Ðiều 897: Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích cao trọng nhất, trong đó, chính Chúa Giêsu Kitô hiện diện, tự hiến và trở nên lương thực; nhờ đó, Giáo Hội tiếp tục được sống và tăng trưởng. Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy Lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Kitô giáo. Nhờ Hy Lễ Thánh Thể, sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu lộ và thể hiện, việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất. Bởi đấy, các Bí Tích khác và mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội đều quy hướng về và liên kết chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể.
Ðiều 898: Các tín hữu phải hết sức tỏ lòng tôn kính Bí Tích Thánh Thể: tham dự tích cực vào việc cử hành Hy Lễ cực trọng này; siêng năng và sốt sắng nhận lãnh Bí Tích, lại hết lòng thờ phượng kính bái Thánh Thể. Trong khi giải thích đạo lý về Bí Tích Thánh Thể, các chủ chăn phải ân cần dạy cho các tín hữu về nghĩa vụ sùng kính này.
Ðiều 899:
(1) Việc cử hành Thánh Thể là một tác động của chính Chúa Kitô và của
Giáo Hội. Trong việc cử hành này, Chúa Giêsu Kitô, qua tác vụ của tư tế, hiện diện trót
bản tính dưới hình thức bánh và rượu, dâng chính mình cho Ðức Chúa Cha, trao mình
làm lương thực thiêng liêng cho các tín hữu kết hợp với lễ tế của Ngài.
(2) Trong cộng đoàn Thánh Thể, dưới sự chủ tọa của Giám Mục hay của một Linh
Mục dưới quyền của Ngài, những kẻ làm hiện thân Chúa Kitô, dân Chúa được quy tụ
làm một; tất cả các tín hữu hiện diện, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều góp phần tham dự
tích cực, mỗi người theo cách thế riêng của mình, tùy theo sự khác biệt về chức thánh
và phận sự phụng vụ.
(3) Việc cử hành Thánh Thể phải nhắm tới mục tiêu là làm sao để moị người tham
dự đều lãnh nhận dồi dào những kết quả như Chúa Kitô mong muốn khi thiết lập Hy Lễ
Thánh Thể.
Ðiều 900:
(1) Chỉ duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu làm thừa tác viên hiện
thân của Ðức Kitô, mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể.
(2) Thánh Thể được cử hành hợp pháp do tư tế không bị cản trở giáo luật và giữ
các quy định của những điều luật sau đây.
Ðiều 901: Tư tế được tự do chỉ lễ cho bất cứ người nào, còn sống hay đã qua đời.
Ðiều 902: Trừ khi ích lợi của tín hữu đòi hỏi hay khuyến khích cách khác, các tư tế có thể đồng tế Thánh Lễ. Tuy nhiên, mỗi người hoàn toàn tự do cử hành lễ Thánh Thể một mình, miễn là không cùng một lúc với lễ đồng tế trong cùng một nhà thờ hay nhà nguyện.
Ðiều 903: Một tư tế có thể được vị quản đốc nhà thờ nhận cho làm lễ tuy không phải là người quen biết, miễn là tư tế xuất trình chứng thư do Bản Quyền hay Bề Trên cấp chưa quá một năm, hoặc có thể nhận định cách khôn ngoan rằng không có gì ngăn trở tư tế ấy được dâng lễ.
Ðiều 904: Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công việc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Lễ Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ. Hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi giáo dân không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Ðức Kitô và của Giáo Hội; chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình.
Ðiều 905:
(1) Ngoại trừ những trường hợp giáo luật cho phép cử hành hay đồng tế
Thánh Lễ nhiều lần trong một ngày, tư tế chỉ được quyền dâng lễ mỗi ngày một lần.
(2) Nếu thiếu tư tế, Bản Quyền sở tại có thể cho phép các tư tế, khi có lý do chính
đáng, được làm hai lễ mỗi ngày; hơn nữa, khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, làm ba lễ các
ngày Chủ Nhật và lễ buộc.
Ðiều 906: Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành lễ Thánh Thể nếu không có ít là một vài giáo dân tham dự.
Ðiều 907: Trong khi cử hành Thánh Lễ, Phó Tế và giáo dân không được phép đọc các lời nguyện, nhất là Kinh Nguyện Thánh Thể, hay làm những công việc chỉ dành riêng cho tư tế chủ lễ.
Ðiều 908: Cấm các tư tế Công Giáo đồng tế Thánh Lễ với các tư tế hay thừa tác viên của các giáo hội và các giáo đoàn không thông hiệp hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.
Ðiều 909: Linh Mục không nên bỏ qua việc dọn mình xứng đáng trước khi dâng lễ, và cám ơn sau Thánh Lễ.
