Ðiều 1166: Các Á Bí Tích là những dấu chỉ thánh, phỏng theo phần nào các bí tích, nhờ đó nhiều hiệu quả, nhất là hiệu quả thiêng liêng, được biểu thị và được thông ban do lời cầu khẩn của Giáo Hội.
Ðiều 1167:
(1) Chỉ duy Tòa Thánh mới có thể thiết lập các Á Bí Tích mới, hoặc giải
thích cách chính thức những Á Bí Tích hiện hành, phế bỏ hay thay đổi một vài thứ.
(2) Khi cử hành hay ban các Á Bí Tích, phải cẩn thủ các nghi lễ và các mô thức đã
được giáo quyền chuẩn y.
Ðiều 1168: Thừa tác viên của Á Bí Tích là giáo sĩ nào có quyền hành do luật đòi hỏi. Tuy nhiên, tùy theo quy định của sách phụng vụ và phán quyết của Bản Quyền sở tại, những giáo dân có những tư cách xứng hợp cũng có thể ban một số Á Bí Tích.
Ðiều 1169:
(1) Chỉ những người có chức Giám Mục, và các linh mục được luật
pháp hay một sự ủy nhượng hợp lệ cho phép, mới có thể cử hành việc thánh hiến và
cung hiến cách hữu hiệu.
(2) Mọi linh mục đều có thể ban các phép lành, trừ những phép lành được dành
riêng cho Ðức Giáo Hoàng hoặc cho các Giám Mục.
(3) Phó tế chỉ có thể ban những phép lành mà giáo luật đã minh thị cho phép.
Ðiều 1170: Những phép lành được ban trước tiên cho những người công giáo; nhưng có thể ban cho cả các dự tòng, và hơn thế, cho cả các người ngoài công giáo, trừ khi giáo hội ngăn cấm.
Ðiều 1171: Các đồ vật đã được cung hiến hay làm phép để dùng vào việc phụng tự phải được xử dụng cách kính cẩn, không được dùng vào việc phàm tục hay bất xứng, cho dù những vật thánh ấy thuộc sở hữu của tư nhân.
Ðiều 1172:
(1) Không ai được trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám,
nếu không được Bản Quyền sở tại ban phép đặc biệt và minh thị.
(2) Bản Quyền sở tại chỉ ban phép này cho linh mục đạo đức, nổi tiếng về học thức
và khôn ngoan, cùng có đời sống vẹn toàn.
Ðiều 1173: Trong khi chu toàn nhiệm vụ tư tế của Ðức Kitô, Giáo Hội cử hành phụng vụ giờ kinh, nhờ đó Giáo Hội lắng nghe Thiên Chúa nói với dân Ngài, tưởng nhớ mầu nhiệm ơn cứu chuộc, ca tụng Ngài không ngớt bằng lời kinh và khẩn cầu phần rỗi cho cả thế giới.
Ðiều 1174:
(1) Các giáo sĩ có nghĩa vụ buộc cử hành phụng vụ giờ kinh theo quy
tắc của điều 276, triệt 2, số 3. Các phần tử của hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ có
nghĩa vụ chiếu theo hiến pháp của họ.
(2) Tùy theo hoàn cảnh, cả các tín hữu khác cũng được tha thiết mời gọi tham dự
phụng vụ giờ kinh, xét vì đó là hoạt động của Giáo Hội.
Ðiều 1175: Khi cử hành phụng vụ giờ kinh, hãy gắng giữ đúng thời khắc của mỗi giờ kinh, tùy mức độ có thể.
Ðiều 1176:
(1) Các tín hữu đã qua đời phải được an táng theo nghi thức Giáo Hội,
do luật định.
(2) Qua lễ nghi an táng, Giáo Hội cầu xin ơn trợ giúp thiêng liêng cho người quá cố,
tôn kính thi hài của họ, và đồng thời đem lại ủi an và hy vọng cho người còn sống. Các
lễ nghi phải được cử hành đúng theo quy luật phụng vụ.
