Vào hôm thứ Sáu tuần thánh, Cha Piô nằm trên giường bệnh than khóc. Người hỏi hai vị phụ tá: “Khi tôi chết, các cha có cử hành Thánh Lễ cho tôi không?”
“Xin cha hãy can đảm lên,” một trong hai vị lên tiếng và cố nở nụ cười trấn an: “Thứ Sáu Tuần Thánh thì sắp qua rồi.”
Cha Piô gật đầu, đưa bàn tay lên dụi đôi mắt đỏ ngầu: “Phải, nhưng hãy nhớ rằng, mỗi tuần đều có ngày thứ Sáu.”
Họ không nói được lời nào. Thế giới bỗng dưng có vẻ u tối đối với Cha Piô. Người đã bảy mươi chín tuổi và sức khỏe rất bất thường, không thể tiên đoán được.
Mùa đông qua đi. Mùa xuân lại đến trên Cao Nguyên Gargano, và thời tiết ấm áp có vẻ dễ chịu hơn. Vào lúc kỷ niệm mười năm thành lập Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ thì người có vẻ lạc quan hơn. Đó cũng là Đại Hội II của Nhóm Cầu Nguyện Quốc Tế. Vào ngày 5 tháng Năm 1966, Đức Hồng Y Lercaro dâng lễ kỷ niệm. Mười năm trước đây người đã từng làm lễ khánh thành bệnh viện. Thánh lễ của đức hồng y được trực tiếp truyền hình trên toàn nước Ý và một phần của Âu Châu.
Nhiều vị diễn giả đã nhìn lại lịch sử của Nhà Chữa Trị và đề cập đến các phí tổn tiên khởi lên đến gần một tỉ rưỡi lira và phí tổn này đã được thanh toán ngay khi khánh thành bệnh viện.
Nhiều người chỉ trích nói rằng: “Chỉ có người dại mới xây bệnh viện trên núi chứ có ai muốn lên đó mà chữa bệnh?” Và sau khi bệnh viện được xây cất xong, họ lại nói: “Làm thế nào mà một công trình to lớn kia có thể tồn tại trong một vùng chỉ có 20,000 dân?”
Nhưng sau mười năm hoạt động, Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ đã chu toàn mọi chỉ thị mà Cha Piô đã nhận được. Nguyên thủy, bệnh viện được xây cất với ba trăm giường bệnh, cho đến nay sức chứa ấy được gia tăng đến mức độ quốc tế.
Như một con bạch tuộc khổng lồ, Nhà Chữa Trị từ từ vươn ra đến San Giovanni Rotondo. Công trình xây cất được tiếp tục một cách đều đặn để nới rộng bệnh viện từ 45,000 bộ vuông lên đến 135,000 bộ vuông. Mọi khu vực của bệnh viện đều được tăng lên gấp ba, khu chỉnh hình và khu nội thương được tăng lên gấp đôi.
Các vị lãnh đạo Nhóm Cầu Nguyện, dưới sự chỉ huy của Don Giancarlo Setti, đã tổ chức đại hội lần thứ hai nhân dịp kỷ niệm mười năm thành lập bệnh viện. Thời gian đã gia tăng số nhóm cầu nguyện, cả về kích thước lẫn vị trí, hầu như gấp đôi ở Ý và rải rác ở khắp nơi trong nhiều quốc gia.
Trong bài diễn giảng, Cha Piô nói với họ: “Tất cả các con thân mến của cha, xin Thiên Chúa ban bình an và chúc lành cho các con, dù ở gần hay ở xa. Khi cha nói chuyện với các con trong ngày trọng đại và đáng nhớ này, linh hồn cha ngập tràn cảm xúc khi nghĩ đến sự quan phòng của Thiên Chúa đã thể hiện một cách rộng lượng đối với Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ trong mười năm qua. Khi nhìn lại những ngày đầu thật khiêm tốn khởi sự từ con số không chúng ta thấy phép lạ của đức tin và đức ái mà công trình này là một chứng cớ cho toàn thế giới.
“Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ vô cùng lên Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ, và xin Người chúc lành cho những ai đã góp phần trong việc khai sinh và phát triển công trình này.