Ðiều 910:
(1) Thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám Mục, Linh Mục và
Phó Tế.
(2) Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ là người lãnh tác vụ giúp lễ và tín hữu
nào khác được chỉ định theo điều 230, triệt 3.
Ðiều 911:
(1) Những người có bổn phận và quyền đem Mình Thánh như của ăn
đàng đến cho người đau ốm là: Cha Sở, các cha phó xứ, các tuyên úy, các Bề Trên cộng đoàn của các dòng tu giáo sĩ hay tu đoàn tông đồ giáo sĩ đối với mọi người ở
trong nhà.
(2) Trong trường hợp khẩn thiết, hoặc khi có phép, ít ra suy đoán, của Cha Sở, Cha
tuyên úy hay Bề Trên tu viện, bất cứ Linh Mục hay thừa tác viên cho rước lễ nào cũng
đều phải đem Mình Thánh như của ăn đàng cho bệnh nhân; nhưng sau đó, phải thông
báo các người hữu trách nói trên.
Ðiều 912: Bất cứ ai đã chịu phép Rửa Tội và không bị luật cấm, đều có thể và phải được nhận cho rước lễ.
Ðiều 913:
(1) Ðể được rước lễ, các trẻ em phải có ý thức đầy đủ và được chuẩn bị
chu đáo ngõ hầu các em nhận biết mầu nhiệm Chúa Kitô tùy theo khả năng của mình,
và có thể lãnh lấy Mình Chúa với lòng tin và sùng kính.
(2) Tuy nhiên, có thể cho trẻ em lâm cơn nguy tử rước lễ, nếu các em có thể phân
biệt Mình Chúa Kitô khác với của ăn thông thường, và kính cẩn rước lễ.
Ðiều 914: Trước tiên là cha mẹ, rồi đến những người thay quyền cha mẹ và kể cả Cha Sở, có bổn phận lo cho các trẻ em đã đủ trí khôn dọn mình thích đáng để có thể, sau khi đã xưng tội, các em được bổ dưỡng nhờ của ăn thần linh này càng sớm càng tốt. Cha Sở cũng có bổn phận canh chừng không cho các trẻ em rước lễ khi chúng chưa đủ trí khôn hoặc chưa chuẩn bị đủ.
Ðiều 915: Không được nhận rước lễ: những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai.
Ðiều 916: Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.
Ðiều 917: Ngoại trừ quy định ở điều 921, triệt 2, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong Thánh Lễ mà họ tham dự.
Ðiều 918: Hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ trong chính Thánh Lễ. Tuy nhiên, nếu có người xin với lý do chính đáng, thì có thể cho rước lễ ngoài Thánh Lễ, miễn là giữ các nghi thức phụng vụ.
Ðiều 919:
(1) Ai muốn rước lễ phải kiêng ăn và uống, chỉ trừ nước lã và thuốc men,
ít là một giờ trước khi rước lễ.
(2) Tư tế nào dâng lễ hai hay ba lần trong một ngày có thể ăn uống chút đỉnh trước
lễ thứ hai hoặc lễ thứ ba, cho dù quãng cách thời gian không đủ một giờ.
(3) Những người cao niên, những người đau yếu và cả những người săn sóc họ, có
thể rước lễ, cho dù đã ăn uống chút đỉnh trong vòng một tiếng đồng hồ trước đó.
Ðiều 920:
(1) Mọi tín hữu, sau khi rước lễ vỡ lòng, buộc phải rước lễ ít nhất mỗi
năm một lần.
(2) Mệnh lệnh ấy phải được chu toàn vào mùa Phục Sinh, trừ khi có lý do chính
đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm.
Ðiều 921:
(1) Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ
dưỡng bằng việc rước lễ như của ăn đàng.
(2) Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng
sống của họ bị lâm nguy.
(3) Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần, vào những ngày
khác nhau.
Ðiều 922: Không được khoan giãn việc đem của ăn đàng cho bệnh nhân. Các Chủ Chăn phải cẩn thận canh chừng để các bệnh nhân được bổ dưỡng khi còn tỉnh trí.
Ðiều 923: Các tín hữu có thể tham dự hy lễ Thánh Thể và rước lễ theo bất cứ lễ điển Công Giáo nào, miễn là giữ quy định của điều 844.
Ðiều 924:
(1) Hy Lễ Thánh Thể phải được cử hành bằng bánh và rượu có pha chút
nước.
(2) Bánh phải làm bằng bột mì tinh tuyền và còn mới để tránh nguy cơ hư mốc.
(3) Rượu phải là tự nhiên từ trái nho, và không bị hư chua.
