Cha Piô không bao giờ đọc báo, xem truyền hình, hay nghe phát thanh. Người nói, “Tôi phải tách biệt mình ra khỏi thế gian và những phù hoa của nó.” Người không bao giờ mở một cuốn sách nào, ngoại trừ sách kinh, phúc âm, sách lễ, và Kinh Thánh. Nhưng người luôn luôn am tường mọi sự.
Sự lưu tâm đến các linh hồn là điều chính yếu của người. Người dành nhiều giờ cho việc giải tội, hướng dẫn đệ tử và các nhóm cầu nguyện, và xúc tiến chương trình bệnh viện. Mỗi sáng, vào lúc 2g30 người thức dậy để cầu nguyện cho hàng ngàn lá thư từ khắp nơi trên thế giới gửi cho người. Người dâng lễ vào lúc 5g sáng và chấm dứt vào lúc 6g, sau đó người phân phát Mình Thánh và nghe xưng tội mà không ăn sáng. Sau khi giải tội xong, người trở về phòng, đi qua dẫy hành lang hẹp với những người đau yếu đang chờ đợi để được nhìn thấy người, xin người chúc lành, hay hôn tay của người.
Mọi người trong tu viện đều băn khoăn về một điều--làm thế nào người có thể sống mà ăn rất ít. Khi sức khỏe cho phép, người xuống phòng ăn cùng với anh em trong dòng, nhưng điều đó chỉ có nghĩa tượng trưng, vì người chỉ dùng một vài gờ ram thực phẩm mỗi ngày, và chỉ có một lần trong ngày.
Một trong những tu sĩ phát biểu, “Tôi không hiểu làm sao một cơ thể thiếu dinh dưỡng có thể làm những công việc nặng nhọc như vậy.”
Một tu sĩ bạn đồng ý, “Tôi cũng không hiểu. Nhưng dáng vẻ bên ngoài của người cho thấy không có gì là thiếu dinh dưỡng cả. Người trông có vẻ to con là đàng khác.”
“Đúng vậy, nhưng bữa tối của người chỉ có một ít rau, hoặc cá hoặc phó-mát, và nửa ly rượu hay một ly bia. Người không bao giờ ăn thịt hay thức uống nào khác ngoại trừ những gì đã có sẵn trong bếp.”
“Rất đúng, và nếu không có rau thì người ăn trứng và khoảng một muỗng mì 'macaroni' hay cơm, một miếng bánh mì, và ít trái cây, như trái vả chẳng hạn.”
“Thật không thể tin nổi.”
“Vào những ngày nóng bức, khi làm việc cha đem theo một ly nước lạnh.”
Một trong những linh mục cười khúc khích. “Các cha biết là có khi người mở một chai bia và trước nửa đêm thì chai bia ấy đã hết sạch vì người mở ra mời khách không?”
Mọi người gật gù. “Nhưng thức uống người thích nhất là nước chanh đường. Tôi nghĩ là nước chanh làm dịu bao tử.”
“Tôi nghe người nói với một cha là ơn sủng lớn nhất mà Chúa ban cho người là không bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống.”
“Xuỵt,” một linh mục lên tiếng. “Tôi nghe tiếng người ho. Chắc là người đi giải tội.”
Cha Piô xuất hiện ở góc nhà. Người gật đầu chào hai linh mục và tiếp bước. Vết thương của người thực sự đau đớn khiến người cảm thấy đi đứng không vững. Khi đến được tòa giải tội, người thật vui mừng gieo mình xuống ghế, bớt đi sức nặng đè trên đôi chân sưng húp.
Một phụ nữ Hoa Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan đến từ Nữu Ước đang đợi người và kể cho người biết bà có hai đứa con gái, cả hai đều ly dị và cả hai đều nghiện rượu. Bà hỏi, “Con phải làm gì? Cả hai đứa nó đều về ở với con.”
Cha Piô gật đầu thông cảm. Người nói, “Vì bà có lòng nhân từ, Mẹ Thiên Chúa sẽ can thiệp cho bà. Tôi khuyên bà hãy đuổi các cô ấy về nhà của họ. Hãy để họ chu toàn nhiệm vụ làm vợ và làm mẹ.”