“Các con yêu dấu, với tất cả tấm lòng cha cảm ơn các con vì sự độ lượng, vì những hy sinh và những quan tâm lo lắng của các con, bởi vì các con là những khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa để hoàn thành Nhà Chữa Trị mà nơi đó linh hồn và thể xác của những anh chị em đau yếu của chúng ta được chăm sóc và chữa lành, qua công việc mục vụ, y khoa, tinh thần và xã hội của toàn thể tổ chức bệnh viện.
“Cha cũng nghĩ đến và cảm ơn những người cộng tác ngay từ đầu cho công trình này và những người tiếp tục giúp đỡ về phương diện tinh thần cho Nhà Chữa Trị từ thiên đường, là nơi họ đang được phần thưởng vì lòng bác ái của họ.
“Nhưng cha đặc biệt nghĩ đến các Nhóm Cầu Nguyện, hiện đã tràn lan trên toàn thế giới, đang tụ họp nơi đây để tổ chức Đại Hội Quốc Tế lần thứ hai nhân dịp kỷ niệm mười năm thành lập Nhà Chữa Trị. Sát cánh với Nhà Chữa Trị, họ đang ở tuyến đầu của thành trì bác ái này, là nguồn phát sinh đức tin và tình yêu, mà trong đó chính Đức Kitô hiện diện mỗi khi họ tụ tập cầu nguyện và dự Tiệc Thánh, dưới sự hướng dẫn của các linh mục và các trưởng nhóm. Chính sự cầu nguyện, là sức mạnh kết hợp mọi linh hồn tốt lành, đã thay đổi thế giới, phục hồi lương tâm, duy trì Nhà Chữa Trị, an ủi kẻ đau khổ, chữa lành người đau yếu, thánh hóa công việc làm, gia tăng sức khoẻ, đem lại sức mạnh luân lý và sự nhẫn nhục Kitô Giáo cho sự đau khổ của nhân loại, và đem đến nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa cho những yếu đuối loài người.
“Hãy cầu nguyện nhiều, hỡi các con yêu dấu, luôn luôn siêng năng cầu nguyện, bởi vì chính sự cầu nguyện mà cha được giao phó công việc này. Đây là điều mà Thiên Chúa mong muốn và là điều giúp Nhà Chữa Trị được hỗ trợ và phát triển. Chúng ta hãy cảm tạ sự quan phòng của Thiên Chúa và sự đóng góp về tinh thần và bác ái của tất cả những linh hồn đang cầu nguyện. Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót, sẽ chấp nhận mọi thiện hảo được thể hiện cho các anh chị em đau khổ như cho chính Chúa, Người sẽ đền bù cho các con gấp ngàn lần với đấu đủ lượng, đấu tràn đầy.
“Để nói lên lòng biết ơn của cha, cha sẽ tặng cho tất cả các con lời cầu nguyện và sự đau khổ hàng ngày của cha, cha luôn nghĩ đến các con trong Hy Lễ Thánh Thiện mà trong Thánh Lễ cha sẽ dâng các con lên ngai Thiên Chúa uy nghi, để nài xin ơn sủng và phúc lành cho tất cả mọi người, nhất là những người đau yếu của Nhà Chữa Trị và tất cả những người đau yếu trên thế giới, và cùng kết hợp tinh thần trong một gia đình duy nhất qua mối liên hệ đau khổ và bác ái, khuyến khích họ chịu đựng đau khổ trong phương cách Kitô Giáo để kết hợp với sự đau khổ của Đức Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ. Chúc tụng Chúa Giêsu và Mẹ Maria.”
Chủ đề của các vị lãnh đạo nhóm cầu nguyện đều giống nhau: hãy bắt chước Cha Piô trong sự cầu nguyện, sự hy sinh, và sự đau khổ. Sinh hoạt của mỗi nhóm có khác nhau đôi chút. Một số cầu nguyện, một số lần chuỗi, một số tham dự Thánh Lễ, một số nghe giảng nhưng tựu trung là để tụ họp và cầu nguyện.
Ông Don Giancarlo Setti hỏi Cha Piô về những điểm căn bản phải có của Nhóm Cầu Nguyện.
Người nói: “Chương trình cho tất cả mọi người là chương trình cầu nguyện, chương trình bác ái, chương trình vâng phục hàng giáo phẩm, và chương trình sống tốt lành bền bỉ. Tinh thần bác ái phải là chủ đề của những buổi hội họp. Không có việc tốt lành nào có giá trị nếu chỉ được khởi sự mà không hoàn tất.”