Ðiều 925: Mình Thánh sẽ được trao chỉ dưới hình thức bánh, hay dưới cả hai hình thức, tùy theo quy luật phụng vụ; trong trường hợp cần thiết, cũng có thể chỉ dưới hình thức rượu.
Ðiều 926: Theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội Latinh, khi cử hành Thánh Thể bất cứ ở đâu, tư tế phải dùng bánh không men.
Ðiều 927: Cho dù nhu cầu khẩn thiết tột độ, tuyệt đối cấm chỉ truyền phép một chất thể này mà không có chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài Thánh Lễ.
Ðiều 928: Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Latinh hay bằng tiếng nào khác, miễn là các bản văn phụng vụ đã được phê chuẩn hợp lệ.
Ðiều 929: Tư Tế và Phó Tế khi cử hành Thánh Thể và khi giúp lễ phải mặc y phục thánh như chữ đỏ quy định.
Ðiều 930:
(1) Tư Tế đau yếu và già cả, nếu không thể đứng được, có thể ngồi khi
cử hành Thánh Lễ, nhưng luôn phải giữ các luật phụng vụ; tuy nhiên không được ngồi
làm lễ trước mặt dân chúng nếu không có phép của Bản Quyền sở tại.
(2) Linh Mục mù lòa hay bị tật bệnh nào khác, vẫn có thể cử hành Thánh Thể hợp
pháp, khi dùng bất cứ bản văn Thánh Lễ nào đã được phê chuẩn, với sự hiện diện, nếu
cần, của một Tư Tế khác hay một Phó Tế hoặc một giáo dân đã được huấn luyện thích
đáng để giúp.
Ðiều 931: Có thể cử hành Thánh Thể và trao Mình Thánh ngày nào và giờ nào cũng được; ngoại trừ những trường hợp luật phụng vụ không cho phép.
Ðiều 932:
(1) Thánh Thể phải được cử hành ở nơi thánh, trừ khi, trong trường hợp
riêng, nhu cầu đòi hỏi cách khác; dù vậy, trong trường hợp ấy, phải cử hành Thánh Thể
ở một nơi xứng đáng.
(2) Hy Lễ Thánh Thể phải được cử hành trên một bàn thờ đã cung hiến hay đã làm
phép; ở ngoài nơi thánh, có thể cử hành trên một bàn xứng đáng, nhưng phải luôn có
khăn phủ bàn và khăn thánh.
Ðiều 933: Khi có lý do chính đáng và có phép minh thị của Bản Quyền sở tại, tư tế được phép cử hành Thánh Thể trong đền thờ của một Giáo Hội nào khác hay của một giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo; nhưng phải đề phòng mọi gương xấu.
Ðiều 934:
(1) Thánh Thể:
1. phải được lưu trữ trong nhà thờ chính tòa hoặc nhà thờ tương tự, trong nhà thờ
giáo xứ, trong nhà thờ hay nhà nguyện của một tu viện hoặc của tu đoàn tông đồ;
2. có thể được lưu trữ trong phòng nguyện của Giám Mục, và nếu có phép của Bản
Quyền sở tại, trong các nhà thờ, nhà nguyện và phòng nguyện khác.
(2) Tại những nơi lưu trữ Thánh Thể, luôn luôn phải có người chăm nom và, trong
mức độ có thể, một tư tế phải cử hành Thánh Lễ ít nhất mỗi tháng hai lần.
Ðiều 935: Không ai được phép giữ Thánh Thể trong mình, hoặc đem đi đường với mình; trừ khi nhu cầu mục vụ khẩn trương đòi hỏi, và phải giữ các chỉ thị của Giám Mục giáo phận.
Ðiều 936: Trong nhà của một Dòng Tu hay trong một nhà đạo đức nào khác, chỉ được lưu trữ Thánh Thể trong nhà thờ hay nhà nguyện chính gắn liền với nhà ấy; tuy nhiên, khi có lý do chính đáng, Bản Quyền có thể cho phép lưu trữ Thánh Thể cả ở trong nhà nguyện khác của cùng một nhà.
Ðiều 937: Nếu không có một lý do quan trọng ngăn trở, nhà thờ lưu trữ Thánh Thể phải mở cửa mỗi ngày ít ra một vài giờ, để giáo dân có thể cầu nguyện trước Mình Thánh.
Ðiều 938:
(1) Thánh Thể thường chỉ được lưu trữ trong một nhà tạm của nhà thờ
hay nhà nguyện.
(2) Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể được đặt vào một vị trí cao trọng và dễ nhìn thấy
trong nhà thờ hay nhà nguyện; lại phải được trang hoàng đẹp đẽ và thuận tiện cho việc
cầu nguyện.
