Khi Cha Piô hai mươi tám tuổi thì nước Ý tham dự cuộc Thế Chiến I và đứng về phía Anh, Pháp, và Nga, chống với Đức và Áo. Vào tháng Năm 1915, mọi người đàn ông được gọi nhập ngũ. Lúc ấy là cuối mùa hè và Cha Piô đang ở Pietrelcina thì nhận được lá thư đề tên Francis Forgione.
Bà Giuseppa hỏi, “Cái gì vậy?”
Khi mở lá thư, người mới biết là lệnh động viên của chính phủ. Người nói với mẹ, “Bởi lệnh của Vua Victor Emmanuel II, con phải đến Naples trình diện để khám sức khoẻ.”
Ông Orazio không nghĩ là con mình có đủ sức khoẻ. “Francis không thể nào đi lính được.”
Cha Piô trả lời, “Không biết chắc đâu, bố ơi.” Người đang nghĩ đến một thử thách khác phải gánh chịu.
Trước khi từ giã, cha viết thư cho Lucia Florentino, một trong những người con thiêng liêng, và xin cô cầu nguyện cho người và nhớ đến người khi chịu Lễ hàng ngày.
Sau khi bác sĩ ở Naples khám nghiệm xong, Cha Piô ngồi đợi kết quả trong căn phòng nhỏ với hàng chục thanh niên, hầu hết họ ở lứa tuổi mười tám cho đến hai mươi. Họ cười đùa và thật hăng hái, không nghĩ gì đến cuộc chiến đang xảy ra ở đâu đó và chỉ trong một vài ngày nữa họ sẽ phải mang súng đạn và phải ngủ trên mặt đất lạnh lẽo. Cha Piô ngồi im lặng trên chiếc ghế gỗ, khoanh tay trước bụng. Một số người trẻ thỉnh thoảng liếc nhìn người, tò mò vì chiếc áo nâu.
Một bác sĩ với xấp giấy tờ trên tay đứng dựa vào thành cửa. Ông gọi, “Francis Forgione? Vui lòng vào đây.”
Cha Piô bước vào văn phòng kế cận.
Với nụ cười tươi tắn, bác sĩ bảo, “Tốt. Cha không có bệnh gì.” Cha Piô cười héo hắt.
Bác sĩ bảo, “Đây là giấy tờ của cha. Cha có thể lấy quân phục trên đường đi ra ngoài.”
Cha Piô bắt tay vị bác sĩ và cám ơn ông. Người chậm chạp đi ra cửa, không biết tương lai sẽ ra sao.
“Ô, Forgione,” vị bác sĩ kêu giật lại. Ông nhìn vào đôi dép của Cha Piô. “Tôi nghĩ là cha phải quen với đôi giầy. Nhưng đừng lo. Trong tuần qua cũng có ba linh mục đến đây. Nếu cha để ý chắc sẽ nhận ra những người ấy cùng nhịp bước quân hành bên cạnh cha.”
Cha Piô quay nhìn ông. “Tôi hy vọng sẽ nhận ra họ dù chân không mang dép.”
Khi Cha Piô bước ra cửa, vị bác sĩ đi theo và thúc cù chỏ vào người thanh niên trong phòng đợi. “Tôi hy vọng cha ấy biết quay mũi súng về tụi lính Đức.” Các tân binh cười rộ. Cha Piô dừng chân ngoài hành lang, người nghe họ bàn tán.
Nhưng cha không bao giờ phải tham dự cuộc chiến. Thay vào đó, cha được xung vào Đại Đội Mười của Đoàn Quân Y trong bệnh viện Trinita dei Monti, ở Naples như một người lính tạp dịch. Cha sống ở doanh trại gần đó với khoảng hai hay ba mươi người lính khác. Cùng với chiếc áo dòng và đôi dép, cái tên Cha Piô cũng được để sang một bên, và cha trở thành Binh Nhì Francis Forgione. Trong bộ quân phục mầu xanh xám của Quân Đội Ý rộng thùng thình, với mái tóc cắt ngắn và đôi mắt to mầu nâu, người trông có vẻ mảnh khảnh và ốm yếu.
“Làm một ly chứ, Forgione?” một người lính mặt đỏ gay, thân mật hỏi. Hắn nằm sõng soài trên giường, tay nắm chặt chai rượu còn một nửa.
Cha Piô lắc đầu. Người mệt mỏi và muốn ở một mình. Những ngày dài và mệt mỏi khiến người không có nhiều thời giờ để cầu nguyện và suy niệm.
Trong đêm khuya một số người lính nói chuyện rì rầm, nhắc lại những giây phút hoang đàng và vô kỷ luật. Những câu chửi thề và phạm thượng của họ vang lên trong đầu của Cha Piô một cách đau khổ. Người cố bịt tai nhưng chúng cứ vang lên không ngừng. Thể xác, linh hồn và tinh thần của người ngày càng hằn vết thương, và những gì người nghe và nhìn thấy đã cướp đi sự bình an và giấc ngủ của người. Ban ngày ở bệnh viện cũng không khuây khỏa hơn. Những hình ảnh và âm thanh đau khổ như dao đâm vào tâm hồn. Người bắt đầu dành những buổi sáng sớm để đến đền Caesarea ở đường Via Salvator Rosa để cử hành Thánh Lễ tại bàn thờ Đức Mẹ Nhẫn Nại, mà người thật tôn kính.
