Vào một buổi sáng oi bức mùa hè năm 1960, Cha Piô ở trong phòng nói chuyện với một linh mục, một người trẻ thẳng tính vừa mới đến tu viện. Một bà giầu có ở miền bắc nước Ý đã tặng cho bệnh viện Cha Piô một viên đá quý để sinh lợi, và có người trong bệnh viện đã thay thế bằng một viên đá giả--mọi sự như đổ ụp xuống đầu Cha Piô.
“Con nghĩ là chúng ta có vấn đề, thưa cha,” vị linh mục trẻ vừa lắc đầu vừa nói. “Vấn đề rất nghiêm trọng.”
Cha Piô thở dài và dựa người vào ghế. Cha thật mệt mỏi sau một đêm mất ngủ vì cái oi bức mùa hè, và đau nhức đến từng sớ thịt.
Vị linh mục nói tiếp: “Báo chí cho là đá giả. Và mọi người đọc báo đều biết. Tại sao bà ấy tặng cho bệnh viện?”
“Để cám ơn. Bà ấy nói là vì tôi đã giúp bà ấy.”
Vị linh mục trẻ lắc đầu quầy quậy. “Điều ấy không giúp gì cho cha cả.” Đôi mắt Cha Piô nhìn người trẻ một cách thắc mắc.
“Điều con muốn nói là sự kiện ấy có liên hệ với cha một cách cá biệt.”
Cha Piô mỉm cười và nhún vai. “Đừng bao giờ nghĩ rằng đời sống tu viện thì buồn tẻ.”
Linh mục trẻ không cười và nói: “Con không chắc là sự kiện ấy có làm đời sống tu viện sinh động hơn, hay liệu chúng ta có sống sót nếu nó bùng nổ.”
“Con sẽ vượt qua mà, lo gì, và con sẽ thấy luôn luôn có những thử thách và xáo trộn--ngay cả trong tu viện.”
Vị linh mục trẻ vuốt râu và đăm đăm nhìn Cha Piô. “Tu viện này đã từng phải chia sẻ những xáo trộn.”
Cha Piô sững sờ. Người không trách bất cứ ai khi họ cảm thấy bất an với những biến động đã làm họ bị để ý nhiều, nhưng người chỉ cảm thấy không muốn bàn về điều đó cho đến cùng. Để chấm dứt câu chuyện, người đề nghị đi ăn trưa, mặc dù khi nghĩ đến việc ăn uống người đã cảm thấy muốn bệnh. Nhưng nếu người không xuống phòng ăn, mọi người lại nghĩ người thật sự bệnh hoạn và họ sẽ bắt đầu bàn tán về người.
“Cha hôm nay thế nào?” một tu sĩ vừa hỏi, vừa giúp người ngồi xuống bàn.
“Khỏe,” Cha Piô trả lời với hy vọng vị linh mục trẻ kia sẽ không nói gì.
“Cha không thực sự khỏe đâu,” vị linh mục trẻ tự ý lên tiếng. “Cha Piô là người rất can đảm.”
Chỉ cần có thế và mọi con mắt đổ dồn về Cha Piô và vị linh mục trẻ. Có người hỏi, “Cha không được khoẻ sao?”
Cha Piô gật đầu. “Hôm nay khá hơn nhiều, cám ơn cha.”
Vị linh mục trẻ vẫn kiên trì, “Đó là tai tiếng về vụ viên đá quý.”
Mọi người im lặng. Có người hỏi: “Có tin tức gì mới về vụ đó không?”
“Không,” vị linh mục trẻ nói. “Tất cả những gì chúng ta biết là có người ở bệnh viện đã đánh tráo viên đá thật. Dĩ nhiên, báo chí sẽ khai thác vụ này.”
“Ô ồ,” một vài người kêu lên sửng sốt.
Một linh mục ngồi cạnh Cha Piô hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra?”
“Văn Phòng Tòa Thánh sẽ không ngồi yên về vụ này. Chắc chắn là sẽ có thêm những cuộc điều tra và có thêm những giới hạn.” Vị linh mục nhìn Cha Piô thông cảm. “Hình như họ chưa buông tha cha.”
Cha Piô giơ tay lên ngăn cản và lắc đầu. “Đừng, xin vui lòng đừng chỉ trích Văn Phòng Tòa Thánh.”