(3) Nhà tạm lưu trữ Thánh Thể thường xuyên phải bất di dịch, làm bằng chất liệu
vững chắc, không nhìn qua được, và phải khóa cẩn thận để tránh tối đa nguy cơ xúc
phạm.
(4) Vì lý do quan trọng, được phép lưu trữ Thánh Thể, nhất là ban đêm, trong một
nơi khác xứng đáng và an toàn hơn.
(5) Người coi sóc nhà thờ hay nhà nguyện phải liệu giữ chìa khóa nhà tạm lưu trữ
Thánh Thể thật chu đáo.
Ðiều 939: Phải giữ trong bình thánh đủ số Bánh Thánh cần thiết cho tín hữu; phải năng thay bánh mới, khi đã tiêu thụ hợp lệ hết bánh cũ.
Ðiều 940: Trước nhà tạm lưu trữ Thánh Thể, phải luôn luôn thắp một chiếc đèn đặc biệt, để ghi dấu và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô.
Ðiều 941:
(1) Trong các nhà thờ hay nhà nguyện được phép lưu trữ Thánh Thể, có
thể đặt Bình Thánh hay Hào Quang ra ngoài để Chầu Mình Thánh; miễn là phải tuân
giữ các quy luật phụng vụ.
(2) Ðang khi cử hành Thánh Lễ, không được phép đặt Mình Thánh ra chầu trong
cùng một gian chính của nhà thờ hay nhà nguyện.
Ðiều 942: Trong các nhà thờ và nhà nguyện, khuyên nên tổ chức hàng năm một buổi chầu Mình Thánh trọng thể suốt một thời gian xứng hợp, cho dù không liên tục, ngõ hầu cộng đoàn địa phương suy niệm và thờ lạy mầu nhiệm Thánh Thể cách sâu xa hơn. Tuy nhiên, buổi chầu Mình Thánh như vậy chỉ nên tổ chức khi biết trước có đông giáo dân đến tham dự, và phải giữ trọn các quy luật đã ban hành.
Ðiều 943: Thừa tác viên đặt Mình Thánh ra chầu và ban phép lành Thánh Thể là tư tế hay phó tế. Trong những hoàn cảnh riêng, người đã lãnh tác vụ giúp lễ, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ hay một người nào khác được Bản Quyền chỉ định cũng được phép đặt và cất Mình Thánh, nhưng không được ban phép lành; song phải tuân giữ các chỉ thị của Giám Mục giáo phận.
Ðiều 944:
(1) Ở đâu Giám Mục giáo phận xét có thể được, nên tổ chức kiệu Mình
Thánh qua các công lộ để tuyên chứng công khai lòng tôn kính Thánh Thể, đặc biệt
trong ngày lễ kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.
(2) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền ra những chỉ thị về việc kiệu Thánh Thể,
hầu bảo đảm việc tham dự và tính cách trang nghiêm của cuộc rước.
Ðiều 945:
(1) Theo tập tục đã được Giáo Hội công nhận, một tư tế cử hành hay
đồng tế Thánh Lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt.
(2) Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là
những người nghèo, cả khi không có bổng lễ.
Ðiều 946: Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo Hội; bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo Hội.
Ðiều 947: Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại.
Ðiều 948: Phải áp dụng từng Thánh Lễ cho mỗi ý chỉ vì đó mà bổng lễ đã được dâng và nhận, cho dù bổng lễ đã nhận là bé nhỏ.
Ðiều 949: Ai có nghĩa vụ phải dâng lễ và áp dụng Thánh Lễ theo ý chỉ của người dâng bổng lễ vẫn còn trách nhiệm ấy cả khi bổng lễ bị mất không tại lỗi của mình.
Ðiều 950: Nếu người ta dâng một món tiền xin lễ mà không nói rõ số lễ phải làm, thì số ấy sẽ được chỉ định dựa theo giá bổng lễ hiện hành tại nơi người xin lễ cư trú, trừ khi có lý do phỏng đoán hợp lệ là họ có hảo ý khác.
Ðiều 951:
(1) Khi tư tế dâng nhiều Thánh Lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi
Thánh Lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng Sinh, tư tế
chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục
đích do Bản Quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh
nghĩa ngoại tại.
(2) Tư tế đồng tế Thánh Lễ thứ hai trong một ngày, không có quyền nhận bổng lễ
nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào.
Ðiều 952:
(1) Công đồng tỉnh hay Hội Ðồng Giám Mục giáo tỉnh phải ra nghị định ấn
định bổng lễ phải dâng để áp dụng Thánh Lễ trong toàn giáo tỉnh. Tư tế không được đòi
bổng lễ cao hơn mức ấn định. Tuy nhiên, tư tế được phép nhận bổng lễ cao hơn khi
người ta tự nguyện dâng cúng, cũng như cũng được phép nhận bổng lễ thấp hơn.
