Ðiều 204:
(1) Các tín hữu là những người, nhờ phép Rửa Tội, được hiệp thân với
Ðức Kitô, kết thành dân của Chúa và do đó, họ tham dự theo cách thế riêng vào chức
vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Ðức Kitô. Theo điều kiện của mỗi người, họ được
kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo Hội chu toàn trong
thế giới.
(2) Giáo Hội này, được thiết lập và tổ chức như một xã hội ở trong thế giới, tồn tại
trong Giáo Hội Công Giáo, được cai quản do người kế vị Thánh Phêrô và do các Giám
Mục hiệp thông với Người.
Ðiều 205: Ðược hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo trên địa cầu này là những người đã chịu phép Rửa Tội kết hợp với Ðức Kitô trong cơ chế hữu hình của Giáo Hội, tức là bằng những mối dây của việc tuyên xưng Ðức Tin, của các phép Bí Tích và của việc cai trị của Hội Thánh.
Ðiều 206:
(1) Những người dự tòng liên hệ với Giáo Hội bởi một lý do đặc biệt. Nhờ
Chúa Thánh Thần thúc đẩy, họ bày tỏ minh thị lòng mong ước được gia nhập Giáo Hội;
chính nhờ sự ước muốn đó cũng như nhờ đời sống tin, cậy, mến mà họ liên kết với
Giáo Hội, và Giáo Hội tiếp đón họ như là phần tử của mình vậy.
(2) Giáo Hội săn sóc cách riêng những người dự tòng. Trong khi mời gọi họ sống
đời sống Phúc Âm, và dẫn nhập họ vào việc cử hành các nghi lễ thánh, Giáo Hội rộng
ban cho họ nhiều đặc ân dành riêng cho các tín hữu.
Ðiều 207:
(1) Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo Hội, có
các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo Sĩ; còn các người
khác được gọi là Giáo Dân.
(2) Trong cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa một
cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội bằng việc tuyên giữ các
lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây ràng buộc thánh thiện khác, được
Giáo Hội công nhận và phê chuẩn. Hàng ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm
trật của Giáo Hội, nhưng thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.
Ðiều 208: Giữa các tín hữu, nhờ sự tái sinh trong Ðức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng thân thể Ðức Kitô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng của từng người.
Ðiều 209:
(1) Các tín hữu buộc phải luôn luôn duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội, kể cả trong đường lối hành động.
(2) Họ phải chuyên cần chu toàn mọi trách vụ đối với Giáo Hội hoàn vũ cũng như
đối với Giáo Hội địa phương mà họ trực thuộc chiếu theo luật.
Ðiều 210: Tất cả các tín hữu, tùy theo điều kiện riêng mình, phải cố gắng hết sức sống đời thánh thiện, và lo cho Giáo Hội được phát triển và được thánh hóa liên lỉ.
Ðiều 211: Tất cả các tín hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới hết mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi.
Ðiều 212:
(1) Ý thức trách nhiệm riêng của mình, các tín hữu, với lòng vâng phục
Kitô Giáo, phải tuân theo những điều mà các vị Chủ chăn có chức thánh đại diện Chúa
Kitô, tuyên giảng với tư cách là các thầy dạy đức tin hoặc qui định với tư cách là người
lãnh đạo Giáo Hội.
(2) Các tín hữu có quyền trình bày cho các Chủ chăn của Giáo Hội, các nhu cầu của
mình, nhất là các nhu cầu thiêng liêng, và các ước vọng của mình.
(3) Tùy theo kiến thức, chuyên môn và tài ba của mình, họ có quyền, và đôi khi kể
cả bổn phận, bày tỏ cho các Chủ chăn có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới
lợi ích của Giáo Hội. Họ cũng có quyền biểu lộ ý kiến của mình cho các tín hữu khác,
miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, cũng như sự tôn kính đối với các
Chủ chăn, và để ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân.
Ðiều 213: Các tín hữu có quyền được lãnh nhận từ các Chủ chăn sự hỗ trợ nhờ các của cải thiêng liêng của Giáo Hội, nhất là Lời Chúa và các Bí tích.
Ðiều 214: Các tín hữu có quyền phụng thờ Thiên Chúa theo các qui định của lễ điển riêng đã được các Chủ chăn hợp pháp của Giáo Hội chuẩn y, và quyền theo đuổi một hình thái của đời sống thiêng liêng, miễn sao phù hợp với đạo lý của Giáo Hội.
Ðiều 215: Các tín hữu có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ võ ơn gọi của người Kitô trong thế giới; họ cũng có quyền nhóm họp để cùng nhau theo đuổi đạt tới các mục đích đó.
Ðiều 216: Vì được tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, tất cả các tín hữu có quyền cổ võ và nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng sáng kiến riêng, tùy theo tình trạng và điều kiện của họ; tuy nhiên không sáng kiến nào có thể mệnh danh là Công Giáo, nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội.
Ðiều 217: Các tín hữu, xét vì bởi phép Rửa Tội, họ được kêu gọi sống cuộc đời phù hợp với giáo lý Phúc Âm, nên có quyền hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo, nhờ đó họ được đích thực giáo huấn để đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đồng thời, hiểu biết và sống mầu nhiệm cứu độ.
Ðiều 218: Những kẻ nghiên cứu các thánh khoa được hưởng quyền tự do chính đáng để sưu tầm và trình bày ý kiến cách thận trọng trong lãnh vực chuyên môn của họ, miễn là duy trì lòng suy phục đối với quyền giáo huấn của Giáo Hội.
Ðiều 219: Tất cả các tín hữu có quyền không bị cưỡng ép trong việc lựa chọn bậc sống.
Ðiều 220: Không ai được phép làm thiệt hại cách bất hợp pháp đến thanh danh mà mỗi người được hưởng, hoặc vi phạm quyền của mỗi người được bảo vệ bí mật riêng tư của mình.
Ðiều 221:
(1) Các tín hữu được phép đòi hỏi và bảo vệ cách chính đáng những
quyền lợi mà họ được hưởng trong Giáo Hội trước Tòa án Giáo Hội hợp với quy tắc
luật định.
(2) Khi bị nhà chức trách có thẩm quyền nào triệu ra tòa, các tín hữu có quyền được
xử theo các quy tắc của luật pháp được áp dụng hợp với lẽ phải.
(3) Các tín hữu có quyền chỉ bị thụ án phạt theo Giáo Luật hợp với quy tắc luật định.
