Mùa đông đã gần tàn khi cô Maria Ghislieri đến tu viện San Giovanni Rotondo để xưng tội với Cha Piô và tham dự Thánh Lễ của người. Cô là một thiếu nữ mảnh khảnh, có khuôn mặt nhỏ và dài, ở vùng Castelnuovo thuộc tỉnh Piedmond phía bắc nước Ý. Khi các chồi mới hé nụ trên các cành hạnh nhân thì cô bị đau và bác sĩ cho biết cô bị viêm phổi. Hai tuần sau, bác sĩ lại thấy biến chứng: bị viêm màng phổi và có nước trong phổi. Một người chị em họ của cô đến ở với cô hai tháng.
Sau Thánh Lễ, người bà con nói với Cha Piô, “Con lo cho Maria quá. Xin cha cầu nguyện dùm.”
Cha Piô mỉm cười, gật đầu. Người nói, “Bệnh sẽ kéo dài nhưng Maria sẽ qua khỏi.”
Cô mừng rỡ, “Thật vậy sao, cha?”
Người nói, “Con có thể tin chắc như vậy.”
Khi cô Maria hơi khoẻ một chút, cô đã trở về nhà ở Castelnuovo, nhưng bác sĩ ở đây nói rằng cô bị lao cả hai buồng phổi và họ gởi cô đến viện điều dưỡng Alexandria.
Các bác sĩ ở viện điều dưỡng quả quyết, “Không thể làm gì hơn cho cô.” Cả nhà tụ họp lại để bàn tán về điều ấy.
Người bà con nhắc nhở rằng, “Cha Piô nói Maria sẽ bình phục.”
Cha của cô Maria lắc đầu tuyệt vọng, “Bác không biết thế nào, nhưng cháu vừa mới nghe bác sĩ nói đấy.”
“Nhưng Cha Piô biết ý của Thiên Chúa. Các bác sĩ đâu có biết. Bác không thấy sao?”
“Bác không biết. Có lẽ bác phải đích thân đến gặp cha mới được.”
Và ông đã đến tu viện. Ông đợi Cha Piô ở ngoài cửa nhà nguyện. Vừa khi thấy bóng dáng Cha Piô, ông vội chạy tới, vồn vã hỏi.
Cha Piô nói với ông một cách cả quyết, “Con của ông không chết đâu.”
Ông hỏi lại, “Cha có chắc không? Các bác sĩ nói...”
Cha Piô ngắt lời, “Khoa học thì nói không chữa được, nhưng tôi nói với ông là nó sẽ khỏi.”
Sự lo lắng tan dần trên khuôn mặt của ông, và nụ cười hé mở trên môi.
Cha Piô mỉm cười, dịu dàng, “Hãy nói với Maria yên tâm và nó sẽ thấy.”
Tại bệnh viện, lúc đầu cô Maria rất đau đớn và xoay trở mình luôn vì đau. Nhưng vào một buổi sáng nọ, người y tá nhận thấy cô tươi hơn và thư thái hơn.
Bà y tá nói, “Tôi chắc là đêm qua cô ngủ ngon!”
“Là vì người đến giúp cháu đêm qua,” cô Maria giải thích.
Bà y tá đang sắp xếp chăn mền vội dừng tay, bà nhìn vào khuôn mặt còn xanh xao của cô và hỏi. “Ai giúp cô?”
“Cháu muốn nói là Cha Piô.”
“Người ấy là ai vậy? Bà con của cô hả?”
Cô Maria mỉm cười sung sướng và gật đầu, “Cháu nghĩ cha là một vị thánh.”
Bà y tá lắc đầu và nhăn mặt. “Thánh hay không, thì không ai được phép vào đây sau giờ thăm viếng cả. Cô biết mà.”
Cô Maria cười khúc khích. “Cháu sẽ kể cho cha nghe.”
“Làm ơn nói cho tôi biết làm sao mà ông ấy vào đây được?”
“Cha không vào đây theo kiểu đó. Cha... cha xuất hiện... không biết từ đâu.”
Bà y tá chống nạnh. “Thôi nghe Maria, đủ rồi!”
“Đó là sự thật mà,” cô Maria cả quyết, và nhỏm dậy.
Bà y tá ra lệnh, “Nằm xuống đi.”
“Đó là sự thật mà,” cô Maria cả quyết một lần nữa.
Bà y tá lắc đầu. “Tôi nghĩ cô đang lên cơn sốt.” Bà vói tay lấy chiếc khay đồ ăn và đi ra, miệng lẩm bẩm, “Vị thánh. Thật sao!”
Cô Maria nói với theo, “Đó là sự thật!”
Cha của cô Maria trở lại gặp Cha Piô. Ông nói trong hai hàng nước mắt, “Người ta đếm từng ngày của Maria. Họ nói nó là đứa bệnh nặng nhất trong nhà thương.”
Cha Piô đặt tay lên đôi vai run rẩy của ông. “Nó không chết đâu. Nó sẽ bình phục,” người nói thật nhỏ nhẹ và quay bước bỏ đi.
Vào lúc cha của cô trở lại, tình trạng của cô Maria bắt đầu thay đổi. Chẳng bao lâu cô cân nặng thêm mười ba cân Anh. Và sau một thời gian ngắn, cô đã hoàn toàn bình phục và không còn vết tích gì của căn bệnh.
Vị bác sĩ kinh ngạc. Ông nói, “Tôi không hiểu nổi. Không giải thích nổi.”
