Ðiều 1254:
(1) Do một quyền lợi bẩm sinh, không lệ thuộc vào quyền bính dân sự,
Giáo Hội công giáo có thể thủ đắc, sở hữu, quản trị và chuyển nhượng tài sản hầu theo
đuổi các mục đích riêng của mình.
(2) Những mục đích riêng chính yếu là: lo việc phụng tự, chu cấp cách xứng đáng
các giáo sĩ và các tác viên, thực hiện các công cuộc tông đồ và bác ái nhất là đối với
người nghèo.
Ðiều 1255: Toàn thể Giáo Hội và Tòa Thánh, các Giáo Hội địa phương và bất cứ pháp nhân công hay tư nào cũng là chủ thể có khả năng thủ đắc, sở hữu, quản trị và chuyển nhượng tài sản, dựa theo các quy tắc luật pháp.
Ðiều 1256: Chủ quyền của các tài sản thuộc về pháp nhân nào đã thủ đắc chúng cách hợp lệ, dưới quyền bính tối cao của Ðức Thánh Cha.
Ðiều 1257:
(1) Những tài sản thuộc về toàn thể Giáo Hội, Tòa Thánh hay các pháp
nhân công của Giáo Hội là tài sản của Giáo Hội; chúng được điều hành do những điều
luật dưới đây và do các quy chế riêng.
(2) Những tài sản của một pháp nhân tư được điều hành do quy chế riêng chứ
không do những điều luật sau đây, trừ khi đã dự liệu minh thị cách khác.
Ðiều 1258: Trong những điều luật sau đây, danh từ Giáo Hội ám chỉ không những là toàn thể Giáo Hội hay Tòa Thánh, mà cả bất cứ pháp nhân công nào trong Giáo Hội, trừ khi văn mạch hay bản chất sự việc đã rõ cách nào khác.
Ðiều 1259: Giáo Hội có thể thủ đắc các tài sản bằng mọi cách thức chính đáng xét theo luật tự nhiên hay luật thiết định mà những người khác được phép.
Ðiều 1260: Giáo Hội có quyền bẩm sinh để đòi hỏi các tín hữu những gì cần thiết cho các mục đích riêng của mình.
Ðiều 1261:
(1) Các tín hữu được tự do để dâng biếu tài sản cho Giáo Hội.
(2) Giám Mục giáo phận phải nhắc nhở và tùy cơ thúc bách các tín hữu về nghĩa vụ
nói ở điều 222, triệt 1.
Ðiều 1262: Các tín hữu hãy trợ giúp Giáo Hội bằng những đóng góp mà họ được yêu cầu và theo những quy tắc mà Hội Ðồng Giám Mục ấn định.
Ðiều 1263: Vì những nhu cầu của giáo phận, Giám Mục giáo phận có quyền, sau khi đã hỏi ý kiến của Hội Ðồng Kinh Tế và Hội Ðồng Linh Mục, bổ một thuế vừa phải, tương ứng với huê lợi của họ, trên các pháp nhân công lệ thuộc sự cai quản của Ngài; đối với các tư nhân và pháp nhân khác thì chỉ được phép bổ một thuế ngoại thường và vừa phải, trong những trường hợp cấp bách và trầm trọng, theo những điều kiện tương tự, nhưng phải tôn trọng những luật hay tục lệ riêng đã dành cho họ những quyền thuận lợi hơn.
Ðiều 1264: Nếu luật không dự liệu cách khác, thì hội nghị các Giám Mục trong giáo tỉnh có thẩm quyền:
1. định lệ phí phải trả cho những hành vi thuộc quyền hành pháp cấp ân huệ hoặc
cho việc thi hành các phúc nghị của Tòa Thánh; lệ phí này cần được Tòa Thánh phê
chuẩn.
2. định các thù lao nhân dịp cử hành các bí tích hoặc á bí tích.
