Bệnh viện của Cha Piô trị giá năm triệu đô la. Người không thích mắc nợ và cũng không cảm thấy bình an khi số nợ chưa trả xong.
Khi nhìn đến sổ sách kế toán, người tuyên bố “Thật trái luân lý khi phải chấp nhận phân lời quá cao như vậy”.
Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ được khánh thành ngày 5-5-1956. Trên 15,000 người hiện diện khi Cha Piô cùng với Đức Hồng Y Lercaro cắt băng khánh thành. Buổi khánh thành đã được cả thế giới chú ý, và một nhóm chuyên gia quốc tế về tim cũng hiện diện và sau đó họ tham dự một nghị hội chuyên đề về những bệnh tật của tim được tổ chức trong giảng đường của bệnh viện.
Vào 7 giờ sáng hôm ấy, Cha Piô cử hành Thánh Lễ trên một khán đài được dựng trước cổng Nhà Chữa Trị để khai mạc chương trình. Những làn gió nhẹ làm phất phới một rừng cờ 300 cái được treo trên nóc bệnh viện. Lá cờ Hoa Kỳ ở chính giữa, ngay bên cạnh cờ Ý. Sau Thánh Lễ, các phản lực cơ xuất phát từ Manfredonia bay ngang lễ đài như ngày lễ lớn của quốc gia.
Nhiều viên chức cao cấp của chính phủ Ý, của nhà chức trách địa phương ở Foggia và San Giovanni Rotondo, và các vị chức sắc từ Vatican và các nơi khác cũng hiện diện. Sáu trăm người đại diện của các nhóm cầu nguyện ở các thành phố Ý cũng có mặt ở đó, và ba trăm đại diện khác đến từ Tây Ban Nha, Ấn Độ, Argentin, Pháp, Hoa Kỳ, Brazil, và các quốc gia khác.
Trong buổi lễ khai mạc, Cha Piô ngồi giữa Đức Hồng Y Lercaro và cha bề trên Dòng Capuchin.
Cha hỏi một linh mục Capuchin, “Ông Angelo có ở đây không?” Cha đang tìm ông Angelo Lupi, là kiến trúc sư tài ba đảm trách việc xây cất.
“Có chứ,” vị linh mục trả lời. “Ông ấy ở phía bên kia.”
Trong buổi lễ khánh thành, viên thị trưởng cảm ơn Cha Piô đã đem lại sinh khí cho thành phố; cha bề trên đọc thông điệp của Đức Giáo Hoàng Piô XII với phép lành Tòa Thánh và người nói bệnh viện này như một công trình được thúc đẩy bởi lòng bác ái sâu xa.
Khi Đức Hồng Y Lercaro phát biểu, người tóm lược tinh thần của Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ với những lời sau: “Thật thừa thãi để bày tỏ cảm tưởng trong một nơi mà tự nó đã nói lên tất cả ý nghĩa... Tôi nhớ những lời trong Phụng Vụ Thánh: 'Đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa!' Và cũng thật đúng là đâu có Thiên Chúa, ở đó có bác ái và yêu thương... Quý vị không nhận ra điều ấy ở San Giovanni Rotondo sao? Phải, cả thế giới đã nhận ra điều ấy! Thiên Chúa đang ở đây! Bởi thế, thật hiển nhiên là tình yêu và bác ái cũng hiện diện.”
Sau cùng Cha Piô bước lên trước máy vi âm: “Kính thưa quý vị và các anh em trong Đức Kitô. Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ đã hoàn tất. Tôi xin cảm tạ tất cả những ân nhân từ khắp nơi trên thế giới đã giúp đỡ công cuộc xây cất này. Giờ đây tôi xin trình diện với tất cả quý vị một cơ sở mà Đấng Quan Phòng, với sự giúp đỡ của quý vị, đã tạo nên. Hãy chiêm ngắm và hãy cùng tôi dâng lời chúc tụng Thiên Chúa.
“Một hạt giống đã được gieo xuống, mà Người sẽ chăm sóc với lòng yêu thương. Một đạo quân mới, được thành hình bởi sự hy sinh và tình yêu sẽ vinh hiển Thiên Chúa khi chăm sóc bệnh nhân. Đừng quên giúp đỡ chúng tôi... Hãy hỗ trợ chúng tôi trong việc tông đồ chữa trị những đau khổ của nhân loại, và lòng bác ái vô biên của Thiên Chúa cũng như sự sáng và đời sống vĩnh cửu của Người, sẽ tuôn đổ trên quý vị những ơn sủng mà Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã hứa cho những ai theo Người. Cơ sở mà quý vị có hôm nay đang bước vào năm đầu tiên. Nhưng để phát triển và lớn mạnh, nó cần được nuôi dưỡng. Vì thế, tôi xin quý vị rộng lượng đừng để nó tàn lụi, mà sẽ trở thành một trung tâm y khoa hiện đại và đồng thời lan toả tinh thần của Thánh Phanxicô. Cầu mong sao nó sẽ trở nên một nơi chốn để cầu nguyện và nghiên cứu khoa học, là nơi loài người sẽ tìm thấy tâm điểm của nó là Đức Kitô Bị Đóng Đinh, như một đàn chiên dưới một Chủ Chiên.
“Chúng ta đã đạt được giai đoạn đầu tiên của hành trình. Đừng vì sự tiến bộ đó mà dừng bước. Hãy đáp lời mời gọi của Thiên Chúa cho mục đích tốt đẹp này. Mỗi người hãy làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của tôi, của một đầy tớ vô dụng, là không ngừng dâng lời cầu nguyện lên Đức Kitô Giêsu. Nhiệm vụ của quý vị, bởi khao khát muốn ôm ấp tất cả sự đau khổ của nhân loại, là phó thác bệnh viện này cho lòng từ ái của Cha trên trời, như thế khi được giác ngộ bởi ơn Chúa và bởi lòng độ lượng của quý vị, quý vị sẽ kiên trì trong công việc tốt lành với thiện ý. Bởi vậy, trong tinh thần khiêm tốn, quý vị hãy nâng tâm hồn lên với Chúa. Xin Thiên Chúa chúc lành cho những người đã, đang, và sẽ giúp đỡ trong tương lai, và cầu xin Người trả ơn cho quý vị và gia đình gấp ngàn lần ở đời này và ban cho quý vị niềm vui vĩnh cửu trong sự sống đời sau.
