Một năm rưỡi trôi qua kể từ khi được in năm dấu thánh, và vết thương của người vẫn không lành. Cha Piô vẫn ở tu viện San Giovanni Rotondo. Những trận bão tuyết và gió lớn thổi vào từ Biển Adriatic và Vịnh Manfredonia không còn nữa. Cái thời tiết điều hòa của tháng Ba đã đến và những cây hạnh nhân đã ra hoa. Những bông hoa mầu hồng như điểm tô cho các thân cây còi cọt mọc rải rắc giữa các cây thông và cây tùng già nua trong khu vườn của tu viện. Cha Piô thích thơ thẩn trên con đường nhỏ hẹp có hàng tùng che bóng, nhưng đôi chân sưng húp và cơn đau mãnh liệt làm người chùn bước. Bởi thế người chỉ ngồi cạnh cửa sổ tu viện và nhìn ra cánh đồng xanh mướt ở ngọn đồi kế cận. Xa xa là chỗ tạm trú thô sơ cho các con cừu, mà thỉnh thoảng người thấy chúng ăn cỏ gần đó. Quang cảnh thật đẹp và yên tĩnh, và người vui thích những giây phút êm đềm như vậy.
Đó là một mùa xuân nhiều khó khăn và mùa hè lại càng khó khăn hơn đối với Cha Piô. Đám đông chờ đợi người ngày càng đông hơn để được nhìn thấy vị linh mục trẻ tuổi mang năm vết thương giống như của Chúa Kitô; và ngay cả vết thương của người cũng không lành. Người cố nén cơn đau và sự khó chịu, nhưng có thầy trông thấy người nhăn nhó khi lê bước trên hành lang.
Thầy hỏi, “Hôm nay vết thương làm cha đau lắm phải không?”
Cha Piô ngước nhìn, gật đầu. “Phải. Hôm nay chân tôi sưng lớn từ cổ chân cho tới đầu gối.”
Thầy lắc đầu thông cảm và ngượng ngập tìm lời an ủi.
Cha Piô trông thấy thế liền mỉm cười. Người kéo thầy đến gần, nói nhỏ. “Phải chi tôi đi được bằng hai tay.”
Mắt thầy tròn xoe nhìn người và nói, “Con không hiểu làm sao cha có thể đùa như vậy được.”
Cha Piô luôn cố gắng không để người khác cảm thấy buồn khổ về tình trạng của mình, nhưng người không thể cản họ suy nghĩ, bàn bạc, và theo dõi.
Một hôm có vài thầy từ phòng tập hát đi ra chợt nhận thấy cha đang ngồi đối diện với cửa sổ trong phòng tiếp khách.
Cha Piô lẩm bẩm, “Cha tha tội cho con...”
Cả bọn dừng chân. Một thầy nhỏ con, cất tiếng hỏi “Người nói gì vậy?”
“Sụyt.” Một thầy khẽ nói. “Bộ anh muốn cha ấy nghe hả?”
“Nhưng cha ấy nói gì vậy?”
“Hình như cha đang nghe xưng tội.”
“Ai xưng tội?”
Một thầy nhún vai. “Làm sao mà biết được?”
Những cặp mắt như lục soát trong bóng mờ mờ của căn phòng để nhận diện.
“Không có ai ở trong phòng với Cha Piô cả!”
“Biết mà,” một thầy gật đầu, nói tỉnh khô.
“Nhưng anh nói cha ấy đang nghe xưng tội mà.”
“Thì vậy.” Người tu sĩ trẻ tuổi lắc đầu không hiểu, bỏ đi.
Một trong các thầy ôm miệng cười khúc khích, và nó trở thành câu chuyện tiếu lâm kéo dài cả tuần, mãi cho đến ba ngày sau, có một lá thư cho biết trong ngày ấy Cha Piô có mặt ở một thành phố khác nghe một người đau nặng xưng tội.
Đức Giáo Hoàng Benedict XV hỗ trợ Cha Piô. Năm 1921 người nói với một nhóm các luật sư: “Cha Piô quả là một người ngoại hạng. Cha là người được Thiên Chúa gửi đến để thay đổi nhân loại. Đảm nhận trách nhiệm giúp loài người nhận biết Chúa hơn. Cha ấy không được biết ơn một cách xứng đáng.”
Nhiều người đồng ý với quan điểm này, nhưng không phải tất cả. Một trong những người ấy là một giám mục trong ban cố vấn của đức giáo hoàng.
Vị giám mục nói với đức giáo hoàng, “Đức Thánh Cha đã cung cấp tin tức thất thiệt về Cha Piô.”
Nhưng đức giáo hoàng không tin như thế và yêu cầu vị giám mục hãy đến San Giovanni Rotondo để tận mắt nhìn thấy Cha Piô.
Vị giám mục không thích đến đó lắm, nhưng người cũng đi. Khi đến trạm xe lửa ở Foggia, người được hai thầy Capuchin tiếp đón. Người sửng sốt hỏi, “Ai nói với các con là ta đến đây?”
Họ đáp, “Cha Piô.”
“Không thể tin được,” vị giám mục thốt lên. “Không ai biết ta sẽ đến đây, ngoại trừ Đức Thánh Cha.”
Một thầy thưa, “Chúng con chỉ biết là Cha Piô nói với chúng con ra trạm xe lửa để đón một đức giám mục, người sẽ đến San Giovanni Rotondo, do Đức Thánh Cha sai đến.”
Vị giám mục đứng chết điếng. Người quơ tay, và nói, “Các con vui lòng nói với Cha Piô là ta sẽ không đến San Giovanni Rotondo nữa, và ngày mai ta sẽ về Rôma, vì nếu như cha ấy đã biết điều này thì cha ấy cũng đã biết tất cả những cay đắng của ta cũng như những thiệt hại mà miệng lưỡi ta đã gây ra cho người.”
Các thầy trở về thưa lại với Cha Piô. Người gật đầu, không một chút ngạc nhiên. Người đã quen với những tranh biện nhắm đến mình. Nhưng người thực sự ngạc nhiên khi sự kiện trở nên trầm trọng hơn. Một ngày kia, vị bề trên mới, Cha Ignazio da Lelsi, muốn gặp người.
Cha bề trên nói, “Tạm thời cha không được cử hành Thánh Lễ cho công chúng và cũng không được giải tội.”
Cha Piô lắng nghe những lời ấy như lưỡi máy chém bổ xuống người. Mắt người dán chặt xuống sàn nhà và sự buồn thảm lộ dần trên khuôn mặt.
Cha bề trên nhỏ nhẹ. “Xin lỗi cha.” Người nhìn Cha Piô một cách thương hại và vỗ về cánh tay người. “Thực sự xin lỗi cha, nhưng tôi hy vọng bây giờ cha sẽ nhớ đến cách xử thế của cha.”
Cha Piô ngước lên. “Cách xử thế?”
Cha Ignazio mỉm cười. “Vâng phục, một cách mau lẹ. Đừng... tiếp tục như thế nào?”