Cha Piô miệt mài trong các sinh hoạt đến độ có lúc người quên cả sự đau đớn và mệt mỏi. Nhưng không được lâu. Mỗi lần cơn đau trở lại, nó mãnh liệt như một cơn bão đến độ có thể quật ngã người.
Ông Michael Forgione từ trần ngày 9 tháng Năm 1967, hưởng thọ tám mươi lăm tuổi và Cha Piô đã chôn cất ông trong nghĩa trang gần mộ cha mẹ người. Trong nhiều ngày, Cha Piô như tan nát vì đau buồn.
Những tháng kế tiếp, Cha Piô cố gắng với công việc hàng ngày nếu có thể, dù rằng sức khỏe của người lại tệ hơn trước, và có những lần người không thể làm gì hơn là ở trong phòng cả ngày. Có một lần, vào ban đêm, người bị ngã và bị thương nặng, do đó cha bề trên phải ra lệnh cho người không được thức giấc vào ban đêm để cầu nguyện nữa. Cứ như thế được một năm, nhưng mọi sự không khả quan lắm.
Cô Mary Pyle vừa mừng sinh nhật thứ tám mươi vào ngày 17 tháng Tư 1968 và bị đau dạ dầy. Cô được đưa đến Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ. Sau một vài ngày có tiến triển hơn, nhưng vào lúc 11 giờ đêm ngày 26 tháng Tư 1968, thật bất ngờ, cô đã phó thác linh hồn trong tay Chúa.
Không kể những tu sĩ từ các tu viện ở Foggia, tất cả các tu sĩ ở Morcone, Larino, Manfredonia và Pietrelcina đã đến dự đám tang của cô. Sáu tu sĩ Capuchin đã khiêng quan tài của cô trên vai, và đi từ nhà cô đến giáo đường của tu viện. Cha Carmelo, vị bề trên ở San Giovanni Rotondo, đã đọc bài tán dương thật cảm động.
Thi hài của cô được đặt gần mộ ông bà thân sinh và anh của Cha Piô. Trên mộ của cô có tấm bia khắc hàng chữ vàng như sau:
“Ôi cô Mary
đầy lòng bác ái và nhân đức thiêng liêng
đã an nghỉ vĩnh viễn trong sự thương tiếc của Pietrelcina,
nơi cô đã dâng tặng một tu viện.
Với San Giovanni Rotondo,
trên bốn thập niên hằng khâm phục cô,
người con tinh thần hiền lành của Cha Piô
và của các Cha Capuchin
là những người muốn được nhớ đến cô
trong nguyện đường của họ.”
Hai ngày trước khi chết, cô đã để lại một ngân khoản cho chủng viện ở Pietrelcina để xây cất một thao trường và thiết lập một hệ thống sưởi mới. Trong chúc thư, cô cũng yêu cầu được chôn cất với y phục của dòng Phanxicô, mặc áo choàng, thắt dây lưng trắng và đi dép. Mọi tài sản cô để lại cho dòng Capuchin, kể cả căn nhà ở San Giovanni Rotondo và hai căn nhà ở Pietrelcina mà trước đây từng thuộc về gia đình Forgione. Họ quyết định giữ lại căn nhà ở San Giovanni Rotondo như một kỷ niệm về cô, vì đó là nơi sau cùng của cô trong thời gian cuối đời.
Về sau, một tu sĩ nói với Cha Piô: “Cô ta là một người có mức độ tinh thần ngoại hạng, xứng đáng được tuyên thánh.”
Cha Piô gật đầu. “Cô luôn luôn là một người ngoan đạo và phần thưởng của Thiên Chúa sẽ xứng đáng với người công chính.”
Bầu trời hôm ấy thật ảm đảm và gió hơi lạnh. Cha Piô cảm thấy mọi phần cơ thể đau nhức vì buồn bã. Mọi sự không còn giống như trước nữa, và cha biết đời người cũng sắp qua.
Cha Piô rất sùng kính Đức Mẹ, và người thường lần chuỗi hàng ngày. Trong tu viện, một trong các thầy bắt gặp người và hỏi: “Thưa Cha, cha đọc bao nhiêu chuỗi Mai Khôi mỗi ngày?”