Chỉ vài tuần sau khi sống đời quân ngũ và những đêm cô đơn, mất ngủ đã khiến người kiệt quệ. Người ăn uống thất thường và ngày càng yếu dần. Người bắt đầu nóng sốt và giọng nói thều thào. Ngày hôm sau, viên sĩ quan phải đưa người vào bệnh viện.
Đang nửa tỉnh nửa mê thì cha nghe có người gọi tên.
Một bác sĩ nói, “Tôi không hiểu nổi.” Ông đang đứng ở cuối giường bàn bạc với một bác sĩ khác. “Khi tôi lấy nhiệt độ, mức nhiệt kế vọt lên quá mức. Tôi phải lấy một nhiệt kế đặc biệt, và đêm qua bệnh nhân nóng tới 125 độ và sáng nay là 120 độ. Hắn không thể sống nổi.”
Người đồng nghiệp hỏi, “Và anh nói nó không mê sảng gì cả?”
“Không,” vị bác sĩ lắc đầu, tỏ vẻ chán nản. “Tôi chưa bao giờ thấy căn bệnh như vậy.”
“Tôi cũng thế.”
“Có điều chúng ta biết rõ là tiếng ho không phải là sưng cuống phổi.”
“Ho lao?”
“Đúng vậy. Bệnh lao đang hoành hành. Tôi đề nghị cho nó tạm nghỉ sáu tháng. Tôi đã yêu cầu cha hắn đến đem hắn về.”
“Cần gì phải tạm nghỉ! Chúng ta biết hắn không thể nào trở lại được. Tôi không nghĩ là hắn có thể sống lâu quá sáu tháng.”
Cha Piô mở mắt và lắng nghe tiếng chân bước ra khỏi phòng. Trong im lặng người khóc cho đến khi đôi mắt sưng húp và chìm vào cơn ác mộng.
Khi ông Orazio đến và lắng nghe các bác sĩ nói, ông không tin vào sự tiên đoán của họ. “Hắn không chết đâu. Mẹ nó sẽ chữa khỏi.”
Các bác sĩ vỗ vai ông thông cảm.
“Con có ngủ được không?” mẹ người hỏi.
Cha Piô mỉm cười trả lời, “Con ngủ thật ngon và đã có thể thi hành bổn phận của con rồi.” Dưới sự chăm sóc của người mẹ, cha cảm thấy như con người cũ sống lại. Và cũng thật sung sướng để mặc lại chiếc áo dòng, và trong vài tháng nữa người có thể quên đi cái tên Binh Nhì Forgione và bắt đầu nghĩ đến Cha Piô.
Sau khi hồi phục, người lại bắt đầu bận rộn. Người dựng cả một túp lều tranh gần cây đu to lớn để có thể đến đó đọc sách và cầu nguyện. Người chọn một chỗ trong cánh đồng ở bìa làng tại nơi gọi là Piana Romana, do gia đình Forgione làm chủ. Trong khu vực này có vài căn nhà nhỏ và các nhà nguyện để săn sóc và có chỗ cho các nông dân đến tá túc.
Người từ túp lều về nhà vào một ngày nóng bức trong tháng Chín, đó là ngày thứ Sáu, và giáo xứ đang chuẩn bị kỷ niệm năm dấu thánh của Thánh Phanxicô. Khi bước vào nhà, bà Giuseppa đang quét dọn gần lò sưởi trong bếp thấy người vung vẩy đôi tay một cách kỳ lạ.
“Con làm gì vậy?” bà vừa cười vừa hỏi đùa, “con đang chơi đàn ghi-ta hả?”
Cha Piô không cười, trả lời, “Không, nhưng con cảm thấy nóng ghê gớm ở lòng bàn tay và lưng bàn tay.” Nụ cười của bà Giuseppa chợt tắt.
Về sau bà hỏi Cha Don Salvatore, “Điều đó có thể là gì?”
Cha kinh ngạc lắng nghe bà kể. Cha kết luận, “Tôi tin là Francis được in dấu thánh vô hình.”
Dấu thánh là vết thương giống như của Chúa Giêsu trên thập giá, được in một cách lạ lùng trên thân thể của một vài người, như Thánh Phanxicô Assisi.
Bà Giuseppa nín thở. Đôi mắt bà mở lớn như cố để thấu hiểu một điều kỳ lạ.
“Đừng sợ,” Cha Don Salvatore đặt tay trên đôi vai run rẩy của bà. “Con của bà đang đi đúng đường. Người được Chúa chọn để chịu đau khổ thay cho người khác.” Bà lau những giọt nước đong đầy trên mắt.
Cha an ủi bà, “Bây giờ, bà phải biết ơn Chúa, vì Francis là một trong những người được Chúa chọn.”
Cha Don Salvatore quyết định không tiết lộ điều này cho bất cứ ai, ngoại trừ bề trên của Cha Piô; về sau người viết thư trình lên Tòa Thánh Vatican.