“Con không có ý xúc phạm, thưa cha. Con muốn nói là chúng con đều cảm thấy buồn về những đau khổ mà cha đã phải chịu trong quá khứ.”
“Đừng để ý làm gì. Ít nhất chúng ta phải đợi cho đến khi Văn Phòng thực sự thi hành điều gì đã. Bây giờ chỉ biết là chúng ta mất viên đá thật và mọi người đều biết đến chuyện đó.”
Một tu sĩ nói, “Sẽ có nhiều tiếng xấu.”
Cha Piô đứng dậy muốn rời phòng. “Rồi sẽ qua đi,” người nói và xin lỗi mọi người. “Tất cả rồi sẽ qua đi.” Các tu sĩ nhìn người chậm chạp và đau khổ lê bước ra khỏi phòng.
Sau khi cha đi khỏi, có người kết luận: “Có lẽ rồi thì mọi sự sẽ sáng tỏ.”
“Cũng có thể không, như lần trước,” một ai đó nói thêm vào.
Khi gần đến phòng, Cha Piô nhìn thấy ở cuối hành lang có một linh mục đang mỉm cười vẫy tay. Vị linh mục kêu lớn, “Cha ơi. Con có tin vui.” Cha Piô cười đáp trả và vội bước đến gần.
“Họ đã bắt được người lấy viên đá quý. Thế là xong. Thật tốt đẹp phải không cha?”
Cha Piô buồn rầu nhìn vị linh mục. “Đây mới là khởi đầu cho người lấy trộm.”
“Con biết, nhưng đối với bệnh viện và đối với cha, mọi sự có lẽ sẽ êm xuôi.”
“Đó là sự thay đổi tốt đẹp. Cha sợ biến cố ấy sẽ làm suy yếu đức tin của một vài người.”
“Con không lo gì chuyện ấy.” Cha Piô vỗ vai vị linh mục và bước vào phòng.
Vị linh mục bỗng trông thấy các tu sĩ khác mới rời phòng ăn, người cất tiếng hỏi, “Các cha có biết tin gì chưa? Họ đã bắt được người lấy viên đá quý rồi.”
Vị linh mục trẻ, người khởi xướng câu chuyện này trong phòng ăn, lên tiếng: “Tôi biết là họ sẽ tìm ra. Nhưng đó không phải là vấn đề.”
“Tuy vậy, nhưng tôi mừng là mọi chuyện đã xong.”
“Chưa xong đâu. Vẫn còn vấn đề gian lận và tiếng xấu ở bệnh viện--và, thành thật mà nói, tôi không hiểu tại sao Cha Piô có thể giao viên đá cho một người không đứng đắn. Nếu cha nhìn thấy linh hồn người khác, như cha đã có thể, thì tại sao cha lại không thấy linh hồn của người lấy trộm và đề phòng mọi chuyện?” Mọi người đều im lặng.
Có người góp ý, “Tôi tin là cha chỉ thấy và nghe biết khi Chúa muốn.” Mọi người gật đầu, có vẻ an tâm.
Cha Piô được thư thả đôi chút và để tâm trí đến những biến cố khác, một trong những biến cố ấy thật không vui. Vào ngày 14 tháng Tám, Bs. Kisvarday từ trần. Ông là người cuối cùng trong ba người cộng tác nguyên thủy cho chương trình xây cất bệnh viện. Ông được chôn cất gần mộ Bs. Sanguinetti, cũng là một sáng lập viên. Để tưởng nhớ ông, văn phòng của ông trong bệnh viện vẫn được giữ như trước, với bức chân dung thật lớn của ông được treo trên tường. Bà giúp việc Paola vẫn đem hoa hồng từ khu vườn của ông đến văn phòng, vì trồng hoa là một thú vui của bác sĩ quá cố. Ông để lại căn nhà và mọi vật dụng riêng cho bà Paola, với di chúc rằng sau khi bà chết, những tài sản này sẽ thuộc về Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ.
Cha Piô đã nguôi ngoai phần nào về cái chết của người bạn cũ, nhưng những người khác lại phải suy nghĩ về một phúc trình vừa mới gửi đến tu viện.
Ông Vincenzo Martini cho biết khi còn trẻ ở San Giovanni Rotondo ông học về ngành quản trị khách sạn. Vì công việc trong vùng khó khăn nên ông phải nhận việc ở Lucerne, Thụy Điển. Ở đây ông đã lập gia đình và hai năm sau vợ ông vào nhà thương để sinh đứa đầu lòng.
