Ðiều 1124: Nếu không có phép minh thị của nhà chức trách có thẩm quyền, hôn phối bị cấm chỉ giữa hai người đã rửa tội, mà một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo, hoặc đã được nhận vào Giáo Hội công giáo sau khi rửa tội và chưa công khai bỏ Giáo Hội công giáo, với một người thuộc về một Giáo Hội hay giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội công giáo.
Ðiều 1125: Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép
ấy; tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây:
1. Bên công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Ðức Tin,
và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong
Giáo Hội công giáo.
2. Vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà người công giáo phải
giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên công giáo.
3. Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn
phối, và không bên nào được loại bỏ các điều ấy.
Ðiều 1126: Hội Ðồng Giám Mục có nhiệm vụ quy định cả về cách thức làm tờ công bố và tuyên hứa mà luật đòi hỏi, lẫn về thể thức để những lời công bố và tuyên hứa ấy được bảo đảm ở tòa ngoài, và được thông báo cho bên không công giáo.
Ðiều 1127:
(1) Về thể thức phải áp dụng trong hôn phối hỗn hợp, cần giữ những
điều đã quy định trong điều 1108. Tuy nhiên, nếu bên công giáo kết hôn với bên không
công giáo thuộc lễ điển đông phương, thì thể thức cử hành theo giáo luật chỉ buộc với
tính cách hợp pháp mà thôi; còn để được hữu hiệu, cần phải có sự chứng giám của
một thừa tác viên thánh, sau khi đã tuân hành những điều khác luật định.
(2) Nếu có những khó khăn trầm trọng cản trở việc tuân giữ thể thức giáo luật, thì
Bản Quyền sở tại của bên công giáo có quyền chuẩn thể thức giáo luật cho từng
trường hợp; tuy nhiên, ngài phải tham khảo Bản Quyền sở tại nơi cử hành hôn phối, và
để hôn phối hữu hiệu, phải giữ một hình thức cử hành công khai nào đó. Hội Ðồng
Giám Mục có thẩm quyền ấn định các quy luật để việc miễn chuẩn nói trên được ban
cấp theo một tiêu chuẩn đồng nhất.
(3) Trước hay sau khi cử hành theo thể thức giáo luật nói ở số 1 trên, cấm không
được có một cử hành tôn giáo khác, trong đó, người chứng hôn công giáo và thừa tác
viên không công giáo cùng hiện diện và mỗi người tra hỏi về sự ưng thuận của đôi bạn
theo nghi thức riêng của mình.
Ðiều 1128: Các Bản Quyền sở tại và các Chủ Chăn phải lo liệu cho người phối ngẫu công giáo và con cái sinh ra do hôn phối hỗn hợp được giúp đỡ về tinh thần hầu chu toàn mọi nghĩa vụ, đồng thời giúp đôi bạn bảo trì sự hiệp nhất của đời sống vợ chồng và đời sống gia đình.
Ðiều 1129: Những quy định trong các điều 1127 và 1128 cũng phải được áp dụng cho các hôn phối vướng ngăn trở dị giáo, nói đến ở điều 1086, triệt 1.
Ðiều 1130: Vì lý do trầm trọng và khẩn cấp, Bản Quyền sở tại có thể cho phép cử hành hôn phối cách kín đáo.
Ðiều 1131: Phép được cử hành hôn phối kín đáo bao hàm rằng:
1. Mọi cuộc điều tra phải làm trước hôn lễ đều phải diễn tiến cách kín đáo;
2. Bản Quyền sở tại, người chứng hôn, người làm chứng và những người phối ngẫu
phải giữ bí mật về hôn phối đã cử hành.
Ðiều 1132: Bổn phận giữ bí mật nói đến trong điều 1131, triệt 2, không còn ràng buộc Bản Quyền sở tại nữa, nếu việc giữ bí mật sinh ra gương xấu trầm trọng hay thiệt hại nặng nề cho sự thánh thiện của hôn phối. Phải thông báo điều đó cho đôi bạn trước khi cử hành hôn phối.
Ðiều 1133: Hôn phối được cử hành kín đáo phải được ghi vào sổ riêng, lưu trữ trong văn khố mật của giáo phủ.
Ðiều 1134: Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra trong hôn phối Kitô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thể được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống.
Ðiều 1135: Cả hai vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau trong tất cả những gì liên hệ đến đời sống chung của vợ chồng.
Ðiều 1136: Cha mẹ có trách nhiệm rất nặng nề và quyền lợi nguyên ủy phải hết sức chăm lo việc giáo dục con cái về thể lý, xã hội và văn hóa, về luân lý và tôn giáo.