Bất cứ đâu Cha Piô đến, tiếng đồn về sự thánh thiện của người đã đến trước, có một số người gọi cha là “tiên tri nhỏ.”
Vào đầu năm 1916 cha được sai đến tu viện Thánh Anna cũ kỹ ở Foggia. Trong thời gian đó, tu viện ở ngoại ô thành phố và chung quanh là cánh đồng để người đi bách bộ. Thỉnh thoảng người dừng chân ở Nguyện Đường Bảy Thánh Giá gần đó. Người dâng lễ trong nhà nguyện nhỏ bé của tu viện hoặc ở bàn thờ chính hoặc ở bàn thờ Đức Mẹ Pompei.
Trong khi ở Foggia, cha nhận được lá thư của một phụ nữ hỏi người là em trai của bà nên đi lính hay ở ngoài dân sự.
Cha Piô viết thư trả lời cho bà: “Sự nghiệp nào ông chọn cũng không thành vấn đề, vì ông sẽ thành công. Thiên Chúa sẽ đối xử với ông như ông đối xử với người dưới quyền.”
Chị ông và gia đình khi nhận được thư trả lời của người, họ rất ngạc nhiên, cho đến khi một binh nhì đến thăm họ và cho biết em trai của bà đã đối xử với các người dưới quyền như người cha đối xử với con cái. Bà tự hỏi, làm thế nào mà Cha Piô biết điều đó? Em bà trở về đời sống dân sự, và đã thành công.
Một linh mục thuộc giáo xứ Cagnano cũng để ý theo dõi các lời tiên tri. Một ngày kia, để được quen biết hơn với vị tu sĩ Capuchin trẻ tuổi này, người mời Cha Piô dùng cơm.
Bà bếp của vị linh mục này ngỏ ý, “Con phải nói chuyện với Cha Piô. Người có tài đọc được tâm hồn người khác... người ta nói cha là thánh.”
Vị linh mục lắc đầu nói với bà, “Tôi không nghĩ là cha có thời giờ cho bà.”
Trong suốt bữa cơm, bà bếp kiên nhẫn chờ đợi. Khi Cha Piô từ giã, bà đi theo người xuống cầu thang.
Đến giữa chừng, người quay lại nói với bà, “Bà muốn nói gì với tôi? Bà có thể nói ngay bây giờ.” Trước khi bà kịp trả lời, người nói thêm, “Bà muốn tận hiến cho Đức Giêsu Nagiarét.”
Bà gật đầu công nhận là trong vài ngày gần đây bà đã lập đi lập lại câu nói ấy. Nhưng bà có ý định khác, “Bà dì của con đang đau nặng.”
Cha Piô trả lời, “Chúng ta sẽ cầu nguyện và vâng theo ý Chúa.”
“Con cũng có đứa cháu gái bị lở loét ở đầu, và ở chân tay.”
Người gật đầu. “Chúng ta sẽ cùng cầu nguyện cho nó.”
Không bao lâu, dì của bà qua đời, nhưng đứa cháu của bà, đang nằm liệt giường và không thể đi đứng được, cảm thấy như có ai hiện diện bên cạnh và đẩy cô ra khỏi giường.
Cô nói với cả nhà, “Như thể có luồng gió lôi con đứng dậy.”
Sau này cô xưng tội với Cha Piô, và khi xưng tội xong, cô còn chần chừ muốn nói chuyện với người nữa, nhưng cha đột ngột từ giã và đi vào trong nhà thờ. Cô bật khóc.
Một linh mục trẻ đi ngang hỏi, “Sao con khóc?”
Cô nức nở một cách đau khổ, “Cha Piô không muốn nghe con nói. Người bỏ con mà đi.”
“Chắc con muốn nói với cha là con ao ước đi tu làm bà sơ phải không.”
Cô ngước mắt nhìn. “Dạ phải.”
Vị linh mục trẻ mỉm cười, nói đùa, “Bởi vậy người mới bỏ đi.”
Lát sau Cha Piô trở ra và thấy cô vẫn còn đợi người. Cô vội chạy đến, hôn tay người và cầm tay người đặt lên đầu cô.
Người từ tốn nói, “Cẩn thận. Vết thương đầu sẽ làm con đau và tay cha cũng đau nữa.”
Mắt cô tròn xoe. Cô đang cầm tay người đặt lên chỗ vết thương trên đầu, mà cô đã cẩn thận lấy tóc che đi. Cô sững sờ đứng nhìn trong khi cha thong thả bước đi.
Sau đó không lâu Cha Piô biết rằng mình hay bị sốt. Khí hậu nóng và bất thường ở Foggia đã làm bệnh cũ tái phát, và người bắt đầu thúng thắng ho.
Cha bề trên nhận xét, “Có lẽ con phải trở về Pietrelcina.”
Cha Piô suy nghĩ về điều đó. Người cảm thấy vui khi được biết ý kiến vì lần này người cảm thấy không muốn về Pietrelcina. Một điều gì sâu thẳm trong tâm hồn khao khát sự bình an và yên tĩnh, sự cô độc để suy niệm.
