Ðiều 1671: Theo luật riêng, các vụ kiện hôn nhân của những người đã chịu phép rửa tội thuộc thẩm quyền của thẩm phán Giáo Hội.
Ðiều 1672: Các vụ kiện về những hiệu lực thuần túy dân sự của hôn nhân sẽ thuộc quyền của thẩm phán dân sự, trừ khi luật địa phương đã ấn định là các vụ kiện ấy có thể do thẩm phán Giáo Hội cứu xét và phán định, như là vấn đề phụ đới và tùy tòng.
Ðiều 1673: Ðối với những vụ kiện về sự vô hiệu của hôn nhân mà Tòa Thánh không dành riêng, thì tòa án có thẩm quyền là:
1. tòa án tại nơi đã cử hành hôn nhân;
2. tòa án tại nơi bị đơn có cư sở hay ban cư sở;
3. tòa án tại nơi nguyên đơn có cư sở, miễn là cả hai đương sự đều cư ngụ trong
lãnh thổ của cùng một Hội Ðồng Giám Mục, và được sự đồng ý của Ðại diện Tư pháp
nơi bị đơn có cư sở, sau khi nghe ý kiến của chính bị đơn;
4. tòa án nơi mà trong thực tế, một phần lớn các bằng chứng sẽ được thâu thập,
miễn là có sự đồng ý của Ðại diện Tư pháp tại nơi bị đơn có cư sở, sau khi đã hỏi bị
đơn xem có gì phản đối hay không.
Ðiều 1674: Những người sau đây có năng cách kháng nghị hôn nhân:
1. những người phối ngẫu;
2. chưởng lý, khi sự vô hiệu đã thành công khai, nếu không thể hay không tiện hữu
hiệu hóa.
Ðiều 1675:
(1) Hôn nhân nào không bị tố cáo khi cả hai vợ chồng còn sống, thì
không thể bị tố cáo sau khi cả hai hay một trong hai người mệnh một, trừ khi vấn đề về
sự hữu hiệu có tính cách tiên quyết để giải quyết một tranh chấp khác hoặc ở tòa giáo
luật hoặc ở tòa dân sự.
(2) Nếu một người phối ngẫu mệnh một trong khi tiến hành vụ án, thì phải áp dụng
điều 1518.
Ðiều 1676: Trước khi thâu nhận vụ án và khi thấy có hy vọng đạt kết quả tốt, thẩm phán phải dùng các phương thế mục vụ để khuyến dụ hai người phối ngẫu, ngõ hầu, nếu có thể, họ hữu hiệu hóa hôn nhân và tái lập sự sống chung giữa vơ chồng.
Ðiều 1677:
(1) Khi đã nhận đơn, chánh án hay thẩm phán phúc trình viên phải cáo
tri án lệnh triệu ra tòa, chiếu theo quy tắc của điều 1508.
(2) Sau khi đã trôi qua hạn kỳ mười lăm ngày kể từ khi cáo tri, chánh án hay thẩm
phán phúc trình viên, trừ khi một đương sự đã yêu cầu mở một phiên tòa để đối tụng,
trong hạn mười ngày phải ấn định bằng án lệnh công thức vấn nạn cần được giải
quyết, và phải cáo tri cho các đương sự.
(3) Trong công thức vấn nạn, không những đặt vấn đề xem sự vô hiệu của hôn
nhân có chứng minh được hay không, mà còn phải xác định vì lý do gì mà sự hữu hiệu
của hôn nhân bị kháng nghị.
(4) Sau mười ngày từ khi cáo tri án lệnh, nếu các đương sự không chống đối, chánh
án hay thẩm phán phúc trình viên phải ra lệnh tiến hành cuộc điều tra bằng một án lệnh
mới.
Ðiều 1678:
(1) Bảo hệ, các luật sư của các đương sự và cả chưởng lý, nếu can dự
vào vụ án, có quyền:
1. có mặt trong cuộc thẩm vấn các đương sự, các nhân chứng, các giám định viên, miễn là tuân hành quy định ở điều 1559;
2. xem các án từ tư pháp mặc dù chưa được công bố, và khảo sát các tài liệu do
các đương sự cung cấp.
(2) Các đương sự không được tham dự vào cuộc thẩm vấn nói ở triệt 1, số 1.