Ðiều 1137: Những con cái được thụ thai hoặc sinh ra do hôn phối hữu hiệu hay giả định đều là con cái hợp thức.
Ðiều 1138:
(1) Người cha là kẻ được hôn nhân chính đáng chỉ định, trừ khi có
những lý chứng hiển nhiên chứng minh ngược lại.
(2) Ðược suy đoán là con hợp thức, những đứa con sinh ra tối thiểu 180 ngày sau lễ
thành hôn, hay trong vòng 300 ngày sau khi đời sống vợ chồng tan rã.
Ðiều 1139: Các con bất hợp thức được hợp thức hóa do hôn phối của cha mẹ được kết lập sau đó, dù là hữu hiệu hay giả định, hoặc do một phúc nghị của Tòa Thánh.
Ðiều 1140: Các con cái được hợp thức hóa được đồng hóa với các con cái hợp thức về mọi công hiệu giáo luật, trừ khi luật minh thị dự liệu cách khác.
Ðiều 1141: Hôn phối thành nhận và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào, ngoài sự chết.
Ðiều 1142: Hôn phối bất hoàn hợp giữa những người đã lĩnh bí tích rửa tội, hay giữa một người đã được rửa tội với một người không được rửa tội, có thể được tháo gỡ bởi Ðức Giáo Hoàng khi có lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai bên hay của một bên, dù bên kia phản đối.
Ðiều 1143:
(1) Hôn phối kết ước giữa hai người không được rửa tội được tháo gỡ
bởi đặc ân Thánh Phaolô nhằm ích lợi Ðức Tin của bên đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, do
chính sự kiện là người đã được rửa tội kết lập hôn phối mới, miễn là người không rửa
tội đã đoạn tuyệt với họ.
(2) Hiểu là đoạn tuyệt khi người không rửa tội không muốn chung sống với người đã
lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hay không muốn chung sống thuận hòa mà không xúc phạm tới
Ðấng Tạo Hóa; đừng kể khi nào người đã được rửa tội, sau khi lãnh nhận bí tích, đã
gây cho bên kia một duyên cớ chính đáng để đoạn tuyệt.
Ðiều 1144:
(1) Ðể người đã được rửa tội có thể tái hôn cách hữu hiệu, luôn luôn cần phải chất vấn người không rửa tội, xem rằng:
1. họ có muốn lĩnh phép rửa tội không;
2. họ có muốn ít ra chung sống thuận hòa với người đã được rửa tội và không xúc
phạm tới Ðấng Tạo Hóa không.
(2) Sự chất vấn như vậy được thực hiện sau khi rửa tội. Vì lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể cho phép thực hiện sự chất vấn trước khi rửa tội, hay kể cả miễn chuẩn việc chất vấn hoặc trước hoặc sau khi rửa tội, miễn là ngài thấy rõ ràng, ít là sau một thủ tục đơn giản ngoại tố tụng, rằng việc chất vấn không thể thực hiện được, hay sẽ vô ích.
Ðiều 1145:
(1) Thường lệ, việc chất vấn được thực hiện do quyền hành của Bản
Quyền sở tại của người đã trở lại đạo. Nếu bên kia xin, ngài có thể cho khoan giãn một
thời hạn để trả lời; nhưng phải nói cho họ biết, nếu thời hạn trôi qua vô ích thì sự yên
lặng của họ được coi như trả lời tiêu cực.
(2) Nếu không thể giữ được thể thức truyền buộc như trên, thì việc chất vấn được
thực hiện cách riêng tư do chính bên đã trở lại cũng hữu hiệu và hợp pháp nữa.
(3) Trong cả hai trường hợp, việc chất vấn và phúc đáp phải được minh xác hợp lệ
ở tòa ngoài.
Ðiều 1146: Người đã chịu phép rửa tội có quyền tái hôn với một người công giáo:
1. nếu bên kia trả lời sự chất vấn cách tiêu cực, hay sự chất vấn đã được bỏ qua
cách hợp pháp;
2. nếu bên không rửa tội, dù đã được chất vấn hay không, lúc đầu tiếp tục chung
sống thuận hòa không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa; nhưng sau đó, lại đoạn tuyệt khi
không có lý do chính đáng; tuy nhiên, phải giữ các quy định của các điều 1144 và 1145.
Ðiều 1147: Tuy nhiên, khi có lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể ban cho người đã được rửa tội và hưởng đặc ân Phaolô, được phép kết hôn với một người ngoài công giáo, dù đã được rửa tội hay không, nhưng phải giữ những điều truyền luật định về hôn phối hỗn hợp.