Cha Paolino, bề trên tu viện ở San Giovanni Rotondo đề nghị rằng khí hậu ở tu viện ấy sẽ có lợi hơn cho Cha Piô. Mọi người đều tán thành và vào ngày 22 tháng Bảy 1916, cha di chuyển đến đó. Không khí miền cao nguyên thích hợp với cha, và chỉ hai tháng sau cha đã cảm thấy khoẻ mạnh và sẵn sàng trở về Foggia. Nhưng cha bề trên nghĩ Cha Piô phải sống thường xuyên ở San Giovanni Rotondo. Vì vâng lời cha đã thuyên chuyển đến đây vào tháng Mười Hai.
“Mừng cha trở lại,” Cha Paolino nói. Người chăm chú nhìn Cha Piô qua cặp kính tròn nhỏ xíu bám trên sống mũi dài. Bộ râu xám không được cắt tỉa của cha đã dài tới một gang tay lủng lẳng ở dưới cằm.
Cha Piô mỉm cười, “Con cũng mừng được trở lại đây.”
Cha được giới thiệu với các Thầy Agostino, Thầy Fernando, Thầy Gaudenzio, và Thầy Archangelo. Với Thầy Nicola thì cha đã gặp khi đến đây lần đầu.
Cha Paolino nói, “Phòng của cha số năm.”
Phòng của người, bên cạnh phòng cha giải tội, là Cha Agostino, trên cánh cửa có khắc một hàng chữ: “Thập giá luôn sẵn sàng chờ đợi bạn bất cứ đâu.” Đó là một căn phòng rất đơn sơ với cây thánh giá độc nhất treo trên tường ngay đầu giường nhỏ bé. Trong phòng chỉ có một cái ghế và cái bàn gỗ mà trên đó có tấm hình gia đình của người với ảnh Đức Mẹ bế Hài Nhi Giêsu. Cha bề trên ra lệnh gắn máy sưởi trong phòng của Cha Piô để khỏi bị lạnh, nhưng cha đã yêu cầu tháo ra. Người không muốn một đặc ân nào mà các anh em tu sĩ khác không có.
Đời sống bắt đầu ổn định, và không bao lâu Cha Piô đã quen với công việc hàng ngày là cử hành Thánh Lễ, cầu nguyện chung với các tu sĩ khác. Người tự thu mình trong nhà nguyện hàng giờ để cầu nguyện và suy niệm dưới chân thánh giá.
Tu Viện Đức Mẹ Ban Ơn được xây cất năm 1540. Năm 1624 một trận động đất làm hư hại, và tu viện được trùng tu lại vào năm 1629. Trong khi xây cất lại, Camillo DeLellis đến đó. Các thầy dòng rất tử tế với ông, và ông đã đáp trả bằng cách giúp họ trong việc xây cất. Ông cất chỗ tạm trú gần tu viện và sống ở đó một thời gian ngắn. Sau này ông được phong thánh; Thánh Camillus, người sáng lập nhiều bệnh viện và có nhiều người thiện chí phục vụ bệnh nhân.
Đã hai lần các cha dòng Capuchin đã buộc phải rời bỏ tu viện. Lần thứ nhất là năm 1810, sau lệnh đàn áp tôn giáo của Joseph Bonaparte, nhưng họ trở lại vào năm 1814. Lần thứ hai vào năm 1867, sau khi bị đàn áp bởi những luật lệ của Thái Tử Eugenio da Carignano. Trong bốn mươi năm, tu viện được dùng làm nhà ở cho người nghèo, nhưng vào ngày 4 tháng Mười 1909, tu viện được mở cửa lại.
Chính yếu tu viện là một ngôi nhà nhỏ bé, nghèo nàn, làm bằng đá xanh thô sơ. Để vào tu viện phải đi qua một nhà thờ nhỏ. Dọc theo hành lang là hình các thánh của dòng. Cao trên bàn thờ là ảnh Đức Mẹ Ban Ơn thật đẹp, và dưới đó là ảnh Thánh Micae và Thánh Phanxicô.
Cách tu viện hơn một dặm là thành phố cổ xưa San Giovanni Rotondo, cheo leo trên ghềnh núi của Cao Nguyên Gargano. Với dân số 20,000 mà phần lớn là nông dân và người chăn cừu. Điều kiện sinh sống của họ thật thô sơ, vì thành phố này hầu như tách biệt với thế giới vì thiếu đường xá và phương tiện di chuyển nhanh chóng. Điện và nước, và ngay cả hệ thống dẫn nước thô sơ cũng không có. Các gia đình đông con buộc phải sống trong các túp lều tồi tàn như những cái hang khoét vào vách núi. Bệnh tật lan tràn vì sự ẩm ướt và điều kiện sống quá nghèo nàn, khả năng của các bác sĩ cũng bị hạn hẹp khi phải chữa trị khẩn cấp trong nhà của bệnh nhân. Tên San Giovanni có từ thời xa xưa khi một ngôi đền hình tròn được dâng cúng cho Giano. Ngôi đền này đã thêm vào cho thành phố chữ “Rotondo”, có nghĩa là tròn, và tên San Giovanni là tên nhà thờ đầu tiên được xây cất ở đây.
