Ðiều 747:
(1) Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội kho tàng đức tin, để, nhờ Chúa
Thánh Thần giúp đỡ, Giáo Hội gìn giữ chân lý mạc khải thật thánh thiện, nghiên cứu
thật sâu xa, công bố và trình bày thật trung thành. Do đó, sự rao giảng Phúc Âm cho
mọi người, kể cả qua việc xử dụng những phương thế truyền thông xã hội thích ứng, là
bổn phận và quyền lợi bẩm sinh của Giáo Hội, không lệ thuộc vào bất cứ quyền bính
nào của nhân loại.
(2) Trong mọi thời và mọi nơi, Giáo Hội có thẩm quyền công bố các nguyên tắc luân
lý, cả khi liên hệ đến trật tự xã hội. Lại nữa, Giáo Hội có quyền phán quyết về tất cả các
vấn đề nhân sinh, mỗi khi những quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi của các
linh hồn đòi hỏi.
Ðiều 748:
(1) Mọi người có bổn phận phải tìm kiếm chân lý liên quan đến Thiên
Chúa và Giáo Hội. Một khi đã biết được chân lý, họ có quyền lợi và bổn phận theo luật
Chúa phải ôm ấp và tuân theo.
(2) Không ai được phép cưỡng bách người khác chấp nhận đức tin công giáo trái
với lương tâm của họ.
Ðiều 749:
(1) Ðức Giáo Hoàng được hưởng quyền giáo huấn vô ngộ do chức vụ
khi, với tư cách là mục tử và tôn sư tối cao của các tín hữu, để giúp họ giữ vững đức
Tin, Ngài khẳng định cách chung quyết phải tuân theo một đạo lý thuộc về đức Tin hay
phong hóa.
(2) Giám Mục đoàn cũng được hưởng quyền giáo huấn vô ngộ: hoặc khi hội nhau
lại trong công đồng hoàn vũ để, với tư cách là những người phán quyết và thầy dạy về
đức Tin hay phong hóa, họ thi hành quyền giáo huấn, tuyên bố cho toàn thể Giáo Hội
cách chung quyết một đạo lý phải tuân theo về đức Tin hay phong hóa; hoặc khi tản
mác khắp nơi, nhưng vẫn hiệp nhất với nhau và với người kế vị Phêrô, họ dạy những
điều về đức Tin hay phong hóa và đồng ý về một điều gì phải tuân giữ.
(3) Một đạo lý nào chỉ được hiểu là định tín vô ngộ khi được biểu thị rõ rệt như thế.
Ðiều 750: Phải tin nhận với đức Tin thần linh và công giáo hết tất cả những gì hàm chứa trong Lời Chúa được ghi chép hay truyền tụng lại, nghĩa là trong kho tàng đức Tin đã được ký thác cho Giáo Hội; và đồng thời được công bố là đã được Chúa mạc khải do quyền giáo huấn trang trọng, hay quyền giáo huấn thông thường và phổ cập của Giáo Hội được biểu lộ qua sự đồng thanh chấp nhận của các tín hữu dưới sự hướng dẫn của quyền giáo huấn. Bởi vậy, mọi người phải xa tránh những giáo thuyết nào trái ngược với những điều phải tin.
Ðiều 751: Gọi là lạc giáo khi cố chấp phủ nhận, sau khi đã chịu phép Rửa Tội, hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận theo đức Tin thần linh và công giáo; gọi là bội giáo nếu chối bỏ toàn bộ đức Tin Kitô giáo; còn ly giáo là từ chối sự tùng phục Ðức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với các phần tử của Giáo Hội đang thụ quyền Ngài.
Ðiều 752: Khi Ðức Giáo Hoàng và Giám Mục đoàn dùng quyền giáo huấn chính thức để tuyên bố một đạo lý về đức Tin hay phong hóa, mặc dầu các ngài không có ý công bố một cách chung quyết, thì các tín hữu không buộc đón nhận với đức Tin; tuy vậy, họ hãy suy phục về lý trí và ý chí theo tinh thần đạo giáo. Do đó, họ phải tránh những gì không phù hợp với đạo lý ấy.
Ðiều 753: Các Giám Mục hiệp thông với vị thủ lãnh và các thành viên của Giám Mục đoàn, hoặc riêng rẽ hoặc họp nhau trong các Hội Ðồng Giám Mục hay trong các Công Ðồng địa phương, tuy dù không được hưởng quyền giáo huấn vô ngộ, song các ngài vẫn là thầy dạy và tôn sư đích thực về đức Tin đối với các tín hữu đã được giao phó cho các ngài coi sóc. Các tín hữu hãy lấy lòng kính cẩn vâng nghe giáo huấn chân chính của Giám Mục mình.
Ðiều 754: Mọi tín hữu có bổn phận tuân theo các hiến chế và sắc lệnh mà quyền bính hợp pháp của Giáo Hội, đặc biệt Ðức Giáo Hoàng hay Giám Mục đoàn, ban hành với mục đích trình bày giáo lý hay bài trừ các tư tưởng sai lầm.
Ðiều 755:
(1) Toàn thể Giám Mục đoàn và cách riêng là Tòa Thánh phải cổ võ và
điều khiển phong trào đại kết giữa những người công giáo, nhằm tái lập sự hiệp nhất
giữa hết mọi người Kitô hữu, như ý Chúa Kitô buộc Giáo Hội phải đạt tới.