Lúc ấy ông đang làm việc ở khách sạn và được một bác sĩ ở bệnh viện gọi ông đến gấp. Các bác sĩ cho biết, vì có khó khăn trong việc sinh nở, ông phải quyết định cứu đứa con hay cứu sinh mạng người mẹ. Vincenzo quyết định cứu sinh mạng vợ mình. Các bác sĩ bảo ông phải ký giấy tờ ưng thuận, và ông đồng ý.
Đang khi lo thủ tục giấy tờ, một bác sĩ đến gặp ông mỉm cười, và nói, “Chúc mừng ông. Ông có đứa con trai nặng bốn ký!”
Vincenzo cho biết ông không nói được một lời, và vội vã đến phòng sanh. Vợ ông còn đau vì ảnh hưởng của thuốc, nhưng sau đó kể cho ông biết một bác sĩ mặc áo nâu đã đỡ đẻ cho bà. Vincenzo hỏi khắp bệnh viện về vị bác sĩ này nhưng không ai tìm ra. Sau cùng, ông nhớ đến Cha Piô, và đã lấy tấm hình của người đưa cho vợ xem, vì bà chưa bao giờ gặp Cha Piô. “Có phải bác sĩ này không?”
“Phải, đúng rồi,” bà vợ phấn khởi trả lời. “Chính ông này là bác sĩ đỡ đẻ cho em!”
Đôi vợ chồng thật cảm kích đến nỗi họ trở về San Giovanni Rotondo để sinh sống và được gần Cha Piô.
Chủ tịch hội Đạo Binh Xanh quốc tế, một tổ chức sùng kính Đức Mẹ, là Đức Ông Harold V. Colgan, đã xin Cha Piô nhận các hội viên--có đến hàng trăm ngàn người--là con cái thiêng liêng của người.
Người trả lời, “Nếu họ sống tốt lành.”
Không lâu sau đó, một goá phụ nghèo, ở Bologna, đến San Giovanni Rotondo với năm đứa con. Năm năm trước đây bà đã gặp Cha Piô và đã xưng tội với người và xin người nhận bà như một người con thiêng liêng. Trong thời gian đó, hàng ngày bà cầu nguyện, “Xin Cha Piô gìn giữ con cái của con, xin bảo vệ, và xin chúc lành cho chúng.”
Bây giờ, bà lại đến xưng tội với Cha Piô và xin người: “Xin cha gìn giữ con cái của con, xin bảo vệ, và xin chúc lành cho chúng.”
Cha Piô nhìn bà chòng chọc. “Con đã xin cha điều này bao nhiêu lần rồi?”
Bà do dự và có vẻ lúng túng. Bà nói, “Thưa cha. Con mới xin cha lần đầu.”
Người lắc đầu. “Con đã xin cha điều này mỗi ngày trong năm năm qua.”
Trước khi bà kịp hỏi thêm, người đã đóng cánh cửa nhỏ ở tòa giải tội và đi sang phòng thánh để giải tội cho các ông. Người nhìn những khuôn mặt lo âu, nghe họ kể lể những lỗi lầm và những ưu tư. Lần lượt, người khuyên bảo và an ủi họ, và cảm thấy như sinh lực thoát khỏi thân xác và linh hồn người, cho đến cuối ngày người cảm thấy thật mệt mỏi và kiệt lực.
Người cuối cùng xưng tội trong ngày hôm ấy là Signore DiMaggio, một luật sư từ Palmero, sống ở Rôma. Khi ông rời phòng, ông nói: “Thưa cha, bây giờ con về lại Rôma và dịp tội lại đến với con. Con phải làm gì để giữ lời hứa với cha? Xin cha giúp con.”
Cha Piô nói, “Hãy cầu nguyện. Đừng bao giờ ngưng cầu nguyện, và hãy biết chắc rằng một khi tôi đã nâng đỡ được một linh hồn thì tôi sẽ không để họ sa ngã. Điều quan trọng nhất cho mọi người là: Hãy cảm tạ Thiên Chúa, nhất là vì ơn đức tin. Điều tin tưởng tuyệt vời là sự tin tưởng mà tâm hồn lên tiếng kêu xin trong lúc tăm tối, trong sự hy sinh, trong sự đau khổ, trong nỗ lực lớn lao để làm việc thiện. Chính niềm tin ấy sẽ xua tan bóng tối của linh hồn như ngọn lửa; chính đức tin ấy sẽ dẫn con đến với Thiên Chúa qua những giông bão của đời sống.”
