Ðiều 834:
(1) Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ thánh hóa cách riêng nhờ phụng vụ.
Thực vậy, phụng vụ được coi là việc thi hành chức vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô, trong
đó, việc thánh hóa loài người được diễn nghĩa bằng những dấu chỉ hữu hình và được
thể hiện theo từng cách thế riêng cho từng dấu chỉ; đồng thời, việc phụng thờ Thiên
Chúa cách công khai và nguyên vẹn được thực thi bởi nhiệm thể của Chúa Giêsu Kitô,
nghĩa là bởi Ðầu và bởi các Chi Thể.
(2) Việc phụng tự như vậy được thực hiện mỗi khi được cử hành nhân danh Giáo
Hội, bởi những người được đề cử cách hợp pháp và bằng những hành động được giáo
quyền chấp nhận.
Ðiều 835:
(1) Các Giám Mục là những người phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa
trước tiên, bởi vì các Ngài là những đại tư tế, những người phân phát chính yếu các
mầu nhiệm của Thiên Chúa và những người điều hành, cổ võ và bảo toàn tất cả đời
sống phụng vụ trong Giáo Hội đã được ủy thác cho các Ngài.
(2) Nhiệm vụ ấy cũng được thi hành bởi các linh mục, vì là những người dự phần
vào chính chức vụ tư tế của Chúa Kitô, như những thừa tác viên của Ngài; họ được
cung hiến để cử hành phụng tự và thánh hóa dân chúng, dưới quyền của Giám Mục.
(3) Các Phó Tế dự phần vào việc cử hành phụng tự, chiếu theo các quy tắc luật
định.
(4) Trong nhiệm vụ thánh hóa, các tín hữu cũng có phần vụ riêng: theo cách thế
riêng của mình, họ tham dự tích cực vào mọi cử hành phụng vụ, nhất là việc cử hành
Thánh Thể. Các cha mẹ Công Giáo cũng tham dự vào nhiệm vụ ấy cách đặc biệt khi
sống đời vợ chồng với tinh thần Kitô giáo, và lưu tâm đến việc giáo dục Kitô giáo cho
con cái.
Ðiều 836: Việc phụng tự Kitô giáo, trong đó chức tư tế phổ quát của các tín hữu
được thực thi, là một công cuộc phát xuất từ Ðức Tin và dựa trên Ðức Tin. Do đó, các
thừa tác viên thánh phải để tâm khởi động và làm sáng tỏ Ðức Tin ấy, đặc biệt bằng tác
vụ rao giảng, nhờ đó, Ðức Tin được phát sinh và nuôi dưỡng.
phụng vụ tùy thuộc hoàn toàn vào quyền bính của
Giáo Hội; trong thực tế thuộc quyền Tòa Thánh và, theo quy tắc luật định, thuộc quyền
Giám Mục giáo phận.
(2) Tòa Thánh có quyền điều hành phụng vụ trong toàn thể Giáo Hội, ấn hành các
sách phụng vụ, duyệt y các bản dịch sách phụng vụ ra tiếng địa phương, và canh
chừng để mọi quy luật phụng vụ được cẩn thủ khắp nơi.
(3) Các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền soạn thảo các bản dịch sách phụng vụ
ra tiếng địa phương, thích nghi cách xứng hợp các bản dịch vào văn hóa địa phương
theo những giới hạn đã xác định trong các sách phụng vụ, và ấn hành các bản dịch ấy
sau khi được Tòa Thánh duyệt y.
(4) Giám Mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi
người phải giữ, trong Giáo Hội đã được ủy thác cho Ngài và trong giới hạn thẩm quyền
của Ngài.
Ðiều 839:
(1) Giáo Hội cũng chu toàn nhiệm vụ thánh hóa bằng những phương thế
khác nữa, hoặc bằng những lời cầu nguyện, nhờ đó Giáo Hội nài xin Chúa cho các tín
hữu được thánh hóa trong sự thật, hay bằng những công việc thống hối và bác ái để
Nước Chúa Kitô được thực sự bén rễ và củng cố thêm trong các tâm hồn và đem lại
phần rỗi cho thế gian.