(2) Cũng vậy, các Giám Mục và, chiếu theo các quy tắc luật định, các Hội Ðồng
Giám Mục, có bổn phận cổ võ sự hiệp nhất này; đồng thời, dựa trên những quy luật do
quyền bính tối cao của Giáo Hội ban hành, họ hãy ra những quy tắc thực tiễn hợp với
nhu cầu và điều kiện của mỗi hoàn cảnh khác nhau.
Ðiều 756:
(1) Ðối với toàn thể Giáo Hội, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng được ủy thác
các riêng cho Ðức Giáo Hoàng và Giám Mục đoàn.
(2) Mỗi Giám Mục thi hành nhiệm vụ ấy trong Giáo Hội địa phương đã được ký thác
cho Ngài. Ngài là người điều hành toàn thể tác vụ Lời Chúa trong Giáo Hội địa phương
ấy. Tuy nhiên, đôi khi vài Giám Mục cùng nhau hoàn tất nhiệm vụ ấy trong nhiều Giáo
Hội khác nhau, chiếu theo luật.
Ðiều 757: Các Linh Mục, vì là cộng tác viên của các Giám Mục, có nhiệm vụ riêng phải loan báo Tin Mừng của Chúa; nhất là các Cha Sở và những Linh Mục khác được ủy thác việc coi sóc các linh hồn, buộc thi hành bổn phận này đối với đoàn dân đã được giao phó cho mình. Các Phó Tế cũng có bổn phận phục vụ dân Chúa bằng tác vụ Lời Chúa, trong sự hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục đoàn.
Ðiều 758: Do việc tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, các phần tử của Hội Dòng tận hiến làm chứng nhân cho Tin Mừng bằng cách thế riêng biệt. Do đó, họ nên được Giám Mục mời gọi cách thích đáng để trợ giúp việc loan báo Tin Mừng.
Ðiều 759: Do bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mọi giáo dân làm chứng nhân loan báo Tin Mừng bằng lời nói và đời sống Kitô hữu gương mẫu. Họ cũng có thể được mời gọi cộng tác với Giám Mục và Linh Mục trong việc thi hành tác vụ Lời Chúa.
Ðiều 760: Trong tác vụ Lời Chúa, phải trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô cách trung thành và nguyên vẹn, dựa vào Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, Giáo Huấn và đời sống của Giáo Hội.
Ðiều 761: Cần phải dùng những phương thế sẵn có mà phổ biến đạo lý Kitô giáo, nhất là luôn luôn dành ưu tiên cho sự rao giảng và huấn giáo; kế đó là các buổi trình bày giáo lý trong các trường học, đại học, các buổi thuyết trình và hội họp dưới mọi hình thức. Cũng phải phổ biến đạo lý bằng những tuyên ngôn công khai do quyền bính hợp pháp thực hiện mỗi khi có một biến cố xẩy đến, bằng sách báo và bằng các phương tiện truyền thông xã hội khác.
Ðiều 762: Xét vì dân Chúa được tụ họp do Lời Thiên Chúa hằng sống, Lời mà các tư tế có nghĩa vụ phải tuyên giảng, cho nên những thừa tác viên có chức thánh hãy quý trọng nhiệm vụ rao giảng; thực vậy, việc công bố Tin Mừng của Chúa cho mọi người là một trong những bổn phận chính yếu của họ.
Ðiều 763: Các Giám Mục có quyền rao giảng Lời Chúa khắp nơi, kể cả trong các nhà thờ và nhà nguyện của các dòng tu thuộc luật giáo hoàng, trừ khi Giám Mục địa phương, trong những trường hợp riêng, đã minh thị phản đối.
Ðiều 764: Ðừng kể quy định của điều 765, các Linh Mục và Phó Tế được hưởng năng quyền rao giảng khắp nơi với sự đồng ý, ít ra suy đoán, của Linh Mục quản đốc nhà thờ, trừ khi Bản Quyền hợp pháp hạn chế hay rút lại năng quyền ấy, hoặc luật địa phương đòi hỏi phải có phép minh thị.
Ðiều 765: Ðể giảng cho các tu sĩ trong các nhà thờ hay nhà nguyện của họ, cần phải được phép của Bề Trên có thẩm quyền theo hiến pháp.
Ðiều 766: Giáo dân có thể được nhận giảng thuyết trong nhà thờ hay nhà nguyện, nếu nhu cầu đòi hỏi, trong những hoàn cảnh nhất định, hoặc ích lợi xui khiến trong những trường hợp đặc biệt dựa theo các chỉ thị của Hội Ðồng Giám Mục và tuân hành điều 767, triệt 1.
Ðiều 767:
(1) Trong những hình thức giảng thuyết, nổi bất nhất là bài giảng giải
thánh lễ vì là phần chính của phụng vụ và dành riêng cho Linh Mục hay Phó Tế. Trong
bài giảng ấy, phải làm sao để suốt một năm phụng vụ có thể trình bày các mầu nhiệm
đức Tin và khuôn khổ đời sống Kitô giáo dựa vào bản văn Thánh Kinh.
(2) Trong mọi thánh lễ ngày Chủ Nhật và ngày lễ buộc, khi có dân chúng họp lại, thì
buộc phải giảng lễ, trừ khi có lý do quan trọng mới được bỏ qua.
(3) Trong các thánh lễ trong tuần, nhất là trong mùa Vọng và mùa chay, hoặc khi có
lễ lớn hay tang chế, khuyến khích nên giảng lễ khi có số đông dân chúng tham dự.
(4) Cha Sở hay Linh Mục quản đốc nhà thờ phải lo liệu để những quy luật trên được
tuân giữ chu đáo.