Cô Maria nói, “Nhưng cháu biết.”
Gia đình của cô Maria muốn câu chuyện được đăng báo để công khai vinh danh Cha Piô. Nhưng cha tỏ vẻ khó chịu khi được hỏi ý. Người nói, “Đừng. Đừng làm gì cả. Hãy sống đạo tốt lành là đủ.”
Một phụ nữ trẻ đẹp khác từ miền bắc nước Ý đến gặp Cha Piô. Cô người thon nhỏ và cao, với đôi mắt long lanh và mái tóc nâu vàng óng ả dưới ánh mặt trời. Những người có mặt ở tu viện thấy cô đến xưng tội với Cha Piô đều tự hỏi cô là ai. Nhiều ngày cô đi đi lại lại như thật bàng hoàng với đôi mắt thiết tha và nụ cười thật tươi, hy vọng được lọt vào ánh mắt của vị linh mục đẹp trai.
Cô nói với những người đang chờ xưng tội, “Cha ấy nói tôi những điều xinh đẹp của thiên đàng và thật truyền cảm.” Và rồi một ngày kia cô mất dạng.
Cô Mary Pyle nói chuyện với Cha Piô, “Cô ấy thật dễ thương. Không biết cô ấy đi đâu?”
Khi nghe nhắc đến cô ấy, Cha Piô có vẻ lo âu. Cha vắn tắt, “Cô ấy trở về nhà.”
“Con tự hỏi không biết cô ấy có phải là một linh hồn được chọn không. Là người được Chúa dùng để làm những việc kỳ diệu của Người.”
Cha Piô nghiêm khắc nhìn cô Mary. Cha tuyên bố một cách chắc nịch, “Không. Chúa không chọn cô ấy.”
Hai tháng trôi qua và không ai còn nhớ đến cô ấy nữa, cho đến khi một trong các linh mục ở tu viện đọc tin trên báo. Cha vội vã đến phòng Cha Piô, và lúc ấy người đang ngồi viết.
Vị linh mục nói, “Cái cô gái bí ẩn này muốn nổi tiếng đây.” Cha đặt tờ báo lên bàn Cha Piô và chỉ ngón tay vào cuối trang.
Cha Piô đẩy lá thư sang một bên. “Cái gì vậy?”
“Theo câu chuyện đăng trong báo, thì cha đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến người phụ nữ duyên dáng mà cô ta thường tiếp xúc với cha. Cô ấy là người...”
Cha Piô ngắt ngang. “Tôi biết cô đó là ai rồi.”
“Cô ấy có vẻ hiểu lầm điều gì đó. Theo như cô ấy nói với ký giả thì cô ấy nghĩ là cha dụ dỗ cô ta.” Cha Piô liếc mắt nhìn bản tin, sắc mặt không thay đổi.
Vị linh mục lo lắng nói, “Dĩ nhiên, mọi người ở đây đều biết đó là trò hề, nhưng những người lạ thì sao? Họ sẽ nghĩ gì?”
Cha Piô nhún vai, “Cha nghĩ tôi sẽ phải làm gì?”
Vị linh mục do dự. “Tôi không biết. Tôi chưa nghĩ về điều ấy. Có lẽ chẳng nên làm gì cả.”
Cha Piô gật đầu và bỏ tờ báo vào sọt rác bên cạnh bàn. “Tốt, vì chẳng có gì đúng như điều tôi muốn thực hiện.”
“Như vậy cha nên từ chối là không có điều đó.”
Cha Piô nhìn vị linh mục. “Cha vừa mới nói với tôi là ai ai cũng biết đó là trò hề.”
“Thì đúng, dĩ nhiên, nhưng...”
Ánh mắt Cha Piô nhìn đăm đăm vào vị linh mục. “Có điều gì khác cha muốn nói không?”
“Tôi chỉ thấy cha không có vẻ gì ngạc nhiên cả.” Lời nhận xét có vẻ chọc tức Cha Piô, nhưng cha không trả lời.
Vị linh mục nhìn quanh quất trong phòng, có vẻ bối rối. “Tôi đoán đây không phải là bài báo đầu tiên muốn bôi nhọ cha.” Cha cười gượng gạo và bước ra ngoài.
Đôi chân mày của Cha Piô nhíu lại. Không may, cũng còn có những bài báo khác lên án cha. Chỉ mới một giờ trước đây cha vừa nói chuyện với ông Alberto Del Fante, một ký giả đã viết bài bôi nhọ cha trong tờ Florence. Vào lúc đó, Del Fante là người vô thần và thuộc nhóm tam điểm, và ông khinh miệt tất cả các linh mục, nữ tu và các thánh.
Và rồi vào tháng Mười Một 1930 ông đến San Giovanni Rotondo với ông anh vợ, chính yếu chỉ vì tò mò. Trước cuộc thăm viếng, đứa cháu của ông đang đau nặng. Các bác sĩ thấy thận của nó bị làm độc nên nóng sốt. Ông anh vợ của Del Fante đã xin Cha Piô cầu nguyện cho đứa nhỏ.
Cha Piô nói với ông, “Hãy tin tưởng,” và cha tiên đoán ngày giờ nó sẽ lành bệnh.
Điều cha tiên đoán đã xảy ra đúng như vậy, và Del Fante thật cảm kích. Ông không những trở lại đạo Công Giáo mà còn là người hỗ trợ Cha Piô hết mình, và ông bắt đầu viết sách về Cha Piô.
