Ðiều 1732: Những gì được ấn định trong các điều khoản của tiết này về các nghị định, phải được áp dụng cho tất cả các hành vi hành chánh cá biệt được ban hành ở tòa ngoài theo thủ tục ngoại tư pháp, ngoại trừ những quyết nghị do chính Ðức Thánh Cha do chính Công Ðồng Hoàn Vũ ban hành.
Ðiều 1733:
(1) Rất mong rằng khi một người cho rằng mình đã bị thiệt hại vì một
nghị định, thì đương sự nên tránh tranh chấp với tác giả nghị định, nhưng hãy lo tìm
cách thỏa thuận để đạt đến một giải pháp công bình thỏa thuận chung, kể cả có thể
nhờ sự trung gian và cố gắng của những người đứng đắn. Nhờ thế, sự tranh chấp có
thể tránh được hoặc giải quyết bằng phương thế xứng tiện.
(2) Hội Ðồng Giám Mục có thể ra lệnh để trong mỗi giáo phận, phải thành lập một
văn phòng hay ủy ban thường trực; dựa theo các quy tắc do Hội Ðồng Giám Mục ấn
định, cơ quan này có nhiệm vụ tìm hiểu và đề nghị những giải pháp công bình. Nếu Hội
Ðồng Giám Mục không ra chỉ thị cho việc ấy, thì Giám Mục cũng có thể thành lập ủy
ban hay văn phòng ấy.
(3) Văn phòng hay ủy ban nói ở triệt 2, sẽ hoạt động nhất là khi có đơn yêu cầu thu
hồi một nghị định chiếu theo quy tắc ở điều 1734, và khi hạn kỳ để thượng cầu chưa
chấm dứt. Tuy nhiên, nếu sự thượng cầu phản kháng một nghị định đã được đệ trình,
thì chính Thượng Cấp xét vụ thượng cầu, nếu nhận thấy có hy vọng đạt kết quả tốt,
phải khuyến dụ người thượng cầu và tác giả nghị định tìm những giải pháp dựa theo
đường lối nói trên.
Ðiều 1734:
(1) Trước khi thượng cầu, đương sự phải viết đơn yêu cầu chính tác giả
bãi bỏ hay sửa đổi nghị định. Việc nộp đơn thỉnh nguyện bao hàm việc xin đình chỉ việc
chấp hành nghị định.
(2) Phải trình đơn thỉnh nguyện trong hạn kỳ thất hiệu là mười ngày kể từ khi nghị
định được cáo tri hợp pháp.
(3) Các quy tắc nói ở triệt 1 và 2 không có giá trị:
1. trong việc đệ trình thượng cầu lên Giám Mục để kháng lại các nghị định được ban hành do những người hữu trách thuộc quyền của ngài;
2. trong việc đệ trình thượng cầu kháng lại một nghị định trong đó quyết định là do
Giám Mục ban hành;
3. trong việc đệ trình thượng cầu dựa theo các quy tắc ở các điều 57 và 1735.
Ðiều 1735: Nếu trong hạn ba mươi ngày từ khi thỉnh đơn được đệ trình theo điều 1734 đến tay tác giả nghị định, mà vị này ra một nghị định mới sửa đổi nghị định trước hay quyết định bác đơn, thì hạn kỳ thượng cầu bắt đầu từ khi nghị định mới được cáo tri; tuy nhiên, nếu trong hạn ba mươi ngày mà tác giả nghị định không quyết định gì cả, thì hạn kỳ sẽ bắt đầu từ ngày thứ ba mươi.
Ðiều 1736:
(1) Trong những vấn đề mà sự thượng cầu hệ trật đình chỉ việc thi hành
nghị định, thì thỉnh đơn nói ở điều 1734 cũng phát sinh hiệu lực tương tự.
(2) Trong những trường hợp khác, nếu chính tác giả nghị định không quyết định
đình chỉ thi hành trong hạn mười ngày kể từ khi nhận thỉnh đơn như nói ở điều 1734,
thì việc đình chỉ có thể được lâm thời yêu cầu nơi Thượng Cấp hệ trật của tác giả.
Thượng Cấp này có thể quyết định đình chỉ khi có lý do hệ trọng, tuy phải cẩn thận kẻo
phần rỗi các linh hồn vì đó mà bị thiệt hại.
(3) Sau khi đã đình chỉ sự thi hành nghị định theo quy tắc ở triệt 2, nếu sau đó sự
thượng cầu được đệ trình, thì người phải xét xử thượng cầu chiếu theo quy tắc ở điều
1737, triệt 3, phải quyết định nên xác nhận hay thu hồi việc đình chỉ.