(3) Giáo Hội thiết tha khuyên nhủ nên duy trì phong tục đạo đức chôn cất thi hài
người quá cố. Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào sự hỏa táng được
chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Kitô giáo.
Ðiều 1177:
(1) Thường lệ, lễ an táng cho một tín hữu quá cố phải cử hành tại nhà
thờ giáo xứ của người ấy.
(2) Tuy nhiên, mọi tín hữu hay những người lo tang lễ cho tín hữu quá cố, được
phép lựa chọn một nhà thờ khác để cử hành lễ an táng, miễn là được vị quản đốc nhà
thờ đồng ý, và phải thông báo cho Cha Sở riêng của người quá cố biết.
(3) Nếu ai chết ở ngoài giáo xứ riêng, và thi hài không được đem về đó, cũng không
có nhà thờ nào được chọn lựa hợp lệ để cử hành tang lễ, thì lúc đó phải cử hành lễ an táng tại nhà thờ của giáo xứ nơi người ấy chết, trừ khi luật địa phương chỉ định thể
khác.
Ðiều 1178: Lễ an táng của Giám Mục giáo phận phải được cử hành tại nhà thờ chính tòa của giáo phận, trừ khi chính Ngài đã chọn một nhà thờ khác.
Ðiều 1179: Lễ an táng của các tu sĩ hay các phần tử của tu đoàn tông đồ thường được cử hành tại nhà nguyện hay nhà thờ riêng, do cha Bề Trên, nếu đó là dòng tu hay tu đoàn giáo sĩ; và do cha tuyên úy trong những trường hợp khác.
Ðiều 1180:
(1) Nếu giáo xứ có nghĩa trang riêng, thì phải mai táng các tín hữu quá
cố ở đó, trừ khi chính người quá cố hay những người đứng lo mai táng, đã chọn lựa
cách hợp lệ một nghĩa trang khác.
(2) Nếu không bị luật cấm, mọi người đều được phép chọn nghĩa trang để mai táng.
Ðiều 1181: Về phí tổn an táng, phải giữ khoản 1264. Tuy nhiên, phải tránh mọi sự thiên vị cá nhân, và đừng để người nghèo không được an táng xứng đáng.
Ðiều 1182: Sau khi an táng rồi, phải ghi tên người quá cố vào sổ tử theo luật địa phương.
Ðiều 1183:
(1) Về việc an táng, các người dự tòng được đồng hóa với người Kitô hữu.
(2) Bản Quyền sở tại có thể ban phép cử hành an táng theo nghi thức Giáo Hội cho
các trẻ em mà cha mẹ có ý rửa tội nhưng đã chết trước khi được rửa tội.
(3) Tùy theo sự phán đoán khôn ngoan, Bản Quyền sở tại có thể cho những người
đã rửa tội và gia nhập vào một Giáo Hội hay Giáo Ðoàn ngoài công giáo, được an táng
theo nghi lễ Giáo Hội, trừ khi biết rõ ý muốn ngược lại của họ và miễn là không thể có
một thừa tác viên riêng để cử hành.
Ðiều 1184:
(1) Nếu họ không tỏ một dấu hiệu thống hối nào trước khi chết, thì phải từ chối an táng theo nghi lễ Giáo Hội:
1. những người bội giáo, lạc giáo và ly giáo cách tỏ tường;
2. những người chọn hỏa táng thi hài của mình vì những lý do nghịch với Ðức Tin
Kitô Giáo;
3. những tội nhân trống trải khác, mà việc an táng theo nghi thức Giáo Hội chắc
chắn sẽ sinh gương xấu công khai cho các tín hữu.
(2) Khi gặp trường hợp hoài nghi, thì phải hỏi ý kiến Bản Quyền sở tại và làm theo sự phán quyết của Ngài.
Ðiều 1185: Người nào không được mai táng theo nghi thức Giáo Hội, thì cũng không được làm lễ quy lăng cho họ.