Ông nói với Cha Piô, “Trước khi con viết, con sẽ làm dấu thánh giá và cầu nguyện.”
Một tối kia ông quên điều đó và đặt bút viết. Bỗng dưng căn phòng tràn ngập mùi thơm ngọt ngào và dịu dàng.
Ông gọi vợ con ông, “Đến đây mau.”
Trước khi ông lên tiếng dẫn giải, tất cả đều trầm trồ về mùi thơm kỳ lạ trong phòng. Họ hỏi, “Cái gì vậy?”
Ông Del Fante mỉm cười. “Bố không chắc, nhưng bố nghĩ là Cha Piô đang nhắc nhở bố về sự cầu nguyện mà bố đã quên trước khi đặt bút viết.”
Sau khi bà Giuseppa qua đời, ông Orazio đã đến San Giovanni Rotondo và sống bên cạnh Cha Piô cho đến mãn đời. Cô Mary Pyle dành cho ông một chỗ trong khu biệt thự của cô. Hầu như suốt ngày ông chỉ ngồi ở gốc cây đu ngay đằng trước tu viện. Ở đó ông trò chuyện với du khách về Cha Piô.
Vào một buổi sáng mùa xuân, sau khi cử hành Thánh Lễ xong, Cha Piô ra ngoài nhà thờ chào hỏi giáo dân. Người dừng chân ở cây đu và nhìn xuống. Tóc ông Orazio đã trắng xoá, và thời gian đã để lại quá nhiều vết nhăn trên khuôn mặt ông. Cha Piô hỏi, “Nếu không có cây đu này thì bố làm gì?”
Ông Orazio nhăn nhó. Bỗng dưng ông cảm thấy rộn ràng vì hãnh diện ở đứa con. Mắt ông nhìn đến chiếc găng tay nâu của Cha Piô và ông tiến đến cầm tay người định hôn.
Cha Piô vội vàng nhấc tay lên. “Con đã nói điều này với mẹ rồi, là con cái hôn tay cha mẹ chứ không ai làm ngược lại.”
Ông Orazio đứng thẳng người lên và cầm tay Cha Piô. “Bố không muốn hôn tay của con, nhưng hôn tay của một linh mục.”
Cha Piô rùng mình vì xúc động, và mắt người nhòa đi. Người lẩm bẩm “Bố ơi,” và giang tay ra ôm lấy cha mình. Người hôn lên má ông Orazio, nắm lấy bàn tay ông một hồi lâu và từ giã ông. Hôm nay cha phải gặp Tu Viện Trưởng Benoit là tổng thư ký của Viện Công Giáo Thành Phố Lille, nước Pháp. Cha Benoit đến với một phái đoàn hành hương.
Cha Piô chào, “Hân hạnh được gặp quý vị.” Có khoảng sáu người đàn ông cao lớn đứng bên cạnh một người thấp, nước da hồng hào và tự giới thiệu là Tu Viện Trưởng Benoit.
Tất cả thoải mái trò chuyện và sau vài giờ tranh luận về vấn đề thần học, họ cảm thấy phải chia tay.
Cha Benoit nói với Cha Piô, “Xin cha ghi cho con vài hàng lưu niệm.”
Cha Piô mỉm cười. Người hơi do dự một chút và nhìn về Cha Benoit. “Cha có thể cho con mượn cái kính không?”
Cha Benoit đưa kính cho người và tò mò nhìn Cha Piô cắm cúi viết trên trang giấy trắng.
Cha Piô ngừng bút và đưa tờ giấy cho Cha Benoit. Người chào tạm biệt từng người và đi ra khỏi phòng.
Cha Benoit đứng sững sờ, miệng há hốc khi người đọc những hàng chữ của Cha Piô.
Có người hỏi, “Cái gì vậy?”
“Tôi không thể tin nổi.”
“Mà là cái gì?”
Cha Benoit lắc đầu. “Người cho tôi biết cách giải quyết vấn đề mà tôi đã cố giải quyết trong nhiều năm.”
Một ông nói, “Cha Piô là một người thông minh.”
Cha Benoit lắc đầu. “Ông không hiểu. Tôi chưa bao giờ kể cho cha ấy nghe về vấn đề này. Làm sao người biết được?”
Cả phòng bỗng im lặng. Một ông cao lớn, gãi đầu nói, “Cha nghĩ thế nào về một người có thể đọc được tư tưởng của mình? Không dựa vào đâu hết?”
Cha Benoit hướng dẫn phái đoàn ra về và người liếc thấy phía bên phải tu viện, Cha Piô đang bắt tay chào hỏi một du khách. Cha thầm nghĩ, Thật kỳ lạ. Người trông như một linh mục bình thường.
Một trong những người cùng đi bất chợt thốt lên ý nghĩ ấy. “Cha ấy trông như một linh mục bình thường.”
Có người nói, “Linh mục bình thường thì đâu có lỗ đinh ở chân tay!”
Cha Piô nhìn thấy họ ra cửa và giơ tay vẫy chào tạm biệt. Và cha quay sang một người đang đứng bên cạnh. Đó là ông Nino Salvaneschi, một ký giả từ Brussels, vừa bị mù mắt.
Ông nói với Cha Piô, “Con không hiểu tại sao như thế này. Phải có lý do nào đó. Tại sao một người lành mạnh bỗng dưng bị mù?”
Cha Piô lắc đầu, “Chúa ban cho thì cũng có thể Chúa cất đi. Hãy bình an ra về. Cha sẽ cầu nguyện cho con.”
