Ðiều 1587: Vụ kiện phụ đới xảy ra khi nào, sau khi đã có lệnh triệu hoán, một vấn đề được đặt ra, tuy dù không được trình bày minh thị trong đơn khởi tố, nhưng rất liên hệ đến vụ kiện đến nỗi thường thường phải giải quyết vấn đề đó trước vấn đề chính.
Ðiều 1588: Vụ kiện phụ đới được nêu lên bằng giấy tờ hay bằng miệng trước mặt thẩm phán có thẩm quyền xử vụ kiện chính, và phải vạch rõ mối liên hệ giữa nó và vụ kiện chính.
Ðiều 1589:
(1) Sau khi nhận được thỉnh cầu và nghe ý kiến của các đương sự,
thẩm phán phải quyết định thật nhanh chóng xem vấn đề phụ đới được đặt ra có nền
tảng và liên hệ đến vụ kiện chính hay không, hay phải bác bỏ nó ngay từ đầu. Nếu vấn
đề phụ đới được chấp nhận, thẩm phán phải xét vấn đề can hệ đến mức độ cần phải
giải quyết bằng án trung phán hay bằng án lệnh.
(2) Nếu xét rằng vấn đề phụ đới không cần được giải quyết trước án chung quyết,
thẩm phán phải ấn định là sẽ lưu ý đến nó trong khi xét xử vụ kiện chính.
Ðiều 1590:
(1) Nếu vấn đề phụ đới phải được giải quyết bằng một bản án, thì phải
tuân giữ các quy tắc nói về thủ tục hộ sự khẩu biện, trừ khi sự hệ trọng của vấn đề đòi
thẩm phán phải làm cách khác.
(2) Nếu vấn đề phụ đới phải được giải quyết bằng án lệnh, tòa án có thể ủy thác vấn
đề cho dự thẩm hay chánh án.
Ðiều 1591: Bao lâu vụ kiện chính chưa kết thúc, thẩm phán hay tòa án, vì một lý do chính đáng, có thể thu hồi hay sửa đổi án lệnh hay án trung phán, hoặc do lời yêu cầu của một đương sự, hoặc chiểu chức vụ, sau khi nghe ý kiến của các đương sự.
Ðiều 1592:
(1) Nếu bị đơn được đòi ra tòa mà không ra trình diện, cũng không cáo
lỗi cách hợp thức về sự vắng mặt của mình, hoặc không trả lời theo như quy tắc của
điều 1507, triệt 1, thì thẩm phán phải tuyên bố bị đơn khuyết tịch, và phải quyết định
tiến hành thủ tục cho đến án chung quyết và thi hành án văn, miễn là tuân hành những
điều luật định.
(2) Trước khi ban hành án lệnh dự liệu ở triệt 1, thẩm phán phải biết chắc rằng lệnh
triệu hoán đã được thi hành hợp lệ và đã tới tay bị đơn trong thời gian hữu ích; nếu cần
thì ra lệnh triệu hoán một lần nữa.
Ðiều 1593:
(1) Nếu sau đó, bị đơn ra trình diện hay gởi câu trả lời trước khi phán xử
vụ kiện, bị đơn có thể trưng dẫn các kết luận và bằng chứng, miễn là phải tôn trọng quy
định của điều 1600; tuy nhiên, thẩm phán phải tránh chủ tâm kéo dài vụ kiện quá lâu và
vô ích.
(2) Mặc dù đã không xuất đình, cũng không trả lời trước khi phán xử vụ kiện, bị đơn
vẫn có thể kháng nghị án văn. Nếu chứng minh được rằng mình bị ngăn trở hợp lệ và
đã không trình diện không phải do lỗi của mình, bị đơn có thể xử dụng đến đới tranh vô
hiệu.
Ðiều 1594: Nếu nguyên đơn không trình diện vào ngày và giờ ấn định cho cuộc đối
tụng và cũng không cáo lỗi thích đáng:
1. thẩm phán cho đòi nguyên đơn một lần nữa;
2. nếu nguyên đơn không tuân hành lệnh triệu hoán mới, nguyên đơn được suy
đoán là bãi nại, chiếu theo quy tắc của các điều 1524-1525;
3. nếu sau đó nguyên đơn muốn can dự vào vụ kiện thì phải giữ điều 1593.
Ðiều 1595:
(1) Ðương sự nào khuyết tịch, dù là nguyên đơn hay bị đơn, mà không
minh chứng được là mình bị ngăn trở chính đáng, phải buộc trả phí tổn đã gây ra vì
chính sự khuyết tịch của mình, cũng như, nếu cần, phải bồi thường thiệt hại cho đương
sự đối phương.
(2) Nếu cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều khuyết tịch, họ phải liên đới trả tất cả án phí.
Ðiều 1596:
(1) Người nào có lợi ích trong một vụ kiện thì được phép can dự vào vụ
kiện, ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc kiện tụng, hoặc với tư cách là đương sự bênh
vực quyền lợi của mình, hoặc là phụ trợ để giúp đỡ một đương sự đang tranh tụng.
(2) Tuy nhiên, để được chấp nhập, người ấy phải đệ đơn lên thẩm phán trước khi
kết thúc sự thẩm cứu; trong đơn phải trình bày vắn tắt quyền của mình được phép can
dự.
(3) Người nào can dự vào vụ kiện sẽ được chấp nhận ở tình trạng hiện hành của vụ
kiện; người ấy được cấp một hạn kỳ ngắn và thất hiệu để trưng các bằng chứng, nếu
vụ kiện đã đến giai đoạn dẫn chứng.