Trên đường rời phòng thánh, một thầy chào hỏi Cha Piô: “Một ngày thật vất vả phải không cha?”
Cha Piô mỉm cười cách yếu ớt: “Có ngày nào thư thả đâu?”
Ngày 10 tháng Tám là ngày kỷ niệm năm mươi năm linh mục của Cha Piô, đó là một ngày hội cho cư dân ở San Giovanni Rotondo cũng như các con cái thiêng liêng của người. Việc chuẩn bị được tiến hành nhiều tháng trước. Các khách sạn, quán trọ sẵn sàng tiếp đón khách thập phương. Nhiều món quà quý giá được gửi đến tu viện. Một phòng bên cạnh hội trường của nhà thờ mới được dùng làm nơi trưng bầy áo lễ của người cũng như các vật dụng tôn giáo dùng trong Thánh Lễ. Dòng Ba Phanxicô ở ngôi làng kế cận đã tặng người một chén lễ vàng mà người sẽ dùng trong dịp này.
Người cử hành Thánh Lễ vào lúc 8 giờ rưỡi sáng, thay vì 5 giờ sáng. Người mặc áo dài trắng làm bằng tơ sợi Ái Nhĩ Lan bên trong áo lễ mầu vàng và được Cha Raffaele và Cha Romol phụ tế. Ba vị giám mục, Đức Viola ở Hung Gia Lợi, Đức Palatucci ở Salerno, và Đức Carta ở Foggia ngồi trên cung thánh; ngoài ra còn có sự hiện diện của Cha Amedeo, Bề Trên Dòng Capuchin, và các chức phẩm khác trong dòng.
Nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn đầy chật người. Các viên chức chính phủ từ Naples, Rôma, và đại diện các binh chủng hải, lục, không quân cũng có mặt. Một số người này đã cùng phục vụ với Cha Piô trong Thế Chiến I. Thêm vào đó, nhiều bậc vị vọng cũng hiện diện, cũng như các bác sĩ bệnh viện, các trẻ em mồ côi, và khách thập phương.
Vào lúc kết thúc thánh lễ, cha bề trên đã đọc một bài diễn văn ngắn. Người nói không thể nào kể hết tất cả những người đã đến với Cha Piô một cách trực tiếp hay gián tiếp. Người đọc một vài trong hàng trăm ngàn bức điện tín chúc mừng Cha Piô được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó có lời chúc mừng nồng nhiệt của Đức Hồng Y Giovanni Battista, tổng giám mục Milan, mà sau này là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.
Một tập san dầy sáu mươi trang, Il Fratello, với đầy dẫy những hình ảnh cuộc đời người được các anh em trong dòng dâng tặng. Sau đó là phần tiệc mừng trong tu viện, và để vinh danh người, ban giám đốc bệnh viện, bệnh nhân và các em mồ côi cũng được phần ẩm thực đặc biệt vào ngày hôm đó.
Vào buổi chiều, Cha Piô trở về tu viện để đọc kinh. Cùng với các tu sĩ trong dòng, người xướng kinh “Te Deum” (Ngợi Khen Danh Thánh Chúa) để cảm tạ quãng đời linh mục của người. Sau nghi thức này, một ban nhạc với năm mươi nhạc công từ Foggia đã trình diễn trong khu vườn cạnh tu viện, và trong khoảng hai giờ đồng hồ, họ đã trình tấu nhiều bản lừng danh quen thuộc. Kết thúc ngày kỷ niệm, nhiều ngọn đèn chiếu sáng khung cảnh tu viện, nhà thương và vùng chung quanh đến vài dặm.
Từ lúc người được bài sai về San Giovanni Rotondo cho đến nay, lúc nào Cha Piô cũng bận rộn với khách thập phương ngoại trừ hai năm điều tra về năm dấu thánh của người. Hàng ngày người theo chương trình của dòng, đọc Kinh Nhật Tụng, cầu nguyện và học hỏi, nhưng càng ngày thời giờ riêng tư cho người càng ngắn đi vì nhu cầu tinh thần và thể xác của những người đến với Cha Piô.