Ðiều 1186: Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Ðức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Ðức Kitô đặt làm Mẹ của cả loài người; cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các Ngài.
Ðiều 1187: Chỉ được phép tôn kính công khai những Tôi Tớ của Thiên Chúa đã được giáo quyền liệt kê vào sổ bộ chân phước hay hiển thánh.
Ðiều 1188: Tập tục trưng bày ảnh tượng thánh để tôn kính trong các nhà thờ cần được duy trì; tuy nhiên, phải giữ chừng mực về số lượng và thứ tự cân xứng, ngõ hầu không gây ngỡ ngàng cho dân Kitô Giáo, hoặc mở lối cho những lối sùng kính lệch lạc.
Ðiều 1189: Khi cần phải tu bổ những ảnh tượng quý giá, nghĩa là có giá trị cổ kính nghệ thuật hay văn hóa và được trưng bày để giáo dân tôn kính trong các nhà thờ hay nhà nguyện, thì chỉ được tiến hành việc tu sửa khi có phép bằng giấy tờ của Bản Quyền. Trước khi ban phép, Bản Quyền phải hội ý với những người chuyên môn.
Ðiều 1190:
(1) Tuyệt đối cấm không được bán các hài cốt thánh.
(2) Nếu không có phép Tòa Thánh, thì sẽ vô hiệu việc chuyển nhượng bằng bất cứ
cách nào hoặc di chuyển vĩnh viễn những di tích nổi tiếng và những vật thánh khác, mà
dân chúng sùng kính đặc biệt.
(3) Ðiều quy định ở triệt 2 cũng có giá trị đối với các ảnh tượng được dân chúng
sùng kính đặc biệt trong một nhà thờ nào đó.
Ðiều 1191:
(1) Lời khấn là lời hứa cách ý thức và thong dong đối với Thiên Chúa,
về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Xét vì thuộc về đức thờ phượng, lời
khấn buộc phải được chu toàn.
(2) Nếu không bị luật cấm, mọi người biết xử dụng trí khôn đều có năng cách tuyên
khấn.
(3) Lời khấn bị thúc đẩy vì sợ hãi trầm trọng và bất công, hay bởi lường gạt, thì bị vô
hiệu do chính pháp luật.
Ðiều 1192:
(1) Lời khấn là công, nếu được Bề Trên hợp pháp chấp nhận nhân danh
Giáo Hội; đối lại, là lời khấn tư.
(2) Lời khấn là trọng thể nếu được Giáo Hội nhìn nhận như vậy; đối lại, là lời khấn
đơn thường.
(3) Lời khấn là tòng nhân, nếu người khấn hứa đích thân thi hành; lời khấn là tòng
vật, nếu hứa một đồ vật gì; lời khấn là hỗn hợp, nếu có dính líu tới bản chất vừa của lời
khấn tòng nhân vừa của lời khấn tòng vật.
Ðiều 1193: Tự nó, lời khấn chỉ ràng buộc người đã tuyên.
Ðiều 1194: Lời khấn chấm dứt vì hết thời gian cam kết chu toàn nghĩa vụ; vì chất liệu đối tượng lời khấn đã thay đổi tận bản thể; vì không xảy ra điều kiện do đó lời khấn đã được đặt ra hay thiếu mục tiêu; vì sự miễn chuẩn; vì sự hoán cải.
Ðiều 1195: Ai có quyền hành trên chất liệu của lời khấn thì có thể đình chỉ nghĩa vụ của lời khấn, bao lâu việc thi hành lời khấn gây thiệt hại cho họ.
Ðiều 1196: Ngoại trừ Ðức Giáo Hoàng, những người sau đây, khi có lý do chính đáng, có thể chuẩn những lời khấn tư, miễn là việc chuẩn không phương hại đến quyền
lợi thủ đắc của người khác:
1. Bản Quyền sở tại và Cha Sở, đối với những người thuộc quyền và cả những người lữ khách.
2. Bề Trên dòng tu hay tu đoàn tông đồ, nếu là dòng tu hay tu đoàn giáo sĩ thuộc
luật Giáo Hoàng, đối với các phần tử, tập sinh và những người ngày đêm trọ trong nhà
của dòng hay của tu đoàn.