Ðiều 1597: Nếu nhận thấy sự can thiệp của một đệ tam nhân là cần thiết, thẩm phán phải gọi người đó ra tòa, sau khi nghe ý kiến các đương sự.
Ðiều 1598:
(1) Sau khi đã thu thập các bằng chứng, thẩm phán phải ra án lệnh cho
phép các đương sự và luật sư của họ xem xét các án từ mà họ chưa biết, tại văn
phòng của tòa án, nếu không thì sẽ vô hiệu. Nếu các luật sư yêu cầu, có thể trao cho
họ bản văn án từ. Tuy nhiên, trong những vụ án liên quan đến công ích, để tránh các
nguy hiểm rất trầm trọng, thẩm phán có thể quyết định một vài án từ không được tỏ cho
ai biết cả, miễn là phải ý tứ để quyền bào chữa luôn luôn được giữ toàn vẹn.
(2) Ðể bổ túc bằng chứng, các đương sự có thể trình cho thẩm phán thêm các bằng
chứng khác. Sau khi đã thu nhận chúng, nếu thẩm phán nhận thấy cần, có thể ra một
án lệnh nữa như đã nói ở triệt 1.
Ðiều 1599:
(1) Khi tất cả những gì liên quan đến việc trưng bằng chứng đã chu tất,
thì đến giai đoạn kết thúc thẩm cứu.
(2) Sự kết thúc này xảy ra khi các đương sự tuyên bố họ không còn gì khác nữa để
thêm vào, hay thời hạn hữu ích do thẩm phán ấn định để trưng bằng chứng đã hết, hay
thẩm phán tuyên bố vụ kiện đã được thẩm cứu tạm đủ.
(3) Dù sự kết thúc xảy ra dưới hình thức nào đi nữa, thẩm phán phải ra một án lệnh
tuyên bố kết thúc sự thẩm cứu.
Ðiều 1600:
(1) Khi đã kết thúc sự thẩm cứu, thẩm phán vẫn còn có thể triệu tập
chính các nhân chứng đã gọi hay các nhân chứng khác, hoặc đòi thêm những bằng
chứng khác mà trước đây chưa đòi, nhưng chỉ giới hạn trong những trường hợp sau
đây:
1. trong những vụ chỉ liên quan đến ích lợi tư riêng của các đương sự, nếu tất cả các đương sự đều đồng ý;
2. trong những vụ kiện khác, sau khi đã nghe ý kiến các đương sự, và miễn là có lý
do trầm trọng và tránh mọi nguy hiểm gian lận hoặc hối lộ;
3. trong hết mọi vụ kiện, khi nào nhận thấy nếu không nhận thêm bằng chứng mới
thì bản án sẽ bất công vì lý do nói ở điều 1645, triệt 2, số 1-3.
(2) Tuy nhiên, thẩm phán có thể ra lệnh hay cho phép trình bày một tài liệu đã không
được trình bày trước không tại lỗi của đương sự liên hệ.
(3) Các bằng chứng mới phải được công bố theo điều 1598, triệt 1.
Ðiều 1601: Sau khi đã kết thúc thẩm cứu, thẩm phán phải ấn định một hạn kỳ thích hợp để trình bày những lời biện hộ và những nhận xét.
Ðiều 1602:
(1) Những lời biện hộ và những nhận xét phải được viết trên giấy tờ, trừ
khi thẩm phán, với sự đồng ý của các đương sự, xét rằng chỉ cần một cuộc tranh biện
trong một phiên tòa là đủ.
(2) Những lời biện hộ và các tài liệu chính, nếu muốn được ấn hành, phải có phép
trước của thẩm phán, miễn là bảo vệ nghĩa vụ giữ bí mật nếu có.
(3) Về tầm độ dài ngắn của lời biện hộ, về số lượng các bản in, hay về các chi tiết
khác, cần phải theo quy luật của tòa án.
Ðiều 1603:
(1) Sau khi đã trao đổi các lời biện hộ và những nhận xét, mỗi đương sự
được quyền trả lời trong thời gian ngắn do thẩm phán ấn định.
(2) Quyền này chỉ được ban cho các đương sự một lần mà thôi, trừ khi vì lý do hệ
trọng thẩm phán thấy cần phải cho một lần thứ hai nữa; trong trường hợp ấy, nếu đã
ban cho một đương sự này, thì đương sự kia cũng được hưởng.
(3) Chưởng lý và bảo vệ có quyền đối đáp một lần nữa các câu trả lời của các
đương sự.
Ðiều 1604:
(1) Tuyệt đối cấm các đương sự, các luật sư hay những người đệ tam
cung cấp cho thẩm phán những sự thông tin khác không nằm trong án từ vụ kiện.
(2) Nếu sự tranh luận vụ kiện đã được thực hiện trên giấy tờ, thẩm phán có thể ấn
định một cuộc tranh luận khẩu biện trong một phiên tòa, để làm sáng tỏ một vài vấn đề.
Ðiều 1605: Trong một cuộc tranh luận khẩu biện nói ở điều 1602, triệt 1 và 1604, triệt 2, lục sự phải có mặt để nếu thẩm phán ra lệnh hay một đương sự yêu cầu và thẩm phán đồng ý, có thể ghi tức khắc vào biên bản những gì đã được bàn cãi và kết luận.