Cha Piô lập lại, “Vâng phục mau lẹ.” Tiếng của người thật yếu ớt, “Vâng phục mau lẹ. Đừng nghĩ đến tuổi tác hay công trạng của người khác. Để thi hành được điều đó, hãy tưởng như vâng phục Chúa.”
Cha trở về căn phòng nhỏ bé của người và bắt đầu viết: “Chúa Giêsu muốn tôi chịu đau khổ. Người cần sự đau khổ ấy cho các linh hồn.” Cha nắm chặt cây bút trong tay một lúc lâu, cho đến khi cảm thấy đau đớn người mới giật mình buông bút xuống, vội vã kéo chiếc găng tay ra để xem vết thương có bị gì không.
Người bắt đầu viết một lá thư dài cho cha giải tội, cởi mở tấm lòng. Và khi ngừng bút, người lại cầu nguyện. Ngay khi sự nghi ngờ xâm chiếm người và khi cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi, trở nên con mồi của sự tuyệt vọng, người lại cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, đến với người như một luồng sáng và như một sự âu yếm thật trìu mến.
Nhưng cha không thể thoát khỏi sự hạn chế áp đặt trên người. Sau khi Đức Giáo Hoàng Benedict XV qua đời, Achille Ratti, Đức Giáo Hoàng Piô XI, kế vị, và không bao lâu đức giáo hoàng này phải đối phó với sự chống đối cay đắng đã âm ỉ từ lâu đối với Cha Piô, bởi thế đức giáo hoàng đã mau lẹ áp đặt những hạn chế chặt chẽ hơn nữa trên người. Cha Piô ngày càng cô đơn và tuyệt vọng.
Cha Piô gặp một người Hoa Kỳ tên Mary Pyle trong một ngày nắng ấm của tháng Mười, 1923. Cô cũng trong khoảng ba mươi tuổi, người cao và gầy, có đôi mắt xanh. Cô có khuôn mặt dễ mến và nhanh nhẹn. Người nhìn thấy ở nơi cô có nhiều khả năng để hoàn thành những việc tốt đẹp trong tương lai. Và người thấy thích thú với ý tưởng đó.
Cô sinh ngày 17 tháng Tư 1888, ở Morristown, New Jersey, với cái tên Adelia McAlpin Pyle. Cha mẹ cô là người giầu có, và ông bà ngoại của cô làm chủ khách sạn McAlpin ở New York City. Cha mẹ của Adelia là những người Tin Lành trung thành ở New England, và Adelia lớn lên trong môi trường đó; phần lớn việc giáo dục của cô là qua các thầy dạy tư, nhưng cô theo học trường Chapin và trường Masters ở Dobbs Ferry, New York.
Trong thời kỳ niên thiếu cô thường sang Âu Châu. Có một dịp cô được gặp nhà giáo dục nổi tiếng người Ý, Tiến Sĩ Maria Montessori. Sau này, Ts. Montessori sang New York và yêu cầu cô cùng đi với bà làm việc thông dịch. Lúc đó, Adelia nói thông thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và Đức. Nhưng cô còn do dự.
Người anh của cô, là James, khuyến khích, “Anh nghĩ là em nên đi.”
Bởi thế sau một thời gian suy nghĩ, cô đã chấp nhận vai trò đó. Cô viết thư cho mẹ của cô, cũng đang đi du lịch trong thời gian ấy. Khi thư đến tay Bà Pyle, bà đã vội vã trả lời và cho biết bà không thích cô Adelia đảm nhận công việc này, vì cô sẽ phải xa nhà thường xuyên. Nhưng lá thư của bà đến quá trễ. Adelia đã đi khỏi.
Vào năm 1918, trong một chuyến diễn thuyết của Ts. Montessori ở Barcelona, Tây Ban Nha, Adelia trở lại đạo Công Giáo. Cô chọn tên thánh là Mary, và từ lúc ấy trở đi cô được gọi là Mary Pyle.
Trong thời gian còn làm việc cho Ts. Montessori, khi ở Capri, một người bạn gái của cô, là Rina d'Ergrin, người Chính Thống Giáo Romania, rủ cô cùng đi đến San Giovanni Rotondo để gặp Cha Piô. Họ đã tham dự Thánh Lễ và xưng tội với người. Sau đó cả hai đều đến gặp người một cách riêng tư.
Cô Rina xúc động hỏi, “Chị thấy sao?”
Cô Mary mặt mày hơn hở, tuyên bố một cách sung sướng: “Người sẽ là vị hướng dẫn tinh thần cho tôi.”
Nhưng trong thời gian ấy cô phải trở về Capri và tiếp tục làm việc thông dịch cho Ts. Montessori, và cô đã theo bà từ Capri đến Luân Đôn và đến Amsterdam. Tuy nhiên cô không còn chăm chú đến công việc này, sau cùng cô nói với Ts. Montessori. “Sau khi được gặp Cha Piô, cháu cảm thấy bồn chồn, không còn bình an nữa. Bác biết không, cháu được bàn tay in dấu thánh của người chúc lành cho cháu.”
Ts. Montessori kiên nhẫn lắng nghe.
Cô Mary than thở, “Có một vị thánh đang sống ở thế giới này, và cháu không được gần người.”
Ts. Montessori mỉm cười thông cảm và cầm lấy bàn tay cô Mary. “Bác thấy có lẽ chúng ta phải đến gặp Cha Piô.”
Đôi mắt cô Mary tròn xoe vì kích động. Trong nhiều ngày sau đó, cô không nói chuyện gì khác hơn, và mỗi một giây phút được tự do là cô lại đề cập đến Cha Piô và năm dấu thánh của người.
Trong thời gian này, chính Giáo Hội không thực sự thi hành điều gì để xoá tan sự nghi ngờ về năm dấu thánh của Cha Piô, và Giáo Hội cũng không lên án người. Vào năm 1923, tất cả những gì Tòa Thánh có thể công bố là dấu thánh không thể “được xác định chắc chắn là có nguồn gốc từ siêu nhiên.”
Sự thận trọng đối với năm dấu thánh đã có từ thời xa xưa, khi khoa học chưa tiến bộ như ngày nay. Nhưng cả khoa học lẫn thần học đều xác nhận là các vết thương này gây ra sự đau đớn, dù có liên can đến luật tự nhiên hay siêu nhiên, và hầu như các vết thương khiến người ta không còn thèm khát thức ăn và không ngủ được. Cách này hay cách khác, họ coi đó là những vết thương thực sự, với sự mất máu thường xuyên.
Trong lịch sử Giáo Hội, chỉ có khoảng bảy mươi người được in năm dấu thánh là được xác nhận rõ ràng. Trong trường hợp phong thánh cho người được in dấu thánh, ngoại trừ trường hợp của Thánh Phanxicô Assisi, Giáo Hội thận trọng không phát biểu một cách rõ rệt rằng dấu thánh là do Thiên Chúa tạo nên, và thường thường Giáo Hội không coi đó là một dấu chứng của sự thánh thiện. Dù dấu thánh có được thành hình trong một phương cách siêu nhiên đi nữa, hiện tượng này vẫn không đảm bảo hay chứng tỏ sự thánh thiện. Giáo Hội chưa bao giờ nghĩ đến cơ hội để tuyên bố về những hiện tượng này, ngoại trừ Thánh Phanxicô Assisi là người có dấu thánh được tôn kính với một ngày lễ.