(4) Nếu không có sự thượng cầu nào được đệ trình để kháng lại nghị định trong hạn
kỳ luật định, thì việc đình chỉ sự thi hành với hiệu lực lâm thời, chiếu theo quy tắc ở triệt
1 hay triệt 2, sẽ đương nhiên chấm dứt.
Ðiều 1737:
(1) Ai cho rằng mình bị thiệt hại vì một nghị định thì có thể thượng cầu,
vì bất cứ lý do chính đáng nào, lên Thượng Cấp hệ trật của người đã ban hành nghị
định. Sự thượng cầu có thể nạp tại chính tác giả của nghị định, và vị này phải lập tức
chuyển nó lên Thượng Cấp hệ trật.
(2) Sự thượng cầu phải được đệ trình trong hạn kỳ thất hiệu là mười lăm ngày.
Trong trường hợp nói ở điều 1734, triệt 3, hạn kỳ thất hiệu bắt đầu từ ngày nghị định
được cáo tri; trong những trường hợp khác, hạn kỳ bắt đầu theo quy tắc của điều 1735.
(3) Kể cả trong những trường hợp mà sự thượng cầu không đương nhiên đình chỉ
việc thi hành nghị định, hay việc đình chỉ không được quyết định theo quy tắc ở điều 1736, triệt 2, thì Thượng Cấp, vì lý do hệ trọng, có thể ra lệnh đình chỉ việc thi hành,
nhưng phải thận trọng kẻo phần rỗi các linh hồn vì đó mà bị thiệt hại.
Ðiều 1738: Người thượng cầu luôn có quyền nhờ luật sư hay người thụ ủy, nhưng phải tránh những trì hoãn vô ích. Hơn nữa, cần phải chỉ định những luật sư chiếu chức vụ nếu người thượng cầu không có luật sư và Thượng Cấp xét thấy là cần thiết. Tuy nhiên, Thượng Cấp luôn có thể ra lệnh cho chính người thượng tố phải trình diện để được thẩm vấn.
Ðiều 1739: Thượng Cấp xét xử đơn thượng cầu được phép, tùy trường hợp, không những là xác nhận nghị định hay tuyên bố vô hiệu, mà còn có thể hủy bỏ, thu hồi, hay, nếu Thượng Cấp thấy thích hợp, có thể sửa đổi, bổ túc hay thêm bớt nghị định cũ.
Ðiều 1740: Khi sứ mệnh mục vụ của một cha sở vì lý do nào đó, dù cho không phải lỗi của ngài, trở thành nguy hại hay ít là không được hiệu quả, thì cha sở đó có thể bị Giám Mục dời đi khỏi giáo xứ.
Ðiều 1741: Những lý do chính khiến cho cha sở có thể bị dời đi hợp lệ khỏi giáo xứ là:
1. Cách thức hoạt động gây tổn hại hay xáo trộn nặng đến sự hiệp thông trong Giáo
Hội;
2. Sự thiếu khả năng hay bệnh tật thường xuyên về tâm thần hay thể xác, làm cho
cha sở không đủ sức chu toàn xứng hợp các chức vụ của mình;
3. Mất sự quý trọng nơi các giáo dân tốt và đứng đắn, hoặc có sự hiềm khích chống
lại cha sở, và tình trạng ấy không thể chấm dứt trong một thời gian ngắn;
4. Chểnh mảng trầm trọng hoặc vi phạm các bổn phận của một cha sở; sau khi đã
cảnh cáo mà không sửa chữa;
5. Quản trị bê bối các tài sản khiến cho Giáo Hội bị thiệt hại nặng mà không còn
phương cách nào khác để điều trị sự tai hại này.
Ðiều 1742:
(1) Nếu sau khi đã điều tra, Giám Mục thấy có lý do như nói ở điều
1740, ngài sẽ thảo luận vấn đề với hai cha sở, được Hội Ðồng Linh Mục tuyển chọn
vào phận sự này theo lời đề nghị của Giám Mục. Sau đó, nếu nhận thấy phải đi đến
quyết định bãi chức, Giám Mục phải lấy tình cha con thuyết phục cha sở từ chức trong
hạn mười lăm ngày. Tuy nhiên, để sự bãi chức được hữu hiệu, cần phải nói cho cha sở
biết các lý do và luận cứ.
(2) Ðối với cha sở thành phần của một dòng tu hay một tu đoàn tông đồ, phải giữ
quy định ở điều 682, triệt 2.
Ðiều 1743: Sự từ chức của cha sở có thể được thực hiện không những là cách đơn thường, mà còn với điều kiện nữa, miễn là điều kiện ấy có thể được Giám Mục chấp nhận hợp pháp và thật sự được chấp nhận.