Ðiều 1265:
(1) Ngoại trừ quyền lợi của các Dòng hành khất, cấm chỉ tất cả các tư
nhân hay pháp nhân không được quyên góp cho bất cứ cơ sở hay mục tiêu có tính
cách đạo đức hay cho Giáo Hội khi không có phép bằng giấy tờ của Bản Quyền riêng
và Bản Quyền sở tại.
(2) Hội Ðồng Giám Mục có thể ấn định các quy tắc về việc quyên tiền. Tất cả mọi
người phải giữ các quy tắc ấy, kể cả những ai, theo định chế, mang danh và thực sự là
hành khất.
Ðiều 1266: Trong mọi nhà thờ và nhà nguyện, dẫu thuộc về dòng tu nhưng mở cửa cho công chúng, Bản Quyền sở tại có thể truyền một cuộc lạc quyên nhằm cho một công cuộc thuộc giáo xứ, giáo phận, quốc gia hay hoàn vũ. Tiền lạc quyên phải được cẩn thận gửi về phủ giáo phận.
Ðiều 1267:
(1) Trừ khi đã nói rõ cách khác, các của cải dâng biếu cho các Bề Trên
hay quản trị viên của bất cứ pháp nhân Giáo Hội nào - kể cả pháp nhân tư - được suy
đoán là dâng biếu cho chính pháp nhân.
(2) Nếu là pháp nhân công, thì không được khước từ các của cải dâng biếu nói ở
triệt 1 khi không có lý do chính đáng, và nếu là đồ vật đáng giá, thì phải có phép của
Bản Quyền. Cũng cần có phép của Bản Quyền mới được nhận những của cải dâng
biếu có kèm theo một gánh nặng về thể thức hay một điều kiện, miễn là bảo toàn điều
1295.
(3) Những của cải mà các tín hữu dâng biếu nhằm một mục tiêu xác định, thì chỉ
được dành riêng cho mục tiêu ấy.
Ðiều 1268: Ðối với tài sản, Giáo Hội chấp nhận thời hiệu như một phương cách để thủ đắc và giải trừ dựa theo quy tắc của các điều 197-199.
Ðiều 1269: Các đồ thánh, nếu thuộc quyền sở hữu của tư nhân, thì có thể thủ đắc bằng thời hiệu do các tư nhân, nhưng không được dùng vào việc phàm tục, trừ khi chúng đã mất sự cung hiến hay làm phép. Nếu chúng thuộc quyền sở hữu của một pháp nhân công của Giáo Hội, thì chỉ có thể thủ đắc do một pháp nhân công khác.
Ðiều 1270: Các bất động sản, các động sản quý giá, các quyền lợi và tố quyền, dù đối nhân hay đối vật, nếu thuộc về Tòa Thánh thì chỉ đắc hiệu sau 100 năm; nếu thuộc về pháp nhân công khác của Giáo Hội, thì thời hiệu là 30 năm.
Ðiều 1271: Vì lý do mối dây hiệp nhất và bác ái, các Giám Mục, tùy theo khả năng của giáo phận, hãy cung cấp những phương thế cần thiết để Tòa Thánh có thể tùy nghi xử dụng vào việc phục vụ toàn thể Giáo Hội cách đắc lực.
Ðiều 1272: Trong những vùng nào còn có các bổng lộc theo nghĩa chặt, thì Hội Ðồng Giám Mục có nghĩa vụ ấn định cách thức điều hành chúng bằng những quy tắc được Tòa Thánh thỏa thuận và phê chuẩn. Các hoa lợi, và nếu có thể được, kể cả chính cơ sở của bổng lộc cần được chuyển dịch dần dần sang quỹ nói ở điều 1274, 1.
Ðiều 1273: Chiếu theo chức vụ cai trị tối thượng, Ðức Thánh Cha là người quản trị và phân phối tối cao của tất cả các tài sản của Giáo Hội.
Ðiều 1274:
(1) Trong mỗi giáo phận, cần phải có một quỹ đặc biệt thu góp các tài
sản và của cải dâng biếu nhằm trợ cấp cho các giáo sĩ phục vụ giáo phận, chiếu theo
quy tắc của điều 281, trừ khi đã dự liệu cách khác.