“Nguyện xin Đức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ Ơn Sủng, Cha Thánh Phanxicô, và Đấng Đại Diện Đức Kitô ở trần thế là Đức Thánh Cha, cầu bầu cho chúng ta để Thiên Chúa nhận lời cầu xin của chúng ta.”
Trong hàng ngàn người tham dự Thánh Lễ của Cha Piô và lễ khánh thành có một ông được mọi người chú ý vì ông khóc suốt buổi lễ. Đó là Bs. Kisvarday, là người sau cùng còn sống trong nhóm ba người trợ giúp Cha Piô xây cất bệnh viện. Vào cuối buổi lễ, ông đến hôn tay Cha Piô, chúc mừng người vì bệnh viện đã hoàn tất, và ông khóc nức nở.
Cha Piô cũng xúc động, và người an ủi ông cho đến khi ông lấy lại được bình tĩnh. Cha nói, “Này Carletto, chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa.”
Trong buổi lễ có sự hiện diện của rất nhiều bác sĩ nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới. Vào cuối buổi nghị hội về các bệnh tật của tim, một nhóm bác sĩ nổi tiếng đến tu viện và xin Cha Piô nói chuyện với họ.
Cha Piô mỉm cười hòa nhã, và nói: “Tôi biết nói gì? Cũng như tôi, quý vị đến trong thế gian này với một nhiệm vụ cần phải hoàn tất. Tôi nói với quý vị về nhiệm vụ, trong khi ai ai cũng đề cập đến quyền lợi. Tôi, là một tu sĩ và là một linh mục, có một sứ vụ phải hoàn tất. Là một tu sĩ và là một người Capuchin, tôi buộc phải tuân giữ những quy luật và lời khấn của tôi một cách nghiêm nhặt. Là một linh mục, nhiệm vụ của tôi là đền tội, xoa dịu Thiên Chúa vì tội lỗi nhân loại.
“Tất cả những điều này xảy ra như mong ước nếu tôi sống trong ơn sủng của Thiên Chúa, nhưng nếu tôi xa rời Thiên Chúa, làm sao tôi đền bồi cho người khác được? Làm sao tôi có thể là người trung gian với Đấng Tối Cao được?
“Quý vị có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân, nhưng nếu bên giường bệnh, quý vị không đem cho họ sự chăm sóc yêu thương nồng ấm, tôi không nghĩ là thuốc men có ích lợi gì. Chính tôi đã cảm nghiệm được điều ấy. Trong thời gian tôi bị đau yếu từ năm 1916 đến 1917, khi các bác sĩ chữa trị tôi, họ đã an ủi tôi. Lòng yêu thương cần được thể hiện qua lời nói. Và chính quý vị, làm sao có thể đem lại sự an ủi tinh thần cho bệnh nhân nếu không bằng lời nói. Về sau tôi gặp một bác sĩ chuyên môn, ông thẳng thừng cho biết tôi bị bệnh lao và chỉ còn sống được một năm nữa thôi. Tôi trở về nhà, buồn chết được, nhưng phó thác cho ý Chúa. Và như quý vị thấy, tôi vẫn sống nhăn! Điều tiên đoán của vị chuyên gia ấy không thành sự thật.
“Hãy đem Thiên Chúa đến với người bệnh, điều đó có giá trị hơn bất cứ sự chữa trị nào. Và xin Thiên Chúa chúc lành cho toàn thể quý vị, cho gia đình quý vị, và nhất là công việc và bệnh nhân của quý vị. Đây là lời ao ước chân thành nhất của tâm hồn một linh mục.”
Các bác sĩ sững sờ nghe người nói từ đầu đến cuối, dường như họ bị thu hút bởi lời của người.
Sau đó, Bs. Paul Dudley White, bác sĩ chuyên khoa tim của Tổng Thống Eisenhower, bước ra và nói: “Tôi trở về Hoa Kỳ với một ấn tượng mạnh mẽ về công việc của Cha Piô. Bệnh viện này, không như bất cứ bệnh viện nào khác trên thế giới, tôi nghĩ rất thích hợp cho những cuộc nghiên cứu về sự tương quan giữa tâm trí và bệnh tật. Ở đây, chứ không ở đâu khác, cuộc nghiên cứu về bệnh thần kinh có thể được phát triển.”
Cha Piô nhìn ông không chớp mắt. Thực sự, ông White đã nói lên điều mà chính cha đã bày tỏ khi mới hoạch định xây cất bệnh viện. Lúc ấy, người nói: “Tôi thường nhận thấy rằng linh hồn và thân xác bị đau yếu và được lành lặn cùng một lúc. Tôi muốn xây một căn nhà thật lớn để tiếp đón những người đau yếu đến xin phép lạ của Thiên Chúa. Đức tin và đức cậy sẽ giúp chữa lành tinh thần của họ; lòng bác ái sẽ giúp họ chỗ nương thân; nếu có thể, khoa học sẽ làm phần còn lại.”
Bs. Evans đến từ Luân Đôn phát biểu: “Đây là một cuối tuần tôi chưa bao giờ có trong đời, và đây là những giây phút quan trọng của tôi.” Với đôi chút ngập ngừng, ông hơi cúi đầu, và nói tiếp: “Xin cám ơn Cha Piô.” Cha mỉm cười thân thiện với ông. Tim người rộn rã niềm vui.
Vị chủ tịch của Hội Chuyên Khoa Tim Âu Châu là Bs. G. Nylin đến từ Stockholm, thay mặt cho Hội lên tiếng: “Chúng tôi kính chào Cha Piô, là tác giả của một công trình bác ái nguy nga. Với đức tin không lay chuyển, với lòng yêu thương nhân loại, Cha Piô đã làm gương cho chúng tôi trong việc xả thân phục vụ đồng loại. Bệnh viện này là bằng chứng hiển nhiên của Người Samaritan Tốt Lành. Với lòng thành khẩn, chúng tôi cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho những ý định cao cả và bác ái của Cha Piô.”