Ông Salvaneschi cám ơn cha, và tai ông loáng thoáng nghe tiếng đối thoại của Cha Piô với những người đang đợi ở chung quanh.
“Đừng bao giờ để linh hồn con bị khuấy động bởi hoàn cảnh sầu khổ vì sự bất công của loài người,” Cha Piô nói với một nông dân quần áo rách rưới. “Trong kế hoạch của Thiên Chúa, con sẽ nhìn thấy sự chiến thắng hiển nhiên của sự công bằng Thiên Chúa.”
Một bà trùm khăn trắng trong chiếc áo dài nâu nhìn đăm đăm vào tay Cha Piô. Mắt cha dừng lại trên khuôn mặt sợ hãi của bà. Cha nói thật khẽ “Sự đau khổ thể xác và tinh thần là những thử thách của ý Chúa. Những linh hồn yêu mến Đức Kitô phải sống theo gương của Người. Đấng Cứu Thế phải chịu những đau khổ không thể tưởng được khi Người bị bỏ rơi. Những ai muốn trở nên một phần công cụ của Thiên Chúa thì cũng phải chịu đau khổ đến mức độ nào. Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa vì những đau khổ đã làm phong phú chúng ta.”
Người phụ nữ trùm khăn trắng có vẻ bớt căng thẳng. Cha Piô mỉm cười thông cảm.
Một người đàn ông gầy khẳng khiu phải đứng tựa vào tay cô con gái lên tiếng, “Thưa cha. Có thể nào các thánh không nhận ra rằng họ ở hai nơi cùng một lúc...” Ông quay sang cô con gái, “Gọi là gì nhỉ?” Cô con gái thì thầm nói vào tai ông.
“Ông muốn nói về lưỡng tại,” Cha Piô trả lời. “Thật ra thì họ biết chứ. Họ không biết chắc là thân xác hay linh hồn xuất đi, nhưng chắc chắn họ biết điều gì đang xảy ra và họ đi đâu.”
“Làm sao cha biết được điều đó?” cô gái bỗng lên tiếng hỏi.
Cha Piô gãi râu, mỉm cười. “Cha được người ta nói cho biết như thế.”
Cô vẫn kiên trì. “Có thể nào chính cha có cảm nghiệm lưỡng tại không?”
Người cười và phớt lờ câu hỏi của cô. “Nhiều điều có thể xảy ra trong thế giới của Thiên Chúa.” Trước khi cô nói tiếp, người đã lê bước vào đám đông.
Những người ở gần đấy tiến sát lại hai cha con ông và thắc mắc.
Cô gái nói, “Đây là một câu chuyện cháu biết mà các chức sắc của giáo hội đã công nhận. Đức Ông Fernando Damiani là tổng đại diện ở Salto, Uruguay, và là người anh của ca sĩ nổi tiếng Victor Damiani của nhà hát Colon Opera ở Buenos Aires. Đức ông được khỏi bệnh ung thư bao tử nhờ Cha Piô và họ trở nên bạn thân trong mấy năm qua. Hình như, đức ông xin Cha Piô đến giúp đỡ người trong giờ lâm tử, và Cha Piô hứa sẽ thực hiện điều đó. Rồi khoảng một năm sau, Đức Ông Damiani cùng với các chức bậc trong giáo hội Nam Mỹ đến dự lễ kỷ niệm ngân khánh của Đức GM Alfred Viola của giáo phận Salto, Uruguay, và cũng để đặt viên đá đầu tiên xây cất tiểu chủng viện của giáo phận này. Vào đêm hôm trước ngày lễ, khoảng nửa đêm, Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Barbieri của giáo phận Montevideo, Uruguay, bị thức giấc vì có tiếng gõ cửa. Cánh cửa hé mở chừng hai gang tay, và người trông thấy một linh mục Capuchin đi ngang qua, và nghe tiếng nói: 'Hãy đến phòng Đức Ông Damiani, đang hấp hối.' Vị tổng giám mục vội vã lấy dầu, và đánh thức các người khác. Mười vị giám mục đến bên giường Đức Ông Damiani và cùng đưa tay ban phép lành cho người hấp hối. Và ở đó cũng đã có mặt Cha Piô. Người đã giữ lời hứa. Người ta nói, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Ông Damiani viết nguệch ngoạc hàng chữ: 'Cha Piô đã đến'. Nhưng chính khi cha có mặt ở Nam Mỹ thì các thầy ở tu viện đây cả quyết rằng cha không bao giờ rời xa tu viện cả.” Tiếng xầm xì lan dần trong đám đông.
“Còn câu chuyện khác nữa,” một bà lên tiếng, “là Ngài Pietro Calice ở Corsica nghe tiếng đồn về Cha Piô nên ông đã đến gặp cha. Vì con của ông, cậu Giacomo, sau khi tham gia đạo quân Lê Dương và chính phủ cho biết cậu bị mất tích trong sa mạc. Ông xin Cha Piô đưa con ông về. Cha hứa với ông rằng chiên lạc sẽ tìm về đàn nếu ông thành khẩn và tin tưởng cầu xin Chúa. Trong khi đó, cậu Giacomo thực sự bị lạc trong sa mạc, đang luẩn quẩn tìm lối ra. Sau này, cậu kể lại có một người đàn ông xuất hiện và nói cậu đi theo ông ta. Cả hai đến được bờ biển và họ tìm thấy một cái bè nhỏ, và cậu Giacomo dùng chiếc bè này để về đến Marseilles. Từ đó cậu về Corsica. Khi cậu về đến nhà và kể lại câu chuyện đó, cha cậu đã vội vàng đưa cho cậu xem hình của Cha Piô, và cậu cho biết đó chính là người đã giúp cậu ra khỏi sa mạc.”