Ðiều 222:
(1) Các tín hữu có bổn phận chu cấp cho các nhu cầu của Giáo Hội, để
Giáo Hội có sẵn những gì cần thiết hầu xử dụng vào việc phụng thờ Thiên Chúa, các
công tác tông đồ và bác ái và việc trợ cấp xứng đáng cho các thừa tác viên.
(2) Các tín hữu có bổn phận cổ võ công bằng xã hội cũng như dùng tài sản riêng để
giúp đỡ những người nghèo, theo lệnh truyền của Thiên Chúa.
Ðiều 223:
(1) Khi xử dụng các quyền lợi của mình, các tín hữu, dù là cá nhân hay
kết hợp thành các hiệp hội, phải xét tới lợi ích chung của Giáo Hội, cũng như quyền lợi
của người khác, và những bổn phận của mình đối với tha nhân.
(2) Nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền để điều hành, chiếu theo lợi ích chung,
việc xử dụng các quyền lợi thuộc riêng cho các tín hữu.
Ðiều 224: Các giáo dân, ngoài những nghĩa vụ và quyền lợi chung dành cho tất cả các tín hữu Kitô giáo và những gì ấn định trong các điều luật khác, họ còn có những nghĩa vụ và quyền lợi được nói tới trong những điều luật của thiên này.
Ðiều 225:
(1) Xét vì các giáo dân, cũng như mọi tín hữu khác, được Thiên Chúa ủy
thác làm việc tông đồ do phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, nên họ có nghĩa vụ tổng
quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hợp thành hiệp hội, phải làm sao
để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận.
Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo
dân, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và biết Ðức Kitô.
(2) Tùy theo điều kiện riêng của từng người, các giáo dân cũng có bổn phận riêng
phải thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc Âm; và như vậy họ làm
chứng cho Ðức Kitô đặc biệt khi điều hành các sự việc thế trần cũng như lúc thi hành
các chức vụ trên đời.
Ðiều 226:
(1) Những ai sống trong bậc vợ chồng theo ơn gọi riêng, thì có bổn phận đặc biệt phải cố gắng xây dựng dân Chúa qua hôn nhân và gia đình.
(2) Các cha mẹ, vì truyền thụ sự sống cho con cái nên có nghĩa vụ rất nghiêm trọng
và quyền lợi giáo dục chúng. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên của các cha mẹ Kitô giáo là lo
bảo đảm sự giáo dục Kitô giáo cho các con cái hợp với giáo huấn Giáo Hội.
Ðiều 227: Các giáo dân có quyền được nhìn nhận sự tự do dành cho mọi công dân trong lãnh vực trần thế. Nhưng khi xử dụng quyền tự do này, họ phải lo sao cho mọi hành động của họ được thấm nhập bằng tinh thần Phúc Âm, và họ phả để ý đến đạo lý do quyền giáo huấn của Giáo Hội đề ra, tuy phải tránh để đừng trình bày ý kiến riêng của mình trong vấn đề còn đang tranh luận như là giáo huấn của Giáo Hội.
Ðiều 228:
(1) Các giáo dân nào được nhận thấy là có khả năng thì có năng cách để
được các Chủ chăn mời đảm nhận các chức vụ trong Giáo Hội và các nhiệm vụ mà họ
có thể hành sử được chiếu theo quy tắc luật định.
(2) Các giáo dân nào xuất sắc trong sự hiểu biết, khôn ngoan và thanh liêm thì có
năng lực để giúp đỡ các chủ chăn của Giáo Hội với tư cách chuyên viên hoặc cố vấn,
kể cả trong các hội đồng tư vấn theo các quy tắc luật định.
Ðiều 229:
(1) Ðể có thể sống theo đạo lý Kitô giáo, và để có thể loan báo và bảo vệ đạo lý ấy khi cần, và để có thể thi hành phận vụ mình trong việc tông đồ, các giáo dân có nghĩa vụ và quyền lợi thủ đắc sự hiểu biết đạo lý hợp với khả năng và điều kiện
riêng của mỗi người.
(2) Họ cũng có quyền thủ đắc sự hiểu biết sâu xa hơn trong những thánh khoa
được dạy trong các đại học, hoặc các phân khoa của Giáo Hội hay trong các trường
dạy ton giáo, bằng cách theo các lớp giảng và lấy các bằng cấp chuyên môn.
(3) Cũng thế, khi họ đã chu tất những gì luật đòi buộc, họ có năng cách để được
thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội ủy nhiệm dạy các thánh khoa.
Ðiều 230:
(1) Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của
Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ
phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo
Hội trợ cấp hoặc trả lương.
(2) Các giáo dân có thể được chỉ định tạm thời đảm nhận việc đọc sách trong các
việc phụng vụ. Cũng thế, tất cả các giáo dân có thể thi hành những công tác của người
chú giải, ca trưởng hoặc những công tác khác theo quy tắc luật định.
(3) Nơi nào nhu cầu Giáo Hội đòi hỏi và thiếu thừa tác viên, thì các giáo dân dù
không có tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thể họ làm một số việc, tỉ như thi
hành tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi cầu nguyện, rửa tội và cho rước lễ theo các quy
tắc luật định.
Ðiều 231:
(1) Các giáo dân nào được cử vào công tác đặc biệt của Giáo Hội, dù
thường xuyên hay tạm thời, thì có bổn phận thủ đắc sự huấn luyện thích hợp để có thể
chu toàn nhiệm vụ của họ; họ cũng có bổn phận thi hành nhiệm vụ cách ý thức, tận tâm
và cần mẫn.
(2) Tuy vẫn giữ nguyên vẹn điều 230, triệt 1, họ có quyền được nhận thù lao xứng
đáng tùy theo điều kiện của họ, ngõ hầu họ có thể được chu cấp xứng hợp các nhu cầu
riêng cho chính họ và nhu cầu của gia đình họ; trong vấn đề này, phải giữ các quy tắc
của dân luật nữa. Ngoài ra, họ có quyền hưởng bảo hiểm, an ninh xã hội và trợ cấp y
tế.
Ðiều 232: Giáo Hội có nghĩa vụ và quyền lợi riêng biệt và độc hữu đào tạo các người được trạch cử vào tác vụ thánh.
Ðiều 233:
(1) Toàn thể cộng đồng Kitô giáo có nghĩa vụ cổ động ơn gọi, hầu cung
cấp đủ cho nhu cầu các tác vụ thánh trong toàn thể Giáo Hội. Nghĩa vụ này bó buộc
cách riêng các gia đình Kitô giáo, các nhà giáo dục và đặc biệt là các Linh Mục, nhất là
các Cha Sở. Các Giám Mục giáo phận, những người phải lo cổ động ơn gọi hơn ai hết,
hãy dạy cho dân đã được trao phó cho mình về sự cao trọng của tác vụ thánh và sự
cần thiết của các thừa tác viên có chức thánh trong Giáo Hội; các vị hãy phát động và
nâng đỡ các sáng kiến cổ động ơn gọi, nhất là qua các cơ sở đã được thành lập nhằm
mục tiêu ấy.