Ðiều 1606: Nếu các đương sự xao lãng không lo chuẩn bị biện hộ trong thời gian hữu ích, hay họ phó thác cho sự hiểu biết và lương tâm của thẩm phán, và, nếu thẩm phán nhận thấy qua các án từ và bằng chứng là vấn đề đã được cứu xét cặn kẽ, thì thẩm phán có thể tuyên án lập tức, sau khi đã hỏi nhận xét của chưởng lý và của bảo hệ, nếu họ đã can thiệp vào sự tố tụng.
Ðiều 1607: Một vụ kiện đã được cứu xét bằng hình thức tư pháp, nếu là vụ án chính, phải được thẩm phán xử bằng án chung quyết; nếu là vụ án phụ đới thì bằng án trung phán, miễn là giữ quy định của điều 1589, triệt 1.
Ðiều 1608:
(1) Ðể tuyên bố bất cứ một án nào, thẩm phán phải có sự xác tín luân lý
về vấn đề phán xử.
(2) Thẩm phán phải rút được sự xác tín này từ các án từ và các bằng chứng.
(3) Tuy nhiên, thẩm phán phải thẩm định các bằng chứng theo lương tâm của mình,
đừng kể trường hợp mà luật pháp đã quy định giá trị của một vài thứ bằng chứng.
(4) Nếu thẩm phán không nắm được sự xác tín, thì phải tuyên bố rõ rằng quyền lợi
của nguyên đơn không rõ rệt và phải giải trừ bị đơn, trừ khi là một vụ kiện được hưởng
đặc ân của luật pháp, vì trong những trường hợp này thẩm phán phải tuyên bố thuận
lợi cho vụ kiện.
Ðiều 1609:
(1) Trong tòa án tập đoàn, chánh án phải chỉ định ngày và giờ để các
thẩm phán hội lại thảo luận và, trừ khi có lý do đặc biệt, cuộc hội thảo phải được diễn ra
tại trụ sở tòa án.
(2) Ðến ngày đã được ấn định, mỗi thẩm phán phải mang đến kết-luận-trạng của
mình về nội dụng vụ kiện, cùng với những lý lẽ về pháp lý hay về sự kiện đưa đến kết
luận; các kết-luận-trạng sẽ được kèm vào các án từ vụ kiện và phải được giữ bí mật.
(3) Sau khi kêu cầu danh Thiên Chúa, mỗi thẩm phán sẽ lần lượt trình bày kết luận
của mình, dựa theo thứ tự ưu tiên tuy luôn luôn phải bắt đầu từ người có nhiệm vụ
tường trình hay phúc trình viên của vụ kiện; tiếp đó, cuộc bàn thảo bắt đầu dưới sự
hướng dẫn của chánh án, nhất là để thỏa thuận với nhau về những điều phải ấn định
trong phần chủ văn của bản án.
(4) Trong cuộc thảo luận, mỗi người được phép rút lại kết luận trước đây của mình.
Tuy nhiên, thẩm phán nào không muốn theo quyết định của những người khác có thể
yêu cầu, nếu có kháng cáo, phải chuyển lên tòa án thượng cấp kết luận của mình.
(5) Nếu trong buổi thảo luận đầu tiên, các thẩm phán không muốn hay không thể đi
đến phán xử, thì có thể dời sự quyết định đến một buổi họp khác, nhưng không quá
một tuần, trừ khi phải bổ túc thẩm cứu vụ án chiếu theo quy tắc của điều 1600.
Ðiều 1610:
(1) Nếu là thẩm phán duy nhất, chính thẩm phán phải thảo án văn.
(2) Trong tòa án tập đoàn, thẩm phán phúc trình viên phải thảo bản án, dựa trên các
lý lẽ mà mỗi thẩm phán đã dẫn nại trong buổi thảo luận, trừ khi đa số thẩm phán đã
quyết định phải lấy những lý lẽ nào rồi; kế đó, án văn phải được trao cho từng thẩm
phán để được chấp thuận.
(3) Án văn phải được ban hành trong vòng một tháng từ ngày tuyên án, trừ khi,
trong tòa án tập đoàn, vì lý do hệ trọng, các thẩm phán đã ấn định một thời hạn dài
hơn.
Ðiều 1611: Án văn phải:
1. phán xử cuộc tranh biện đã diễn ra trước tòa, đưa ra phúc đáp thỏa đáng cho từng nghi vấn;
2. ấn định các nghĩa vụ của các đương sự xuất phát từ sự phán xử và cách thức thi
hành các nghĩa vụ đó;
3. trình bày những lý lẽ, tức là những lý do về pháp lý và về sự kiện mà chủ văn bản
án dựa vào;
4. ấn định án phí.
Ðiều 1612:
(1) Sau khi kêu cầu danh Thiên Chúa, án văn phải ghi rõ lần lượt: danh tánh thẩm phán hoặc tòa án; tên họ và cư sở của nguyên đơn, bị đơn, người thụ ủy;
chưởng lý và bảo hệ, nếu họ đã can dự vào vụ án.
(2) Sau đó phải trình bày sơ lược sự kiện chính với các kết luận của các đương sự
và công thức của các nghi vấn.
(3) Tiếp đến là phần chủ văn bản án, sau khi đưa ra những lý lẽ mà chủ văn bản án
dựa vào.
(4) Sau cùng, phải ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi ban hành án văn, và phải có chữ
ký của thẩm phán hay, nếu là tòa án tập đoàn, của tất cả các thẩm phán và của lục sự.
Ðiều 1613: Những quy luật đã nói trên đây về án chung quyết cũng phải được áp dụng cho án trung phán.