3. Những người được Tòa Thánh và Bản Quyền sở tại đã ủy quyền miễn chuẩn.
Ðiều 1197: Một công việc đã hứa do lời khấn tư có thể được hoán cải ra một việc khác tốt hơn hay tương đương do chính người đã khấn; còn việc hoán cải ra một điều thiện kém hơn chỉ có thể cấp bởi người có quyền miễn chuẩn theo điều 1196.
Ðiều 1198: Những lời khấn đã tuyên trước khi khấn dòng sẽ bị đình chỉ, bao lâu đương sự còn ở trong dòng tu.
Ðiều 1199:
(1) Lời thề, nghĩa là việc kêu cầu danh Chúa để làm chứng cho sự thật,
chỉ được tuyên trong chân lý, hợp lý và ngay chính.
(2) Lời thề do giáo luật đòi hỏi hay đón nhận, sẽ không thể được tuyên cách hữu
hiệu bởi người đại diện.
Ðiều 1200:
(1) Ai đã thề một cách thong dong rằng mình sẽ làm một việc gì, thì bị
bó buộc, do nghĩa vụ riêng của đức thờ phượng, phải thi hành điều mà họ đã xác quyết
bằng lời thề.
(2) Lời thề bị thúc đẩy vì bị lường gạt, bạo lực hoặc sợ hãi trầm trọng, thì vô hiệu do
chính pháp luật.
Ðiều 1201:
(1) Lời thề đoan hứa sẽ đi theo bản tính và những điều kiện của hành vi
mà nó bổ sung.
(2) Nếu một hành vi trực tiếp làm hại người khác hoặc làm tổn thương công ích hay
phần rỗi đời đời thì, dù được bổ sung bởi lời thề, hành vi ấy không cấu thành nghĩa vụ.
Ðiều 1202: Nghĩa vụ phát sinh do lời thề đoan hứa được chấm dứt:
1. Nếu được giải trừ bởi người mà lời thề đã tuyên vì ích lợi của họ.
2. Nếu chất liệu lời thề đã bị thay đổi tự bản chất; hoặc trở nên xấu xa hay hoàn
toàn vô nghĩa bởi vì hoàn cảnh biến đổi; hoặc sau hết, nó làm cản trở sự thiện ích lớn
hơn.
3. Bởi thiếu nguyên nhân chủ đích, hoặc thiếu điều kiện chính yếu của lời thề.
4. Do sự miễn chuẩn, sự hoán cải theo điều 1203.
Ðiều 1203: Ai có thể đình chỉ, miễn chuẩn, hoán cải lời khấn thì cũng có quyền như vậy đối với lời thề đoan hứa. Nhưng nếu việc miễn chuẩn lời thề gây thiệt hại cho người khác, và họ từ chối giải trừ nghĩa vụ, thì chỉ duy Tòa Thánh mới có thể miễn chuẩn lời thề ấy.
Ðiều 1204: Phải giải thích lời thề cách chặt chẽ theo quyền lợi và ý định của người thề. Nhưng nếu người này hành động do gian ý, thì phải giải thích theo ý hướng của người nhận lời thề.
Ðiều 1205: Nơi thánh là những nơi dành vào việc thờ phượng Thiên Chúa và việc mai táng các tín hữu, do sự cung hiến hay làm phép theo các quy định của sách phụng vụ.
Ðiều 1206: Việc cung hiến một nơi thì được dành cho Giám Mục giáo phận và những người được giáo luật đồng hóa với Giám Mục. Các Ngài có thể ủy nhiệm cho một Giám Mục nào khác, hay trong những trường hợp ngoại lệ, cho một linh mục, để cử hành việc cung hiến trong lãnh thổ của mình.