(2) Ngoài ra, các Linh Mục, nhất là các Giám Mục giáo phận, phải để tâm lo cho
những người đã đứng tuổi và cảm thấy được gọi vào tác vụ thánh, sao cho những
người ấy được giúp đỡ khôn khéo bằng lời nói và bằng hành động, và được chuẩn bị
xứng đáng.
Ðiều 234:
(1) Ở đâu đã có, thì hãy duy trì và cổ động các tiểu chủng viện hay các tổ
chức tương tự nhằm cổ võ ơn gọi qua việc đào tạo đạo đức riêng biệt cũng như giáo
dục về mặt nhân bản và khoa học. Thậm chí, ở đâu Giám Mục giáo phận xét thấy thuận
lợi, thì nên tiến tới việc thành lập tiểu chủng viện hoặc một học hiệu tương tự.
(2) Ngoại trừ những trường hợp cụ thể đòi hỏi phải làm cách khác, các thanh thiếu
niên ước muốn tiến lên chức Linh Mục cần phải được hấp thụ một nền giáo dục nhân
bản và khoa học, tương đương với thanh thiếu niên chuẩn bị vào cấp học cao đẳng tại
địa phương mình.
Ðiều 235:
(1) Các thanh niên ước muốn tiến lên chức Linh Mục phải được hấp thụ
sự huấn luyện về mặt thiêng liêng thích hợp và về các chức vụ riêng trong đại chủng
viện trong suốt thời gian huấn luyện, hoặc ít là trong bốn năm, nếu hoàn cảnh đòi hỏi
như vậy theo nhận định của Giám Mục.
(2) Những ai được trọ ở ngoài chủng viện cách hợp pháp, thì Giám Mục giáo phận
cần cử một Linh Mục đạo đức và có khả năng để phụ trách cho họ được huấn luyện kỹ
lưỡng về đời sống đạo đức và về kỷ luật.
Ðiều 236: Các ứng viên lên chức Phó Tế vĩnh viễn cần được huấn luyện để nuôi
dưỡng đời sống thiêng liêng và để chu toàn bổn phận riêng của chức thánh, tùy theo
qui định của Hội Ðồng Giám Mục:
1. các ứng viên trẻ tuổi phải qua thời gian đào tạo ít nhất là ba năm tại một nhà
riêng biệt, trừ khi Giám Mục giáo phận ấn định cách khác vì có lý do trầm trọng;
2. các ứng sinh lớn tuổi, độc thân hay đã kết bạn, phải theo một chương trình kéo
dài ba năm do Hội Ðồng Giám Mục ấn định.
Ðiều 237:
(1) Khi có thể được và xét thấy thuận lợi, trong mỗi giáo phận nên có một
Ðại chủng viện; nếu không, các ứng viên chuẩn bị tác vụ thánh sẽ được gửi trong các
chủng viện khác, hoặc sẽ thành lập một chủng viện liên giáo phận.
(2) Chủng viện liên giáo phận chỉ được thành lập do Hội Ðồng Giám Mục - nếu là
chủng viện cho toan thể lãnh thổ, hoặc do các Giám Mục liên hệ - nếu không dành cho
toàn lãnh thổ, sau khi đã được Tòa Thánh phê chuẩn cả về việc thành lập cũng như về
quy chế của chính chủng viện.
Ðiều 238:
(1) Các chủng viện đã thành lập hợp pháp thì đương nhiên được hưởng
tư cách pháp nhân trong Giáo Hội.
(2) Giám Ðốc thay mặt chủng viện trong tất cả mọi công việc, ngoại trừ những việc
mà nhà chức trách có thẩm quyền ấn định cách khác.
Ðiều 239:
(1) Trong mỗi chủng viện cần có một Giám Ðốc đứng đầu, và nếu cần,
một Phó Giám Ðốc, một Quản Lý và, nếu các chủng sinh theo học ở trong chính chủng
viện, thì cả các giáo sư dạy các môn học khác nhau theo một chương trình được sắp
xếp quy củ.
(2) Trong mỗi chủng viện, ít ra phải có một Linh giám. Tuy nhiên, các chủng sinh
được tự do lui tới với các Linh Mục khác đã được Giám Mục trạch cử vào trách vụ đó.
(3) Trong nội quy của chủng viện, cần ấn định phương thức nhờ đó các vị điều hành
khác, các giáo sư và ngay cả chính các chủng sinh đều có thể chia sẻ trách nhiệm với
Giám Ðốc, nhất là trong việc duy trì kỷ luật.
Ðiều 240:
(1) Ngoài các cha giải tổi thường xuyên, các cha giải tội khác nên tới
chủng viện cách đều đặn; và trong khuôn khổ kỷ luật của chủng viện, các chủng sinh
luôn luôn có thể đến với bất cứ cha giải tội nào ở trong hoặc ở ngoài chủng viện.
(2) Khi phải quyết định về việc chấp nhận các ứng sinh tiến chức hoặc là thải hồi họ
ra khỏi chủng viện, không bao giờ được hỏi ý kiến của cha Linh Giám và của các cha
giải tội.
Ðiều 241:
(1) Giám Mục giáo phận chỉ nên thâu nhận vào Ðại chủng viện những
người nào, xét theo các đức tính nhân bản và luân lý, đạo hạnh và trí tuệ, sức khỏe thể
lý và tâm lý cùng ý muốn ngay thẳng của họ, được coi là có đủ khả năng hiến thân trọn
đời cho các tác vụ thánh.
(2) Trước khi được thâu nhận, họ phải xuất trình chứng thư Rửa Tội và Thêm Sức,
cũng như các văn kiện khác theo sự đòi hỏi của chương trình đào tạo Linh Mục.
(3) Khi muốn thâu nhận các chủng sinh đã bị sa thải bởi một chủng viện khác hoặc
bởi một dòng tu, thì còn cần chứng thư của Bề Trên liên hệ, nhất là về lý do của sự sa
thải hoặc sự rời bỏ.