Ðiều 1679: Trừ khi có được các bằng chứng đầy đủ từ nguồn khác, để ước định các lời cung khai của các đương sự theo quy tắc ở điều 1536, thẩm phán, nếu có thể được, hãy tìm các nhân chứng công nhận sự đáng tin của các đương sự, cũng như phải thu thập các dấu chỉ và những yếu tố bổ túc khác.
Ðiều 1680: Trong những vụ kiện về sự bất lực hay về sự thiếu ưng thuận vì bệnh tinh thần, thẩm phán phải nhờ đến một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ là không cần thiết. Trong những vụ kiện khác, phải giữ quy định của điều 1574.
Ðiều 1681: Trong khi thẩm cứu vụ án, nếu xảy ra nghi vấn hữu lý về hôn phối bất hoàn hợp, thì tòa án, sau khi đình chỉ vụ kiện về sự vô hiệu với sự đồng ý của các đương sự, có thể tiến hành sự thẩm cứu để xin chuẩn hôn nhân thành nhận; sau đó, chuyển các án từ lên Tòa Thánh cùng với thỉnh nguyện xin chuẩn của một hay của cả hai vợ chồng và cùng với ý kiến của tòa án và của Giám Mục.
Ðiều 1682:
(1) Án văn tuyên bố hôn nhân vô hiệu, cùng với các kháng cáo nếu có,
và các án từ tố tụng khác, phải được chuyển, chiếu chức vụ, lên tòa kháng cáo trong
hạn hai mươi ngày từ khi công bố án văn.
(2) Nếu ở tòa sơ cấp, án văn được ban hành có lợi cho sự vô hiệu của hôn nhân, thì
tòa kháng cáo, sau khi cân nhắc các điều nhận xét của bảo hệ và của các đương sự
nếu có, phải ra một án lệnh để hoặc xác nhận quyết nghị ấy hoặc thu nhận vụ kiện để
thẩm sát theo đường lối thông thường ở cấp bực mới.
Ðiều 1683: Nếu ở cấp bậc kháng cáo, một lý do mới của sự vô hiệu hôn nhân được nại ra, tòa án có thể thu nhận lý do đó và phán định như ở tòa sơ cấp.
Ðiều 1684:
(1) Sau khi án văn tuyên bố hôn nhân vô hiệu ở tòa sơ cấp được xác
nhận bằng án lệnh hay bằng một án văn khác ở tòa kháng cáo, thì những người có hôn
nhân bị tuyên bố vô hiệu, có thể tái hôn liền sau khi án lệnh hoặc án văn khác được cáo
tri, trừ khi có lệnh ngăn cấm tái hôn đã được ghi chú vào án văn hay án lệnh, hoặc do
Bản Quyền sở tại đã ấn định.
(2) Những quy định ở điều 1644 phải được tuân giữ, cả khi án văn tuyên bố hôn
nhân vô hiệu đã được xác nhận không phải bằng một án văn khác, nhưng bằng một án
lệnh.
Ðiều 1685: Khi án văn đã có hiệu lực chấp hành, Ðại diện Tư pháp phải thông tri cho Bản Quyền sở tại nơi đã cử hành hôn nhân. Bản Quyền này phải lo ghi chú ngay vào sổ hôn phối và sổ rửa tội, về sự tuyên bố hôn nhân vô hiệu và những ngăn cấm kèm theo nếu có.
Ðiều 1686: Sau khi nhận thỉnh đơn theo quy tắc của điều 1677, Ðại diện Tư pháp hay thẩm phán được Ðại diện Tư pháp chỉ định, có thể bỏ những trọng thức của vụ kiện thông thường, và triệu các đương sự ra tòa, cùng với sự can thiệp của bảo hệ, để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, nếu tài liệu chứng minh rõ ràng có ngăn trở tiêu hôn hay thiếu hình thức hợp lệ; tài liệu ấy phải chắc chắn không thể bị phản đối hay khước biện và cũng chắc chắn rằng ngăn trở đã không được miễn chuẩn, hoặc người đại diện đã không có ủy nhiệm thư hữu hiệu.