(2) Các Bản Quyền sở tại phải chăm lo để việc cầu nguyện cũng như những việc
đạo đức và thánh thiện của dân Kitô giáo được hoàn toàn phù hợp với quy luật của
Giáo Hội.
Ðiều 840: Các Bí Tích của Tân Ước do Chúa Giêsu thiết lập và ký thác cho Giáo Hội, xét như những hoạt động của Chúa Kitô và của Giáo Hội, là những dấu chỉ và những phương thế bộc lộ và củng cố Ðức Tin, thực hiện sự phụng tự Thiên Chúa và thánh hóa loài người. Do đó, các Bí Tích đóng góp rất đắc lực vào việc kiến tạo, củng cố và phát hiện sự hiệp thông trong Giáo Hội. Bởi vậy, các thừa tác viên thánh cũng như các tín hữu khác phải cử hành các Bí Tích với hết lòng kính cẩn và chăm chú.
Ðiều 841: Vì các Bí Tích có tính cách đồng nhất cho cả Giáo Hội và thuộc về kho tàng thần linh, cho nên chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội có thẩm quyền chuẩn nhận và xác định những điều thiết yếu cho việc hữu hiệu của các Bí Tích. Việc minh định những điều liên quan đến việc cử hành, việc ban và lãnh các Bí Tích cách hợp pháp, cũng như nghi thức phải giữ trong khi cử hành Bí Tích, đều phải tùy thuộc quyền bính tối cao hay quyền bính khác có thẩm quyền trong Giáo Hội, dựa theo quy tắc của điều 838, triệt 3 và triệt 4.
Ðiều 842:
(1) Người nào chưa lãnh Bí Tích Rửa Tội thì không thể lãnh nhận cách
hữu hiệu các Bí Tích khác.
(2) Các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Mình Thánh liên hệ chặt chẽ với nhau đến
nỗi tất cả đều cần thiết cho việc khai tâm đầy đủ đời sống Kitô giáo.
Ðiều 843:
(1) Thừa tác viên thánh không được từ chối ban Bí Tích khi có người xin
lãnh nhận một cách thích đáng, đã được chuẩn bị hợp lệ và không bị giáo luật cấm
nhận lãnh Bí Tích.
(2) Các vị chủ chăn và các tín hữu khác, mỗi người tùy theo nhiệm vụ của mình
trong Giáo Hội, có bổn phận phải lo liệu để cho những người xin lãnh các Bí Tích được
chuẩn bị bằng sự rao giảng Phúc Âm và huấn giáo đầy đủ, dựa theo các quy luật do
nhà chức trách có thẩm quyền ban bố.
Ðiều 844:
(1) Các thừa tác viên Công Giáo chỉ ban các Bí Tích cách hợp pháp cho
những người Công Giáo. Cũng vậy, người tín hữu Công Giáo chỉ lãnh nhận các Bí Tích
cách hợp pháp nơi các thừa tác viên Công Giáo, đừng kể những trường hợp nói ở các
triệt 2, 3 và 4 của điều luật này và ở triệt 2 của điều 861.
(2) Mỗi khi nhu cầu đòi hỏi, hay thực sự một ích lợi thiêng liêng thúc đẩy, và miễn là
tránh được nguy cơ sai lầm và lãnh đạm, những tín hữu Công Giáo nào không thể đến
với một thừa tác viên Công Giáo, do tình trạng bất khả kham về thể lý hay luân lý, được
phép lãnh nhận các Bí Tích Thống Hối, Mình Thánh và Xức Dầu Bệnh Nhân với những
thừa tác viên không Công Giáo, nếu trong Giáo Hội của họ có các Bí Tích ấy hữu hiệu.
(3) Các thừa tác viên Công Giáo cũng ban các Bí Tích Thống Hối, Mình Thánh và
Xức Dầu Bệnh Nhân một cách hợp pháp cho các phần tử thuộc các Giáo Hội Ðông Phương không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ tự ý xin và chuẩn
bị sẵn sàng lãnh nhận Bí Tích.