Bs. Wangensteen ở Minneapolis nói, “Mọi sự đều tốt đẹp và đáng thán phục, tuy nhiên, có điều thật đáng tiếc--là thế giới này chỉ có một mình Cha Piô. Nếu không còn ai khác thì thật đáng tiếc!”
Sau nghi thức khánh thành và hội họp, một trăm chuyên gia về tim đã đến Rôma để được diện kiến Đức Giáo Hoàng Piô XII. Sau đó, Đức Thánh Cha đã chuyện trò với họ. Người để ý lắng nghe và thấy vui thích khi các bác sĩ bàn tán về nghị hội chuyên đề ở bệnh viện.
Sau đó Bs. Wangensteen lập lại lời nhận xét về Cha Piô, và nói: “Con thấy buồn khi nghĩ rằng trên thế giới này chỉ có một Cha Piô. Thật đáng tiếc nếu không còn ai.”
Đức giáo hoàng lắng nghe với nụ cười hiền hậu, và nhận xét: “Hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta có thêm nhiều linh mục tốt lành và thánh thiện.” Trước khi kết thúc, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã ca ngợi công trình xây cất của Cha Piô và ban phép lành cho các bác sĩ.
Làn sóng bệnh nhân đổ về bệnh viện ngày càng đông. Người giầu cũng như nghèo đều được chữa trị như nhau, với các phương tiện của bệnh viện. Một vài phương tiện công cộng về vấn đề bảo hiểm và cứu tế được thiết lập để giúp đỡ cho những người ít khả năng. Với những ai không có khả năng, ban quản lý cũng thiết lập một ngân quỹ riêng để trang trải tiền chữa trị cho họ.
Những tốn kém của việc điều hành bệnh viện được bù đắp bằng sự tặng dữ và lệ phí chữa trị, cũng như từ những ngân khoản khác do việc quyên góp. Như một phương tiện để gây quỹ, ban giám đốc phát hành một tờ báo định kỳ, mang tên “La Casa Della Sofferenza” bằng năm thứ tiếng: Pháp, Anh, Ý, Đức, và Tây Ban Nha, và giá báo một năm là $2.50 đô la.
Quả là một chặng đường dài và mệt mỏi cho Cha Piô. Nhưng người vui mừng. Tối thiểu, đó là điều được tiến hành một cách gần như tuyệt hảo.
Người đặc biệt vui mừng khi các Nhóm Cầu Nguyện có thể dùng bệnh viện làm nơi hội họp quốc tế. Chẳng bao lâu, hầu như hàng ngày, đều có các nhóm cầu nguyện đến từ Manila, Ái Nhĩ Lan, Pháp, miền bắc nước Ý, Nam Tư, và Thụy Điển; đi theo họ là các giám mục và linh mục.
Một nhóm cầu nguyện đến từ Nam Tư gồm 65 người, trong đó có 15 linh mục. Các linh mục được gặp riêng với Cha Piô và được cha chúc lành cho họ.
Một linh mục lên tiếng, “Chúng con có danh sách của những người xin cha cầu nguyện cho họ.”
Cha Piô gật đầu và nói, “Tôi sẵn sàng cầu nguyện cho họ.”
Thư từ bắt đầu tới tấp đổ về từ khắp nơi trên thế giới ca ngợi Nhóm Cầu Nguyện. Các linh mục nói lên sự giúp đỡ đặc biệt về tinh thần của các nhóm này, và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ban phép lành đặc biệt cho nhóm cầu nguyện.
Cha Piô theo dõi những biến chuyển, người không ngờ đã có những tiến bộ sau nhiều năm. Đời sống vùng cao nguyên Gargano cũng thay đổi mau chóng.
Thời gian qua mau, chẳng bao lâu Cha Piô đã phải chuẩn bị bài nói chuyện nhân dịp kỷ niệm một năm thành lập bệnh viện.
“Hãy chúc tụng Thiên Chúa! Hôm nay là ngày sinh nhật đầu tiên của bệnh viện, mà trong năm qua quý vị đã chứng kiến sự chào đời. Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ đã đón tiếp hàng ngàn người bị bệnh tật về thể xác cũng như linh hồn. Tất cả mọi người, giầu cũng như nghèo, đều được hưởng lợi lộc từ lòng bác ái của quý vị và họ nhận được một cách độ lượng tất cả những gì quý vị đã ban phát.
“Với nguồn sáng tình yêu Thiên Chúa, Người đã sưởi ấm hạt giống được vun trồng. Để được thiết lập một cách hợp pháp kể từ khi hiện diện, bệnh viện đã phải xin rất nhiều người giúp đỡ một cách độ lượng. Tôi xin hết lòng cảm ơn tất cả những ân nhân này.
“Hôm nay, do sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha, bệnh viện đã hoàn toàn tự trị. Với sự chăm sóc mau mắn của một người cha, Đức Thánh Cha đã ban bố sắc lệnh rằng bệnh viện này phải có tư thế hợp pháp xứng với các mục đích thiết lập. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng bệnh viện phải được ổn định về vấn đề tài sản và mọi hậu quả của nó được đặt dưới quyền sử dụng của anh em Dòng Ba của Santa Maria delle Grazie ở San Giovanni Rotondo, để họ có thể tiếp tục việc quản trị.
“Trong Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ, những lời cầu nguyện tha thiết và không ngừng dâng lên con người đáng kính Đại Diện Đức Kitô. Hôm nay, bởi quyết định tối cao này, bệnh viện có nhiệm vụ đặc biệt cảm tạ Đức Thánh Cha, người đã nói lên mục đích nguyên thủy và mục tiêu của bệnh viện.
“Hôm nay chúng ta bắt đầu giai đoạn hai của cuộc hành trình. Bước kế tiếp chúng ta phải thi hành là: bệnh viện này được giao phó cho sự độ lượng của quý vị để nó có thể trở nên một bệnh viện của thành phố, với đầy đủ phương tiện kỹ thuật cho những nhu cầu khảo cứu y học và phẫu thuật.
“Bệnh viện sẽ phải gia tăng số phòng và số giường được tăng lên gấp ba. Hai tòa nhà phải được xây thêm, một cho quý bà và một cho quý ông, là nơi những người mệt mỏi về thể xác và linh hồn có thể tìm thấy Thiên Chúa và được Người an ủi.