Người trả lời: “Khoảng bốn mươi.”
“Bốn mươi lần năm mươi có nghĩa hai ngàn Kinh Kính Mừng!”
“Cái gì? Có phải chuỗi Mai Khôi chỉ có năm chục thôi sao?” Một chuỗi Mai Khôi đầy đủ gồm mười lăm chục kinh Kính Mừng và mười lăm kinh Lạy Cha.
Có lần người nói với một người con thiêng liêng: “Luôn luôn nắm chặt lấy vũ khí của Đức Mẹ trong tay. Nó sẽ giúp con chiến thắng kẻ thù.”
“Vũ khí đó là gì?”
“Nó trên áo dòng của cha.”
“Nhưng con đâu thấy vũ khí nào cả. Con chỉ thấy xâu chuỗi Mai Khôi.”
Cha Piô hỏi: “Đó không phải là vũ khí sao?”
Cha Onorato đang đợi người ở hành lang. Cha nói: “Ngày mai con đi Lộ Đức, con muốn được cha chúc lành, và như thế cha có mặt bên con trong cuộc hành trình.” Cha mỉm cười và nói thêm: “Sao cha không đi với con?”
Cha Piô lắc đầu: “Tôi đã già và chưa bao giờ đi đâu cả. Với Lộ Đức thì tôi đã đến đó nhiều lần. Tuy nhiên, đến Lộ Đức không chỉ bằng xe lửa hay xe hơi, người ta có thể dùng phương tiện khác.”
Cha Onorato mỉm cười thông hiểu, nhưng người không muốn đi sâu vào ơn lưỡng tại của Cha Piô. Cha nói đùa: “Hoan hô cha. Cha rời tu viện, làm một chuyến hành hương, và khi trở về cha sẽ bị phạt vạ tuyệt thông vì cha rời tu viện mà không có phép của bề trên!”
Cha Piô giả vờ như kinh hãi và giơ hai tay lên trời: “Cha có điên không! Cha có thấy tôi rời tu viện không? Mọi người trông thấy tôi ngày đêm và cha biết là tôi không đi đâu cả.” Người lắc đầu. “Hình như cha không hiểu gì.”
Cha Onorato cười thành tiếng, và người liếc thấy có vật gì mầu vàng trong tay Cha Piô. Người đang cầm một cành hoa hồng vàng. Cha Onorato đùa: “À há, cha có hâm mộ một người nào đặc biệt. Con thấy rồi.”
Đôi mắt nâu của Cha Piô long lanh. “Cũng đã đến lúc, cha không nghĩ vậy sao?” Người chậm chạp bước đi và dừng chân trước cánh cửa dẫn đến văn phòng Cha Gerardo.
Cửa đang đóng. Bình thường Cha Gerardo có thể nghe thấy tiếng bước chân từ xa của Cha Piô, ngập ngừng và kéo lê, và thỉnh thoảng người còn có thể nghe tiếng ho của Cha Piô nữa. Và Cha Piô thường dừng chân tại văn phòng của người, gõ cửa và bước vào. Cha Piô luôn luôn có một điều gì: một lá thư, một địa chỉ, một dâng tặng cho bệnh viện, hay các ý lễ.
Có lần Cha Piô bảo người: “Nếu tôi chết bất ngờ, cha nhớ là trong túi này” người chỉ tay vào túi áo dòng bên phải, “có những dâng tặng cho bệnh viện. Và trong túi này,” người chỉ vào túi bên trái, “có những ý lễ mà người ta xin.”
Đó là ngày sinh nhật của Cha Gerardo, và người đang đợi Cha Piô dừng chân. Người đang bận rộn với công việc và thoáng nghe tiếng ho nhè nhẹ gần cánh cửa. Người đứng dậy, mở cửa, và trông thấy Cha Piô đang mỉm cười với đôi chút bối rối.
“Chúc mừng cha,” Cha Piô vừa nói vừa lấy cành hoa hồng mà người đã gài ở cánh cửa và đưa cho Cha Gerardo.