Ðiều 1614: Án văn phải được công bố càng sớm càng hay, và phải chỉ rõ những phương cách mà án văn có thể bị kháng nghị. Cho đến lúc được công bố, án văn không có hiệu lực gì hết, cho dù phần chủ văn đã được thẩm phán cho phép cáo tri cho các đương sự.
Ðiều 1615: Sự công bố hay cáo tri án văn có thể được thực hiện bằng cách hoặc trao một bản sao tận tay các đương sự, hay cho các người thụ ủy của họ, hoặc gởi cho họ bản sao ấy theo cách thức nói ở điều 1509.
Ðiều 1616:
(1) Nếu trong bản văn của án văn có sai lầm về số mục hay sai lầm về
vật chất khi sao chép phần chủ văn, hay phần trình bày các sự kiện hay lời yêu cầu của
các đương sự, hay quên sót những gì mà điều 1612, triệt 4 đòi buộc, thì án văn phải
được sửa chữa hay bổ túc do chính tòa án đã tuyên án, do lời yêu cầu của một đương
sự hay chiếu theo chức vụ, nhưng luôn luôn phải hỏi ý các đương sự trước, và bằng
một án lệnh thêm vào cuối án văn.
(2) Nếu có một đương sự phản kháng, vấn đề phụ đới phải được phán xử bằng án
lệnh.
Ðiều 1617: Ngoài án văn ra, tất cả những lời tuyên bố khác của thẩm phán đều là án lệnh, và, trừ khi chỉ có tính cách thuần túy thủ tục, chúng sẽ không có hiệu lực nào nếu không trình bày ít là cách sơ lược các lý do, hay quy chiếu những lý do đã được diễn tả trong một án từ khác.
Ðiều 1618: Án trung phán hay án lệnh sẽ có giá trị như án chung quyết, nếu đối với ít là một đương sự, nó ngăn cản sự phán xử hay kết thúc chính sự phán xử hay một cấp bực phán xử.
Ðiều 1619: Tuy vẫn tôn trọng quy định của các điều 1622 và 1623, sự vô hiệu của các án từ do luật thực tại ấn định, nếu được đương sự đề khởi đới tranh biết mà không nêu lên cho thẩm phán trước khi tuyên án, thì phải kể là được bao yểm do chính án văn, miễn là vụ kiện chỉ liên hệ đến ích lợi các tư nhân.
Ðiều 1620: Án văn sẽ bị vô hiệu bất khả bao yểm nếu:
1. được ban hành do một thẩm phán vô thẩm quyền tuyệt đối;
2. được ban hành do một người không có quyền tài thẩm trong tòa án đã xử vụ
kiện;
3. thẩm phán ban hành án văn do ảnh hưởng của bạo lực hay sợ hãi trầm trọng;
4. sự tố tụng tiến hành mà không có đơn thỉnh nguyện tư pháp, như nói ở điều
1501, hoặc không chống lại một bị đơn nào hết;
5. được ban hành giữa các đương sự mà ít là một bên trong các đương sự ấy
không có năng cách ra trước tòa án;
6. một người đã hành động nhân danh một người khác nhưng không được ủy
nhiệm hợp lệ;
7. quyền biện hộ đã bị từ chối đối với bên này hay bên kia của các đương sự;
8. sự tranh tụng không được phân giải, dù chỉ là một phần.
Ðiều 1621: Ðới tranh về sự vô hiệu, nói ở điều 1620, có thể được nêu lên như khước biện không bị giới hạn thời gian, hoặc như tố quyền trước thẩm phán đã tuyên án, trong hạn mười năm từ ngày công bố án văn.
Ðiều 1622: Án văn bị vô hiệu có thể bao yểm nếu:
1. được ban hành do một số không hợp lệ của các thẩm phán, trái với quy định của
điều 1425, triệt 1;
2. không viện dẫn các lý lẽ hay lý do quyết định;
3. thiếu chữ ký theo như luật đòi hỏi;
4. không ghi năm, tháng, ngày và nơi ban hành;
5. dựa trên một án từ tư pháp vô hiệu, và sự vô hiệu không được bao yểm chiếu
theo quy tắc của điều 1619;
6. được ban hành chống lại một đương sự vắng mặt hợp lệ, chiếu theo điều 1593,
triệt 2.
Ðiều 1623: Ðới tranh vô hiệu trong những trường hợp nói ở điều 1622 có thể được nêu lên trong hạn ba tháng kể từ khi công bố án văn.
Ðiều 1624: Chính thẩm phán đã tuyên án phải cứu xét đới tranh về sự vô hiệu; nếu đương sự sợ rằng thẩm phán ấy, vì đã gây ra án văn không bị kháng nghị vì đới tranh về vô hieêu, sẽ có thiên kiến và đáng bị hồ nghi, thì đương sự có thể đòi hỏi để được thế bởi một thẩm phán khác chiếu theo quy tắc của điều 1450.
Ðiều 1625: Ðới tranh về sự vô hiệu có thể được đệ nộp chung với kháng cáo, trong thời hạn dự liệu cho sự kháng cáo.
Ðiều 1626:
(1) Ðới tranh về sự vô hiệu có thể được nêu lên không những do các
đương sự nghĩ mình bị thiệt hại, mà còn do chưởng lý hay bảo hệ mỗi khi họ có quyền
can dự.
(2) Thẩm phán có thể chiểu chức vụ thâu hồi hay cải chính án văn vô hiệu do mình
ban hành trong hạn kỳ pháp định nói ở điều 1623, trừ khi trong thời gian đó kháng cáo
được đệ nộp chung với đới tranh về sự vô hiệu, hay sự vô hiệu đã được bao yểm do
sự mãn hạn kỳ dự liệu ở điều 1623.