Ðiều này cũng có giá trị đối với các phần tử của các
Giáo Hội khác, ở trong cùng điều kiện như các Giáo Hội Ðông Phương nói trên về
phương diện các Bí Tích, dựa theo sự phán đoán của Tòa Thánh.
(4) Trong khi nguy tử hay, theo sự nhận định của Giám Mục giáo phận hoặc của Hội
Ðồng Giám Mục, có nhu cầu quan trọng khác đòi hỏi, thì các thừa tác viên Công Giáo
được phép ban các Bí Tích ấy cách hợp pháp cho những người Kitô hữu không hiệp
thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, khi những người này không thể đến với thừa
tác viên thuộc cộng đoàn của họ và tự ý xin lãnh Bí Tích, với điều kiện là họ tuyên xưng
Ðức Tin Công Giáo về các Bí Tích ấy và họ đã chuẩn bị hợp lệ.
(5) Về những trường hợp nói đến trong triệt 2, 3 và 4, Giám Mục giáo phận hay Hội
Ðồng Giám Mục không được đưa ra những quy luật tổng quát khi chưa tham khảo ý
kiến với người có thẩm quyền, ít ra là cấp địa phương, của Giáo Hội hay cộng đoàn
không công giáo liên hệ.
Ðiều 845:
(1) Các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức, vì là ấn tích, nên chỉ
được lãnh một lần.
(2) Sau khi đã điều tra cẩn thận, nếu xét theo sự khôn ngoan mà còn hồ nghi không
biết những Bí Tích nói ở triệt 1 đã được ban hành thật sự và hữu hiệu hay không, thì sẽ
được ban với điều kiện.
Ðiều 846:
(1) Khi cử hành các Bí Tích, phải tuân giữ trung thành các sách phụng vụ
đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn; vì thế, không ai được tự ý thêm
vào, bỏ bớt hay thay đổi điều gì.
(2) Thừa tác viên phải cử hành các Bí Tích theo lễ điển của mình.
Ðiều 847:
(1) Khi ban các Bí Tích đòi phải dùng dầu thánh, thừa tác viên phải dùng
dầu ô liu hay dầu ép của loại cây khác đã được Ðức Giám Mục thánh hiến hay làm
phép, đừng kể trường hợp nói ở điều 999, số 2. Ngoài ra, phải dùng dầu mới, không
được dùng dầu cũ, trừ trường hợp cần thiết.
(2) Cha Sở phải xin dầu thánh nơi Ðức Giám Mục riêng của mình, và phải giữ gìn
cẩn thận và xứng đáng.
Ðiều 848: Khi ban các Bí Tích, thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải cẩn thận đừng để những người nghèo không được lãnh nhận Bí Tích vì lý do túng thiếu.
Ðiều 849: Bí Tích Rửa Tội là cửa ngõ vào các Bí Tích. Sự lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội cách thực sự hay ít ra bằng nguyện ước là điều cần thiết cho phần rỗi. Bí Tích Rửa Tội giải thoát con người khỏi tội lỗi, tái sinh họ làm con Chúa và kết nạp họ vào Giáo Hội, biến họ nên giống Chúa Kitô bằng ấn tích không thể xóa nhòa. Bí Tích này chỉ được ban hữu hiệu bằng việc rửa bằng nước nguyên chất kèm theo việc đọc đúng mô thức.
Ðiều 850: Phải ban Bí Tích Rửa Tội theo đúng nghi thức trong các sách phụng vụ đã được phê chuẩn, trừ khi trong trường hợp nhu cầu khẩn cấp, thì chỉ cần giữ những điều đòi buộc cho Bí Tích được hữu hiệu.
Ðiều 851: Việc cử hành Bí Tích Rửa Tội phải được chuẩn bị thích đáng. Vì vậy:
1. người lớn muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, phải được nhận vào lớp dự tòng và,
tùy mức độ có thể, được hướng dẫn khai tâm Bí Tích qua nhiều giai đoạn khác nhau;
dựa theo đúng nghi thức khai tâm do Hội Ðồng Giám Mục đã thích nghi cũng như các
quy luật riêng do Hội Ðồng Giám Mục ban hành.