(2) Nơi nào không có nghị định đã nói, thì phải theo tập tục hiện hành trong địa
phận.
(3) Các phần tử thuộc bất cứ dòng tu nào cũng phải giữ nghị định hay thói quen của
địa phương nói ở triệt 1 và 2.
Ðiều 953: Không ai được phép nhận cho mình nhiều bổng lễ đến độ không thể chu tất trong vòng một năm.
Ðiều 954: Nếu tại những nhà thờ hay nhà nguyện người ta xin cử hành lễ quá số có thể cử hành ở đó, thì có thể cử hành ở nơi khác, trừ khi những người xin lễ minh thị bày tỏ ý định ngược lại.
Ðiều 955:
(1) Ai muốn chuyển ý lễ cho những người khác, thì phải chuyển sớm
ngần nào có thể cho các tư tế muốn lãnh nhận, miễn là biết chắc họ hoàn toàn đáng tín
nhiệm. Lại phải chuyển y nguyên bổng lễ đã nhận, trừ khi biết chắc rằng số tiền trội hơn
giá bổng lễ trong giáo phận là do thiện cảm cá nhân. Người chuyển ý lễ còn phải mang
nghĩa vụ lo dâng lễ cho đến khi nào chắc chắn có người nhận nghĩa vụ dâng lễ và bổng
lễ.
(2) Thời gian phải dâng lễ bắt đầu từ ngày tư tế nhận được ý lễ, trừ khi đã rõ cách
nào khác.
(3) Ai chuyển ý lễ cho người khác, phải lập tức ghi vào sổ cả những ý lễ đã nhận lẫn
những ý lễ đã chuyển cho người khác, cũng như phải ghi bổng lễ nữa.
(4) Mỗi linh mục phải ghi cẩn thận những ý lễ đã nhận sẽ làm và những ý lễ đã làm
xong.
Ðiều 956: Tất cả và mỗi người quản trị các thiện ý hay có trách nhiệm nào đó về việc lo dâng lễ, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều buộc phải chuyển về Bản Quyền của mình những ý lễ không làm hết trong một năm, theo cách thế Bản Quyền đã ấn định.
Ðiều 957: Bổn phận và quyền lợi trông nom cho mọi ý lễ được chu toàn đối với các nhà thờ của giáo sĩ triều thì thuộc về thẩm quyền của Bản Quyền sở tại; còn đối với nhà thờ của dòng tu hay tu đoàn tông đồ thì thuộc các Bề Trên của họ.
Ðiều 958:
(1) Cha Sở cũng như vị quản đốc nhà thờ hay cơ sở đạo đức khác, nơi
quen nhận các bổng lễ, phải có cuốn sổ riêng, ghi chép cẩn thận số lễ phải làm, ý lễ,
bổng lễ và nghĩa vụ đã chu toàn.
(2) Bản Quyền có bổn phận đích thân hay nhờ người khác, kiểm soát hằng năm các
sổ sách đó.
Ðiều 959: Trong Bí Tích Thống Hối, những tín hữu nào thú tội với một thừa tác viên hợp pháp, hối hận về những tội ấy và dốc lòng sửa mình, thì được Thiên Chúa tha thứ những tội đã phạm sau khi chịu Bí Tích Rửa Tội, qua sự xá giải do tác viên ấy ban, và đồng thời họ được giao hòa với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội.
Ðiều 960: Việc thú tội cá nhân và toàn vẹn cùng với việc xá giải cấu tạo nên phương cách duy nhất và thông thường, nhờ đó người tín hữu ý thức mình có tội nặng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội. Chỉ sự bất khả kham về thể lý hay luân lý mới chuẩn khỏi cách thú tội như vậy; trường hợp ấy, người ta có thể lãnh ơn hòa giải bằng những cách khác.
Ðiều 961:
(1) Không thể ban ơn xá giải chung một trật cho nhiều người khi chưa có việc xưng tội cá nhân trước. Trừ ra:
1. khi gần cơn nguy tử và một linh mục hay nhiều linh mục không đủ thời giờ nghe
từng hối nhân xưng tội;
2. khi có sự khẩn thiết trầm trọng, nghĩa là, khi nào xét vì số đông hối nhân và không
có đủ cha giải tội để nghe từng người xưng tội hợp lệ trong một thời gian thích đáng,
đến nỗi vì vậy mà các hối nhân không phải lỗi tại họ đành thiệt mất ơn Bí Tích xá giải
hay ơn rước lễ trong một thời gian lâu dài. Tuy nhiên, không được coi là có sự khẩn
thiết thực sự, khi không có đủ các cha giải tội chỉ nguyên vì lý do hối nhân đông đảo,
như có thể xảy ra trong một vài đại lễ hay hành hương.