Ðiều 1627: Các vụ xử đới tranh về sự vô hiệu có thể được cứu xét theo các quy tắc về tố tụng hộ sự khẩu biện.
Ðiều 1628: Ðương sự nào nghĩ mình bị thiệt hại bởi một án văn, cũng như chưởng lý và bảo hệ trong những vụ đòi hỏi sự có mặt của họ, đều có quyền kháng cáo lên thẩm phán thượng cấp, miễn là giữ quy định của điều 1629.
Ðiều 1629: Không được kháng cáo chống lại:
1. một án văn của chính Ðức Thánh Cha hay của Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh;
2. một án văn vô hiệu, trừ khi sự kháng cáo được nộp chung với đới tranh về sự vô
hiệu chiếu theo quy tắc của điều 1625;
3. án văn đã trở thành vấn đề quyết tụng;
4. án lệnh của thẩm phán hay án văn trung phán mà không có hiệu lực của án
chung quyết, trừ khi kháng cáo được nộp chung với kháng cáo chống lại án văn chung
quyết;
5. án văn hay án lệnh trong một vụ kiện được luật pháp ấn định phải phán xử trong
hạn kỳ thật khẩn cấp.
Ðiều 1630:
(1) Sự kháng cáo phải được nộp cho thẩm phán đã ban hành án văn
trong thời hạn thất hiệu là mười lăm ngày kể từ khi án văn được công bố.
(2) Nếu sự kháng cáo được trình miệng, lục sự phải ghi ra trên giấy tờ trước mặt
người kháng cáo.
Ðiều 1631: Nếu xảy ra một vấn đề quyền kháng cáo, thì tòa án kháng cáo phải cứu xét vấn đề thật khẩn cấp theo các quy tắc của tố tụng khẩu biện.
Ðiều 1632:
(1) Nếu đơn kháng cáo không nói rõ muốn lên tòa án nào, thì phải suy
đoán là kháng cáo đến tòa án được nói ở các điều 1438 và 1439.
(2) Nếu đương sự đối phương kháng cáo lên một tòa án kháng cáo khác, thì tòa án
nào cao cấp hơn sẽ cứu xét vụ án, miễn là giữ điều 1415.
Ðiều 1633: Sự kháng cáo phải được tiếp diễn trước thẩm phán tòa kháng cáo trong hạn một tháng từ ngày nộp kháng cáo, trừ khi thẩm phán tòa sơ thẩm đã ấn định một thời hạn dài hơn cho đương sự theo đuổi kháng cáo.
Ðiều 1634:
(1) Ðể tiếp diễn sự kháng cáo, điều kiện cần và đủ là đương sự kêu nài
sự can thiệp của thẩm phán thượng cấp để xin sửa đổi bản án bị kháng nghị, kèm theo
bản sao của án văn này và nói rõ những lý do kháng cáo.
(2) Nếu đương sự không nhận được từ tòa sơ thẩm bản sao của án văn bị kháng
nghị trong thời hạn hữu ích, thì các hạn kỳ không lưu thông; sự ngăn trở phải được cho
thẩm phán tòa kháng cáo biết; thẩm phán tòa kháng cáo sẽ dùng mệnh lệnh truyền
thẩm phán tòa sơ thẩm phải chu toàn nghĩa vụ mau lẹ.
(3) Trong khi đó, thẩm phán tòa sơ thẩm phải gởi đến thẩm phán tòa kháng cáo các
án từ chiếu theo quy tắc của điều 1474.
Ðiều 1635: Khi đã mãn thời hạn hữu ích để kháng cáo hoặc trước thẩm phán tòa sơ thẩm hoặc trước thẩm phán tòa kháng cáo, thì sự kháng cáo được kể là đã bị khước từ.
Ðiều 1636:
(1) Người kháng cáo có thể từ bỏ sự kháng cáo, với các hiệu lực đã nói
ở điều 1525.
(2) Nếu luật không định cách khác, sự kháng cáo do bảo hệ hay chưởng lý đề khởi
có thể được từ bỏ do bảo hệ hay chưởng lý của tòa kháng cáo.
Ðiều 1637:
(1) Kháng cáo do nguyên đơn đề khởi cũng có giá trị cho bị đơn, và
ngược lại.
(2) Nếu có nhiều bị đơn hay nhiều nguyên đơn, và nếu bản án chỉ bị kháng nghị bởi
một người hay chỉ chống lại một người trong số những người đó, thì sự kháng nghị
được coi là được đề khởi do tất cả mọi người và chống lại tất cả mọi người khi nào vấn
đề được thỉnh cầu có tính cách bất khả phân hay là một nghĩa vụ liên đới.
(3) Nếu một đương sự kháng cáo một phần nào của án văn, thì đương sự đối
phương, mặc dù đã mãn kỳ kháng cáo, vẫn có thể kháng cáo phụ đới những phần khác
của án văn trong thời hạn thất hiệu là mười lăm ngày kể từ ngày sự kháng cáo chính
được cáo tri.
(4) Trừ khi đã rõ cách khác, sự kháng cáo được kể là chống lại tất cả các phần của
án văn.
Ðiều 1638: Sự kháng cáo đình chỉ việc chấp hành án văn.
Ðiều 1639:
(1) Ngoại trừ quy định ở điều 1683, ở cấp bậc kháng cáo, không được
nhận thêm thỉnh cầu mới, cho dù với danh nghĩa là muốn nhập chung cho tiện. Bởi vậy,
sự đối tụng chỉ có thể nhằm xác nhận hay sửa đổi tất cả hay một phần bản án trước
đây mà thôi.