Trong khi Mary Pyle bồn chồn chờ đợi ngày đến tu viện, thì mọi sự xảy ra cho Cha Piô ngày càng tệ hại hơn. Mùa thu đã tàn lụi để trở thành mùa đông tuyết giá, nhưng những tranh luận về dấu thánh của người vẫn sôi nổi. Vào lúc tuyết bắt đầu tan và đất bắt đầu lốm đốm xanh thì những cuộc tấn công của Cha Agostino Gemelli bắt đầu dữ dội hơn.
Một linh mục trong tu viện, to lớn, dễ bị kích động, quăng một lá thư lên bàn của Cha Piô và nói, “Hãy coi đi!”
Cha Piô khó nhọc xoay người trên chiếc ghế. Người nhìn thấy đôi mắt lo âu của vị linh mục không vui này. Người gạt lá thư sang một bên. “Tôi đã biết có gì trong ấy. Tôi sẽ được thuyên chuyển sang một nơi hẻo lánh ở Tây Ban Nha.”
Vị linh mục nói, “Như vậy chắc là cha cũng biết những điều người ta công bố về... vấn đề của cha... tu viện này chắc sẽ phải đóng cửa hoặc bán vé cho những người hiếu kỳ. Cha có biết bao nhiêu chiếc xe 'bus' đến đây ngày hôm nay không? Cha có biết cái hàng người trước cửa nhà thờ này dài cỡ nào không? Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Âu Châu, Mỹ Châu, đủ mọi nơi.”
Cha Piô giấu sự đau khổ trong ánh mắt. Người tì nhẹ tay lên bàn và lắc đầu. “Tôi xin lỗi là vì... vấn đề của tôi trở thành vấn đề của cha. Nhưng tôi đâu có chọc thủng bàn tay và cạnh sườn của tôi đâu.”
Vị linh mục lau mồ hôi trán. Người thở mạnh và cầm lấy lá thư. “Chính tôi là người phải xin lỗi. Dĩ nhiên, đó không phải lỗi của cha. Cha đã đau khổ đủ. Xin cha tha lỗi cho tôi.”
Cha Piô gãi hàm râu cằm và nở một nụ cười. “Đâu có gì để tha lỗi.”
Một đệ tử sinh thò đầu vào. “Xin lỗi các cha,” thầy nói như hụt hơi, “có rắc rối ở San Giovanni Rotondo.”
Cha Piô gượng đứng dậy, người nhăn mặt. “Rắc rối? Con muốn nói gì?”
“Thưa cha, họ biết cha bị thuyên chuyển sang Tây Ban Nha.”
“Nhưng đó chỉ là tiếng đồn, người ta chỉ suy đoán vậy thôi.”
“Thưa cha, con biết là như vậy. Nhưng dân chúng không muốn đợi kết quả. Họ đã võ trang để bảo vệ cha.”
Vị linh mục khiếp sợ lẩm bẩm, “Đừng.” Người nắm lấy tay Cha Piô. “Bây giờ chúng ta phải làm gì?”
Cha Piô cẩn thận suy nghĩ, và nói, “Bất cứ gì cần thiết để ngăn chặn sự đau khổ và thất vọng xảy ra cho dân chúng. Tôi biết họ có ý tốt, nhưng phải ngăn cản họ.”
Vị linh mục nói, “Tôi đồng ý.”
Bên ngoài tu viện, ông quận cùng với cảnh sát vội vã tiến đến đám đông. Ông nài nỉ, “Xin quý vị làm ơn trở về nhà.” Nhưng tiếng nói của ông chìm lỉm trong những tiếng la ó phẫn nộ.
Dân chúng la lên, “Gửi cha sang Tây Ban Nha hả! Hãy bước qua xác chết của chúng tôi! Người là một vị thánh; người là vinh dự của quê hương chúng tôi!”
Ông quận quan sát tình hình. Dân chúng đã cắt cử người võ trang đứng gác ở các cửa tu viện, dọc theo khu vườn và cả đằng sau nhà thờ.
Một cảnh sát nói với ông quận. “Dân chúng nói nếu gởi Cha Piô sang quốc gia khác là cho rằng họ không tin ở cha ấy.”
Trong ba ngày ba đêm, dân chúng ngày càng đông hơn đứng chật sân trong sân ngoài, bãi đậu xe, và cả khu vườn của tu viện. Ông quận ngần ngừ và sau cùng ra lệnh cho cảnh sát giải tán.
Cha Piô vẫn ở bên trong tu viện. Người không biết làm gì hơn là thi hành bổn phận hàng ngày. Nhưng ngay cả bên trong tu viện, sự khốn khó vẫn xảy ra. Có một lần người đang cử hành Thánh Lễ, một nông dân râu ria tua tủa hấp tấp tiến đến người, ông rút trong người ra một khẩu súng và kê vào thái dương của Cha Piô.
Ông nói một cách giận dữ, “Nếu cha bỏ San Giovanni, cha sẽ nằm trong cái quan tài.”
Cha Piô nín thở và nhìn trừng trừng vào đôi mắt giận dữ của ông. Người tiếp tục cử hành Thánh Lễ một cách thận trọng và từ tốn. Ngay lúc đó hai thầy xuất hiện sau người nông dân này. Họ tước khẩu súng của ông và giải ông ra ngoài. Người nông dân thất vọng đã biến dạng sau cánh cửa nhưng mắt Cha Piô vẫn còn thẫn thờ nhìn theo. Sâu trong tâm hồn, người biết mạng sống của mình đang ở trong tay Thiên Chúa, nhưng mọi sự dường như đã ra khỏi tầm tay. Người cảm thấy sự bơ vơ khủng khiếp từ từ vây bủa mình.
Ngày hôm sau, Cha Piô viết thư cho ông Francesco Morcaldi, thị trưởng của thành phố San Giovanni Rotondo:
“Những sự việc xảy ra gần đây đã làm tôi thật cảm động và khiến tôi thực lưu tâm, vì nó khiến tôi lo sợ rằng tôi sẽ trở thành nguyên do cho những hành động tang tóc xảy ra cho thành phố thân yêu của tôi.
“Tôi cầu xin Thiên Chúa để Người cất đi những mất mát đó và hãy để cái chết xảy ra cho tôi. Nhưng tôi được cho biết là phải thuyên chuyển. Tôi cầu xin để tuân phục bằng mọi giá, vì ý Chúa và ý của bề trên là điều tôi phải vâng lời không ngừng.
“Tôi sẽ luôn nhớ đến những người dân quảng đại trong lời cầu nguyện đơn sơ và chuyên cần của tôi, để cầu xin sự bình an và thịnh vượng cho họ, và như một dấu chỉ của ước nguyện cuối cùng, vì không thể làm gì khác hơn, tôi ước ao rằng nếu bề trên của tôi không phản đối, xương của tôi sẽ được chôn cất ở một góc yên tĩnh của phần đất này.
“Tôi trân trọng nói những lời ấy trong Thiên Chúa yêu dấu của tôi.”