Ðiều 768:
(1) Những người giảng Lời Chúa, trước hết hãy trình bày những điều cần
phải tin và phải làm nhằm vinh danh Chúa và cứu rỗi nhân loại.
(2) Cũng phải trình bày cho tín hữu giáo thuyết Hội Thánh dạy về nhân phẩm và tự
do của con người, về sự duy nhất và sự vững bền cùng những trách vụ của gia đình,
về những bổn phận của những người công dân sống trong xã hội, và cả về việc điều
hành những việc trần thế theo trật tự Chúa đã ấn định.
Ðiều 769: Giáo lý Kitô giáo phải được trình bày thích hợp với điều kiện của thính giả và nhu cầu của thời đại.
Ðiều 770: Vào những thời kỳ nhất định, dựa theo các chỉ thị của Giám Mục giáo phận, các Cha Sở nên tổ chức giảng cấm phòng và tuần đại phúc hay những hình thức khác tùy nhu cầu.
Ðiều 771:
(1) Các vị Chủ Chăn, nhất là Giám Mục và Cha Sở, phải lưu tâm đem Lời
Chúa đến cả cho những tín hữu mà vì điều kiện sinh sống không được hưởng đầy đủ
hoặc thiếu hoàn toàn những săn sóc mục vụ thông thường chung cho mọi người.
(2) Các ngài cũng phải lo liệu loan báo Tin Mừng cho những người vô tín ngưỡng
trong khu vực của mình, bởi lẽ việc coi sóc các linh hồn bao trùm cả những người đó
lẫn các tín hữu.
Ðiều 772:
(1) Hơn nữa, về việc giảng thuyết, tất cả mọi người phải giữ những quy
luật do Ðức Giám Mục giáo phận ban hành.
(2) Khi giảng thuyết giáo lý Kitô giáo trên đài phát thanh, hay đài truyền hình, phải
tuân theo những chỉ thị do Hội Ðồng Giám Mục đã ấn định.
Ðiều 773: Các Chủ Chăn có nhiệm vụ riêng biệt và nặng nề phải lo dạy giáo lý cho dân Chúa; ngõ hầu, nhờ sự trau dồi giáo lý và kinh nghiệm đời sống Kitô giáo, đức Tin của các tín hữu trở nên sống động, minh bạch và linh hoạt.
Ðiều 774:
(1) Dưới sự hướng dẫn của giáo quyền hợp pháp, mọi phần tử trong
Giáo Hội đều có nghĩa vụ chăm lo việc huấn giáo, tùy theo phận sự của mỗi người.
(2) Trước tiên, cha mẹ có bổn phận lấy lời nói và gương lành huấn luyện đức Tin
cho con cái và dạy chúng sống đời Kitô giáo. Những người thay quyền cha mẹ và
những người đỡ đầu cũng có bổn phận như vậy.
Ðiều 775:
(1) Dựa theo các chỉ thị của Tòa Thánh, Giám Mục giáo phận phải ra
những quy luật về việc huấn giáo, dự liệu những phương tiện thích hợp cho việc huấn
giáo, kể cả soạn thảo sách giáo lý nếu thấy thuận lợi, cũng như cổ võ và phối hợp các
chương trình giáo lý.
(2) Nếu thấy hữu ích, Hội Ðồng Giám Mục có thể phát hành sách giáo lý cho toàn
quốc, với sự chuẩn y của Tòa Thánh.
(3) Hội Ðồng Giám Mục có thể thiết lập văn phòng huấn giáo mà nhiệm vụ chính
yếu là giúp đỡ các giáo phận trong vấn đề huấn giáo.
Ðiều 776: Do nhiệm vụ đòi buộc, Cha Sỡ phải lo huấn luyện giáo lý cho người lớn, thanh niên và trẻ em. Vì mục đích ấy, Cha Sở hay mời gọi sự cộng tác của các giáo sĩ làm việc trong họ đạo, của các phần tử của Hội Dòng tận hiến cũng như các tu đoàn tông đồ, tùy theo đường hướng riêng của mỗi dòng tu, cũng như của giáo dân, nhất là các giáo lý viên. Tất cả những người này, nếu không bị cản trở hợp pháp, không nên từ chối tự nguyện giúp Cha Sở trong công việc huấn giáo. Cha Sở còn phải cổ võ và thúc đẩy cha mẹ chu toàn bổn phận dạy giáo lý trong gia đình, như đã nói ở điều 774, triệt 2.
Ðiều 777: Dựa trên các quy luật do Ðức Giám Mục giáo phận ban bố, Cha Sở phải lo cách riêng đến: 1. dạy giáo lý tương xứng về việc cử hành các Bí Tích; 2. chuẩn bị cho các trẻ em, sau thời gian học giáo lý đầy đủ, được xưng tội rước lễ lần đầu, cũng như chịu phép Thêm Sức một cách xứng đáng; 3. trau dồi cho các trẻ em, sau khi đã rước lễ vỡ lòng, được có căn bản giáo lý dồi dào sâu rộng hơn; 4. dạy giáo lý cho cả những người tàn tật về thể lý hay tinh thần, tùy theo hoàn cảnh của họ cho phép; 5. dùng các hình thức và chương trình khác nhau để làm cho đức Tin của giới trẻ và người lớn được kiện cường, chói sáng và triển nở.
Ðiều 778: Các Bề Trên dòng tu và các tu đoàn tông đồ phải lo dạy giáo lý cách chuyên cần trong các nhà thờ, trường học và các cơ sở khác đã được ủy thác cách nào đó cho mình.