Ðiều 1207: Các nơi thánh được làm phép bởi Ðấng Bản Quyền; tuy nhiên, việc làm phép nhà thờ được dành cho Giám Mục giáo phận. Cả hai vị đều có thể thừa ủy cho một linh mục khác làm thay.
Ðiều 1208: Cần phải thảo văn kiện làm vi bằng về việc làm phép hay cung hiến nhà thờ cùng về việc làm phép nghĩa trang. Một bản được lưu trữ tại phủ giáo phận, một bản trong văn khố của nhà thờ.
Ðiều 1209: Việc cung hiến hay đã làm phép một nơi thì có thể được chứng minh do một nhân chứng đáng tin cập cũng đủ, miễn là không làm hại ai.
Ðiều 1210: Trong nơi thánh, chỉ được nhận điều gì giúp vào sự thi hành hay tăng gia việc thờ phượng, đạo đức, và tôn giáo; phải cấm những gì trái nghịch với sự thánh thiện của nơi thánh. Tuy nhiên, Bản Quyền có thể cho phép xử dụng vào những sinh hoạt khác, nhưng chỉ từng lần một, miễn là không trái với sự thánh thiện của nơi thánh.
Ðiều 1211: Các nơi thánh bị xúc phạm do những hành động bất xứng trầm trọng, sinh gương xấu cho giáo dân tại đó và, theo sự phán đoán của Bản Quyền sở tại, có tính cách nặng nề và trái nghịch với sự thánh thiện của nơi thánh đến nỗi không thể cử hành việc thờ phượng tại đó được nữa cho đến khi phạt tạ mọi bất xứng bằng một lễ nghi thống hối theo quy định của sách phụng vụ.
Ðiều 1212: Các nơi thánh mất sự cung hiến và làm phép, nếu bị phá hủy một phần lớn, hay bị xử dụng thường xuyên vào những công việc phàm tục, do một nghị định của Bản Quyền có thẩm quyền, hoặc do một sự kiện thực tế.
Ðiều 1213: Giáo quyền được tự do hành sử quyền bính và trách nhiệm của mình trong những nơi thánh.
Ðiều 1214: Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công.
Ðiều 1215:
(1) Nhà thờ chỉ được xây cất khi có sự đồng ý minh thị bằng giấy tờ của
Giám Mục giáo phận.
(2) Giám Mục giáo phận chỉ nên ban phép sau khi đã tham khảo ý kiến Hội Ðồng
Linh Mục và các linh mục quản đốc các nhà thờ kế cận, và Ngài xét thấy rằng nhà thờ
mới sẽ sinh ích cho các linh hồn, cũng như không lo thiếu phương tiện xây cất nhà thờ
và những sự cần thiết khác cho việc phượng tự.
(3) Các dòng tu, dù đã được Giám Mục giáo phận đồng ý cho lập tu việc trong giáo
phận, cũng còn phải có sự đồng ý của Ngài trước khi xây nhà thờ trong một địa điểm
chắc chắn và xác định.
Ðiều 1216: Khi xây và sửa nhà thờ, ngoài việc hỏi ý các nhà chuyên môn, cần phải tuân giữ những nguyên tắc và những quy luật của phụng vụ và nghệ thuật thánh nữa.
Ðiều 1217:
(1) Khi đã hoàn tất việc xây cất, nhà thờ mới phải được cung hiến hay
làm phép theo quy luật phụng vụ thánh càng sớm càng tốt.
(2) Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung
hiến với nghi lễ trọng thể.
Ðiều 1218: Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa.
Ðiều 1219: Trong nhà thờ đã cung hiến hay làm phép hợp lệ, có thể cử hành tất cả các sinh hoạt phụng tự, nhưng phải tôn trọng các quyền lợi của giáo xứ.
Ðiều 1220:
(1) Những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ phải lo giữ nhà thờ
sạch sẽ và trang nghiêm, xứng đáng là nhà của Chúa, cùng ngăn cản tất cả những gì
nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy.
(2) Ðể giữ gìn các đồ vật thánh và quý giá, cần phải xử dụng những phương tiện
bảo trì thường lệ và những biện pháp an ninh thích hợp.