(2) Ở đâu chưa có tổ chức dự phòng xã hội dành cho các giáo sĩ cách chu đáo, thì
Hội Ðồng Giám Mục hãy liệu để có một quỹ lo việc bảo hiểm xã hội tươm tất cho các
giáo sĩ.
(3) Trong mỗi giáo phận, tùy theo nhu cầu, hãy lập một quỹ chung nhờ đó các Giám
Mục có thể trang trải nghĩa vụ đối với các nhân viên khác phục vụ Giáo Hội và đối phó
với các nhu cầu của giáo phận, cũng như nhờ đó, các giáo phận giàu có thể giúp đỡ
các giáo phận nghèo.
(4) Tùy theo hoàn cảnh địa phương, các mục tiêu nói ở triệt 2 và 3 có thể đạt được
mỹ mãn hơn bằng các quỹ liên giáo phận, bằng sự hợp tác hay bằng sự kết hợp giữa
nhiều giáo phận, hoặc kể cả trong toàn thể lãnh thổ của một Hội Ðồng Giám Mục.
(5) Nếu có thể được, các quỹ ấy phải được thành lập thế nào để chúng có giá trị kể
cả trước dân luật.
Ðiều 1275: Việc quản trị khối tài sản chung cho nhiều giáo phận sẽ theo các quy tắc do các Giám Mục liên hệ đã thỏa thuận.
Ðiều 1276:
(1) Các Bản Quyền có nhiệm vụ giám sát cách ân cần việc quản trị tất
cả các tài sản thuộc về các pháp nhân công ở dưới quyền của họ, đừng kể những danh
nghĩa hợp lệ khác dành cho Bản Quyền quyền hành rộng rãi hơn.
(2) Các Bản Quyền hãy lo liệu tổ chức những gì liên can tới việc quản trị tài sản
Giáo Hội bằng cách ban hành những huấn thị, trong khuôn khổ của luật phổ quát và
luật địa phương và tôn trọng những quyền lực, tục lệ và hoàn cảnh hợp lệ.
Ðiều 1277: Ðể thi hành các hành vi quản trị quan trọng, xét theo tình hình kinh tế của giáo phận, Giám Mục giáo phận phải thỉnh ý Hội Ðồng Kinh Tế và Hội Ðồng Tư Vấn. Ðể thi hành các hành vi quản trị ngoại thường, Giám Mục cần có sự thỏa thuận của Hội Ðồng Kinh Tế và Hội Ðồng Tư Vấn, đừng kể những trường hợp đã được xác định minh thị do luật phổ quát hay văn kiện thành lập. Hội Ðồng Giám Mục có phận sự xác định những hành vi nào được coi là quản trị ngoại thường.
Ðiều 1278: Ngoài các nhiệm vụ nói ở điều 494, triệt 3 và 4, Giám Mục giáo phận có thể ủy thác cho vị quản lý các nhiệm vụ nói ở điều 1276, triệt 1 và 1279, triệt 2.
Ðiều 1279:
(1) Việc quản trị tài sản Giáo Hội thuộc thẩm quyền của người nào trực
tiếp điều khiển pháp nhân sở hữu tài sản ấy, trừ khi luật địa phương, quy chế hay tục lệ
hợp lệ đã định cách khác, và bảo toàn quyền của Bản Quyền được can thiệp trong
trường hợp quản trị viên chểnh mảng nghĩa vụ.
(2) Nếu luật pháp, văn kiện thành lập hay quy chế không dự liệu quản trị viên tài sản
của một pháp nhân công, thì Bản Quyền mà pháp nhân ấy lệ thuộc sẽ chỉ định người
nào có khả năng để lo việc quản trị trong thời hạn ba năm. Bản Quyền có thể bổ nhiệm
họ lần nữa.
Ðiều 1280: Tất cả mọi pháp nhân đều phải có Hội Ðồng Kinh Tế hoặc ít là hai cố vấn để, chiếu theo quy tắc của quy chế, giúp quản trị viên thi hành nhiệm vụ của mình.