Ðiều 242:
(1) Trong mỗi quốc gia, cần có chương trình đào tạo Linh Mục do Hội
Ðồng Giám Mục soạn thảo, căn cứ trên các quy tắc do thẩm quyền tối cao của Giáo
Hội ấn định, và được Tòa Thánh phê chuẩn. Chương trình ấy cần được thích nghi cho
hợp với hoàn cảnh mới, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh. Trong chương trình đào tạo,
cần phải xác định những nguyên tắc chính yếu về việc đào tạo trong chủng viện, và
những nguyên tắc tổng quát được thích nghi với những nhu cầu mục vụ của từng miền
hoặc từng tỉnh.
(2) Các quy tắc về chương trình nói ở triệt 1 trên đây cần được áp dụng cho tất cả
các chủng viện, dù là giáo phận hay liên giáo phận.
Ðiều 243: Hơn nữa, mỗi chủng viện còn có những điều lệ riêng được chuẩn y bởi Giám Mục giáo phận, hoặc bởi các Giám Mục liên hệ nếu là chủng viện liên giáo phận.
Ðiều lệ nhằm thích nghi chương trình đào tạo Linh Mục hợp với những hoàn cảnh đặc biệt, và nhất là hoạch định rõ ràng hơn những khía cạnh kỷ luật chi phối nếp sống hằng ngày của chủng sinh và trật tự của cả chủng viện.
Ðiều 244: Việc đào luyện về đạo đức và đạo lý cho các chủng sinh cần được hòa hợp và ăn nhịp với nhau, nhằm cho mỗi người tùy theo cá tính riêng, đạt được sự trưởng thành về nhân bản, cùng với tinh thần Phúc Âm và sự kết hợp chặt chẽ với Ðức Kitô.
Ðiều 245:
(1) Nhờ sự đào tạo về đạo đức, các chủng sinh trở thành những người
đủ khả năng thi hành sứ mệnh mục vụ với kết quả phong phú và được huấn luyện về
tinh thần truyền giáo, biết thâm tín rằng sự luôn luôn chu toàn chức vụ với niềm tin
sống động và đức ái sẽ giúp họ thánh hoá bản thân. Ngoài ra, các chủng sinh hãy vun
trồng những đức tính nhân bản cần thiết cho sự sống trong xã hội, sao cho họ biết
dung hòa được những giá trị nhân bản với giá trị siêu nhiên.
(2) Các chủng sinh cần được đào luyện để có lòng yêu mến Giáo Hội của Ðức Kitô,
kết hợp với Ðức Thánh Cha, Người kế vị Thánh Phêrô, với tấm lòng khiêm nhượng và
thảo hiếu, gắn bó với Giám Mục riêng của mình như những người cộng sự trung thành,
và biết hợp tác với anh em đồng nghiệp. Nhờ sự sống chung trong chủng viện và nhờ
liên lạc bằng hữu với các bạn đồng môn, họ được chuẩn bị cho có tinh thần hợp nhất
huynh đệ với Linh Mục đoàn trong giáo phận mà họ sẽ là thành phần nhằm phục vụ
Giáo Hội.
Ðiều 246:
(1) Việc cử hành Thánh Thể phải là trọng tâm cho cả đời sống của chủng
viện, nhờ vậy mà hằng ngày, khi thông hiệp vào chính tình bác ái của Ðức Kitô, các chủng sinh múc lấy từ nguồn suối rất phong phú này, sức mạnh cho công việc tông đồ
và cho đời sống đạo đức của họ.
(2) Họ cần được tập luyện cử hành phụng vụ giờ kinh, nhờ đó các thừa tác viên của
Thiên Chúa, nhân danh Giáo Hội, cầu khẩn Thiên Chúa cho toàn dân đã giao phó cho
họ, và cho toàn thể thế giới nữa.
(3) Họ hãy được khuyến khích tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria, kể cả bằng việc lần hạt
Mân Côi, việc tâm nguyện và các việc đạo đức khác, nhờ đó các chủng sinh thủ đắc
tinh thần cầu nguyện và được vững tâm tiến bước theo ơn gọi.
(4) Các chủng sinh hãy năng xưng tội thường xuyên; ngoài ra, nên khuyến khích
mỗi chủng sinh hãy có một cha Linh Giám do mình lựa chọn và có thể tin cậy cởi mở
lương tâm với người.
(5) Hằng năm, các chủng sinh phải lo tĩnh tâm.
Ðiều 247:
(1) Nhờ sự giáo dục thích hợp, các chủng sinh cần được chuẩn bị sống
bậc độc thân và cần học hiểu để quý trọng nó như một hồng ân đặc biệt của Thiên
Chúa.
(2) Các chủng sinh cần phải ý thức rõ rệt về mọi bổn phận và gánh nặng dành cho
các thừa tác viên có chức thánh của Giáo Hội, không nên giấu diếm gì về những khó
khăn của đời sống Linh Mục.
Ðiều 248: Sự đào tạo về đạo lý nhằm giúp cho các chủng sinh thâu đạt, cùng với nền văn hóa tổng quát thích ứng với những nhu cầu của mỗi nơi mỗi thời, một nền đạo lý sâu rộng và chắc chắn về các môn học thánh, để khi Ðức Tin đã đặt nền tảng và được nuôi dưỡng bởi những môn đó, các chủng sinh có thể loan truyền đạo lý Phúc Âm cách thích hợp cho những người của thời đại mình, hợp với tâm trạng của họ.
Ðiều 249: Chương trình đào tạo Linh Mục phải dự liệu cho các chủng sinh không những được học hỏi kỹ lưỡng tiếng quốc ngữ, mà còn sành sõi La ngữ và hiểu biết những ngoại ngữ khác cần thiết và hữu ích cho chính việc huấn luyện chủng sinh hoặc cho sứ mệnh mục vụ.
Ðiều 250: Các môn Triết học và Thần học trong một chủng viện có thể được dạy kế tiếp nhau hoặc đồng thời với nhau, tùy theo chương trình đào tạo Linh Mục. Hai khoa học ấy phải bao trùm một thời gian ít nhất là sáu năm trọn: hai năm dành cho Triết học và bốn năm dành cho Thần học.
Ðiều 251: Việc huấn luyện Triết học cần dựa vào di sản Triết học có giá trị muôn đời, và đồng thời để ý đến sự nghiên cứu triết học trải qua giòng lịch sử với mục tiêu là bổ túc việc đào tạo về nhân bản cho chủng sinh, rèn trí tuệ thêm sắc sảo và chuẩn bị cho chủng sinh đủ khả năng theo đuổi các môn về Thần học.