Ðiều 1678:
(1) Nếu bảo hệ ước định cách khôn ngoan rằng những hà tì nói ở điều
1686 hay sự thiếu miễn chuẩn, không được chắc chắn, thì vị ấy phải kháng cáo chống
lại lời tuyên bố vô hiệu lên thẩm phán tòa đệ nhị cấp. Các án từ phải được gởi đến
thẩm phán tòa đệ nhị cấp, đồng thời phải chú thích trên giấy tờ cho biết đó là một vụ tố
tụng dựa trên tài liệu.
(2) Ðương sự nào cho rằng mình bị thiệt hại, có toàn quyền kháng cáo.
Ðiều 1688: Thẩm phán tòa đệ nhị cấp, với sự can dự của bảo hệ và sau khi nghe các đương sự, sẽ quyết định cũng một cách như nói ở điều 1686, để xác nhận án văn hay phải tiến hành vụ kiện theo thủ tục thông thường của luật pháp; trong trường hợp này, thẩm phán phải gởi trả vụ kiện cho tòa sơ cấp.
Ðiều 1689: Trong án văn, các đương sự phải được nhắc nhở cả về những bổn phận luân lý hay dân sự mà bên này phải giữ đối với bên kia, và đối với việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
Ðiều 1690: Không được áp dụng tố tụng hộ sự khẩu biện trong các vụ kiện tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
Ðiều 1691: Trong những vấn đề khác liên quan đến thủ thục tiến hành, phải áp dụng các điều khoản nói về sự phán xử nói chung và về tố tụng hộ sự thông thường, trừ khi bản chất vấn đề đòi hỏi cách khác, cũng như phải tuân giữ các quy tắc đặc biệt về các vụ kiện về thân trạng và các vụ kiện liên quan đến công ích.
Ðiều 1692:
(1) Trừ khi có luật pháp đã dự liệu đặc biệt cho từng địa phương, sự ly
thân của hai vợ chồng đã chịu phép rửa tội có thể được quyết nghị do nghị định của
Giám Mục giáo phận, hay do bản án của thẩm phán, chiếu theo quy tắc của các điều
luật sau đây.
(2) Ở đâu quyết định của giáo quyền không phát sinh hiệu lực về dân luật, hay nếu
thấy trước bản án dân luật không nghịch lại thiên luật, Giám Mục giáo phận nơi hai vợ chồng cư ngụ, sau khi cân nhắc hoàn cảnh đặc biệt, có thể cho phép họ nại đến tòa án
dân sự.
(3) Nếu vụ án cũng liên qua đến các hiệu lực thuần túy dân sự của hôn nhân, thì
thẩm phán, sau khi giữ quy định nói ở triệt 2, phải làm thế nào để vụ kiện ngay từ đầu
được đưa ra tòa án dân sự.
Ðiều 1693:
(1) Nếu đương sự hay chưởng lý không yêu cầu áp dụng tố tụng hộ sự
thông thường, thì sẽ áp dụng tố tụng hộ sự khẩu biện.
(2) Nếu áp dụng tố tụng hộ sự thông thường và kháng cáo được đệ nạp, thì tòa đệ
nhị cấp phải tiến hành theo quy tắc của điều 1682, triệt 2, miễn là giữ những gì cần phải
giữ.
Ðiều 1694: Về thẩm quyền tòa án, phải giữ các quy định của điều 1673.
Ðiều 1695: Trước khi nhận vụ kiện và khi đoán có hy vọng đạt được kết quả tốt, thẩm phán phải dùng các phương thế mục vụ để giải hòa hai vợ chồng và khuyến dụ họ tái lập cuộc sống chung.
Ðiều 1696: Những vụ kiện ly thân cũng liên quan đến công ích; vì thế chưởng lý phải luôn can thiệp theo quy tắc của điều 1433.
Ðiều 1697: Duy chỉ hai vợ chồng hay một trong hai, mặc dù người kia không muốn, mới có quyền yêu cầu ơn chuẩn hôn nhân thành nhận nhưng chưa hoàn hợp.
Ðiều 1698:
(1) Chỉ một mình Tòa Thánh phán quyết về sự kiện bất hoàn hợp của
hôn nhân, và về sự có lý do chính đáng để ban ơn chuẩn.
(2) Ơn chuẩn chỉ do một mình Ðức Thánh Cha ban mà thôi.