Dẫn đến thành phố chỉ có một con đường dốc, ngoằn ngoèo từ một cao nguyên lấm tấm những cánh đồng lúa vàng. Cạnh đó, những cây ô-liu từ gần một thế kỷ và cây hạnh nhân tiếp nối nhau thành con đường dẫn đến các ngọn đồi toàn đá gần đỉnh núi mà trên ấy chỉ có những bụi cây còi cọt.
Cha Piô cảm thấy thoải mái với chỗ ở mới này, vì nó thật yên tĩnh.
Một thầy dòng hỏi người, “Cha chỉ ăn có thế thôi sao?” Thầy đăm đăm nhìn vào đĩa rau “broccoli” có vắt tí chanh. Rau “broccoli” mọc dại ở ngoài đồng, không mất tiền mua và bởi thế đó là món rau ăn hàng ngày.
Cha Piô gật đầu. “Và cái này nữa,” vừa nói cha vừa lấy miếng bánh mì.
Thầy dòng khuyên, “Cha sẽ khoẻ hơn nếu cha ăn thêm chút nữa.”
Cha Piô nhìn thầy, che giấu vẻ khó chịu. Người muốn họ chú ý vào việc ăn uống chứ đừng để ý đến sức khoẻ của người.
Thầy dòng vẫn dai dẳng, “Nếu chỉ ăn có như vậy thì việc ăn chay sẽ làm cha yếu đi, tốt hơn cha nên ăn thêm giữa những lần ăn chay.” Các thầy khác ngồi cùng bàn đồng ý.
Một thầy nói, “Dĩ nhiên, đó là tuỳ ý cha.”
Cha Piô để cái nĩa rơi xuống bàn gây thành tiếng động. Cha lạnh lùng nói, “Các thầy thật tử tế đã nhắc nhở tôi.” Người chụp vội lấy sách nhật tụng để bên cạnh đĩa và đi về phòng.
Người ngồi xuống cạnh giường, tự hỏi, “Tại sao ngay cả những bạn bè cũng xía vào vào bổn phận của mình với Chúa? Mình phải chiến đấu với ma quỷ và tay sai của chúng chưa đủ hay sao?”
Đêm ấy cha chập chờn trong giấc ngủ, dằn vặt về sự việc xảy ra. Cha biết rõ là việc ăn chay hai mươi ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng cha còn phải tiếp tục hãm mình.
Cha biến những đêm mất ngủ trở nên hữu ích. Cha rất thích viết và dùng thời giờ ban đêm để viết cho những người cần sự giúp đỡ nhưng không thể đến tu viện được. Thường những lá thư thì dài, thân thiện, và kiên quyết nhấn mạnh đến sự can đảm một cách anh hùng và sự kiên nhẫn vác thập giá.
Cha viết: “Vì lòng thương xót mà Thiên Chúa đã đặt chúng ta trên đường Calvariô để bước theo Thầy chí thánh. Chính qua lòng thương xót này mà chúng ta được sống giữa đám đông dân chúng. Đừng quên các linh hồn của họ, hãy gần với họ, đừng hoảng hốt khi nhìn thấy thập giá mà chúng ta phải vác, hay đoạn đường dài mà chúng ta phải đi, hay dốc độ của ngọn đồi. Hãy mạnh dạn lên vì biết rằng sau khi lên đến Calvariô sẽ có một con đường khác, dẫn lên núi của Thiên Chúa đến Giêrusalem Thiên Đàng, và con đường ấy thật dễ dàng!”
Vào một dịp khác cha viết: “Có một điều mà Thiên Chúa không thể khước từ trong tạo vật tội lỗi của Người, và đó là lòng khao khát yêu thương Chúa một cách chân thành... Hãy cố chịu lễ hàng ngày, hãy gạt bỏ những ý tưởng phi lý, hãy hân hoan tin tưởng và vâng lời cách mù quáng, đừng sợ sự dữ. Vũ khí đưa dẫn bạn đến sự chiến thắng là phó thác sự phán đoán của chính mình cho những người có nhiệm vụ dẫn dắt bạn qua những phấn đấu và phức tạp của đời sống.”
Cha Piô rất coi trọng những lá thư người nhận được, và trong thư hồi âm người luôn luôn viết những lời an ủi, tín thác cũng như khuyên bảo.
Trong Thế Chiến I, Tướng Luigi Cadorna nhận thấy chiến tranh Lybia và cuộc chiến chống với quân đội Áo đã làm binh lính ông kiệt quệ. Lính của ông bị đẩy lui về Caporetto, và ông phải chịu trách nhiệm về sự bại trận. Trong doanh trại ở Lybia, Phi Châu, tinh thần ông sa sút trầm trọng.
Ông nói với người hầu cận khi hắn bước ra khỏi lều của ông, “Bất cứ chuyện gì xảy ra hãy mặc kệ tôi.”
Ông rút khẩu súng đang đeo bên hông. Ông đứng trầm ngâm tuyệt vọng một hồi lâu, đôi tay buông thõng với khẩu súng còn nắm chặt. Từ từ ông nâng súng lên, và chĩa mũi súng vào thái dương bên phải.