Ðiều 252:
(1) Việc huấn luyện Thần học dưới ánh sáng Ðức Tin và theo sự hướng
dẫn của quyền giáo huấn, nhằm giúp các chủng sinh hiểu rõ toàn bộ đạo lý Công Giáo,
dựa vào mạc khải của Thiên Chúa; biết biến nó thành lương thực cho đời sống thiêng
liêng của họ; và có khả năng loan truyền cùng bênh vực nó trong khi thi hành chức vụ.
(2) Các chủng sinh cần được huấn luyện đặc biệt về Kinh Thánh để giúp cho họ có
một cái nhìn tổng quát về Sách Thánh.
(3) Cần có các lớp học về Thần học Tín lý, luôn luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng
trong Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền, nhờ vậy, với Thánh Thomas làm tôn sư, các
chủng sinh học biết tường tận mầu nhiệm cứu độ. Ngoài ra, còn cần các môn Thần học
luân lý và môn mục vụ, giáo luật, phụng vụ, giáo sử và những môn phụ hoặc chuyên
biệt khác nữa, tùy theo chương trình đào tạo Linh Mục ấn định.
Ðiều 253:
(1) Ðể đảm nhận chức giáo sư các môn Triết học, Thần học và Giáo
Luật, Giám Mục hoặc các Giám Mục liên hệ chỉ nên bổ nhiệm những người trổi về nhân
đức, có văn bằng Tiến sĩ hoặc Cử nhân của một đại học hoặc phân khoa đã được Tòa
Thánh công nhận.
(2) Cần lo liệu bổ nhiệm có những giáo sư riêng biệt để dạy từng môn theo phương
pháp riêng: Thánh Kinh, Thần Học, Tín Lý, Luân Lý, Phụng Vụ, Triết Học, Giáo Luật,
Giáo Sử và các môn khác.
(3) Giáo sư nào thiếu sót trách vụ cách nặng nề, sẽ bị sa thải do thẩm quyền nói ở
triệt 1.
Ðiều 254:
(1) Khi dạy học, các giáo sư phải lưu ý đặc biệt đến tính cách duy nhất và
hòa hợp nội tại của toàn bộ giáo lý Ðức Tin, ngõ hầu các chủng sinh có thể cảm thấy
họ đang học một khoa học duy nhất. Ðể dễ đạt mục tiêu đó, trong chủng việc cần có
một người điều khiển việc tổ chức toàn bộ chương trình các môn học.
(2) Các chủng sinh cần được huấn luyện để có thể tự mình khảo cứu để tìm hiểu
các vấn đề, dựa theo phương pháp khoa học. Bởi vậy, cần có những công việc thực
tập, dưới sự chỉ dẫn của các giáo sư, nhờ đó các chủng sinh tập cách học hỏi bằng sự
cố gắng riêng tư của mình.
Ðiều 255: Tuy dù toàn thể công việc huấn luyện chủng sinh trong chủng viện đều qui hướng về mục tiêu mục vụ, nhưng cũng cần dành riêng một phần chương trình dạy về mục vụ, nhờ vậy các chủng sinh học biết được các nguyên tắc và phương pháp liên quan tới việc thi hành tác vụ giảng dạy, thánh hóa và coi sóc dân Chúa, tuy cũng phải lưu ý tới các nhu cầu của từng nơi và từng thời.
Ðiều 256:
(1) Các chủng sinh cần được ân cần huấn luyện chu đáo trong hết mọi
lãnh vực liên can cách riêng tới tác vụ thánh, nhất là về phương pháp dạy giáo lý và
giảng thuyết, về việc phụng tự và đặc biệt là việc cử hành các Bí tích, về việc tiếp xúc
với quần chúng, kể cả với những người không Công Giáo cũng như những người vô tín
ngưỡng, về việc quản trị giáo xứ và những trách vụ khác.
(2) Chủng sinh cần được dạy cho biết những nhu cầu của Giáo Hội phổ quát, để họ
lưu tâm tha thiết đến việc cổ võ ơn thiên triệu, tới công việc truyền giáo, công việc đại
kết Giáo Hội và các vấn đề khẩn trương khác, kể cả những vấn đề xã hội.
Ðiều 257:
(1) Việc đào tạo các chủng sinh cần phải thực hiện thế nào để họ biết để
ý không những cho Giáo Hội địa phương nơi họ nhập tịch để phục vụ, mà còn biết lo
cho cả Giáo Hội phổ quát, và họ tỏ ra sẵn sàng hiến thân cho các Giáo Hội địa phương
đang ở trong tình trạng cấp bách.
(2) Giám Mục giáo phận phải dự liệu cho các giáo sĩ có ý định muốn thuyên chuyển
từ Giáo Hội địa phương của họ tới một Giáo Hội địa phương ở miền khác, được chuẩn
bị thích đáng để thi hành chức vụ thánh, tỉ như học tiếng địa phương và hiểu biết các
định chế, điều kiện xã hội, phong tục và tập quán của miền đó.
Ðiều 258: Ðể cũng có thể học phương pháp làm tông đồ bằng chính việc làm, các chủng sinh, trong suốt thời gian học trình, và nhất là trong thời kỳ nghỉ hè, phải được khởi sự thực hành công việc mục vụ bằng những công tác thích hợp do Bản Quyền xét đoán và chỉ định, dưới sự hướng dẫn của một Linh Mục thành thạo, phù hợp với tuổi của các chủng sinh và các điều kiện của địa phương.
Ðiều 259:
(1) Giám Mục giáo phận, hoặc các Giám Mục liên hệ nếu là chủng viện
liên giáo phận, có thẩm quyền chỉ định Ban Giám Ðốc và công việc quản trị chủng viện.
(2) Giám Mục giáo phận, hoặc các Giám Mục liên hệ nếu là chủng viện liên giáo
phận, nên đích thân lui tới thăm viếng chủng viện, theo dõi việc đào tạo các chủng sinh,
việc giảng dạy Triết và Thần học, thu thập kiến thức về ơn gọi, tính nết, lòng đạo và sự
tấn tới của các chủng sinh, nhất là khi nhằm tới việc truyền chức thánh cho họ.
Ðiều 260: Tất cả mọi người, trong khi lo chu toàn nhiệm vụ riêng của mình, phải vâng phục Giám Ðốc, vì Ngài có phận sự điều hành trực tiếp chủng viện, dựa theo chương trình đào tạo Linh Mục và qui luật của chủng viện.
Ðiều 261:
(1) Giáo Ðốc chủng viện, và dưới quyền Ngài, các vị điều hành, các giáo
sư, ai nấy tùy theo cương vị riêng của mình, phải lo liệu để các chủng sinh trung thành
tuân giữ mọi điều lệ đã ấn định trong chương trình đào tạo Linh Mục và qui luật của
chủng viện.