Mọi người lắc đầu kinh ngạc.
Người đàn ông gầy khẳng khiu lên tiếng, “Loài người thì không thể làm được những việc như thế. Chỉ có các thánh.”
Có người hỏi, “Nếu cha là thánh, tại sao cha không nhận?”
“Đúng,” một bà đẫy đà đang khó nhọc với bốn đứa con nhỏ lên tiếng, “không có gì phải xấu hổ.”
Cha Rafaele da S. Elia a Piansi, bề trên tu viện Đức Mẹ Ban Ơn, nhận được một thông cáo chính thức của Tòa Thánh vào ngày 11 tháng Bảy 1931. Người gọi Cha Piô vào văn phòng.
Chân của Cha Piô sưng lớn từ cổ chân trở xuống, và người lê bước trên hành lang một cách khó nhọc và đau đớn. Người cảm thấy già và mệt mỏi. Mới tháng qua người vừa mừng sinh nhật thứ bốn mươi bốn với gia đình. Và mặc dù ai ai cũng nói người có vẻ trẻ hơn đến mười tuổi, nhưng người biết cái thời thanh xuân ấy đã quá xa. Xa đến nỗi tưởng như đề cập đến một người lạ. Người trông cũng có vẻ khác biệt. Sự đau đớn ở các vết thương khiến người bước đi chậm chạp và lòng khòng. Trong những năm qua người cân nặng thêm một chút, mái tóc có thưa đi nhưng bộ râu dài, rậm rạp hơn trước và loáng thoáng mấy sợi râu bạc. Đôi mắt nâu đen của người vẫn còn tinh anh, và khuôn mặt đẹp trai của người, tuyệt nhiên không có một nếp nhăn, ngoại trừ vài nếp ở cuối mắt. Khi lết đến văn phòng cha bề trên thì chân người đã sưng lớn, và Cha Rafaele cũng thấy vẻ khó chịu lộ trên khuôn mặt người.
Cha Rafaele nhỏm người đứng dậy và hỏi, “Cha có cần đỡ không?”
Cha Piô xua tay. “Dạ không, cám ơn cha.”
Trước khi ngồi xuống ghế, cha bề trên nhận xét, “Tôi không biết là hôm nay vết thương của cha đau nhiều, nếu biết tôi đã đến phòng của cha.”
Cha Piô cười gượng. “Con cũng cần thở chút không khí trong lành. Hôm nay trời thật đẹp.”
Cha Rafaele nói, “Vì nhiệm vụ, tôi phải nói với cha là trong khi Tòa Thánh điều tra các vết thương của cha, công chúng không được gần với cha.”
Cha Piô không trả lời. Người khoanh tay trước ngực và lắng nghe từng chữ như thấm vào hồn.
“Tôi chắc chắn đó chỉ là tạm thời,” cha bề trên do dự nói thêm.
Cha Piô ngước nhìn, “Họ có nói bao lâu không?” Cha Rafaele lắc đầu trả lời không. Vì lý do nào đó, hình như cha không tìm được câu nói cho đúng nghĩa.
Cha Piô gật đầu, “Con hiểu.”
“Tôi thật sự xin lỗi.”
“Con có được cử hành Thánh Lễ không?”
Cha bề trên hơi ngập ngừng. Và rồi cha nói, “Một cách riêng tư.” Cũng không biết nói gì hơn, cha để Cha Piô trở về phòng.
Trên đường trở về phòng dường như Cha Piô không còn thấy vết thương đau đớn nữa. Cha về đến phòng như người mất hồn. Cha thẫn thờ thả người trên ghế và mắt đăm đăm nhìn đến tượng thánh giá ở đầu giường. Chẳng có gì để làm. Giáo Hội đã quyết định, và bổn phận của cha là vâng phục. Nhưng cha biết nhiều người sẽ đau khổ và hoang mang khi nghe tin này. Cha tháo chiếc găng tay ra và đăm chiêu nhìn đến cái vẩy trên vết thương cho đến khi mắt dàn dụa nước.
Có tiếng gõ cửa, và hai thầy xuất hiện.
“Xin cha thứ lỗi,” một thầy trẻ lên tiếng. “Cha bề trên sai chúng con đến giúp cha.”
Cha Piô ngạc nhiên. “Giúp cha?”
“Phải, thưa cha. Cha sẵn sàng chưa?” Cha Piô tiếp tục nhìn hai thầy cho đến khi họ cảm thấy bối rối.
Một thầy lên tiếng, “Cha Rafaele không nói với cha là có chúng con đến giúp cha sao?” Cha Piô lắc đầu.
“Người thực không nói với cha?”
“Không.”
“Vậy thì...” thầy đưa mắt nhìn người bạn, ngập ngừng, “chúng con... chúng con đến để khiêng giường của cha xuống thư viện, và gỡ tượng thánh giá ở phòng mà cha được in năm dấu thánh.”
Cha Piô quay mặt đi chỗ khác.
“Con xin lỗi,” một thầy nhỏ nhẹ, giọng đau khổ. “Xin cha cho phép...”
Cha Piô đi về chiếc bàn. “Các con đã được lệnh thì hãy vâng lời.”