Ðiều 1699:
(1) Thẩm quyền nhận đơn xin chuẩn là Giám Mục Giáo Phận nơi
nguyên đơn có cư sở hay bán cư sở; nếu lời yêu cầu có căn bản, Giám Mục phải ra
lệnh để lo thẩm cứu vụ kiện.
(2) Nếu trường hợp đề ra có nhiều khó khăn đặc biệt thuộc lãnh vực pháp lý và luân
lý, Giám Mục giáo phận phải hỏi ý kiến Tòa Thánh.
(3) Nếu đơn thỉnh nguyện bị nghị định của Giám Mục bác bỏ, thì có thể thượng tố
lên Tòa Thánh.
Ðiều 1700:
(1) Tuy vẫn tuân giữ điều 1681, Giám Mục nên ủy thác việc thẩm cứu
các vụ này, cách thường xuyên hay cho từng trường hợp, cho tòa án giáo phận của
mình hay của giáo phận khác, hoặc cho một linh mục có khả năng.
(2) Nếu đã nạp đơn khởi tố để xin tuyên bố sự vô hiệu của hôn nhân ấy, thì sự thẩm
cứu vụ kiện phải được ủy thác cho cùng một tòa án.
Ðiều 1701:
(1) Trong các vụ kiện này, bảo hệ phải luôn luôn can thiệp.
(2) Luật sư không được thâu nhận; tuy nhiên, vì trường hợp khó khăn, Giám Mục có
thể cho phép nguyên đơn hay bị đơn nhờ một chuyên viên về luật khoa giúp đỡ.
Ðiều 1702: Trong khi thẩm cứu, phải nghe cả hai người phối ngẫu, và trong mức độ có thể, phải giữ các điều khoản về việc thu thập bằng chứng trong tố tụng hộ sự thông thường và trong những vụ kiện tuyên bố hôn nhân vô hiệu, miễn là có thể dung hòa với bản tính của các vụ kiện này.
Ðiều 1703:
(1) Án từ sẽ không được công bố. Tuy nhiên, nếu thấy rằng các bằng
chứng được trưng dẫn gây ngăn trở hệ trọng cho thỉnh nguyện của nguyên đơn hay
cho khước biện của bị đơn, thẩm phán có thể khôn ngoan tỏ cho bên đương sự liên hệ
biết.
(2) Nếu có đương sự nào yêu cầu, thẩm phán có thể cho xem tài liệu đã được đệ
trình hay bằng chứng đã được thu thập, và có thể ấn định thời hạn để rút ra các kết
luận.
Ðiều 1704:
(1) Sau khi hoàn tất cuộc thẩm cứu, người thẩm cứu phải trao tất cả án
từ cùng với tờ phúc trình xứng hợp cho Giám Mục. Giám Mục phải phát biểu ý kiến của
mình dựa trên sự thật khách quan về sự kiện bất hoàn hợp, cũng như về lý do chính
đáng để miễn chuẩn và sự thích hợp của ơn chuẩn.
(2) Nếu việc thẩm cứu vụ kiện được ủy thác cho một tòa án khác theo quy tắc của
điều 1700, thì các nhận xét bảo vệ hôn hệ sẽ do chính tòa án đó soạn thảo, nhưng ý
kiến nói ở triệt 1 thuộc về Giám Mục đã ủy nhiệm; người thẩm cứu phải trao cho ngài
bản phúc trình xứng hợp cùng với các án từ.
Ðiều 1705:
(1) Giám Mục phải gởi lên Tòa Thánh tất cả các án từ cùng với ý kiến
của mình và các nhận xét của bảo hệ.
(2) Nếu xét cần phải bổ túc sự thẩm cứu, thì Tòa Thánh sẽ cho Giám Mục biết và sẽ
chỉ định những phần nào phải được thẩm cứu bổ túc.
(3) Nếu Tòa Thánh phúc đáp rằng qua các bằng chứng không xác định được sự bất
hoàn hợp, thì chuyên viên luật khoa nói ở điều 1701, triệt 2, có thể xem xét án từ vụ kiện tại trụ sở tòa án, nhưng không được xem ý kiến của Giám Mục, ngõ hầu ước định
xem có thể thêm lý do nào hệ trọng để đệ nạp thỉnh nguyện lần nữa.