Ðiều 1148:
(1) Một người nam chưa được rửa tội có nhiều vợ cũng không được rửa tội, sau khi lãnh Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo, nếu khó sống mãn đời với
người vợ thứ nhất, thì ông có thể chọn sống với một trong các bà vợ và bỏ những bà
khác.
Ðiều này cũng có giá trị cho một người nữ chưa được rửa tội mà có một lúc
nhiều chồng không được rửa tội.
(2) Trong những trường hợp nói ở triệt 1, sau khi đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hôn phối
phải được kết lập theo thể thức hợp lệ, và nếu cần, còn phải giữ những quy định về
hôn phối hỗn hợp và những điều khác theo luật.
(3) Sau khi đã thẩm định về điều kiện luân lý, xã hội, kinh tế của địa phương và
nhân sự, Bản Quyền sở tại phải lo liệu để người vợ cả và những người vợ khác bị rẫy,
được chu cấp theo lẽ phải bác ái Kitô giáo, và sự công bình tự nhiên.
Ðiều 1149: Một người chưa rửa tội, sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo và không có thể lặp lại đời sống chung với người phối ngẫu không rửa tội vì lý do tù đày hay bắt bớ, thì có thể kết lập một hôn phối khác, cho dù trong thời gian ấy người phối ngẫu kia cũng đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, miễn là giữa điều 1141.
Ðiều 1150: Trong trường hợp hồ nghi, pháp luật suy đoán thuận lợi cho đặc ân Ðức Tin.
Ðiều 1151: Ðôi bạn có bổn phận và quyền lợi duy trì đời sống chung vợ chồng, trừ khi được miễn chước vì một lý do hợp lệ.
Ðiều 1152:
(1) Mặc dù phải thiết tha khuyên nhủ người phối ngẫu, vì bác ái Kitô
giáo thúc đẩy và vì lợi ích gia đình đòi hỏi, không nên khước từ việc tha thứ cho người
bạn ngoại tình và đừng để tan vỡ đời sống vợ chồng, tuy nhiên, nếu họ không minh thị
hay mặc nhiên tha thứ lỗi lầm ấy, thì họ có quyền tháo gỡ đời sống chung vợ chồng, trừ
khi chính họ đã chấp nhận việc ngoại tình, hay đã gây nguyên cớ ngoại tình, hay cũng
đã phạm tội ngoại tình.
(2) Sự tha thứ mặc nhiên xảy ra khi người phối ngẫu vô tội, sau khi biết rõ bên kia
ngoại tình, vẫn tự nguyện sống thân mật với người đó. Sự tha thứ được suy đoán nếu
trong vòng sáu tháng, họ vẫn giữ đời sống chung vợ chồng và không khiếu nại với
quyền bính Giáo Hội hay dân sự.
(3) Nếu người phối ngẫu vô tội đã tự ý tháo gỡ đời sống chung vợ chồng, thì trong
vòng sáu tháng, phải trình nguyên cớ ly thân lên nhà chức trách Giáo Hội có thẩm
quyền. Sau khi đã cân nhắc mọi hoàn cảnh, Giáo Quyền phải liệu xem có thể thuyết
phục người phối ngẫu vô tội tha thứ lỗi lầm và đừng kéo dài việc ly thân vĩnh viễn.
Ðiều 1153:
(1) Nếu một trong hai người phối ngẫu gây nguy hiểm nặng nề, hoặc về
phần hồn, hoặc về phần xác cho người kia hoặc cho con cái, hay nếu làm cho đời sống
chung trở nên quá cơ cực, thì người kia có lý do hợp lệ để xin Bản Quyền sở tại cho
phép ly thân. Nếu thấy sự khoan giãn sẽ có nguy hiểm, thì chính Bản Quyền có thể tự
tiện cho phép ấy.
(2) Trong mọi trường hợp, khi nguyên cớ ly thân đã chấm dứt, thì phải tái lập đời
sống vợ chồng, trừ khi giáo quyền ấn định thể khác.
Ðiều 1154: Một khi đã thực hiện việc ly thân, phải luôn luôn dự liệu một cách thích hợp về việc chu cấp và giáo dục con cái theo lẽ phải.
Ðiều 1155: Người phối ngẫu vô tội có thể đón nhận người kia trở về đời sống vợ chồng, và là điều rất tán thưởng. Trong trường hợp đó, họ khước từ quyền ly thân.
Ðiều 1156:
(1) Ðể hữu hiệu hóa hôn nhân vô hiệu do một ngăn trở tiêu hôn, thì cần
là ngăn trở đã chấm dứt hay được miễn chuẩn và phải lặp lại sự ưng thuận ít ra về phía
người biết có ngăn trở.