“Đó là hành động điên rồ.”
Ông quay phắt người lại, và nhìn trừng trừng vào đôi mắt dịu dàng của Cha Piô.
Cha không trả lời. Người tước cây súng khỏi tay viên tướng, đặt xuống bàn, và bỏ đi một cách êm thắm giống như khi người xuất hiện.
Viên tướng vội vã chạy ra khỏi lều, tìm kiếm bóng dáng Cha Piô nhưng người đã biến mất trong đêm tối. “Tôi đã bảo không ai được quấy rầy tôi mà,” ông giận dữ la mắng những người lính canh. Họ ngơ ngác nhìn nhau. Chẳng ai trong bọn họ trông thấy vị tu sĩ Capuchin đó cả.
Tướng Cadorna không ngừng tìm kiếm vị linh mục trẻ đã ngăn cản ông tự tử. Sau nhiều ngày liên tục dò hỏi, ông được chỉ đến Tu Viện Đức Mẹ Ban Ơn ở San Giovanni Rotondo nơi Cha Piô được sai đến. Ở đó ông nhận ra vị linh mục trẻ ấy đang cầu nguyện trong nhà thờ.
Ông nói với một thầy, “Tôi phải thưa chuyện với người.” Và ông giải thích về ơn cứu tử mà ông đã nặng nợ.
Sau khi lắng nghe câu chuyện, thầy dòng nói, “Điều đó không thể nào xẩy ra được. Vì Cha Piô không bao giờ rời khỏi San Giovanni Rotondo.”
Viên tướng ra về, lòng thật hoang mang, trong khi các thầy nghĩ rằng lại một sự trùng hợp tương tự như những lần trước mà họ được phúc trình. Họ được biết người ta nhìn thấy Cha Piô hai lần ở Rôma, một lần bởi vị giám mục tham dự buổi lễ phong thánh cho Thánh Têrêsa Lisieux, và một lần ở mộ Thánh Piô X, là người mà Cha Piô tôn kính nhất trong các vị giáo hoàng, vì người chất phác và hiền lành như Đức Kitô. Cả hai trường hợp, các thầy đều trông thấy Cha Piô thi hành bổn phận hàng ngày ở tu viện.
Lưỡng tại là vấn đề được nêu lên khi các phúc trình tiếp tục nói rằng vị linh mục trẻ này đã hiện diện tại hai chỗ khác nhau cùng một lúc. Trong lịch sử Giáo Hội, chỉ có vài vị thánh được ơn đặc biệt ấy, như Thánh Antôn Padua, Thánh Anphongsô Liguori, và Thánh Martin de Porres.
Cha Piô không để ý đến những điều bàn tán về người và tiếp tục thi hành bổn phận mình. Sáu tháng tạm rời quân ngũ đã trôi qua, nhưng người không trở về đơn vị. Người thật sự đắm chìm trong nhiệm vụ.
Một tu sĩ Capuchin nhìn Cha Piô sửng sốt thốt lên, “Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cha khoẻ mạnh là dường nào.” Ông lắc đầu kinh ngạc nhìn ngắm thân hình gọn gàng của Cha Piô. Cha trông có vẻ trẻ hơn ba mươi tuổi. Cái nhợt nhạt bệnh hoạn đã tan biến trên khuôn mặt, và bộ râu rậm rạp hơn khiến người nhìn có vẻ to ra.
Cha Piô trả lời, “Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi tôi cảm thấy khoẻ mạnh là dường nào.”
Mặc dù người hãm mình một cách khắt khe, sức khoẻ của Cha Piô đã tăng tiến nhiều đến độ người có thể trông coi phần tinh thần của các thầy trong trường dòng. Và ngay cả khi em người, cô Grazia gia nhập một dòng tu ở Rôma, người cũng có thể tháp tùng cô đến đó.
Hàng tháng gia đình người đến thăm, và người cũng mong đợi được gặp lại người trong nhà. Các cô con gái bây giờ đã lớn. Thời gian đã cướp đi sức khoẻ của ông bà Orazio, và những nếp nhăn nheo trên khuôn mặt và tay chân làm họ già đi nhiều. Bất cứ khi nào có ai trong nhà cần sự khuyên bảo, người đều tận tình hướng dẫn họ.
Cha Piô nổi tiếng là cha giám đốc tinh thần. Một cha Capuchin nhớ rằng: “Cha Piô làm việc hết lòng để vinh danh Thiên Chúa và để thánh hóa những người trẻ dưới sự chăm sóc của người. Các sinh viên chúng tôi tôn trọng và biết ơn sự nhân từ và thành thật của người. Chúng tôi tôn trọng người vì lòng đạo đức sâu xa của người. Chỉ cần nhìn người dâng Thánh Lễ thôi cũng đã đủ để chúng tôi tin rằng người là một linh hồn chỉ sống cho Thiên Chúa.”