Cha Piô Pietrelcina.
Tòa Thánh đã gửi vài người đến để ghi nhận thái độ và hành động của Cha Piô. Vị đầu tiên xuất hiện ở tu viện là Đức Ông Benevenuto Cerretti.
Đức ông nói với Đức Giáo Hoàng Benedicto XV về Cha Piô rằng, “Cha ấy là người của Thiên Chúa.”
Trong khi ở Rôma, Signor DeBono, tổng trưởng nội vụ, đến gặp Đức Hồng Y Merry del Val, Ngoại Trưởng Vatican, và xin đức hồng y ngưng thuyên chuyển Cha Piô khỏi thành phố San Giovanni Rotondo.
Sau cùng mọi sự được giải quyết. Khi Cha Piô nghe tin như thế, người đã vội vã tiến đến cánh cửa sổ nhà thờ, chúc lành cho dân chúng đang tụ họp ở đó và với nụ cười thật tươi, người tuyên bố với họ: “Tôi không phải đi đâu cả! Tôi sẽ ở lại đây!”
Dân chúng hoan hô vang dậy, và một vài người bắt đầu gom góp vũ khí sửa soạn ra về. Nhưng để biết chắc rằng không còn một âm mưu nào nhằm đưa Cha Piô ra khỏi thành phố, họ vẫn thường xuyên sai phái một vài người tới canh chừng. Một tuần lễ trôi qua chứng tỏ rằng Cha Piô thực sự ở lại San Giovanni Rotondo trong nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn. Dân chúng đã chiến thắng, và vấn đề được chìm vào quên lãng. Cha Piô cũng cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng cha ở trong tu viện, chỉ đi ra ngoài trong những dịp họa hiếm để thăm người hấp hối và để bầu cử.
Tuy nhiên, số tín hữu vây quanh người ngày càng gia tăng, và các vị có thẩm quyền trong giáo hội sợ rằng sự nhiệt tình đạo đức sẽ trở thành sự cuồng tín. Do đó vào ngày 24 tháng Bảy 1924, Tòa Thánh đã bày tỏ lập trường chính thức, và tuyên bố rằng họ không chắc chắn về nguồn gốc siêu nhiên của năm dấu thánh của Cha Piô, bởi đó yêu cầu giáo dân đừng đến thăm người nữa.
Khi cô Mary Pyle trở lại tu viện thì lúc ấy nhiều khó khăn vẫn còn bao phủ Cha Piô.
Cô nói với cha, “Con muốn ở gần tu viện, gần với cha.”
Cha Piô lắng nghe và mặc dù cô không nói cho cha biết về việc mẹ cô không cho phép làm việc với Ts. Montessori, cha nói với cô rằng, “Hãy vâng lời người mẹ.”
Sự can đảm của cô Mary như được tăng cường, cô tuyên bố với Ts. Montessori cũng đang có mặt ở đó, “Con sẽ ở lại San Giovanni Rotondo.” Và cô nhìn đến bà như chờ đợi sự cho phép.
Bà mỉm cười trả lời, “Tôi còn nói gì được nữa?”
Cô Mary ôm lấy cánh tay bà và hôn bà. “Cám ơn bác. Bác thật tốt với cháu.”
Ts. Montessori không nói gì cả, cho đến khi bà gặp riêng cô Mary. Bà nhắc nhở “Bác đã thuê cháu làm việc trong mười năm.”
“Phải, đó là những năm tuyệt vời.”
“Nếu cháu không bị ảnh hưởng bởi Cha Piô thì cũng còn vài năm nữa.”
Đôi mắt linh động của cô Mary bỗng sa sầm lại, và cô thấy gương mặt của Ts. Montessori lộ vẻ khó chịu. “Cháu xin lỗi bác. Bác phải tin cháu. Cháu phải ở đây, và đó là quyết định của cháu. Chắc chắn với bác là Cha Piô không làm gì để xúi giục cháu bỏ bác cả.”
Ts. Montessori thở dài. Bà chịu thua vì biết rằng không thể thay đổi quyết định của cô Mary. Với nụ cười gượng gạo, bà nói, “Bác cầu chúc cháu được mọi sự tốt đẹp. Bất cứ khi nào cần, hãy cho bác biết.”
Sau khi ở lại San Giovanni Rontondo, việc đầu tiên là cô Mary mua một miếng đất ở chân đồi gần tu viện. Ở đó cô cho xây một biệt thự mầu hồng, theo kiểu dòng Phanxicô, giữa những cây hạnh nhân và bắt đầu cuộc sống theo sự hướng dẫn tinh thần của Cha Piô.
Không thoả mãn với ý tưởng là một Kitô Hữu bình thường, cô muốn đạt được những nhân đức cao hơn, và cô hỏi Cha Piô có nên gia nhập dòng Phanxicô chăng.
Người nói, “Tu viện không thích hợp cho con. Hãy gia nhập dòng Ba Phanxicô.”
Vào ngày 6 tháng Chín 1925, Cha Piô đã mặc áo dòng ba Phanxicô cho cô.
Cô tuyên bố, “Tôi chấp nhận áo dòng Capuchin không có mũ trùm đầu, và tôi sẽ cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài.”
Sau khi chấp nhận những quy tắc của cuộc sống này, cô đã bán tất cả nữ trang quý giá và tặng cho hội từ thiện của Cha Piô. Cô viết thư cho Ts. Montessori, là người đang giữ số nữ trang ấy, và yêu cầu bà gửi cho cô. Tuy nhiên, Ts. Montessori vì thấy giá trị quá lớn của số nữ trang và sợ bị mất qua đường bưu điện, nên bà đã đưa cho vị đại diện của dòng Capuchin ở Rôma.
Họ nói với bà, “Chúng tôi không thể tin rằng tất cả số nữ trang này là vì lòng mến mộ Cha Piô. Chúng tôi không thể nhận.” Sau vài lần nài nỉ, sau cùng nhà dòng đã chấp nhận.
Dân làng ở San Giovanni Rotondo bắt đầu gọi cô là “cô Mary người Mỹ,” vì cô không từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ. Chẳng bao lâu cô bắt đầu nổi tiếng. Khi người nghèo đến gặp Cha Piô và không có chỗ trọ, cô cho họ ở. Cô rộng lượng cung cấp tài chánh cho những người trẻ để theo đuổi ơn gọi tu trì, và giúp đỡ các vợ chồng trẻ gầy dựng sự nghiệp. Hữu xạ tự nhiên hương, và cô cũng nổi tiếng như Cha Piô.
Một ngày kia, có linh mục nói với Cha Piô, “Cô ấy thật phi thường phải không?”
Người gật đầu bâng khuâng. “Thế giới này tốt đẹp hơn nhờ có cô ấy.”
Cô Mary còn là một nhạc sĩ tài ba. Ngoài sự giúp đỡ người nghèo, cô thành lập Ban Thánh Ca cho nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn, và cô chơi đàn phong cầm trong các Thánh Lễ hàng ngày và các buổi chầu Thánh Thể vào buổi chiều. Cô còn hướng dẫn các tổ chức Dòng Ba Phanxicô.