Ðiều 1281:
(1) Các quản trị viên sẽ thi hành cách vô hiệu những hành vi vượt quá
mục tiêu và cách thức của việc quản trị thông thường khi không có phép bằng giấy tờ
của Bản Quyền, trừ khi quy chế đã định cách khác.
(2) Quy chế phải xác định những hành vi nào vượt quá mục tiêu và cách thức của
việc quản trị thông thường. Nếu quy chế không nói gì về vấn đề này, thì Giám Mục giáo
phận có thẩm quyền xác định những hành vi ấy cho các pháp nhân thuộc quyền của
mình sau khi đã thỉnh ý Hội Ðồng Kinh Tế.
(3) Pháp nhân không buộc phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà các quản trị
viên thi hành cách vô hiệu, đừng kể khi nào và trong tầm mức mà pháp nhân được
hưởng lợi bởi đó. Còn đối với những hành vi hữu hiệu nhưng có tố quyền hay thượng
cầu để kiện quản trị viên đã làm tổn thiệt cho mình.
Ðiều 1282: Tất cả mọi người, dù là giáo sĩ hay giáo dân, dự phần vào việc quản trị tài sản của Giáo Hội do một danh nghĩa hợp lệ, phải thi hành nhiệm vụ nhân danh Giáo Hội và phù hợp với các quy tắc của pháp luật.
Ðiều 1283: Trước khi bắt đầu thi hành nhiệm vụ, các quản trị viên phải:
1. tuyên thệ trước mặt Bản Quyền hay đại diện, sẽ quản trị cách tận tụy và trung tín;
2. làm bản liệt kê chính xác và riêng rẽ từng bất động sản, và những động sản quý
báu hay thuộc kho tàng văn hóa, và những đồ vật khác, cùng với sự mô tả và ước định
giá trị của chúng. Bản kê khai sẽ do chính quản trị viên ký và thị thực.
3. một bản liệt kê sẽ được lưu trữ trong văn khố của quản trị viên; một bản khác
trong văn khố của giáo phủ. Mọi thay đổi liên hệ đến sản nghiệp cần phải được ghi chú
trong cả hai bản.
Ðiều 1284:
(1) Hết mọi quản trị viên có bổn phận chu toàn nhiệm vụ cách tận tụy như một gia trưởng lương thiện.
(2) Bởi vậy họ phải:
1. canh chừng kẻo các tài sản được giao cho họ coi sóc bị tiêu hủy cách nào hay bị hư hại; nếu cần, có thể ký khế ước bảo hiểm;
2. lo liệu để quyền sở hữu của các tài sản của Giáo Hội được bảo đảm bằng những
phương thế hữu hiệu theo dân luật;
3. tuân giữ các quy định của giáo luật và dân luật, hoặc những quy định mà người
sáng lập, tặng dữ hay quyền bính hợp pháp đã đặt, nhất là ý tứ kẻo Giáo Hội phải thiệt
hại vì không tuân giữ luật dân sự;
4. chăm lo đòi các huê lợi tài sản và tiền đóng góp khi đến thời kỳ; giữ gìn tiền thu
được ở nơi an toàn và xử dụng chúng theo ý định của người sáng lập và các quy tắc
hợp lệ;
5. vào lúc đã định, trả tiền lời do sự vay mượn hay để đương cũng như lo liệu để
hoàn lại tiền vốn mắc nợ khi đáo hạn;
6. với sự thỏa thuận của Bản Quyền, xử dụng hợp với mục tiêu của pháp nhân số
tiền thặng dư sau khi đã trả các phí tổn và đầu tư cách hữu ích;
7. ghi chép sổ sách chi thu có thứ tự;
8. hằng năm làm bản tường trình về việc quản trị;
9. sắp xếp kỹ lưỡng và lưu trữ trong văn khố thích hợp các văn kiện và phương tiện
làm căn cứ cho các quyền lợi của Giáo Hội hoặc của cơ sở đối với tài sản; khi có thể
được, phải giữ một bản sao công chứng trong văn khố của giáo phủ.