Ðiều 779: Trong việc dạy giáo lý cần xử dụng tất cả các phương thế, dụng cụ sư phạm, và các phương tiện truyền thông xã hội xét là hữu hiệu, ngõ hầu các tín hữu, tùy theo điều kiện tính tình, khả năng, tuổi tác và lối sống, có thể học hỏi đầy đủ hơn về giáo lý công giáo và đem ra thực hành chu đáo hơn.
Ðiều 780: Các Bản Quyền sở tại phải trù liệu để các giảng viên giáo lý được huấn luyện kỹ lưỡng để thi hành trọn vẹn nhiệm vụ của mình. Bởi vậy, cần cung cấp cho họ sự đào tạo liên tục, để họ thông thạo giáo lý của Giáo Hội, học biết những quy tắc riêng của khoa sư phạm, cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Ðiều 781: Bởi vì toàn thể Giáo Hội có tính cách truyền giáo từ bản tính và việc truyền bá Phúc Âm là nhiệm vụ nền tảng của dân Chúa, cho nên tất cả mọi tín hữu hãy ý thức trách nhiệm ấy và phải chu toàn phần việc của mình trong công cuộc truyền giáo.
Ðiều 782:
(1) Ðức Giáo Hoàng và Giám Mục đoàn có nhiệm vụ điều hành và phối
hợp mọi chương trình và hoạt động liên hệ đến công cuộc truyền giáo hay hợp tác
truyền giáo ở cấp tối cao.
(2) Mỗi Giám Mục, vì mang trách nhiệm đối với Giáo Hội hoàn vũ và toàn thể các
Giáo Hội địa phương, phải lưu tâm cách riêng đến việc truyền giáo, nhất là thúc đẩy
sáng kiến, khích lệ và nâng đỡ các chương trình truyền giáo trong Giáo Hội riêng của
mình.
Ðiều 783: Các phần tử của các Hội Dòng tận hiến, xét vì sự tận hiến bao hàm việc hiến thân phục vụ Giáo Hội, nên họ có nghĩa vụ góp phần đặc biệt vào việc truyền giáo theo cách thức riêng của Dòng mình.
Ðiều 784: Các nhà thừa sai, - tức là những người được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội sai đi làm việc truyền giáo -, có thể được tuyển chọn từ các người bản xứ hay không, hoặc giáo sĩ triều, hoặc các phần tử thuộc Hội Dòng tận hiến hay tu đoàn tông đồ, hoặc các giáo dân.
Ðiều 785:
(1) Trong việc thi hành việc truyền giáo, nên xử dụng các giáo lý viên, tức
là các giáo dân được huấn luyện đầy đủ và nổi bật về đời sống Kitô giáo; dưới sự
hướng dẫn của vị thừa sai, họ sẽ chuyên lo trình bày giáo lý Phúc Âm, điều hành các
công việc phụng vụ và hoạt động bác ái.
(2) Các giáo lý viên cần được huấn luyện trong các trường dành chuyên biệt về giáo
lý, hay, nếu không có trường, thì dưới sự hướng dẫn của các thừa sai.
Ðiều 786: Việc truyền giáo chính danh nhằm thiết lập Giáo Hội giữa các dân tộc và các sắc dân, nơi Giáo Hội chưa bén rễ. Mục tiêu ấy được thực thi cách chính yếu bằng việc Giáo Hội sai những người rao giảng Phúc Âm cho đến khi các tân Giáo Hội được thiết lập toàn vẹn, nghĩa là có đủ nhân lực riêng và phương tiện để tự mình đảm nhiệm công việc truyền bá Phúc Âm.
Ðiều 787:
(1) Các nhà thừa sai phải dùng chứng tá của đời sống và lời nói để tạo
nên sự đối thoại chân thành với những người ngoài Kitô giáo, để mở ra những con đường dẫn họ tới việc nhìn nhận tin lành Phúc Âm, dựa theo cách thức thích ứng với
tâm thức và văn hóa của họ.
(2) Các nhà thừa sai phải để tâm dạy dỗ chân lý đức Tin cho những người xét là đã
sẵn sàng lãnh nhận Tin Mừng, ngõ hầu khi họ tự do yêu cầu, họ có thể được nhận lãnh
bí tích Rửa Tội.
Ðiều 788:
(1) Những người đã tỏ ý muốn tin nhận Chúa Kitô thì, sau thời gian tiền
dự tòng, sẽ được nhận vào hàng dự tòng theo các nghi thức phụng vụ và tên của họ
được ghi vào cuốn sổ riêng.
(2) Nhờ sự học hỏi và làm quen với đời sống Kitô hữu, những người dự tòng phải
được khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, dẫn nhập vào đời sống đức tin, phụng vụ, bác ái
của dân Chúa, và hoạt động tông đồ.
(3) Các Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy chế về chế độ dự tòng, xác định
những điều kiện và những quyền lợi của người dự tòng.
Ðiều 789: Các tân tòng phải được huấn luyện thích đáng để hiểu biết sâu xa chân lý Phúc Âm và để chu toàn những bổn phận đã lãnh nhận từ phép Rửa Tội; họ phải được thấm nhiễm tình yêu chân thành đối với Ðức Kitô và Giáo Hội của Người.
Ðiều 790:
(1) Tại các xứ truyền giáo, các Giám Mục giáo phận có nghĩa vụ:
1. cổ võ, điều khiển và phối hợp các chương trình, các công việc có liên hệ đến hoạt
động truyền giáo;
2. lo liệu ký kết những hợp đồng cần thiết với các Bề Trên của các Hội Dòng chuyên
việc truyền giáo, ngõ hầu sự liên lạc với họ mang lại thiện ích cho miền truyền giáo.