2. cha mẹ của nhi đồng sắp được nhận Bí Tích Rửa Tội, cũng như những người sẽ
lãnh trách nhiệm đỡ đầu, phải được giáo huấn đầy đủ về ý nghĩa của Bí Tích này và về
những bổn phận gắn liền với Bí Tích. Cha Sở, tự mình hay nhờ người khác, phải chăm
lo huấn luyện đầy đủ các phụ huynh bằng những bài huấn dụ mục vụ, và kể cả bằng sự
cầu nguyện chung, trong lúc hội họp nhiều gia đình và bằng cách đi thăm viếng họ khi
nào có thể.
Ðiều 852:
(1) Những điều quy định trong khoản luật về Bí Tích Rửa Tội người lớn,
cũng phải được áp dụng cho tất cả những ai đã quá tuổi nhi đồng và biết xử dụng trí
khôn.
(2) Kể cả trong vấn đề liên can đến Bí Tích Rửa Tội, người thiếu xử dụng trí khôn
cũng được đồng hóa với nhi đồng.
Ðiều 853: Trừ trường hợp khẩn thiết, nước dùng khi ban Bí Tích Rửa Tội buộc phải được làm phép theo các quy luật của sách phụng vụ.
Ðiều 854: Bí Tích Rửa Tội được cử hành hoặc bằng cách dìm xuống nước, hoặc bằng cách đổ nước, tùy theo các quy luật của Hội Ðồng Giám Mục đã định.
Ðiều 855: Cha mẹ, người đỡ đầu và Cha Sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô giáo.
Ðiều 856: Mặc dầu có thể cử hành Bí Tích Rửa Tội vào bất cứ ngày nào, tuy nhiên, thường nên cử hành vào ngày Chủ Nhật, hay nếu có thể, vào đêm vọng Phục Sinh.
Ðiều 857:
(1) Ngoài trường hợp cần thiết, nơi thích hợp để Rửa Tội là nhà thờ hay
nhà nguyện.
(2) Theo luật, người lớn phải chịu phép Rửa Tội tại nhà thờ riêng của giáo xứ, nhi
đồng tại nhà thờ xứ của cha mẹ, trừ khi có lý do chính đáng khuyên nhủ cách khác.
Ðiều 858:
(1) Mỗi nhà thờ giáo xứ phải có giếng rửa tội, tuy vẫn duy trì quyền lợi
hỗn nhập mà các nhà thờ khác đã thủ đắc.
(2) Ðể tiện lợi cho giáo dân, Bản Quyền sở tại, sau khi hội ý với Cha Sở, có thể cho
phép hay ra lệnh đặt giếng rửa tội trong nhà thờ hay trong nhà nguyện khác nằm trong
ranh giới của giáo xứ.
Ðiều 859: Nếu người chịu rửa tội, vì ở xa hay vì hoàn cảnh khác, gặp bất tiện lớn nếu đi đến hay được chở đến nhà thờ xứ hoặc nhà thờ hay nhà nguyện khác nói trong điều 858, triệt 2, thì có thể hay phải cử hành Bí Tích Rửa Tội trong một nhà thờ hay một nhà nguyện khác gần hơn, hay tại một nơi khác xứng đáng.
Ðiều 860:
(1) Ngoài trường hợp cần thiết, không được cử hành Bí Tích Rửa Tội
trong các nhà tư, trừ khi được Bản Quyền sở tại cho phép vì một lý do quan trọng.
(2) Nếu Giám Mục giáo phận không định thể khác, thì không được cử hành Bí Tích
Rửa Tội trong nhà thương, trừ trường hợp cần thiết hay có lý do mục vụ khác đòi buộc.
Ðiều 861:
(1) Thừa tác viên thông thường của Bí Tích Rửa Tội là Giám Mục, Linh
Mục và Phó Tế, miễn là giữ quy định của điều 530, số 1.
(2) Khi thừa tác viên thông thường vắng mặt hay bị cản trở, một giáo lý viên được
Bản Quyền trao cho nhiệm vụ Rửa Tội sẽ cử hành Bí Tích Rửa Tội cách hợp pháp.