Cha ngồi bất động, không nói một lời, và đợi cho đến khi hai thầy đi ra, người đứng dậy, lết theo hai thầy.
Những giờ cô đơn bắt đầu, và một ngày dài như một tuần. Không ai được tiếp xúc với cha, ngoại trừ Cha Rafaele, là người cũng đau khổ không kém Cha Piô. Người như sống trong bóng tối, di chuyển cách kín đáo vào những sáng tinh sương để đi lên lầu hai của nhà nguyện, một mình cử hành Thánh Lễ, và âm thầm trở về phòng trước khi bất cứ ai có thể trông thấy người. Như một tù nhân bị biệt giam, người ăn uống một mình, và dùng thời giờ để cầu nguyện, suy niệm, đọc sách, và viết thư cho gia đình. Trong sự tuyệt vọng người lại được gần Chúa hơn. Và cũng từ đó, người khám phá ra một sự bình an mới mẻ, và cái cảm tưởng bị bỏ rơi không phải là không có ý nghĩa.
Sau đó Cha Gemelli và một vài người đã thúc giục Tòa Thánh có những hành động mạnh mẽ hơn. Họ gửi một lá thư cho Đức Giáo Hoàng Piô XI đề nghị: “Cởi áo Cha Piô và trục xuất khỏi dòng Capuchin.”
Nhưng đức giáo hoàng tuyên bố: “Không được. Những biện pháp hiện thời thì đã đủ và hợp lý.”
Không lâu sau đó, một số các cha bề trên dòng Capuchin đã đến gặp Cha Gemelli. Tất cả cùng ngồi trong chiếc bàn dài. Khuôn mặt to lớn của Cha Gemelli lúc nào cũng cười, và đôi mắt của cha láo liên sau cặp kính dầy cộm. Cha rất tin tưởng là lý lẽ của mình có uy thế, cho nên người suýt bổ ngửa khi nghe một cha Capuchin lên tiếng đòi hỏi quyết liệt rằng cha phải công bố cho mọi người biết sự thật về việc cha đến thăm Cha Piô.
Cha Gemelli sửng sốt, “Sự thật? Các cha không tin là tôi đã xem xét các vết thương ấy sao?”
“Phải,” một cha dứt khoát nói. “Tôi tin là Cha Piô, vì vâng lời, đã không để cha xem xét các vết thương, và việc cha đả phá nguồn gốc siêu nhiên và mục đích của các dấu thánh ấy hoàn toàn là sự suy đoán và thành kiến cá nhân của cha đối với Cha Piô.”
Cha Gemelli câm như hến. Cha biết cuộc chơi đã kết thúc. Trong vòng vài ngày sau đó, cha đã sửa lại bản báo cáo.
Khi Cha Rafaele đưa tin cho Cha Piô biết, người im lặng lắng nghe và cám ơn cha bề trên. Người vui mừng vì hồ sơ được trung thực hơn nhưng không thể nào hân hoan khi có người ngã ngựa, vì bất cứ lý do gì.
Sau đó không lâu, Cha Piô có điều muốn nói với cha bề trên và Cha Rafaele yêu cầu người đến văn phòng.
“Cha nói đó là điều cấp bách?” vừa nói, cha bề trên vừa chỉ chiếc ghế trong phòng. “Mời cha ngồi.”
“Cám ơn cha,” Cha Piô vén chiếc áo dòng ngồi xuống ghế và nói, “Đức giáo hoàng vừa mất một tài liệu quan trọng liên quan đến tổ chức Catholic Action ở Pháp, và con biết hồ sơ ấy ở đâu.”
Cha bề trên chồm người tới trước, chau mày. “Cha nghe biết điều đó ở đâu? Và làm sao cha biết hồ sơ ấy ở chỗ nào?”
“Sáng nay, khi con cử hành Thánh Lễ thì Chúa cho con biết. Người dạy con phải báo cho đức giáo hoàng biết.”
Cha Rafaele trừng trừng nhìn Cha Piô nghi ngờ. “Đó không phải là vấn đề.”
Cha Piô lắc đầu. “Con không biết. Tài liệu này cực kỳ quan trọng.”
“Thôi.” Cha bề trên giơ tay ra hiệu một cách dứt khoát. “Xin cha hiểu cho. Tôi không nghi ngờ lời cha nói, nhưng tôi không thể đến Tòa Thánh vì chuyện này, trong khi chỉ còn một chút nữa là cha đã bị trục xuất vì những náo động về khả năng siêu nhiên của cha.”
Cha Piô hơi rướn người tới trước và tìm câu trả lời.
“Xin lỗi cha,” Cha Rafaele ân cần nhưng cương quyết. Người chấm dứt cuộc thảo luận bằng cách đứng dậy và cám ơn Cha Piô đã cho người biết.
Cha Piô ra khỏi phòng lòng thật hoang mang. Và khi lại nhận được ấn tượng siêu nhiên ấy một lần nữa, cha trở lại văn phòng Cha Rafaele, cả quyết rằng đức giáo hoàng đã mất một tài liệu quan trọng mà cha biết nó ở đâu, và ý Chúa muốn cha thông báo với Tòa Thánh.
Sau cùng cha bề trên đồng ý. Người lắc đầu mỉm cười. “Nếu tôi không thông báo có lẽ cha không để tôi yên?”
Cha Piô cười đáp lễ, cảm thấy nhẹ nhõm. “Con đâu có muốn...”