(2) Những chỉ thị do Giám Mục giáo phận đề ra nói trong triệt 1, số 1, ràng buộc tất
cả các thừa sai, kể cả các tu sĩ và những người phụ tá đang hoạt động trong lãnh thổ
của Ngài.
Ðiều 791: Trong tất cả các giáo phận phải cổ võ tinh thần hợp tác truyền giáo bằng
cách:
1. cổ võ ơn gọi truyền giáo;
2. đặc cử một Linh Mục để vận động hữu hiệu các chương trình truyền giáo, đặc
biệt là các "Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo";
3. mỗi năm cử hành "Ngày Truyền Giáo";
4. mỗi năm chuyển về Tòa Thánh số tiền quyên giúp việc Truyền Giáo.
Ðiều 792: Các Hội Ðồng Giám Mục phải thiết lập và cổ võ các cơ sở nhằm tiếp đón trong tình anh em và giúp đỡ mục vụ xứng đáng những người đến vùng của các ngài từ các xứ truyền giáo vì lý do làm việc hay học hành.
Ðiều 793:
(1) Cha mẹ và những người thay quyền cha mẹ, có bổn phận và quyền
lợi giáo dục con cái. Cha mẹ công giáo còn có bổn phận và quyền lợi chọn lựa những
phương thế và trường học nào thích hợp hơn cả, tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, để lo liệu
việc giáo dục công giáo cho con cái.
(2) Cha mẹ có quyền đòi hỏi nhà nước giúp đỡ những gì cần thiết để chu toàn việc
giáo dục công giáo cho con cái.
Ðiều 794:
(1) Do một danh nghĩa đặc biệt, Giáo Hội có bổn phận và quyền lợi đảm
nhiệm việc giáo dục; bởi vì chính Thiên Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội sứ mệnh giúp đỡ
loài người đạt tới đời sống sung mãn của Kitô giáo.
(2) Các vị Chủ Chăn phải làm hết những gì cần thiết để mọi tín hữu được hưởng
nền giáo dục công giáo.
Ðiều 795: Nền giáo dục đích thực phải bảo đảm việc huấn luyện toàn vẹn con người, hướng về mục đích tối hậu của con người, và cả về thiện ích chung của xã hội. Bởi đó, các trẻ em và thanh niên phải được giáo dục làm sao để có thể phát triển điều hòa về mọi tài năng sinh lý, luân lý và trí tuệ; đạt được một ý thức toàn hảo về trách vụ và biết xử dụng tự do cách hợp lý; và được huấn luyện để tham gia tích cực vào đời sống xã hội.
Ðiều 796:
(1) Trong các phương thế phát triển giáo dục, các tín hữu hãy hết sức lưu
tâm đến các trường học vì trường học giúp đỡ cha mẹ cách đặc biệt trong việc chu
toàn trách nhiệm giáo dục.
(2) Các phụ huynh phải cộng tác chặt chẽ với các giáo viên của nhà trường mà họ
đã ký thác việc đào tạo con cái mình. Ðối lại, khi thi hành chức vụ của mình, các giáo
viên cũng phải cộng tác mật thiết với các phụ huynh, sẵn sàng nghe ý kiến của họ.
Ngoài ra nên thành lập và tán trợ các tổ chức hay các buổi hội phụ huynh.
Ðiều 797: Cha mẹ phải được tự do chọn lựa trường học cho con cái. Do đó, các tín hữu phải thiết tha đòi hỏi nhà nước nhìn nhận quyền tự do này của cha mẹ và bảo vệ quyền ấy, kể cả bằng những giúp đỡ kinh tế, dựa trên đức công bằng phân phối.
Ðiều 798: Cha mẹ phải gửi con cái vào các trường có nền giáo dục công giáo. Nếu không thể được, thì ngoài chương trình học ra, cha mẹ phải lo cho con cái được giáo dục công giáo đầy đủ.
Ðiều 799: Các tín hữu phải cố gắng để việc giáo dục tôn giáo và luân lý hợp theo lương tâm của cha mẹ, kể cả ở các trường học, cũng như lưu tâm đến trong những luật lệ nhà nước ban hành về việc đào tạo thanh thiếu niên.
Ðiều 800:
(1) Giáo Hội có quyền thiết lập và điều khiển các trường học thuộc mọi
ngành, mọi loại và mọi cấp bậc.
(2) Các tín hữu nên ủng hộ các trường công giáo, hết sức giúp đỡ để xây cất và
nâng đỡ các học đường.
Ðiều 801: Các Dòng tu có sứ mệnh chuyên môn về giáo dục, trong khi trung thành theo đuổi sứ mệnh riêng của mình, phải nỗ lực chu toàn việc giáo dục công giáo kể cả nhờ các trường của mình được thiết lập với sự đồng ý của Giám Mục giáo phận.
Ðiều 802:
(1) Nếu không có các trường chuyên lo giáo dục theo tinh thần Kitô giáo,
thì Giám Mục giáo phận phải tìm cách thiết lập.
(2) Ðâu có thể được, Giám Mục giáo phận phải liệu thiết lập các trường chuyên
nghiệp và kỹ thuật, và cả những trường khác đáp ứng nhu cầu riêng của địa phương.
Ðiều 803:
(1) Trường học được gọi là công giáo khi được nhà chức trách có thẩm
quyền trong Giáo Hội hay một công pháp nhân trong Giáo Hội điều khiển, hoặc được
Giáo Quyền nhìn nhận như vậy qua một văn kiện.
