gì họ muốn là một chút tình yêu và săn sóc và họ thỏa mãn. Chúng tôi chỉ chăm sóc những người được đem đến cho chúng tôi và Thiên Chúa làm phần còn lại qua chúng tôi.
“Khi một người được đưa đến trung tâm, họ thường được tắm rửa. Nhưng đôi khi có người quá yếu nên chúng tôi chỉ cho họ nằm, lau mặt cho họ, và tiếp nước biển. Ðôi khi chúng tôi cần chăm sóc những người bị thương tích hay bị đi tiêu chảy. Nhiều người bị ho lao và bị xuất huyết--việc trước hết là phải cầm máu.
“Có khi, người bệnh vừa nằm xuống giường là tắt thở. Có lúc, họ khỏe hơn, có thể ngồi trên giường hay đi đứng một chút, và một số về nhà, dù rằng nhà của họ chỉ là hè phố. Bởi thế một số về nhà và khi đau yếu họ lại trở lại. Chúng tôi bảo sẽ giữ cho họ một chỗ nằm.”
Chị Theresina người gốc Hoa Kỳ, là Giám Ðốc Vùng của Những Ðảo Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan. Sau đây, chị cho biết những công việc ở Anh:
“Khi các nữ tu bắt đầu công việc ở đây chúng tôi thấy cần giúp đỡ những người cô đơn sống nhờ trợ cấp xã hội. Chúng tôi thường thấy những cặp vợ chồng già không có máy sưởi trong mùa đông và chúng tôi cung cấp cho họ một máy sưởi, hay chúng tôi thấy họ sống không có bàn ghế vì lý do này nọ. Một số người rất đơn giản và họ không biết tiếp xúc với ai--đằng sau những bức tường là những người cô đơn rất cần được thăm viếng.
“Trong những ngày đầu, chúng tôi thường ra ngoài ban đêm để đi tìm những người vô gia cư. Ngày nay, chúng tôi có những nơi tạm trú cho đàn ông và phụ nữ ở Kilburn, Luân Ðôn; và ở Liverpool, phía Bắc Anh quốc, có nơi tạm trú cho các ông, các phụ nữ và một chỗ phân phát đồ ăn--và chúng tôi cũng cung cấp những việc mục vụ, thăm các gia đình, và chương trình giáo lý cho trẻ em. Ðôi khi chúng tôi đưa họ đi chơi và tổ chức những dịp đặc biệt--tỉ như, chúng tôi đưa 320 người ở sáu vùng biển đi thăm Worth Abbey.
“Khi đi chơi, chúng tôi lần chuỗi Mai Khôi--đó là khí giới của chúng tôi, lời của Chúa. Ma quỷ cố ảnh hưởng đến đời sống dân chúng, và chúng tôi phải cố gắng ảnh hưởng đến họ để đưa họ đến với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, vì các Người là những người làm việc và đánh động tâm hồn dân chúng--không phải là chúng tôi. Chúng tôi rất gắn bó với việc lần chuỗi Mai Khôi, tôi nhớ có lần chúng tôi lần chuỗi ở trên xe điện ngầm ở Luân Ðôn. Chúng tôi phải đọc nhỏ vì ở Anh dân chúng không nói lớn ngoài công cộng, và trong xe thật yên lặng. Và chiếc xe bị hư nên chúng tôi phải xuống xe đứng chờ, chuyến xe kế tiếp thật đông người. Một bà đứng bên cạnh tôi và nói 'Dì ơi, tôi muốn dì biết là tôi đang đọc kinh với dì,' chúng tôi thật không ngờ. Bà nói đôi khi bà đến nhà chúng tôi ở đường Bravington để cầu nguyện nhưng đã ngưng một thời gian. Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng nó giúp chúng tôi lên tinh thần. Quả thật chúng ta không luôn luôn thấy được kết quả của những gì chúng ta làm.