Ðiều 1706: Phúc nghị của ân chuẩn sẽ được Tòa Thánh gởi cho Giám Mục, Giám Mục sẽ cáo tri phúc nghị cho các đương sự và truyền lệnh ngay cho cha sở nơi đã kết hôn và nơi đã chịu phép rửa tội, để ghi chú ân chuẩn vào sổ hôn phối và sổ rửa tội.
Ðiều 1707:
(1) Một khi sự mệnh một của một người phối ngẫu không được chứng
minh bằng tài liệu công chứng của giáo quyền hay chính quyền, người phối ngẫu kia
không được tự tháo bỏ hôn hệ, nếu không được Giám Mục giáo phận tuyên bố sự suy
đoán tử vong.
(2) Giám Mục giáo phận chỉ có thể ra tuyên cáo nói ở triệt 1, sau khi đã điều tra cẩn
thận, qua các lời cung khai của các nhân chứng, qua tiếng đồn hay qua các dấu hiệu
khác, hầu nắm được sự chắc chắn luân lý về sự mệnh một của người phối ngẫu.
Nguyên sự thất tung, tuy đã lâu dài, không đủ để có thể tuyên bố.
(3) Trong những trường hợp không chắc và phức tạp, Giám Mục phải hỏi ý kiến của
Tòa Thánh.
Ðiều 1708: Quyền tố cáo sự truyền chức thánh vô hiệu thuộc về chính giáo sĩ, hoặc Bản Quyền mà giáo sĩ lệ thuộc, và Bản Quyền giáo phận nơi giáo sĩ đã chịu chức.
Ðiều 1709:
(1) Ðơn phải được gởi đến Bộ có thẩm quyền; Bộ sẽ quyết định vụ kiện
sẽ được cứu xét do chính Bộ của Giáo Triều Rôma hay do một tòa án được Bộ chỉ
định.
(2) Một khi đã nộp đơn, giáo sĩ bị cấm thi hành chức vụ do chính luật pháp.
Ðiều 1710: Nếu Bộ trao vụ kiện cho một tòa án, thì các điều khoản nói về sự phán xử nói chung và về tố tụng hộ sự thông thường phải được tuân giữ, nếu không nghịch lại bản tính vấn đề; ngoài ra, phải giữ các quy định của thiên này.
Ðiều 1711: Trong những vụ này, bảo hệ hưởng cũng những quyền lợi và giữ những nghĩa vụ như bảo hệ hôn nhân.
Ðiều 1712: Sau khi án văn thứ hai xác nhận sự truyền chức thánh vô hiệu, giáo sĩ mất hết các quyền lợi riêng cho bậc giáo sĩ và được giải trừ khỏi mọi nghĩa vụ.
Ðiều 1713: Ðể tránh các cuộc tố tụng tư pháp, nên xử dụng sự điều đình hay hòa giải, hay có thể ủy thác cuộc tranh chấp cho một hay nhiều trọng tài xét xử.
Ðiều 1714: Về việc điều đình, thỏa hiệp, và trọng tài, phải giữ những quy tắc do các đương sự lựa chọn. Nếu các đương sự không lựa chọn quy tắc nào cả, thì phải theo những luật do Hội Ðồng Giám Mục ấn định nếu có, hoặc dân luật hiện hành tại nơi ký kết giao ước.
Ðiều 1715:
(1) Sự điều đình hay thỏa hiệp không thể áp dụng cách hữu hiệu trong
những vấn đề liên quan đến công ích và những vấn đề khác mà các đương sự không
thể tự do định đoạt.
(2) Trong vấn đề liên quan đến tài sản của Giáo Hội, khi sự việc đòi hỏi, phải giữ
các thủ tục do luật định cho việc di nhượng tài sản Giáo Hội.
Ðiều 1716:
(1) Nếu dân luật không thừa nhận hiệu lực của một phán quyết trọng tài
khi không được thẩm phán phê chuẩn, thì để có hiệu lực ở tòa giáo luật, phán quyết
trọng tài về một tranh chấp Giáo Hội phải được phê chuẩn do thẩm phán Giáo Hội tại
nơi mà phán quyết đã được ban hành.
(2) Tuy nhiên, nếu dân luật thừa nhận sự kháng nghị của phán quyết trọng tài trước
thẩm phán dân sự, thì chính sự kháng nghị này có thể được nạp tại tòa giáo luật trước
thẩm phán Giáo Hội; và vị này có thẩm quyền để phán xử sơ thẩm cuộc tranh chấp.