(2) Giám Ðốc chủng viện và Giám Học phải ân cần lo cho các giáo sư chu toàn
phận sự riêng của họ, theo đúng qui định của chương trình đào tạo Linh Mục và qui luật
của chủng viện.
Ðiều 262: Chủng viện được đặt ra ngoài lãnh vực cai quản của cha sở; bởi vậy, Giám Ðốc chủng viện hoặc một người được thừa ủy sẽ đảm trách phận sự của cha sở đối với hết mọi người ở trong chủng viện, ngoại trừ vấn đề hôn phối và quy định của điều 985.
Ðiều 263: Giám Mục giáo phận, hoặc các Giám Mục liên hệ nếu là chủng viện liên giáo phận, phải đóng góp, dựa theo một giá biểu đã thỏa thuận, vào việc xây cất và bảo trì chủng viện, việc chu cấp cho các chủng sinh, thù lao cho các giáo sư và các nhu cầu khác của chủng viện.
Ðiều 264:
(1) Ðể đáp ứng các nhu cầu của chủng viện, ngoài tiền lạc quyên nói ở
điều 1266, Giám Mục có thể bổ một thứ thuế trong giáo phận.
(2) Tất cả các pháp nhân thuộc Giáo Hội, kể cả pháp nhân tư, có trụ sở trong giáo
phận, phải nộp thuế đóng góp giúp chủng viện, trừ những pháp nhân nào chỉ sống nhờ
tiền bố thí hoặc hiện có một cộng đồng sinh viên hay giáo sư nhằm cổ động cho lợi ích
chung của Giáo Hội. Thuế như vậy có tính cách tổng quát, tương xứng với lợi tức của
những người phải góp thuế và được ấn định tùy theo những nhu cầu của chủng viện.
Ðiều 265: Bất cứ giáo sĩ nào cũng phải nhập tịch hoặc vào một Giáo Hội địa phương hoặc vào một phủ Giám Chức tòng nhân hoặc vào một Dòng tu nào hoặc vào một Tu đoàn hưởng năng quyền ấy; bởi đó, tuyệt đối không chấp nhận các giáo sĩ không có Bề Trên hoặc lang thang.
Ðiều 266:
(1) Do việc lãnh chức Phó Tế, một người trở thành giáo sĩ và được nhập
tịch vào một Giáo Hội địa phương hoặc một phủ Giám Chức tòng nhân mà họ được
tiến chức để phục vụ.
(2) Một phần tử đã khấn trọn đời trong một Dòng tu hoặc đã gia nhập vĩnh viễn vào
một Tu đoàn tông đồ giáo sĩ, khi lĩnh chức Phó Tế thì sẽ nhập tịch như một giáo sĩ vào
Dòng tu hay vào Tu đoàn ấy, chỉ trừ khi Tu đoàn có hiến pháp qui định cách khác.
(3) Một phần tử của một tu hội đời, khi đã chịu chức Phó Tế sẽ nhập tịch vào Giáo
Hội địa phương nơi họ được tiến cử để phục vụ, trừ khi được Tòa Thánh chuẩn
nhượng cho nhập tịch vào chính Tu hội.
Ðiều 267:
(1) Ðể một giáo sĩ đã nhập tịch được nhập tịch hữu hiệu vào một Giáo
Hội địa phương khác, cần phải có văn thư xuất tịch do chính Giám Mục giáo phận ký
nhận và đồng thời phải có văn thư nhập tịch được ký nhận bởi Giám Mục giáo phận
của Giáo Hội địa phương tại nơi mà giáo sĩ ước muốn nhập tịch.
(2) Sự xuất tịch được cấp chỉ có hiệu lực kể từ khi thủ đắc sự nhập tịch vào Giáo
Hội địa phương khác.
Ðiều 268:
(1) Giáo sĩ nào đã được thuyên chuyển hợp lệ từ Giáo Hội địa phương
riêng của mình qua một Giáo Hội địa phương khác, thì sau năm năm chẵn, sẽ được
nhập tịch do luật định vào Giáo Hội địa phương này, nếu đương sự viết đơn tỏ ý muốn
của mình với Giám Mục giáo phận của Giáo Hội đã đón tiếp mình, cũng như với Giám
Mục riêng của mình, và không ai trong hai người thông báo sự phản kháng bằng giấy
tờ trong thời gian bốn tháng kể từ ngày nhận đơn.
(2) Giáo sĩ nào đã được nhập tịch vào một Dòng tu hoặc Tu đoàn tông đồ, theo điều
266 triệt 2 thì được kể là sẽ xuất tịch khỏi Giáo Hội địa phương riêng của mình do việc
được thu nhận trọn đời hay vĩnh viễn vào Dòng tu hay Tu đoàn.
Ðiều 269: Giám Mục giáo phận chỉ nên tiến hành việc nhập tịch của một giáo sĩ khi:
1. nhu cầu hoặc ích lợi của Giáo Hội địa phương của ngài đòi hỏi, và tuân hành các
luật lệ liên quan tới việc chu cấp xứng hợp cho giáo sĩ;
2. chắc chắn có văn kiện hợp lệ cho phép xuất tịch, và hơn nữa, đã được Giám Mục
giáo phận cho xuất tịch cung cấp những tin cần thiết, cách bí mật nếu thấy là cần, về
đời sống, tư cách và học lực của giáo sĩ;
3. giáo sĩ đã tuyên bố, bằng giấy tờ, cho Giám Mục giáo phận rằng mình muốn hiến
thân phục vụ Giáo Hội địa phương mới, đúng như luật định.
Ðiều 270: Sự xuất tịch chỉ có thể ban cấp cách hợp pháp khi có lý do chính đáng, chẳng hạn như ích lợi của Giáo Hội hoặc một điều tốt cho chính giáo sĩ. Sự xuất tịch không thể khước từ nếu không có lý do quan trọng. Tuy nhiên giáo sĩ nào khi cảm thấy mình bị thiệt thòi, và đã tìm được một Giám Mục sẵn sàng đón nhận, thì có thể thượng tố phản kháng quyết định khước từ.
Ðiều 271:
(1) Ngoài trường hợp thực cần thiết cho Giáo Hội địa phương riêng, Giám
Mục giáo phận không nên khước từ sự thuyên chuyển cho các giáo sĩ mà Ngài biết là
họ sẵn sàng và đủ khả năng để làm việc ở những nơi khan hiếm trầm trọng giáo sĩ, ngõ
hầu họ thi hành tác vụ thánh ở đó. Tuy nhiên, Giám Mục nên dự liệu, qua một hợp
đồng với Giám Mục giáo phận tại nơi mà họ sẽ đến, để các quyền lợi và bổn phận của
các giáo sĩ ấy được xác định.