(2) Giám Mục giáo phận có thẩm quyền nhận định về những điều kiện đòi hỏi ở triệt 1, số 2. Sau khi xét đến các tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các thành viên khác của Hội Ðồng Giám Mục, ngài có thể xác định những trường hợp nào được coi là khẩn thiết.
Ðiều 962:
(1) Ðể hưởng cách hữu hiệu ơn xá giải ban một trật cho nhiều người, các
tín hữu không những phải có tâm tình thích đáng, nhưng còn phải dốc lòng cách riêng
sẽ đi xưng vào lúc thuận tiện các tội nặng mà trong lúc này không thể xưng được.
(2) Trong tầm mức có thể, kể cả vào chính lúc ban ơn xá giải chung, phải dạy cho
tín hữu bổn phận nói ở triệt 1; và trước khi ban ơn xá giải chung, cho dù là trong trường
hợp nguy tử, nếu thời giờ cho phép, phải mời gọi mỗi người giục lòng thống hối.
Ðiều 963: Ðừng kể bổn phận nói ở điều 989, ai đã được tha các tội trọng nhờ việc xá giải chung phải đi xưng tội cá nhân vào dịp nào sớm nhất, trước khi lãnh nhận ơn xá giải chung lần nữa, nếu không xảy đến một lý do chính đáng khác.
Ðiều 964:
(1) Nơi dành riêng để xưng tội là nhà thờ hay nhà nguyện.
(2) Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật liên hệ đến tòa giải tội, liệu sao để
có tòa giải tội đặt nơi công khai và với một vách ngăn giữa hối nhân và cha giải tội, ngõ
hầu các tín hữu có thể tự do đến tòa giải tội khi họ muốn.
(3) Không được nhận xưng tội ở ngoài tòa giải tội, trừ khi có lý do chính đáng.
Ðiều 965: Chỉ duy tư tế mới là thừa tác viên của Bí Tích Thống Hối.
Ðiều 966:
(1) Ðể việc xá giải được hữu hiệu, luật đòi hỏi thừa tác viên, ngoài quyền
thánh chức, còn phải hưởng năng quyền thi hành quyền thánh chức ấy đối với các tín
hữu mà ngài ban ơn xá giải.
(2) Linh mục có thể lãnh nhận năng quyền này hoặc do chính luật, hoặc do nhà
chức trách có thẩm quyền cấp ban theo quy tắc của điều 969.
Ðiều 967:
(1) Ngoài Ðức Giáo Hoàng ra, các Hồng Y được hưởng, theo luật, năng
quyền giải tội đối với các tín hữu ở mọi nơi; các Giám Mục cũng được hưởng năng
quyền như vậy, và được xử dụng năng quyền cách hợp pháp ở mọi nơi, trừ khi Giám
Mục giáo phận phản đối trong một trường hợp cụ thể.
(2) Ai được hưởng năng quyền giải tội, hoặc do chức vụ hoặc do Bản Quyền sở tại
nơi mình nhập tịch hay nơi mình cư trú, ban cấp, thì có thể xử dụng năng quyền ấy ở
mọi nơi, trừ khi Bản Quyền sở tại ở một nơi nào phản đối trong một trường hợp cụ thể,
miễn là tuân hành các quy định của điều 974, triệt 2 và triệt 3.
(3) Ai được hưởng năng quyền giải tội do chức vụ hay sự ban cấp của Bề Trên có
thẩm quyền dựa theo các điều 968, triệt 2 và 969, triệt 2, cũng được quyền giải tội, theo
luật, cho các phần tử và những người khác cư ngụ ngày đêm trong nhà của một dòng
tu hay tu đoàn, và họ có thể xử dụng năng quyền ấy cách hợp pháp, trừ khi có Bề Trên
cao cấp phản đối trong một trường hợp cụ thể đối với những người thuộc cấp của
mình.
Ðiều 968:
(1) Bản Quyền sở tại, kinh sĩ xá giải, cũng như các Cha Sở và những
người khác thế Cha Sở được hưởng năng quyền giải tội do chức vụ, trong phạm vi
lãnh thổ của họ.
(2) Các Bề Trên dòng tu hoặc tu đoàn tông đồ, nếu là dòng giáo sĩ thuộc luật giáo
hoàng và có quyền cai trị hành pháp chiếu theo hiến pháp, thì được hưởng năng quyền
giải tội, do chức vụ, trên tất cả những người thuộc quyền và những người cư ngụ ngày
đêm trong nhà, tuy vẫn phải giữ quy định của điều 630, triệt 4.