Trong trường hợp cần thiết thì bất cứ người nào, với một chủ ý nghiêm chỉnh, cũng có
thể cử hành. Các chủ chăn, đặc biệt Cha Sở, phải lo dạy các tín hữu biết cách rửa tội
cho đúng.
Ðiều 862: Ngoại trừ trường hợp cần thiết, không ai được cử hành Bí Tích Rửa Tội trên lãnh thổ của người khác, dù rằng cho một người thuộc quyền của mình, nếu không có phép hợp lệ.
Ðiều 863: Việc Rửa Tội cho người lớn - ít ra đã chẵn mười bốn tuổi - nên được trình lên Giám Mục giáo phận để chính Ngài đích thân cử hành nếu xét thấy thuận lợi.
Ðiều 864: Tất cả và chỉ những người chưa được rửa tội mới có khả năng lãnh Bí Tích Rửa Tội.
Ðiều 865:
(1) Ðể có thể được rửa tội, người lớn phải tỏ ý muốn lãnh nhận Bí Tích
Rửa Tội, phải được giáo dục đầy đủ về các chân lý Ðức Tin và các nghĩa vụ Kitô giáo,
được thử luyện vào đời sống Kitô giáo qua thời gian dự tòng; ngoài ra, phải khuyên nhủ
họ thống hối về tội lỗi của mình.
(2) Trong trường hợp nguy tử, người lớn có thể được rửa tội khi đã biết phần nào
về các chân lý chính yếu của Ðức Tin, đã bày tỏ cách nào đó ý muốn lãnh nhận Bí Tích
Rửa Tội và hứa sẽ tuân giữ các điều răn của đạo công giáo.
Ðiều 866: Nếu không có lý do quan trọng cản trở, người lớn, liền ngay sau khi đã được rửa tội, cần được lãnh Bí Tích Thêm Sức, tham dự lễ Thánh Thể và rước lễ ngay đó.
Ðiều 867:
(1) Cha mẹ có bổn phận lo cho con mình được rửa tội ngay trong những
tuần lễ đầu tiên. Vào dịp sớm nhất sau ngày sinh, hay kể cả trước ngày sinh, cha mẹ
hãy đến gặp Cha Sở để xin rửa tội cho con và xin được chuẩn bị kỹ lưỡng về Bí Tích.
(2) Nếu hài nhi gặp cơn nguy tử, phải rửa tội cho nó ngay, không chút trì hoãn.
Ðiều 868:
(1) Ðể một nhi đồng được rửa tội cách hợp pháp, cần thiết phải:
1. có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha
mẹ theo luật;
2. có hy vọng vững chắc rằng em bé sẽ được giáo dục trong đạo công giáo. Nếu
hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các quy định của luật
địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.
(2) Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ công giáo, và thậm chí không
công giáo, có thể được rửa tội cách hợp pháp, cho dù trái ý cha mẹ.
Ðiều 869:
(1) Nếu hồ nghi không biết một người đã được rửa tội hay chưa, hoặc Bí
Tích Rửa Tội đã ban có hữu hiệu hay không, và sự hồ nghi vẫn còn dù sau khi đã điều
tra cặn kẽ, thì được ban Bí Tích Rửa Tội với điều kiện.
(2) Những người đã được rửa tội trong một giáo đoàn không Công Giáo, thì không
cần rửa tội lại với điều kiện, trừ khi có lý do quan trọng hồ nghi về sự hữu hiệu của Bí
Tích sau khi đã điều tra chất liệu và công thức dùng trong lúc ban Bí Tích Rửa Tội,
cũng như đã lưu ý đến chủ ý của người trưởng thành được rửa tội và của thừa tác viên
cử hành Bí Tích.
(3) Trong những trường hợp ở triệt 1 và 2 trên đây, nếu có hoài nghi về việc đã ban
hoặc về sự hữu hiệu của Bí Tích Rửa Tội, thì chỉ cử hành lại cho người lớn khi đã trình
bày giáo lý Bí Tích, và cho đương sự hay cha mẹ, nếu là nhi đồng, biết những lý do
hoài nghi về việc hữu hiệu của Bí Tích Rửa Tội đã cử hành trước đây.