Sau đó, mắt Cha Piô sáng lên khi người nhìn thấy Nữ Bá Tước Eleonora thuộc miền bắc nước Ý. Có lần cô nói với người là cô muốn làm một điều gì hữu ích cho đời, và người khuyên cô thành lập Dòng Nữ Tu Phanxicô Chiêm Niệm. Cô biến dinh thự của cô thành tu viện và nhà dòng mới này trông coi các trẻ mồ côi. Sau đó nhà dòng dời về gần San Giovanni Rotondo trong quận lỵ Santa Croce là nơi dòng bắt đầu phát triển.
Người luôn vui mừng khi thấy kết quả của những người làm việc trong Giáo Hội. Người nghĩ về Cha Dominic Labellarte, một linh mục triều đã thành lập một tổ chức giáo dân nhằm giảm bớt gánh nặng cho các linh mục trong công việc mục vụ, giáo huấn và bảo quản, để các cha có thêm thời giờ thi hành các bí tích. Lời khấn của họ là khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục chỉ buộc có một năm, và mỗi năm họ tuyên khấn lại để được tự do lập gia đình nếu họ muốn thay đổi. Các thầy không mặc áo dòng đặc biệt, nhưng y phục đoan trang. Số người gia nhập tổ chức của Cha Dominic ngày càng tăng, và bây giờ họ trở thành nhóm truyền giáo.
Có lần Cha Dominic nói, “Khi tôi chán nản tôi lại nghĩ đến những gì mà Cha Piô nói với tôi những năm trước đây: 'Có công việc nào tốt lành hơn là đưa các linh hồn về trước bàn thờ Thiên Chúa? Cha không biết sự tốt lành là kết quả của đau khổ và nước mắt hay sao?'”
Cha Piô tin tưởng vào giá trị của sự đau khổ. Cha nói, “Nếu người ta hiểu được giá trị của sự đau khổ, họ sẽ không tìm lạc thú, nhưng chỉ tìm sự đau khổ.”
Có lần người nghe biết cô em là Dì Pia phải đau khổ khi cố gắng sống thánh thiện. Người hỏi, “Bộ nó không biết đi tu là để chịu đau khổ sao?”
Các tu sĩ dòng Capuchin luôn lo lắng đến sức khỏe của Cha Piô và cố giảm bớt gánh nặng của người. Bây giờ người đã bảy mươi lăm tuổi và không còn cử hành nghi thức Chầu Thánh Thể mỗi chiều, mặc dù người vẫn quỳ cầu nguyện trong gian cung thánh khi nghi thức này được cử hành.
Sau khi hoàn tất những nhiệm vụ buổi chiều, người trở về tu viện, dọc theo hành lang đầy nghẹt người, kẻ thì đứng, người thì quỳ, chờ đợi cha đi qua. Với những người ở Gargano, tu sĩ là hình ảnh của sự thánh thiện. Cha Piô luôn luôn đáp trả họ với lòng thương mến, nhưng người không thích bị ép buộc.
“Cha Piô,” một người đàn ông gọi người. Ông ta chồm người tới trước và nói thầm vào tai người. Cha Piô nhăn mặt và lắc đầu.
Ông đi theo Cha Piô năn nỉ, “Đó chỉ là một thỉnh cầu quá nhỏ, thưa cha.”
Cha Piô càu nhàu, “Ông làm tôi nhức đầu,” và người tiếp bước.
Ở hàng lang bên ngoài, một số phụ nữ đứng đợi. Người mỉm cười với họ và chúc lành cho họ, cũng có khi người nghiêm nghị khiển trách.
Một phụ nữ trung niên đứng gần đấy, mặt của bà thật buồn thảm. Bà nói với người, “Con không thể cầu nguyện được nữa. Con bị mất đức tin.” Bà cho biết tất cả là vì chồng bà nhảy xuống giếng tự tử.