Điều lôi cuốn khách hàng hương là Thánh Lễ mà Cha Piô cử hành vào lúc 5 giờ sáng. Mọi người đến từ sáng sớm bất kể thời tiết ra sao và ngồi chật cả nhà thờ. Ngay cả những người đến vì tò mò cũng thường kinh ngạc không chỉ vì vết thương nơi tay người, thường được che phủ bằng găng tay không có ngón, nhưng còn vì sự đạo đức lạ thường khi người dâng Thánh Lễ.
Trong thánh lễ, giáo đoàn thấy Cha Piô như hoàn toàn biến đổi. Người có vẻ đau khổ, nhưng tuyệt đối không chú ý gì đến chung quanh. Mắt người như dàn dụa nước mắt và động tác của người chậm lại và rất khó nhọc. Sau đó thân thể người rung lên mà nhiều người nói cha đang cảm nghiệm sự Thống Khổ của Đức Kitô.
Cha Piô đắm chìm trong thảm kịch tử nạn của Đức Kitô. Vết thương nơi tay người đỏ lên và rướm máu. Trong nhiều phần của Thánh Lễ, cha như không còn biết đến những người ở chung quanh. Vào lúc Thánh Hiến, cha như siêu thoát, và mọi người có mặt đều cảm nhận một sự siêu nhiên lạ lùng nào đó.
Thông thường khi cánh cửa nhà thờ mở ra vào lúc 4 giờ 30 sáng thì chỉ vài phút sau nhà thờ đã đầy chật người. Khi Cha Piô đến mặc áo để chuẩn bị Thánh Lễ thì người đã cầu nguyện trước đó khoảng ba giờ đồng hồ. Hai vị linh mục giúp người mặc áo lễ, và một cha nhận thấy mắt người rưng rưng.
“Tại sao cha khóc vậy?”
Cha Piô lắc đầu và nói: “Tôi không xứng đáng để cử hành Thánh Lễ. Tôi là linh mục bất xứng nhất.”
Theo chương trình, cánh cửa phòng thánh bên trái bàn thờ được mở ra. Hai người trong một danh sách dài được chọn để giúp lễ. Các hồng y, giám mục và các giáo sĩ ưu tú cảm thấy là một vinh dự khi được giúp lễ cho vị linh mục đầu tiên được in năm dấu thánh. Họ đi sau một linh mục Capuchin, sau đó là Cha Piô.
Thể theo lời yêu cầu, áo an-ba mặc trong áo lễ của người được may với cánh tay dài cho đến xương đốt ngón tay nhằm che phủ vết thương một phần nào. Nhưng thỉnh thoảng trong Thánh Lễ, cánh tay áo tụt xuống và người ta có thể trông thấy một vùng nâu đỏ bao phủ cả lòng và lưng bàn tay. Những người ngồi hàng ghế trên cùng thường há hốc miệng vì kinh ngạc.
Thánh Lễ là tâm điểm của cuộc đời và khởi sự một ngày của Cha Piô. Lễ kéo dài từ một tiếng cho đến một tiếng mười lăm phút vì những giây phút lắng đọng của người. Những người dự lễ như đắm chìm trong các hành động của người đến độ họ không thấy mệt mỏi. Động tác của Cha Piô trong Thánh Lễ rất khoan thai nhưng không chậm rãi quá đáng. Người thận trọng trong mọi sự chứ không qua loa. Người phát âm thật rõ ràng. Người đem lại cho người tham dự một kỷ niệm thâm trầm mà không cần phải mầu mè hay cử điệu quá đáng.
Trong khi dâng lễ, Cha Piô chảy nước mắt bốn lần và dùng khăn tay bên cạnh bàn thờ để lau nước mắt. Trong khoảng từ phần Thánh Hiến đến phần Rước Lễ, khuôn mặt đau khổ của người phản ảnh sự hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay trước phần Thánh Hiến, mắt người ngước nhìn tượng thánh giá và nước mắt ứa ra. Người nhìn vào Bánh Thánh, làm phép, cúi mình tới phía trước và nói: “Đây là mình Ta.” Với những lời này, bánh trở nên Mình Thánh Đức Kitô. Vào lúc ấy thân thể người co giật vì đau đớn. Đồng thời người ta có thể nhìn thấy máu bắt đầu rướm ra từ vết thương ở bàn tay, và cử chỉ của người cho thấy người đang cố chịu đựng cơn đau.