Ðiều 1221: Việc lui tới nhà thờ trong giờ cử hành phụng tự phải được tự do và miễn phí.
Ðiều 1222:
(1) Nếu một nhà thờ không còn cách nào có thể xử dụng vào việc phụng
tự và không thể nào trùng tu được nữa, thì Giám Mục giáo phận có thể cho phép xử
dụng vào công việc phàm tục không uế tạp.
(2) Khi có những lý do khác quan trọng xui khiến không tiện xử dụng một nhà thờ
vào việc phụng tự nữa, thì Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến Hội Ðồng
Linh Mục và được sự thỏa thuận của những người có quyền lợi hợp lệ trong nhà thờ,
có thể cho xử dụng vào việc phàm tục không uế tạp, miễn là không vì thế mà làm thiệt
hại đến ích lợi của các linh hồn.
Ðiều 1223: Danh từ Nhà nguyện được hiểu là một nơi được Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới.
Ðiều 1224:
(1) Bản Quyền chỉ được cho phép lập nhà nguyện sau khi đã đích thân
hay nhờ người khác đến thị sát nơi muốn dành làm nhà nguyện, và thấy nơi ấy xứng
đáng.
(2) Khi đã xin được phép rồi, nhà nguyện không được xử dụng vào công việc phàm
tục nữa, nếu không có phép của chính Bản Quyền ấy.
Ðiều 1225: Trong nhà nguyện đã thiết lập hợp lệ, có thể cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, trừ những gì mà giáo luật hay chỉ thị của Bản Quyền địa phương hạn chế, hay trái với quy luật phụng vụ.
Ðiều 1226: Danh từ Phòng nguyện được hiểu là nơi mà Bản Quyền địa phương cho phép dành vào việc thờ phượng vì ích lợi của một người hay một số người.
Ðiều 1227: Các Giám Mục có thể lập một phòng nguyện riêng cho mình. Phòng nguyện ấy được hưởng các quyền lợi như một nhà nguyện.
Ðiều 1228: Ðừng kể quy định của điều 1227, để cử hành thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác trong phòng nguyện tư, cần phải có phép của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 1229: Nên làm phép nhà nguyện và phòng nguyện riêng theo nghi thức đã định trong sách phụng vụ; và phải dành riêng vào việc phụng tự, tránh xử dụng vào bất cứ công việc thường khác trong nhà.
Ðiều 1230: Danh từ thánh điện được hiểu là một nhà thờ hay một nơi thánh khác, mà vì một lý do đạo đức đặc biệt, giáo dân thường xuyên lui tới hành hương, với sự chuẩn nhận của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 1231: Ðể một thánh điện trở thành thánh điện toàn quốc, cần được sự chuẩn nhận của Hội Ðồng Giám Mục; để trở thành thánh điện quốc tế, cần được sự chuẩn nhận của Tòa Thánh.
Ðiều 1232:
(1) Việc phê chuẩn quy chế của thánh điện giáo phận thuộc thẩm quyền
của Bản Quyền sở tại; việc phê chuẩn quy chế của thánh điện toàn quốc thuộc thẩm
quyền của Hội Ðồng Giám Mục; và chỉ Tòa Thánh mới có thẩm quyền phê chuẩn quy
chế của thánh điện quốc tế.
(2) Trong quy chế phải xác định nhất là về mục đích, quyền hạn của vị quản đốc,
quyền sở hữu và việc quản trị.
Ðiều 1233: Một số đặc ân có thể được ban cho các thánh điện mỗi khi thấy hoàn cảnh địa phương, số khách hành hương đông đảo và nhất là ích lợi của tín hữu đòi hỏi.
Ðiều 1234:
(1) Tại các thánh điện, cần phải cung cấp dồi dào những phương thế cứu rỗi cho các tín hữu như: chuyên cần rao giảng Lời Chúa, cổ võ đời sống phụng vụ, đặc biệc bằng việc cử hành Thánh Lễ và việc thống hối, cũng như thực hành các hình
thức đạo đức bình dân đã được công nhận.