(3) Khẩn khoản khuyên các quản trị viên hãy làm một bản dự chi và dự thu hằng năm. Luật địa phương sẽ truyền buộc và xác định phương thức cụ thể để thảo bản ấy.
Ðiều 1285: Duy chỉ trong giới hạn của việc quản trị thông thường, quản trị viên mới được phép tặng dữ các động sản không thuộc về khối sản nghiệp vững bền, nhằm mục tiêu đạo đức hay bác ái.
Ðiều 1286: Các quản trị viên tài sản:
1. trong các khế ước lao công, phải tuân giữ cả luật dân sự về lao động và xã hội,
theo các nguyên tắc mà Giáo Hội đã dạy;
2. trả lương cách công bằng và tử tế cho công nhân đã kết ước, ngõ hầu họ có thể
chu cấp xứng hợp cho các nhu cầu của họ và của gia đình.
Ðiều 1287:
(1) Các quản trị viên, dù là giáo sĩ hay giáo dân, của bất cứ tài sản nào
của Giáo Hội mà không được miễn trừ khỏi quyền hành cai trị của Giám Mục giáo
phận, đều phải tường trình hằng năm lên Bản Quyền sở tại; Bản Quyền sở tại sẽ ủy
thác cho Hội Ðồng Kinh Tế để duyệt xét. Mọi tục lệ trái ngược đều phải bị bài bác.
(2) Các quản trị viên phải tường trình về những tài sản do giáo hữu dâng biếu cho
Giáo Hội, dựa theo các quy tắc mà luật địa phương ấn định.
Ðiều 1288: Các quản trị viên không được khởi tố nhân danh pháp nhân hoặc xuất đình trước tòa án dân sự khi không có phép bằng giấy tờ của Bản Quyền riêng.
Ðiều 1289: Cho dù các quản trị viên không buộc giữ nhiệm vụ với danh nghĩa của một giáo vụ, song họ không thể tự ý từ chức; nếu vì sự từ chức đơn phương của họ mà Giáo Hội bị tổn thiệt thì họ có nghĩa vụ phải bồi thường.
Ðiều 1290: Những gì dân luật tại mỗi địa phương đã định về khế ước nói chung hay nói riêng và về sự trả nợ, thì cần được tuân giữ với những hiệu quả của nó trong giáo luật khi liên hệ tới các sự việc lệ thuộc quyền cai trị của Giáo Hội, trừ khi chúng đi ngược với thiên luật, hoặc khi giáo luật đã dự liệu cách khác, và cần bảo toàn quy định của điều 1547.
Ðiều 1291: Ðể có thể chuyển nhượng cách hữu hiệu các tài sản đã được chỉ định hợp lệ để cấu tạo nên khối sản nghiệp bền vững của một pháp nhân, và giá trị của nó vượt quá mức luật định, thì cần phải có phép của nhà chức trách có thẩm quyền dựa theo các quy tắc pháp luật.
Ðiều 1292:
(1) Ðừng kể quy định của điều 638 triệt 3, khi giá trị của món tài sản
định chuyển nhượng nằm trong giới hạn tối thiểu và tối đa mà Hội Ðồng Giám Mục đã
xác định cho mỗi địa phương, thì nhà chức trách có thẩm quyền sẽ là người mà quy
chế dành riêng đã chỉ định, nếu pháp nhân không lệ thuộc Giám Mục giáo phận; nếu
pháp nhân lệ thuộc Giám Mục giáo phận thì nhà chức trách có thẩm quyền là chính
Giám Mục giáo phận với sự thỏa thuận của Hội Ðồng Kinh Tế, Hội Ðồng Tư Vấn và
những người quan thiết. Giám Mục giáo phận cần có sự thỏa thuận của những người
ấy khi muốn chuyển nhượng một tài sản của giáo phận.