Sau phần Thánh Hiến, người nâng Mình Thánh lên thật cao, dù rất khó nhọc, để mọi người trong nhà thờ có thể nhìn thấy. Mắt người đăm đăm nhìn vào Mình Thánh và ánh lên niềm vui. Người cầm chén lễ trong tay và đọc lời thánh hiến để rượu trở nên Máu Đức Kitô. “Đây là máu Ta.” Sau đó người đặt chén xuống và bái gối. Với giọng thật êm đềm người lập lại lời của Đức Kitô: “Các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy.” Người cung kính nâng chén lên cao và mắt nhìn vào một điểm nào đó thật lâu. Cả một sự im lặng thâm trầm.
Sau phần Thánh Hiến, sự đau đớn của Cha Piô không chỉ gia tăng mà còn tiếp tục. Người xướng kinh Lạy Cha với sự tôn kính cả thể để chuẩn bị Rước Lễ. Khi bẻ Bánh, tay người run lẩy bẩy. Trước khi cầm lấy hai nửa của Mình Thánh, người như đắm chìm trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Sau đó, người cúi mình, tay đánh vào ngực và nói: “Lạy Chúa, con không xứng đáng.” Người lập lại lời ấy ba lần, mỗi lần người đánh vào ngực mạnh hơn. Giọng người ấp úng, và rồi nước mắt lại ứa ra. Sau khi Rước Lễ, hầu như người đứng bất động đến cả mười phút, thật bình an, thật xa cách với thế giới chung quanh.
Trước khi uống Máu Thánh, người có vẻ do dự đôi chút và đôi môi người rung nhẹ. Sau đó, người bắt đầu cho giáo dân chịu lễ. Họ có thể thấy máu chảy xuống giữa các ngón tay và có một mùi hoặc thơm như nước hoa hoặc khó chịu như mùi a-xít carbolic tỏa ra từ người. Lúc trước Cha Piô phải cho rước lễ mỗi sáng gần đến hai giờ đồng hồ, nhưng để giữ sức khỏe, bây giờ người chỉ cho rước lễ khi có phép.
Sau khi cho chịu lễ xong, người trở về bàn thờ. Trước khi tráng chén, nước mắt người lại dàn dụa. Người không thể che giấu và cũng không muốn.
Máu ở bàn tay người thật rõ ràng khi người quay xuống giáo đoàn để ban phép lành. Người ngước nhìn thánh giá trước khi chúc lành, và khách hàng hương từ khắp nơi trên thế giới thường quỳ gối để nhận phép lành của người.
Trước khi bước xuống bàn thờ, một linh mục Capuchin trao cho người đôi găng tay không có ngón mầu nâu, và sau đó đỡ người xuống bậc tam cấp. Từ cung thánh người cố gắng đi vào phòng thánh một cách chậm chạp và hơi loạng choạng.
Khi Thánh Lễ chấm dứt thì mặt trời vẫn chưa lên cao khỏi mặt biển Manfredonia. Sau khi cởi áo lễ, Cha Piô quỳ cầu nguyện. Người gục đầu trong đôi bàn tay, khuôn mặt căng thẳng và giữ như thế trong một thời gian, tuyệt đối im lặng. Hơi thở của người đã đều hòa, nhưng thỉnh thoảng người vẫn rung lên, thật nhẹ thật ngắn.
Bỗng dưng người ngước đầu lên, lấy một khăn tay và thấm nhẹ lên mắt. Người vẫn còn tập trung tư tưởng và không để ý đến ai. Một linh mục đưa cho người ly nước, và giúp người đứng lên. Khuôn mặt người nhợt nhạt và lấm tấm mồ hôi, chứng tỏ sự đau đớn vẫn còn. Có một giám mục ghé vào tai người nói khẽ điều gì đó, người gật đầu và quay bước. Người vẫn ở một nơi nào đó không thuộc về thế giới này.
Đức Ông Maccari tiếp tục cuộc điều tra. Cha Rosario da Aluminusa, bề trên tu viện, cho Cha Piô biết về điều này.
Cha bề trên nói, “Mặc dù đó chỉ là hình thức, chúng con được lệnh phải đặt cha dưới sự canh phòng.”