Đôi mắt Cha Gerardo ngấn lệ, người cám ơn và hôn tay Cha Piô. Khuôn mặt Cha Piô hơi thẹn thùng, người vội quay bước về hướng nhà nguyện. Sự mệt mỏi đã xâm chiếm người thật mau chóng nên người vội quay về phòng để nghỉ ngơi.
Kể từ khi các cha Capuchin được hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Cha Piô quyết định viết cho Đức Giáo Hoàng một lá thư.
“Tâu Đức Thánh Cha, con muốn nhân cơ hội được gặp gỡ Đức Thánh Cha trong lần đại hội vừa qua để hợp ý với các tu sĩ dòng mà đặt dưới chân Đức Thánh Cha sự tôn kính của con, sự mến mộ con người đáng kính, trong đức tin, đức ái và vâng phục Đức Thánh Cha, vì sự công chính của Người mà Đức Thánh Cha đại diện ở trần thế. Dòng Capuchin luôn luôn đứng đầu trong đức ái, đức tin, sự tuân phục và quý mến Tòa Thánh. Con cầu xin Thiên Chúa cho nhà dòng luôn luôn được như vậy, cũng như để nhà dòng có thể tiếp tục truyền thống khắc khổ và thành thật, nghèo khó phúc âm, trung thành tuân giữ Quy Luật và Hiến Pháp, trong khi tự canh tân trong tinh thần nội tâm sống động theo các quyết định của Công Đồng Vatican II để ngày càng sẵn sàng đi theo sự hướng dẫn của Mẹ Giáo Hội.
“Con biết ngày nay Đức Thánh Cha đau khổ nhiều vì lo lắng cho số phận của Giáo Hội, cho sự hòa bình trên thế giới, và nhiều nhu cầu khác của dân chúng, nhưng trên tất cả là sự bất tuân phục của một số người, kể cả người Công Giáo, đối với những giáo huấn quan trọng mà Đức Thánh Cha, với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, và nhân danh Thiên Chúa, đã ban cho chúng con. Con xin dâng lên Đức Thánh Cha lời cầu nguyện và sự đau khổ hàng ngày của con như một ý nghĩ nhỏ mọn nhưng thành thật từ đứa con nhỏ bé của Đức Thánh Cha, để xin Thiên Chúa an ủi và giúp đỡ Đức Thánh Cha tiếp tục trên con đường ngay thẳng và khó khăn trong việc bảo vệ chân lý ngàn đời không thay đổi theo thời gian. Con cũng thay mặt các con cái thiêng liêng của con và của Nhóm Cầu Nguyện để cảm ơn Đức Thánh Cha vì những huấn dụ rõ ràng và chắc chắn mà Đức Thánh Cha đã công bố, nhất là trong thông điệp Humanae Vitae mới đây, và một lần nữa con khẳng định lại đức tin của con và sự tuân phục những huấn lệnh của Đức Thánh Cha một cách vô điều kiện.
“Xin Thiên Chúa ban niềm vui chiến thắng của chân lý và bình an cho Giáo Hội Người, sự thanh nhàn cho dân chúng trên thế giới, sức khoẻ và sự thịnh vượng cho Đức Thánh Cha, để những đám mây đen che phủ sẽ tan biến và Nước Trời sẽ ngự trị trong mọi tâm hồn qua việc tông đồ của Đức Thánh Cha như vị Mục Tử Tối Cao của mọi Kitô Hữu.
“Phủ phục dưới chân Đức Thánh Cha, con nài xin phép lành của Đức Thánh Cha cùng với anh em tu sĩ của con, con cái thiêng liêng của con, Nhóm Cầu Nguyện, những người đau yếu của con và vì mọi công việc tốt lành mà chúng con cố gắng thực hiện nhân danh Chúa Giêsu với sự che chở của Đức Thánh Cha.”
San Giovanni Rotondo
12 tháng Chín 1968
Cha Piô, tu sĩ Capuchin
Thứ Sáu, 20 tháng Chín 1968 là ngày kỷ niệm năm thứ năm mươi Cha Piô được in năm dấu thánh. Có năm mươi chậu bông hồng đặt chung quanh bàn thờ. “Trông như một khu vườn,” một thầy đã phát biểu như thế.