(2) Những di tích tạ ơn bày tỏ lòng đạo đức và có giá trị nghệ thuật bình dân được
trưng bày trong thánh điện hay các nơi kế cận, phải được duy trì và gìn giữ an toàn.
Ðiều 1235:
(1) Bàn thờ, tức là bàn trên đó cử hành Hy Lễ Thánh Thể, được nói là
cố định khi nó được xây gắn liền với nền nhà đến nỗi không thể xê dịch được; là lưu
động nếu có thể xê dịch được.
(2) Trong mỗi nhà thờ nên có một bàn thờ cố định; còn ở những nơi khác dành cho
việc cử hành phụng vụ, bàn thờ có thể là cố định hay lưu động.
Ðiều 1236:
(1) Theo tập tục lưu truyền của Giáo Hội, mặt bàn thờ cố định phải làm
bằng đá, và hơn nữa, bằng một tảng đá tự nhiên duy nhất. Tuy nhiên, mặt bàn thờ
cũng có thể làm bằng chất liệu khác, xứng đáng và vững chắc tùy theo sự phán đoán
của Hội Ðồng Giám Mục. Chân hay đế bàn thờ có thể làm bằng chất liệu khác.
(2) Bàn thờ lưu động có thể làm bằng bất cứ chất liệu gì vững chắc thích hợp với
công tác phụng vụ.
Ðiều 1237:
(1) Bàn thờ cố định phải được cung hiến; bàn thờ lưu động phải được
cung hiến hay làm phép theo nghi thức trong sách phụng vụ.
(2) Cần giữ tập truyền lâu đời lưu giữ hài cốt các vị tử đạo hay các thánh khác dưới
bàn thờ cố định, theo quy luật của sách phụng vụ.
Ðiều 1238:
(1) Bàn thờ mất sự cung hiến hay làm phép theo điều 1212.
(2) Bàn thờ cố định hay lưu động không mất sự cung hiến hay làm phép dù khi bàn
thờ hay nơi thánh bị xử dụng vào việc phàm tục.
Ðiều 1239:
(1) Bàn thờ, dù cố định hay lưu động, chỉ được dành riêng cho việc
phụng tự; tuyệt đối phải loại trừ mọi xử dụng phàm tục.
(2) Không được chôn táng xác chết dưới bàn thờ; trong trường hợp ngược lại,
không được phép cử hành Thánh Lễ trên bàn thờ ấy.
Ðiều 1240:
(1) Nơi nào có thể, phải có nghĩa trang riêng của Giáo Hội, hay ít ra một
khoảng trong nghĩa trang dân sự được dành riêng cho các tín hữu đã qua đời, và phải
làm phép thích đáng.
(2) Nếu không thể có nghĩa trang như trên, thì phải làm phép các phần mộ từng lần
một.
Ðiều 1241:
(1) Các giáo xứ và các dòng tu có thể có nghĩa trang riêng.
(2) Các pháp nhân khác và các gia đình cũng có thể có phần mộ hay nghĩa trang
riêng, và có thể được làm phép theo phán đoán của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 1242: Không được táng xác trong nhà thờ; tuy nhiên, thi hài của Ðức Giáo Hoàng, các Hồng Y hay các Giám Mục giáo phận, dù hồi hưu, được phép an táng trong nhà thờ riêng.
Ðiều 1243: Luật địa phương phải ấn định các quy luật thích hợp cần giữ về nghĩa trang, đặc biệt để bảo vệ và đề cao tính cách thánh thiện của nó.
Ðiều 1244:
(1) Duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền thiết lập,
chuyển dịch, bãi bỏ những ngày lễ, cũng như những ngày thống hối chung cho toàn thể
Giáo Hội, tuy vẫn giữ giá trị của điều 1246, triệt 2.
(2) Các Giám Mục giáo phận có thể ấn định những ngày lễ hay những ngày thống
hối riêng cho giáo phận hay địa phương của các Ngài, nhưng chỉ từng trường hợp thôi.