(2) Giám Mục giáo phận có thể cho phép các giáo sĩ của mình tới một Giáo Hội địa
phương khác trong một thời gian nhất định, tuy có thể triển hạn nhiều lần, nhờ đó các
giáo sĩ vẫn tiếp tục nhập tịch tại Giáo Hội địa phương riêng của mình, và khi trở về, họ
vẫn được hưởng mọi quyền lợi dường như họ đã phục vụ với tư cách thừa tác viên có
chức thánh tại đây.
(3) Giáo sĩ đã thuyên chuyển qua một Giáo Hội địa phương khác cách hợp lệ, song
vẫn còn giữ sự nhập tịch trong Giáo Hội gốc, thì có thể bị Giám Mục giáo phận triệu hồi
khi có lý do chính đáng, miễn là phải tôn trọng hợp đồng đã thỏa thuận với Giám Mục
kia, và cũng như sự công bình tự nhiên. Cũng vậy, miễn là tuân giữ mọi điều kiện như
trên, Giám Mục giáo phận của địa phương khác, khi có lý do chính đáng, có thể khước
từ sự cho phép giáo sĩ lưu lại trong lãnh thổ của mình.
Ðiều 272: Giám Quản giáo phận không được cho phép xuất tịch và nhập tịch cũng không được cho phép thuyên chuyển qua một Giáo Hội địa phương nào khác, chỉ trừ khi Tòa Giám Mục trống ngôi đã quá một năm và có sự đồng ý của hội đồng tư vấn.
Ðiều 273: Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt là phải tỏ lòng kính trọng và vâng lời Ðức Thánh Cha và Bản Quyền riêng.
Ðiều 274:
(1) Chỉ duy có các giáo sĩ mới có thể đảm nhận những chức vụ mà việc
hành sử đòi hỏi quyền thánh chức hoặc quyền cai trị trong Hội Thánh.
(2) Các giáo sĩ, nếu không có một ngăn trở hợp lệ duyệt chính, phải lãnh nhận và
trung thành chu toàn nhiệm vụ được Bản Quyền của mình giao phó.
Ðiều 275:
(1) Xét vì tất cả các giáo sĩ đều đồng lao trong cùng một công tác, tức là
việc xây dựng Thân Thể Ðức Kitô, nên họ hãy liên kết với nhau trong mối dây huynh đệ
và sự cầu nguyện, cổ võ sự cộng tác với nhau, theo các qui định của luật địa phương.
(2) Các giáo sĩ phải nhìn nhận và cổ võ sứ mạng mà các giáo dân thực thi theo
phần vụ của họ trong Giáo Hội và trong thế giới.
Ðiều 276:
(1) Trong đời sống, giáo sĩ phải lo theo đuổi sự thánh thiện vì một lý do riêng, xét vì do việc lãnh thánh chức, họ được thánh hiến cho Thiên Chúa với tước hiệu mới là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa hầu phục vụ cho Dân
Ngài.
(2) Ðể có thể theo đuổi sự trọn lành ấy:
1. trước hết, họ hãy chu toàn mọi bổn phận của tác vụ một cách trung thành không
biết mệt mỏi;
2. họ hãy nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng bằng hai Bàn Tiệc của Kinh Thánh và
Thánh Thể; vì thế, các Tư Tế được khẩn khoản kêu mời hãy dâng Thánh Lễ mỗi ngày,
và các Phó Tế, hãy tới tham dự hiến lễ ấy hằng ngày;
3. các Tư Tế và các Phó Tế chuẩn bị làm Linh Mục, buộc mỗi ngày phải đọc Phụng
Vụ Các Giờ Kinh theo sách phụng vụ riêng đã được phê chuẩn; còn các Phó Tế vĩnh
viễn chỉ buộc đọc phần nào đã được Hội Ðồng Giám Mục ấn định;
4. họ cũng buộc tham dự các cuộc tĩnh tâm, theo qui định của luật địa phương;
5. họ nên suy gẫm thường lệ, năng đi xưng tội, sùng kính Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên
Chúa, thi hành các phương tiện thánh hóa khác, chung hay riêng.
Ðiều 277:
(1) Các giáo sĩ buộc phải giữ sự khiết tịnh hoàn toàn và trọn đời vì Nước
Trời, vì vậy họ phải ở độc thân, là một ơn đặc biệt của Thiên Chúa, nhờ đó các tác viên
thánh có thể gắn bó với Ðức Kitô dễ dàng hơn với một con tim không bị chia sẻ và
được thong dong hơn để hiến thân phục vụ Thiên Chúa và nhân loại.
(2) Các giáo sĩ phải khôn ngoan khi giao tiếp với những người mà sự năng lui tới
với họ có thể gây nguy hại cho việc giữ sự khiết tịnh hoặc sinh ra gương xấu cho giáo
hữu.
(3) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền ra những qui luật cụ thể hơn trong vấn đề
này và xét định về việc tuân hành trong những trường hợp riêng biệt.
Ðiều 278:
(1) Các giáo sĩ triều có quyền được lập hiệp hội với nhau nhằm đạt
những mục tiêu thích hợp với bậc giáo sĩ.
(2) Các giáo sĩ triều nên quý trong nhất là các hiệp hội, mà nội quy đã được nhà
chức trách có thẩm quyền phê chuẩn, nhằm thúc giục nhau nên thánh trong sự thi hành
tác vụ, cổ võ sự hiệp nhất giữa giáo sĩ với nhau và với Giám Mục riêng của mình, nhờ
một chương trình sống thích đáng và được chấp thuận hợp lệ cũng như nhờ sự tương
trợ huynh đệ.
(3) Các giáo sĩ không nên lập hay tham gia các hiệp hội mà mục đích cũng như hoạt
động không phù hợp với nghĩa vụ riêng của bậc giáo sĩ, hoặc có thể gây ra nhiều trở
ngại cho việc chu toàn các trách vụ do nhà chức trách của Giáo Hội có thẩm quyền đã
giao phó.
Ðiều 279:
(1) Giáo sĩ cần tiếp tục học các môn thánh khoa, cả sau khi đã chịu chức
Linh Mục, và theo sát đạo lý vững chắc dựa trên Kinh Thánh, và đã được tiền nhân lưu
lại và được tiếp nhận chung trong cả Giáo Hội, như đã xác định bởi các văn kiện do Công Ðồng và Ðức Giáo Hoàng; họ nên tránh những trào lưu rỗng tuếch và những
khoa học giả hiệu.