(2) Việc huấn luyện và giáo dục trong một trường công giáo phải được căn cứ trên
những nguyên tắc của giáo lý công giáo. Các giáo viên phải trổi vượt về giáo lý chân
chính và đời sống thanh liêm.
(3) Không trường học nào, mặc dù trong thực tế là công giáo, có thể mang tên
"trường công giáo" nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong
Giáo Hội.
Ðiều 804:
(1) Việc huấn luyện và giáo dục về đạo công giáo trong bất cứ trường
học nào hoặc bằng những phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, phải tùy thuộc ở
quyền bính của Giáo Hội. Các Hội Ðồng Giám Mục phải ban hành các quy luật chung
về vấn đề này; các Giám Mục giáo phận phải lo hướng dẫn và kiểm soát việc thi hành.
(2) Bản Quyền sở tại phải lưu tâm để các giáo viên dạy tôn giáo trong các trường,
kể cả các trường không công giáo, được trổi trang về đạo lý chân chính, về chứng tá
đời sống Kitô Giáo và về khoa sư phạm.
Ðiều 805: Trong giáo phận của mình, Bản Quyền sở tại có quyền bổ nhiệm hay phê chuẩn các giáo viên dạy tôn giáo cũng như quyền triệu hồi hay yêu cầu triệu hồi, khi có một lý do tôn giáo hay phong hóa đòi hỏi.
Ðiều 806:
(1) Giám Mục giáo phận có quyền trông nom và thanh tra các trường
công giáo nằm trong lãnh thổ của ngài, kể cả những trường được thiết lập hay điều
khiển bởi các tu sĩ. Ngài cũng có quyền ra những quy luật về việc điều hành chung các
trường công giáo. Các trường do tu sĩ điều khiển phải tuân theo các quy luật ấy, tuy
vẫn duy trì quyền tự trị về quản trị nội bộ của các trường.
(2) Dưới sự trông nom của Bản Quyền sở tại, các hiệu trưởng của các trường công
giáo phải lo sao cho việc dạy học trong trường của họ có giá trị về phương diện khoa
học ít là ngang với các trường tại địa phương.
Ðiều 807: Giáo Hội có quyền thiết lập và điều khiển các trường Ðại Học với mục đích phát triển nhân bản và nâng cao văn hóa của con người, cũng như để chu toàn bổn phận giáo huấn của chính Giáo Hội.
Ðiều 808: Không có Ðại Học nào, dù thực tế là công giáo, có quyền mang tên hay danh hiệu "Ðại Học Công Giáo" khi chưa có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội.
Ðiều 809: Ðâu có thể và xét là thích hợp, thì các Hội Ðồng Giám Mục phải lo cho có các đại học hay ít là các phân khoa, được phân phối thích đáng trong lãnh thổ, trong đó các môn học được nghiên cứu và giảng dạy hợp với giáo lý Công Giáo, tuy vẫn tôn trọng sự tự trị về khía cạnh khoa học.
Ðiều 810:
(1) Chiếu theo nội quy, bổn phận của nhà chức trách có thẩm quyền là
phải lo liệu để trong các đại học Công Giáo, các giáo sư được bổ nhiệm phải là những
người, ngoài kiến thức chuyên môn và khả năng sư phạm, còn phải có giáo lý nguyên
tuyền và đời sống thanh liêm nữa. Các giáo sư thiếu những điều kiện ấy phải bị khai
trừ, chiếu theo thủ tục dự liệu trong nội quy.
(2) Các Hội Ðồng Giám Mục và các Giám Mục giáo phận liên hệ, có bổn phận và
quyền lợi theo dõi để mọi nguyên tắc của giáo lý công giáo được tuân thủ nghiêm chỉnh
trong các đại học ấy.
Ðiều 811:
(1) Nhà chức trách trong Giáo Hội có thẩm quyền phải lo liệu để trong các
đại học công giáo có một phân khoa hay một học viện, hay ít ra một lớp thần học dành
cho sinh viên giáo dân.
(2) Trong mỗi đại học công giáo phải có những lớp thảo luận riêng về các vấn đề
thần học có liên quan với các bộ môn dạy trong các phân khoa.
Ðiều 812: Những người dạy các môn thần học trong bất cứ một học viện cao đẳng nào, đều phải có ủy nhiệm của nhà chức trách có thẩm quyền.
Ðiều 813: Giám Mục giáo phận phải tận tâm lo lắng về mục vụ cho các sinh viên, kể cả bằng cách thiết lập giáo xứ đại học hay ít ra, chỉ định những linh mục tuyên úy sinh viên. Ngoài ra, phải dự liệu để ngay trong các đại học, dù không công giáo, cũng có những trung tâm đại học công giáo nhằm giúp đỡ giới trẻ, nhất là về phạm vi thiêng liêng.
Ðiều 814: Những quy luật về đại học cũng phải được áp dụng cho các học viện cao đẳng khác.
Ðiều 815: Vì nhiệm vụ công bố chân lý mạc khải, Giáo Hội có quyền có các đại học hay các phân khoa của Giáo Hội, hầu đào sâu các môn học thánh hay các môn liên hệ với thánh khoa, và để huấn luyện các sinh viên về các môn ấy theo phương pháp khoa học.
Ðiều 816:
(1) Các đại học và các phân khoa của Giáo Hội chỉ có thể được thiết lập
bởi chính Tòa Thánh hay được sự phê chuẩn của Tòa Thánh. Việc điều hành tối cao
của các cơ sở ấy cũng thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh.
(2) Mỗi đại học và phân khoa của Giáo Hội phải có quy chế và chương trình học
được Tòa Thánh phê chuẩn.