Cô luôn mở rộng cửa tiếp đón mọi người, thuộc đủ mọi thành phần đến từ khắp nơi trên thế giới, kể cả những tài tử sân khấu ở Âu Châu và Mỹ Châu. Cô còn giữ cả một cuốn sách lưu bút thật lớn mà các người khách đến thăm đã ghi lại. Trong những chữ ký ấy có cả tên tuổi của các tài tử điện ảnh Hoa Kỳ tỉ như Loretta Young và Ramon Navarro.
Nhưng trong thời kỳ Cha Piô bị giam lỏng vì trường hợp của người đang được Giáo Hội điều tra, thì dân làng, vì không được tiếp xúc với người, đã đổ lỗi cho cô Mary là đầu mối mọi sự khó khăn.
Họ nhấn mạnh rằng, “Vì cô ấy kể những phép lạ và nói về sức mạnh siêu nhiên của cha cho các ký giả nghe, và rồi mấy ông này làm cho to chuyện.” Và họ nghĩ, đó là lý do mà Cha Piô bị điều tra.
Bởi thế, trong một thời gian, dân làng đã tẩy chay cô. Không ai nói chuyện với cô ở ngoài đường. Trong nhiều ngày tháng, cô không thể đi đây đó mà không có những ánh mắt dòm ngó. Cô bị đau khổ dữ dội, không chỉ vì bị tẩy chay mà còn bị ngăn cản không được xưng tội với Cha Piô. Ngay cả khi cô tham dự Thánh Lễ hàng ngày và khi lên chịu lễ, dân làng cũng xa lánh chỉ để một mình cô quỳ ở cung thánh rước lễ. Nhiều lần, nhất là các bà đã đốt nến cầu nguyện cho kẻ chết ngay trước mặt cô.
Về sau, cô viết thư cho người bạn: “Ngay khi con mèo trắng của tôi có được bầy con xinh xắn, tôi rất muốn chia sẻ tin này cho giáo hữu trong nhà thờ, nhưng ai ai cũng không muốn nghe.”
Cô Mary cầu nguyện liên lỉ và mãnh liệt để Cha Piô không còn bị hạn chế nữa. Có ngày cô đi bộ hai mươi lăm dặm, vừa đi vừa về từ đền Thánh Micae ở Monte Santangelo để cầu nguyện.
Khi việc cấm cản được bãi bỏ, cô đã cùng ăn mừng với dân làng. Dần dà, họ bắt đầu mỉm cười thiện cảm với cô. Sau cùng, cái băng giá đã tan loãng và cô biết mình đã được chấp nhận, khi một nhóm người ở Pietrelcina liên lạc với cô và xin cô xây một tu viện ở thành phố Pietrelcina nhỏ bé của họ cho các cha bề trên dòng Capuchin. Cô thấy đó là một ý tưởng tốt, nhưng cô cần biết ý kiến của Cha Piô.
Ngày hôm sau, cô hỏi Cha Piô, “Con có được phép xây cất một tu viện ở Pietrelcina không?”
Người khoanh tay trước ngực và làm bộ nghiêm trọng, “Được. Hãy mau chóng thực hiện, và dâng kính tu viện ấy cho Thánh Gia.”
Và rồi cả hai phá lên cười, vui sướng.
Bs. Giorgio Festa quá mệt mỏi và ông muốn lấy một thời gian để nghỉ ngơi và đến thăm Cha Piô. Vì các giới thẩm quyền của giáo hội cấm không cho khám nghiệm các vết thương thêm nữa, nên đó chỉ là một cuộc thăm viếng xã giao.
Cha Piô hơi nhăn nhó khi mở cửa và nhận ra khuôn mặt quen thuộc. “Tôi vui mừng được gặp lại ông.”
Bs. Giorgio Festa cười đáp lễ và thân mật nắm tay Cha Piô. “Cha khoẻ không?”
Cha Piô khoanh tay trước ngực và làm bộ nghiêm trọng. “Không biết tôi có nên trả lời câu hỏi đó không.”
Bs. Giorgio Festa cười thành tiếng. “Đó chỉ là câu hỏi riêng tư thôi. Tôi biết là nhà dòng cấm không được khám xét gì thêm.”
“Nói thật cho ông biết, gần đây tôi không được khoẻ.”
“Tôi không ngạc nhiên lắm.”
“Không, không. Không phải là những vết thương hay những lộn xộn với dân làng. Tôi bị đau bụng khá lâu.”
Bs. Festa ngưng cười. “Tốt hơn cha để tôi khám nghiệm xem sao.”
Ông chỉ vào chiếc giường và ra hiệu cho Cha Piô nằm xuống. Không cần phải xem xét lâu, ông nhận ra người bị sa ruột ở vùng háng bên phải. Và khi phát hiện bị viêm màng bụng, ông quyết định phải chữa trị cấp kỳ. Ông ngồi xuống cạnh giường và nhìn vào khuôn mặt lo lắng của Cha Piô. “Hy vọng cha đừng quá lo âu, nhưng cha bị sa ruột và bị sưng. Trong trường hợp này tôi khuyên cha nên giải phẫu ngay lập tức.”
Cha Piô ngồi dậy. “Chắc ông biết là tôi vẫn bị giới hạn và chỉ được lẩn quẩn trong tu viện.”
Bs. Festa gật đầu. “Phải, nhưng tôi không thấy có gì trở ngại cả. Tôi có thể giải phẫu cho cha ngay tại đây.”
Cha Piô mỉm cười và nói đùa. “Tôi không nghĩ là ông tài giỏi như vậy.”
Sau khi cử hành Thánh Lễ thường lệ, và nghe xưng tội, Cha Piô trở về phòng và đợi Bs. Festa đến.
Bs. Festa giới thiệu, “Tôi mang theo vài người bạn. Bs. Angelo Merla, Thị Trưởng của San Giovanni Rotondo, và Bs. Leandro Giuva. Và tôi thấy có một phòng mới quét vôi sạch sẽ để làm phòng giải phẫu. Chúng tôi đã sẵn sàng, còn cha thì sao?”
“Tôi cũng sẵn sàng,” Cha Piô trả lời, “nhưng chúng ta phải biết nhau đã. Tôi không muốn đánh thuốc mê.”
Bs. Festa lắc đầu. “Điều đó không thể được. Cuộc giải phẫu sẽ lâu và bất cứ cử động nào cũng sẽ nguy hiểm.”
Cha Piô nài nỉ, “Đừng sợ. Khi cuộc giải phẫu chấm dứt, các ông sẽ thấy tôi giống y như lúc mới bắt đầu.” Cha chuẩn bị đi theo các bác sĩ, và lên tiếng hỏi, “Có thể nào khi tôi hôn mê thì các ông xem xét vết thương của tôi không?”
“Tại sao không?” một bác sĩ vừa nói vừa cười.
Cha Piô nắm tay ông ta và nhăn mặt khó chịu. “Vì tôi bị cha bề trên cấm, và tôi buộc phải vâng lời. Do đó, tôi từ chối không chịu đánh thuốc mê.”