“Không, không,” Cha Rafaele cắt ngang. “Không có gì. Tôi kết luận là nếu cha đúng thì điều đó sẽ mở mắt một số người ở Rôma.”
Và đúng như vậy. Tài liệu bị thất lạc được tìm thấy đúng như ở chỗ mà Cha Piô cho biết và được trả về cho vị giáo hoàng đang vui mừng.
Mặc dù bản báo cáo trung thực của Cha Gemelli và tập tài liệu thất lạc được tìm thấy đều có lợi cho Cha Piô, nhưng vẫn không có gì thay đổi. Ngày cũng như đêm cha vẫn sống trong thư viện. Người ăn chay, cầu nguyện hàng giờ, và ngắm nhìn rặng Gargano cô độc qua khung cửa sổ. Những ngọn đồi trọc giờ đây đã trở thành những khu rừng xanh um, và ánh sáng chan chứa của mùa hè đang thiêu đốt các bức tường đá của tu viện.
Trong quãng thời gian này, Cha Luigi Orione, một chuyên viên về thánh tích của Tòa Thánh, muốn cầu nguyện trước mộ Đức Giáo Hoàng Piô X. Người xin được mở cổng hầm mộ, và kìa, thật kinh ngạc, người thấy Cha Piô đang cầu nguyện trong chỗ kín đáo ấy. Người nói chuyện với Cha Piô đang khi cha bước ra khỏi hầm, và người đã vội vã trình với Đức Giáo Hoàng Piô XI.
Đức giáo hoàng lắng nghe và nói, “Này Cha Orione, tôi tin những gì cha nói, nhưng cho đến giờ phút này tôi được đảm bảo rằng Cha Piô không được rời tu viện. Nếu đúng như cha nói, thì sự cấm đoán ấy còn ý nghĩa gì?”
Đức giáo hoàng vội liên lạc với tu viện, nhưng Cha Rafaele đảm bảo với người rằng Cha Piô chưa bao giờ rời tu viện, và điều ấy khiến đức giáo hoàng thật suy tư về phúc trình của Cha Orione.
Như mọi lối thoát của Cha Piô bất thình lình bị khép kín thì nay lại được mở tung ra. Vào ngày 16 tháng Bảy 1933, Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên bố mọi quyền linh mục của Cha Piô được hồi phục.
Về sau, đức giáo hoàng nói: “Tôi không có quyết định tệ hại đối với Cha Piô, nhưng những tin tức tôi biết về người thì thật tệ hại.”
“Đã có phán quyết rồi,” Cha Rafaele vừa cười vừa tuyên bố. “Việc giam giữ cha đã chấm dứt.”
Cả hàng dài dân chúng chờ đợi trước tu viện, và Cha Piô mở cửa, cười sung sướng với đám đông.
“Cha Piô,” một phụ nữ kêu lớn, tay chắp trước ngực, “chúng con đã đợi cha đến hai năm dài.”
“Cha cũng đợi như con vậy,” cha trả lời bà và hít một hơi dài cho đầy lồng ngực cái ngọt ngào của không khí tự do.
Trong những lời tiên đoán, Cha Piô thường rất thận trọng. Người biết nhiều hơn những gì được tiết lộ, và người tự kiềm chế khi nghĩ rằng không khôn ngoan để nói điều đó ra. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi sự chế tài được bãi bỏ, các báo chí bắt đầu đăng tải những chi tiết và thêm thắt những điều cha tiên đoán về chiến tranh, về những ngày tăm tối, và những xáo trộn khác đi kèm với tai ương sẽ xảy đến cho nhân loại. Nhiều người tin như vậy vì khả năng tiên tri nổi tiếng của Cha Piô.
Cha bề trên triệu tập một cuộc họp với một số linh mục trong tu viện, và cha nói với họ: “Vì những khó khăn mà trước đây chúng ta đã gặp, tôi kết luận là chúng ta phải ngăn chặn những tin tức cẩu thả của báo chí về các lời tiên đoán của Cha Piô.”
Một linh mục lên tiếng, “Có một số điều rất đúng.”
Cha Rafaele gật đầu. “Nhiệm vụ của chúng ta là ngăn chặn sự quảng bá, không đánh giá các sự kiện.”
Có người hỏi, “Cha Piô không được dự cuộc họp này sao?”
“Không,” Cha Rafaele ngắt lời, và người mau mắn đổi giọng. “Cha ấy đã đau khổ nhiều.”
“Nhưng cha ấy có thể cho chúng ta biết câu chuyện nào là đúng.”
“Không đâu,” một linh mục lắc đầu. “Người không muốn đề cập đến những điều ấy đâu. Cha Piô rất...”
“Lẩn tránh?” có người lên tiếng hỏi.
“Gần giống như vậy.”
Cha bề trên dùng đầu bút chì gõ xuống bàn. “Xin vui lòng trở về vấn đề.”
Một linh mục mập mạp lên tiếng, “Cha có nghe về Cha Piô và vua nước Anh không?”
Cha Rafaele thở dài. “Bộ vua nước Anh có liên can đến công việc của chúng ta ở đây hay sao?”
“Như vậy cha không biết gì về Cha Piô và vua nước Anh?”
“Không.”
“Tôi không muốn mất thì giờ nếu mọi người đã biết về chuyện ấy.”
Cha Rafaele nóng lòng, tay mân mê sợi giây thừng thắt lưng. “Không ai biết gì cả. Xin cha vui lòng nói nhanh đi.”