Ðiều 817: Không một đại học hay phân khoa nào, nếu không được Tòa Thánh thiết lập hoặc phê chuẩn, có quyền cấp những bằng có giá trị giáo luật trong Giáo Hội.
Ðiều 818: Những điều đã quy định về các đại học công giáo trong các điều 810, 812 và 813 cũng có giá trị cho các đại học và các phân khoa của Giáo Hội.
Ðiều 819: Tuỳ theo ích lợi của giáo phận, của Dòng Tu và nhất là của chính Giáo Hội hoàn vũ đòi hỏi, các Giám Mục giáo phận hoặc các Bề Trên có thẩm quyền của các Dòng Tu phải gửi các thanh niên, các giáo sĩ và các tu sĩ có tư cách, đức hạnh và tài năng đến các đại học hay các phân khoa của Giáo Hội.
Ðiều 820: Các Viện Trưởng và các giáo sư của các đại học và phân khoa của Giáo Hội phải lo lắng để các phân khoa khác nhau trong đại học có những sinh hoạt hỗ trợ nhau theo như đối tượng cho phép; để giữa các đại học và phân khoa riêng của mình với các đại học và phân khoa khác, dù không thuộc Giáo Hội, có sự hợp tác hỗ trợ. Nhờ đó, các khoa học được phát triển hơn qua những hoạt động chung được thể hiện bằng những khóa hội thảo, những chương trình nghiên cứu được phối hợp và những phương tiện khác.
Ðiều 821: Hội Ðồng Giám Mục và Giám Mục giáo phận phải trù tính để ở đâu có thể được, nên thiết lập các viện cao học về các khoa học tôn giáo, trong đó, có dạy các môn thần học và các môn khác liên hệ đến văn hóa Kitô Giáo.
Ðiều 822:
(1) Trong khi hành sử một quyền lợi riêng của Giáo Hội để chu toàn phận
vụ, các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội hãy cố gắng xử dụng các phương tiện truyền thông
xã hội.
(2) Chính các vị Chủ Chăn phải giải thích cho các tín hữu về bổn phận phải cộng tác
để việc xử dụng các phương tiện truyền thông được hướng dẫn theo tinh thần nhân
bản và Kitô Giáo.
(3) Hết mọi tín hữu, nhất là những ai, bằng cách nào đó, tham gia vào việc tổ chức
hay xử dụng các phương tiện ấy, phải lưu tâm cộng tác vào sinh hoạt mục vụ, để nhờ
đó, Giáo Hội chu toàn sứ mạng của mình cách đắc lực hơn.
Ðiều 823:
(1) Ðể bảo vệ sự nguyên tuyền của các chân lý Ðức Tin và của phong
hóa, các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội có quyền lợi và nhiệm vụ kiểm soát để các sách
báo hay việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội không phương hại đến Ðức Tin và phong hóa của các tín hữu. Do đó, các chủ chăn có quyền đòi kiểm duyệt các
sách báo do các tín hữu sẽ xuất bản có liên quan đến Ðức Tin và phong hóa. Cũng
vậy, các ngài có quyền lên án những sách báo làm tổn hại đến Ðức Tin chân chính và
phong hóa lành mạnh.
(2) Bổn phận và quyền lợi nói ở triệt 1 thuộc các Giám Mục, xét riêng rẽ hay hội lại
thành Công Ðồng địa phương hoặc Hội Ðồng Giám Mục, đối với các tín hữu được trao
phó cho các ngài chăm lo. Bổn phận và quyền lợi ấy thuộc về quyền bính tối cao của
Giáo Hội đối với toàn thể dân Chúa.
Ðiều 824:
(1) Nếu không được dự liệu cách khác, Bản Quyền sở tại cho phép hay
chuẩn y những sách báo xuất bản theo các điều luật trong thiên này, là Bản Quyền sở
tại riêng của tác giả hoặc Bản Quyền sở tại ở nơi xuất bản những sách báo ấy.
(2) Những điều quy định về sách báo trong các điều luật của thiên này, cũng phải
được áp dụng cho tất cả các tài liệu nhắm phổ biến công cộng, trừ khi đã rõ cách nào
khác.
Ðiều 825:
(1) Cần phải có sự phê chuẩn của Tòa Thánh hay của Hội Ðồng Giám
Mục mới được ấn hành các sách Thánh Kinh. Ðể ấn hành các bản dịch Thánh Kinh ra
tiếng địa phương, cần phải được sự phê chuẩn như trên, và đồng thời phải có những
chú giải đầy đủ và cần thiết.
(2) Với phép của Hội Ðồng Giám Mục, các tín hữu công giáo cũng có thể hợp tác và
xuất bản các bản dịch Thánh Kinh, với những chú giải xứng hợp, chung với anh em ly
khai.
Ðiều 826:
(1) Những điều liên hệ đến các sách phụng vụ, phải theo điều luật 838.
(2) Muốn in lại các sách phụng vụ, hay một phần các sách phụng vụ, cũng như bản
dịch ra tiếng địa phương, cần phải được Bản Quyền sở tại nơi xuất bản chứng nhận là
phù hợp với bản chính.
(3) Muốn in các sách kinh nguyện giáo dân, dùng chung hay riêng, phải có phép của
Bản Quyền sở tại.
Ðiều 827:
(1) Ðừng kể những quy định của điều 775 triệt 2, muốn in các sách giáo
lý, những tài liệu liên quan đến việc dạy giáo lý, kể cả những bản dịch của các sách và
các tài liệu nói trên, cần phải có phép của Bản Quyền sở tại.