(2) Các bằng chứng mới chỉ được thừa nhận chiếu theo quy tắc của điều 1600.
Ðiều 1640: Thủ tục ở tòa kháng cáo cũng giống như ở tòa sơ cấp, với những thích ứng cần thiết; tuy nhiên, nếu không thể bổ túc các bằng chứng, thì được phép tranh luận vụ kiện và tuyên án ngay sau sự đối tụng dựa theo quy tắc của điều 1513, triệt 1 và điều 1639, triệt 1.
Ðiều 1641: Ðừng kể quy định nói ở điều 1643, một vấn đề trở thành quyết tụng:
1. nếu có hai bản án y hệt giữa cùng những đương sự về cùng một thỉnh cầu và bởi
cùng một lý do;
2. nếu sự kháng cáo chống lại án văn không được đệ nạp trong thời hạn hữu ích;
3. nếu ở cấp kháng cáo, sự thỉnh nguyện đã bị thất hiệu hay đã được bãi nại;
4. nếu có một án chung quyết không được phép kháng cáo chiếu theo quy tắc của
điều 1629.
Ðiều 1642:
(1) Vấn đề quyết tụng được hưởng uy lực pháp lý, và không thể bị trực
tiếp kháng nghị, chỉ trừ khi dựa theo quy tắc của điều 1645, triệt 1.
(2) Vấn đề quyết tụng có hiệu lực luật pháp giữa các đương sự, phát sinh tố quyền
về sự việc đã xử và khước biện của vấn đề quyết tụng. Khước biện này cũng có thể
được thẩm phán tuyên bố chiếu chức vụ để ngăn cản sự khởi tố nữa của cùng một vụ
kiện.
Ðiều 1643: Các vụ kiện về thân trạng, kể cả các vụ án ly thân, không bao giờ trở thành vấn đề quyết tụng.
Ðiều 1644:
(1) Nếu hai án văn y hệt đã được ban hành trong một vụ kiện về thân
trạng, có thể được thượng tố lên tòa kháng cáo trong bất cứ thời gian nào, bằng cách
trưng ra những bằng chứng hay luận cứ mới và quan trọng, trong thời hạn thất hiệu là
ba mươi ngày kể từ khi đệ đơn kháng nghị. Trong thời hạn một tháng từ khi nhận các
bằng chứng và luận cứ mới, tòa kháng cáo phải ra án lệnh quyết định chấp nhận hay
bác bỏ thỉnh cầu xét lại vụ kiện.
(2) Sự thượng tố lên tòa án thượng cấp để xin xét lại vụ kiện không làm đình chỉ
việc chấp hành án văn, trừ khi luật định thể khác, hoặc khi tòa kháng cáo ra lệnh đình
chỉ chiếu theo quy tắc của điều 1650, triệt 3.
Ðiều 1645:
(1) Ðể chống lại một án văn đã trở thành vấn đề quyết tụng, có thể xử
dụng đến sự phục hồi nguyên trạng, miễn là án văn ấy bất công tỏ tường.
(2) Chỉ được coi là có sự bất công tỏ tường:
1. nếu án văn dựa trên các bằng chứng mà về sau mới biết là sai; và nếu không
nhờ các bằng chứng ấy phần chủ văn bản án không đứng vững;
2. nếu sau đó khám phá thêm các tài liệu chứng minh, không chút hồ nghi, các sự
kiện mới đòi hỏi một quyết định ngược lại;
3. nếu bản án được ban hành do sự lường gạt của một đương sự và gây thiệt hại
cho đương sự kia;
4. nếu đã bỏ qua một quy định của một điều luật không chỉ có tính cách thuần túy
thủ tục;
5. nếu án văn đi ngược lại một quyết định trước, và quyết định ấy đã trở thành vấn
đề quyết tụng.
Ðiều 1646:
(1) Sự phục hồi nguyên trạng vì những lý do nói ở điều 1645, triệt 2, các
số 1-3, phải được yêu cầu nơi thẩm phán đã ban hành án văn trong thời hạn ba tháng
kể từ ngày biết được những lý do đó.
(2) Sự phục hồi nguyên trạng vì những lý do nói ở điều 1645, triệt 2, các số 4 và 5,
phải được yêu cầu nơi tòa kháng cáo, trong hạn ba tháng kể từ khi công bố án văn.
Trong trường hợp nói ở điều 1645, triệt 2 số 5, nếu quyết định trước được biết trễ, thì
thời hạn bắt đầu từ khi được biết tin ấy.
(3) Các thời hạn nói trên đây không khởi lưu bao lâu người bị thiệt hại còn là vị
thành niên.
Ðiều 1647:
(1) Sự thỉnh nguyện phục hồi nguyên trạng đình chỉ việc chấp hành án
văn nếu chưa bắt đầu.
(2) Nhưng nếu có những dấu chỉ hữu lý để hồ nghi rằng sự thỉnh nguyện chỉ nhằm
đình trệ việc chấp hành, thì thẩm phán có thể quyết định phải chấp hành án văn; tuy
nhiên, thẩm phán sẽ có những biện pháp bảo toàn cho người thỉnh nguyện trong
trường hợp sự phục hồi nguyên trạng được chấp nhận.
Ðiều 1648: Khi đã chấp nhận sự phục hồi nguyên trạng, thẩm phán phải tuyên án về nội dung của vụ kiện.