Ðiều 1245: Ðừng kể quyền của các Giám Mục giáo phận nói đến trong điều 87, Cha Sở, khi có lý do chính đáng và theo chỉ thị của Giám Mục giáo phận, có thể miễn chuẩn từng lần nghĩa vụ phải giữ ngày lễ hay ngày thống hối, hoặc thay thế bằng việc đạo đức khác. Bề Trên dòng tu hay tu đoàn tông đồ, nếu là dòng giáo sĩ thuộc luật Giáo Hoàng, có quyền miễn chuẩn như Cha Sở đối với các thuộc cấp và những người khác ngày đêm trọ trong nhà.
Ðiều 1246:
(1) Ngày Chủ Nhật, tức ngày cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, do truyền
thống từ các thánh tông đồ, phải được giữ trong toàn thể Giáo Hội như ngày lễ trọng
nguyên khởi bắt buộc. Ngoài ra, còn phải giữ các ngày lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, lễ
Hiển Linh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu, lễ Ðức Maria
Mẹ Thiên Chúa, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh
Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, lễ Các Thánh.
(2) Tuy nhiên, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể bỏ bớt
vài ngày lễ buộc hay chuyển dời qua ngày Chủ Nhật.
Ðiều 1247: Vào ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ, và hơn nữa, kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác.
Ðiều 1248:
(1) Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi công giáo bất cứ ở đâu,
hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc
dự lễ.
(2) Nếu không có tác viên thánh hay vì lý do quan trọng khác khiến cho việc tham
dự Thánh Lễ không thể thực hiện được, thì phải hết sức khuyên nhủ giáo dân tham dự
phụng vụ Lời Chúa, nếu được cử hành trong nhà thờ xứ hay tại một nơi thánh khác
theo như chỉ thị của Giám Mục giáo phận; hoặc dành một thời giờ phải chăng để cầu
nguyện, cách riêng tư hay với gia đình, hoặc nếu thuận tiện, với cả liên gia.
Ðiều 1249: Luật Chúa buộc mọi tín hữu làm việc thống hối theo cách thức riêng của mỗi người. Nhưng để các tín hữu liên kết với nhau trong một vài nghĩa vụ thống hối chung, luật quy định những ngày thống hối, để trong những ngày ấy, các tín hữu chú trọng đặc biệt đến sự cầu nguyện, thi hành việc đạo đức và việc bác ái, từ bỏ bản thân, bằng cách trung thành chu toàn các bổn phận riêng và nhất là bằng cách giữ chay và kiêng thịt, dựa theo các điều luật sau đây.
Ðiều 1250: Những ngày và mùa thống hối chung cho toàn thể Giáo Hội là các ngày thứ sáu trong năm và mùa chay.
Ðiều 1251: Vào các ngày thứ sáu, nếu không trùng với ngày lễ trọng, thì phải giữ việc kiêng thịt hay kiêng một thức ăn khác theo Hội Ðồng Giám Mục đã quy định. Vào ngày thứ tư Lễ Tro và ngày thứ sáu Tuần Thánh kính nhớ sự Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô, phải giữ việc kiêng thịt và ăn chay.
Ðiều 1252: Luật kiêng thịt buộc những người đã 14 tuổi trọn. Luật ăn chay buộc hết mọi người đã đến tuổi trưởng thành cho tới lúc bắt đầu 60 tuổi. Tuy nhiên, các Chủ Chăn và các phụ huynh phải lo dạy cho các em chưa đến tuổi buộc ăn chay và kiêng thịt để chúng hiểu biết ý nghĩa đích thực của việc thống hối.
Ðiều 1253: Hội Ðồng Giám Mục có thể xác định rõ rệt hơn việc giữ chay và kiêng thịt, cũng như thay thế chúng cách toàn phần, hay từng phần bằng những hình thức thống hối khác, nhất là bằng những việc từ thiện và việc đạo đức.