Thật là một ngày huy hoàng. Khách thăm viếng đến chúc tụng Cha Piô suốt ngày. Vào buổi chiều người dự nghi thức Chầu Thánh Thể và chiều tối có rước đuốc, tiếp đó là phần bắn pháo bông. Cha bề trên ra lệnh người phải hiện diện trong mỗi một biến cố, và người đã vâng lời.
Sáng hôm sau người quá mệt không thể cử hành Thánh Lễ 5 giờ sáng như thường lệ. Tuy nhiên, khi có được chút sức khỏe người lại xuống tham dự phần kinh Truyền Tin vào buổi trưa. Người cũng hiện diện trong buổi Chầu Thánh Thể vào chiều hôm ấy, và vào buổi tối, người ta thấy Cha Piô xuất hiện ở khung cửa sổ ở phòng người, để chúc lành, và vẫy tay chào đám đông đang tụ họp ở dưới.
Đó là Chúa Nhật 22-9, ngày Đại Hội Nhóm Cầu Nguyện. Hàng trăm ngàn người đến từ khắp nơi trên thế giới. Thánh Lễ do Cha Piô cử hành đầy chật người trong nhà thờ. Sau đó cha ngồi nghỉ đôi phút như thói quen thường lệ. Và rồi cha được các thầy đỡ đứng dậy. Bỗng dưng cha qụy xuống. Nếu không có người đỡ có lẽ cha đã ngã xuống sàn.
Có người kêu lớn: “Đem xe lăn lại! Đem xe lăn lại mau lên.”
Đây là lần đầu tiên chiếc xe lăn của người xuất hiện trên cung thánh. Thật vậy, Cha Piô luôn từ phòng thánh bước vào nhà thờ. Khi họ đẩy xe người ra ngoài, người nhìn đến hàng hàng lớp lớp người tín hữu một cách tuyệt vọng và người giang cánh tay như để ôm lấy họ.
“Các con ơi, các con ơi,” người thì thầm. Giọng người yếu hẳn và mặt người xám ngắt đến độ không thể phân biệt giữa da mặt và râu.
Vào tám giờ sáng ngày 22 tháng Chín, một thánh lễ cho Nhóm Cầu Nguyện được mười bốn linh mục đồng tế, do Đức Giám Mục Antonio Cunial chủ tế, người là giám quản tông tòa của Giáo Phận Manfredonia. Bên trái người là Cha Carmelo của San Giovanni ở Galdo, O.F.M. dòng Capuchin, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám đốc Nhóm Cầu Nguyện. Việc bổ nhiệm này ghi dấu thành quả công việc tinh thần của Cha Piô. Điều đó có nghĩa Nhóm Cầu Nguyện đã được Toà Thánh Vatican công nhận là hữu ích và tốt lành cho các linh hồn. Các vị đồng tế khác là các vị linh hướng của các nhóm.
Ngay sau Thánh Lễ, Cha Clemente làm phép hầm mộ của Cha Piô, là một hành động mà có lần Cha Piô bảo nó có nghĩa người sắp chết. Sau nghi thức này, mọi người vào nhà thờ để nghe diễn thuyết. Khoảng 10 giờ, Cha Piô xuất hiện ở khung cửa sổ của nhà thờ cũ để chúc lành cho giáo dân.
Một linh mục dòng khuyên người nên bác bỏ ý tưởng đó, nhưng Cha Piô cương quyết: “Tôi muốn gặp các con cái lần cuối cùng.”
Khuôn mặt người hiện rõ sự đau khổ. Người đã định đi giải tội, nhưng phải trở về phòng nằm nghỉ. Trong phòng chỉ có một mình người với các thầy phụ tá là những người thường xuyên đến phòng để trông coi. Khoảng trưa, các thầy đi ăn.
Vào giữa trưa, trong sự thinh lặng huyền bí của căn phòng, Cha Piô đã cất cao giọng đọc kinh Lạy Cha một cách thật khác thường, thật rõ ràng. Đó là một nghĩa cử khiêm tốn cảm tạ tất cả những gì người có trong cuộc đời.
Vào buổi chiều nghi thức Ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể được cử hành. Sau đó Cha Piô làm phép viên đá đầu tiên của đài kỷ niệm mới: Đàng Thánh Giá. Sau nghi thức này, điêu khắc gia Francesco Messina, người đã tạc những bức tượng đồng trong Đàng Thánh Giá, đã thay Cha Piô để đóng vai ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu trong chặng thứ năm.