Ðiều 1649:
(1) Giám Mục nào có trách nhiệm điều hành tòa án phải ấn định các quy tắc:
1. về sự buộc các đương sự phải trả hoặc bồi hoàn các án phí;
2. về thù lao cho các người thụ ủy, luật sư, giám định viên và thông dịch viên, và bồi
thường phí tổn cho các nhân chứng;
3. về ban cấp bảo trợ tư pháp miễn phí hay giảm bớt giá ngạch;
4. về sự đền bụ thiệt hại dành cho người không những là thất kiện mà còn kiện tụng
bừa bãi;
5. về sự nạp tiền ký quỹ, hoặc tiền bảo chứng để trả phí tổn và đền bù thiệt hại.
(2) Quyết định về án phí về thù lao và về đền bù thiệt hại không được kháng cáo riêng biệt. Tuy nhiên, đương sự có thể thượng tố trong hạn mười lăm ngày lên chính thẩm phán; thẩm phán có thể thay đổi giá ngạch án phí.
Ðiều 1650:
(1) Một án văn đã trở thành vấn đề quyết tụng có được chấp hành,
đừng kể khi phải giữ quy định của điều 1647.
(2) Thẩm phán đã tuyên án và, nếu có sự đệ nạp kháng cáo, cả thẩm phán tòa
kháng cáo, có thể chiểu chức vụ hoặc do lời thỉnh nguyện của đương sự, ra lệnh thi
hành tạm thời án văn chưa trở thành vấn đề quyết tụng, khi liên hệ đến những vấn đề
trợ cấp hay trả nợ để có thể sinh sống, hoặc khi có lý do chính đáng nào khác thúc
bách, miễn là thiết lập những bảo chứng tương xứng nếu xét là cần.
(3) Nếu án văn nói ở triệt 2 bị kháng nghị, và thẩm phán phải cứu xét việc kháng
nghị thấy có căn cứ hữu lý và sự chấp hành án văn có thể gây thiệt hại vô phương cứu
vãn, thì thẩm phán có thể đình chỉ sự chấp hành án văn hay đòi hỏi phải nộp tiền bảo
đảm.
Ðiều 1651: Sự chấp hành không thể được thực hiện trước khi có án lệnh chấp hành của thẩm phán ra lệnh truyền chấp hành án văn. Án lệnh này, tùy bản chất khác nhau của vụ kiện, có thể được gồm trong chính án văn, hay được ban hành riêng biệt.
Ðiều 1652: Nếu sự chấp hành án văn đòi hỏi sự kê khai tài sản trước, thì vấn đề phụ đới được đặt ra và sẽ được xử do chính thẩm phán đã ban hành án văn được mang ra chấp hành.
Ðiều 1653:
(1) Nếu luật địa phương không ấn định cách khác, chính Giám Mục giáo
phận tại nơi đã ban hành án văn sơ cấp phải đích thân hay nhờ người khác chấp hành
án văn.
(2) Nếu Giám Mục từ chối hay chểnh mảng, việc chấp hành án văn, do sự yêu cầu
của đương sự hay chiểu chức vụ, sẽ được chuyển qua nhà chức trách tại nơi mà tòa
kháng cáo lệ thuộc, chiếu theo quy tắc của điều 1439, triệt 3.
(3) Ðối với các tu sĩ, việc chấp hành án văn thuộc về Bề Trên đã tuyên hành bản án
hay đã ủy nhiệm cho thẩm phán tuyên xử.
Ðiều 1654:
(1) Người chấp hành phải thi hành bản án theo đúng nghĩa của văn từ,
trừ khi trong chính án văn đã cho phép người ấy phần nào được tự do định đoạt.
(2) Người chấp hành được phép cứu xét các khước biện về cách thức và hiệu lực
của việc thi hành, chứ không xét đến nội dung của vụ kiện. Tuy nhiên, nếu biết rõ ràng
là bản án vô hiệu hay bất công tỏ tường chiếu theo quy tắc ở các điều 1620, 1622,
1645, thì người chấp hành phải miễn thi hành, và phải giao lại nội vụ cho tòa án đã ban
hành án văn, sau khi đã cáo tri cho các đương sự.
Ðiều 1655:
(1) Ðối với tố quyền đối vật, khi một đồ vật được phán định là thuộc về
nguyên đơn, vật ấy phải được trao cho nguyên đơn liền sau khi xảy ra vấn đề quyết
tụng.
(2) Ðối với tố quyền đối nhân, khi bị đơn bị kết án trao một vật động sản, hay trả một
số tiền, hay trao đưa hay làm một việc gì, thì thẩm phán trong chính bản văn, hay người
chấp hành, tùy theo sự định đoạt khôn ngoan của mình, phải ấn định hạn kỳ để chu
toàn nghĩa vụ. Hạn kỳ này không được dưới mười lăm ngày cũng không được quá sáu
tháng.
Ðiều 1656:
(1) Tố tụng hộ sự khẩu biện nói trong tiết này có thể được xử dụng trong
tất cả vụ kiện mà luật không loại trừ, trừ khi một đương sự yêu cầu tiến hành theo tố
tụng hộ sự thông thường.
(2) Nếu tố tụng khẩu biện được xử dụng ngoài các trường hợp luật pháp cho phép,
các án từ tư pháp sẽ bị vô hiệu.
Ðiều 1657: Tố tụng hộ sự khẩu biện ở tòa sơ cấp sẽ do thẩm phán duy nhất xét xử, chiếu theo quy tắc của điều 1424.