Cha Piô gật đầu thông cảm. Người nói, “Nhưng bây giờ bà phải nghĩ đến việc gìn giữ linh hồn của chính bà chứ.”
Một phụ nữ đến từ Stockholm chận Cha Piô lại để cảm ơn người vì đứa con của bà đã lành mạnh. Nó bị ung thư não và Cha Piô khuyên bà hãy giải phẫu.
Bà nói với các bác sĩ, “Nếu Cha Piô nói phải giải phẫu, thì tôi muốn như vậy. Mọi hậu quả tôi sẽ chịu hết.” Các bác sĩ ngạc nhiên vì niềm tin của bà và đã thi hành cuộc giải phẫu. Mọi sự đã xảy ra tốt đẹp.
Sau nhiều giờ dành cho việc cầu nguyện, Cha Piô tự cho phép người được giải trí trong khu vườn của tu viện. Những giây phút này không thực sự là để nghỉ ngơi nhưng đúng hơn đó là những khoảng cách giữa công việc này và công việc kia, được thanh thản khi dân chúng không còn bao quanh người. Trong lúc này, một vài người được ưu tiên để nói chuyện với người một cách tự do hơn.
Chờ đợi Cha Piôlà một kỹ nghệ gia đến từ Milan, ông thật bối rối. Ông thuộc về gia đình thiêng liêng của Cha Piô và trong một chuyến đến tu viện trước đây ông thưa với người: “Con không biết là nên rời đây thứ Ba hay thứ Tư.”
Cha Piô đề nghị, “Sao con không ở lại đây và thứ Tư hãy về?”
Nhưng sáng thứ Ba hôm ấy trời thật đẹp nên ông quyết định ra về. Trong khi lái xe ở Perugia một bé gái lao vào xe của ông, và ông không kịp dừng xe lại. Em đã tắt thở trên đường đưa đến bệnh viện.
Cha Piô an ủi ông và người tiếp tục đến với một cảnh sát viên trẻ, cũng là một người con thiêng liêng. Ông này buồn rầu vì bị thuyên chuyển về Sardegna.
Cha Piô nói, “Với con cái Thiên Chúa thì không có khoảng cách, và nếu con cần đến cha, cứ gọi cho cha. Cha sẽ đến đúng lúc.”
Cha Dominic đi lại gần, vừa lắc đầu vừa cười. Người đưa cho Cha Piô một lá thơ từ Hoa Kỳ. Người nói, “Cha nghe đây. Có một bà muốn biết là bà ấy đã sai Thiên Thần Bản Mệnh của bà ấy đến với cha, và thiên thần ấy đã đến hay chưa?”
Cha Piô lắng nghe một cách nghiêm trang: “Nói với bà ấy là thiên thần thì không giống như bà. Thiên thần thì rất vâng phục, và khi bà sai thiên thần thì người đến ngay!”
Tối hôm ấy, thật cách xa với San Giovanni Rontondo, một phụ nữ lớn tuổi sống cô độc trong một chung cư ở Ái Nhĩ Lan đi xuống phố mua thức ăn. Khi trở về bà cảm thấy đau yếu và chóng mặt. Bà ngồi xuống ghế và than thở: “Cha Piô ơi, con biết là cha ở xa đây lắm, nhưng xin cha sai người đến giúp con.”
Một lát sau, hai cô gái ở trên lầu của chung cư đi xuống phòng bà và hỏi: “Bà gọi chúng cháu có chuyện gì?”
Trong một ngày hè nóng bức, một vài linh mục đang chuyện trò với nhau về vấn đề bài giảng.
Một vị cao giọng, “Tôi nghĩ là cần phải dọa nạt trên tòa giảng về sự trừng phạt của Thiên Chúa, để lay chuyển người tín hữu thời nay về sự suy đồi luân lý và tôn giáo.”
Cha Piô ngồi ở băng ghế bên cạnh họ. Bỗng dưng người vung chân lên, và nói lớn: “Đừng nói nữa! Phải chấm dứt việc la hét và dọa nạt trên toà giảng. Thiên Chúa không chỉ có sự công bằng mà trên tất cả Người còn có lòng thương xót. Thiên Chúa là tình yêu!” Các linh mục trố mắt nhìn người không nói lời nào.