Vào bốn giờ chiều cùng ngày Cha Piô đến cung thánh như thường lệ. Thật ra người yếu lắm, nhưng người không muốn làm con cái của người thất vọng.
Khi chấm dứt nghi thức để về phòng, người đứng dậy thật khó nhọc, tựa tay vào thành lan can, đầu vẫn cúi nhìn xuống đám đông. Một trong những tu sĩ nhẹ nhàng đỡ tay người lên. Cha Piô làm dấu thánh giá ban phép lành, rồi người lập lại, lập lại nữa. Dường như người không muốn ngừng. Người thật mệt, hoàn toàn kiệt quệ, nhưng vì yêu thương con cái nên người đã gắng gượng.
Tối hôm ấy, các hội viên của Nhóm Cầu Nguyện cầm nến đọc kinh và hát thánh ca ở cánh đồng, chờ đợi Cha Piô xuất hiện ở khung cửa sổ phòng người. Sự chờ đợi thật lâu. Sau cùng, khuôn mặt quen thuộc của người xuất hiện và người giơ tay chúc lành. Thế là hàng trăm ngàn cây nến bên dưới cửa sổ dập dờn như sóng ghi dấu một biến cố cuối cùng đã từng được lập đi lập lại trong nhiều năm.
Người ở lâu hơn thường lệ, vẫy tay và mỉm cười. Nhưng các linh mục đứng cạnh đó đã nhìn thấy những giọt lệ trên đôi mắt già yếu của người.
Khoảng sau chín giờ tối hôm ấy, Cha Piô gọi người phụ tá là Cha Pellegrino đến phòng người. Cha Piô nằm liệt trên giường, mắt đỏ hoe và dàn dụa nước mắt. Người hỏi: “Mấy giờ rồi?”
Người hỏi đi hỏi lại cho đến nửa đêm, mỗi lần hỏi “Mấy giờ rồi?” là người lại dàn dụa nước mắt.
Vào nửa đêm, người khẩn khoản nói với Cha Pellegrino: “Hãy ở đây với cha.” Suốt thời gian ấy người luôn luôn hỏi giờ. Và rồi người hỏi: “Con cử hành Thánh Lễ chưa?”
“Thưa cha, còn quá sớm để làm lễ.”
“Vậy, sáng nay con sẽ cử hành lễ thay cho cha.”
Sau đó Cha Piô xin xưng tội, và sau cùng, người nói: “Con ơi, nếu Chúa gọi cha hôm nay, con nói với anh em trong dòng tha lỗi cho cha vì tất cả những khó khăn mà cha đã gây nên, và xin anh em cũng như con cái thiêng liêng của cha cầu nguyện cho linh hồn cha.”
Cha Pellegrino đặt tay lên vai Cha Piô cố để an ủi người: “Thưa cha, con chắc là Thiên Chúa sẽ để cha sống thật lâu, nhưng nếu điều cha nói là đúng, con xin cha chúc lành lần cuối cho anh em dòng, cho con cái tinh thần của cha và cho bệnh nhân được không?”
“Được,” Cha Piô trả lời: “Cha sẽ chúc lành cho tất cả mọi người, và con xin cha bề trên ban cho họ phép lành cuối cùng này giùm cha.”
Bỗng dưng Cha Piô mỉm cười, và người yêu cầu lập lại những lời khấn dòng. Lúc đó đã 1 giờ sáng. Người nói: “Hãy nghe đây. Cha không thể thở khi nằm như thế này. Đỡ cha dậy. Ngồi trên ghế thì cha thở dễ hơn.”
Trong quãng thời gian già yếu, hai bệnh suyễn và bệnh viêm phế quản đã gây khó khăn cho việc hô hấp của Cha Piô.
Cha Pellegrino chuẩn bị đỡ người dậy nhưng Cha Piô lắc đầu và người chỉ bám lấy cánh tay thôi. Người đứng thẳng dậy và bước một cách mau lẹ và vững vàng như khi còn trẻ. Cha Pellegrino đi bên cạnh, trố mắt nhìn.