Ðiều 870: Ðứa trẻ bị bỏ rơi hay vô thừa nhận phải được rửa tội, trừ khi đã điều tra cẩn thận và biết chắc em đã được rửa tội rồi.
Ðiều 871: Bào thai bị sảy, nếu còn sống, thì phải được rửa tội, tùy theo mức độ có thể được.
Ðiều 872: Trong mức độ có thể được, phải liệu cho người sắp chịu Bí Tích Rửa Tội có một người đỡ đầu. Nhiệm vụ của người đỡ đầu là tham dự vào việc khai tâm Kitô giáo của người lớn sắp rửa tội; còn đối với nhi đồng sắp rửa tội, người đỡ đầu phải cùng với cha mẹ đem em nhỏ đến chịu rửa tội, rồi cộng tác với cha mẹ giúp em bé đã được rửa tội sống đời sống Kitô giáo cách xứng đáng và tận tụy chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí Tích Rửa Tội.
Ðiều 873: Có thể chỉ nhận một cha đỡ đầu hoặc một mẹ đỡ đầu, hay cả cha và mẹ đỡ đầu.
Ðiều 874:
(1) Ðể được nhận giữ vai trò đỡ đầu, cần:
1. phải được chọn lựa bởi chính người sắp được rửa tội, hay cha mẹ của đương sự
hoặc người thế quyền cha mẹ; nếu không có cha mẹ và người thế quyền thì Cha Sở
hay thừa tác viên rửa tội sẽ chọn lựa. Người được chọn phải có khả năng và chủ ý thi
hành nhiệm vụ đỡ đầu;
2. đã được mười sáu tuổi trọn, trừ khi Giám Mục giáo phận ấn định tuổi khác, hoặc
Cha Sở hay thừa tác viên thấy có thể nhận một ngoại lệ vì lý do chính đáng;
3. phải là người công giáo, đã chịu Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Mình Thánh, lại có
đời sống xứng hợp với Ðức Tin và chức vụ sắp lãnh nhận;
4. không mắc một hình phạt giáo luật đã được tuyên kết và tuyên bố hợp lệ;
5. không phải là cha hay mẹ của người được rửa tội.
(2) Người nào đã được rửa tội nhưng thuộc về một giáo đoàn không Công Giáo, thì chỉ được nhận cùng với một người đỡ đầu Công Giáo, và với tư cách chứng nhân của Bí Tích Rửa Tội mà thôi.
Ðiều 875: Người ban Bí Tích Rửa Tội phải liệu để, nếu không có người đỡ đầu, ít ra có một chứng nhân hầu có thể xác nhận việc ban hành Bí Tích Rửa Tội.
Ðiều 876: Nếu không gây thiệt hại cho ai hết, thì lời xác quyết của một chứng nhân đáng tin cậy hay lời thề của chính đương sự nếu họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội vào tuổi trưởng thành, cũng đủ để chứng minh việc Bí Tích đã được ban.
Ðiều 877:
(1) Cha Sở nơi cử hành Bí Tích Rửa Tội phải cẩn thận ghi ngay vào sổ
Rửa Tội: tên của người lãnh Bí Tích Rửa Tội, của thừa tác viên, của cha mẹ, của người
đỡ đầu và nếu có, của cả người làm chứng; nơi và ngày rửa tội, ngày và nơi sinh.
(2) Nếu là đứa con của người mẹ không có chồng, thì sẽ ghi tên người mẹ vào sổ,
khi có thể minh định công khai được mẫu hệ hay khi chính người mẹ tự ý xin ghi tên
mình vào qua một đơn viết hay trước mặt hai người chứng. Tên của người cha cũng
ghi vào sổ nếu phụ hệ được chứng minh do một văn kiện công chứng nào đó, hoặc
chính đương sự tuyên bố trước mặt Cha Sở và hai người chứng. Trong những trường
hợp khác, sẽ chỉ ghi tên trẻ được rửa tội mà không cần nhắc đến tên của người cha
hay của cha mẹ.