Có người lên tiếng, “Dĩ nhiên là vậy, thưa cha. Chúng con không muốn nói gì khác về Thiên Chúa.”
Cha Piô nhìn họ một cách nghiêm trọng, có vẻ hoảng hốt. Bỗng dưng người mỉm cười. “Hôm nay trời quá đẹp để có những ý nghĩ nghiêm trang như vậy.” Họ nhìn nhau và cười yếu ớt.
Cha Piô lên tiếng, “Để tôi kể cho các cha nghe câu chuyện tôi nghe được sáng hôm nay. Ở trạm xe lửa Naples có một vị linh mục già và một nông dân cùng lên một chuyến xe. Khi xe dừng ở trạm kế tới, trong toa của họ đầy khói khiến người nông dân ho sặc sụa. Giữa những tiếng ho, ông hỏi, 'Bây giờ chúng ta đi đâu?' Vị linh mục nói: 'Xuống hỏa ngục!' Người nông dân cũng không kém, ông trả lời, 'Cũng không sao, con có vé khứ hồi mà'.”
Các tu sĩ phá lên cười thành tiếng, và Cha Piô đứng dậy từ giã trong khi họ vỗ đùi, lắc đầu khoái trá với câu chuyện.
Người ra khỏi khu vườn. Hôm nay là ngày bầu cử, và một cảnh sát viên đang đợi để đưa người đến phòng phiếu. Cha Piô cám ơn hai cảnh sát viên đã giúp người bước lên xe. Chiếc xe đi thật chậm dọc theo con đường chật ních người ở hai bên. Một số người tràn đến hai bên hông xe, một số khác đi ngay phía trước xe trong khi nhiều người khác ùa theo sau xe. Không thể nào đi nhanh được, chiếc xe di chuyển chậm chạp trên đường. Thỉnh thoảng người ta thấy Cha Piô giơ tay lên như chào hỏi.
Sau khi cha bỏ phiếu, mọi người lại tuốn đến với cha. Thay vì nhường lối cho người đi, họ vây quanh người, vui sướng được thấy người và muốn nghe người nói. Người kiên nhẫn và mỉm cười, và chúc lành cho họ. Các phụ nữ cố để hôn lấy áo dòng của cha; các bạn trẻ muốn chạm đến người; quý ông thì giở nón chào và nhìn người một cách kính sợ.
Mãi một lát sau người mới ra đến đường phố, cũng lại bị vây quanh bởi lớp lớp dân chúng. Khi xe đi qua San Giovanni Rotondo, nhiều người đã tung hoa vào xe.
Cha Piô yêu cầu tài xế dừng xe tại nhà của một người cháu tên Pia, trên đường Capuchins. Người muốn ghé thăm ông anh đang đau yếu. Ông Michael hiện đang nằm liệt giường trong nhiều năm.
“Rất mừng để được gặp em,” ông Michael nói với Cha Piô.
Cha Piô ngồi xuống bên giường và tìm cách khích lệ ông nhưng thực sự thì ông Michael đã quá già và bệnh hoạn. Cha Piô có thể thấy ông không còn sống bao lâu nữa, và người miễn cưỡng từ giã ông.
Từ nhà Pia chiếc xe đi một vòng quanh Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ để Cha Piô có thể nhìn thấy những tiến triển của các khu vực mới xây cất thêm. Các bệnh nhân và nhân viên bệnh viện biết rằng đó là ngày bầu cử, và họ ngóng đợi Cha Piô đến. Sau một vài phút thăm hỏi, người trở về tu viện.
Kết quả cuộc bầu cử là nhiều người thuộc đảng Dân Chủ Kitô Giáo được bầu, nhưng cũng có một số đảng viên đảng Cộng Sản đắc cử. Cha Piô không màng đến chính trị, nhưng khi có người hỏi là họ phải đối xử với Cộng Sản như thế nào, người trả lời, “Nếu người Công Giáo trở nên Công Giáo hơn thì sẽ không cần đến chủ nghĩa Cộng Sản.”