“Chúng ta ra hành lang một chút,” Cha Piô đề nghị, và người bật đèn, ngồi xuống chiếc ghế đệm ở hành lang, đưa mắt nhìn chung quanh một cách kỳ lạ như tìm kiếm vật gì. Năm phút sau người muốn trở về phòng.
Cha Pellegrino đỡ người đứng lên, nhưng bỗng dưng sức lực của Cha Piô như trôi tuột khỏi thân xác, người thì thào: “Cha không thể...”
“Khoan đã,” Cha Pellegrino vừa nói vừa chạy đến lấy chiếc xe lăn, đỡ Cha Piô ngồi xuống xe, đẩy xe trở về phòng và giúp người ngồi xuống ghế.
Cha Piô chỉ tay vào chiếc xe lăn và nói: “Đưa xe ấy ra ngoài.” Những giọt mồ hồi bắt đầu lấm tấm trên trán, và khuôn mặt người tái nhợt. Đôi môi người trở nên thâm tím và người lập đi lập lại câu: “Giêsu, Maria.” Cha Pellegrino càng nhìn càng lo sợ.
Vì biết mình sắp chết, Cha Piô thều thào: “Đừng gọi ai cả. Người mà con phải gọi thì Người đã gọi cha rồi.”
Cha Pellegrino hốt hoảng: “Để con đi gọi người ta.”
Cha gọi Thầy William Martin đến và điện thoại cho vị bác sĩ riêng của Cha Piô.
Khi bác sĩ Sala nhìn thấy diện mạo Cha Piô, ông lưỡng lự chích cho người mũi thuốc khỏe, trong khi Cha Piô luôn miệng kêu: “Giêsu, Maria,” giọng của người càng lúc càng yếu dần.
Bác sĩ Sala vội vàng điện thoại cho một số người: Mario Pennelli, chồng của người cháu Cha Piô; bác sĩ Joseph Gusso, giám đốc bệnh viện; bác sĩ Giovanni Scarle, bác sĩ phụ tá; cha bề trên tu viện và các linh mục khác.
Các bác sĩ bắt đầu cho Cha Piô thở dưỡng khí, làm hô hấp nhân tạo, và kích thích tim. Tất cả công việc này cũng không giúp gì hơn. Trong khi Cha Paolo xức dầu, các linh mục khác quỳ chung quanh cầu nguyện.
Vào khoảng 2 giờ năm phút, vẻ xanh xao trắng nhợt lan khắp khuôn mặt Cha Piô. Tay chân, mặt mũi của người lạnh dần, nhịp đập yếu đi, và hơi thở dồn dập. Đôi mắt người nhắm chặt.
“Cha ơi, cha ơi,” có người lớn tiếng gọi, và cha mở mắt nhìn mọi người, rồi nhắm lại.
Không có sự co giật bắp thịt trên khuôn mặt của người, nhưng tim người ngừng đập lúc 2 giờ 10 phút sáng. Các phương pháp hô hấp nhân tạo, kích thích tim lại được xử dụng. Nhưng dường như người không phản ứng gì. Vào lúc 2 giờ 30 sáng, đầu người ngả sang bên phải và đôi môi hé mở với một tiếng thở nhẹ.
Bên ngoài, sáng ngày 23 tháng Chín cũng bình thường như mọi ngày. Vào lúc 3 giờ 30 sáng, dân chúng bắt đầu tụ tập trước cửa nhà thờ, chờ đợi cửa sẽ mở khoảng một tiếng đồng hồ sau. Một số lần chuỗi Mai Khôi, một số đứng im lặng. Nhưng cánh cửa ấy đã không mở như thường lệ. Khi mặt trời lên cao, đám đông bắt đầu bồn chồn ái ngại. Ngay lúc ấy, một tiếng chuông trầm buồn vang lên át hẳn những tiếng xôn xao của dân chúng.
Trên hệ thống âm thanh, tiếng nói nghiêm trọng của Cha Carmelo, vị linh mục quản gia của tu viện, nói cho họ biết là Cha Piô đã vĩnh viễn xa cách họ.
Mặt trời tháng Chín như sưởi ấm đám đông trong khi họ im lặng lắng nghe, và trong một lúc thật lâu, thật cô quạnh, người ta cảm thấy như sức mạnh vô cùng của tình yêu Cha Piô đang lấp đầy khoảng trống vắng đó…