“Một trung tâm khảo cứu quốc tế sẽ giúp các bác sĩ phát triển sự học hỏi chuyên môn cũng như trở nên một Kitô Hữu.
“Chúng ta phải phát triển cơ sở này theo một phương cách để nó có thể trở nên nhà cầu nguyện và kiến thức, là nơi nhân loại thấy mình thuộc về Đức Giêsu Bị Đóng Đinh, một đàn chiên và một mục tử.
“Những người con thiêng liêng quy vụ về đây, từ khắp nơi trên thế giới, để cầu nguyện trong tinh thần Cha Thánh Phanxicô, dưới sự dẫn dắt và theo ý chỉ của Đức Thánh Cha, sẽ thấy nơi đây là một trung tâm cho các tổ chức cầu nguyện. Nơi đây, các buổi tĩnh tâm sẽ được tổ chức cho các linh mục và phát triển tinh thần cho các tu sĩ cũng như giáo dân, giúp họ tiến đến Thiên Chúa, để trong đức tin, trong sự từ bỏ chính mình, và trong sự tận hiến, họ có thể sống tình yêu Thiên Chúa, đạt được sự trọn hảo của một người Kitô.
“Tình yêu là sự thể hiện và hiệp thông một đời sống thật dồi dào mà Đức Kitô đã tuyên bố Người đến để ban cho chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Tiếng gọi đó: 'Như Cha đã yêu Thầy, thì Thầy cũng yêu các con, hãy tiếp tục tình yêu của Thầy.'
“Đức Kitô hoạt động không những như một bậc Thầy, mà Chúa chúng ta còn như một y sĩ chữa lành. Người chết chỉ một lần, Người đang ngự trị, và là Tác Giả của sự sống đời đời.
“Nếu cơ quan này chỉ chữa trị những đau khổ về phần xác thì nó chỉ là một bệnh viện kiểu mẫu, được xây dựng nhờ sự độ lượng và bác ái của quý vị. Nhưng nó được thúc giục để tích cực đưa các linh hồn về với tình yêu Thiên Chúa, nhờ sự khích động của tinh thần bác ái.
“Nơi đây, bệnh nhân sẽ sống trong tình yêu Thiên Chúa bởi từ bỏ chính mình mà chấp nhận đau khổ và bình thản suy niệm về Đức Kitô như cùng đích của đời mình. Tình yêu Thiên Chúa phải sâu đậm hơn trong linh hồn họ qua cảm nghiệm tình yêu của Đức Giêsu Bị Đóng Đinh, một tình yêu phát sinh bởi chú ý đến những yếu đuối của thể xác và tinh thần. Nơi đây, các linh mục, bác sĩ, và bệnh nhân trở nên nguồn tình yêu. Càng dồi dào tình yêu này bao nhiêu, họ càng dễ hiệp thông với người khác.
“Cả linh mục và bác sĩ, trong công việc bác ái đối với người bệnh mà họ được mời gọi, sẽ cảm thấy luôn bừng cháy niềm khao khát tình yêu Thiên Chúa để chính họ và bệnh nhân cùng ở trong Thiên Chúa, là sự sáng và tình yêu.
“Cầu mong sao toàn thể nhân loại cảm thấy được mời gọi đến cộng tác trong công việc tông đồ đối với sự đau khổ của loài người, và cầu mong sao mọi người đều vâng theo sự thúc giục của Chúa Thánh Thần. Họ sẽ nhận được sự vinh hiển từ Chúa Giêsu mà Chúa Cha đã ban cho Người, và họ được nên một với Người: 'Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.'
“Xin Đức Maria Đầy Ơn Sủng, là Nữ Vương rất thánh của chúng ta, là người mà hàng ngày chúng ta quay về để bày tỏ tình yêu, và cầu xin sự giúp đỡ vật chất, đang trị vì đời đời trong thành trì được tiền định trước cung điện người, và cầu mong sao người là đấng che chở quý vị. Vì Đấng Đại Diện Đức Kitô ở trần thế, xin Đức Mẹ gia tăng tình yêu thương con cái, và một ngày nào đó người sẽ cho chúng ta thấy Đức Giêsu trong sự chói lọi Vinh Hiển của Người.”
Thời gian không làm suy giảm sự nhiệt thành của Cha Piô trong công trình bệnh viện. Một ngày kia người tiên đoán về tương lai của bệnh viện, và người thấy bệnh viện phát triển gấp ba lần. Người thấy những tòa nhà được xây cất cho một trung tâm nghiên cứu quốc tế. Đất đai và tiền của được dâng cúng cho trung tâm nghỉ ngơi và tĩnh tâm của các linh mục, một trung tâm cho nhóm cầu nguyện, và một nhà dưỡng lão. Không lâu sau đó, là trường đào tạo các y tá. Công việc dường như không bao giờ cùng.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã chỉ định Cha Piô làm giám đốc muôn đời của anh chị em Dòng Ba ở Santa Maria delle Grazie, như thế đã ban cho cha đặc ân là người chỉ đạo duy nhất của Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ. Đức giáo hoàng cũng ban cho cha được phép cộng tác với Dòng Ba Phanxicô trong việc quản trị bệnh viện, và một sắc lệnh đặc biệt cho cha được miễn lời hứa khó nghèo để cha có thể gây quỹ cho bệnh viện.
Một ngày kia tiền dâng cúng lên thật cao, trên đường trở về phòng Cha Piô mỉm cười một mình. Người gật đầu chào một anh em trong dòng đi ngược chiều.
Vị tu sĩ hỏi, “Mọi sự thế nào?”
Cha Piô cười thành tiếng và giơ hai tay lên trời, “Tôi còn biết nói gì hơn? Mọi sự quá tốt đẹp.”
Vị tu sĩ cười đồng tình. “Con mừng là cha không để ý đến những lời đàm tiếu.”
Cha Piô hơi do dự. Nụ cười vụt tắt, người hỏi, “Đàm tiếu gì?”
“Ồ, con xin lỗi cha đã đề cập đến điều đó. Con cứ tưởng là cha đã biết.”
“Đàm tiếu gì?” Cha Piô hỏi lại một lần nữa.