Một đảng viên Cộng Sản đến với Cha Piô và định hỏi người điều gì.
Cha Piô ngắt lời, và nói, “Tôi có thể xem thẻ đảng viên của anh không?” Anh rút tấm thẻ ở trong túi ra và trao cho người.
“Cám ơn,” Cha Piô trả lời và người xé vụn tấm thẻ. Người nói, “Anh không cần thẻ này ở Thiên Đường.”
“Nhưng--con cần nó để đi làm!”
Cha Piô lắc đầu. “Anh không cần đến tấm thẻ ấy làm gì; và anh cũng không được những gì đã hứa hẹn. Hãy chấp nhận làm việc cho Thánh Phanxicô. Hãy về và chuẩn bị làm việc trong bệnh viện.”
Người thanh niên trố mắt nhìn người, thật sững sờ. Anh muốn nói thêm điều gì nữa, nhưng Cha Piô đã mất hút trong đám đông.
Ngay khi Cha Piô bước vào tu viện, một thầy dòng trao cho cha bức điện tín của một em gái người bị bệnh. Ông Desiderio Magnani ở Padua, thợ lao động, bị phỏng nặng trong một tai nạn. Mặt ông hoàn toàn biến dạng một cách khủng khiếp và ông đang lên cơn sốt. Tình trạng của ông ngày càng tệ hại và đang chờ chết.
Tối hôm ấy, ông Magnani mơ gặp Cha Piô ở bên cạnh giường. Người mỉm cười với ông và chúc lành cho ông. Bốn giờ sau, ông tỉnh giấc, cảm thấy đói bụng. Sau đó tình trạng của ông ngày càng khả quan hơn, và mặc dù không một bác sĩ nào có thể giải thích được, khi mùa hè gần qua, ông được lành lặn hoàn toàn.
Mùa hè chấm dứt dường như hơi đột ngột. Lá bỗng đổi sang mầu vàng, và chẳng bao lâu nữa các cành sẽ trơ trụi. Cha mẹ của em Maria Panisi mười một tuổi chợt biết là con mình bị lao phổi. Khi em bắt đầu ho ra máu, cha mẹ em chạy chữa hết thầy thuốc này đến thầy thuốc khác. Sau cùng, Bs. Moscato của Đại Học Naples, nói với họ rằng khi trời sang thu con của họ sẽ chết.
Hai ông bà cũng là người đồng hương với Cha Piô ở Pietrelcina, và họ quyết định đến gặp người.
Người tiếp đón hai ông bà và em Maria. Người im lặng lắng nghe rồi nhẹ nhàng vỗ về vai em. “Con nói là con đau hả? Phổi con làm bằng thép thì làm sao mà đau được!” Ngay lúc đó mắt em Maria ngời sáng. Em ngồi bật dậy và nhìn Cha Piô. Một điều gì đó đã xảy ra. Nhiều ngày trôi qua, em không còn ho ra máu nữa. Em hoàn toàn bình phục.
Trong ngày lễ Thánh Danh Maria trong tháng Chín, một đám đông rước tượng Đức Mẹ vào nhà nguyện mới của bệnh viện và đặt trên bàn thờ. Vào lúc 4 giờ 30, Cha Piô cử hành nghi thức Chầu Thánh Thể. Khi người sửa soạn rời bàn thờ, người lắc lắc ngón tay trước mặt người phụ nữ trung niên đang tựa người trên đôi nạng đứng gần bàn thờ.
Người hỏi, “Tại sao bà không quỳ trong khi Chầu Thánh Thể?” Không đợi bà trả lời, người tiếp tục đi vào phòng thánh. Một vài người vây quanh phụ nữ này, hỏi xem bà có hiểu người nói gì không.