Ðiều 1717:
(1) Mỗi khi biết được, ít là cách đáng tin, về một tội phạm đã xảy ra, thì
Bản Quyền phải tự mình hay nhờ người xứng đáng điều tra cách thận trọng về các sự kiện, các hoàn cảnh và về sự quy trách, trừ khi sự điều tra này xem ra hoàn toàn vô
ích.
(2) Phải ý tứ kẻo việc điều tra này gây nguy hại đến thanh danh của bất cứ người
nào.
(3) Người điều tra cũng có quyền hành và nghĩa vụ như dự thẩm trong tố tụng. Nếu
sau đó có tố tụng tư pháp, người điều tra sẽ không được làm thẩm phán.
Ðiều 1718:
(1) Khi ước định là các yếu tố thu thập đã đủ, Bản Quyền phải quyết định:
1. có thể tiến hành tố tụng hay không, để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt;
2. có nên tiến hành hay không, chiếu theo điều 1341;
3. có cần dùng đến tố tụng tư pháp hay không, hay nếu luật pháp không cấm, phải
tiến hành bằng nghị định ngoại tư pháp.
(2) Bản Quyền phải thu hồi hay sửa đổi nghị định nói ở triệt 1, mỗi khi các yếu tố
mới thúc đẩy phải quyết định thể khác.
(3) Khi ban hành nghị định nói ở triệt 1 và 2, Bản Quyền, tùy theo sự khôn ngoan,
nên tham khảo hai thẩm phán hoặc các chuyên viên luật khoa.
(4) Trước khi quyết định theo quy tắc nói ở triệt 1 và 2, Bản Quyền phải xét xem có
tiện để chính mình hay người điều tra, với sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định
vấn đề thiệt hại, theo lẽ phải và công bình, hầu tránh những phán xử vô ích.
Ðiều 1719: Nếu không cần dùng vào tố tụng hình sự, thì các án từ điều tra và các nghị định của Bản Quyền để mở và kết thúc cuộc điều tra, và tất cả mọi tài liệu trước cuộc điều tra phải được cất giữ trong văn khố của giáo phủ.
Ðiều 1720: Nếu Bản Quyền nghĩ rằng phải tiến hành bằng nghị định ngoại tư pháp:
1. phải cho bị cáo biết sự tố cáo và bằng chứng, và phải cho họ tự biện hộ, trừ khi bị cáo đã bị triệu hoán cách hợp thức nhưng chểnh mảng không ra trình diện;
2. phải cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các bằng chứng và luận cứ với hai phụ thẩm;
3. khi đã chắc chắn là tội phạm đã xảy ra và tố quyền hình sự chưa bị tiêu diệt, thì
một nghị định sẽ được ban hành theo quy tắc ở các điều 1342-1350, trong đó trình bày,
ít là cách vắn tắt, các lý do về luật pháp và về sự kiện.
Ðiều 1721:
(1) Nếu Bản Quyền ban hành nghị định tiến hành tố tụng hình sự tư
pháp, thì Bản Quyền phải gởi các án từ điều tra cho chưởng lý để vị này nộp đơn tố
cáo lên thẩm phán chiếu theo quy tắc ở các điều 1502 và 1504.
(2) Ở tòa thượng cấp, chưởng lý được thiết lập cho tòa đó sẽ đóng vai nguyên cáo.
Ðiều 1722: Ở bất cứ giai đoạn nào của vụ kiện, để phòng ngừa gương xấu, để bảo vệ tự do của nhân chứng và để bảo toàn sự lưu hành của công lý, Bản Quyền, sau khi thỉnh ý chưởng lý và triệu hoán bị cáo, có thể cấm bị cáo thi hành chức thánh hoặc một chức vụ hay trọng trách trong Giáo Hội, buộc hay cấm bị cáo cư ngụ trong một nơi hay lãnh thổ, hay cấm tham dự công khai bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này phải được rút lại khi lý do thúc đẩy đã chấm dứt, và đương nhiên hết hiệu lực khi kết thúc thủ tục hình sự.
Ðiều 1723:
(1) Khi thẩm phán triệu bị cáo ra tòa, thì cũng phải mời bị cáo tự chọn
một luật sư, theo quy tắc của điều 1481, triệt 1, trong hạn kỳ do chính thẩm phán ấn
định.