(2) Dựa theo qui định của luật địa phương, các Linh Mục sau khi đã chịu chức nên
đi tham dự những lớp tu nghiệp về mục vụ và, vào những thời kỳ do luật địa phương
qui định, cũng nên tham dự những lớp học khác, như những lớp hội thảo về Thần học,
các buổi thuyết trình, nhờ đó họ có cơ hội trau dồi thêm kiến thức về các thánh khoa và
phương pháp mục vụ.
(3) Họ cũng nên theo dõi các khoa học khác, nhất là các khoa học có liên quan tới
các thánh khoa, đặc biệt khi sự hiểu biết về chúng sẽ giúp ích cho việc mục vụ.
Ðiều 280: Hết sức khuyến khích các giáo sĩ nên có đời sống chung một cách nào đó; đâu đã có thì hãy duy trì.
Ðiều 281:
(1) Các giáo sĩ hiến thân phục vụ Giáo Hội đáng được hưởng thù lao
tương xứng với điều kiện của họ, xét theo bản chất công việc mà họ đảm nhận cũng
như các hoàn cảnh tùy nơi tùy thời; sao cho họ có thể đáp ứng các nhu cầu riêng tư và
trả công xứng đáng cho những người mà họ cần sự giúp đỡ.
(2) Cần phải liệu sao để các giáo sĩ được hưởng bảo hiểm xã hội, nhờ đó có thể dự
phòng tương xứng những nhu cầu khi đau yếu, tàn tật hoặc tuổi già.
(3) Các Phó Tế đã lập gia đình, nếu đã dành toàn thời giờ để phục vụ Giáo Hội, thì
đáng được hưởng thù lao thế nào để họ có thể chu cấp cho chính bản thân và cho gia
đình họ. Những ai lãnh lương do một nghề nghiệp dân sự hiện đang làm hay trước đây
đã làm thì hãy lo liệu chu cấp mọi nhu cầu của bản thân và của gia đình do lợi tức từ
tiền lương.
Ðiều 282:
(1) Các giáo sĩ nên sống đời giản dị, và xa tránh tất cả những gì có vẻ
phù hoa.
(2) Những tài sản mà họ có được trong khi thi hành một chức vụ Giáo Hội, thì sau
khi đã dự trù cho việc chu cấp xứng đáng và thi hành những nghĩa vụ khác của bậc
mình, nên được dành phần dư vào thiện ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái.
Ðiều 283:
(1) Các giáo sĩ, cho dù không có một nhiệm vụ gắn liền với trú sở, không
được rời khỏi giáo phận trong một thời gian đáng kể, theo luật địa phương đã xác định,
nếu không có phép, ít ra là suy đoán, của Bản Quyền riêng.
(2) Các giáo sĩ, mỗi năm, được hưởng một thời gian phải chăng và đủ dành cho
việc nghỉ ngơi, theo như luật chung hoặc luật địa phương đã ấn định.
Ðiều 284: Các giáo sĩ phải mặc y phục Giáo Hội, theo qui luật của Hội Ðồng Giám Mục đã định và theo tập tục hợp lệ tại địa phương.
Ðiều 285:
(1) Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc
mình, theo như những qui định của luật địa phương.
(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích
hợp với bậc giáo sĩ.
(3) Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành
sử quyền bính dân sự.
(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, giáo sĩ không được nhận làm Quản
Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ
phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng
của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam
kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.
Ðiều 286: Cấm các giáo sĩ không được đích thân hoặc nhờ người khác thi hành mậu dịch, doanh thương nhằm kiếm lợi cho mình hoặc cho người khác, khi không có phép của giáo quyền hợp pháp.
Ðiều 287:
(1) Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi
người, dựa trên nền tảng công bằng.
(2) Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự
phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách
có thẩm quyền của Giáo Hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi
hỏi như vậy.
Ðiều 288: Các Phó Tế vĩnh viễn không buộc giữ các qui định của các điều 284, 285 triệt 3 và 4, 286, 287 triệt 2, trừ khi luật địa phương định cách khác.
Ðiều 289:
(1) Vì nghĩa vụ quân sự không am hợp cho bậc giáo sĩ, cho nên các giáo
sĩ cũng như các ứng sinh chuẩn bị lãnh chức thánh, không được tự nguyện đăng ký
nghĩa vụ quân sự, nếu không có phép của Bản Quyền riêng.
(2) Giáo sĩ nên hưởng dụng những miễn trừ khỏi thi hành các chức vụ và mọi dịch
vụ công quyền không hợp cho bậc giáo sĩ mà luật pháp hoặc thỏa ước, hoặc tập tục đã
dành cho họ, trừ khi nào trong trường hợp đặc biệt Bản Quyền riêng ấn định cách khác.
Ðiều 290: Chức thánh, một khi đã được lãnh nhận cách hữu hiệu, thì không bao giờ mất được. Tuy nhiên, giáo sĩ có thể mất hàng ngũ: 1. do một án văn hoặc nghị định hành chánh tuyên bố sự vô hiệu của việc chịu chức thánh; 2. do hình phạt trục xuất đã tuyên kết hợp lệ; 3. do một phúc nghị của Tòa Thánh; phúc nghị ấy chỉ được ban cấp cho các Phó Tế khi có lý do hệ trọng, và cho các Linh Mục vì lý do rất trầm trọng.
Ðiều 291: Ngoại trừ những trường hợp đã nói ở điều 290 số 1, sự mất hàng giáo sĩ không kèm theo sự tháo chuẩn nghĩa vụ độc thân. Quyền tháo chuẩn nghĩa vụ ấy được dành cho Ðức Thánh Cha.
Ðiều 292: Giáo sĩ nào mất hàng ngũ giáo sĩ chiếu theo luật định thì mất hết mọi quyền lợi riêng dành cho giáo sĩ và không buộc giữ những nghĩa vụ nào thuộc hàng giáo sĩ nữa, đừng kể nghĩa vụ nói ở điều 291. Ðương sự bị cấm thi hành quyền thánh chức, trừ trường hợp luật định ở điều 976. Cũng vậy, đương sự bị tước hết mọi chức vụ, mọi trọng trách và bất cứ mọi thứ quyền thừa ủy nào.
Ðiều 293: Giáo sĩ, khi đã mất hàng ngũ, sẽ không được phép tái nhập hàng giáo sĩ, nếu không có phúc nghị của Tòa Thánh.