“Khi Mẹ Têrêsa đến nhà dành cho các ông ở Kilburn tháng Ba 1994 ngài thấy hai phòng trống và nói, 'Những phòng này dành cho bệnh nhân bị bệnh AIDS.' Ðó là lần đầu tiên tôi nghe về việc có thể nhận người bị bệnh AIDS nhưng Mẹ buột miệng nói lên--ngài được linh ứng, tôi nghĩ vậy, vì tôi nhớ vẻ mặt của ngài khi đứng trong căn phòng ấy và nói lên điều đó. Bởi thế tôi cố biến thành hiện thực và nó không dễ. Bây giờ, qua sự giúp đỡ của một người phục hồi bệnh nghiện rượu và thuốc sái, và của chính người bị bệnh AIDS, chúng tôi tiếp nhận những người không thể bảo vệ được chính họ.“
Thầy Geoff là người Úc và kế vị người sáng lập General Servant là Thầy Andrew, như người đứng đầu các Thầy Dòng Bác Ái Truyền Giáo:
“Ở Los Angeles công việc chính của chúng tôi là trông coi một trung tâm cho những người di dân bất hợp pháp gốc Mễ, nhiều người sống ở vỉa hè. Ðây là chỗ mà, ba ngày một tuần, từ 75 cho đến 100 thanh niên, tuổi từ mười bốn đến mười tám đến ăn, tắm rửa, chữa bệnh và cắt tóc--và nghỉ ngơi. Trong một căn nhà dành cho các ông, chúng tôi săn sóc 8 người bị tàn tật thể lý và tâm lý.
“Ở Tokyo, Nhật bản, chúng tôi làm việc với những người say rượu trên đường phố. Ðây là việc toàn thời gian. Thỉnh thoảng có đánh nhau và mọi sự có thể rắc rối--chúng tôi cố giữ không có ẩu đả trong nhà chúng tôi. Những người Nhật say rượu thường đàng hoàng hơn so với những người ở các quốc gia khác. Ở Los Angeles chúng tôi có những thầy làm việc với các trẻ du đãng để giúp họ, và ở Hồng Kông chúng tôi làm việc với những người nghiện cần sa ma túy. Chúng tôi cũng làm việc ở những nơi nguy hiểm hơn--trong những thành phố như Bogota và Medellin ở Colombia, là nơi có nhiều bạo động xẩy ra. Chúng tôi chứng kiến nhiều vụ ẩu đả nhưng tránh không can dự vào. Dân chúng biết công việc của chúng tôi nên họ không quấy rầy chúng tôi.
“Công việc của chúng tôi rất khác với những tổ chức khác. Ðiều đó không có nghĩa là cái này thì tốt hơn cái kia, nhưng có nhiều tổ chức nỗ lực lo cho người nghèo và giúp họ thoát ra khỏi tình cảnh này, cái tình cảnh đầu tiên đã khiến họ nghèo nàn. Ðây là nỗ lực có ích, nhất là qua sự giáo dục, nhưng nó có thể trở thành vấn đề chính trị. Người nghèo mà Dòng Bác Ái Truyền Giáo được mời gọi để phục vụ là những người, bất kể bạn làm gì cho họ, vẫn phải lệ thuộc cách nào đó vào người khác. Chúng tôi thường bị hỏi, 'Thay vì cho họ con cá, sao thầy không dạy họ cách câu cá?' và chúng tôi trả lời rằng đa số những người nghèo của chúng tôi không có sức để giữ cái cần câu. Và tôi thường nghĩ rằng đây là chỗ bị hiểu lầm--và đôi khi bị chỉ trích--về công việc của chúng tôi, vì không có sự phân biệt rõ ràng giữa loại người nghèo của chúng tôi và của người khác.
“Phát triển thì chắc chắn có giá trị nhưng phát triển không phải là những gì người nghèo cần. Nếu một người đang chết thì không còn thì giờ để phân tích tại sao hắn lại ở trong tình trạng này và kể ra cả một chuỗi chương trình có thể ngăn ngừa được. Ðiều chúng tôi muốn nói là, 'Hãy để người khác giải quyết vấn đề đã đưa họ rơi vào tình cảnh này, nhưng để chúng tôi giúp họ chết trong an lành và xứng đáng.' Trong nhiều trường hợp, chúng tôi cung cấp sự chăm sóc ngắn hạn hơn họ và đơn giản nói rằng: Người này cần giúp đỡ--chúng ta có thể làm gì giúp họ? Nếu những thay đổi chính trị làm giảm bớt tình trạng này trong tương lai thì chúng tôi rất hân hoan, nhưng chúng tôi không có thì giờ hay sức lực, hay thường là khả năng, để có thể làm được nhiều. Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của Người, nối kết tất cả lại. Người biết không một ai có thể giải quyết được mọi hoàn cảnh, bởi thế Người thúc dục người này làm việc trên vài lãnh vực này và người kia làm việc trên những lãnh vực kia.“