Ðiều 1744:
(1) Nếu cha sở không trả lời trong hạn kỳ đã ấn định, thì Giám Mục phải
lặp lại lời yêu cầu và đồng thời phải gia hạn thời gian hữu ích để trả lời.
(2) Nếu Giám Mục biết rõ cha sở đã nhận giấy yêu cầu lần thứ hai mà không trả lời,
mặc dù không bị ngăn trở gì, hoặc nếu cha sở không chịu từ chức mà không đưa ra lý
do, thì Giám Mục sẽ ban hành nghị định bãi chức.
Ðiều 1745: Tuy nhiên, nếu cha sở phản đối lý do và các lý do đã viện ra, và đồng thời dẫn dụ các luận cứ mà Giám Mục xét thấy là không đầy đủ, thì để Giám Mục có thể hành động hữu hiệu, cần phải:
1. Yêu cầu cha sở, sau khi đọc kỹ các án từ, viết một bản tường trình trong đó ghi
tất cả những điều mình phản đối, và mang lại các bằng chứng nghịch lại, nếu có;
2. Sau đó, nếu cần, phải bổ túc thẩm cứu và cân nhắc vấn đề cùng với các cha sở
như nói ở điều 1742, triệt 1; nếu họ bị ngăn trở thì phải chỉ định những người khác;
3. Sau cùng, sẽ quyết định bãi chức cha sở hay không, và phải lập tức ban hành
nghị định liên hệ.
Ðiều 1746: Giám Mục phải lo dự liệu cho cha sở bị bãi chức một nhiệm vụ khác nếu người có khả năng, hoặc cấp một hưu bổng, tùy trường hợp đòi hỏi và hoàn cảnh cho phép.
Ðiều 1747:
(1) Cha sở bị bãi chức phải ngưng thi hành chức vụ cha sở, rời bỏ nhà
xứ càng sớm càng tốt, và phải giao lại tất cả những gì thuộc về giáo xứ cho ngùi được
Giám Mục ủy thác giáo xứ.
(2) Tuy nhiên, nếu cha sở đang bệnh và gặp khó khăn để rời khỏi nhà xứ đi nơi
khác, thì Giám Mục sẽ để cho người xử dụng nhà xứ, kể cả việc xử dụng độc quyền
nữa, bao lâu nhu cầu kéo dài.
(3) Bao lâu việc thượng cầu kháng lại nghị định bãi chức còn tiếp diễn, Giám Mục
không được bổ nhiệm cha sở mới, nhưng phải lâm thời liệu một vị giám quản giáo xứ.
Ðiều 1748: Nếu thiện ích của các linh hồn hay nhu cầu hoặc lợi ích của Giáo Hội đòi hỏi cha sở phải được thuyên chuyển từ giáo xứ mà ngài đang điều khiển rất có kết quả, đến một giáo xứ khác hay đến một nhiệm vụ khác, Giám Mục phải viết giấy cho cha sở đề nghị thuyên chuyển, và khuyến dụ người nên ưng nhận vì lòng mến Chúa và các linh hồn.
Ðiều 1749: Nếu cha sở không sẵn sàng theo đề nghị và khuyến dụ của Giám Mục, thì người phải trình bày lý do trên giấy tờ.
Ðiều 1750: Mặc dù các lý do đã viện dẫn, nhưng Giám Mục xét thấy không nên thay đổi lý do quyết định của mình, thì cùng với hai cha sở được tuyển chọn như nói ở điều 1742, triệt 1, Giám Mục phải cân nhắc các lý lẽ thuận và nghịch của việc thuyên chuyển. Sau đó, nếu còn xét thấy cần phải thuyên chuyển, Giám Mục sẽ lặp lại các lời khuyến dụ với tình cha con.
Ðiều 1751:
(1) Sau khi đã thi hành các chặng ấy, nếu cha sở vẫn còn từ chối và
Giám Mục nghĩ rằng phải tiến hành việc thuyên chuyển, thì ngài sẽ ban hành nghị định
thuyên chuyển và ấn định rằng sau một thời hạn nhất định, giáo xứ sẽ trở thành khuyết
vị.
(2) Sau khi thời hạn này qua đi vô ích, Giám Mục phải tuyên bố giáo xứ khuyết vị.
Ðiều 1752: Trong các vụ thuyên chuyển, cần áp dụng các quy định ở điều 1747, phải giữ lẽ công bình theo giáo luật và đặt trước mắt luật tối cao trong Giáo Hội, đó là phần rỗi các linh hồn.