Bà cho biết là hiểu, mặc dù là người Bỉ, bà cũng biết nói tiếng Pháp và Ý. Nước mắt bà tuôn trào trên gò má. Bà phân bua, “Làm sao tôi có thể quỳ khi tôi phải dùng nạng để đi lại, hơn nữa bắp thịt đùi của tôi cứng như đá,” bà thổn thức. “Đã bốn năm nay tôi không thể xử dụng đôi chân vì tai nạn xe hơi.”
Một trong những phụ nữ vây quanh lên tiếng, “Nếu Cha Piô nói 'quỳ' thì bà phải quỳ.”
Bà có vẻ bối rối nhưng một cách chậm chạp và đau đớn, bà cố gắng quỳ. Ngay lúc đó bà cảm thấy thoải mái và có thể di chuyển đôi chân. Bỗng dưng bà có thể quỳ xuống cũng như đứng lên mà không cần người đỡ. Sau đó bà thấy mình có thể đi lại và một vài phút sau bà đã có thể vứt bỏ cặp nặng trong khi đám đông vỗ tay vang dội.
Người phụ nữ đi tìm Cha Piô nhưng cha đã đi gặp các bác sĩ đến từ bệnh viện. Hàng ngày, sau buổi kinh chiều họ từ bệnh viện đến gặp người, vẫn mặc áo choàng trắng.
Cha Piô mỉm cười khi nhìn thấy họ. Người nói, “Công việc hôm nay thế nào?” Người đưa mắt nhìn một bác sĩ có hai thân chủ bệnh tình trầm trọng. Người hỏi, “Bệnh nhân của ông có khá không?”
Vị bác sĩ lắc đầu. “Con e rằng phải giải phẫu, và đó là điều nguy hiểm. Con đến để xin cha cầu nguyện.”
Đôi mắt Cha Piô bắt đầu mở lớn và dàn dụa nước mắt. Người thở dài và ho, ngột ngạt vì sự nức nở. Mọi người im lặng, và sau cùng họ đi ra ngoài để người một mình.
Một trong những bác sĩ lên tiếng, “Thật ngoài sự hiểu biết của con người khi thấy cha phải đau khổ vì những xúc động trong tâm hồn cũng như thể xác vì một ai đó mà cha chưa bao giờ gặp.”
Nhiều ngày khó khăn vừa xảy đến với Cha Piô. Người đau khổ hơn thường lệ. Người lo lắng cho sức khoẻ sa sút của anh mình; sự buồn thảm của dân chúng mà người thấy trên khuôn mặt họ dường như ảnh hưởng đến người nặng nề hơn; và người cũng cảm thấy sức khỏe của mình đang tàn tạ.
Vào ngày hôm sau Cha Mondrone gặp người trong khu vườn của tu viện. Họ đang bách bộ thì bỗng dưng Cha Piô có vẻ khó khăn.
“Cha nắm lấy tay con,” Cha Mondrone lên tiếng, và Cha Piô mau mắn nhận lời. “Cha trông có vẻ mệt.”
Cha Piô liếc mắt nhìn người và nhún vai. “Chỉ mệt chút thôi.” Nhưng cha dựa cả người vào cánh tay Cha Mondrone.
“Con nghĩ là hơn thế nữa.”
Cha Piô dừng bước, thở dồn một cách khó khăn. Người thều thào, “Tôi không thể đi nổi.”
Vào ngày 3 tháng Sáu 1963 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII từ trần. Vị giáo hoàng mới là bạn cũ của Cha Piô, Đức Giovanni Baptiste Montini là Tổng Giám Mục Milan. Một trong những điều đầu tiên người làm với tư cách Giáo Hoàng Phaolô VI là bác bỏ mọi điều cáo buộc Cha Piô.
Đời sống Cha Piô thay đổi mau chóng và những người đã gây khó khăn cho cha được bổ nhiệm vào các chức vụ thật khiêm tốn. Trong số đó có Đức Ông Maccari, được sai đến một giáo xứ nhỏ ở Piemonte.