(2) Nếu như giá trị của món tài sản vượt quá mức tối đa, hoặc là vật dâng cúng cho
Giáo Hội do lời khấn, hoặc là những vật có giá trị lịch sử hay nghệ thuật, thì để được
chuyển nhượng hữu hiệu cần phải có phép của Tòa Thánh nữa.
(3) Nếu đồ vật muốn chuyển nhượng có thể phân chia được, thì khi xin phép, phải
trình bày những phần trước đây đã chuyển nhượng rồi; nếu không, giấy phép sẽ không
có giá trị.
(4) Những ai dự phần vào việc tham khảo hay thỏa thuận để chuyển nhượng tài
sản, thì không nên góp ý hay quyết nghị trước khi am tường cặn kẽ tình hình kinh tế
của pháp nhân muốn chuyển nhượng tài sản cũng như những sự chuyển nhượng trong
quá khứ.
Ðiều 1293:
(1) Hơn nữa, để chuyển nhượng tài sản mà giá trị vượt quá mức tối thiểu thì cần có:
1. một lý do chính đáng, tỉ như sự cần thiết cấp bách, lợi ích hiển nhiên, việc đạo đức, lý do mục vụ trầm trọng nào khác;
2. việc định giá đồ vật muốn chuyển nhượng do các chuyên viên thảo ra giấy tờ.
(2) Ðể tránh gây tổn thiệt cho Giáo Hội, phải giữ các dự phòng mà nhà chức trách hợp pháp đã ấn định.
Ðiều 1294:
(1) Thường thường không được chuyển nhượng với giá thấp hơn giá đã
ước lượng.
(2) Tiền thu được do sự chuyển nhượng phải được giữ cẩn thận nhằm sinh lợi cho
Giáo Hội, hoặc tiêu dùng cách khôn khéo tùy theo mục đích của việc chuyển nhượng.
Ðiều 1295: Các yêu sách của các điều 1291-1294 phải được tuân giữ không những trong sự chuyển nhượng, mà cả trong mọi nghiệp vụ trong đó điều kiện sản nghiệp của pháp nhân bị suy giảm. Các quy chế của các pháp nhân cần phải được điều chỉnh hợp với các điều luật ấy.
Ðiều 1296: Nếu các tài sản được chuyển nhượng không theo các trọng thức của giáo luật nhưng sự chuyển nhượng lại hữu hiệu theo dân luật, thì nhà chức trách có thẩm quyền, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ quyết định có nên xử dụng tố quyền đối nhân hay đối vật hay không, do ai và đối kháng với ai, ngõ hầu đòi lại quyền lợi cho Giáo Hội.
Ðiều 1297: Tùy theo hoàn cảnh địa phương, Hội Ðồng Giám Mục có phận sự ấn định các quy tắc về việc thuê mướn tài sản Giáo Hội, nhất là phép tắc cần có về phía nhà chức trách có thẩm quyền.
Ðiều 1298: Trừ khi đồ vật không đáng giá, cấm không được bán hoặc cho thuê tài sản của Giáo Hội cho chính quản trị viên hay họ hàng của người ấy cho đến bốn bậc thuộc huyết thuộc hay hôn thuộc nếu không có phép đặc biệt bằng giấy tờ của nhà chức trách có thẩm quyền.
Ðiều 1299:
(1) Người nào theo luật tự nhiên và luật Giáo Hội có khả năng tự do
định đoạt về tài sản, thì có thể để lại tài sản cho một thiện ý, hoặc bằng hành vi sinh
thời (inter vivos) hay tử thời (mortis causa).
(2) Ðối với các sự định đoạt tử thời nhằm sinh ích cho Giáo Hội thì, nếu có thể
được, phải giữ các trọng thức theo dân luật. Nếu các trọng thức ấy đã không được tuân
hành, thì phải khuyên các người thụ di tôn trọng ý muốn của người lập chúc thư.
Ðiều 1300: Một khi đã lĩnh nhận thì phải hết sức thi hành chu đáo các ý muốn của người giáo hữu đã tặng dữ hay để lại tài sản làm thiện ý bằng hành vi sinh thời hay tử thời, kể cả về cách thức quản trị và tiêu dùng tài sản, ngoại trừ trường hợp quy định ở điều 1301, triệt 3.