(2) Nếu bị cáo không chọn, thì chính thẩm phán phải bổ nhiệm một luật sư trước khi
diễn ra sự đối tụng; luật sư này sẽ giữ chức vụ bao lâu bị cáo không tự chọn cho mình
một luật sư khác.
Ðiều 1724:
(1) Ở bất cứ cấp bực phán xử nào, chưởng lý cũng có thể khước từ vụ
kiện, do một mệnh lệnh hay do sự đồng ý của Bản Quyền đã quyết định bắt đầu vụ
kiện.
(2) Ðể có hiệu lực, sự khước từ phải được bị cáo chấp nhận, trừ khi chính bị cáo bị
tuyên bố khuyết tịch.
Ðiều 1725: Trong khi tranh luận vụ án, hoặc bằng luận trạng viết hay bằng khẩu biện, bị cáo luôn luôn có quyền tự mình hay nhờ luật sư hay người thụ ủy viết hay nói lời sau cùng.
Ðiều 1726: Ở bất cứ cấp bực hay giai đoạn nào của tố tụng hình sự, nếu nhận thấy rõ ràng tội phạm không do bị cáo lỗi phạm, thì thẩm phán phải tuyên bố điều ấy trong án văn và tha bổng bị cáo, cả khi tố quyền hình sự đã bị thời tiêu.
Ðiều 1727:
(1) Bị cáo có thể kháng cáo, cả khi bản án đã miễn phạt bị cáo bởi vì
hình phạt là nhiệm ý hay bởi vì thẩm phán đã xử dụng quyền nói ở các điều 1344 và
1345.
(2) Chưởng lý có thể kháng cáo mỗi khi xét thấy việc sửa chữa gương xấu hay việc
hoàn trả theo lẽ công bình không được quy định đầy đủ.
Ðiều 1728:
(1) Tuy phải tuân hành các quy định của các điều luật trong thiên này,
nhưng trong vụ kiện hình sự vẫn phải áp dụng các điều về tố tụng nói chung và về tố
tụng hộ sự thông thường, trừ khi chúng trái ngược với bản chất của vấn đề và miễn là
giữ các quy tắc riêng biệt về các vụ kiện liên hệ đến công ích.
(2) Bị cáo không bị buộc phải thú nhận tội phạm của mình, cũng không được bắt bị
cáo phải thề.
Ðiều 1729:
(1) Ðương sự nào bị thiệt hại có thể xử dụng tố quyền hộ sự để đòi bồi
thường thiệt hại mình đã chịu do tội phạm gây ra trong chính phán xử hình sự, theo quy
tắc ở điều 1596.
(2) Sự can thiệp của đương sự bị thiệt hại, nói ở triệt 1, không được chấp nhận nữa
nếu đã không được thực hiện ở bậc sơ cấp của phán xử hình sự.
(3) Kháng cáo trong vụ kiện về sự thiệt hại phải được thực hiện theo quy tắc ở các
điều 1628-1640, cho dù không thể kháng cáo được trong phán xử hình sự. Tuy nhiên,
nếu sự kháng cáo cho cả hai trường hợp được đệ trình, mặc dù do nhiều đương sự
khác nhau, thì cũng chỉ xét trong một phán xử kháng cáo duy nhất, miễn là vẫn giữ quy
định ở điều 1730.
Ðiều 1730:
(1) Ðể tránh việc trì hoãn phán xử hình sự, thẩm phán có thể hoãn lại
phán xử về sự thiệt hại cho đến khi ban hành bản án chung quyết về phán xử hình sự.
(2) Thẩm phán nào đã hành động như thế thì, sau khi ban hành bản án trong phán
xử hình sự, phải phán xử về sự thiệt hại, kể cả khi vụ kiện hình sự chưa thành chung
quyết vì đã có sự kháng nghị, hoặc kể cả khi bị cáo đã được xá miễn vì một lý do nào
đó không cất khỏi nghĩa vụ phải đền bù thiệt hại.
Ðiều 1731: Một bản án ban hành trong vụ kiện hình sự, cả khi đã trở thành vấn đề quyết tụng, không tạo ra một quyền lợi nào cho đương sự bị thiệt hại, nếu người này đã không can thiệp dựa theo quy tắc của điều 1729.