Bs. Festa gật đầu không nói gì thêm. Tất cả đi vào phòng và Cha Piô cởi chiếc áo dòng mầu nâu ra để khoác vào người chiếc áo choàng trắng, và ngồi ở cạnh bàn.
Một bác sĩ nói, “Đây. Nếu cha không chịu đánh thuốc mê thì phải uống rượu Benedictine này.”
Cha Piô uống thử một ngụm nhỏ và người nhắm mắt, nhăn mặt.
“Cha uống thêm chút nữa,” vị bác sĩ thúc giục.
Cha Piô lắc đầu quầy quậy và trả lại chai rượu. “Không được đâu. Trong bụng tôi, cha Benedict và cha Capuchin đang đánh nhau.”
Cuộc giải phẫu kéo dài gần hai giờ đồng hồ. Và khi bắt đầu Cha Piô cảm thấy đau đớn khủng khiếp đến nỗi người phải thốt lên những tiếng rên rỉ. Khuôn mặt người càng méo mó hơn khi cơn đau càng dữ dội, và rồi người bắt đầu cầu nguyện. Sau cùng, hai giọt nước mắt to tròn lăn dài trên má và lẫn vào bộ râu.
Người lẩm bẩm, “Lạy Chúa Giêsu, xin tha lỗi cho con, nếu con không chịu nổi sự đau đớn mà con phải chịu.”
Khi các bác sĩ khâu chín mũi ở vết mổ, Cha Piô quay sang Bs. Leandro Giuva, và nói: “Ông Leandro, nếu ông muốn thế chỗ của tôi thì cứ tự nhiên. Cái bàn giải phẫu còn ấm lắm.”
Khuôn mặt của Bs. Giuva đỏ rần. Chính ông cũng bị sa ruột và cần phải giải phẫu, nhưng ông giấu không cho ai biết.
Sau khi được khiêng vào phòng, Cha Piô đã bất tỉnh trong vài giờ đồng hồ. Bs. Festa đã lợi dụng cơ hội này để khám xét các vết thương. Ông tự hỏi không biết các vết thương có thay đổi gì chăng. Và ông đã kinh ngạc khi thấy các vết thương vẫn y như lần ông khám nghiệm đầu tiên vào năm 1919. Không có dấu hiệu bị thối rữa, hay sự thay đổi của các tế bào, và cũng không có mùi hôi.
Vì vết thương ở cạnh sườn không được che đậy trong khi giải phẫu nên Bs. Festa cũng đã xem xét, và ông nhận thấy có một vùng ánh sáng rất nhỏ, nhưng nhận thấy được, tỏa ra chung quanh vết thương dưới hình dạng thập giá. Về sau, Bs. Merla và Bs. Giuva đồng ý báo cáo với nhà dòng về điều này. Trong bản phúc trình đầu tiên cho các cha bề trên, Cha Piô nói rằng vết thương cạnh sườn chảy máu nhiều hơn từ thứ Năm cho đến thứ Bảy. Tuy nhiên, vết thương này vẫn rỉ máu hàng ngày như các vết thương khác.
Bốn ngày sau khi Bs. Merla cắt chỉ ở chỗ giải phẫu thì Cha Piô đã khoẻ mạnh đủ để sinh hoạt bình thường.
Bs. Merla nói, “Chỗ giải phẫu đã lành lặn hoàn toàn.”
Bs. Festa gật đầu, “Và điều đó đánh đổ các giả thuyết cho rằng các vết thương kia không lành lặn là vì người bị bệnh máu không đông (hemophiliac).”
Trừ khi được Giáo Hội cho phép, Cha Piô không bao giờ bàn luận thêm về các vết thương đó.
Một bác sĩ tò mò hỏi: “Những vết thương ấy có đau không cha?”
Người cười lớn. “Ông nghĩ là Chúa ban những dấu ấy cho tôi chỉ để trang sức chăng?”
Vị bác sĩ với đôi kính dầy cộm, nghe trộm cuộc đối thoại. “Cha Piô này, một cách thành thật hỏi cha, các vết thương ấy đau như thế nào?”
“Cũng giống như ông lấy đinh, đóng vào tay, và cầm cây đinh mà xoáy.” Vị bác sĩ nghe thế há hốc miệng.
Bs. Festa hỏi, “Có đúng là vết thương cạnh sườn luôn luôn mở, phải không cha?”
Cha Piô nhún vai và nói, “Đó là chuyện nhỏ, so với sự thống khổ của Đức Kitô.” Cha cố thay đổi đề tài.
Bs. Festa vẫn bám sát. “Có phải cha đau đớn nhiều khi cử hành Thánh Lễ và trong thời gian Tuần Thánh?”
Cha Piô gật đầu, “Phải,” và người quay bước bỏ đi.
Các bác sĩ khác nhìn Bs. Festa. “Hình như người giận vì bị đau đớn?”
Bs. Festa lắc đầu. “Không, cha ấy không muốn lúc nào cũng bị chất vấn về điều ấy. Và tôi chẳng trách gì người.”
Một bác sĩ nói, “Cha ấy là người tốt. Vợ tôi nói cha là một vị thánh.”
Bs. Festa mỉm cười. “Hàng triệu người khác cũng nói như vậy.”
Hàng triệu người thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội tin tưởng ở Cha Piô đều cảm thấy rằng các dấu thánh của người là kết quả của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, kết quả của sự chiêm niệm một cách sốt sắng và yêu quý sự đau khổ và sự chết của Đức Kitô. Do đó người ta đến với cha để trút những gánh nặng và đau khổ, và cha đem cho họ sự hy vọng và can đảm. Với những tín hữu và những người đã nhận được ơn ích từ cha, các dấu thánh không là vấn đề. Một khi họ coi Cha Piô là vị thánh sống thì các dấu thánh ấy phải mang một ý nghĩa bí ẩn.
Tuy nhiên, không phải ai ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận các dấu thánh ấy. Bs. Riccardo Valente của San Giovanni Rotondo, là một người Cộng Sản và đặc biệt chống đối các linh mục, nhất là Cha Piô. Khi ông bị bệnh nặng, ông đã làm chấn động cả thành phố khi cương quyết rằng ông chỉ xưng tội với Cha Piô.
Đó là một buổi tối mùa đông 1925, trời đang xuống tuyết khi có người đến tu viện và nói với Cha Piô rằng ông Valente đang hấp hối.
Cha Piô đứng ở ngưỡng cửa, kéo chiếc mũ trùm đầu để tránh gió lạnh và tuyết hắt vào mặt. “Con có chắc là ông ấy muốn gặp cha không?”
“Thưa cha có. Cha đến được không? Từ đây đến nhà ông ấy khoảng 2 dặm, và xin lỗi cha, con không có phương tiện di chuyển. Chúng ta phải đi bộ.”