Ðiều 969:
(1) Duy Bản Quyền sở tại mới có thẩm quyền ban cấp cho bất cứ linh
mục nào được năng quyền giải tội cho bất cứ tín hữu nào. Tuy nhiên, các linh mục
thuộc dòng tu không nên xử dụng năng quyền ấy nếu không có phép của Bề Trên, ít là
cách suy đoán.
(2) Bề Trên của dòng tu hoặc tu đoàn tông đồ nói ở điều 968, triệt 2, có thẩm quyền
ban cho bất cứ linh mục nào được hưởng năng quyền giải tội cho những người thuộc
cấp của mình và những người khác cư ngụ ngày đêm trong nhà.
Ðiều 970: Năng quyền giải tội chỉ được cấp cho những linh mục được coi là có khả năng qua việc khảo hạch hoặc đã rõ bằng cách nào khác.
Ðiều 971: Bản Quyền sở tại không được cấp năng quyền giải tội thường xuyên cho một linh mục, cho dù linh mục ấy có cư sở hay bán cư sở trong lãnh thổ của mình, trước khi tham khảo ý kiến với Bản Quyền của linh mục ấy, tùy theo tầm mức có thể.
Ðiều 972: Nhà chức trách có thẩm quyền nói ở điều 969 có thể cấp năng quyền giải tội với thời gian có hạn định hay vô hạn định.
Ðiều 973: Năng quyền giải tội thường xuyên phải được cấp bằng giấy tờ.
Ðiều 974:
(1) Bản Quyền sở tại cũng như Bề Trên có thẩm quyền không nên thu hồi
năng quyền giải tội thường xuyên đã cấp nếu không có lý do quan trọng.
(2) Một khi năng quyền giải tội bị thu hồi bởi chính Bản Quyền sở tại đã cấp theo
điều 967, triệt 2, thì linh mục mất năng quyền ở mọi nơi. Còn khi năng quyền giải tội bị
thu hồi bởi Bản Quyền địa phương khác, thì linh mục chỉ mất năng quyền trong lãnh thổ
của Bản Quyền ấy thôi.
(3) Bất cứ Bản Quyền sở tại nào thu hồi năng quyền giải tội của một linh mục, thì
phải báo cho Bản Quyền riêng nơi linh mục nhập tịch, hoặc cho Bề Trên có thẩm quyền
nếu linh mục ấy là một phần tử của dòng tu.
(4) Một khi bị Bề Trên cao cấp riêng của mình thu hồi năng quyền giải tội, thì linh
mục mất năng quyền giải tội ở mọi nơi đối với các phần tử của dòng tu; còn khi bị một
Bề Trên khác có thẩm quyền thu hồi, thì linh mục chỉ mất năng quyền giải tội đối với
các tu sĩ thuộc cấp của Bề Trên ấy.
Ðiều 975: Ngoại trừ trường hợp bị thu hồi, năng quyền giải tội nói ở điều 967 triệt 2 còn bị chấm dứt khi mãn chức vụ hay khi xuất tịch hoặc đổi cư sở.
Ðiều 976: Bất cứ tư tế nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn xá hết các tội và vạ cách hữu hiệu và hợp pháp cho mọi hối nhân lâm cơn nguy tử, cho dù lúc ấy có sự hiện diện của một linh mục được chuẩn nhận.
Ðiều 977: Sự xá giải cho đồng lõa về tội phạm điều răn thứ sáu thì vô hiệu, đừng kể khi nguy tử.
Ðiều 978:
(1) Tư tế phải nhớ rằng: khi giải tội, ngài đóng vai thẩm phán và y sĩ, ngài
được Thiên Chúa đặt làm thừa tác viên vừa của công lý và vừa của lòng từ bi của
Chúa, ngõ hầu làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
(2) Khi ban bí tích, cha giải tội, vì là thừa tác viên của Giáo Hội, phải gắn bó trung
thành với giáo huấn của Giáo Hội và các quy luật do nhà chức trách có thẩm quyền ban
hành.
Ðiều 979: Khi đặt các câu hỏi, tư tế phải khôn ngoan và thận trọng để ý đến điều kiện và tuổi tác của hối nhân; lại phải tránh hỏi tên của đồng lõa.
Ðiều 980: Nếu không có gì hoài nghi về sự thành tâm của hối nhân và đương sự xin ơn xá giải, thì cha giải tội không được khoan giãn hay từ chối việc xá giải.
Ðiều 981: Tùy theo tính chất và số lượng của tội, và cũng tùy theo hoàn cảnh của hối nhân, cha giải tội phải ra việc đền tội hữu ích và cân xứng. Hối nhân có bổn phận đích thân thi hành việc đền tội.