Ðiều 1658:
(1) Ngoài những điểm đã nói ở điều 1504, đơn khởi tố còn phải:
1. trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện dựa vào đó nguyên đơn thỉnh nguyện;
2. chỉ rõ các bằng chứng, theo đó nguyên đơn định chứng minh các sự kiện; tuy các
bằng chứng ấy không thể đính kèm trong đơn được, nhưng phải làm cách nào để thẩm
phán có thể thâu thập tức khắc.
(2) Trong đơn phải đính kèm theo những văn kiện, ít là bằng bản sao công chứng, làm nền tảng cho việc thỉnh nguyện.
Ðiều 1659:
(1) Một khi sự cố gắng hòa giải, theo quy tắc của điều 1446, triệt 2,
không đem lại kết quả, nếu thẩm phán nhận thấy đơn khởi tố có vài nền tảng, thì trong
hạn ba ngày, phải ra một án lệnh phê ở dưới đơn ấy, truyền tống đạt một bản sao của
lá đơn đến bị đơn để cáo tri, và cho phép bị đơn, trong hạn mười lăm ngày, phải gởi
đến văn phòng tòa án phúc đáp viết ra giấy tờ.
(2) Sự cáo tri này có hiệu lực của lệnh triệu hoán nói ở điều 1512.
Ðiều 1660: Nếu có khước biện của bị đơn đòi hỏi, thẩm phán sẽ ấn định cho nguyên đơn thời hạn để trả lời. Nhờ các yếu tố mà các đương sự trưng dẫn, thẩm phán có thể nhận thấy rõ ràng đối tượng của sự tranh tụng.
Ðiều 1661:
(1) Khi mãn các thời hạn nói ở các điều 1659 và 1660, và dựa trên án
từ, thẩm phán phải xác định công thức của vấn nạn cần được giải quyết. Tiếp đến, phải
đòi tất cả những người liên hệ ra trình diện ở tòa, trong một phiên họp triệu tập trong
vòng không quá ba mươi ngày. Khi đòi các đương sự, thẩm phán phải cho họ biết công
thức vấn nạn cần được giải quyết.
(2) Trong sự triệu hoán, các đương sự phải được thông báo là họ có thể đệ trình
cho tòa án một bản viết ngắn để chứng minh những điều quả quyết của họ, ít nữa là ba
ngày trước phiên họp.
Ðiều 1662: Trong phiên họp, trước hết phải xét đến các vấn đề được nói ở các điều 1459-1464.
Ðiều 1663:
(1) Các bằng chứng sẽ được thu thập trong phiên họp tuy vẫn giữ quy
định của điều 1418.
(2) Ðương sự và luật sư của đương sự có thể tham dự cuộc thẩm vấn của các
đương sự khác, của các nhân chứng và của các giám định viên.
Ðiều 1664: Các câu trả lời của các đương sự, của các nhân chứng và của các giám định viên, các thỉnh nguyện và khước biện của các luật sư, phải được lục sự ghi lại trên giấy tờ, nhưng cần ghi cách tóm tắt và ghi phần liên quan đến bản tính của vấn đề tranh tụng; biên bản phải được những người cung khai ký.
Ðiều 1665: Các bằng chứng đã không được trưng dẫn hay yêu cầu trong thỉnh đơn, hay trong các câu trả lời, chỉ có thể được thẩm phán chấp nhận chiếu theo quy tắc của điều 1452; tuy nhiên, sau khi đã nghe dù chỉ là một nhân chứng, thẩm phán chỉ có thể đòi thêm bằng chứng mới chiếu theo quy tắc của điều 1660.
Ðiều 1666: Nếu trong phiên họp ấy không thể thu thập tất cả các bằng chứng thì một phiên họp khác sẽ được triệu tập.
Ðiều 1667: Khi đã thu thập các bằng chứng xong, cuộc tranh luận khẩu biện sẽ diễn ra trong cùng một phiên họp.
Ðiều 1668:
(1) Nếu qua cuộc tranh luận, thẩm phán không thấy cần phải bổ túc
thẩm cứu cho vụ án, hay không có sự gì khác ngăn trở việc tuyên án hợp thức, thẩm
phán sẽ lập tức phán xử vụ kiện một mình sau khi mãn phiên họp. Phần chủ văn bản
án phải được đọc liền sau đó cho các đương sự đương tịch.
(2) Tuy nhiên, vì vấn đề khó khăn hay vì lý do chính đáng khác, tòa án có thể hoãn
lại việc quyết định cho đến ngày thứ năm tính theo thời gian hữu ích.
(3) Nguyên bản của án văn cùng với các lý do được viện dẫn phải được cáo tri cho
các đương sự càng sớm càng tốt, và thường là trong thời hạn mười lăm ngày.
Ðiều 1669: Nếu xét thấy tố tụng hộ sự khẩu biện đã được áp dụng ở tòa sơ cấp trong những trường hợp bị luật pháp loại trừ, tòa kháng cáo phải tuyên bố án văn vô hiệu và gởi trả nội vụ lại cho tòa đã ban hành bản án.
Ðiều 1670: Về những vấn đề khác liên quan đến thủ tục tiến hành phải giữ những quy định ở các điều khoản nói về tố tụng hộ sự thông thường. Tuy nhiên, với một án lệnh có viện dẫn lý do, tòa án có thể quyết định bỏ qua những quy tắc tố tụng nào không được ấn định cho sự hữu hiệu, hầu cho vụ kiện được giải quyết nhanh chóng hơn, miễn sao công lý vẫn được tôn trọng.