Vị tu sĩ lắc đầu. “Thôi xin cha quên điều ấy đi. Đừng nghĩ đến làm gì.” Khuôn mặt Cha Piô sụ xuống. Người thở dài và quay bước.
Vị tu sĩ nói với theo, “Mọi người đều biết là cha sẽ không giữ một đồng xu nào cho cha cả.”
Khi Cha Don Michelle, cha sở của ngôi nhà thờ mới ở San Giovanni Rotondo đến gặp Cha Piô thì người đang bị bệnh.
Cha Don Michelle nhắc với người, “Cha đã hứa là sẽ tham dự lễ khánh thành nhà thờ mới của chúng con đấy.”
Cha Piô trấn an và xin kiếu, “Sẽ có người quan trọng hơn tôi rất nhiều đến nhà thờ của cha.”
Cha Don Michelle bối rối. Điều người biết chắc chắn là không còn ai quan trọng hơn Cha Piô. Tuy nhiên, một vài tuần sau, một bức ảnh nổi tiếng của Đức Mẹ Ban Ơn được rước từ ngôi làng đến tu viện. Khi cuộc rước đi ngang qua nhà thờ mới thì trời đổ mưa, và cha xứ Don Michelle mời mọi người đưa ảnh vào trong nhà thờ. Thế là mọi người đi theo bức ảnh tuôn vào nhà thờ để trú mưa.
“Đúng rồi!” Cha Don Michelle kêu lên cách sửng sốt. “Đức Mẹ là người mà cha ấy muốn nói tới.”
Sức khoẻ yếu kém của Cha Piô khiến người phải ở trong phòng nhiều hơn, và cuộc sống của người yên lặng cách kỳ lạ trong khi sinh hoạt bên ngoài ngày càng gia tăng. Các tòa nhà mới được dựng lên ở mọi nơi: một vài nhà giữ trẻ, vài cửa tiệm và vài trường tiểu học. Không hiểu sẽ tốt hơn hay tệ hơn, cao nguyên Gargano đang thay đổi một cách lạ lùng.
Bất kể những sửa sang thêm vào cho tu viện, Cha Piô vẫn tiếp tục sống trong căn phòng ngay sát nhà thờ. Chỉ có một phương tiện hiện đại duy nhất người cho phép thiết kế là cầu thang máy, vì tuổi già và sự đau đớn khiến người di chuyển ngày càng khó khăn hơn.
Phòng của người nhìn ra mảnh vườn, gần sân thượng. Nhờ đó người có thể hưởng làn gió mát khi trời vào hạ. Căn phòng nhỏ bé của người chỉ có một tượng thánh giá bằng gỗ treo trên tường, một cái bàn nhỏ, hai chiếc ghế mây, và cái giường sắt. Không có máy sưởi, ngay cả trong mùa đông. Khi chải đầu, người phải dùng tấm kính ở cửa sổ như tấm gương, và người phải rửa tay bằng nước lạnh khiến vết thương càng thêm nhức nhối. Người từ chối dùng mọi loại máy sưởi nhân tạo, từ máy chạy điện đến máy dùng hơi đốt, hoặc ngay cả lò than trong những đêm đông.
Khi từ chối những vật dụng ấy, người lấy lý do, “Dùng những phương tiện ấy, tôi sẽ không phải là một người dòng Phanxicô.”
Trong căn phòng này, người đọc kinh nhật tụng và xem thư từ do một linh mục thư ký chuyển cho. Trung bình hàng ngày có đến sáu trăm lá thư, và từ sáu mươi đến tám mươi bức điện tín, từ khắp nơi trên thế giới. Có thời gian người đích thân trả lời tất cả mọi thư từ; sau này người chỉ trả lời những lá thư khẩn cấp; và bây giờ người giao việc trả lời thư từ cho các thư ký. Thư được viết bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, và tiếng Ý. Mười lăm người thư ký phụ trách công việc thư từ của người, và bốn người trong nhóm chỉ để trả lời thư của người Ý.
Người không thoả đáp mọi yêu cầu. Người giải thích, “Chúa giúp tôi chỉ nhớ những người và những gì mà Người muốn. Có những lần Chúa cho tôi thấy những người mà tôi chưa từng nói chuyện hay từng thấy họ, khác với những lần tôi cầu nguyện theo ý chỉ của họ mà luôn luôn được nhận lời. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, khi Chúa không muốn nhận lời tôi, Người khiến tôi quên cầu nguyện cho những người ấy, dù rằng họ có ý chỉ rất tốt lành. Đôi khi tôi quên cả việc ăn uống. Tôi cảm ơn Chúa vì Người đã không để tôi quên những gì thuộc về chức linh mục và ơn gọi Capuchin.”
Những người viết thư cho cha thường nhận được một mẩu giấy nhỏ, với giòng chữ: “Cha Piô chúc lành cho bạn, và sẽ cầu nguyện theo ý chỉ của bạn. Người khuyến khích bạn tín thác vào sự thiện hảo của Thiên Chúa, và luôn luôn cầu xin để vâng theo thánh ý Người.”
Mặc dù Cha Piô không chính thức chủ sự tang lễ, nhưng thỉnh thoảng người cũng quỳ cầu nguyện trong khi tang lễ được tiến hành. Khi tang lễ chấm dứt, và quan tài được di chuyển ra nghĩa trang, người đứng dậy và ban phép lành cho người quá cố.
Có lần người bạn của cha hỏi có nên chôn cất người chết ở nơi họ sinh ra không.
Cha Piô lắc đầu. “Không,” người trả lời cách dứt khoát. “Phải chôn cất ở nghĩa trang nơi họ chết. Vì đó là nơi Chúa gọi linh hồn họ.”
Sau đó, vào lúc trưa, người xuất hiện ở lan can của nhà thờ cũ và đọc kinh Truyền Tin. Hôm ấy, đám đông ở bên dưới thật ồn ào.
Khuôn mặt Cha Piô lộ vẻ khó chịu. Người nhắc nhở họ, “Quý vị đang ở trong nhà thờ, chứ không phải nơi chợ búa.”
Bây giờ Cha Piô đã bảy mươi hai tuổi và sức khoẻ của người không thể tiên đoán được. Vào một ngày mùa xuân trời lạnh, người cảm thấy đau yếu bất thường. Đó cũng là ngày tượng Đức Mẹ đến nước Ý.