Công việc hướng dẫn tinh thần của người không chỉ giới hạn trong các đệ tử và chủng sinh, mà còn nới rộng cho cả những người sống trong thành phố. Qua phương cách này mà nhóm thân hữu đầu tiên của người được thành hình--được gọi là “con tinh thần.” Không bao lâu một nhóm dòng Ba Phanxicô được thành lập để phổ biến sự giảng dạy của người.
Cha Piô được dân chúng ở San Giovanni Rotondo biết đến qua sự thông cảm và sự lưu tâm đến hoàn cảnh của họ. Ngay từ đầu, dường như người khao khát phục vụ dân chúng qua Bí Tích Hòa Giải. Thiên tài an ủi người tội lỗi đã thu hút dân chúng. Người nghèo, người đau yếu và người tuyệt vọng đã tìm đến tu viện Đức Mẹ Ban Ơn.
Người có những lời nhân từ hoặc lời an ủi cho bất cứ ai. Một dân làng nói, “Người có sự nhẫn nại không cùng.” Tất cả mọi người đều khẳng định là cha yêu thương hết mọi người.
Binh Nhì Francis Forgione có tên trong danh sách đào ngũ. Khi sáu tháng tạm rời quân ngũ đã qua và người không trở về đơn vị, viên sĩ quan chỉ huy đã viết thư cho quận trưởng Pietrelcina, ra lệnh điều tra. Ông quận trưởng tuân lệnh và viết thư trả lời rằng không có ai tên Francis Forgione ở thành phố này cả.
Một ngày kia, khi thấy chị dâu của Cha Piô, là Felicia Masone, ở Pietrelcina, ông quận hỏi, “Cô có biết ai là Francis Forgione không?”
Khuôn mặt trái soan của Felicia nhoẻn miệng cười, “Dĩ nhiên là có. Người là em của tôi, Cha Piô. Hiện người đang sống trong tu viện ở San Giovanni Rotondo.”
Ngay lập tức ông quận Pietrelcina viết thư cho quận trưởng San Giovanni Rotondo và nói với ông ấy là trong vùng có một tên đào ngũ, nhưng ông lại quên nhắc đến tên Cha Piô.
Quận trưởng San Giovanni Rotondo bắt đầu lục soát Binh Nhì Francis Forgione.
Như bao nhiêu người khác mỗi khi được hỏi, họ đều trả lời: “Tôi chưa bao giờ nghe cái tên ấy cả.”
Đó là ngày lộng gió và buốt lạnh khi một thầy trong tu viện trông thấy ông quận lững thững trên quãng đường vắng. Khuôn mặt hồng hào của ông đã trở nên tái mét vì lạnh. Thầy hỏi, “Ông làm gì ở đây trong cái thời tiết lạnh lẽo này?”
“Tôi đang tìm một tên đào ngũ--Francis Forgione.” Thầy dòng nghe thấy thất kinh.
“Chắc là ông lầm rồi. Francis Forgione là tên tục của Cha Piô.”
“Vậy hắn ở đây hả?”
“Ở trong tu viện, nhưng chắc là ông lầm,” thầy dòng cả quyết, vẻ lo lắng.
Ông quận lắc đầu, hơi thở dồn dập trong tiếng gió rít. “Không, hắn là tên đào ngũ. Không nghi ngờ gì cả.”
Thầy dòng không nói nên lời, cũng chẳng biết phải làm gì, trong khi ông quận vội vã lên đường.
Khi tới tu viện thì trời đã sẫm tối. “Cha có phải là Francis Forgione không?” ông quận hỏi một linh mục đẹp trai được các thầy chỉ cho ông.
Cha Piô quay lại và nhìn vào khuôn mặt xanh tái của ông. Người nói, “Phải. Bây giờ tôi được gọi là Cha Piô.”
Ông bối rối khi bắt gặp ánh mắt hiền từ của Cha Piô. “Nhưng cha có phải là Francis Forgione không?”
“Phải.” Cha Piô nhìn thấy sự lúng túng của ông và người mỉm cười để bớt căng thẳng. “Ông có gì muốn nói với tôi?”
Ông quận hít một hơi dài và nói, “Tôi được lệnh để buộc cha phải trở về đơn vị ngay lập tức.”
Không phản đối, Cha Piô hỏi “Ngày mai có được không?”
Ông quận gật đầu, ngạc nhiên. “Việc đó là tùy ở cha, một khi cha nói là sẽ trở về đơn vị thì tôi tin như vậy--cha là người của Chúa mà.”
Cha Piô sững sờ, “Bộ tôi không phải là người của Chúa hay sao?”
Ông nhún vai và bỏ ra về. Có một điều gì nơi người tu sĩ mà ông không hiểu nổi.
Sáng hôm sau Cha Piô đến Naples. Người mặc quân phục và mang theo áo dòng để trong cái túi vải.
“Anh bị rắc rối to, Forgione,” một sĩ quan cao lớn nghiêm nghị nói với người. “Thật rắc rối.”
Cả hai đi vào văn phòng của viên sĩ quan. “Tôi không chắc là tôi hiểu ông muốn nói gì,” Cha Piô vừa nói vừa suy nghĩ về câu cả quyết vừa rồi.
“Không hiểu?” viên sĩ quan ngắt lời. Ông xoay người đi đi lại lại đằng sau bàn giấy.