(3) Nếu là đứa con nuôi, thì phải ghi tên cha mẹ nuôi và cả cha mẹ ruột theo quy tắc
của các triệt 1 và 2, ít là khi đã ghi như vậy trong chứng thư dân sự tại địa phương; tuy
nhiên phải lưu ý đến các chỉ thị của Hội Ðồng Giám Mục.
Ðiều 878: Nếu không phải Cha Sở hay người đại diện Cha Sở ban Bí Tích Rửa Tội, thì thừa tác viên Bí Tích Rửa Tội, bất cứ là ai, phải báo cho Cha Sở tại nơi cử hành Bí Tích Rửa Tội biết, để ngài ghi vào sổ Rửa Tội theo điều 877, triệt 1.
Ðiều 879: Nhờ Bí Tích Thêm Sức ghi ấn tích thiêng liêng, các tín hữu đang tiếp tục con đường khai tâm Kitô giáo được trau giồi bởi hồng ân Chúa Thánh Thần và gắn bó hoàn hảo hơn với Giáo Hội. Bí Tích Thêm Sức giúp họ thêm kiên cường, đòi buộc họ cách mãnh liệt hơn phải trở nên nhân chứng của Ðức Kitô, bênh vực và loan truyền Ðức Tin bằng lời nói và việc làm.
Ðiều 880:
(1) Bí Tích Thêm Sức được ban qua việc xức dầu thánh trên trán, đồng
lúc với sự đặt tay và đọc những lời đã quy định trong các sách phụng vụ được chuẩn
nhận.
(2) Dầu dùng trong Bí Tích Thêm Sức phải được thánh hiến bởi Giám Mục, cả khi
Bí Tích được một Linh Mục ban.
Ðiều 881: Bí Tích Thêm Sức nên được cử hành trong nhà thờ và ngay trong thánh lễ. Tuy nhiên, nếu có lý do chính đáng và hợp lý, có thể cử hành ngoài thánh lễ và ở một nơi xứng đáng.
Ðiều 882: Thừa tác viên thông thường của Bí Tích Thêm Sức là Ðức Giám Mục. Linh Mục cũng ban hành Bí Tích này cách hữu hiệu khi có năng quyền do luật phổ quát cấp hay do ủy nhượng riêng của nhà chức trách có thẩm quyền.
Ðiều 883: Theo luật, những người sau đây được hưởng năng quyền ban hành Bí Tích Thêm Sức: 1. trong phạm vi quyền tài phán của mình, những người mà luật đồng hóa với Giám Mục giáo phận; 2. đối với chính đương sự, Linh Mục nào, do chức vụ hay ủy nhiệm của Giám Mục giáo phận, rửa tội cho một người đã quá tuổi nhi đồng hoặc đón nhận một người đã chịu rửa tội vào hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo; 3. đối với người nguy tử, Cha Sở, và thậm chí bất cứ Linh Mục nào.
Ðiều 884:
(1) Giám Mục giáo phận phải đích thân ban Bí Tích Thêm Sức hay liệu
xin một Giám Mục khác ban. Khi nhu cầu đòi hỏi, Ngài có thể cấp năng quyền cho một
hay nhiều Linh Mục nhất định để ban Bí Tích Thêm Sức.
(2) Vì lý do trầm trọng, Giám Mục và cả Linh Mục được cấp năng quyền ban phép
Thêm Sức do luật chung hay do sự ủy nhượng riêng của nhà chức trách có thẩm
quyền, có thể kết nạp các Linh Mục để cùng ban Bí Tích với mình trong từng trường
hợp.
Ðiều 885:
(1) Giám Mục giáo phận có bổn phận ban Bí Tích Thêm Sức cho những
người thuộc quyền khi họ xin cách hợp lệ và hợp lý.
(2) Linh Mục có năng quyền ban Bí Tích Thêm Sức, phải xử dụng năng quyền ấy
đối với những người mà năng quyền đã được ủy nhượng nhằm ích lợi cho họ.