Các giám mục Ý quyết định dâng hiến nước Ý cho Đức Mẹ, và để chuẩn bị ngày dâng hiến, sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng Chín, mọi người đồng ý sẽ rước tượng Đức Mẹ Fatima thánh du khắp các thành phố lớn trong nước Ý.
Các bác sĩ nổi tiếng--Valdoni, Mazzoni, và Gasbarrini--vội vã đến bên giường Cha Piô. Họ khám bệnh và cho người biết, “Đó là một bướu ung thư.”
Đôi mắt Cha Piô liếc nhìn từng người và hỏi: “Có độc không?” Họ gật đầu.
“Tôi còn sống được bao lâu?” người hỏi với giọng nói bỗng dưng kiệt quệ.
Họ cho biết chỉ còn vài tháng, và Cha Piô thật im lặng. Người không còn nghe những lời an ủi của họ khi tâm trí người lướt qua những tháng ngày trong quá khứ cũng như tương lai sắp đến. Người yên lặng chấp nhận hoàn cảnh. Từ giường bệnh, người dùng máy vi âm để nói chuyện với giáo dân tụ tập bên dưới. Họ biết người bị bệnh nhưng không biết trầm trọng như thế nào.
Mùa xuân âm thầm trôi cho đến mùa hạ năm ấy, và vào ngày đầu tháng Tám, tượng Đức Mẹ Fatima được trực thăng đưa đến San Giovanni Rotondo, đáp xuống bãi đáp của Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ. Tháp tùng tượng là hai phi công trực thăng và Cha Mario Mason.
Tượng được trưng bầy cho công chúng kính viếng trong một vài ngày, và cả một đoàn người đông đảo từ khắp nơi trên nước Ý đến cầu nguyện trước tượng và để thăm Cha Piô. Nhưng người thật yếu ớt, nằm liệt giường, bất động, tâm trí không ngừng bị ám ảnh bởi lời chẩn đoán tuyệt vọng ghê gớm kia.
Vào buổi sáng đưa tiễn thánh tượng, Cha Piô nài nỉ xin được tham dự Thánh Lễ do Cha Mason cử hành, và các bác sĩ đồng ý. Người được đưa vào gian cung thánh, gần bàn thờ. Sau đó tượng được rước vào nhà thờ. Sợ người quá mệt vì sự đau yếu nên các tu sĩ muốn khiêng tượng đến người, nhưng người từ chối và cố đến với thánh tượng, trong khi cảnh sát và các tu sĩ bảo vệ người khỏi bị đám đông chen lấn.
Người quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ, hôn tượng, và dâng lên Đức Mẹ một chuỗi Mai Khôi vàng, và một con chim bồ câu, như dấu chỉ của sự tận hiến cho Đức Mẹ. Chung quanh thật đông người, nhưng rất ít có thể thấy được người. Bây giờ người thật mệt mỏi; khuôn mặt người hóp lại; trán người nhỏ giọt mồ hôi; và hơi thở thật mệt nhọc. Khi thấy cha không thể nói được nữa, người ta đưa người trở về phòng.
Cha Mason và hai phi công đến thăm người ở trong phòng. Cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi vì bác sĩ khuyên không nên để người nói gì.
Một bác sĩ nói với họ, “Người không thể nào cử hành Thánh Lễ hay nghe xưng tội được nữa.”
Họ buồn bã đặt thánh tượng lên trực thăng và cất cánh về hướng Foggia, bỗng dưng Cha Mason bảo người phi công bay về phía tu viện và dừng lại đôi phút ngay trên phía căn phòng của Cha Piô.
Đang khi trực thăng ở phía trên phòng Cha Piô, ngay lúc ấy người kêu lên: “Lạy Mẹ rất thánh, khi Mẹ đến nước Ý, Mẹ đã để con trên giường bệnh, và bây giờ Mẹ ra đi, Mẹ vẫn để con như thế này hay sao?”
Một cách bất ngờ, toàn thân người rung lên bần bật. Đôi mắt người mở lớn, và người ngồi bật dậy.
“Gì vậy cha?” Người trợ tá chạy đến, nắm lấy tay người, ân cần hỏi.
Cha Piô thầm thì, “Cha khỏe rồi.” Người mỉm cười trước con mắt ái ngại của người trợ tá. Người nói to hơn nữa, “Cha khỏe rồi.”
Các bác sĩ vội vã đến khám nghiệm Cha Piô. Họ lắc đầu kinh ngạc khi rời phòng.
Một tu sĩ đứng đợi ở ngoài hỏi: “Chuyện gì vậy? Có gì xảy ra cho Cha Piô không?”
Một trong các bác sĩ trả lời, “Có. Nhưng đừng hỏi tại sao. Cha Piô đã hoàn toàn bình phục.”
Điều không thể tránh khỏi là một ngày nào đó Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII sẽ nghe biết về Cha Piô. Cũng không thể tránh khỏi là sẽ có những tin tức thất thiệt.
Lần đầu tiên Đức Thánh Cha nghe biết về Cha Piô là sau Thế Chiến II, khi người còn là Đức Hồng Y Roncalli, đại diện tòa thánh ở Pháp. Chính nơi đây người được nghe ông Emanuele Brunatto quê quán Torino, nước Ý đã hết lời ca tụng Cha Piô. Đức Hồng Y Roncalli lắng nghe và không bao giờ quên những gì người đã nghe, và một trong những điện văn đầu tiên khi lên ngôi giáo hoàng là gửi cho Cha Piô phép lành của người.
Sớm hay muộn, người cũng sẽ nghĩ đến Cha Piô một lần nữa. Đức GM Girolamo Bortignon, vị giám mục Padua, than phiền với người bạn có uy thế ở Rôma rằng các sinh hoạt ở San Giovanni Rotondo cần được điều tra. Do đó Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã gửi Đức Ông Carlo Maccari đến để điều tra và có những đề nghị.