Nhìn lại những gian truân của người, Cha Piô nói, “Sự thử thách mà Thiên Chúa đã đặt trên vai những ai Người tuyển chọn càng lâu thì sự tốt lành của Người càng lớn lao để an ủi họ trong khi bị áp bức và vinh dự Người ban càng nhiều sau khi trải qua những thử thách ấy.”
Khi tin tức về việc Đức Giáo Hoàng Phaolô bênh vực Cha Piô lan tràn, nhiều người tụ tập trong cánh đồng bên cạnh khu vườn của tu viện. Họ lần chuỗi Mai Khôi và hát thánh ca. Trong tay mỗi người đều cầm một khăn tay nhỏ.
Khi mặt trời lặn, các cửa sổ tu viện mở tung và Cha Piô xuất hiện. Đám đông vẫy khăn tay, và la lớn: “Eccolo il Padre! Cha Piô kìa. Chúng con yêu quý Cha. Đừng quên chúng con! Hãy nhớ là chúng con thuộc về cha! Chúc cha một đêm ngon giấc.”
Cha Piô mỉm cười sung sướng, người giơ tay ban phép lành cho họ và dùng một khăn tay lớn để vẫy lại.
Đêm hôm ấy người ngủ ngon giấc hơn và sáng hôm sau đôi má người có vẻ hồng hào. Đôi mắt nâu của người có vẻ tinh anh hơn và đi đứng vững chãi hơn. Một phụ nữ đến gặp người, và người nhớ là đã gặp bà hai năm trước đây.
Bà cho người biết, “Con đã hoàn toàn bình phục,” và Cha Piô mỉm cười như xác nhận.
Hai năm trước bà đến xin người: “Tại sao con phải chịu bệnh hoạn? Con bị bệnh đến ba mươi năm. Quả thật, con có thể thi hành công việc nhà, nhưng rất khó khăn. Con sẽ phải chịu mãi thế này hay sao?”
Cha Piô gật đầu, và nói, “Đó là một ơn sủng lớn lao. Thiên Chúa đã chọn bà để chịu đau khổ. Bà có hai người em mà cuộc sống rất bê bối. Bà sẽ đền bù tội lỗi của họ trong hai năm nữa và sau đó bà sẽ lành bệnh. Rồi bà sẽ chuộc được nhiều linh hồn, vì mỗi một thập giá là một ơn sủng, dù chúng ta có ý thức điều đó hay không.”
Một thanh niên đứng sau lưng bà muốn nghe Cha Piô tiên đoán về sức khỏe của cha mẹ anh. Họ muốn sang Hoa Kỳ để sinh sống với người em. Vì họ cao tuổi nên anh lo lắng về cuộc hành trình.
Cha Piô giấu nụ cười. Người hỏi, “Họ đi bộ hay sao?”
“Dĩ nhiên là không,” người thanh niên vội đáp.
“Vậy con hỏi cha để làm gì? Nếu họ muốn đi thì cứ đi.” Người xoay lưng, trông thấy một linh mục mà người đã biết từ Ái Nhĩ Lan.
“Thưa cha có khỏe không?” vị linh mục vồn vã hỏi, miệng cười thật tươi. “Con muốn kể cho cha một điều. Cha có nhớ là con bị điếc và đã đến gặp cha một lần không?” Cha Piô gật đầu, mỉm cười, và nhìn vị linh mục tiến lại gần.
“Khi cha đặt bàn tay có dấu thánh lên tai thì con cảm thấy chỉ muốn xin Chúa cho con có được cặp máy trợ thính tốt chứ không xin chữa lành bệnh điếc của con. Con không xin Người lấy đi bệnh hoạn và sự nhục nhã này, nhưng chỉ giúp con thi hành nhiệm vụ mà Người đã trao. Và con nhận được một máy trợ thính ở Ái Nhĩ Lan. Sau đó, ở Anh, Bệnh Viện Người Điếc đã cho con một cặp phụ trội khác, và họ cho biết là khi nào cặp này hư thì trở lại đó để lấy một cặp khác. Khi con quyết định không xin Chúa chữa lành nhưng tiếp tục chịu đựng dĩ nhiên đã làm trò hề cho một số người, nhưng con nghĩ đó là điều rất đúng. Ngoài việc giúp con bỏ đi tính kiêu căng, việc dùng máy trợ thính còn có một công dụng khác trong sự quan phòng của Thiên Chúa, mà chỉ mới đây con mới nhận ra. Con thường đến thăm những Kitô Hữu Phi Châu già yếu, một số không nghe được. Nhưng khi con đặt máy trợ thính của con vào tai họ thì họ có thể nghe được. Bởi đó, họ có thể nghe những lời an ủi cũng như dọn mình xưng tội và chịu lễ.”