Cha Piô miệng há hốc, đôi mắt mở lớn. “Dưới sự canh phòng?”
Cha bề trên gật đầu. “Con rất tiếc, nhưng đó chỉ là hình thức.”
“Dưới sự canh phòng, chỉ hình thức thôi? Như vậy tôi không thực sự dưới sự canh phòng?”
Cha bề trên do dự. “Ô--có, cha phải bị canh phòng, nhưng...”
Cha Piô lắc đầu không hiểu. “Tôi đã làm điều gì? Và cha nghĩ là tôi đã làm điều gì?”
“Ô, con không nghĩ gì xấu cho cha cả. Theo con nghĩ, chúng ta có thể nói rằng điều đó không đúng. Nhưng nếu cha nhìn vấn đề theo quan điểm của họ, Văn Phòng Tòa Thánh buộc phải theo ý họ hay ý Giáo Hội khi cho rằng có điều gì không đúng đã xảy ra. Phương cách duy nhất phải thi hành là qua sự điều tra bệnh viện--và chính cha. Lẽ dĩ nhiên, một vài thủ tục nào đó phải theo.”
Cha Piô thở dài. “Tối thiểu thì tôi có thể cử hành Thánh Lễ và...” Người bỏ dở câu nói. Cha bề trên nhìn người một cách thương hại mà người có thể cảm được. “Tôi không được cử hành Thánh Lễ?”
Cha bề trên lắc đầu. “Không. Thưa cha, con rất tiếc. Cha cũng không được cử hành lễ hôn phối hay rửa tội.”
“Tôi có thể làm gì?”
“Ô, bất cứ gì khác. Chỉ tự giới hạn cha trong tu viện và đừng cử hành Thánh Lễ hay lễ hôn phối và rửa tội.”
“Chỉ tự giới hạn chính tôi?”
“Con rất tiếc thưa cha.”
Cha Piô mỉm cười héo hắt. “Dĩ nhiên cha rất tiếc và tôi cũng vậy. Tôi sẽ tuân lệnh mà không thắc mắc gì thêm.”
Người đi vào phòng thánh để giải tội cho quý ông, nhưng cuộc điều tra ảnh hưởng nặng nề đến tâm trí người. Người liếc nhìn, và nghe thấy có tiếng Đức Ông Maccari.
“Ô, cha đây rồi,” Đ.ô. Maccari gọi và chạy lại. “Cha có chút thì giờ không?” Đức ông cười một cách khó khăn.
Cha Piô tiếp tục bước, và nói: “Các ông ấy đang đợi tôi.”
Đ.Ô Maccari gật đầu. “Với chương trình bận rộn như cha thì thật khó có thì giờ gặp cha. Tôi có điều muốn hỏi cha nhưng rồi lại quên mất. Cha có nhiều bất động sản đứng tên cha. Tôi muốn nói đến bệnh viện. Cha có ý định làm gì với tất cả những tài sản này?”
Cha Piô đoán được ý định buộc tội trong câu nói, và do dự đôi chút, người trả lời, “Tôi có ý định để lại cho giáo hội.”
“Ô, cha thật rộng lượng là dường nào. Tôi có lời khen ngợi cha.”
Cha Piô hít một hơi dài và quay nhìn chỗ khác. “Xin lỗi cha,” người nói nhanh, “họ đang đợi.”
Người đàn ông bước vào xưng tội đầu tiên là người đã không xưng tội từ khi lên bảy tuổi. Cha Piô gạt những ý tưởng của cuộc điều tra sang một bên để chăm chú lắng nghe. Khi ông từ từ giải thoát lương tâm khỏi những tội lỗi, mặt Cha Piô tái dần. Mồ hôi đổ ra trên trán và chung quanh miệng một cách bất thường. Ông quan sát cha một cách thương hại và quyết định không kể thêm. Ông nói, “Thưa cha. Con đến đây với sự thành thật và cởi mở. Thật vô ích để trả lời các câu hỏi của cha. Con có thể nói cho cha biết là con đã phạm tất cả mọi tội ngoại trừ bốn tội, và con sẽ nói cho cha nghe.”
Cha Piô nhìn ông kinh ngạc, và trả lời, “Đúng như lời con nói.”