Đức Ông Maccari không ngạc nhiên khi thấy những người được gọi là con cái thiêng liêng của Cha Piô đã gây nên nhiều xáo trộn. Người ta chen lấn, cãi cọ để ngồi hàng đầu trong nhà thờ. Họ đem theo kéo để cắt áo của Cha Piô làm kỷ niệm, và đôi khi họ giằng co tay áo của Cha Piô đến độ người phải khó chịu la lên. Người ta cho biết họ đã đánh nhau kịch liệt để dành cái gối quỳ của Cha Piô khi Chầu Thánh Thể. Và có những than phiền về các bà chen lấn và xô đẩy trước cửa nhà thờ để chờ khi cửa mở, họ được ngồi hàng ghế đầu.
Tại bệnh viện, Đức Ông thấy sổ sách không được ghi chép đầy đủ, với những số tiền tặng dữ vẫn còn được ghi trong sổ tay chứ chưa chính thức đưa vào sổ chi thu.
Trong ngôi làng kế cận, người khám phá thấy nhiều khách sạn và quán trọ xây dọc theo đại lộ Capuchin, và một số người bán vé xưng tội cho các người hàng hương thiếu kiên nhẫn hoặc để lén lút đưa họ vào phòng áo (nơi chờ xưng tội). Người cũng được biết có một con buôn chuyên bán những cặp găng tay không có ngón, giống hệt như của Cha Piô, được thấm máu súc vật và nói dối là của Cha Piô.
Đức Ông Maccari ở đó ba tháng và sau cùng người phúc trình: “Dân chúng thì cuồng tín; ban giám đốc thì chểnh mảng, vô trật tự và thiếu khả năng.”
Để hoàn tất phúc trình đó, người thuyên chuyển Cha Justino de Lecce, bạn tâm giao của Cha Piô sang Cerignola, và để kiểm soát đám đông người nhấn mạnh đến việc chăng một giây xích sắt ngay trước tòa giải tội của Cha Piô để ngăn cản đám đông đến quá gần. Toàn bộ cuộc điều tra nhắm đến Cha Piô. Các tu sĩ Capuchin ở San Giovanni Rotondo bàng hoàng.
Trong một bữa ăn, Cha Piô bảo với các tu sĩ: “Đó chỉ là một thủ tục. Đừng để ý làm gì.”
Một linh mục ngồi ở cuối phòng thở dài: “Thủ tục. Con thành thực không nghĩ như vậy. Những cuộc thăm viếng của Tòa Thánh thường báo trước ngày tận thế.” Cha Piô liếc nhìn nhưng không nói gì cả.
“Hy vọng là không.”
Cha Piô giơ tay ra hiệu chấm dứt. Bỗng có tiếng cười khúc khích phá tan sự im lặng với lời tuyên bố là món súp hôm nay nhạt quá.
Cha Piô thầm nghĩ và mỉm cười: “Thật đúng vậy. Thế giới chưa chấm dứt, và món súp chắc chắn quá nhạt nhẽo.”
Thật vậy, thế giới vẫn xoay vần như thường lệ, mặc dù số khách đến tu viện ngày càng đông hơn. Mùa thu năm ấy, hàng trăm giám mục và hồng y cũng nối đuôi đám đông để gặp Cha Piô. Họ đến tham dự Công Đồng Vatican II ở Rôma và đến từ Nam Mỹ, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Nhật Bản, Gia Nã Đại, Ba Lan, Nam Tư, Hoa Kỳ, Madagascar, Việt Nam, Thánh Địa, và các quốc gia khác. Một số vị dừng chân ở San Giovanni Rotondo trước khi về lại nhà. Một trong các vị là Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo, là người chưa được gặp Cha Piô khi còn theo học ở Rôma. Các giám mục thường tham dự Thánh Lễ của Cha Piô và sau đó cử hành Thánh Lễ ở bàn thờ cạnh hay trong nhà nguyện của bệnh viện. Có lần cả mười giám mục lần lượt cử hành Thánh Lễ. Một trong các hồng y xin Cha Piô cầu nguyện cho họ.
Cha Piô trả lời người, “Điều đầu tiên con cầu nguyện hàng ngày là cầu cho đức giáo hoàng. Người kế tiếp là Đức Hồng Y.”
Như thể cơ sở bệnh viện và cuộc thăm viếng của Tòa Thánh chưa đủ lôi kéo sự chú ý đến Cha Piô, những tranh luận về sự chữa lành của người vẫn tiếp tục không ngừng.
Trước khi bất cứ sự chữa lành nào được coi là phép lạ, Giáo Hội phải thực hiện một cuộc điều tra kỹ lưỡng và lâu dài. Trong gần 125 năm lịch sử của đền Đức Mẹ Lộ Đức, nước Pháp, chỉ có 150 vụ chữa lành được coi là phép lạ, mặc dù có đến 5,000 người được chữa lành bệnh tật thể xác ngay tức thì. Đối với Cha Piô cũng thế--trong hàng trăm vụ được phúc trình, chỉ có một ít được công nhận. Và không phải bất cứ ai đến với người cũng được khỏi bệnh; tuy nhiên, thông thường khi một phép lạ xảy ra, đức tin của toàn thể gia đình được hồi phục.
Nếu có người muốn cám ơn Cha Piô, cha thường nói: “Tôi không làm phép lạ. Tôi chỉ cầu nguyện cho bạn, và Thiên Chúa chữa lành bạn. Hãy cám ơn Người, đừng cám ơn tôi.”
Ông Giorgio Bernucci, người phụ trách một mục của tờ báo Vatican, “Observatore Romano” sống với người mẹ già gần như bị mù. Một sáng kia ông đến văn phòng với vẻ buồn bực, và khi bạn đồng nghiệp, Mario Cinelli, hỏi tại sao, ông trả lời là mẹ ông bị tai biến mạch máu não và các bác sĩ cho biết bà sắp chết.
Ông Cinelli xung phong đi San Giovanni Rotondo để xin phép lành đặc biệt cho bà, và chẳng bao lâu ông đứng trước mặt Cha Piô, kể với cha về tình trạng mẹ của người bạn.
Cha Piô hỏi: “Cha có thể làm gì cho bà ấy?”
“Xin cha cầu nguyện,” ông Cinelli trả lời.
Cha Piô đáp, “Được. Cha sẽ cầu nguyện cho bà ấy”. Khi ông Cinelli trở về thì mẹ của người bạn đồng nghiệp đã khỏe lại, và trong vài tuần sau bà thực sự lành bệnh.