Vị linh mục mập mạp cho biết vào một chiều tối tháng Giêng, Bs. William Sanguinetti và hai giáo dân đang ở trong phòng Cha Piô.
Bỗng dưng Cha Piô nói: “Chúng ta hãy quỳ cầu nguyện cho một linh hồn sắp sửa ra trước toà Thiên Chúa.” Khi họ cầu nguyện xong, Cha Piô hỏi họ có biết là cầu nguyện cho ai không.
Mọi người đồng thanh, “Không.”
Người nói, “Đó là vua nước Anh.”
Bs. Sanguinetti lên tiếng, “Nhưng mới sáng nay tôi đọc báo thấy người bị cúm nhẹ, bệnh chưa nặng.”
Cha Piô trả lời, “Sẽ đúng như lời tôi nói.”
Vị linh mục ngừng kể, liếc mắt nhìn Cha Rafaele. Cha kết luận, “Và vào ngày 30 tháng Giêng, vua nước Anh từ trần.”
Mọi người gật gù.
Một linh mục mặt vuông lên tiếng, “Cha có nghe về ông Savino Greco, phải không?”
Cha Rafaele ngước lên, tay cầm cây bút chì định gõ xuống bàn thì vị linh mục đã nói tiếp.
“Ông Savino Greco ở Cernignola có vợ và năm con sống trong hai căn phòng nghèo nàn. Ông là một nông dân làm thuê. Gần đây ông rất thích chủ nghĩa Mác-xít và là một đảng viên Cộng Sản tích cực. Ông cấm cả vợ ông không được rửa tội cho con. Tuy nhiên, bà đã lén rửa tội cho chúng. Ngày kia ông Savino đau nặng và đi khám bác sĩ. Họ cho ông biết một tin kinh khủng. Ông có bướu độc trên não và một cái bướu khác ở phía sau mắt phải. Không có hy vọng gì chữa khỏi.
“Sau đó ông Savino đến bệnh viện ở Bari và tại đây, các bác sĩ cũng cả quyết về bệnh tình của ông. Sự lo sợ đã đưa ông trở về với Thiên Chúa, lần đầu tiên kể từ khi còn nhỏ.
“Ông được đưa sang bệnh viện ở Milan và các bác sĩ cho biết phải cắt bỏ mắt bên phải, và việc giải phẫu thật khó khăn và kết quả rất mơ hồ.
“Một đêm kia ông nằm mơ thấy Cha Piô, và người chạm đến đầu ông, và nói: 'Lần này con sẽ được chữa lành.' Sáng hôm sau ông cảm thấy khoẻ mạnh hơn và các bác sĩ cũng kinh ngạc; tuy nhiên họ vẫn nghĩ là ông cần phải giải phẫu. Nhưng ông Savino quá bối rối đến độ bỏ trốn khỏi bệnh viện.
“Ông trốn trong nhà người bà con ở Milan mà vợ ông cũng đang ở đó, nhưng sau một vài ngày cơn đau lại bắt đầu và buốt đến nỗi ông phải trở lại bệnh viện bất kể nỗi lo sợ bị giải phẫu. Các bác sĩ, vì tức giận ông nên lúc đầu họ không muốn chữa trị, nhưng sau đó, vì lương tâm nghề nghiệp họ đã quyết định giải phẫu. Tuy nhiên, trước khi giải phẫu họ làm cuộc tái khám.
“Sau cuộc tái khám, các bác sĩ thực sự bàng hoàng vì họ không tìm thấy vết tích gì của bất cứ cái bướu nào! Trong khi đó ông Savino lại càng kinh ngạc hơn nữa, không bởi những gì bác sĩ cho ông biết, nhưng vì trong khi họ khám nghiệm, ông ngửi thấy một mùi thơm ngạt ngào của các hoa tím, hoa hồng, và hoa huệ tây, và ông biết mùi thơm ấy nói lên sự hiện diện, hữu hình hay vô hình, của Cha Piô.
“Trước khi ông rời bệnh viện, ông hỏi các bác sĩ xem ông nợ họ bao nhiêu tiền. Một bác sĩ cho biết: 'Không tốn đồng nào cả, vì chúng tôi chẳng làm gì để chữa ông khỏi bệnh'!”
Sự im lặng bao phủ cả căn phòng, và ngay cả cha bề trên cũng mải mê nghe chuyện. Mãi một lát sau, người mới lên tiếng.
“Không ai trong chúng ta nghi ngờ về khả năng của Cha Piô, nhưng chúng ta có một bổn phận khác--phải kiểm soát những tin tức để kết quả của nó không làm tổn thương đến công chúng cũng như Cha Piô. Các cha có hiểu tôi muốn nói gì không?”
Mọi người nghiêm trọng gật đầu.
“Tôi tin là chúng ta phải ra một thông báo chính thức nhân danh Cha Piô, xác định rằng người không tuyên bố những điều như báo chí đồn đãi, và nhiều lời tiên đoán gán cho người thì vô căn cứ.”
Một linh mục gãi đầu, nhăn mặt, “Nếu thông báo này nhân danh Cha Piô, thì người cũng có quyền có tiếng nói chứ?”
Cha Rafaele liếc nhìn vị linh mục. Không hiểu tại sao, sáng hôm nay họ có nhiều điều lo lắng. Cha nói với các linh mục hiện diện, “Hãy yên trí là tôi sẽ... báo cho Cha Piô biết về quyết định của chúng ta.”