Ðiều 1301:
(1) Bản Quyền là người thừa hành tất cả các thiện ý, dù làsinh thời hay
tử thời.
(2) Chiếu theo quyền ấy, Bản Quyền có thể và phải canh chừng, kể cả bằng sự
thanh tra, ngõ hầu các thiện ý được thi hành. Các người thừa hành khác phải bá cáo
cho Bản Quyền sau khi chu toàn nghĩa vụ.
(3) Nếu có khoản đặt vào chúc thư đi ngược với quyền của Bản Quyền, thì bị coi
như không có đặt vậy.
Ðiều 1302:
(1) Người nào nhận tài sản, dù bằng hành vi sinh thời hay bằng di chúc
tín thác để làm thiện quỹ, thì phải thông báo cho Bản Quyền về sự tín thác, và trình bày
tất cả các động sản và bất động sản cùng với các gánh nặng kèm theo. Nếu người tặng
minh thị tuyệt đối cấm chỉ sự thông báo, thì không được phép nhận tín thác.
(2) Bản Quyền phải đòi hỏi để tất cả tài sản tín thác được đặt nơi an toàn, và canh
chừng việc thừa hành thiện ý theo quy tắc của điều 1301.
(3) Khi tài sản được trao tín thác cho một phần tử của một dòng tu hay tu đoàn tông
đồ, với chủ ý dàng cho một nơi hay một giáo phận hoặc dân cư ở nơi đó hoặc để giúp
một việc thiện, thì Bản Quyền phải được thông báo theo triệt 1 và 2 là Bản Quyền sở
tại. Trong các trường hợp khác, Bản Quyền ấy là Bề Trên cao cấp trong các dòng tu
theo luật giáo hoàng, hay Bản Quyền riêng của chính phần tử ấy trong các dòng tu
khác.
Ðiều 1303:
(1) Dưới danh xưng thiện quỹ, giáo luật ám chỉ:
1. các thiện quỹ tự trị, nghĩa là một tập hợp các sự vật nhằm các mục tiêu nói ở điều 114 triệt 2, được nhà chức trách có thẩm quyền lập thành một pháp nhân;
2. các thiện quỹ không tự trị, nghĩa là tài sản được trao cách nào đó cho một pháp
nhân công với gánh nặng là dùng lợi tức hằng năm để dâng Thánh Lễ và thi hành
những phận sự Giáo Hội khác trong một thời gian lâu dài được luật địa phương xác
định, hoặc để theo đuổi các mục tiêu nói ở điều 114 triệt 2.
(2) Sau khi đã mãn thời hạn đã định, thì tài sản của thiện quỹ không tự trị, nếu đã được ký thác cho một pháp nhân tùy thuộc Giám Mục giáo phận, sẽ được dành vào quỹ nói ở điều 1274 triệt 1, trừ khi ý muốn của người thành lập đã minh thị biểu lộ cách khác; nếu pháp nhân không tùy thuộc Giám Mục, thì tài sản sẽ được chuyển cho chính pháp nhân đó.
Ðiều 1304:
(1) Ðể một pháp nhân có thể nhận một thiện quỹ cách hữu hiệu, cần
phải có phép bằng giấy tờ của Bản Quyền. Trước khi cho phép, Bản Quyền phải kiểm
nhận hợp lệ xem pháp nhân có thể chu toàn gánh nặng mới lẫn các gánh nặng đã nhận
trước đây hay không, và nhất là phải canh chừng để huê lợi được cân xứng hoàn toàn
với gánh nặng đã đặt, xét theo phong tục tại nơi và miền ấy.
(2) Luật địa phương sẽ xác định các điều kiện khác cách tỉ mỉ hơn về sự thành lập
và nhận các thiện quỹ.