Ðiều 982: Ai thú nhận đã cáo gian cho giải tội ngay lành trước giáo quyền về tội quyến dũ phạm điều răn thứ sáu, thì chỉ được xá giải sau khi đã minh thị rút lại lời cáo gian và bồi thường thiệt hại nếu có.
Ðiều 983:
(1) Ấn tích giải tội là điều bất khả vi phạm; do đó, tuyệt đối cấm chỉ cha
giải tội không được tiết lộ về hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất
cứ lý do gì.
(2) Nghĩa vụ phải giữ bí mật buộc cả những người thông ngôn nếu có, và mọi người
khác, vì một cách nào đó, đã nghe biết các tội khi hối nhân xưng trong tòa.
Ðiều 984:
(1) Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được xử dụng những điều biết
được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân, cho dù không có nguy cơ tiết lộ.
(2) Những người cầm quyền không bao giờ được dùng vào việc cai trị ở tòa ngoài
những điều nghe biết trong tòa giải tội bất cứ vào thời gian nào.
Ðiều 985: Giám tập và người phụ tá, giám đốc của chủng viện hay của một cơ sở giáo dục nào khác, không được phép giải tội cho các học sinh trọ trong cùng một nhà, trừ khi học sinh tự ý yêu cầu trong những trường hợp riêng.
Ðiều 986:
(1) Tất cả những người có trách nhiệm coi sóc các linh hồn buộc phải dự
liệu cho giáo dân của mình được xưng tội mỗi khi họ yêu cầu cách hợp lý; lại phải ấn
định ngày và giờ thuận lợi để họ tùy tiện đến xưng tội riêng.
(2) Trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ cha giải tội nào cũng buộc phải giải tội cho
tín hữu; và trong lúc nguy tử, bất cứ tư tế nào cũng buộc phải giải tội.
Ðiều 987: Ðể lãnh nhận linh dược cứu rỗi của Bí Tích Thống Hối, tín hữu phải thành tâm từ bỏ những tội đã phạm và quyết chí sửa mình, trở về với Thiên Chúa.
Ðiều 988:
(1) Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội nặng,
theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép Rửa Tội mà chưa
được trực tiếp tha thứ bởi quyền tháo gỡ của Giáo Hội hoặc chưa thú nhận trong việc
xưng tội riêng.
(2) Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa.
Ðiều 989: Mọi tín hữu, sau khi đã đến tuổi khôn, buộc phải xưng kỹ càng các tội trọng ít là mỗi năm một lần.
Ðiều 990: Không cấm xưng tội bằng thông ngôn, miễn là phải tránh mọi lạm dụng, gương xấu, và giữ quy định của điều 983, triệt 2.
Ðiều 991: Mọi tín hữu được toàn quyền xưng tội với một cha giải tội được chuẩn nhận hợp lệ mà họ ưng ý, tuy dù vị ấy thuộc lễ điển khác.
Ðiều 992: Ân xá là sự tháo giải trước mặt Chúa các hình phạt thế tạm vì các tội lỗi đã được xóa bỏ. Người tín hữu dọn mình xứng đáng và thi hành ít nhiều điều kiện đã chỉ định thì được hưởng ơn tha thứ ấy nhờ sự trung gian của Giáo Hội. Với tư cách thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền phân phát và áp dụng kho tàng đền tạ của Chúa Kitô và các Thánh.
Ðiều 993: Ân xá là toàn phần hay từng phần, tùy theo sự giải thoát hình phạt thế tạm vì tội lỗi là hoàn toàn hay chỉ một phần.
Ðiều 994: Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá toàn phần hay từng phần, hoặc cho chính mình hoặc để chuyển cầu cho những người đã qua đời.
Ðiều 995:
(1) Ngoại trừ thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, chỉ những ai được giáo
luật nhìn nhận hay được Ðức Giáo Hoàng cấp quyền riêng mới có thể ban các ân xá.
(2) Không quyền bính nào dưới Ðức Giáo Hoàng có thể cấp cho người khác quyền
ban ân xá, nếu không được Tòa Thánh minh định dành cho một đặc quyền ấy.
Ðiều 996:
(1) Ðể có năng cách hưởng ân xá, cần phải là người đã rửa tội, không bị
vạ tuyệt thông, sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc công tác phải làm.
(2) Tuy nhiên, để đương sự có năng cách được thực thụ hưởng ân xá, cần phải có
ý định muốn thủ đắc ân xá và thi hành những công tác vào thời gian và theo cách thức
mà giáo quyền đã định.
Ðiều 997: Ngoài ra, để ban ân xá và hưởng dùng ân xá, còn phải tuân giữ những quy định khác trong luật riêng của Giáo Hội.