Mọi người ở tu viện đều có liên can ít nhiều đến việc dâng hiến một nhà thờ mới ở tu viện. So với các nhà thờ nhỏ và khiêm tốn của thế kỷ 17, nhà thờ to lớn này chứa đến bốn ngàn người.
Những tảng đá cẩm thạch được dùng trong việc xây cất được lấy từ Sardina, rặng núi Alp, Thụy Điển, Mễ Tây Cơ, Peru, Pakistan, và nhiều nơi trên nước Ý. Một nhóm họa sĩ chuyên vẽ cảnh Phúc Âm đã thực hiện các chặng Đàng Thánh Giá thật linh động. Các bức bích họa, các cửa kính, các dãy cột trụ đều góp phần cho phần mỹ thuật của nhà thờ. Cung thánh được lát bằng đá cẩm thạch và đá quý, và trên tường gian cung thánh là một bức khảm thật lớn hình Đức Mẹ Ban Ơn, và là công trình của Trường Vatican, được dâng cúng bởi hai Nữ Tu Thụy Sĩ, Lillian và Martha Gemsch.
Một ngày kia trong cuộc đi thăm nhà thờ mới, Cha Piô được đưa xuống xem hầm mộ.
Có người nói, “Thưa cha. Con mong là cha sẽ sống lâu trăm tuổi như trong huyền thoại, nhưng khi cha chết, đây là nơi chôn cất của cha.”
Cha Piô lắng nghe, nhìn vào hầm mộ, quay sang người ấy, và hỏi, “Tại sao con không nằm vào trong ấy?”
Một người đứng cạnh mỉm cười: “Chúng con chúc cha sống lâu trăm tuổi.”
Cha Piô nhăn mặt, người nói: “Vậy con muốn trù ẻo cha hay sao. Con muốn cha kéo dài cuộc lưu đầy này hay sao? Cha chỉ ao ước là được về hưu và chuẩn bị một cái chết tốt lành.”
Một phút im lặng trôi qua. Không ai rõ người muốn nói gì hoặc biết trả lời người thế nào. Người từng nổi tiếng hay làm á khẩu kẻ đối thoại.
Cha Piô đặc biệt rất khó khăn với phụ nữ vì những thời trang hiện hành. Người luôn luôn là kẻ thù không thương xót của sự trang điểm phấn son.
Người nói, “Khoe khoang là con của kiêu hãnh, và nó còn tệ hại hơn kiêu hãnh. Có bao giờ bạn thấy cánh đồng trồng bắp chưa? Có những trái vươn lên cao, có những trái thấp dưới đất. Thử hái một trái trên cao, trái kiêu hãnh ấy, và bạn sẽ thấy nó chẳng có hạt gì; nhưng nếu bạn hái trái thấp dưới đất, trái khiêm nhường, bạn sẽ thấy nó đầy những hạt. Bởi đó, bạn có thể hiểu là khoe khoang thì rỗng tuếch.”
Cha Piô thường không tha thứ cho những phụ nữ mặc áo hở cổ hay mặc váy đầm ngắn, bó sát, và người cấm con cái thiêng liêng của người không được mang vớ mỏng (stocking). Mỗi năm người lại càng nghiêm khắc hơn. Người kiên quyết đuổi họ ra khỏi tòa giải tội, nếu người cho là y phục của họ không xứng hợp. Có nhiều buổi sáng người đuổi hết người này đến người kia, cho đến khi chỉ còn lại một ít người được xưng tội.
Các tu sĩ trong dòng cũng băn khoăn với việc thanh lọc quyết liệt này nên họ treo một tấm bảng ở trước cửa nhà thờ với nội dung: “Theo Cha Piô muốn, phụ nữ vào tòa giải tội phải mặc váy đầm dài quá đầu gối tối thiểu một gang tay. Cấm không được mượn váy đầm dài trong nhà thờ để mặc xưng tội.”
Việc khuyến cáo này cũng không có hiệu quả. Vào giờ phút chót, các phụ nữ trao đổi váy đầm, áo khoác, và áo mưa một cách lén lút trong khung cảnh lờ mờ của nhà thờ để cứu chữa những khiếm khuyết.
Từ từ các phụ nữ thay đổi, nhưng có lẽ chưa đúng cho lắm. Cha Piô tiếp tục xua đuổi họ trước khi chọ họ cơ hội xưng tội. Người có thể quắc mắt nhìn họ, và càu nhàu, “Về mặc quần áo lại.” Đôi khi người còn nói thêm, “Diêm dúa!” Người không trừ một ai, kể cả những người mới gặp lần đầu, hay các con thiêng liêng quen biết.
Khi tuổi càng cao, giờ giải tội của Cha Piô được rút ngắn lại còn bốn tiếng, chia đều cho quý ông và quý bà. Ngoài việc y phục xứng hợp, họ còn phải biết tiếng Ý, mặc dù bằng cách nào đó người có thể hiểu những ai nói tiếng ngoại quốc. Người chỉ biết tiếng Ý, La Tinh, và một ít tiếng Pháp, nên người kiên trì từ chối nghe xưng tội ngoại trừ bằng tiếng Ý và La Tinh.
Nhiều khi Cha Piô từ chối ban phép xá giải cho hối nhân, và người đóng xập cánh cửa nhỏ ngay trước mặt họ, người ta trách cứ cha, hỏi tại sao cha lại làm như vậy.
Người hỏi lại, “Quý vị không biết là tôi phải đau khổ dường nào khi làm như vậy? Chúa buộc tôi phải làm vậy. Tôi không kêu gọi ai, và cũng không từ chối ai. Có ai đó gọi họ và từ chối họ. Tôi chỉ là một công cụ vô dụng của Người.”
Ngay cả các ông cũng phải theo một vài quy tắc. Họ không được phép vào nhà thờ với áo cụt tay. Thanh thiếu niên cũng như quý ông phải mặc quần dài trong nhà thờ, nếu họ không muốn bị đuổi khỏi nhà thờ. Nhưng phụ nữ mặc váy ngắn là mục tiêu chính của người.
Thành trì của Cha Piô có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới mà thời trang của thập niên 1930 vẫn còn được dùng trong thập niên 1960.