Cha Piô trông có vẻ hài lòng và người chúc mừng vị linh mục trước khi từ giã. Tinh thần người bây giờ thật phấn chấn, nhưng một thầy dòng đã làm gián đoạn.
“Thưa cha, con không biết cha có nghe tin tức về vị linh mục có mặt ở đây hôm qua--cha ấy đã kể cho chúng ta nghe về chuyện em gái của cha từ bỏ cha. Bà là goá phụ, có tám con, và kể từ khi chồng chết bà ấy trông coi việc bếp nước cho cha ấy. Vì sự bệnh hoạn của đứa con gái đã lập gia đình mà bà phải từ giã vị linh mục, và người thật bực mình. Cha có nhớ không? Cha nói với người là hãy chuẩn bị cho một hành trình thật xa.”
Cha Piô gật đầu và nhìn xa xôi. “Phải.”
“Con mới nghe rađiô nói người bị tai biến mạch máu não khi ở trạm xe lửa và đã từ trần.”
Cha Piô lại gật đầu và mắt vẫn nhìn xa xôi. “Phải.”
Một thầy đứng gần đấy bước lại gần. “Cha nhìn gì xa xôi vậy.”
Cha Piô liếc mắt nhìn thầy. “Cha đang ở đây mà.”
Thầy kia lên tiếng, “Tôi vừa nói cho cha biết về vị linh mục mới ở đây hôm qua thì nay đã chết.”
Thầy đặt tay lên vai Cha Piô một cách thân mật. “Thưa Cha, cũng có tin vui đây. Chúng con vừa nhận được thư của ông bà Rocco Falatico ở California. Hai năm trước đây con của họ phải giải phẫu não bộ ở Trung Tâm Y Khoa Los Angeles, và các bác sĩ nói họ chỉ cắt đi phần nhỏ của cái bướu vì nó chạm đến não, nếu cắt đi hết thì con bà ấy sẽ sống như thực vật. Các bác sĩ nói phần còn lại của cái bướu sẽ lớn dần và trong một vài tháng nó sẽ nguy hiểm cho đứa bé. Và con nhớ là họ đã đến gặp cha.”
Cha Piô mỉm cười. “Phải, thằng bé thật mảnh khảnh.”
Cha Piô nhớ là đã đặt tay lên đầu đứa bé, và nói: “Tôi cầu nguyện cho đứa bé không chỉ với bàn tay mà còn cả thân mình của tôi.”
Vào lúc đó họ chỉ có hai đứa con và quyết định không sinh thêm nữa. Nhưng, trước khi rời San Giovanni Rotondo họ đã hỏi ý kiến Cha Piô là có nên sinh thêm nữa hay không.
Người trả lời ngay lập tức, “Ông bà phải sinh thêm con. Việc chữa trị bé Rocco là tùy thuộc vào điều ấy.”
Thầy dòng lôi trong túi ra một bức thư và nói, “Thưa cha đây là tin vui. Họ đã có đứa thứ ba và bé Rocco đang sống mạnh khoẻ. Nó có thể đi lên đi xuống cầu thang và có thể chạy được nữa. Sau khi giải phẫu, nó không thể đi nổi. Bây giờ nó bắt đầu đi học. Hai ông bà tin rằng lời cầu nguyện của cha đã đem đến sự chữa lành cho nó.”
Cha Piô đáp lời, “Chúa chữa nó. Tôi chỉ phục vụ Thiên Chúa.”