Ông giải thích, “Nhưng con không thể chừa được. Đối với con đó là những cần thiết cho đời sống. Xin cha giúp con giải quyết.” Cha Piô cho ông lời cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và ông phải đọc hàng ngày trong bốn tháng.
Ngay sau khi ông đi ra và một người khác bước vào tòa giải tội. Cha Piô đầy mồ hôi và thật đau khổ, người đứng dậy, khoát tay và nói lớn, “Đủ rồi! Đủ rồi!”
Người không thể chịu nổi và bước ra ngoài vườn tìm chút không khí trong lành. Gió lồng lộng và mặt trời ẩn khuất sau đám mây xám lơ lửng. Mùa thu đang qua và luồng gió đông đang lùa vào tu viện.
Một viên chức cảnh sát nói với Cha Piô, “Hôm nay trời lạnh, phải không cha,” họ đang tán gẫu trong vườn. Cha Piô mỉm cười và nhìn bầu trời.
Người cảnh sát hỏi, “Thưa cha. Cha sẽ nói gì với những người sợ rằng toàn thể Rôma sẽ thành Cộng Sản? Chúng con đang bàn xem phải khuyên họ thế nào với viễn ảnh đảng Dân Chủ Kitô Giáo lên nắm quyền.”
Cha Piô nhướn đôi chân mày và nhún vai. “Nói với họ là Đức Giáo Hoàng sẽ gìn giữ Rôma.” Hai cảnh sát nhìn người, im lặng.
Cha Piô nói tiếp, “Và tôi sẽ cầu xin với Đức Trinh Nữ.”
Một cảnh sát nói, “Cám ơn cha. Con nghĩ đó là điều hy vọng, và mong rằng cha đúng. Nhưng khi dân chúng thấy đảng Cộng Sản đang thắng thế, hay nghĩ là như vậy, họ sẽ nhìn đến nước Nga với sự lo sợ.”
Cha Piô gật đầu. “Đúng là nước Nga như một cái cây đầy lá úa, nhưng rễ của nó rất tốt.”
“Một trong những vấn đề lớn của chúng ta thì không phải là sự đe dọa của chế độ Cộng Sản, nhưng là sự bất công trong đảng Dân Chủ Kitô Giáo, và một số đảng viên rất chểnh mảng nhiệm vụ. Có nhiều điều chúng ta phải làm nhưng đã không thi hành. Cha nghĩ chúng ta phải làm gì bây giờ?”
“Phải gánh chịu những hậu quả,” Cha Piô trả lời, người cáo từ và đi ra một chỗ vắng vẻ.
Ngày càng ngắn lại, và tuyết bắt đầu phủ Cao Nguyên Gargano. Đó là một mùa đông buồn tẻ và cô quạnh đối với Cha Piô cho đến khi cuộc điều tra chấm dứt, và những giới hạn được nới lỏng đôi chút.
Lúc trước, Đức Ông Maccari kết án những người theo Cha Piô là cuồng tín, ban giám đốc bệnh viện là chểnh mảng và người chống đối vấn đề sổ sách của bệnh viện, sự mất trật tự của Con Cái Tinh Thần, và nhiều điều khác nữa.
Kết quả là Đức Ông Maccari đã được như ý. Bệnh viện phải thiết lập hệ thống sổ sách mới, và ban giám đốc được Vatican chỉ định. Người đàn ông bán găng tay thấm máu súc vật, mà cho là máu của Cha Piô, được đưa đi chỗ khác, và các con cái thiêng liêng bị tước đi nhiều quyền lợi. Sau cùng, một sợi giây xích được chăng chung quanh bàn thờ, và không ai được phép đến gần bàn thờ cho đến khi Cha Piô rời cung thánh.
Khi Đức Ông Maccari trở về Rôma và phúc trình cho một nhóm giáo sĩ cao cấp, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Giáo Hoàng nói, “Người ta xích một vị thánh và thả con quái vật.” Sau cùng nhóm giáo sĩ này kết luận là Cha Piô không phải chịu trách nhiệm về những sinh hoạt ngoài tu viện, nhưng chính những người chung quanh người là những người có trách nhiệm.
Một thầy mỉm cười nói Cha Piô, “Con tin chắc bây giờ cha cảm thấy thoải mái hơn, phải không cha?”
Cha Piô cười thật tươi, “Cha vui mừng bất cứ lúc nào cha được tự do làm việc của Thiên Chúa.”