Ðiều 886:
(1) Giám Mục ban Bí Tích Thêm Sức cách hợp pháp trong giáo phận của
mình, kể cả đối với các tín hữu không thuộc quyền, trừ khi Bản Quyền riêng của họ
minh thị ngăn cấm.
(2) Ðể ban Bí Tích Thêm Sức cách hợp pháp trong giáo phận khác, nếu không phải
là cho người thụ quyền của mình, Giám Mục phải có phép, ít là suy đoán hợp lý, của
Giám Mục giáo phận ấy.
Ðiều 887: Trong khu vực lãnh thổ đã được chỉ định, Linh Mục hưởng năng quyền ban Bí Tích Thêm Sức, cũng ban hành hợp pháp Bí Tích này cho những người lạ mặt, trừ khi Bản Quyền của họ ngăn cấm rõ rệt. Tuy nhiên, Linh Mục ấy không thể ban hành Bí Tích Thêm Sức cách hữu hiệu cho bất cứ ai ở trên lãnh thổ của người khác, ngoại trừ quy định của điều 883, số 3.
Ðiều 888: Trong khu vực lãnh thổ mà mình có năng quyền, các thừa tác viên, có thể ban Bí Tích Thêm Sức ngay trong các nơi miễn trừ.
Ðiều 889:
(1) Tất cả và chỉ những người đã lãnh Bí Tích Rửa Tội và chưa lãnh Bí
Tích Thêm Sức mới có khả năng lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức.
(2) Ngoài trường hợp nguy tử, muốn lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức cách hợp pháp,
nếu đương sự biết xử dụng trí khôn, thì phải học hỏi đầy đủ, chuẩn bị xứng đáng và có
khả năng lặp lại những lời hứa khi chịu Bí Tích Rửa Tội.
Ðiều 890: Các tín hữu có bổn phận phải lãnh nhận Bí Tích này vào thời gian thích hợp. Do đó, cha mẹ, các Chủ Chăn, nhất là các Cha Sở, phải lo liệu để các tín hữu được dạy dỗ kỹ lưỡng để lãnh nhận Bí Tích, và được lãnh nhận vào thời gian thích hợp.
Ðiều 891: Bí Tích Thêm Sức được ban cho tín hữu vào tuổi biết phán đoán, trừ khi Hội Ðồng Giám Mục hạn định một tuổi khác, hoặc gặp trường hợp nguy tử, hay, theo sự nhận định của thừa tác viên, một lý do quan trọng đòi hỏi thể khác.
Ðiều 892: Trong tầm mức có thể, người lãnh Bí Tích Thêm Sức cần có một người đỡ đầu. Bổn phận của người này là lo giúp người chịu Bí Tích Thêm Sức sống như nhân chứng đích thực của Chúa Kitô và trung kiên chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí Tích Thêm Sức.
Ðiều 893:
(1) Ðể có thể nhận làm người đỡ đầu, cần hội đủ những điều kiện đã nói
đến ở điều 874.
(2) Nên chọn chính người đỡ đầu lúc rửa tội để làm người đỡ đầu Thêm Sức.
Ðiều 894: Ðể chứng minh rằng Bí Tích Thêm Sức đã được ban, phải tuân giữ các quy định của điều 876.
Ðiều 895: Phải ghi tên của những người lãnh Bí Tích Thêm Sức, của thừa tác viên, cha mẹ và người đỡ đầu, nơi và ngày ban Bí Tính Thêm Sức, vào sổ Thêm Sức của phủ giáo phận hay vào sổ giữ tại văn khố giáo xứ nếu Hội Ðồng Giám Mục hoặc Giám Mục giáo phận truyền như vậy. Cha Sở phải báo việc lãnh Bí Tích Thêm Sức cho Cha Sở nơi đương sự đã được rửa tội, để ngài ghi chú vào sổ Rửa Tội theo quy tắc của điều 535, triệt 2.
Ðiều 896: Nếu Cha Sở địa phương đã không có mặt, thì thừa tác viên phải tự mình hay nhờ người khác báo cho Cha Sở biết càng sớm càng hay về việc ban Bí Tích Thêm Sức.