Ðiều 1305: Số tiền và các bất động sản được chỉ định làm vốn cần phải để ngay vào một nơi an toàn được Bản Quyền chuẩn y, nhằm bảo toàn món tiền và giá trị của bất động sản; sau đó phải xử sự cách thận trọng và hữu ích nhằm gây lợi cho chính quỹ, cùng với sự đề cập minh thị và kỹ lưỡng đến các gánh nặng, theo sự nhận định khôn ngoan của Bản Quyền sau khi thỉnh ý các người quan thiết và Hội Ðồng Kinh Tế của mình.
Ðiều 1306:
(1) Các thiện quỹ, dù làm bằng miệng, cần phải thảo ra giấy tờ.
(2) Phải lưu trữ an toàn một bản văn tự thiện quỹ trong văn khố của giáo phủ, và
một bản trong văn khố của pháp nhân liên hệ đến thiện quỹ.
Ðiều 1307:
(1) Nhằm tuân hành các quy định của các điều 1300-1302 và 1287, cần
phải viết một tấm bảng kê khai các gánh nặng do thiện quỹ, và đặt nó tại nơi công cộng
để khỏi quên lãng việc chu toàn các nghĩa vụ.
(2) Ngoài cuốn sổ nói ở điều 958 triệt 1, Cha Sở và quản đốc phải có sổ khác ghi
chú từng gánh nặng một, sự thi hành gánh nặng và bổng lộc đã lãnh.
Ðiều 1308:
(1) Chỉ khi nào có lý do chính đáng và cần thiết, thì mới được giảm thiểu
các gánh nặng dâng Thánh Lễ. Sự giảm thiểu ấy được dành cho Tòa Thánh trừ những
trường hợp được quy định sau đây.
(2) Nếu đã được minh thị dự liệu trong văn tự thành lập quỹ, thì Bản Quyền có thể
giảm thiểu gánh nặng dâng lễ khi hoa lợi đã sụt giảm.
(3) Xét theo bổng lễ hợp lệ hiện hành trong giáo phận, Giám Mục giáo phận có thẩm
quyền giảm thiểu số lễ phải dâng do ý định di sản biệt lập hay do các danh nghĩa tương
tự, khi nào hoa lợi đã sụt giảm và bao lâu nguyên nhân ấy kéo dài, miễn là không ai có
bổn phận hay có thể truy sách để tăng tiền dâng lễ.
(4) Giám Mục giáo phận cũng có thẩm quyền để giảm thiểu các gánh nặng hay ý
định di sản dâng lễ dành cho các cơ sở Giáo Hội, nếu hoa lợi không đủ để đạt mục tiêu
của cơ sở ấy cách cân xứng.
(5) Các Bề Trên tổng quyền của các Dòng Tu giáo sĩ thuộc luật giáo hoàng cũng
hưởng những năng quyền nói ở các triệt 3 và 4.
Ðiều 1309: Khi có lý do cân xứng, những nhà chức trách nói ở điều 1308 cũng có thẩm quyền thuyên chuyển các gánh nặng Thánh Lễ sang những ngày, nhà thờ, bàn thờ khác với ngày giờ và địa điểm đã định trong thiện quỹ.
Ðiều 1310:
(1) Nếu người lập quỹ đã minh thị cho phép Bản Quyền giảm thiểu,
châm chước, bù trừ ý định của giáo hữu cho các công cuộc đạo đức, thì Bản Quyền chỉ
được hành sử khả năng ấy khi có lý do chính đáng và cần thiết.
(2) Nếu sự chấp hành các gánh nặng trở nên bất khả kham bởi vì hoa lợi đã giảm
hay vì lý do nào khác không do lỗi của quản trị viên, thì Bản Quyền có thể giảm bớt các
gánh nặng ấy theo lẽ phải, sau khi đã bàn hỏi các người liên hệ và Hội Ðồng Kinh Tế
của mình; tuy nhiên phải hết sức tôn trọng ý định của người thành lập. Riêng đối với
việc dâng Thánh Lễ, thì phải tuân theo các quy định của điều 1308.
(3) Trong các trường hợp khác, phải thượng cầu lên Tòa Thánh.