“Ông nghĩ là một linh mục thì có quyền đi đứng bất cứ khi nào ông muốn? Ngồi an toàn ở nhà thờ trong khi có những người phải ra tiền tuyến và chết ở đó?”
Những lời đay nghiến như cái tát vào mặt. Cha Piô cảm thấy gò má nóng bừng. Cắn chặt hàm răng để dằn sự tức giận, người thò tay vào túi, điềm tĩnh lấy ra tờ giấy mà người đã nhận khi được về nhà dưỡng bệnh. Người thong thả đọc: “Đợi một lệnh khác sau khi thời hạn tạm vắng mặt đã mãn.” Người ngưng đọc và ngước nhìn viên sĩ quan. “Hôm qua tôi mới nhận được lệnh phải đến Naples. Và hôm nay tôi đã có mặt.”
Viên sĩ quan đăm đăm nhìn người, miệng há hốc. Ông chỉ tay vào Cha Piô, “Cha nghĩ...?” và ông chưa kịp dứt câu thì người đã đưa tờ giấy cho ông xem.
Vừa đọc viên sĩ quan vừa lắc đầu, cảm thấy bối rối. Ông mỉm cười và tay chân lúng túng ra dấu. “Tôi không bao giờ nghĩ cha là người đào ngũ. Nhưng cha hiểu là tôi có việc phải giao cho cha.” Cha Piô gật đầu một cách nghiêm trang và cất tờ giấy đi.
“Tôi thấy không có lý do gì để buộc tội cha. Nhưng tôi muốn cha đến bệnh viện để khám bệnh trước khi trở về doanh trại.”
Các bác sĩ đã sững sờ khi thấy Cha Piô bước vào phòng khám bệnh.
Chính vị bác sĩ đã quả quyết người không thể sống qua sáu tháng lên tiếng, “Thật lạ lùng. Chúng tôi cứ nghĩ không tài nào cha sống nổi.”
Cha Piô cởi bộ quân phục, chờ hai vị bác sĩ khám bệnh. Sau khi họ hoàn tất, cha hỏi, “Các ông quyết định thế nào?”
Một trong các bác sĩ giúp người mặc lại quần áo, ông khoác vai Cha Piô. “Thưa cha, chúng tôi sẽ đề nghị cho cha giải ngũ ngay lập tức.”
“Sao vậy?” Cha Piô ngước nhìn, ngạc nhiên.
“Cha vẫn còn vi trùng lao.”
Cha Piô sững sờ trong giây lát, và với nụ cười trên môi, người ngỏ lời: “Cám ơn ông.”
Họ nhìn người bước ra cửa. Trông người có vẻ buồn bã và cô đơn.
Trước khi Cha Piô ra khỏi bộ tư lệnh, một sĩ quan trẻ nói với người, “Xin cha ký vào tờ giấy này là xong.”
Cha Piô đọc qua tờ giấy và hình như người có điều bất đồng ý. Người nhìn viên sĩ quan đang mỉm cười, “Đây là số tiền lương, nhưng tôi không làm gì để đáng nhận số tiền ấy cả.”
Viên sĩ quan cười thành tiếng. “Nhưng có ai biết điều đó?”
“Có Chúa biết và tôi biết.” Câu trả lời của cha làm anh sững sờ.
Viên sĩ quan cố lý luận, “Cha coi. Nếu cha không nhận số tiền này, thì cha biết phải mất bao nhiêu thời giờ để làm lại giấy tờ không? Nó còn tốn kém hơn cả số lương của cha nữa.”
Cha Piô tư lự trong giây lát. “Tôi có thể yêu cầu gửi về tu viện--cho người nghèo trong thành phố không?”
“Cái đó là tùy cha,” viên sĩ quan trả lời. “Chúng tôi sẽ gửi đến bất cứ địa chỉ nào mà cha cho biết.”
Cha Piô cảm thấy hài lòng. Một lần nữa cha lại cởi bỏ quân phục để mặc lấy chiếc áo dòng và trở về tu viện với tư cách là Cha Piô, quên đi cuộc đời của Binh Nhì Forgione. Trên đường về, người dừng chân ở Pietrelcina để thăm gia đình.
“Con sẽ không cần đến nó nữa,” ông Orazio vừa nói vừa nhìn ngắm bộ quân phục sạch sẽ, thẳng nếp của người.
Cha Piô gật đầu, cha biết ông đang nghĩ gì. Người vừa lắc đầu vừa nói, “Đây là tài sản của chính phủ. Mình không được giữ làm của riêng.”
“Nhưng vải của nó rất bền,” ông Orazio còn dai dẳng. “Quần áo ấy để đi làm ruộng thì nhất.”
Cha Piô quay lưng giấu nụ cười, người nói với mẹ: “Mẹ làm ơn gửi bộ quần áo về bộ tư lệnh giùm con.”
Bà Giuseppa phá lên cười thành tiếng, nhưng ông Orazio không coi đó là điều khôi hài. Ông nghĩ, đã đến lúc người con trai của ông bắt đầu nhìn vấn đề phải trái thật khác thường.