(2) Việc lặp lại ấy được luật Giáo Hội yêu sách như điều kiện hữu hiệu cho sự hữu
hiệu hóa, cho dù lúc ban đầu hai người đã bày tỏ sự ưng thuận và sau đó không rút lại.
Ðiều 1157: Việc lặp lại sự ưng thuận phải là một hành vi mới của ý muốn kết hôn, do người biết chắc hoặc tưởng nghĩ rằng hôn phối đã vô hiệu ngay từ đầu.
Ðiều 1158:
(1) Nếu sự ngăn trở là công khai, thì đôi bên phải lặp lại sự ưng thuận
theo thể thức giáo luật, tuy vẫn bảo toàn giá trị của quy định ở điều 1127, triệt 2.
(2) Nếu ngăn trở không thể chứng minh được, thì chỉ cần lặp lại sự ưng thuận cách
riêng tư và kín đáo bởi người bạn nào biết có sự ngăn trở, miễn là người bạn kia còn
giữ vững sự ưng thuận đã bày tỏ; hoặc bởi cả hai người, nếu cả hai người đều biết có
sự ngăn trở.
Ðiều 1159:
(1) Hôn phối vô hiệu vì thiếu sự ưng thuận được hữu hiệu hóa nếu
người bạn trước đây không ưng thuận đã tỏ dấu ưng thuận, miễn là người bạn kia còn
giữ vững sự ưng thuận đã bày tỏ.
(2) Nếu sự thiếu ưng thuận không thể chứng minh được, thì chỉ cần người bạn đã
không ưng thuận bày tỏ sự ưng thuận cách riêng tư và kín đáo.
(3) Nếu sự thiếu ưng thuận có thể chứng minh được, thì việc bày tỏ sự ưng thuận
phải được thực hiện theo thể thức giáo luật.
Ðiều 1160: Hôn phối vô hiệu vì thiếu thể thức, để được hữu hiệu, cần phải kết lập lại theo thể thức giáo luật, tuy vẫn duy trì giá trị của quy định ở điều 1127, triệt 2.
Ðiều 1161:
(1) Sự điều trị tại căn một hôn phối là việc hữu hiệu hóa hôn phối ấy mà
không phải lặp lại sự ưng thuận, do nhà chức trách có thẩm quyền ban cấp; nó bao
hàm việc chuẩn ngăn trở, nếu có, chuẩn thể thức giáo luật, nếu đã không giữ; cũng
như hồi tố các hiệu quả giáo luật của hôn phối về quá khứ.
(2) Việc hữu hiệu hóa có hiệu lực kể từ lúc ban đặc ân. Sự hồi tố được hiểu là bao
trùm cho đến lúc cử hành hôn phối, đừng kể khi đã minh thị dự liệu cách khác.
(3) Chỉ được ban sự trị liệu tại căn khi có hy vọng đôi bạn muốn duy trì đời sống vợ
chồng.
Ðiều 1162:
(1) Hôn phối không thể được điều trị tại căn, nếu cả hai hay một trong
hai người bạn đã thiếu sự ưng thuận ngay tự ban đầu, hoặc lúc đầu đã bày tỏ nhưng
về sau đã rút lại.
(2) Nếu quả thật sự ưng thuận đã thiếu ngay từ đầu nhưng về sau đã bày tỏ, thì có
thể cho trị liệu kể từ lúc bày tỏ sự ưng thuận.
Ðiều 1163:
(1) Hôn phối bị vô hiệu vì ngăn trở hay vì thiếu thể thức hợp lệ có thể
được trị liệu, miễn là đôi bạn còn giữ vững sự ưng thuận.
(2) Hôn phối bị vô hiệu vì một ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết
định, chỉ có thể được điều trị khi ngăn trở đã chấm dứt.
Ðiều 1164: Việc điều trị có thể được ban cách hữu hiệu cả khi một trong hai, hay cả đôi bạn không hay biết; nhưng chỉ nên ban khi có lý do quan trọng.
Ðiều 1165:
(1) Việc điều trị tại căn có thể được ban do Tòa Thánh.
(2) Việc điều trị tại căn có thể được ban do Giám Mục giáo phận trong từng trường
hợp, cho dù khi có nhiều lý do vô hiệu quy tụ trong cùng một hôn phối. Việc điều trị hôn
phối hỗn hợp chỉ được ban khi đã hội đủ những điều kiện nói đến trong điều 112
5. Tuy
nhiên, Giám Mục giáo phận không thể ban điều trị tại căn, nếu hôn phối mắc một ngăn
trở mà Tòa Thánh dành riêng việc miễn chuẩn theo điều 1078, triệt 2; hoặc một ngăn
trở theo luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết định, dù ngăn trở đã chấm dứt.