Cha Piô vào lấy chiếc áo khoác và lê bước trong đêm tối. Cái lạnh đã làm tê cóng mặt và chân của người, cũng như tấn công các vết thương. Mặt đất trắng xoá, chỉ có một vài cây tùng to lớn xanh đen, nổi bật trên nền trời xám. Khi đến nhà ông Valente thì hơi thở của Cha Piô như đứt đoạn và cái lạnh đã buốt tới xương. Cha đã giải tội, xức dầu và ban phép lành cho ông. Khi ra về, cha biết ông sẽ được bình phục--cả tinh thần lẫn thể xác. Cha cảm thấy vui mừng, nhưng con đường trở về nhà vừa dài, vừa khó nhọc đã làm người kiệt sức. Khi lết được đến giường thì cha ngã quỵ, cố kéo được cái chăn lên đến cổ, mắt nhắm nghiền lại và cơ thể run lên bần bật trong gần một giờ đồng hồ.
Khi cha hồi tỉnh lại, lúc ấy trời đã khuya. Đèn trong phòng thì tắt, nhưng cánh cửa phòng không đóng nên ánh sáng từ hành lang rọi vào, tạo thành một vệt sáng dọc theo chiếc giường. Bỗng dưng cha nhận ra như có ai đang cúi nhìn mình. Cha Piô vội xoay đầu liếc nhìn và gượng ngồi dậy.
“Đừng cử động,” tiếng của một người phụ nữ cất lên thật dịu dàng. Bà đặt tay lên vai người và ấn người nằm xuống. “Hãy nằm nghỉ đi. Cha vừa mới đi bộ trong giá lạnh, cần phải giữ người cho ấm.”
“Cô là ai?” Người lên tiếng hỏi. “Cô làm gì trong căn phòng tôi vào giờ này?”
“Tôi thấy cha đi bộ trở về nhà dòng thật mệt mỏi trong cái giá lạnh. Tôi lo lắng cho cha, và theo cha vào đây để biết chắc rằng cha vẫn mạnh khoẻ.”
Người nhận thấy người phụ nữ chỉ khoảng hai mươi tuổi với mái tóc đen dài phủ cả bờ vai, đôi mắt to đen và miệng nở nụ cười. Bà mặc chiếc áo dài đỏ vừa sát với thân mình. Bà ngồi ở cạnh giường và rồi cúi xuống tì đôi môi đỏ thắm vào một bên thân thể của người. Cha Piô cố nhích người sang một bên, nhưng cánh tay phải của bà choàng qua vai của người và kéo cha sát lại. Bà dùng bàn tay trái vuốt ve vầng trán của cha và những ngón tay lùa vào mái tóc ngắn ngủn của người.
Cha Piô gượng dậy và gạt bàn tay của bà sang một bên. Nhưng dường như tay của người chụp vào không khí. “Ma quỷ sai cô đến đây phải không?” cha thở mạnh, bắt đầu hoảng hốt. “Hãy ra khỏi đây. Đừng chạm đến tôi.”
Bà dỗ dành, “Tôi trông có giống ma quỷ không?” Bà dùng bàn tay vuốt ve thân thể của bà từ hông lên đến ngực.
Cha Piô thốt lên, “Lạy Chúa, xin xua đuổi ma quỷ đang cám dỗ con! Xin tẩy rửa tâm hồn con!” Những bàn tay bí ẩn đó giờ đây đang xoa nắn đôi vai và cổ của người.
Người kêu lớn hết sức, “Lạy Chúa, xin cứu con.”
“Cái gì vậy?” có tiếng nói phát ra từ hành lang, và người phụ tá của cha vội vàng chạy đến.
Ngay lúc ấy bóng người phụ nữ trẻ đẹp cũng tan biến.
Những giọt nước mắt tuôn trào, và tiếng nức nở thoát ra từ cổ họng của Cha Piô.
“Cái gì vậy?” người phụ tá lập lại câu hỏi.
Cha Piô lắc đầu và rên rỉ. “Tôi không biết. Nếu tôi không kêu cầu đến Chúa Giêsu thì không biết sẽ xảy ra những gì nữa.”
Người khóc thật lâu cho đến khi toàn thân rã rời.
Sự đau khổ ảnh hưởng sâu đậm đến Cha Piô. Từ lâu, cha đã từng nói là tại San Giovanni Rotondo cần có một nhà thương. Và như kết quả của lời kêu gọi những người mến mộ cha, vào mùa đông 1925, các phòng ốc của một nhà dòng cũ được biến cải thành một nhà thương nhỏ mang tên Thánh Phanxicô. Hai dẫy nhà gồm hai mươi giường và sự chữa trị hoàn toàn miễn phí. Bs. Angelo Merla là giám đốc trung tâm, và một bác sĩ nổi tiếng là Bs. Bucci ở Foggia là bác sĩ trưởng.
Cha Piô vui mừng khôn tả. Người luôn đề cập đến điều ấy. Người nói với một thầy, “Tôi biết bây giờ nhà thương còn nhỏ. Nhưng đó là bước khởi đầu.”
Những ngày tháng êm đẹp dần trôi qua nhưng chỉ được một thời gian, đúng như một thầy dòng đã tiên đoán. Vào một chiều tối, thầy gặp Cha Piô ở hành lang.
Thầy nói, “Con đã nói với cha là không được bao lâu mà.”
Cha Piô quay người lại khi nghe tiếng nói hơi the thé. Cha cười với thầy, một người có gương mặt con nít với chòm râu lưa thưa dưới cằm. Cha Piô hỏi, “Râu của con như thế nào?”
“Thưa cha cái gì? Ồ, tệ quá, thưa cha. Có người nói với con rằng có lẽ con có trở ngại với mấy cái tuyến bài tiết.”
Cha Piô vỗ vai an ủi thầy. “Mấy người ấy chọc ghẹo con đó thôi. Con để râu chưa được lâu phải không?”
Thầy xoa cằm. “Đã được một năm rồi cha ạ.”
Cha Piô gật đầu. “Vậy sao.” Và người tránh không đề cập gì thêm.
Thầy đột ngột hỏi, “Cha có nghe gì về những cuốn sách đó không?”
“Sách gì?”
“Dạ. Họ cấm những cuốn sách của cha... Con muốn nói những cuốn sách viết về cha.” Cha Piô hơi ngạc nhiên. “Tại sao?”
“Các tác giả không được phép của giáo quyền, nên giáo hội cấm.”
“Thì ra thế.”
“Cha không thấy khó chịu sao?”
“Cha đâu bao giờ thắc mắc gì về Giáo Hội.”
Thầy hơi do dự. “Con nghĩ cha rất bực mình.”
Cha Piô mỉm cười. “Thì con thấy đó. Cha đâu có gì đâu.” Cha cáo từ thầy và đi về phòng.
Lại một thời gian nữa trôi qua mà không có những tai họa. Cha Piô đã hiểu được cơ thể của mình. Bây giờ cha biết có thể đi đứng được bao lâu mà các vết thương không hành hạ. Từ lâu cha đã rút ra khỏi những cuộc tranh luận, và chỉ nghĩ đến cách đối phó với số người đến thăm và xưng tội với cha.
Đó là một ngày ấm áp trong tháng Chín khi Bs. Festa trở lại gặp Cha Piô một năm sau. Lần này ông đến để cắt một cái bướu nhỏ, chỉ lớn hơn trứng chim, nằm trong vùng ngực.
Ông hỏi Cha Piô: “Lần này sẽ dùng cái gì, thuốc mê hay rượu Benedictine?”