(2) Nếu không được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn trước hay sau khi
xuất bản, thì không được dùng làm tài liệu giáo huấn trong các trường tiểu, trung và đại học, các sách viết về Thánh Kinh, Thần Học, Giáo Luật, lịch sử Giáo Hội, và về tôn giáo
hay luân lý.
(3) Nên đưa cho Bản Quyền địa phương xét những sách viết về những vấn đề nói ở
triệt 2, cho dù không được xếp vào các tài liệu giáo huấn, và cả những văn kiện có điều
gì liên quan cách riêng đến tôn giáo và phong hóa.
(4) Không được cho trình bày, bán hay phân phát các sách vở hay tài liệu nói về các
vấn đề tôn giáo hay phong hóa trong các nhà thờ và nhà nguyện, nếu những ấn phẩm
ấy không được nhà chức trách có thẩm quyền cho phép in hay sau đó đã phê chuẩn.
Ðiều 828: Không được in lại những tài liệu về sắc lệnh và văn kiện do một Giáo Quyền ấn hành, nếu không được Giáo Quyền ấy cho phép trước, và phải giữ những điều kiện mà Giáo Quyền ấy quy định.
Ðiều 829: Việc phê chuẩn hay cho phép ấn hành một tác phẩm chỉ có giá trị đối với nguyên bản, chứ không đối với những bản phiên dịch hay những lần tái bản.
Ðiều 830:
(1) Mỗi Bản Quyền sở tại có toàn quyền ủy thác việc kiểm duyệt sách báo
cho người mà mình tín nhiệm. Tuy nhiên Hội Ðồng Giám Mục có thể thiết lập một danh
sách các kiểm duyệt viên, nổi tiếng về học thức, đạo lý chân chính và khôn ngoan, đặt
dưới sự điều động của các giáo phủ giáo phận; hoặc thiết lập một ủy ban kiểm duyệt để
các Bản Quyền sở tại có thể thỉnh ý.
(2) Trong khi thi hành phận vụ, kiểm duyệt viên phải bỏ qua mọi thiện cảm cá nhân
để nhằm đến đạo lý của Giáo Hội về Ðức Tin và phong hóa theo như quyền giáo huấn
của Giáo Hội đã trình bày.
(3) Kiểm duyệt viên phải bày tỏ ý kiến bằng giấy tờ. Nếu là ý kiến thuận, Bản Quyền
sẽ theo sự phán đoán khôn ngoan cho phép ấn hành, trong đó ghi rõ danh tánh Bản
Quyền, ngày tháng và nơi cho phép; nếu không cho phép, thì Bản Quyền phải thông tri
cho tác giả biết lý do từ chối.
Ðiều 831:
(1) Trừ khi có lý do chính đáng và hợp lý, các tín hữu không được viết bài
cho các nhật báo, tạp chí hay tập san thường hay công khai bài xích đạo Công Giáo và
phong hóa. Riêng các giáo sĩ và tu sĩ chỉ được viết khi có phép của Bản Quyền sở tại.
(2) Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật cần thiết để các giáo sĩ và tu sĩ được
phép tham dự vào các buổi phát thanh và truyền hình về những vấn đề liên hệ đến giáo
lý công giáo và phong hóa.
Ðiều 832: Ðể có thể ấn hành sách báo bàn về các vấn đề tôn giáo và phong hóa, tu sĩ các Dòng Tu còn phải có phép của Bề Trên cao cấp, chiếu theo hiến pháp.
Ðiều 833: Buộc phải đích thân tuyên xưng Ðức Tin theo công thức được Tòa
Thánh phê chuẩn:
1. tất cả những người tham dự Công Ðồng hoàn vũ hay Công Ðồng địa phương,
thượng hội nghị các Giám Mục hay Công Nghị của giáo phận với quyền biểu quyết hay
tư vấn phải tuyên xưng trước mặt vị chủ tọa hay vị đại diện của ngài. Vị chủ tọa tuyên
xưng trước công đồng hay công nghị;
2. những người được tiến cử chức Hồng Y, theo như nội quy của Hồng Y Ðoàn;
3. tất cả những người được tiến cử chức Giám Mục, hay được đồng hóa với Giám
Mục giáo phận sẽ tuyên xưng trước mặt Ðại Diện Tòa Thánh;
4. Giám Quản giáo phận sẽ tuyên xưng trước mặt Hội Ðồng tư vấn;
5. các Tổng đại diện và đại diện Giám Mục, cũng như các đại diện tư pháp, trước
mặt Giám Mục giáo phận hoặc một đại diện của Ngài;
6. các Cha Sở, cha Giám Ðốc, các giáo sư Thần Học và Triết Học trong chủng viện,
khi bắt đầu chức vụ, những người được tuyển chọn lãnh chức Phó Tế, sẽ tuyên xưng
trước mặt Bản Quyền sở tại, hoặc đại diện của ngài;
7. viện trưởng Ðại Học Giáo Hội hay Ðại Học Công Giáo khi nhậm chức, sẽ tuyên
xưng trước mặt vị Ðại Chưởng Ấn; hoặc nếu không có, thì trước mặt Bản Quyền sở tại
hay các vị đại diện của ngài. Các giáo sư dạy các môn liên hệ đến Ðức Tin hay phong
hóa trong mọi đại học, khi bắt đầu chức vụ, sẽ tuyên xưng trước mặt Viện Trưởng, nếu
vị này là tư tế, hay trước mặt Bản Quyền sở tại hay các vị đại diện của ngài;
8. các Bề Trên trong các Dòng Tu và các Tu Ðoàn Tông Ðồ, chiếu theo hiến pháp.