Cha Piô mỉm cười. “Dĩ nhiên là rượu Benedictine.”
Bs. Festa lắc đầu. Ông thực sự không muốn chấp thuận, nhưng, với sự trợ giúp của Bs. Merla, một lần nữa ông đã giải phẫu mà không dùng đến thuốc mê. Bảy ngày sau ông đến cắt chỉ, và trong quãng thời gian ấy, Cha Piô không quên sót bổn phận một ngày nào.
Khi chỉ có hai người với nhau, Bs. Festa nói với Bs. Merla, “Không có gì thay đổi cả.”
Bs. Merla hỏi lại, “Ở các vết thương? Thì tôi đã biết là ngay cả các cuộc tranh luận về các vết thương cũng không thay đổi gì.”
Bs. Festa tháo cặp kính ra lau. “Không, tôi nghĩ là anh đúng. Bs. Bignami nhất quyết cho rằng các vết thương chỉ là mớ tế bào chết được che đậy với thuốc khử trùng 'iodine'; còn Bs. Romanelli lại thấy một vết thương sâu ở ngực của người; và tôi thì thấy hai vết thương ngoài da. Chắc là anh hiểu rồi. Chẳng có sự phân tích nào đúng cả.”
Bs. Merla gãi đầu. “Đối với chúng mình thì đúng như vậy. Đối với người tín hữu mến mộ người thì những vết thương là cuộc đối thoại bí ẩn giữa con người và Thiên Chúa, và sự biểu lộ của các vết thương ấy tùy theo đức tin của người quan sát.”
Bs. Festa nói, “Đức tin thì không có ranh giới và không cần giải thích. Điều đó nhắc tôi nhớ lại câu chuyện của một người có vai vế trong xã hội, Bà Luisa Vairo. Anh có biết chuyện đó không?” Bs. Merla lắc đầu.
Vừa đeo lại cặp kính, Bs. Festa kể, “Khi bà đến xưng tội với Cha Piô và người cho bà thấy tất cả những tội lỗi của bà như thể người đọc trên tờ giấy... ngoại trừ một tội. Và người không ban phép xá giải cho bà, nên bà do dự không biết có nên tiết lộ cái tội ấy không. Sau cùng, bà xưng ra, và cha nói đó là điều chờ đợi, và cha đã ban phép xá giải cho bà.”
Bs. Merla mỉm cười gật đầu. “Quả thật có những câu chuyện rất thú vị.”
Bs. Festa đồng ý. “Còn một câu chuyện này. Ông Frederick Abresch, một nhiếp ảnh gia ở San Giovanni Rotondo, là người trở lại đạo Công Giáo, nhưng ông không tin chính Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Hòa Giải. Ông chỉ chấp nhận điều đó là có ích về phương diện tâm lý. Dường như Cha Piô nói cho ông ấy biết là ông có tội rước lễ phạm sự thánh, và ông phải cố nhớ đến lần xưng tội sau cùng mà ông thành thật nhất. Ông chịu thua, không nhớ nổi. Sau cùng, Cha Piô nói cho ông ấy biết đó là lần xưng tội sau khi ông làm đám cưới. Sau đó, ông đã thật lòng thống hối và được tha tội. Về sau, vợ ông được cho biết là phải cắt bỏ một cái bướu nếu muốn có con. Tuy nhiên, Cha Piô lại khuyên là đừng nên giải phẫu và cha tiên đoán họ sẽ có đứa con trai. Hai năm sau, khi bà đang mang thai, một buổi sáng kia bà thức giấc và thấy Cha Piô đứng ở cuối giường, tay ẵm một đứa bé. Hình như cha hỏi bà, 'Sao, bây giờ con có tin không?' Rồi cha biến đi, và lạ lùng chưa, họ có đứa con trai... Dĩ nhiên, họ đặt tên con là Piô.”
Bs. Merla giơ hai tay lên trời và cười lớn. “Thôi, thôi. Anh làm ơn đừng kể nữa. Nếu không, các thân chủ sẽ bỏ tôi mà chạy hết đến cha ấy.”
Cha Piô luôn xua tay từ chối khi nghe những điều ấy, “nó chẳng có gì.” Cha tiếp tục hướng dẫn mọi người, kể cả gia đình của người.
Ông bà Orazio vẫn thường đến thăm cha, và cả Michael, Pellegrina, và Dì Phước Pia cũng đến ít nhất mỗi tháng một lần. Bà Giuseppa đã già đi thấy rõ. Bây giờ bà đã bảy mươi, và da dẻ nhăn nheo. Đôi lông mày như sụp trên đôi mắt và dường như lúc nào cũng nhăn nhíu. Ngay cả giọng nói của bà cũng mệt mỏi và già nua.
Một ngày kia, cô Mary Pyle cùng đi với bà Giuseppa đến gặp Cha Piô ở nhà thờ, bỗng dưng bà quỳ xuống chân cha, đôi tay thõng xuống với hai bày tay xòe ra như phân bua.
Ngước nhìn lên Cha Piô, bà nói, “Làm thế nào để biết trong ánh mắt của Thiên Chúa, chúng ta không phải là những người tội lỗi? Chúng ta cố xưng ra các tội đã phạm. Chúng ta xưng ra tất cả những tội chúng ta nhớ, nhưng làm sao biết chắc rằng Chúa không nhìn thấy những tội mà chúng ta quên sót, hay ngay cả không biết đó là tội?”
Những lần trước, Cha Piô thường không cho mẹ hôn tay. Cha nghĩ con phải hôn tay mẹ mới đúng, chứ không thể ngược lại. Nhưng lần này người để mặc bà quỳ dưới chân.
Cha nhìn vào đôi mắt sâu đen của mẹ một hồi lâu, và nói, “Nếu chúng ta thành tâm và cố xưng ra tất cả các tội đã phạm, xưng ra những tội còn nhớ, và tình thương vĩ đại của Thiên Chúa sẽ tẩy xoá tất cả những lỗi lầm, ngay cả những tội chúng ta quên.”
Cô Mary Pyle đỡ bà Giuseppa đứng lên. Lần kế tiếp mà gia đình đến thăm thì mùa đông đã bao phủ tu viện. Mặc dù trời giông tuyết vào Đêm Giáng Sinh 1928, bà Giuseppa nhất định phải đến thăm Cha Piô và tham dự Thánh Lễ với người. Ngày hôm sau bà lên cơn sốt. Cả gia đình đã tụ tập quanh bà ở biệt thự của cô Mary Pyle.
“Bà ấy sắp chết,” ông Orazio nói trong nước mắt, và mọi người đều bàng hoàng, đau buồn.
Bốn ngày sau, Cha Piô đã cử hành các nghi thức sau cùng, và bà chết. Đó là một ngày giá lạnh khi tang quyến, kể cả các thị trưởng của vùng San Giovanni Rotondo và Pietrelcina, theo sau quan tài đến nghĩa trang nhỏ bé trong tu viện. Ông Orazio và gia đình đã đưa tiễn bà đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhiều ngày sau, người ta vẫn còn nghe Cha Piô thì thầm, “Mẹ ơi... mẹ.”